Hôi miệng có nhiều nguyên nhân. Sau khi thử những cách sau đây, nếu không hiệu quả chút nào, có thể bạn phải đi khám bác sĩ hay nha sĩ để tìm nguyên nhân.Đánh răng sau khi ăn. Giữ một bàn chải đánh răng tại nơi làm việc để sử dụng sau khi ăn. Đánh răng với kem đánh răng có chứa fluoride ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn. Kem đánh răng có tính chất kháng vi trùng, đã được chứng minh là làm giảm hôi miệng.
Dùng chỉ nha khoa (floss) ít nhất một lần một ngày. Dùng chỉ nha khoa đúng cách để loại bỏ các hạt thức ăn và mảng bám giữa răng, giúp kiểm soát hơi thở hôi.
Nạo lưỡi. Lưỡi là môi trường nuôi dưỡng vi trùng, vì vậy nạo lưỡi để giảm bớt những chất bám vào lưỡi, có thể làm giảm mùi hôi. Những người bị lưỡi trắng do vi trùng phát triển quá mức, thí dụ từ hút thuốc lá hoặc bị khô miệng, có thể bớt bị hôi miệng khi dùng cạo lưỡi hoặc sử dụng một bàn chải đánh răng có gắn dụng cụ làm sạch lưỡi.
Giữ sạch răng giả hoặc các thiết bị nha khoa. Nếu bạn có cầu răng hay hàm răng giả, nên làm sạch kỹ ít nhất một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa của bạn. Nếu bạn đeo miếng giữ răng (retainer) hoặc miếng bảo vệ miệng (mouth guard), nên làm sạch chúng trước khi đặt vào trong miệng. Nha sĩ có thể giới thiệu các sản phẩm làm sạch tốt nhất cho bạn.
Tránh khô miệng. Để giữ miệng ẩm, tránh hút thuốc lá, và uống nhiều nước - cà phê, nước giải khát hoặc rượu có thể làm miệng khô hơn. Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo (không đường) để kích thích nước bọt. Đối với chứng khô miệng mạn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể kê toa mua nước bọt nhân tạo hoặc một loại thuốc uống kích thích nước bọt.
Điều chỉnh cách ăn uống. Tránh các loại thực phẩm như hành tây và tỏi có thể gây hơi thở hôi. Ăn nhiều các thực phẩm có đường cũng được liên kết với hơi thở hôi.
Thường xuyên dùng bàn chải đánh răng mới. Thay đổi bàn chải đánh răng của bạn khi nó bị sờn, mỗi 3-4 tháng, và chọn bàn chải mềm.
Khám nha khoa thường xuyên theo định kỳ, thường hai lần một năm, để kiểm tra và làm sạch răng hay răng giả.
|