TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Khai thác những ích lợi của thẻ tín dụng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Khai thác những ích lợi của thẻ tín dụng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Tue Jun 26, 2018 11:38 pm    Tiêu đề: Khai thác những ích lợi của thẻ tín dụng

Khai thác những ích lợi của thẻ tín dụng

Một trong những ích lợi mà thẻ tín dụng mang lại cho người sử dụng là “lãi ngược” (cash back)


Chúng ta thừa biết cái thẻ nhựa mang tên “thẻ tín dụng” (credit card) đích thực chỉ là cái thẻ vay tiền. Nhiều người chủ trương đừng nên sử dụng thẻ tín dụng, bởi vì nó có thể dìm bạn vào sâu trong nợ nần, cả đời ngóc đầu lên không nổi. Người khác thì cho rằng thẻ tín dụng mang lại nhiều quyền lợi cho người tiêu thụ. Trước hai chủ trương trái ngược nhau như vậy, chúng ta nên hiểu như thế nào?


Không biết tự chế thì thà đừng dùng thẻ tín dụng, cắt nát vất bỏ còn hơn


Tại sao không nên dùng thẻ tín dụng?

Bởi vì thẻ tín dụng căn bản chỉ đưa chúng ta vào chỗ nợ nần, từ ít đến nhiều, dần dần trở thành “nợ như chúa Chổm.” Nếu có thể làm chủ bản thân, tiêu xài vừa phải trong khả năng chi trả của mình, để không rơi vào cảnh nợ đầm nợ đìa, thì cũng chỉ là... huề vốn, nợ trước trả sau, chứ có miễn giảm được đồng nào. Muốn giữ thế chủ động khi vay mượn, bạn phải có sẵn tiền để khi cần trả nợ thì trả được ngay. Nhưng đã sẵn tiền thì tại sao phải vay mượn cho mang tiếng?

Đó là lý luận của những người chủ trương không nên dùng thẻ tín dụng. Thật là những lý luận chính xác. Nhưng như bài trước có nói, trong thị trường hiện nay, lý luận đó không còn là điều “tuyệt đối đúng” nữa. Bởi vì, bên cạnh nó, có một lập trường khác, cũng đúng và có thể đúng hơn, đó là: Phải dùng thẻ tín dụng và khai thác những ích lợi độc đáo của nó.



Tại sao nên dùng thẻ tín dụng?

Như bài trước có nói, thẻ tín dụng mang lại ích lợi cho cả ba giới: Giới bán hàng, giới chủ nợ, và giới tiêu thụ. Hai giới trên được lợi ra sao thiết tưởng chưa cần nói đến. Hãy nói về giới tiêu thụ: Từ góc độ của người đi mua sắm, chúng ta dễ dàng nhận thấy cầm tấm thẻ tín dụng trong tay thì tiện lợi và gọn gàng hơn nhiều so với mang tiền mặt trong túi; Quan trọng hơn nữa, tấm thẻ là tiền thực sự, nhưng nếu lỡ bị mất thì... ở trong tay người vô tình nhặt được (chúng tôi nói “vô tình”, trường hợp kẻ gian cố ý đánh cắp thẻ tín dụng thì khác, sẽ được đề cập sau), nó chỉ là miếng giấy vô giá trị, chứ không còn là tiền nữa. Sở dĩ cái thẻ tín dụng “biến hóa” được như vậy là vì, bạn chỉ cần gọi báo ngay cho chủ nợ để họ vô hiệu hóa cái thẻ, và chẳng ai có thể sử dụng nó được nữa.

Hai ích lợi trên đây thật là cụ thể và hiển nhiên. Nhưng còn những ích lợi khác, có thể gọi là “độc đáo” vì chỉ có thẻ tín dụng mới mang lại được. Hôm nay xin nói về lãi ngược.



Lãi ngược là gì?

Chẳng hạn, bạn vay $100, nhưng bạn chỉ cần trả $99, $98... thậm chí $95, mà chủ nợ vẫn vui lòng nhận lại, không kỳ kèo, và cũng không đòi bạn trả lãi trên số tiền còn thiếu. Điều này cho thấy bạn không “huề vốn” mà rõ ràng bạn có lãi: Vay $100 trả lại $95, lãi $5! Số tiền $5 có thể gọi là... lãi ngược, tuy chẳng đáng bao nhiêu, nhưng rất thú vị! Vay tiền không phải trả lãi mà lại được lãi, nếu đó không là sự ngược đời thú vị thì cái gì mới đáng được coi là thú vị đây?

Hơn nữa, “chẳng đáng bao nhiêu” chỉ là lời nói khiêm tốn... giả bộ. Bởi vì, cái khoản tiền lãi ngược (tiền lãi mà người đi vay được hưởng) không chỉ giới hạn $2 đô hoặc $5 đô, mà có thể là vài trăm đô hoặc cả ngàn đô. Chủ thẻ sẽ tính lãi ngược theo tỷ lệ - có thể 1%, 2% hoặc lên tới 5% - trên số tiền bạn vay để mua sắm. Nếu mỗi khi mua sắm bất cứ thứ gì, thay vì trả tiền mặt, bạn dùng thẻ tín dụng, thì tổng số tiền tích lũy được sau nhiều năm chắc chắn không nhỏ. Đây thực là những đồng tiền rơi vào tay bạn một cách bất ngờ, những đồng tiền nhặt được một cách hoan hỉ. Nói “hoan hỉ” là vì bạn sẽ không có cảm giác áy náy khi nghĩ tới ai đó đang khóc lóc xót xa ở một góc phố nào đó vì rơi mất tiền.



Tại sao lại xảy ra cái sự ngược đời như vậy?

Sự ngược đời là tại sao chủ nợ lại muốn “thưởng” cho con nợ? Trở về chuyện đã nói trước đây, khi giới tiêu thụ dùng thẻ tín dụng để mua sắm, thì chủ thẻ ngay lập tức thu phí từ 2%, 5% hoặc 10% trên số tiền họ bỏ ra. Với mức lệ phí 5%, thì khi bỏ ra $100 cho bạn mua một món hàng nào đó, chủ thẻ đã xoắn lấy $5 (người bán chỉ thu được $95). Từ $5 lấy được của người bán, chủ nợ chia chác với con nợ (là bạn) $1 hoặc $2 để khuyến khích bạn dùng thẻ mua thêm, mua thêm.

Thực ra, việc thu lệ phí diễn tiến một cách kín đáo giữa chủ thẻ và người bán, người mua không hề hay biết vì hóa đơn tính tiền vẫn ghi rõ giá tiền món hàng là $100. Việc chủ thẻ đồng ý chia chác với giới tiêu thụ là một việc tự ý, nằm trong kế hoạch “khuyến mãi” để giúp bạn lên tinh thần mà tiêu xài nhiều hơn. Ngoài ra, còn có nhu cầu “cạnh tranh” trong giới chủ nợ. Trên thị trường có rất nhiều chủ nợ sẵn sàng cấp thẻ tín dụng cho giới tiêu thụ. Để làm cho mình nổi bật hơn đối thủ, chủ nợ thường phải nghĩ ra nhiều phương thức lạ đời hầu lôi kéo con nợ: Cho con nợ được hưởng “lãi ngược” là một trong những phương thức đó.


Khi có good credit, bạn sẽ nhận được nhiều lời chào mời của các công ty chủ thẻ, từ đó tha hồ chọn lựa.


Làm sao hưởng được lãi ngược?

Là người tiêu thụ, bạn cần phải chọn lựa. Người ta thường nói “Chọn mặt gửi vàng”, ở đây thì bạn chọn mặt để... vay tiền. Làm chủ thẻ tín dụng là một “business” mang lại doanh thu rất cao, nên thiên hạ tranh nhau nhảy ra cho vay tiền. Nếu bạn được thị trường ghi nhận là người có uy tín, nói cụ thể là có “good credit”, bạn sẽ nhận được nhiều lời chào mời, và từ đó bạn có thể tha hồ chọn lựa. Nếu thích lãi ngược, bạn hãy chọn chủ thẻ nào tự nguyện cho mình quyền lợi đó. Các chủ thẻ không giống nhau: Người này cho lãi ngược (cash back), người kia cho điểm thưởng để mua vé máy bay (airline ticket points), người khác lại cho vay theo phân lời ưu đãi 0%. Chỉ cần bạn có good credit, bạn sẽ có thể đón nhận nhiều ích lợi như “trăm hoa đua nở” trong ngôi vườn mùa xuân. Trên thị trường tài chánh của thời hiện đại, các chủ thẻ - vốn là những nhà băng lớn như Bank of America, Chase, Discover... – lúc nào cũng nặn óc tìm tòi sáng kiến cạnh tranh để thuyết phục khách hàng dùng thẻ tín dụng của mình. Nếu muốn “lãi ngược”, xin bạn hỏi họ về “Cash Back”.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ ngay ở đây rằng, khi nhận hóa đơn hằng tháng của chủ thẻ, bạn vẫn phải trả đầy đủ số nợ tích lũy trong 30 ngày trước đó, bằng không sẽ phải trả lãi rất cao (có thể tới 29%) trên số nợ còn thiếu lại. Tiền “cash back” cũng được ghi trong hóa đơn, nhưng ở một trang khác.



Tóm lại, thẻ tín dụng luôn luôn là “con dao 2 lưỡi”, đưa lại nhiều ích lợi nhưng cũng đòi hỏi người tiêu thụ phải có tinh thần trách nhiệm và sự tự chế. Có tinh thần trách nhiệm cao thì mới xây dựng được uy tín, mới có good credit, và các lời chào mời mới bay đến.

ERIC TRẦN

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Tue Jul 17, 2018 11:52 pm    Tiêu đề:

Ích lợi của thẻ tín dụng: Chủ nợ bênh con nợ


Trước nay, chúng ta thường chỉ dùng tiền mặt (cash) khi mua sắm. Nhưng với thẻ tín dụng, chúng ta lại có thêm một phương tiện khác để chi trả, một phương tiện hữu dụng, phổ thông và mang lại nhiều lợi ích cho giới tiêu thụ hơn. Lần trước chúng ta đã nói về lãi ngược. Hôm nay, xin nói về sự bảo vệ, cũng được gọi là sự bênh vực mà chủ nợ dành cho con nợ.



Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ

Khi dùng thẻ tín dụng, chúng ta vay tiền của người khác để mua sắm, tự biến mình thành con nợ và chủ thẻ trở thành chủ nợ. Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ trong môi trường vay mượn cổ điển thường khá “căng”, người đi vay thường bị khinh thị, lép vế, phải chấp nhận ở thế yếu. Nhưng trong thị trường ngày nay, khi dùng thẻ tín dụng, người đi vay lại được chủ nợ coi trọng, và dành cho nhiều ưu thế.

Khác với mối quan hệ vay mượn ngày xưa chỉ có hai bên là con nợ và chủ nợ, quan hệ tín dụng bây giờ thì có ba bên: Người mua hàng (con nợ), người cho vay tiền mua hàng (chủ nợ) và người bán hàng. Trong mối quan hệ ấy, chủ nợ đứng hẳn về phía người mua hàng trong những tranh luận, nếu có, với người bán hàng.

Sự bênh vực ấy được thể hiện trong các trường hợp sau:



1. Bênh vực khi tranh luận (Dispute Protection)

Trên thị trường hiện nay, người tiêu thụ có quyền trả lại hàng hóa và đòi lại tiền trong một thời hạn nào đó do bên bán qui định: 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày... hoặc 1 năm. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp gây tranh luận, khiến người tiêu thụ bận tâm sau khi hàng đã trả lại mà tiền chưa trả về.

Nếu đã dùng tiền mặt để mua hàng thì người tiêu thụ phải tự mình đối phó. Gặp người bán chây lì, không chịu trả lại tiền, bạn chỉ có cách kiện y ra tòa, bằng không đành chịu mất tiền trong sự ấm ức.

Tuy nhiên, nếu bạn chi trả bằng thẻ tín dụng, chủ thẻ sẽ nhảy vào can thiệp trực tiếp, chống lại người bán để lấy tiền về cho bạn. Bạn chỉ cần cho họ biết rằng bạn đã trả lại sản phẩm mà người bán gây khó dễ hoặc chậm chạp trả lại tiền.

Có nhiều quyền lợi được cung cấp miễn phí cho người dùng thẻ tín dụng.



Công việc này được thực hiện một cách đơn giản như sau:

    • Báo cho chủ thẻ bằng cách gọi số điện thoại Customer Service, ghi ở mặt sau tấm thẻ. Số điện thoại này thường hoạt động 24/7, ngày đêm lúc nào cũng có nhân viên trả lời. Bạn có thể xin nói chuyện qua thông dịch viên tiếng Việt, nếu không muốn hoặc không thể nói tiếng Mỹ.

    • Nói với nhân viên Customer Service rằng bạn muốn “dispute a transaction”, tức là khiếu nại về một khoản tiền đã trả.

    • Chỉ cần nghe như vậy thôi, nhân viên Customer Service có thể sẽ trả lại tiền (Refund) ngay. Tuy nhiên, số tiền Refund lúc bấy giờ mới chỉ là “tạm thời”. Chủ thẻ còn phải điều tra, để xác nhận rằng bạn đã trả hàng và xin “refund” theo đúng qui định của người bán.

      Về chuyện này, xin kể lại một kinh nghiệm cá nhân: Mới đây, bản thân chúng tôi đã phải nhờ chủ thẻ đòi lại số tiền lớn ($30,000) đã đóng để ghi tên tham dự một lớp học. Dĩ nhiên, khi ghi tên học, người viết không đưa tiền mặt, mà dùng credit card của ngân hàng Bank of America. Không lâu sau đó, người viết đổi ý, nên đã cancel để lấy lại tiền. Trong khi việc “cancel” được thực hiện hợp lệ, mà bên tổ chức lớp học vẫn khoan giãn, chưa hoàn lại tiền, người viết đành phải báo cho chủ thẻ (Bank of America) can thiệp; Và sau đó ăn ngon ngủ khỏe, chẳng còn sợ mất tiền, hoặc lo lắng đòi tiền nữa... Quả đúng như vậy, chỉ vài ngày sau khi chủ thẻ can thiệp, số tiền $30,000 đã ngoan ngoãn quay về. Chuyện này thực sự không lạ: Bàn tay uy lực của chủ thẻ luôn luôn đứng về phía giới tiêu thụ.

Khi có sự tranh chấp liên quan tới việc mua hàng bằng Credit Card, công ty cấp thẻ luôn luôn đứng về phía khách hàng.



2. Tăng thời gian bảo hành (warranty extended)

Các sản phẩm điện tử thời nay thường được nhà sản xuất bảo hành ít nhất 1 năm. Trong thời gian này, nếu máy móc trục trặc, nhà sản xuất sẽ sẵn lòng sửa chữa miễn phí. Không may, ngoài thời hạn đó, cái máy mới hư, bạn phải bỏ tiền riêng ra sửa hoặc mua máy mới. Tuy nhiên, nếu bạn đã dùng thẻ tín dụng để trả tiền mua máy, chủ thẻ sẽ tăng thời hạn bảo hành sản phẩm lên gấp đôi. Khi đó, bạn sẽ điện thoại cho chủ thẻ và yêu cầu họ giải quyết việc này.

Hiện nay, các cửa hàng thường “dụ” khách hàng gia hạn thời gian bảo hành bằng cách trả thêm tiền. Nếu đang phân vân, không biết có nên gia hạn thời hạn bảo hành hay không, bạn hãy tìm lại trong ví, xem cái thẻ tín dụng của mình có kèm theo quyền lợi đó không. Nếu có, hãy cứ dùng thẻ tín dụng ấy mà trả tiền, thời hạn bảo hành món hàng sẽ gia tăng mà không tốn kém thêm 1 xu nào.


Luôn luôn trả tiền thuê xe bằng thẻ tín dụng để có thể tận dụng Collision Damage Waiver.


3. Collision Damage Waiver

Khi đi thuê xe, bạn thường được hỏi có muốn mua thêm Collision Damage Waiver hay không? Đây là quyền lợi về bảo hiểm, giúp bạn thoát khỏi những phiền toái nếu chẳng may bị đụng xe, gây thiệt hại cho cái xe bạn thuê. Nếu có Collision Damage Waiver, thì dù là người có lỗi trong vụ tai nạn, bạn cũng không gặp rắc rối gì với hãng xe cả. Đây là một quyền lợi ít khi được tận dụng. Một phần vì bạn ít khi đi thuê xe, phần khác, bạn không ngờ thẻ tín dụng vốn cống hiến quyền lợi này. Nên nhiều khi bạn phải tốn thêm tiền một cách vô ích để mua lấy một quyền lợi mà mình đã có.

Xin nói về một trường hợp cụ thể: Gần đây, người viết có tổ chức một chuyến du lịch dài ngày, xuyên qua 6 tiểu bang (California, Arizona, Utah, Idaho, Montana, và Wyoming). Thay vì dùng xe nhà, chúng tôi quyết định thuê xe. Phí tổn thuê xe của hãng Thrifty trong 6 ngày là... $80, kể cả thuế! (Nếu bạn không nỡ bắt cái xe của mình phải lăn bánh một đoạn đường 2,800 dặm trong gần một tuần “gian khổ” để tiết kiệm $80, thì... chắc bạn cũng đồng ý với chúng tôi rằng thuê xe là một quyết định hợp lý!)

Trong khi làm giấy tờ thuê xe, nhân viên Thrifty hỏi rằng có muốn mua thêm Collision Damage Waiver với giá $10 một ngày hay không? Chỉ mất thêm chừng $60 nữa để mua lấy sự yên tâm trong chuyến đi xa này thì thật là quá rẻ, chả nên từ chối!

Nhưng chúng tôi quyết định không mua, vì cái thẻ Bank of America mà chúng tôi dùng để trả $80 nguyên thủy đã cho chúng tôi hưởng Waiver mà không phải trả thêm xu nào. Nếu vô tình không biết mà vẫn mua, đó không phải là mất tiền vô ích sao?



Trên đây là ba quyền lợi cụ thể mà giới tiêu thụ thường được hưởng khi dùng thẻ. Trong những điều vừa kể, chỉ có quyền lợi số 1 là được bảo đảm bởi tất cả mọi công ty chủ thẻ. Các quyền lợi còn lại (số 2 và số 3) thì không hẳn thẻ tín dụng nào cũng có. Vì thế, khi xin thẻ tín dụng, bạn nên hỏi lại cho rõ về các quyền lợi đính kèm. Nhưng nếu không có thứ này, chắc chắn họ sẽ có thứ khác để cống hiến. Đó không phải là bằng chứng rõ ràng cho thấy người đi vay nợ thời nay rất có giá, thường được chủ nợ o bế hay sao?

Nhưng đừng quên, muốn được o bế, bạn phải là người có uy tín, nói cách khác, bạn phải có good credit.

ERIC TRẦN

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Mon Jul 23, 2018 11:48 pm    Tiêu đề: Lợi ích lớn nhất của thẻ tín dụng: Xây dựng uy tín!

Lợi ích lớn nhất của thẻ tín dụng: Xây dựng uy tín!


Trong những bài trước, chúng tôi đã trình bày một vài lợi ích cụ thể, gần gũi, mà ai cũng có thể tận dụng được với cái thẻ tín dụng. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất là xây dựng được uy tín, trở thành một tên tuổi đáng tin tưởng, đáng kính trọng, tạo sự yên tâm thoải mái cho những người giao dịch với mình và những người mình cần giao dịch. Xin nhắc lại: lợi ích lớn nhất của việc dùng thẻ tín dụng là xây dựng uy tín. Nếu những lợi ích đã kể trước đây gọi là lợi ích vật chất, có thể sờ chạm được, thì uy tín là lợi ích trừu tượng, không sờ chạm được, nhưng lại là nền tảng dẫn đến những ích lợi vật chất khác.


Theo dõi điểm số tín dụng để kịp thời sửa chữa.


Tại sao gọi là lợi ích trừu tượng?

Uy tín thì “trừu tượng”, vì chúng ta không nhìn thấy, không sờ chạm được, nhưng nó vẫn có mặt, thường xuyên được thể hiện qua các việc làm cụ thể. Uy tín vốn không phải là một điều mới lạ hay khó hiểu. Qua bao đời nay, xã hội nào cũng tôn trọng người có uy tín. Tuy nhiên, trước khi có thể đánh giá uy tín của một người nào đó, chúng ta phải có thời gian gian tiếp xúc, làm việc chung với họ. Sinh hoạt trong xã hội xưa nay thường vẫn là như thế.

Tuy nhiên, trong giao dịch tài chánh ngày nay, người ta không cần mất thời giờ để tìm hiểu về uy tín đối tác. Nói như vậy không có nghĩa là uy tín không còn quan trọng. Nó vẫn quan trọng, và còn quan trọng hơn nữa. Chỉ có điều khác là bây giờ chúng ta không cần mất giờ, mà trái lại có thể nhìn ra giá trị của đối tác ngay trong tích tắc. Bởi vì, uy tín của đương sự đã được đánh giá bằng điểm số cụ thể: Người có điểm số cao thì uy tín cao, sẽ được tín nhiệm trọng đãi hơn so với người có điểm số thấp biểu thị một uy tín thấp hơn, kém cỏi hơn.


Uy tín được thể hiện qua số điểm (credit score). Vì thế, giới tiêu thụ cần biết điểm số của mình ở hạng nào: Tốt hay xấu?


Điểm số đánh giá uy tín một người trên thị trường được gọi là “điểm tín dụng” (credit score), là thước đo giá trị dựa vào lý lịch người đó. Tóm lại, người tiêu thụ muốn có uy tín tốt để được trọng đãi trên thị trường, người đó phải có điểm tín dụng cao, mà muốn có điểm tín dụng cao thì phải có những hành vi tốt, những cách hành xử tốt để tạo thành một lý lịch tốt. Đó là một tiến trình ba giai đoạn, bao gồm:

    • Điểm tín dụng là kết quả tối hậu

    • Lý lịch tín dụng là quá trình bao gồm nhiều hành vi, ứng xử cụ thể

    • Những hành vi, ứng xử khi vay tiền, trả tiền... là những hành động cụ thể tạo nên lý lịch

So sánh với sự phát triển của một cái cây, chúng ta có thể nói điểm tín dụng là trái cây, lý lịch là sự phát triển của thân cành, và hành vi là rễ... Muốn có trái ngon quả ngọt, cây phải có một bộ rễ khỏe, tốt..., Con người muốn được coi trọng phải có những ứng xử tốt, những hành vi tốt trên thị trường tài chánh.


Dùng thẻ tín dụng trong mọi lúc có thể được để xác định chỗ đứng trên thị trường tài chánh.


Làm sao tạo ra những hành vi tốt trên thị trường tài chánh?

Dùng thẻ tín dụng! Hãy dùng thẻ tín dụng trong tất cả những lúc có thể được khi mua sắm. Bất cứ khi nào người bán nhận thẻ tín dụng thì bạn hãy dùng thẻ, đừng dùng tiền mặt ngay cả khi có sẵn tiền mặt trong túi. Bởi vì, mỗi khi bạn dùng thẻ tín dụng, là mỗi lần bạn xuất hiện với một hành vi trên thị trường tài chánh. Rồi, khi nhận được “bảng báo cáo chi tiêu” (statement), hoặc “biu” như tên thường gọi, đó là lúc bạn có cơ hội ứng xử, và bạn sẽ được đánh giá tùy theo cách ứng xử đó. Sau đây là những trường hợp có thể xảy ra:

    • Trả tiền ở mức tối thiểu (pay the minimum due): Chủ nợ không buộc bạn phải trả hết số tiền đã vay để mua sắm trong tháng. Nhưng họ đòi bạn phải trả một số tối thiểu nào đó. Chẳng hạn, vay tổng cộng (balance) là $3,000, nhưng chủ nợ chỉ đòi bạn trả tối thiểu $50. Con số tối thiểu $50 cho phép bạn “dễ thở” và giữ được uy tín với chủ nợ. Nhưng số nợ còn lại quá lớn sẽ làm bạn thiệt hại nhiều do phải trả lãi khá cao. Thiệt hại hơn cả là, con số ấy được ghi trên lý lịch của bạn, khiến bạn luôn luôn xuất hiện với một gánh nợ trên lưng, làm giảm bớt nhiệt tình của các chủ thẻ khác, khiến họ không còn hăm hở, giành giật lôi kéo bạn về với họ nữa.

    • Trả hết tất cả số tiền đã vay (pay off the balance): Không chỉ là con số tối thiểu mà là tất cả, bạn trả hết số tiền đã vay, không thiếu lại đồng nào sau khi nhận được báo cáo. Đây là cách hành xử đẹp nhất: Không nợ, không bị trả lãi, mà lại có một lý lịch dầy đặc những hành vi tốt. Xuất hiện trên thị trường không một gánh nợ trên lưng, bạn sẽ trở thành đối tượng săn đón, chắc chắn sẽ nhận rất nhiều lời chào mời cạnh tranh của nhiều chủ thẻ khác. Đương nhiên, uy tín của bạn mỗi ngày một tăng cao, điểm số tín dụng sẽ vọt lên tới mức cao nhất mà thị trường có thể trao tặng. So với bạn, những người chỉ dùng tiền mặt khi mua sắm cũng không mang gánh nợ nần, cũng không phải trả lãi, nhưng hành vi của họ không hề được ghi nhận, nói tóm lại, họ không hề có lý lịch. Đối với thị trường, họ không hề hiện diện.

    • Trả tiền trước hạn chót (pay by the due date): Khi nhận báo cáo tổng kết, bạn phải coi xem “due date” là ngày nào. Đây là hạn chót bạn phải trả tiền, dù trả số tối thiểu hay trả hết số tiền đã vay. Nhớ đừng bao giờ trả tiền sau hạn chót đó. Bằng không bạn sẽ bị mang tiếng là trả trễ, một trong những hành vi gây ra điểm đen trong lý lịch. Thực ra, nếu không muốn bị trễ, bạn phải gửi tiền đi, chậm nhất là một tuần trước đó, thì nó mới tới tay chủ nợ kịp thời, không sau ngày Due Date được. Nên nhớ, due date là hạn chót để chủ nợ nhận tiền, chứ không phải là hạn chót để bạn gửi tiền đi. Nếu có thể trả tiền trên website, hoặc qua điện thoại... để chủ thẻ có thể lấy tiền ngay, thì bạn cũng có thể trùng trình một chút, sát ngày due date.



Nói tóm lại, uy tín là một quyền lợi sáng giá nhất, một điểm son rực rỡ nhất của người tiêu thụ. Để củng cố uy tín, không gì hơn bằng dùng thẻ tín dụng, dùng nó trong tất cả mọi hoàn cảnh có thể được, và tuân theo những qui định về việc trả tiền như đã phân tích trên... Đó là tạo ra những cách ứng xử đẹp, sẽ tạo thành một lý lịch tốt, đưa điểm tín dụng của bạn lên cao, và từ đó kéo theo nhiều quyền lợi vật chất khác.

ERIC TRẦN

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Sat Jul 28, 2018 11:49 pm    Tiêu đề: Lợi ích dành cho người có uy tín trên thị trường tài chánh

Lợi ích dành cho người có uy tín
trên thị trường tài chánh



Uy tín trong thị trường tài chánh (good credit) là điều mà bất cứ người tiêu thụ nào cũng cần có. Với good credit, chúng ta sẽ được thị trường coi trọng và tặng nhiều quyền lợi. Rất tiếc có nhiều người dù biết như vậy mà vẫn không để tâm xây dựng uy tín. Trái lại, họ “tiêu mòn” nó ngay từ lúc uy tín mới chập chững phát sinh, qua những hành động bất cẩn như dùng thẻ tín dụng (credit cards) để tiêu xài quá trớn, rồi không chịu trả nợ đúng hạn, thậm chí quịt luôn để hưởng lợi ích trước mắt. Trong khi đó, “good credit” mới có thể đem lại nhiều lợi ích chính đáng và lâu dài. Xin kể ra một số lợi ích gần gũi và thực tế nhất:


Điểm tín dụng (credit score) cao trở nên đặc biệt quan trọng, giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền khi vay tiền mua nhà.


1. Sự rộng rãi của giới chủ nợ

Giới chủ nợ, cụ thể là những ngân hàng cấp thẻ tín dụng, có thể phân phát nhiều quyền lợi cho người có uy tín, chẳng hạn:

    • Mở rộng khả năng cho vay (higher credit limit): Với người uy tín chưa cao, chủ thẻ thường chỉ cho phép dùng từ $500 tới $1,000 một tháng. Nhưng với người có uy tín cao, được thị trường ghi nhận, chủ thẻ có thể nới rộng hầu-bao, cho phép họ dùng tới $3,000, $5,000, hoặc theo quan sát của ông Nedalee Thomas, một chuyên gia về thị trường tài chánh, có thể lên tới $30,000.

      Con số này gọi là Credit Limit, tức là mức tối đa bạn có thể mượn được trong một tháng. Dĩ nhiên, mượn bao nhiêu sẽ phải trả bấy nhiêu. Nhưng đó là số tiền bạn được phép dùng ngay khi hữu sự, nó có thể mang lại nhiều lợi lộc khác trong việc làm ăn, hoặc giải cứu bạn ra khỏi một hoàn cảnh khó khăn cấp thời. Dù bạn không có nhu cầu phải mượn tới số tiền ấy, thì có được một “credit limit” cao sẽ làm cho uy tín của bạn lớn hơn. Các chủ nợ khác thấy vậy lại càng coi trọng, thúc đẩy uy tín của bạn mỗi ngày một lớn hơn nữa.

    • Phân lời nhẹ (Lower interest rate): Khi không thể trả hết số nợ trong tháng, bạn chỉ cần trả một con số tối thiểu nào đó để giữ uy tín, phần còn lại có thể trả góp. Nhưng xin để ý một điều: Lãi suất đánh trên số tiền thiếu lại thường rất cao (có thể tới 29% một năm). Với good credit, bạn có thể thương lượng xin chủ nợ hạ giảm lãi suất từ 29% xuống thấp hơn: 24%, 20%, hoặc 15%... Kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên vì không ngờ “good credit” lại giúp khả năng thương lượng của bạn mạnh đến thế.

    • Chuyển nợ (transfer balance): Tiền nợ đương nhiên là một gánh nặng phải được giải gỡ càng nhanh càng tốt. Nhưng nếu bạn là người có good credit, những chủ nợ khác có thể nghiêng vai vào gánh giúp bằng cách bỏ tiền ra trả hết món nợ ấy rồi bạn sẽ từ từ trả lại cho họ với một lãi suất thấp hơn. Thực là những đề nghị hấp dẫn mà chỉ những người good credit mới nhận được.

    • Ngoài ra, còn những “món quà” khác như lãi ngược (cash-back bonus), điểm thưởng... để khuyến khích giới tiêu thụ sử dụng credit card và chăm lo xây dựng uy tín.


Khi đi thuê nhà, bạn lại càng cần có good credit.


2. Thuê mướn dễ dàng:

Nếu bạn có uy tín, thì không chỉ được trọng đãi khi vay mượn, mà còn được dành nhiều ưu tiên khi đi thuê mướn, phổ thông nhất là đi mướn nhà... Điểm tín dụng tốt cho phép chủ nhà tin rằng bạn là người đáng trọng, trả tiền nhà đầy đủ, giữ nhà tử tế... Vì thế, trước khi đồng ý cho bạn thuê, chủ nhà thường phải kiểm tra lý lịch tín dụng. Nếu điểm tín dụng (credit score) của bạn cao, bạn sẽ dễ dàng mướn được nhà nơi những địa điểm thuận lợi. Nếu điểm tín dụng thấp, có thể bạn vẫn mướn được nhà, nhưng thường phải đặt tiền cọc (deposit) cao hơn.

Điểm tín dụng còn có ảnh hưởng khi bạn đi thuê xe dài hạn (lease). Nếu chỉ thuê xe ngắn hạn (rent a car) để dùng trong vài ngày, hoặc vài tuần lễ, bạn không cần lo gì về điểm tín dụng, nhưng khi thuê xe dài ngày để dùng trong vài ba năm (Lease), người ta sẽ coi điểm tín dụng để xác định giá cả với bạn: Điểm tín dụng cao sẽ được hưởng điều kiện thuận lợi và ngược lại. Kèm với việc dùng xe là mua bảo hiểm: Khi mua bảo hiểm xe, nếu điểm tín dụng cao bạn sẽ được mua bảo hiểm với giá rẻ, vì hãng bảo hiểm tin rằng bạn sẽ là người lái xe cẩn thận hơn.



3. Xin việc làm

Bình thường, ai cũng nghĩ rằng muốn được coi trọng thì phải có công ăn việc làm khá khẩm trước đã. Đó là sự đánh giá của xã hội theo tiêu chuẩn ngày xưa. Nhưng giá trị trên thị trường bây giờ thì ngược lại: Bạn cần có điểm tín dụng tốt để có thể xin được “job thơm”. Nhiều hãng xưởng cần kiểm tra điểm tín dụng, nhất là trong những vị trí có nhiều người nhắm vào: Điểm tín dụng cao là một dấu chỉ tích cực thể hiện uy tín và tinh thần trách nhiệm của bạn, và ngược lại, điểm tín dụng thấp buộc chủ hãng phải đặt thêm nghi vấn về tư cách người xin việc.

Mặc dầu chỉ riêng điểm tín dụng thấp chưa hẳn làm mất triển vọng của bạn, nhưng chắc chắn nó sẽ làm cho chủ hãng ngập ngừng, và dành việc cho người khác.


Định mua hoặc lease xe, bạn nên dành một thời gian vài tháng để chau chuốt lý lịch nhằm nâng cao điểm tín dụng.


4. Mua nhà, mua xe

Quan trọng nhất, lý lịch và điểm số tín dụng là yếu tố cần được cứu xét khi vay tiền mua nhà (mortgage), vay tiền mua xe (car loan).

Hai khoản chi tiêu quan trọng trong đời sống người dân Mỹ: Mua xe bạn cần vài chục ngàn; Mua nhà, bạn cần vài trăm ngàn, có khi vài triệu đô. Mua 2 thứ này, ít khi người ta trả hết tiền mặt một lúc. Đa số người Mỹ là như vậy. Không hẳn vì không đủ tiền, nhưng vì người ta muốn giữ lại tiền mặt để dùng trong những công việc khác, có thể phát sinh nhiều lợi nhuận hơn.

Chỉ cần sai biệt ít đơn vị trong điểm số tín dụng cũng có thể kéo theo những khác biệt rất lớn: Có điểm tín dụng cao, bạn được hưởng phân lời thấp, thậm chí 0%, và trái lại, với điểm tín dụng thấp, bạn phải trả phân lời cao. Vì thời gian trả nợ kéo dài rất lâu, có thể đến 30 năm, nên bạn sẽ tiết kiệm được một số tiền rất lớn nếu nhờ điểm tín dụng cao mà được hưởng phân lời thấp.



Nói tóm lại, điểm tín dụng xác định cho bạn một vị thế trên thị trường tiêu thụ: Điểm càng cao, bạn càng có nhiều uy thế khi thương lượng; và trái lại, bạn sẽ phải chấp nhận những điều kiện của đối phương khi điểm tín dụng của mình thấp.

Vì thế, người tiêu thụ không thể quên một điều: Tận dụng mọi cơ hội để xây dựng uy tín, và nâng cao điểm tín dụng.

ERIC TRẦN

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Mon Aug 06, 2018 11:25 pm    Tiêu đề: Làm sao xin thẻ tín dụng?

Làm sao xin thẻ tín dụng?


Chúng ta đã nói nhiều về các ích lợi của thẻ tín dụng (credit card), những ích lợi mà không ai trong giới tiêu thụ muốn bỏ qua. Vậy làm cách nào để xin thẻ tín dụng? Việc này không khó, vì bạn sẽ nhận được nhiều lời chào mời nếu uy tín của bạn đã vốn cao. Nhưng như đã nói trước đây: Cần có thẻ tín dụng, chúng ta mới chứng tỏ được uy tín; khi chưa có thẻ thì tìm đâu ra cơ hội để chứng tỏ uy tín bây giờ? Hóa ra đây là cái vòng luẩn quẩn, cũng như chuyện con gà và trái trứng (Trái trứng nở ra con gà, nhưng phải có con gà thì mới có trái trứng).

Khi đã chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm qua “thẻ bảo chứng,” bạn có thể nhảy vọt sang một bậc khác, được cấp thẻ tín dụng cao cấp với nhiều quyền lợi đính kèm.

Vậy, phải bắt đầu từ đâu? Không biết có ai giải đáp được chuyện con gà và trái trứng chưa, nhưng về thẻ tín dụng, chúng ta có một câu trả lời rõ ràng: Phải có thẻ tín dụng! Điều quan trọng là làm sao xin được cái thẻ tín dụng đầu tiên khi chưa xác lập được uy tín trên thị trường? Sau đây là một vài cách phổ thông và dễ dàng nhất:


Bạn có thể gây dựng uy tín bằng cách xin “núp bóng” nghĩa là xin phép dùng thẻ tín dụng của người khác.


1. Núp bóng (authorized user)

Dễ nhất và nhanh nhất là bạn xin “núp bóng” một người nào đó đã có sẵn uy tín rồi. Hãy gọi người đó là A, là cây cao rủ bóng cho bạn núp nhờ. Vì là người sẵn có uy tín, A có thể xin thẻ tín dụng một cách dễ dàng. Nếu bằng lòng cho bạn núp bóng, A sẽ xin công ty chủ thẻ cấp cho bạn một thẻ nữa, với cùng số trương mục của A. Mặc dầu cái thẻ này mang tên bạn, nhưng A vẫn là người chịu trách nhiệm về tất cả những khoản chi tiêu thuộc về trương mục ấy. Cuối mỗi tháng, A sẽ nhận được bản tổng kết chi tiêu (statement) chứ không phải bạn, và A sẽ là người phải thanh toán cái bill đó. Trách nhiệm của bạn như thế nào đối với những món chi tiêu của chính mình? Bạn phải trả lại cho A số tiền bạn đã dùng, ít hơn, hoặc nhiều hơn... đó là chuyện giữa A và bạn, không dính dáng gì tới chủ thẻ cả.

Thế nhưng, nhờ núp bóng A, bạn bây giờ có cơ hội “ra mắt” thị trường tài chánh, cụ thể là với giới chủ nợ. Nếu A tiếp tục giữ vững uy tín trong lúc cho bạn núp bóng, thì khi thị trường trọng vọng A, họ sẽ để ý tới bạn. Và rất mau chóng, bạn sẽ nhận được những lá thư chào mời riêng biệt, để bạn có thể thực hiện mong ước: Xin được cái thẻ đầu tiên để từ đó xây dựng uy tín cho chính mình.

Nhưng nếu A lỡ để cho uy tín bị sứt mẻ do việc trả trễ... thì bạn chẳng bị ảnh hưởng gì, chỉ có điều là không có chủ thẻ nào tìm đến chào mời bạn cả. Khi đó, bạn nên tìm một “cây cao bóng cả” khác để nương nhờ.

Áp dụng vào thực tế, bạn có thể núp bóng người trong gia đình: Con cái có thể núp bóng cha mẹ, hoặc vợ/chồng, anh chị em, bạn bè thân gần có thể núp bóng nhau.

Đổi lại vai trò, nếu là “cây cao bóng cả,” bạn nên xem xét tư cách người xin núp bóng mình như thế nào. Nếu không phải là người thực sự đáng tin tưởng, hoặc là người mà bạn có trách nhiệm lo lắng, bảo trợ, gây dựng cho thì tốt hơn, đừng nên nhận lời, kẻo lại mang nợ vào thân.


Với thẻ Secured Credit Card, bạn phải đặt tiền bảo chứng và thường phải trả thêm tiền lệ phí hằng năm.


2. Thẻ tín dụng có bảo chứng (secured credit card)

Nếu không ai cho phép núp bóng, bạn đành phải tạo ra một cái tàng cây rủ bóng cho chính mình. Bằng cách nào? Bạn hãy nói cho chủ thẻ biết rằng bạn là người có tiền, có khả năng chi trả cho những chi tiêu của mình!

Thực ra, đây cũng là một sáng kiến của giới chủ nợ, bao gồm từng bước như sau:

    1. Mở một trương mục ngân hàng (bank account): Chuyện này dễ dàng, không đòi hỏi uy tín trước, miễn là bạn có tiền, vài ngàn, vài trăm, hoặc vài chục..., kèm theo các thứ giấy tờ tùy thân căn bản là: ID (thẻ căn cước có hình, hoặc bằng lái xe), và thẻ an sinh xã hội (social security card). Với những thứ đó, bạn có thể hãnh diện đến một chi nhánh ngân hàng tại địa phương. Nên chọn những nhà băng lớn có chi nhánh trên toàn nước Mỹ như Bank Of America, Chase, Wells Fargo, US Bank. Những cơ sở này thường có cả nhân viên nói tiếng Việt ở những nơi có nhiều người gốc Việt cư ngụ. Trước tiên, bạn hãy gửi vào đây một ít tiền... gọi là “initial deposit” (số tiền ký thác để mở trương mục). Có ngân hàng sẵn sàng cho bạn mở trương mục với... $1 ký thác.

    2. Nên nhớ rằng tiền trong trương mục luôn luôn là tiền của bạn, bạn có thể lấy ra tiêu xài bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, bạn hãy cố “nuôi” cho số tiền hiện diện trong trương mục luôn luôn là từ $2,000 trở lên, và tiếp tục giữ cái mức đó trong vài ba tháng liền. Làm như vậy là để chứng tỏ với nhà băng rằng “Tôi có tiền mà! ”

    3. Sau đó, xin ngân hàng cấp cho mình một cái “Secured Credit Card” (thẻ tín dụng có tiền bảo chứng), tức là dùng chính tiền của mình để bảo đảm rằng mình sẽ là người vay mượn có trách nhiệm. Ngân hàng sẽ lấy một khoản tiền nào đó từ trong trương mục này làm vật thế chấp (bảo chứng), chẳng hạn $300, và cấp cho bạn một thẻ tín dụng. Thẻ này được gọi là Secured Credit Card, vì có sẵn số tiền bảo chứng là $300. Sau khi được cấp thẻ, bạn nên tận dụng thẻ này trong khi mua sắm. Dĩ nhiên, bạn không thể tiêu xài vượt quá mức bảo chứng $300.



Lợi ích của thẻ tín dụng có bảo chứng

Với cái thẻ này, bạn đã có cơ hội lộ diện trên thị trường tài chánh. Như bất cứ một người dùng thẻ tín dụng nào khác, cách sử dụng thẻ của bạn sẽ được thị trường quan sát và cho điểm. Cụ thể là, cuối tháng, bạn sẽ nhận được báo cáo chi tiêu (statement), với số tiền tối thiểu phải trả. Nếu chậm trễ, bạn vẫn phải trả tiền lãi và tiền phạt. Khi tiền nợ tồn lại tăng lên, bạn sẽ bị coi là một mối rủi ro, buộc ngân hàng lấy tiền bảo chứng để trừ vào tiền nợ... và “nghỉ chơi”. Là người đang gầy dựng uy tín, bạn đừng bao giờ nên để xảy ra tình trạng đó. Tốt nhất là trả trọn vẹn số tiền đã vay trong tháng, không bao giờ để nợ tồn lại... để mau chóng gây dựng uy tín, đưa điểm số tín dụng lên cao.

Sau một thời gian thử thách, và nhận thấy điểm tín dụng của bạn đã cao, đủ để chứng tỏ bạn là một người có uy tín, ngân hàng sẽ cho bạn “tốt nghiệp” (graduate): Bạn sẽ được cấp thẻ không cần bảo chứng (unsecured credit card), tức là một cái thẻ tín dụng bình thường như mọi người, với khả năng vay mượn nâng cao, không còn bị hạn chế trong số $300 trước đây nữa.



Kết luận:

Có được cái thẻ đầu tiên là điều quan trọng. Tiếp đó là tận dụng thẻ, trả bill mau mắn... để thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình. Uy tín tăng, điểm tín dụng cao... là những kết quả đương nhiên sẽ đến.

ERIC TRẦN

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân