Gửi: Mon Aug 31, 2020 11:34 am Tiêu đề: Thí nghiệm lâm sàng
Thí nghiệm lâm sàng
(Hình: St Luke’s Cancer Center)
Trong cuộc chạy đua chế tạo thuốc chích ngừa, thuốc chữa trị Covid-19 khiến người thế giới nghe nói khá nhiều về thí nghiệm lâm sàng hay “Clinical trials”. Thí nghiệm lâm sàng là việc sử dụng thuốc men [ta chưa biết rõ về hiệu quả cũng như tính an toàn] trên con người, những người tình nguyện tham gia sau khi được giải thích cặn kẽ về món thuốc kia. Không quen thuộc với tiêu chuẩn thí nghiệm lâm sàng thì khó lòng hiểu căn kẽ tại sao tiến trình thí nghiệm lại nhiêu khê và tốn nhiều thời giờ cũng như của cải như thế.
Thông thường, thí nghiệm lâm sàng thường bao gồm hai nhóm chính: 1) thí nghiệm qua việc quan sát hay “observational studies”: chuyên viên theo dõi và ghi chép những sự việc xảy ra trong nhóm người được quan sát; loại thí nghiệm này là nền tảng của ngành dịch tễ học (epidemiology) ; 2) thí nghiệm bằng cách sử dụng thuốc men, cách chữa trị, dụng cụ... hay “experimental studies”. Loại thí nghiệm này giúp con người tìm hiểu và sau đó tùy theo kết quả mà áp dụng thuốc men, cách chữa trị, dụng cụ đã được thí nghiệm cũng như chứng minh mức an toàn và hiệu quả.
Illustration from the Atlas of Materia Medica, courtesy James Lind Library
Thí nghiệm lâm sàng không phải là một khái niệm mới mẻ; từ thế kỷ XI, năm 1061 trên tập sách Atlas of Materia Medica, ông cụ Song Su đã ghi chép và hiệu đính về cuộc thí nghiệm sâm Shangdang: Hai người tham dự đã chạy đua, khoảng cách 3-5 li (khoảng 1,500 – 2,500 thước). Một người được dùng sâm, người kia thì không dùng. Người không dùng bị hụt hơi và người dùng sâm thở dễ dàng bớt mệt nhọc hơn. Đây là cuộc thí nghiệm đầu tiên dùng “control” (không chữa trị) để so sánh hiệu quả của “thuốc men”.
“Control” hay “tiêu chuẩn” để so sánh giữa những nhóm người / vật thí nghiệm; ít nhất là hai nhóm, nhóm dùng thuốc men/vật dụng (device) /cách chữa được so sánh với nhóm “tiêu chuẩn” hay “control” trong tình trạng sức khỏe tương tự. Các dữ kiện xảy ra trong suốt thời gian thí nghiệm giữa các nhóm được ghi chép và tổng hợp để so sánh rồi đi đến kết luận. Nhóm “tiêu chuẩn" là nền tảng của các cuộc thí nghiệm lâm sàng ngày nay; không có tiêu chuẩn để so sánh, ta khó lòng đi đến kết luận chính xác.
cây rhubarb và Bác Sĩ Caleb Parry
Y học Âu Mỹ cũng sử dụng thí nghiệm lâm sàng nhưng chậm trễ hơn. Vào thế kỷ XVIII, tại Anh mới có cuộc thí nghiệm lâm sàng so sánh hiệu quả nhuận trường của rễ cây rhubarb. Rễ rhubarb đã được dùng như thuốc nhuận trường từ 5,000 năm tại Âu Châu nhưng mãi đến năm 1786, Âu châu mới ghi chép kết quả của cuộc thí nghiệm lâm sàng đầu tiên khi Bác Sĩ Caleb Parry cho bệnh nhân dùng hai loại rễ rhubarb, loại thứ nhất trồng tại địa phương so với loại thứ nhì sản xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ (đắt giá hơn). Ông ấy kết luận rằng cả hai loại rễ đều hiệu quả như nhau sau khi thu góp và ghi chép triệu chứng từ bệnh nhân. Ngày nay, khi phân chất, ta tìm thấy rễ và cành rhubarb chứa anthraquinone có dược tính nhuận trường.
Vào thế kỷ XX, các chuyên viên y tế mới bắt đầu sử dụng kỹ thuật “randomization”, áp dụng sự “ngẫu nhiên” vào việc lựa chọn nhóm thí nghiệm, không do người thí nghiệm lựa chọn để tránh “thiên vị” (biases). Tạm hiểu là cách chọn lựa người / vật [để] thí nghiệm hoàn toàn “ngẫu nhiên” qua việc ném xúc xắc hay chi tiết hơn dùng phép “xác suất” của toán học.
Từ đó, ta có các “randomized trial’, các cuộc thí nghiệm lâm sàng được chia nhóm theo sự “ngẫu nhiên”
Năm 1905, tại Kuala Lumpur Lunatic Asylum nhiều bệnh nhân bị chứng beriberi, một căn bệnh ảnh hưởng đến trung tâm thần kinh và tim. Vị quản đốc bệnh viện, Bác Sĩ William Fletcher dẫn đầu cuộc thí nghiệm dùng cách chọn nhóm qua sự “ngẫu nhiên”. Mỗi bệnh nhân có một con số, người mang số lẻ vào nhóm ăn cơm gạo trắng và người mang số chẵn vào nhóm ăn cơm gạo lứt. Khi cuộc thí nghiệm chấm dứt, 5% số người ăn cơm trắng qua đời vì chứng beriberi trong khi nhóm ăn gạo lứt không ai tử vong. Đây là cuộc thí nghiệm sử dụng thuật “ngẫu nhiên” sớm nhất trong y sử khi một nhóm được chọn để làm tiêu chuẩn [sinh sống như thường nhật, ăn gạo trắng] so sánh với nhóm được “chữa trị” [ăn gạo lứt để chữa chứng beriberi].
Ngày nay, ta biết rằng chứng beriberi là hậu quả của sự thiếu thiamin (sinh tố B1) và gạo trắng không chứa đủ loại sinh tố này. Ngoài ra, phương thức thí nghiệm kể trên không còn được áp dụng nữa vì lý do thiếu nhân đạo (ethics) cũng như cách “lựa chọn” theo kiểu mẫu “ngẫu nhiên” được thay thế bằng các thảo trình toán học xác suất.
Trở lại với các cuộc thí nghiệm lâm sàng, ngày nay khoa học áp dụng chương trình nghiên cứu theo tiến trình tuần tự từng giai đoạn (phases) I-IV. Phase I để tìm hiểu và xác định tính an toàn trong con người; phase II để tìm hiểu mức hiệu quả [và cả sự an toàn) trong một số [ít] người; phase III để tìm tìm hiểu mức hiệu quả, tính an toàn của việc chữa trị so với “tiêu chuẩn” hay control và để so sánh, giai đoạn III áp dụng cách lựa chọn “ngẫu nhiên” (randomization). Do đó, giai đoạn I và II tương đối ngắn hạn, chữa trị một lần hoặc nhiều lần (30 ngày cho các loại trị liệu dài hạn) và chỉ cần thí nghiệm trong một số ít người. Ở giai đoạn III, số người tự nguyện tham dự lên đến cả ngàn, con số dựa trên sác xuất thống kê hay “statistics”; giai đoạn này kéo dài nhiều năm tùy theo mức tham dự của người tình nguyện. Trong phase IV, việc nghiên cứu tiếp tục, chuyên viên thu góp các dữ kiện liên quan đến món thuốc sau khi đưa ra thị trường; số người sử dùng nhiều hơn và ít chọn lọc hơn.
Trong trường hợp thí nghiệm thuốc chích ngừa Covid-19, số người tình nguyện cần thiết lên đến cả ngàn để có đủ dữ kiện so sánh giữa giả dược (placebo) và thuốc “thật”. Tạm hiểu là ta cần thời gian để thí nghiệm và thẩm định một món thuốc mới. Chữa trị và phòng ngừa Covid-19 đã trở thành mối lo âu hàng đầu nên cả thế giới dốc toàn tài lực vào việc tìm kiếm cũng như thí nghiệm các loại thuốc ấy. Kết quả là trong một thời gian kỷ lục, chưa đến một năm mà đã có nhiều loại thuốc xuất hiện và có thể được chế tạo cũng như sử dụng trên thế giới.
Theo báo New York Times, hiện nay ta có ba món thuốc chích ngừa đang được thí nghiệm trong phase III tại Hoa Kỳ; kết quả có thể được công bố vào cuối năm. Điều đáng mừng hơn nữa là chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới chịu đầu tư vào việc chế tạo thuốc chích ngừa dù chưa có kết quả chắc chắn từ phase III. Nghĩa là chính phủ chấp nhận sự rủi ro, bỏ tiền tài trợ việc chế tạo dù biết rằng món tiền bạc tỷ ấy có thể bốc hơi vì thuốc chủng [đang được thí nghiệm] không thành công!
Tại các quốc gia khác như Hoa Lục và Nga Sô, các chính phủ này công bố rằng họ đã có thuốc chích ngừa Covid-19, sẵn sàng cho dân chúng sử dụng. Tuy nhiên cộng đồng khoa học thế giới chưa được kiểm nghiệm tài liệu liên quan đến các thuốc chủng ấy. Chẳng hạn như thuốc chích ngừa thuộc loại nào, chế tạo ra sao? Đã có bao nhiêu con người sử dụng trong cả ba giai đoạn I-III? Tính an toàn ra sao, có những phản ứng phụ nào? Và quan trọng nhất, hiệu quả ra sao so với những người dùng giả dược? Và nhiều câu hỏi khác.
Khi dữ kiện chưa được công bố thì tất nhiên là ta có câu hỏi, và khi chưa có câu trả lời chính xác thì việc sử dụng món hàng ấy là điều không nên. Sức khỏe là vàng, phải không bạn?
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn