TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TRANG VĂN "TIỂU THU"
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TRANG VĂN "TIỂU THU"

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Mon Nov 07, 2022 9:48 am    Tiêu đề: TRANG VĂN "TIỂU THU"

* HOA HỒNG VƯỜN CŨ


Hoa Hồng Vườn Cũ

Ảnh minh họa


Hoa Hồng Vườn Cũ

Tiểu Thu

Từ khi chú Út của Tố Quyên bị té gãy chân, sau đó trở thành có tật phải đi cà nhắc thì ông bà nội rầu lắm. Ông nội ngoài bảy mươi lại bị bịnh tê thấp hành hạ khiến ông đau nhức quanh năm, đi đâu cũng phải chống ba ton. Nhà tuy đông con trai, nhưng áp dụng đúng câu giàu út ăn khó út chịu, chú út của Quyên sau khi lập gia đình vẫn ở với ông bà nội để tiếp trông nom ruộng đất, vườn tược. Những người anh lớn đã lập nghiệp trên Sàigòn. Bác Ba Ðạt có hai chiếc xe vận tải, chuyên chở hàng hóa từ Sàigòn đi các tỉnh miền Trung. Bác Tư Hậu có hãng xuất nhập cảng. Cả chú Sáu Tiến cũng có tiệm bán gạo bề thế ở chợ Thị Nghè. Chỉ có ba má Tố Quyên là hơi ạch đụi. Chú năm Tuân, ba của Quyên làm kế toán trưởng trong một viện bào chế ngoài đường Tự Do. Gia đình có căn nhà sát mặt lộ trên con đường Lê Quang Ðịnh. Vốn có máu thương mại trong người, ở không chịu hổng nổi nên thím Năm bày ra bán gạo lẻ, nước mắm, đường, than củi.. Ai cũng khen thím có “doan buôn bán”, vì lúc nào tiệm cũng đông khách. Tuy không giàu có bằng các anh em khác, nhưng chú thím Năm cũng không có gì đáng để phàn nàn.

Riêng Tố Quyên hằng ngày lót tót ôm cặp theo chân hai người chị họ, con bác Ba Ðạt, đi học ở trường Tiểu Học Chi Lăng. Ngôi trường tọa lạc gần Lăng Ông Bà Chiểu, có thể nói là sát vách Trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh. Cái điều khiến cho cô bé Tố Quyên không thể nào quên được là cái sư đoàn bán quà đông ken trước cửa trường. Bao nhiêu tiền ba má cho, trước sau gì cũng chui vô túi của mấy bà bán quà vặt này.

Tưởng đâu dòng đời cứ êm xuôi mãi, nào ngờ cuối năm lớp nhứt, sau tai nạn của chú Bảy Khang, ông nội Tố Quyên lên tiếng kêu gọi lòng hiếu thảo của mấy người con, nếu có thể về quê giúp ông cai quản ruộng đất. Tất nhiên là các ông con lắc đầu quầy quậy, trừ ba của Tố Quyên. Chú Năm Tuân thích sống cuộc đời tự do, thoải mái và yêu những khoảng không gian bao la bát ngát. Từ mấy năm nay, hằng ngày phải giam mình trong bốn bức tường, trước mặt, trong đầu chi chít những con số, chú đã bực lắm rồi. Thì đây là cơ hội ngàn vàng giúp chú thoát khỏi cái cuộc sống đều đều buồn tẻ đang đè nặng trên vai. Thím Năm phản đối kịch liệt. Ðang làm ăn khấm khá, lại quen với những tiện nghi nơi đô thành, nhất là trước viễn ảnh phải đâm đầu trở lại kiếp làm dâu, thím Năm cảm thấy cuộc đời mình sẽ đen thui không thua gì cái đống than đước thím chất ngoài sân để bán cho bà con lối xóm!. Nhưng rồi những lời òn ỉ của ông chồng đẹp trai, hào hoa phong nhã lần lần khiến lòng thím mềm như bún. Cuối cùng hai vợ chồng thu xếp bán căn nhà và sang tiệm gạo, dắt con gái về quê. Năm đó con nhỏ mới gần mười ba tuổi.

Nhỏ rời cái xóm Bình Hòa với biết bao là luyến thương, tiếc nuối. Từ hai tháng nay Tố Quyên đóng vai chim xanh đưa thơ của anh Minh, con Bác Ba Ðạt, đến chị Lệ Nga là chị của con Kim Chi, bạn thân của Tố Quyên. Nhà Kim Chi là một ngôi biệt thự kiểu xưa rất đẹp, cách nhà Tố Quyên chưa đầy năm chục thước. Má nó sang trọng lắm. Bà không làm động móng tay, quần là áo lượt, suốt ngày chỉ đi dạo phố sắm đồ, hoặc đánh tứ sắc với các bà bạn cũng thuộc loại sang trọng như bà. Rất dễ hiểu, ba của Kim Chi là một nhân vật lớn trong chánh quyền thời đó. Tố Quyên thích qua chơi với Kim Chi vì vườn nhà nó rộng, mặc sức cho hai đứa chạy nhảy, hái trái cây thỏa thích mà không bị la rầy.

Trong góc vườn, gần cây vú sữa hột gà là cây mận da người. Con Kim Chi nói mấy cây này phải lấy giống tận dưới Sa Ðéc. Có lần Tố Quyên cầm trái mận bóng ngời một màu xanh cẩm thạch, kê sát cánh tay rồi hỏi bạn:

– Nè Kim Chi, mày thấy da trái mận này có giống da người chút nào không vậy?

– Ừa hổng giống chút nào. Vậy mà hồi đó tới giờ tao đâu có để ý.

Quyên đưa trái mận ngang tầm mắt, vừa ngắm nghía vừa nói:

– Tao thấy nó xanh giống da con kắc kè!

Kim Chi hét lên:

– Ý ẹ ghê quá! Nghe mày nói tao hết dám ăn luôn.

Tố Quyên cười hì hì:

– Mày chê thì còn tao đây chi. Cho mày hay, anh Minh, anh Sơn con bác ba tao cũng khoái mận này lắm nghen. Mỗi lần bà nội tao dưới quê lên chơi, đem thứ mận da cắc kè này lên là mấy ổng giành ăn với mấy chị tao như điên. Tao thì khỏi, tại tao ăn... ké mận nhà màỵ

Nói rồi Tố Quyên đưa trái mận lên miệng cắn, nhai nhóc nhách ngon lành. Con Kim Chi bỗng à lên một tiếng như vừa nhớ lại một chuyện gì đó:

– Mày biết hôn, ngày hôm kia tao tình cờ thấy chị Nga đạp xe từ trường về, có anh Minh mày đạp xe tò tò ở phía sau.

Tố Quyên giựt mình, nhưng cố cãi:

– Vậy mà mày cũng thấy lạ! Thì họ tình cờ đi học về một lượt...

– Nhưng cái kỳ kỳ là bà Nga đứng trước cổng không chịu vô liền như mọi khi. Anh mày chạy ngang ngó chỉ cười, chỉ cũng cười lại với ảnh. Sau đó, đạp đi một khúc rồi mà anh Minh còn ngó ngoái lại cười với bà Nga nữa đó mày Lúc đó bả mới chịu vô nhà. Tao không biết họ quen nhau từ hồi nào.

Tố Quyên chắc lưỡi:

– Thôi, mày để ý tới chuyện người lớn làm chi. Má tao nói chị Nga mày đẹp như tiên thì thiếu gì người chạy theo thả dê.

Mà chị Nga đẹp thật. Da chị trắng như dồi phấn. Người dong dỏng mình dây, nên cái áo dài tím chị mặc mới thướt tha làm sao! Riêng đôi mắt mới là đặc biệt. Nó không tròn như mắt bồ câu mà lại xếch lên, đen lóng lánh. Má Quyên nói đó là cặp mắt phượng. Ðôi môi hồng tự nhiên của chị mỗi lần cười lại khoe hai hàm răng trắng đều tăm tắp. Riêng mái tóc mây đen mun xõa tới ngang lưng được chị cưng đặc biệt. Mỗi tối chải một trăm lần với cây lược đồi mồi chị mua hồi cả nhà đi du ngoạn Hà Tiên. Chẳng bù cho con Kim Chi, cái đầu khét nắng vì chạy chơi ngoài vườn với Tố Quyên.

Chị Nga thích hoa hồng lắm. Trong vườn, chị xin ba má cho trồng rất nhiều hồng. Mỗi lần gia đình lên Ðà Lạt nghỉ mát, thế nào chị cũng kỳ kèo được mang về vài cây. Vì vậy mà vườn nhà con Kim Chi lúc nào cũng rực rỡ sắc màu. Những đóa hồng, cánh mịn như nhung, đỏ tựa ráng chiều, hồng phớt như má các cô gái đương xuân, vàng đài các, trắng kiêu sa và tỏa hương thơm ngát.

Chị Nga săn sóc hồng giống như bà mẹ săn sóc con thơ. Cuối tuần chị cứ quanh quẩn bên những gốc hồng. Cắt tỉa, bón phân v.v... Hai con nhỏ xí xọn cứ cười nhạo mỗi khi thấy chị cúi xuống hôn hít từng đóa hoa, rồi ngẩng lên, cặp mắt lim dim, thở ra những hơi dài khoan khoái giống như mấy tay ghiền thuốc phiện, sau khi phi thì... phê!

Thấy tụi nó cười, chị Nga mắng mỏ:

– Tụi bây biết gì. Hồng là chúa của các loài hoa. Nó vừa có sắc vừa có hương. Như hoa Lan đẹp vậy mà có thơm tho gì đâu!

Hai con nhỏ ngu ngơ trề môi:

– Bông hồng của chị đẹp mà có ăn được hôn? Tụi em khoái cây mận, cây chùm ruột hơn. Ăn mận, chùm ruột... chấm muối ớt hay mấm ruốt thì...

Nói tới đây tụi nó còn giả bộ chép miệng, nuốt nước miếng ừng ực ra vẻ ngon hết cỡ. Chị Nga vùng vằng:

– Thôi, không thèm nói chuyện với thứ phàm phu tục tử như tụi bây!

Thấy chị giận dỗi, hai đứa cùng phá lên cười khiến chị Nga cũng cười theo. Chị cú lên đầu mỗi đứa một cái đau điếng nói cho chừa!

Cách đây chừng một tháng anh Minh qua nhà Tố Quyên, nhà Bác Ba cách nhà Quyên có hai căn. Anh hỏi thăm vớ vẩn năm ba câu, rồi lấy trong cuốn sách anh cầm theo một phong thơ màu xanh lơ rất đẹp đưa cho con nhỏ. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của cô em, Minh ấp úng:

– Quyên làm ơn đưa giùm anh bức thơ này cho Nga, chị của nhỏ Kim Chi. Nhớ đừng cho ai biết.

Thấy Tố Quyên còn ngần ngại chưa chịu cầm, Minh xuống giọng... xề:

– Làm ơn giúp anh đi mà. Xong việc anh thưởng. Nhỏ muốn gì anh cũng chịu hết.

Con nhỏ chợt nhớ tới cây kẹp tóc hình con bướm trên mái tóc bum bê mượt mà của con Ngọc Quỳnh trong lớp. Nhỏ này cũng con nhà giàu như Kim Chi, nhưng lại điệu rơi điệu rụng. Mấy đứa bạn trong lớp thường nhìn một cách thèm thuồng những bộ quần áo sang trọng, những món trang sức tuy nho nhỏ nhưng rất xinh đẹp của Ngọc Quỳnh. Tố Quyên bắt chẹt anh Minh. Anh gật đầu lia lịa. Con nhỏ hứa hẹn sẽ đưa bức “tâm thơ” của anh Minh tới tay người đẹp.

Sau này anh Minh kể cho Tố Quyên nghe là anh đã bền chí đạp xe tò tò đi theo chị Nga cả tháng trời. Bất kể nắng mưa. Một hôm ông Trời giúp anh Minh bằng cách cho sợi giây sên... nhai vạt áo dài của chị Nga te tua. Anh Minh bèn biểu diễn một màn “Anh hùng cứu Mỹ nhân” khiến người đẹp cũng... hơi hơi cảm động! Rồi từ đó họ mới bắt đầu trao nhau những cái liếc mắt, những nụ cười e ấp trên con đường từ trường Gia Long về nhà. Năm đó chị Nga sửa soạn thi bằng Thành chung và anh Minh đang học lớp première trường Jean-Jacques Rousseau. Dưới con mắt của Tố Quyên thì hai anh chị rất xứng đôi. Anh Minh của Quyên giống hệt bác Ba nên đẹp trai lắm. Anh cao cỡ một thước bảy, mũi cao, mắt sâu, mái tóc dầy dợn sóng đen mun. Lúc anh cười khoe chiếc răng khểnh nơi khóe môi mới là thần sầu! Nhiều cô ở cái xóm Bình Hòa này mê anh lăn lóc, nhưng không cô nào địch lại chị Lệ Nga.

Tố Quyên ngạc nhiên không biết họ nói gì với nhau trong thơ, mà có khi nhỏ phải đưa qua đưa lại một tuần tới ba, bốn lần! Khi nêu thắc mắc thì anh Minh cười cười, nháy mắt với nhỏ:

– Ðừng gấp. Mai mốt lớn lên nhỏ sẽ biết liền hà. Bây giờ anh có nói nhỏ cũng hổng hiểu đâu.

Một hôm Tố Quyên để bức thơ trong túi áo như thường lệ. Ðợi lúc thuận tiện, thí dụ như con Kim Chi chạy vô nhà uống nước hoặc đi tiểu, Tố Quyên sẽ phóng thiệt lẹ vô phòng chị Lệ Nga, móc túi đưa ngay cho chị rồi dông trở ra vườn, tỉnh queo như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng hôm đó trời xui đất khiến gì mà con Kim Chi cứ ở riết ngoài vườn, túng quá Tố Quyên phải giả bộ mắc tiểu để đi vô nhà. Nhỏ ba chân bốn cẳng đi thiệt lẹ. Ngang phòng ngủ thấy Lệ Nga đang ngồi gạo bài, nhỏ mừng quá bước vô đưa bức thơ rồi trở ra liền. Ra vườn không thấy Kim Chi đâu, Tố Quyên kêu Chi ơi Chi hỡi hai ba tiếng mới thấy con nhỏ này từ trong nhà tà tà đi ra, tay cầm ly nước đá lạnh.

Kim Chi tới trước mặt Tố Quyên, nhìn bạn bằng nửa con mắt, miệng cười miếng chi cọp:

– Hồi nãy tao thấy mày từ trong phòng bà Nga đi ra.

– Ðâu..đâu có... Tú Quyên ú ớ.

– Tao còn thấy mầy đưa cho bả cái gì nửa đó. Mày không nói thiệt tao nghỉ chơi với mày luôn.

Nghe tới đây Tố Quyên hết hồn. Nhỏ mím môi suy nghĩ hồi lâu rồi bắt Kim Chi thề độc nhỏ mới chịu... tiết lộ.

Nghe xong, Kim Chi dẩu mỏ, nguýt bạn một cái:

– Vậy mà cũng dấu tao. Còn nói là bạn thân!

Tố Quyên chống chế:

– Tại anh Minh với chị Nga dặn tao không được nói với ai. Chắc họ sợ mày mét với má mày thì chết.

Kim Chi gật gù:

-Ừ họ sợ cũng phải. Mày biết hôn, anh Thắng đương theo bà Nga dữ lắm đó. Ba ảnh là bạn của ba tao. Nghe má tao nói nhà họ giàu lắm. Ba anh Thắng có tới mấy xưởng dệt. Ổng tàu lai, nhưng má ảnh người Việt. Anh Thắng là con một. Sau này gia tài một mình ảnh hưởng trọn. Họ hay đem quà biếu ba má tao lắm. Mà toàn đồ mắc tiền không hà. Hôm thứ bảy anh Thắng mới đem biếu má tao hộp sâm Cao Ly. Ảnh nói ba ảnh mới đi Hồng Kông về.

– Vậy thì chết anh Minh tao rồi! Tố Quyên hốt hoảng la lên.

Thấy điệu bộ của bạn, Kim Chi cười hì hì:

– Mày đừng sợ. Tuy ba má tao thích anh Thắng, nhưng chị Nga thì không ưa. Chỉ kêu anh Thắng là công tử bột, tối ngày chỉ biết ăn chơi. Với lại anh Thắng không đẹp trai bằng anh Minh của mày.

Ðược bạn trấn an nhưng Tố Quyên không yên tâm lắm. Chiều hôm đó ăn cơm xong nhỏ tót qua nhà bác Ba Ðạt. Minh đang cắm cúi học bài, thấy Quyên lên thang gác tưởng có thơ của Lệ Nga mắt sáng lên. Con nhỏ nhìn thấy anh Sơn đang ngồi học ở bàn gần đó thì... rét! Sơn nghiêm lắm, ít khi đùa giỡn với mấy đứa em, thành thử đứa nào cũng sợ. Nhỏ rón rén đến gần anh Minh, ghé tai thì thào dặn chừng nào rảnh thì qua nhà Quyên có chuyện quan trọng lắm.

Minh ngồi học mà lòng nôn nao, không nhét được một chữ nào vô đầu. Cuối cùng chịu không nỗi Minh đành đi qua nhà chú thím Năm. Tố Quyên kéo anh ra ngồi trước hàng ba rồi kể hết những gì nhỏ biết về người..tình địch nguy hiểm của anh. Minh nghe xong cũng đâm lo. Ba chàng tuy khá nhưng đông con. Cuối năm nay chàng mới thi Bac 1. Trời ơi, cái thằng khỉ đột đó không cần bằng cấp gì hết cũng bỏ chàng xa hàng vạn cây số. Hơn nữa gia đình hắn lại có giao tình với nhà của Lệ Nga. Càng nghĩ, Minh càng rầu thúi ruột. Cuộc tình mới bắt đầu tưởng êm đẹp, ngờ đâu lại có một chướng ngại vật bự như trái.. núi Bà Ðen!

Thấy anh đăm chiêu nghĩ ngợi, Tố Quyên cũng ngồi im thin thít. Hồi lâu nhỏ mới rụt rè hỏi bây giờ anh tính sao. Minh quay sang hỏi em, mắt chứa đầy hy vọng:

– Tụi em có cách nào giúp anh gặp Lệ Nga không? Thiệt tình anh và Nga chỉ viết thơ qua lại chớ chưa nói chuyện riêng lần nào. Anh thấy sau vườn nhà Kim Chi có cái cửa nhỏ...

– Trời đất! Bộ anh tính hẹn chị Nga ở vườn nhà chỉ hả?

Minh nhăn nhó:

– Vậy chớ không lẽ hẹn cổ ở nhà anh? Vườn đằng đó rộng, ban đêm không ai để ý đâu.

Tố Quyên miễn cưỡng nhận lời bàn lại với Kim Chi và Lệ Nga.

Hai hôm sau, Tố Quyên hớn hở báo tin với Minh là tối Chúa Nhựt này ba má Kim Chi sẽ đi ăn cưới. Nhà chỉ còn hai chị em, bà vú với chị bếp. Lệ Nga sẽ cho tiền hai người đó đi coi cải lương. Thiệt là an toàn hết cỡ. Hai người mặc sức mà... múa gậy vườn khuya!

Y hẹn, bảy giờ tối anh em Tố Quyên tới cửa sau. Cái cửa này bước ra con hẻm nằm song song với đường Lê Quang Ðịnh. Nhỏ Kim Chi đã đứng chờ ở đó. Ðáng lý hai người có thể đường hoàng vô nhà bằng cửa trước, nhưng hai con nhỏ xí xọn này thấy “làm kiểu này” nó mới thần bí, ly kỳ, hồi hộp như trong xi la ma! Nhứt là con Kim Chi phải nghe đúng ba tiếng gõ cửa mới chịu hé ra cho hai anh em Tố Quyên lách vào!

Kim Chi thì thào:

– Lẹ lên, chị Nga đang chờ dưới gốc cây khế. Tao dẫn anh Minh lại đó, rồi tụi mình dọt nghen.

Tố Quyên ừ nhỏ. Sự hồi hộp và cái không khí im lặng trong vườn khiến hai cô nhỏ tự động... xuống tông!



Cây khế gần nhà bếp. Ánh đèn hắt qua khung cửa sổ sáng lờ mờ. Lệ Nga mặc chiếc áo ngắn bằng lụa màu tím lợt, quần trắng. Hai tay cô không ngừng xoắn tít cái khăn mu soa bằng vải ba tít trắng có thêu mấy bông hồng và hai chữ LN nơi góc, chứng tỏ một trạng thái cực kỳ kích động. Dù sao đây cũng là cuộc hẹn hò đầu đời mà. Nga luôn luôn từ chối lời mời đi chơi riêng của Thắng, viện cớ bận học thi. Nga không ngờ sự từ chối này càng kích thích lòng háo thắng của cậu ta. Từ trước đến giờ Thắng chưa hề thất bại trước đàn bà con gái (nếu không làm sao xứng đáng mang cái tên Nguyễn Ðắc Thắng?!). Cha mẹ cậu thì chưa bao giờ “dám” trái ý ông con quý. Nga càng tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm bao nhiêu thì Thắng càng vồ vập săn đón bấy nhiêu. Hắn thề sẽ chiếm cho bằng được Lệ Nga. Vì yêu cũng có, mà vì bị chạm tự ái cũng có.

Minh càng tới gần, Lệ Nga càng thấy run! Cô cúi mặt nhìn xuống đất, ngay cả khi Minh cất tiếng gọi Lệ Nga, cô vẫn không dám ngước lên. Tố Quyên và Kim Chi khều nhau rút lui vô nhà.

Thấy hai đứa đi rồi, Lệ Nga đánh bạo ngước lên nhìn chàng trai đứng trước mặt, tim nhảy thình thịch trong lồng ngực. Minh cũng cảm động không kém. Chàng nhẹ nhàng cầm bàn tay nhỏ nhắn, mềm như nhung nhưng lạnh ngắt của Lệ Nga, cười nhẹ:

– Bộ sợ anh lắm sao mà tay lạnh ngắt như vầy?

Lệ Nga e ấp:

– Ðâu có. Tại em hồi hộp quá...

Minh nhìn quanh rồi nắm tay người yêu kéo lại chiếc băng gỗ đặt dưới gốc cây bông sứ già, sát bức tường dùng làm hàng rào, trong sự thất vọng não nề của hai con nhỏ xí xọn đang núp phía sau cửa sổ trong nhà bếp, cố ý rình nghe cuộc đối thoại của hai kẻ yêu nhau. Hai cô ả xúi Lệ Nga hẹn Minh chỗ cây khế ngọt (cho gần cửa sổ), không ngờ anh chàng Minh lại chọn cây sứ cùi! Thành thử hai cô nàng không nghe được gì cả. Dưới ánh sáng nhạt nhòa của con trăng thượng tuần, họ chỉ thấy mới đầu Lệ Nga còn ngồi xa xa, lát sau thì họ đã xích sát bên nhau thủ thỉ thì thầm. Thỉnh thoảng hai mái đầu còn chụm lại... Hai đứa đang bàn tính lén lén mò tới gần để nghe thì thấy Lệ Nga đứng lên. Minh nói gì đó nhưng cô lắc đầu. Sau đó Minh cũng đứng lên, cầm bàn tay Lệ Nga đưa lên môi hôn. Hai con nhỏ bấm nhau cười khúc khích, rồi tà tà đi tới chỗ hai người. Thấy bóng hai đứa Lệ Nga mắc cỡ giựt tay lại. Minh không nói gì chỉ nhìn hai đứa nhỏ rồi cười. Tuy trong cảnh tranh tối tranh sáng nhưng Tố Quyên cũng thấy mặt ông anh tràn trề hạnh phúc. Minh nói với Lệ Nga thôi anh về. Cô chỉ đáp lại bằng tiếng dạ nhỏ. Cả bốn người đi về phía cổng sau. Kim Chi mở cánh cửa, thò đầu ra ngoài dòm qua dòm lại coi có ai không rồi mới ra hiệu cho hai anh em Tố Quyên. Bất thình lình Minh quay lại, không nói không rằng giựt cái khăn mu xoa từ tay Lệ Nga rồi bước nhanh ra khỏi cổng. Nàng chới với kêu vói theo anh Minh... anh Minh... Nhưng hai anh em Minh đã khuất bóng. Kim Chi cười, nói thôi chị cho ảnh để làm kỷ niệm.

Minh sung sướng quá, vừa đi vừa ấp cái khăn lên mũi hít hít khiến Tố Quyên phát tức cười. Con nhỏ thấy người lớn thiệt là rắc rối và... điên điên! Riêng Minh thì dấu cái mù soa quý báu đó dưới gối, đêm nào cũng lấy ra ấp lên mặt, đê mê như là đang được... hôn khuôn mặt yêu kiều của Lệ Nga.

Trong thời gian này có người đã chịu mua căn nhà của chú thím Năm. Họ nói sẽ lấy nhà trong vòng một tháng. Chẳng những Tố Quyên buồn mà cả ba người kia cũng rầu rĩ không kém. Họ bàn nhau sẽ lén rủ nhau đi chơi cho thỏa thích. Biết chừng nào mới gặp lại Tố Quyên? Vậy là bốn người đi chơi Vườn Bách Thảo, đi coi hát bóng, đi ăn mỳ, ăn hủ tiếu với nhau. Lúc này Lệ Nga và Minh đã khắn khít với nhau lắm rồi...

Tố Quyên về quê mang theo kỷ niệm của những ngày thiệt vui vẻ này. Kim Chi tặng bạn chiếc vòng đồi mồi lên nước láng bóng. Chị Lệ Nga tặng Quyên một sợi dây chuyền bằng bạc, có mặt hình trái tim cẩn một hột ngọc trai nhỏ xíu nhưng rất xinh. Anh Minh tặng “con chim xanh” của mình mấy quyển truyện nhi đồng rất đẹp.

Ở nhà quê không có đèn điện. Chung quanh nhà là vườn dừa, vườn xoài rộng mênh mông. Chiều xuống thật nhanh, bên ngoài tối mò, ếch nhái kêu ềnh oang, đom đóm lập lòe trên mấy tàn cây. Gió đưa những ngọn tre, ngọn dừa ẻo lả như những cánh tay ma. Nhà ông nội là một căn nhà nền đúc rất lớn. Gian giữa thờ sắc thần, có màn the trắng mỏng tanh che ngang. Ông cấm bọn trẻ lai vãng tới đó. Khủng khiếp hơn nữa là có một căn phòng ông Nội để sẵn một cái... quan tài, tuy sơn son thếp vàng rực rỡ nhưng cũng đầy vẻ dọa nạt! Thành ra đối với Tố Quyên và mấy đứa con của chú Út, hai nơi này thiệt là kỳ bí! Con nhỏ sợ lắm, đến tối là đeo dính mẹ. Sau vài tháng mới quen quen. Có bạn mới cũng vui. Những đứa bạn tuy quê mùa nhưng thiệt thà chất phát, không đỏng đảnh, phách lối như mấy đứa bạn học con nhà giàu trên Sàigòn. Tụi nó dắt Tố Quyên đi câu cá, đi tắm sông, đi ăn cắp ổi trong vườn ông Bảy Nhiên bị chó rượt chạy té rách quần, trầy đầu gối... Tuy vậy Tố Quyên cũng nhớ con Kim Chi da diết. Nhỏ tự hỏi không biết chuyện tình của anh Minh và chị Lệ Nga đi tới đâu rồi. Mong là “thằng cha Thắng” đừng nhảy vô phá đám.

Lụi hụi rồi sắp sửa tới Tết. Anh Minh viết thơ báo tin sẽ về quê chơi một tuần. Tố Quyên tính từng ngày. Từ hồi trở về Tân An tới giờ, không có tin tức gì trên Sài Gòn hết trơn...Minh nói sẽ về khoảng hăm sáu, hăm bảy.

Tố Quyên theo thằng Ðực, là đứa ở làm những công việc nặng nhọc trong nhà, xuống chợ Cao Lãnh đón anh. Ðực mười sáu, mười bảy gì đó nhưng to lớn, mạnh khỏe.

Thấy Minh từ trên xe đò bước xuống, Tố Quyên mừng quá chạy a lại kêu anh. Minh cũng mừng rỡ, nhấc bổng cô em họ lên quay một vòng trước những cặp mắt kinh ngạc của những người dân quê. Hai anh em cười ròn rã. Minh đặt em xuống đất, ngắm nghía như người ta ngắm một món đồ:

– Bây giờ ra dáng tiểu thơ lắm rồi đó cô nhỏ. Mới có một năm mà Tố Quyên lớn như thổi. Chắc nhờ ăn nhiều tôm cá chớ gì.

Tố Quyên hớn hở:

– Ðúng rồi. Em sẽ nói má cho anh ăn cá lóc nướng trui nè, tôm càng kho tàu nè, tôm nướng ăn với bún nè, lươn um nè...

Minh lật đật sì tốp:

– Thôi thôi... Kể thêm nữa anh chưa ăn mà đã muốn... no bể bụng rồi đây nè!

Tố Quyên cười ngặt nghẽo:

– Thôi bây giờ mình lấy đồ rồi về.

Thằng Ðực xách cái va ly nặng trĩu bỏ lên xe lôi. Minh và Tố Quyên xách mấy cái giỏ đệm, leo lên ngồi ở băng sau hối người chủ xe chạy cho mau. Minh nói đi từ Sài gòn về cực quá. Phải qua bắc Mỹ Thuận, vòng lên Sa Ðéc, rồi đi ngược qua bắc Cao Lãnh. Mất cả ngày trời. Ðường lộ trải đá xanh nên xe lôi chạy dằn lên dằn xuống ê cả cặp mông. Hồi nãy nỗi vui gặp lại anh khiến Tố Quyên không nhìn kỹ. Bây giờ ngó lại thì hình như Minh hơi ốm hơn lúc xưa Con nhỏ liến thoắng hỏi thăm tin tức của Kim Chi và chị Lệ Nga. Minh nói Kim Chi vẫn mạnh, nhỏ vừa gia nhập ban hợp ca Thiếu Nhi của Ðài phát thanh Pháp Á. Hy vọng sẽ trở nên một danh ca sau này. Nhưng anh không nói gì tới chị Lệ Nga. Tố Quyên nghĩ chắc anh ngại miệng trước mặt người lạ là thằng Ðực. Thôi để lúc khác sẽ hỏi.

Gặp cháu, ông bà nội, chú thím Út và ba má Tố Quyên mừng lắm. Bác ba gái mua quà hậu hỉ cho mọi người. Riêng ông nội được hộp trà Thiết Quan Âm loại thượng hảo hạng, vì ông vốn ghiền trà nặng. Bà Nội được biếu xấp gấm Thượng Hải màu mần quân, nổi bông mai lan cúc trúc vàng rất sang trọng. Bà nói để may áo dài mặc Tết này. Còn có rất nhiều nho, táo, lê tàu... Buổi cơm chiều thiệt là thịnh soạn. Cá bống mú chưng tương hột, gà xé phay trộn ngó sen, giò heo hầm măng mạnh tông... Minh ăn một bữa thở không ra hơi.

Khi những người lớn rút hết vô buồng, Tố Quyên rủ Minh ra ngồi ngoài căn nhà bánh ú vừa ăn chè vừa tâm tình. Con nhỏ không quên nhờ thằng Ðực đốt một đống un nhỏ để đuổi muỗi. Bữa nay trăng còn lưỡi liềm nhỏ xíu, nhưng nhờ bầy đom đóm trên cây vú sửa trước sân “đốt đèn” nên cảnh vật không tối tăm lắm... Khi nghe Tố Quyên hỏi chuyện hai người đi tới đâu thì Minh buông tiếng thở dài, mắt đăm chiêu nhìn vào màn đêm tịch mịch. Thấy thái độ anh như vậy, tuy ngạc nhiên nhưng Tố Quyên không dám hỏi. Nhỏ linh cảm có chuyện gì không ổn đây. Trầm ngâm một hồi Minh cất tiếng kể, giọng buồn buồn:

... Sau khi Quyên đi rồi Lệ Nga và Minh vẫn kiếm cơ hội gặp nhau. Nhưng lần nào cũng có mặt Kim Chi. Bà mẹ của Chi không bao giờ cho phép Lệ Nga đi ra ngoài một mình. May mắn là năm đó cả hai đều thi đậu. Thấy Lệ Nga thi cử xong rồi, ba má công tử Thắng bèn nhờ bà mai đánh tiếng hỏi cô cho con trai họ. Dĩ nhiên Lệ Nga phản đối hết mình, nhưng ông bà thân sinh của cô nói chỉ có điên mới từ chối một nơi mà tất cả các cô gái khác đều mơ ước! Nga chê Thắng học dốt, mẹ cô nói nó có đi xin việc với ai đâu mà cần phải có bằng cấp cao. Nội mấy cái xưởng dệt của nhà nó tụi bây ăn ba đời cũng chưa hết nữa là. Hơn nữa nó là con một, gia tài đâu phải chia năm xẻ bảy. Mặc cho bà mẹ viện đủ mọi lý do, Lệ Nga vẫn giữ vững lập trường.



Nhưng một hôm trời xui đất khiến làm sao mà lúc Minh, Kim Chi, Lệ Nga vừa xem phim xong ở rạp Éden, mới tà tà đi dạo trên đường Lê Lợi, định sẽ đi ăn bún mỳ vàng bên Chợ Cũ, thì gặp công tử Thắng lái Vespa đi ngược chiều. Thắng giựt mình lo sợ vì cái gã thanh niên đi bên cạnh Lệ Nga rất đẹp trai. Họ cười nói với nhau đầy vẻ thân mật. May mà họ lo nói chuyện không thấy hắn. Thắng bỏ ra một tuần lễ để điều tra. Sau cùng những điều hắn biết khiến hắn sững sờ. Lệ Nga đã có người yêu. Hèn gì mà nàng một mực từ chối lời cầu hôn của hắn! Thắng kể sự thật cho mẹ nghe, mong bà tìm cách cưới Lệ Nga cho hắn. Mới đầu bà khuyên con nên quên “con nhỏ” đó đi cho rồi. Thiếu gì con gái mà phải khổ sở như vậy. Nhưng mẹ Thắng không hiểu trên đời còn có những kẻ khoái cái thú... đau thương như cậu quý tử của bà! Cậu còn nói đã lỡ tuyên bố với bạn bè là sẽ cưới Lệ Nga, bây giờ nếu thất bại cậu không biết giấu cái mặt mình ở đâu! Bà mẹ nghe vậy cũng mềm lòng, hứa sẽ đích thân tới nói chuyện với ba má của Lệ Nga.

Là chỗ quen biết thân tình nên hai bên nói chuyện với nhau rất thoải mái. Mẹ Thắng nhắc lại lời cầu hôn và lần này làm như vô tình kể lể:

– Anh chị biết hôn, tụi tui mới cho trang hoàng lại cái biệt thự ở đường Duy Tân để cho vợ chồng cháu Thắng ở sau ngày cưới. Tụi tui cũng biết đám trẻ bây giờ đâu có muốn chung đụng với đám già tụi mình. Ðể tụi nó tự do với nhau là tốt nhứt. Ba thằng Thắng tui cũng tính mở một hãng xuất nhập cảng tơ lụa cho cháu nó làm giám đốc. Cưới vợ rồi cũng phải tập làm ăn với người ta. Tuy rằng trước sau gì cái gia sản to tát của tụi tui cũng thuộc về vợ chồng nó. Nhưng phải biết chí thú làm ăn mới giữ được của phải không anh chị? Lang bang hoài đâu có được.

Bà ta nói xong cười khanh khách. Ba má Lệ Nga nghe tới đâu thì cảm thấy... khỏe tới đó. Nhà họ tuy giàu nhưng thấm vào đâu với gia đình thằng Thắng? Cái viễn ảnh con gái mình sẽ ngồi trên đống vàng, sung sướng cả đời khiến hai ông bà quyết định nhanh chóng. Mẹ Lệ Nga hùa theo:

– Dạ, chị dạy chí phải. Cháu Thắng cũng nên tập theo anh làm ăn mới được. Có gia đình rồi cũng khác lúc còn độc thân. Con Nga nhà nầy được anh chị thương thiệt là có phước. Tụi tui sẽ dạy cháu ráng phụ giúp chồng một tay. Ðồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn mà! Anh chị cứ về coi ngày tốt mình sẽ cho tụi nó làm lễ hỏi. Không biết sau này ra sao, chớ bây giờ so tuổi, cháu Thắng tuổi mẹo con Lệ Nga tuổi mùi thiệt là hạp lắm đó.

Hai bên gia đình thiệt là hể hả. Cùng là một tin, nhưng đối với Thắng đây là một tin vui, còn đối với Lệ Nga thì chẳng khác nào một tiếng sét giữa bầu trời quang đãng! Trước cái quyết định dứt khoát của cha mẹ, cô chỉ còn biết khóc. Bức thơ do Kim Chi tìm cách đưa tới tay Minh khiến chàng chới với. Minh suy nghĩ cả một đêm rồi quyết định đem cả câu chuyện thú thật với cha mẹ. Cậu năn nỉ hai người tới nói chuyện với cha mẹ Lệ Nga, xin cho cậu làm con rể họ. Thấy con năn nỉ quá bác Ba của Tố Quyên cũng bấm bụng xin tới gặp ba mẹ của Lệ Nga. Nào ngờ, sau khi nghe bác gái trình bày xong, mẹ của Lệ Nga khinh khỉnh trả lời:

– Cám ơn anh chị đã có lòng muốn xin cháu về làm dâu. Nhưng nói gần nói xa hổng qua nói thiệt. Vợ chồng tui đã nhận lời chỗ khác rồi. Chắc anh chị cũng có nghe tiếng ông bà chủ hãng dệt Phụng Hoàng chớ gì? Ðó, tụi tui gả cháu Nga cho cậu con trai duy nhứt của họ đó (nhấn mạnh bốn tiếng con-trai-duy-nhứt). Thôi thì cháu Minh ráng kiếm việc làm đàng hoàng, lo gì không cưới được vợ. Ối, đời nay con gái thiếu gì! Nói nào ngay con Nga của tui cũng có phước. Bước một bước là thành bà chủ hãng, có kẻ hầu người hạ ngay lập tức. Tháng tới này tụi nó làm đám hỏi. Trong vòng ba tháng sau sẽ cưới.

Nghe cái giọng khinh người này mẹ Minh ứa gan, ngồi thêm chút nữa bèn cáo từ ra về. Mẹ Lệ Nga bồi thêm cú... ân huệ:

– Xin chị về nói với cháu Minh khỏi mắc công tìm cách gặp con Nga nhà này nữa. Nếu cháu thương con Nga thì xin để cho nó vui vẻ về nhà chồng!

Nghe cái giọng hằn học của mẹ là Minh biết cuộc tình của chàng với Lệ Nga đã đi đến chỗ bế tắc. Nhưng chàng vẫn hy vọng nơi tấm lòng chung thủy của người yêu. Minh tìm cách liên lạc mấy lần, nhưng Lệ Nga bị canh giữ nghiêm nhặt quá. Bà vú lúc nào cũng kè kè bên cô. Cuối cùng Minh đành bỏ cuộc, đau đớn nhìn người yêu lên xe hoa. Ðám cưới của Thắng- Nga rình rang lắm. Cả giới thượng lưu Sài Thành đều được mời. Sau đám cưới độ hai tuần, nhân lúc cha mẹ đi dự tiệc, Kim Chi chạy qua nhà kiếm Minh. Nhỏ đưa cho chàng một cái hộp vuông, may bằng satin màu tím rất đẹp. Trong đó có đầy đủ những bức thơ Minh đã gởi cho Lệ Nga. Kim Chi nói trước hôm đám cưới chi Nga khóc quá trời. Lúc sau này chỉ ốm lắm. Chị Nga nhắn rằng suốt đời chỉ sẽ nhớ và thương một mình anh thôi. Lệ Nga không dám trở về đường Lê Quang Ðịnh thường, sợ lỡ tình cờ gặp lại người xưa và khu vườn cũ nơi đã chứng kiến lần gặp gỡ đầu tiên của hai người. Ôi bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm ở chốn này! Kể xong Minh ngậm ngùi kết luận:

– Anh thương Lệ Nga nhưng đấu không lại với cái gia sản kết sù của Thắng. Thôi thì anh cũng cầu xin cho Nga được hạnh phúc bên chồng. Coi như anh chị có duyên mà không nợ. Sau vài phút trầm ngâm, Minh tiếp giọng đầy phấn khởi, Quyên biết hôn, anh đã vào phân khoa dược. Mộng của anh là sau này sẽ mở một dược phòng thiệt lớn. Biết đâu trời thương sẽ cho anh thực hiện được mộng ước của mình?

Tố Quyên ngồi yên nghe anh kể với tâm trạng bàng hoàng. Vậy mà nhỏ còn tưởng...! Chưa kịp nói lời nào để an ủi anh thì Minh đã đứng lên, vươn vai ngáp:

– Thôi mình đi ngủ nhỏ. Bữa nay anh đi đường đừ quá rồi. À mà biết đâu ở đây ăn Tết với đại gia đình, anh sẽ may mắn gặp một cô thôn nữ xinh đẹp dễ thương nào đó... Tố Quyên nhoẻn miệng cười:

-Anh nói em mới nhớ. Chị Nguyệt con gái bác hai Thiên ngoài vàm cũng vừa ở Sài Gòn về đó. Chị Nguyệt mới mười chín tuổi, chị học ở trên đó, mà em không rõ học trường nào. Hình như là trường Gia Long. Chị Nguyệt đẹp lắm, để vài bữa em giới thiệu cho anh làm quen.

Minh vò đầu Tố Quyên, đùa:

-Cám ơn bà mai. Ráng cầu nguyện cho anh lần này nghen nhỏ!

Tố Quyên cười hì hì:

-Ba má chị Nguyệt hiền khô, anh đừng lo. Ông nội mình có oai ở đây lắm!

Sau khi dẫn Minh về buồng ngủ, Tố Quyên cũng về phòng mình. Những điều được nghe trước đó khiến con nhỏ trằn trọc mãi. Quyên nhớ tới những bụi hồng mà Lệ Nga tưng tiu như con mọn. Chị đi rồi ai săn sóc chúng nó? Nhứt định không phải con Kim Chi rồi đa. Ôi, tội biết chừng nào những đóa hồng đầy hương sắc của chị Lệ Nga.

Vậy mà trong giấc mơ đêm đó, Tố Quyên thấy mình trở lại vườn hồng rực rỡ nhà nhỏ Kim Chi. Những đóa hồng vẫn lung linh khoe sắc, tỏa hương thơm ngát nhưng người hẹn với anh Minh không phải chị Lệ Nga mà là chị... Nguyệt. Giựt mình thức dậy, Tố Quyên nghĩ biết đâu đây là điềm hên và anh Minh sẽ ăn một cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm nơi đây. Chị Nguyệt tuy là gái miệt vườn nhưng rất xinh đẹp và hiền hậu. Tố Quyên thì thầm cầu nguyện...

Tiểu Thu


CHỢ THỊ NGHÈ


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Tue Nov 26, 2024 8:15 pm    Tiêu đề: Tiếng Hót Vành Khuyên


Tiếng Hót Vành Khuyên
Tiểu Thu


Mai Hữu Thọ chọn PPS minh họa

Tiếng Hót Vành Khuyên

(Cao Anh Tuấn sưu tầm)

Tối thứ bẩy, đi văn nghệ Chu văn An về, Mai thao thức, trằn trọc mãi. Tới gần sáng, mệt quá, mới thiếp đi trong một giấc ngủ đầy mộng mị. Cũng tại cái bài Trường Làng Tôi, đầy dẫy hình ảnh, gợi lại trong lòng Mai biết bao nhiêu là kỷ niệm...

Mai không biết có phải tại mình sanh dưới chân ông Huỳnh Đế, hay kiếp trước vốn dòng du mục, mà với cái thời gian ngắn ngủi có 6 năm tiểu học, Mai thay tới 5 trường khác nhau. Trong thập niên 50, tình hình dưới quê rất lộn xộn. Quận Cao Lãnh nằm dọc theo con sông Hậu Giang. Ban ngày, quân đội Phật Giáo Hòa Hảo làm chủ tình hình. Đêm Việt minh từ trong đồng về quấy rối. Thỉnh thoảng, lính Cộng hòa từ tỉnh kéo xuống bố ráp. Dân chúng lúc nào cũng phập phòng lo sợ và luôn luôn trong tư thế sẳn sàng nhảy xuống hầm núp!

Ba làm việc trên Saigon. Má, chị Lan và Mai vẫn ở dưới quê với ông bà nội. Năm ba tháng má dắt chị em Mai lên Saigòn thăm ba. Sẵn dịp đem gạo, gà vịt, cá mắm, trái cây lên tiếp tế. Cao Lãnh - Saigòn chỉ cách độ 140 cây số, nhưng phải đi tàu đò xuống Sađéc, rồi ngủ lại một đêm (thường là ngủ trên mui tàu), hôm sau mới lấy xe đò đi Saigon. Mai còn nhớ những chiếc xe đò cọc cạch, khách ngồi chật như nêm, trên mui chở cả trăm thứ. Thỉnh thoảng phải ngừng lại đổ nước cho nguội máy! Còn phải qua bắc Mỹ Thuận mới là gian nan (nhưng bù lại, trong khi chờ đợi, được ăn một dĩa cơm có con tôm càng kho tàu, chan nước mắm mỡ hành, có trộn gạch tôm đỏ tươi, cũng đáng lắm)!... Ở chơi với ba độ 1 tuần,mấy mẹ con lại cụ bị trở về quê. Ngoài những thứ cần cho ông bà nội, cái món không thể thiếu được, là những ổ bánh mì dòn rụm mua tại bến xe. Lần nào má cũng mua 2, 3 chục ổ về biếu bà con lối xóm.

Một buổi sáng đẹp trời, má đánh thức Mai dậy rất sớm.

Bắt con nhỏ tắm rửa sạch sẽ, mặc cái áo đầm sọc caro hồng, trắng. Đầu cài chiếc nơ trắng có chấm hồng. Chân mang đôi săng đan trắng. Tay ôm 2 cuốn vở và 1 cây viết chì. Má dắt Mai xuống đò qua sông, tới trường thầy bảy Tánh xin cho Mai học lớp chót. Thời chiến nên trường cất cũng dã chiến luôn! Chung quanh là những cây cao rợp bóng mát. Suốt ngày tiếng chim hót véo von. Phía sau trường là một rừng cây đủng đỉnh. Nhà nào có đám tiệc cũng tới chặt lá về che rạp. Bông đủng đỉnh màu vàng tươi, kết thành chùm, để trang trí ngoài cửa rạp cho thêm phần mỹ thuật. Trường chỉ có 1 căn duy nhất. Chiều ngang độ 10 thước, sâu 5-6 thước, ngăn đôi bởi một tấm phên tre, có chừa lối đi. Thầy Tánh kiêm nhiệm 2 lớp nên chạy qua chạy lại như mắc cửi.

Phần lớn học trò nhà quê ăn mặc khá lam lũ. Tuy còn nhỏ xíu nhưng Mai cảm thấy mình hổng giống con giáp nào trong chiếc áo đầm, nên mấy ngày sau nhứt định xin má cho mặc áo quần bà ba như những đứa trẻ khác. Mỗi ngày má đưa Mai ra tới bến đò, đứng đợi Mai qua tới bờ bên kia má mới về. Tan học Mai về một mình. Má không lo, vì ông lái đò chính là "ba nuôi" của Mai. Má kể lúc hơn 1 tuổi, con nhỏ cứ bịnh rề rề, nhiều khi làm kinh, giựt sùi bọt mép khiến cả nhà hết hồn. Cô hai Bạch chị của ba, khuyên nên đem Mai "ký bán" cho 1 người nào đó làm con nuôi.

Trong làng có 2 nhân vật khá lạ lùng, đó là bác Huế Nhiên và chú Huế Kiên. Tuy chẳng có dây mơ rể má gì tới cái xứ Thần kinh xa lơ xa lắc đó (bác Nhiên người gốc Bình Định và chú Kiên người gốc Bắc kỳ!), nhưng thời đó, trong Nam, nếu không phải là người Nam, thì đương sự chính là người Huế! 2 ông Huế giả hiệu này, không biết trôi lạc xuống làng Tân An từ bao giờ (quên hỏi má), nhưng tứ cố vô thân, nghèo xơ nghèo xác. Sau này, khá lớn tuổi, chú Kiên cưới được cô Mành, vì cô này lật lờ. Phần bác Nhiên được đẹp duyên với cô Chương, lý do đơn giản là trai làng không ai dám đến gần. Cũng bởi xuân thu nhị kỳ, mỗi năm cô tắm nhiều nhứt là 2 lần!

Vậy mà khi lấy chồng cô đẻ sòn sòn năm một. Sản xuất một lèo tới 6-7 đứa. Má kể có lần tới thăm bác gái mới sanh, vừa vén mí mùng lên là má tưởng xỉu cái đùng, vì cái sự "nặng mùi" từ trong mùng xông ra! Cả xóm lăn ra cười cái lần bác bị bà chị ruột lôi sềnh sệch xuống sông bắt tắm. Bác vừa "bị" tắm, vừa khóc, vừa nỉ non:

- Bắt tui tắm rủi tui bịnh ai chịu tiền thuốc đây?

Bà chị vừa kỳ cọ cho bác, vừa la ầm ĩ:

- Mày bịnh tao chịu tiền thuốc. Đàn bà con gái gì mà còn hôi hơn chồn! Tao cũng khá khen cho thằng chồng mày còn ở với mày cho tới ngày nay!

Vậy mà lũ con bác lớn như thổi, mạnh cùi cụi quanh năm. Vì vậy ba má đem Mai ký bán cho bác làm con nuôi. Chỉ khổ thân con nhỏ, mỗi lần gặp ông già nuôi đều bị ổng ôm "hun" một phát lên má!

Ai qua đò cũng phải trả mấy cắc, riêng Mai thì miễn phí (con nuôi cũng có khác)! Đó là chưa kể những hôm phát tài, bố cao hứng móc túi cho Mai 5 cắc mua mía ghim. Về nhà bị má la, vì bác nghèo, con đông, không nên nhận tiền của bác tội nghiệp!

Kỷ niệm không thể quên được trong thời gian học lớp chót này là cái chết tức tưởi của thằng Đường. Nó mới bằng tuổi Mai. Một hôm đang ngồi học, cu cậu ôm bụng kêu đau. Thầy Tánh cho nó về. Qua hôm sau không thấy nó đi học lại. Đến ngày thứ ba, thầy nói nó vẫn còn đau nhiều lắm. Trị thuốc bắc hoài không hết, gia đình phải đem nó xuống bịnh viện Cao Lãnh điều trị. Nhưng 2 ngày sau thằng Đường chết. Lúc đó mọi người mới biết nó bị sưng ruột dư. Khi chở xuống bịnh viện đã bể tùm lum, không cứu kịp!... Thầy Tánh dẫn cả 2 lớp đi đưa đám ma. Thấy má nó lăn lộn khóc, Mai cũng thút thít khóc theo!...

Qua năm sau, lên lớp 5, Mai khỏi phải qua đò, vì chú hai Thuận (em chú bác của ba) mở 1 ngôi trường cách nhà Mai độ 200 thước. Kêu ngôi trường cho nó oai, chớ thật ra nó còn có phần tệ hơn "ngôi trường" năm ngoái, vì chỉ trần sì có một lớp! Trường được cất trên nền đất, xung quanh là vườn cam, quít, bưởi... Sát vách có cây mận hồng đào, trái đỏ tươi, thường xuyên thu hút "nhỡn quan" của đám học trò ham chơi hơn ham học. Chú Thuận vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc. Đúng ra lúc còn trẻ, chú bị gia đình bắt ép phải khăn gói quả mướp ra tận xứ Huế tầm sư học đạo. Chú được thọ giáo với một danh sư đất thần kinh (lần nầy đúng là người.. Huế 100%). Tuy giỏi về nghề thuốc vô cùng, nhưng chú chỉ thích làm thầy giáo. Cuối cùng chú đành hành song nghề, trong sự sung sướng của đám học trò.

Trường cách nhà có 1 cái sân độ mươi thước. Mỗi lần có khách đến nhà xin khám bệnh, chú giao lớp cho thằng Nam, (vì nó nhiều tuổi và lớn con nhứt lớp), nhưng lại hiền khô, chẳng ma nào sợ, nên lần nào lớp học cũng ồn như cái chợ. Có đứa còn chạy qua đứng trước cửa nhà thầy, khoanh tay cúi đầu rất nghiêm chỉnh:

- Thưa thầy cho em đi... đái!

Thầy đang tập trung hết tâm trí để bắt mạch cho bệnh nhân, nên phải gật đầu. 10 lần hết 9, nhóc ta chạy ù ra vườn, nhảy tót lên cây mận, hay cây trứng cá, hái đầy nhóc một túi...

Chú Thuận trị học trò bằng roi mây. Nhưng hình phạt thần sầu nhứt của chú là nắm mớ tóc mai kéo lên. Kéo tới đâu là nạn nhân nhắm mắt, nhắm mũi cố rướn người theo tới đó. Chừng rướn hết nổi thì chỉ còn nước òa lên khóc!...

Đến giữa năm học, có một chuyện động trời xảy ra làm rúng động cả mái trường (may phước được lợp bằng lá)! bé nhỏ này. Hôm đó trời nắng thật đẹp, không khí trong suốt như pha lê, lại mát mẻ dịu dàng nhờ đám mưa tối hôm trước.Trong vườn chim chóc ríu rít chuyền cành. Trong lớp, đám học trò nhỏ đang để hết tâm trí vào bài toán đố. Chợt có tiếng chim véo von từ ngoài đưa vào. Tiếng hót rất lạ, không giống bất cứ tiếng chim nào hằng ngày Mai vẫn nghe. Mấy chục cặp mắt đồng loạt hướng về phía cây mận sát vách (vách bằng lá chằm, còn chừa phía trên độ hơn thước mới tới nóc). Lủng lẳng trên nhánh mận là 1 chiếc lồng chim, bên trong có 1 chú đang nhảy nhót lung tung, thỉnh thoảng ngừng lại vươn cổ lên hót một tràng. Chú chim rất đẹp, đẹp hơn tất cả những con mà Mai đã được thấy, với bộ lông màu xanh lá cây, chiếc mỏ màu vàng và hình như giữa hai mắt có 1 khoanh tròn màu trắng.

Chú Thuận nhíu mày hỏi:

- Lồng chim của đứa nào?

Thằng Tín - con chú - đứng lên khoanh tay:

- Dạ của con.

Chú ngạc nhiên:

- Ủa, ở đâu mày có? Mà giống chim gì coi lạ quá vậy?

Thằng Tín hơi ngập ngừng:

- Dạ của chú Huế Kiên cho con. Chú nói con chim này tên Vành khuyên (nó phát âm Dành khuyên).

Chú Thuận nhíu mày như đang suy nghĩ một điều gì, rồi như chợt nhớ ra, chú cao giọng:

- Có lý nào chú Huế Kiên cho mày. Loại chim này đâu có ở đây mà chú bắt được?

Thằng Tín cặp mắt chớp lia, ấp a ấp úng:

- Dạ, con không biết.

Chú Thuận từ từ tiến tới trước mặt ông con, mặt đằng đằng sát khí:

- Có phải mày đã ăn cắp 5 đồng của má mày để mua con chim này không? Nói mau. Hôm kia má mày kêu mất 5 đồng.

Thằng Tín lắp bắp:

- Dạ không phải con.

Nói chưa dứt câu đã bị lãnh 2 cái tát nẩy lửa. Cu cậu hồn bất phụ thể đành khai thiệt:

Số là cách đây hơn tháng, chú Huế Kiên được ông Tám Sang mướn chèo ghe, chở lúa lên Saigòn bán cho mấy chành gạo. Trong lúc rảnh rỗi, chú theo mấy người bạn lái ghe đi thăm Saigòn, Chợ lớn cho biết. Tới khu chợ bán đủ loại chim, cá, chó, mèo... thấy có bán con chim Vành Khuyên, có lẽ chạnh lòng nhớ về xứ Bắc xa xôi, chú đứt ruột trích ra một món tiền, mua chú chim đem về, chắc mong hằng ngày ngắm nhìn cho đỡ nhớ quê xưa. Không ngờ gặp nhóc tì Tín là người đồng điệu. Tuy mới 8-9 tuổi đầu, nhưng cu cậu rất mê chim chóc. Nó đã từng nuôi 1 con sáo (từ lúc mới ra ràng), bỏ công hằng ngày bắt cào cào, châu chấu cho ăn. Sau đó còn lột lưỡi và dạy sáo ta nói được vài câu. Nhưng 1 hôm bất cẩn, anh chàng bỏ mạng dưới nanh vuốt của mấy con mèo hoang bên nhà bà Sáu Tân (sát hàng rào)! Cu Tín tiếc thương con sáo khóc hết mấy ngày. Từ hôm biết chú Huế Kiên có con chim lạ, vừa đẹp lại hót hay, hầu như ngày nào nó cũng ra nhà chú, ngoài lộ mới, để chơi với con chim. Cách đây 2 hôm, con Lanh, con chú Kiên bị trúng gió (?), trên thổ hạ tả, chú kẹt tiền mua thuốc cho con, nên muốn bán rẻ, vừa chim vừa lồng có năm đồng. Cu Tín mừng rơn, nhưng đào đâu ra tiền?

Suy nghĩ nát óc, sau cùng mê con chim quá, cu cậu đành nhắm mắt "mượn đại" tiền của bà via. Hy vọng bả không khám phá ra. (Ai bảo trai gái khi thương nhau mới mù quáng? Hỉ mũi chưa sạch như thằng Tín, khi mê chim cũng dám uống thuốc liều chớ bộ)!

Sau khi tặng ông con 2 cái tát gần gẫy cổ, chú Thuận quay ra cho cái đám học trò, đang ngẩn tò te, một bài mô ran: Lợi dụng lúc nhà người ta đang "tang gia bối rối" để mua đồ rẻ như thằng Tín là gian ác! Thay vì ăn cắp tiền đi mua con chim, nó có thể xin chú thuốc đem cho con Lanh nhưng Mai có nghe gì đâu. Vì tuy sóng gió đang ầm ầm xảy ra trong lớp học, ngoài kia, chú Vành khuyên vẫn thản nhiên nhảy nhót và cất tiếng hót véo von. Sau khi tan học, chú Thuận dẫn thằng Tín, cầm lồng chim tới nhà chú Huế Kiên trả lại, 5 đồng cho luôn. Chú Kiên mừng lắm, cám ơn rối rít! Cũng từ đó, tiếng hót và chú chim màu xanh có cái tên Vành khuyên đã thấm sâu vào tâm hồn non nớt của cô nhỏ.

Nhớ hoài...

Rồi năm học sau, Mai không nhớ vì lý do gì (thuở đó, ăn, học, đánh chuyền, nhảy lò cò, tắm sông, cất nhà chòi... chiếm hết thì giờ và tâm trí của Mai, còn chỗ nào để nhớ đến chuyện khác?) chú Thuận dẹp ngôi trường nhỏ và chú Sáu Lân, cũng em họ của ba, tốt nghiệp trường "Xách Lu" (tức Chasseloup Laubat, các bà dưới quê phát âm nôm na là Xách lu cho tiện!) trên Saigòn về, xin phép ty học chánh dưới Cao Lãnh mở một ngôi trường tiểu học (chỉ có 3 lớp).

Trường được cất trên nền cũ của ngôi nhà nền đúc xưa (bị tiêu thổ kháng chiến phá từ lâu), vách ván bổ kho, mái tôn đàng hoàng. Tuy mái tôn nhưng không nóng, nhờ núp dưới bóng mát của 2 cây vú sữa tím cổ thụ. Ngoài Hiệu trưởng Lân còn có 2 cô giáo. Cô Bích độc thân, từ tỉnh khác đổi tới, nên cô phải mướn một căn phòng, ăn ở luôn tại nhà bà Sáu Tân. Cô xinh xắn, hiền, dạy lớp 5. Lớp tư do cô Liễu phụ trách. Cô Liễu có gia đình, năm đó đang mang bầu đứa con thứ nhì. Mỗi sáng cô phải đi 7 cây số, từ Cao Lãnh lên Tân An dạy. Học trò đứa nào cũng mê tơi mùi nước hoa từ người cô tỏa ra. Chú Lân dạy lớp 3. Chú đánh học trò còn dữ hơn chú Thuận. Chú không xài roi mây mà xài thước bảng! Làng Tân An nằm cạnh con sông Cửu Long, đất bồi nên cây trái sum suê. Nhiều nhất là xoài và dừa. Ít người làm ruộng. Trái lại xã Mỹ Ngãi nằm sâu trong đất liền, cách Tân An một cánh đồng khá rộng. Đa số làm nghề nông. Đến mùa gặt, cần nhiều nhân công, nên con cái họ đi học thất thường. Nhiều đứa trụ trì một lớp 2-3 năm là chuyện tự nhiên. Trong lớp Mai có 5 đứa bên Mỹ Ngãi qua học. Tội nghiệp, phải đi bộ 3-4 cây số mới tới trường, nên tụi nhỏ phải gói cơm đem theo ăn trưa tại lớp. Chiều, tan học lại phải băng qua cánh đồng rộng mênh mông mới về tới nhà. Còn sức đâu để học bài, nên đứa nào cũng học rất kém, nhứt là thằng Đức. Nó hơn Mai 2 tuổi, mà tháng nào cũng bị cầm cờ đứng chót. Mỗi khi bị thầy kêu đọc bài thuộc lòng là mặt mày nó xanh dờn. Có hôm làm toán sai be bét, bị chú Lân phạt 5 khẻ. Mỗi lần cây thước bảng quất cái trót xuống bàn tay đen đủi của thằng Đức là Mai lại giật thót người. Nó nghiến răng chịu trận không dám khóc, nhưng cặp môi xám ngoẹt! Có một lần chú oái oăm bắt Mai thi hành bản án, vì Mai được nhiều điểm nhứt lớp. Mai là người từ bi, chớ đâu có gian ác như chú Lân, nên chỉ khẻ nó 1 cái nhẹ hều. Chú giật cây thước, bắt Mai xoè bàn tay bé bỏng ra, rồi quất xuống 1 cái mạnh ơi là mạnh. Đau thấu trời xanh! Đâu có chịu tha, chú bắt Mai tiếp tục thi hành bản án. Lần này, con nhỏ lấy hết sức quật cho anh cu Đức 5 cái.

Hôm sau, Mai đem cho nó trái xoài thanh ca chín vàng lườm, thơm phức:

- Trò đừng giận tui nha.Tui đâu muốn đánh, tại thầy bắt.

Thằng Đức nhận trái xoài, ra vẻ cảm động:

- Tui hổng giận trò đâu. Cũng tại tui học dở thôi! Mà Mai à, trò làm cách nào mà học giỏi quá vậy? Tháng nào cũng đứng nhứt.

Con nhỏ nghệt mặt ra, rồi cười trừ, vì biết phải giải thích cách nào đây?

Chú Lân còn độc thân lại đẹp trai. Cô Bích xinh xắn, dễ thương, thì chuyện gì đến tất phải đến. 2 người thương nhau. Nhưng Mai nghe mấy người lớn nói gia đình cô Bích không môn đăng hộ đối (Mai đem câu này hỏi con Hải, con chú Thuận, nó hơn Mai 1 tuổi, ai ngờ nó cũng mù tịt, không hiểu gì hết, nhưng ráng làm tài lanh, đóng vai Mao Tôn Cương:

- Chắc nhà cô Bích nghèo, không có nhiều đăng để bắt cá với gia đình mình, nên ông bà Tám Dư đang đi hỏi vợ cho chú Lân dưới Cao Lãnh.

Cô Thu, con gái ông Hội đồng Tâm, nhà rất giàu. Một trưa chúa nhật, con Hải, thằng Lâm và Mai hẹn nhau đến nhà bà Sáu Tân. Nhà bà cất cách mặt đất độ nửa thước, dưới sàn tối om, có một đám mèo hoang trú ẩn. 3 đứa chui vô sàn để nhìn mấy chục cặp mắt sáng rực, di chuyển trong bóng tối của lũ mèo, đang chạy lung tung vì sợ. Không ngờ phía trên là phòng cô Bích. Tụi Mai nghe tiếng cô khóc nỉ non, rồi tiếng chú Lân dỗ dành:

- Em đừng lo. Anh nhứt định không cưới cô Thu đâu.

Anh thề chỉ thương mình em thôi...

Nghe đến đây 3 nhóc tì bấm nhau rút lui có trật tự, vì lỡ chú biết được, tưởng mấy đứa đi rình thì no đòn! Không ngờ nhỏ Hải miệng bép xép, bật mí cho thiếm Thuận nghe, bả lật đật chạy đến nhà bà Tám Dư "ráp bo" y chang. Cuối cùng, như tất cả những ông anh, bà chị đi trước, chú Lân cũng phải cưới cô Thu, áo mặc không qua khỏi đầu. Cô Bích thất tình, ốm nhom, ốm nhách. Nhưng vì yêu chú Lân cô vẫn ở lại trường Tân An. 2 người cứ lén lút qua lại với nhau, bị thiếm Lân đánh ghen mấy trận.Cô xấu hổ phải xin đổi đi tỉnh khác. (Chuyện này Mai không thấy tận mắt, chỉ nghe con Hải kể lại. Vì lên lớp nhì, Mai theo má và chị Lan qua bên làng Phong Mỹ, cách Tân An 7 cây số).

Trường tiểu học Phong Mỹ có 4 lớp: năm, tư, ba, nhì. Lớp Mai có tới 40 học sinh. Dạy lớp Mai là thầy Hiệu trưởng Lương. Vừa tốt nghiệp Sư phạm là bị đổi xuống cái làng quê xa lơ xa lắc này. Hôm thầy và bà mẹ từ Saigòn dọn xuống, hầu như cả chợ Phong Mỹ túa ra xem, vì lần đầu họ mới thấy một người Bắc chính cống! Bà cụ trạc 50 (thời đó dưới quê, 50 đã là lão lắm rồi!), tóc vấn khăn nhung đen, răng nhuộm đen, người tầm thước. Thầy Lương ốm, cao, trắng trẻo, đúng câu bạch diện thư sinh.Mẹ con thầy mướn căn nhà sát chợ, ngay trước cửa trường. Mọi người không giấu được sự kinh ngạc khi nghe thầy gọi mẹ bằng u. Sau này Mai nghe kể, bà cụ góa chồng sớm. Hai mẹ con dắt díu nhau vào Nam năm 54. Bà buôn tảo bán tần nuôi con ăn học cho đến khi thành tài. Một mẹ một con nên bà thương và săn sóc thầy một cách quá đáng. Đôi khi làm thầy mắc cỡ đỏ cả mặt, gắt lên:

- U, u, u đừng làm thế!

Má mướn nhà tại chợ cho chị Lan mở tiệm may và cũng là người duy nhứt đã từng sống trên Saigòn nên dễ thân với bà cụ. Có chuyện vui buồn gì cũng kể cho nhau nghe.

Như thường lệ, Mai là đứa nhỏ tuổi nhứt lớp. Bên con trai có anh Dương và anh Sang tới 17 tuổi. Bên gái có chị Lệ Hoa và chị Kim Sa cũng 17. Còn sàng sàng 13-14. Học trò làng Phong Mỹ có phần văn minh hơn bên Tân An, vì phần lớn ở tại chợ. Tuy vậy vẫn không bỏ được thói quen đi chân đất. Mấy ngày đầu còn mang guốc, sau Mai phải lén má bỏ guốc ở nhà. Như vậy mới có vẻ hòa hợp, hòa giải dân tộc!

Chỉ khổ mùa mưa, lũ trùn bò lổm ngổm. Mỗi bước đi phải nhìn trước nhìn sau. Cả tháng đầu nghe thầy giảng bài, lũ học trò ngẩn tò te, vì thầy nói tiếng Bắc. Những tiếng nhé, nhỉ, chưa có đứa nào đã được nghe qua trong đời! Nhưng từ từ cũng quen. Thầy rất hiền, tận tâm, vui vẻ và thỉnh thoảng lại vác cây guitar vô lớp gảy từng tưng cho lũ học trò nghe, nên ai cũng mến thầy.

Qua năm lớp nhì không có gì đáng ghi nhớ. Họa chăng thỉnh thoảng Mai thấy trong hộc bàn có 1 tấm tranh vẽ.

Khi thì vẽ 1 đóa hoa, lúc chỉ là 1 chiếc lá vàng. Tranh nhỏ thôi, nhưng rất đẹp. Không bao giờ có chữ ký, nhưng Mai biết tỏng là của thằng Bằng, vì trong lớp chỉ có nó vẽ đẹp nhứt. Đôi khi vô tình con nhỏ còn bắt gặp cu cậu nhìn lén mình nữa chớ. Những lần bị bắt quả tang, cu ta đỏ mặt lên như con gái!...

Thỉnh thoảng cuối tuần, Mai, Kim, Hằng với chị Lệ Hoa đạp xe vào chơi nhà Kim Sa, ở tuốt trong ngọn (con rạch Phong Mỹ, bắt đầu từ sông Cửu long, chạy sâu vào tuốt trong Đồng Tháp Mười. Chỗ giáp sông gọi là vàm, cuối rạch gọi là ngọn. Dân chúng cất nhà dọc hai bên bờ rạch và dùng xuồng nhỏ để di chuyển. Dân quê giặt quần áo, rửa thức ăn, tắm gội, uống nước cũng chỉ với con rạch này. Nên má kể có năm, bịnh đậu mùa hoành hành, dân chúng hai bên bờ chết như rạ).

Nhiều lần tụi Mai đụng đầu với thầy Lương ở nhà Kim Sa. Thầy có vẻ hơi lúng túng, nhưng cô nàng chẳng những rất tự nhiên mà có phần hơi... kênh kênh! Cũng từ đó Mai để ý thấy thầy Lương gọi cả lớp bằng trò, trừ Kim Sa thầy gọi bằng em ngọt sớt! Lũ nhóc cà nanh, nói hành nói tỏi, không ngờ tới tai thầy. Một hôm thầy la tụi Mai một trận giữa lớp. Tụi con trai được trớn, giờ ra chơi bu lại mắng thêm, nói bọn con gái nhiều chuyện. Thằng Luyện còn dám xỉ vô trán Mai nữa chớ! Cả đám tức mình khóc hu hu... Nghĩ lại tại bọn Mai thấp cổ bé miệng, chớ một lần đang chơi nhà nhỏ Kim, cách nhà thầy Lương có 1 căn (mẹ thầy về Saigòn thăm bà con). Chính mắt tụi Mai thấy Kim Sa vô nhà thầy. Mấy phút sau cả đám tới gõ cửa. Thầy ra mở, nhưng không đóng cửa lại mà mở toang, cho cánh cửa dựa sát vách. Tụi Mai làm bộ hỏi bài, nhưng cặp mắt đảo chung quanh. Không thấy bóng dáng "Mụ Dạ Xoa", (từ hôm bị thầy rầy "oan", tụi Mai tức mình bèn đặt biệt danh này cho Kim Sa để trả thù!), mấy nhóc đành chào thầy. Ra ngoài, nhỏ Hằng thì thầm:

- Tao nghe rõ ràng có tiếng thở phía sau cánh cửa.

Chắc chắn là Mụ Dạ Xoa núp ở đó. Tức quá chời!...

Thời gian trôi nhanh, Mai lên lớp nhứt. Thầy Lương càng ngày càng "lậm" và cuối cùng chuyện này cũng tới tai bà cụ. Mẹ thầy không thích Kim Sa, bà nói con bé có cặp mắt lẵng lơ quá (đó là lời cụ tâm sự với má Mai). Nhứt là bà đang ngắm nghé chị Bạch (chị thằng Đức học cùng lớp Mai). Chị đẹp dịu dàng, tánh tình thùy mị, đảm đang, cả chợ ai cũng mến. Bà nhờ má Mai đứng ra làm mối. Thầy Lương cũng bằng lòng. Hai bên định ngày làm đám hỏi. Thứ bảy, học trò chỉ học buổi sáng. Sau khi tan học, mẹ con thầy sẽ cùng với má của Mai đem lễ vật tới nhà chị Bạch. Bên nhà gái chuẩn bị tiệc tùng từ hôm trước. Không ngờ, học trò vào lớp được khoảng nửa giờ, bên Hội Đồng Xã cho người qua mời thầy Lương đến trụ sở có việc. Thầy tỉnh queo trong khi đám học trò ngơ ngác nhìn nhau. Thầy dặn không trò nào được rời khỏi lớp trong lúc thầy vắng mặt. Nhưng nhứt quỉ nhì ma thứ ba là học trò mà! Thầy vừa qua tới trụ sở Xã thì thằng Triết (lí lắc nhứt lớp), cũng đã nhảy qua cửa sổ, chạy theo núp phía sau để dọ thám. Độ 15 phút sau, nó hớt hải chạy về báo một tin động trời: Gia đình chị Kim Sa thưa thầy Lương về tội... dụ dỗ gái tơ và khủng khiếp hơn nữa là cô nàng đang mang bầu! Lúc đó bộ tam sên Kim - Mai - Hằng vênh mặt lên:

- Thấy chưa? Năm ngoái đứa nào nói tụi tao nhiều chuyện?

Phía con trai nín khe... Ngồi trong lớp mà đứa nào cũng như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng chịu hết nổi, cả đám rủ nhau qua trụ sở. Lúc đầu còn sợ sợ, núp núp, lén lén. Lát sau thấy hấp dẫn quá, quên cả sợ, đám học trò chen chúc nhau xem. Thầy Lương và bà mẹ đứng trước mặt Ban Hội Đồng (trong đó ngài phó Chủ Tịch là bác của "nạn nhân". Điệu này thầy thua là cái chắc)!

Kim Sa ngồi cúi gằm mặt, bên cạnh là bà dì. Gia đình họ bắt thầy Lương phải nhận cái bầu và làm đám cưới ngay. Mẹ thầy đâu chịu đầu hàng dễ dàng, bà nhất định không công nhận Kim Sa và đặt một câu hỏi to tướng về tác giả cái bầu nọ!?

Trước mặt đám học trò, thầy Lương mắc cỡ đỏ mặt tía tai, quên tuốt luốt công lao dưỡng dục của bà mẹ, lớn tiếng quát:

- U im đi. U biết gì mà nói!

Không ngờ ông quí tử có thể đối xử với mình một cách phủ phàng như vậy, bà cụ oà lên khóc, kể lể tùm lum. Những tiếng "ối giời ôi.." cụ vừa khóc vừa rên lên khiến mọi người cũng cảm thấy não lòng! Thầy Lương xin phép dẫn mẹ về rồi sẽ trở lại. Thầy lôi tay, cụ nhất định trì lại, sau cùng vì yếu sức hơn, bà đành theo con ra về. Hôm sau, những lễ vật thay vì được đem đến nhà chị Bạch, lại phải trực chỉ hướng nhà Kim Sa!

Sau này, tụi Mai mới biết chính thầy Lương "khả kính" có dự phần trong cái "âm mưu" đi kiện này. Thầy dư biết nói suông không đời nào bà cụ chịu cho thầy cưới Kim Sa, nên mới đồng ý dựng vở tuồng này. Tuy xấu hổ một chút, nhưng kết quả 100%! Chỉ tội nghiệp chị Bạch vỡ mộng làm bà Hiệu trưởng và gia đình chị bữa đó chờ đàng trai dài cả cổ cũng chẳng thấy đâu! Vậy mới biết khi đã vướng vào lưới tình thì sẵn sàng tung hê hết. Cả danh dự lẫn tình mẫu tử đều phải cuốn gói đi ra chỗ khác chơi! Bà cụ chỉ còn nước cắn răng khóc thầm.

Lên trung học Mai theo má lên Saigòn ở luôn, nên biệt tin cả đám bạn cũ. Nhưng từ khi bỏ nước ra đi, rất thường, trong mơ Mai thấy mình sống lại y hệt cái thời thơ ấu đó.

Cũng những mái trường làng rợp bóng cây xanh. Cũng giòng sông hiền hòa, mà hầu như ngày nào bọn Mai cũng nhảy xuống tắm, đến khi mặt mũi tái xanh vì lạnh mới chịu lên. Cây sung già thân thể sần sùi tại bến đó. Núp dưới bóng mát đó, chị Hạnh tươi cười mời những khách bộ hành qua lại mua những chùm mía ghim ngọt ngào, những chén bánh lọt chan nước dừa mát rượi và nhứt là tiếng hót của chú chim Vành khuyên màu xanh, mỏ vàng, nhảy tung tăng trong lồng, cặp mắt đen nhánh lúng liếng nhìn qua nhìn lại...

Sáng hôm sau dậy trễ, Mai ra bếp đã thấy Tiến đang ngồi nhâm nhi ly cà phê phin bốc khói thơm lừng, vừa đọc báo. Thấy vợ ra, Tiến buông tờ báo xuống hỏi:

- Làm gì mà đêm qua cứ lăn lộn hoài vậy nhỏ?

Mai bưng ly cà phê của chồng uống một hớp:

- Nghe bài Trường Làng Tôi, em nhớ tới những mái trường xưa dưới quê lúc còn nhỏ. Nhớ muốn chết luôn!

Tiến giả bộ hốt hoảng:

- Ấy ấy, nhớ thì cứ nhớ nhưng đừng chết. Bỏ tui cu ky một mình tội lắm à nha!

Mai xì một tiếng:

- Người ta nói vậy thôi, chớ bộ ngu sao chết! Còn anh nữa, sao không bao giờ em thấy anh nói nhớ về miền Bắc?

Tiến lấy giọng bi thảm:

- Ối giời, bà xã yêu quí, bộ bà tưởng ông chồng bà có trái tim bằng sắt hay sao chứ? Nhiều khi tui nhớ da nhớ diết cái xứ Hưng Yên. Nhất là vào mùa hè, mỗi khi bà mua nhãn về ăn, là lòng tui đứt ra từng đoạn (?!) vì nhớ tới mấy cây nhãn ngon không thể tả trong vườn nhà bà ngoại ngày xưa...

Mai ngắt lời, dài giọng:

- Thơ mộng dữ hôn! Nhớ gì không nhớ, chỉ nhớ mấy cây nhãn!

Tiến cười hà hà:

- Cưng ơi, cổ nhân có phán rằng: có thực mới vực được đạo. Chà, nói đến đây anh lại cảm thấy đói bụng. Thôi đi hâm nồi bún riêu đi cưng.

Mai vừa mở tủ lạnh vừa nói:

- Thưa ông tướng có ngay. Trong khi chờ đợi, gọi dùm mấy nhóc tì dậy ăn luôn.

Tiến đứng lên cái rụp:

- Xin tuân lệnh bà nội tướng!

Tiểu Thu

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân