TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Lừa gạt trong Y học Âu Mỹ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Lừa gạt trong Y học Âu Mỹ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Tue Jun 12, 2018 11:49 pm    Tiêu đề: Lừa gạt trong Y học Âu Mỹ

Y học Âu Mỹ: Chuyện cũ chuyện mới


Y học là một ngành khoa học thực nghiệm, thay đổi theo sự hiểu biết của người về cơ thể, sức khỏe và bệnh tật. Những cách chữa trị xưa cũ, dựa trên sự hiểu biết thời ấy, dù ngày nay ta không dùng nữa nhưng là những chuyện “thật” được tiền nhân sử dụng với hy vọng chữa lành bệnh tật. Những cách chữa trị xưa cũ được buôn bán dựa trên thị hiếu của người mua được xem là chuyện “giả”, người bán biết không thật nhưng vẫn làm giàu qua việc nói dối, lường gạt.

So với các thứ bệnh tật khác, tính dục, khả năng sinh sản của nam phái là lãnh vực trị liệu được buôn bán nhiều nhất vì chuyện phòng the, chăn gối là chuyện thầm kín riêng tư dù có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống con người nhưng chẳng mấy ai nhìn nhận hoặc mang ra thảo luận và việc trị liệu do đó cũng chỉ âm thầm, che giấu. Chuyện càng âm thầm, càng giấu diếm, lại càng dễ lừa gạt!

Sách vở ghi chép nhiều câu chuyện buôn bán và lừa gạt sản phẩm trị liệu qua nhiều thế kỷ, mỗi ngày cách quảng bá, buôn bán các sản phẩm trị liệu một tinh vi một rộng rãi, dễ dàng qua môi trường truyền thông. Có những cách trị liệu chỉ được áp dụng trong mươi năm rồi chịu đào thải vì khoa học có cách trị liệu mới hơn, hiệu quả hơn. Ðiển hình là việc chữa trị một vài chứng ung thư. Cũng có loại trị liệu đi vào quên lãng vì chỉ “hấp dẫn” bá tánh cấp thời như một thứ thời trang!



Cho đến thế kỷ XIX, Y học mới được chính phủ các quốc gia tân tiến sắp xếp, đặt tiêu chuẩn để kiểm soát từ việc mở trường dạy nghề, khảo sát & cấp giấy phép hành nghề, đến việc thử nghiệm, chứng minh các phương cách trị liệu. Trước đó, thầy lang từa tựa như thầy pháp, chữa trị bệnh tật theo ý kiến riêng, chẳng có nhà cầm quyền nào kiểm soát. Ngành khoa học này được áp dụng dựa trên kinh nghiệm và thói quen của thầy thuốc; các cách trị liệu bao gồm 4 nhóm chính: allopathic (đối chứng, ngành y học Âu Mỹ phổ thông ngày nay), homeopathic (vi lượng đồng căn), botanical (dùng thảo mộc), và hydropathic (dùng nước trị bệnh).

Người hành nghề phát minh và quảng cáo nhiều cách trị liệu, chữa lành mọi bệnh tật từ đau lưng, xấu xí đến việc cùn ý, tắc chữ của nhà văn, rồi các loại thuốc chữa bá bệnh... Ðây là thời đại mà thầy thuốc tha hồ quảng cáo và người bệnh cứ xem quảng cáo mà mua thuốc tự chữa chẳng cần đến y sĩ, bác sĩ. Thuốc men cũng như mọi sản phẩm được con người sử dụng, khi không bị kiểm soát hay kiểm soát lỏng lẻo là cơ hội cho con buôn tha hồ buôn bán, đôi khi quảng cáo kịch liệt để lừa gạt người cả tin. Nhưng rồi các thầy lang thủa xa xưa dần dần được thay thế bởi những người đã trải qua chương trình huấn luyện như bác sĩ, dược sĩ ngày nay.


Hippocrates và bốn thể chất trong cơ thể


Y học dường như là một ngành khoa học xưa cũ nhất, hẳn vì có con người là có bệnh tật & sinh tử? Trải qua nhiều ngàn năm, nhiều thời đại và thay đổi, cổ nhân quan sát, áp dụng kinh nghiệm vào việc chữa bệnh và ghi chép các môn trị liệu ấy. Ðiển hình là một vài cách trị liệu phổ thông thủa ấy: Khái niệm “quân bình” của cơ thể xuất phát từ thời cổ Hy Lạp. Thầy lang, kể cả ông tổ Y học Âu Mỹ Hippocrates, tin rằng sức khỏe dựa trên sự quân bình của bốn thể chất trong cơ thể: máu huyết, đờm rãi, mật đen và mật vàng. Mỗi chất liên quan đến một mùa thời tiết:

    • Mật đen liên quan đến đất (lạnh và khô), tương quan với mùa Thu

    • Máu huyết liên quan đến không khí (nóng và ẩm), tương quan với mùa Xuân

    • Mật vàng liên quan đến lửa (nóng và khô), tương quan với mùa Hạ

    • Ðờm rãi liên quan đến nước (lạnh và ẩm), tương quan với mùa Ðông

(Khái niệm kể trên xem ra rất gần gũi với thuyết ngũ hành của Ðông Phương, chỉ thiếu “mộc”, cũng dựa trên hình tượng và vật thể trong thiên nhiên mà con người có thể quan sát chiêm nghiệm và đặt tên?)

Thủa xa xưa, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh tật dựa trên khái niệm quân bình này. Thầy lang cho rằng người ủ dột, buồn rầu (melancholic) là do có quá nhiều mật đen; người có quá nhiều mật vàng thì nóng nảy, cáu kỉnh (choleric). Người lên cơn sốt (nóng và khô) là do quá nhiều mật vàng (!)... và để chữa trị, thầy lang dùng đờm rãi (lạnh và ẩm) để lấy lại quân bình cho cơ thể.


Cảnh rút máu của các surgeon-barber


Rút máu cũng là một cách phổ thông để lấy lại quân bình giữa các thể chất, và thường do các thầy lang – thợ hớt tóc (surgeon-barber) đảm nhận vì vào thời Trung Cổ tại Âu Châu, trận dịch hạch (Black Death) vĩ đại đã giết hầu hết các bác sĩ huấn luyện từ trường Y khoa và tu sĩ không được nhúng tay vào máu. Cần rút máu để lấy lại quân bình cho cơ thể mà không biết nhờ ai, bá tánh bắt đầu nhờ thợ hớt tóc lấy máu vì đây là những người sử dụng dao kéo thuần thạo. Từ đó thợ hớt tóc thành thầy lang (thang), lithotomist, đi từ làng này sang làng khác để chữa bệnh qua cách cứa mạch máu.

Năm 1540, Vua Henry VIII ban lệnh gom chung các bác sĩ (gọi là “surgeon” vì dùng dao kéo để mổ xẻ, Fellowship of Surgeons) và các thợ hớt tóc (Company of Barbers) thành một nhóm “the Company of Baber-Surgeons” để cùng hành nghề mổ xẻ chữa bệnh. Sự kết hợp giữa bác sĩ và thợ hớt tóc kéo dài suốt 200 năm sau đó.

Rút máu cũng được dùng để chữa trị các cơn sốt khi con bệnh xem ra “nóng và khô”; để “quân bình”, thầy lang rút máu khiến cơ thể giảm nhiệt (mất máu nên con bệnh lạnh run và xanh tái). Lịch sử ghi chép rằng chính Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington cũng bị rút máu cho đến chết (9 túi máu) để chữa chứng nhiễm trùng cổ họng!


Tranh vẽ một người mập sử dụng đỉa để giảm cân trong thế kỷ 16. (P. Boaistuau, Histoire Podigieuses, Paris, 1567. Photo courtesy of NLM)


Ngày nay, ta vẫn dùng cách rút máu để trị bệnh, nhưng chỉ chữa một căn bệnh duy nhất là Polycythemia vera, một chứng bệnh do tủy xương chế tạo quá nhiều hồng cầu.

Một cách rút máu khác (thay vì dùng dao kéo cứa mạch máu), cổ nhân dùng đỉa hoặc dùng ống hút (tựa như “giác hơi” bên ta) tạo ra những tụ máu bầm dưới da. Thầy lang Galen đã dùng đỉa hút máu người bệnh để trị thống phong (gout), viêm khớp xương và kinh phong cũng như nhiều căn bệnh khác.

Ngày nay, ta không còn dùng đỉa để hút máu nhưng lại dùng đỉa trong một vài trường hợp: đỉa tiết ra chất nhờn làm đông máu nhanh (tác dụng cầm máu) và kích thích tế bào mô liên kết tăng trưởng nhanh chóng (vết thương chóng lành).


Một thầy lang đang xem mẫu nước tiểu để đoán bệnh. Tranh vẽ của họa sĩ David Teniers the Younger năm 1640s.


Xem xét nước tiểu để chẩn bệnh (uroscopy)

Khái niệm nước tiểu là biểu hiện tình trạng sức khỏe của cơ thể đã được các thầy lang phương Tây sử dụng từ thời cổ Hy Lạp, hai thầy lang lỗi lạc Hippocrates và Galen cũng đã dùng cách chẩn bệnh này. Trong sách vở, thầy lang Actuarius của hoàng gia Constantinople (năm 1300) viết rằng “chỉ cần thấu hiểu về mạch và nước tiểu là ta nắm vững cách chẩn đoán và chữa trị”. Sau đó ta có cả trăm cuốn sách nói về màu sắc của nước tiểu và sự liên quan đến bệnh tật. Có thể nói việc sử dụng nước tiểu để chẩn bệnh trở nên rất thịnh hành trời Trung Cổ nên đã có các thầy lang (thang) đi qua từng thôn làng, xem xét nước tiểu, trị bệnh rồi đi... luôn. Việc chẩn đoán bệnh tình qua “nước tiểu” tiếp tục phổ thông gần cả ngàn năm. Cuối thời đại, có thầy lang (băm) viết sách kể rõ các mánh khóe làm thế nào để dụ dỗ bá tánh qua việc dùng nước tiểu.

Ngày nay, thử nghiệm nước tiểu (urinalysis) giữ một vai trò khiêm nhường trong việc chẩn đoán bệnh tật.

Trần Lý Lê

Còn tiếp

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Thu Jun 14, 2018 11:35 pm    Tiêu đề:


Galen (131-201)


Trị liệu bằng dược thảo

Cụ Galen được xem như thủy tổ của ngành dược thảo, dùng cây cỏ để chữa bệnh; sách vở của cụ được xem là những tài liệu đầu tiên về dược học.

Thầy lang có mặt từ thủa khai thiên lập địa, là một nghề cha truyền con nối, những bí quyết, kinh nghiệm được giữ kín như của gia bảo nên không được người bàng quan khảo sát kỹ lưỡng. Nền văn hóa nào cũng có những con người dùng suốt cuộc đời để tìm hiểu các bí ẩn trong thiên nhiên và những hiểu biết kia không được lưu truyền rộng rãi như ngày nay. Có thể vì như thế nên dù cây cỏ xuất hiện khắp nơi tự ngàn năm và được con người sử dụng nhưng sự hiểu biết về hiệu nghiệm của cây cỏ trên cơ thể con người vẫn còn giới hạn?

Thầy lang thủa xưa dùng lá, cành và cả rễ cây để chữa bệnh; họ chế biến bằng cách nấu, nướng, phơi khô, tán nhuyễn, pha trộn... nhiều món với nhau. Có thầy lang dùng cả nọc rắn để làm thuốc, và có bài thuốc bao gồm cóc nhái luộc chín dưới ánh trăng rằm vào lúc nửa đêm để thêm phần hiệu nghiệm! Bệnh tật khiến con người tin cậy vào thần linh và những điều bí hiểm chăng?


Mandrake là một loại thực vật độc, rễ có hình dáng giống người được cho là có nhiều đặc tính kỳ diệu.


Ðặc biệt nhất là việc sử dụng cây Mandrake để chữa chứng liệt dương; việc chữa trị sẽ hiệu quả nhất khi dùng tại pháp trường nơi xử tử tội nhân (liên quan đến khái niệm máu huyết thì cường dương?). Cây này còn dùng để chữa chứng hiếm muộn cho cả hai phái nam nữ, người “bệnh” ăn rễ hoặc đeo trên mình.

Dùng chất ly trích từ cây cỏ để chữa bệnh và các kiến thức về dược tính từ cây cỏ vẫn được áp dụng trong Y học ngày nay trên khắp thế giới; điển hình là digitalis (xuất phát từ cây foxglove) chữa chứng suy tim từ thế kỷ XVIII; reserpine (từ cây rauwolfia) chữa cao huyết áp... Tuy nhiên, việc bào chế dược phẩm Âu Mỹ ngày nay đều theo tiêu chuẩn của luật định và hoàn toàn dưới sự kiểm soát của chính phủ sở tại.

Nhiều loại cây cỏ được ngành Y học hoán đổi (Alternative Medicine) và Y học phụ thuộc (Complementary Medicine) chế biến và sử dụng như thực phẩm hay chất dinh dưỡng phụ (food supplement) vì chưa đủ tiêu chuẩn của dược phẩm. Những món dược thảo được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay bao gồm ginkgo biloba (bạch quả), St. John’s Wort, tỏi và sâm. Tại Hoa Kỳ, kỹ nghệ chế biến và buôn bán chất dinh dưỡng phụ có mãi lực 30 tỷ Mỹ kim theo thống kê năm 2016. Bất kể việc chế biến tự do, 30% cư dân Huê Kỳ vẫn tưởng rằng các món dinh dưỡng phụ chịu sự kiểm soát của cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm & Dược Phẩm (the FDA).


Tranh vẽ một cửa hàng rong đang rao bán thuốc tiên trừ bá bệnh


Dược phẩm và các phép lạ

Khái niệm về tài sản trí tuệ hay tác quyền xuất hiện từ thế kỷ XVIII nhưng không có mấy chủ nhân xin chứng nhận tác quyền dược phẩm của mình từ vua chúa hay từ văn phòng tác quyền (hiện diện tại Hoa Kỳ từ năm 1790). Lý do? Khi nộp đơn xin tác quyền chủ nhân sẽ phải ghi rõ cân lượng mỗi món nguyên liệu trong sản phẩm. Ðể bảo vệ quyền lợi, chẳng mấy xưởng bào chế xin tác quyền, họ chỉ cầu chứng thương hiệu (trademark) và sau đó thì mặc tình thay đổi nguyên liệu hay số lượng của nguyên liệu chứa trong sản phẩm mà chẳng cần thông báo hay nói năng chi.

Thế kỷ XVIII – XIX là thời vàng son của những kẻ buôn phép lạ tại Âu Châu và Hoa Kỳ, những xe hàng bán rong mặc tình quảng cáo xưng tụng sản phẩm của họ. Tựa như các gánh Sơn Ðông mãi võ bên ta, các phép lạ, thuốc tiên trừ bá bệnh được rao bán ầm ĩ từ thôn làng này sang thôn làng khác, mỗi nơi, một hai ngày rồi cuốn gói. Trong sách vở, những gánh hàng thuốc men bán rong được gom chung với những gánh xiệc lưu diễn khắp nơi.


Gánh hàng “the Kickapoo Indian Medicine Company” và chai thuốc Sagwa chữa chứng táo bón


Gánh hàng nổi tiếng nhất là the Kickapoo Indian Medicine Company; đủ mặt Tù Trưởng, lính... trên sân khấu với trang phục da đỏ, tù và, trống kèn; đáp ứng đúng thị hiếu của người Huê Kỳ thủa ấy, họ tò mò với những thứ liên quan đến thổ dân da đỏ. Các món hàng được quảng cáo là xuất phát từ bộ lạc Kickapoo với nguồn gốc dựa trên nền văn minh thổ dân, những người thông thái trong việc dùng nguyên liệu thiên nhiên để chữa bệnh. Quảng cáo rầm rộ như thế nhưng thật ra chẳng có thứ gì từ người đến vật trong gánh lưu diễn nọ dính dáng đến bộ lạc Kickapoo! Một sản phẩm tiêu biểu của gánh lưu diễn là món Sagwa chữa chứng táo bón. Ngày nay, lọ thuốc này lại trở thành một món đồ cổ được sưu tầm, gìn giữ:

Ngoài những tấm biển xanh đỏ đề tên sản phẩm gắn hai bên hông xe hàng, chủ nhân còn dùng cả tên người mua, bệnh sử của họ để quảng cáo. Ðược ghi tên trên biểu ngữ xanh đỏ khiến bá tánh hãnh diện và sẵn sàng cho mượn tên tuổi. Ngoài biểu ngữ, có cả những tờ giấy màu kể bệnh tình và khen thuốc tiên được in và rải khắp nơi để quảng cáo trên đường lưu diễn.

Vào thời điểm này, khái niệm “thương hiệu” dành riêng cho dược phẩm bắt đầu khởi sắc; cùng lúc với khái niệm bệnh nhân có thể tự chẩn bệnh, chữa trị và thẩm định kết quả trị liệu.


“thuốc của người nghèo” Laudanum


Việc con người tự thẩm định thể trạng của mình và tự chữa trị là những căn bản bẩm sinh. Nhưng đôi khi cảm giác “lành bệnh” hay “dễ chịu” có thể bị nhầm lẫn với “nghiện ngập”. Món thuốc khiến người dùng “dễ chịu” hơn có thể dẫn đến ghiền. Ðặc biệt, món Laudanum, mệnh danh là “thuốc của người nghèo”, bán như “thuốc” nên giá rẻ vì không chịu thuế má nặng nề như rượu.

Một món phổ thông khác, absinthe, được chế biến thành thuốc uống từ cành và lá cây wormwood. Dược liệu này đã được sử dụng từ thời cổ Hy Lạp, cụ Pythagoras đã dùng wormwood ngâm rượu để giúp sản phụ bớt đau đớn lúc lâm bồn. Tổ sư Hippocrates cũng đã dùng absinthe để chữa viêm khớp xương và vàng da. Trong thế kỷ XVIII, Bác Sĩ Pierre Ordinaire là người đã rao bán món tiên dược chữa bá bệnh này dưới thương hiệu “La Fée Verte”, món absinthe trở nên phổ thông trong giới họa sĩ thủa ấy, Vincent Van Gogh, Edgard Degas, Edouard Manet và cả Pablo Picasso đã là khách hàng thường xuyên.


lá cây wormwood và bích chương “La Fée Verte”


Việc sử dụng rộng rãi và xưng tụng là tiên dược của Laudanum và absinthe là điều dễ hiểu: rượu và nha phiến trong hai món thuốc này giúp người dùng cảm thấy lâng lâng dễ chịu rồi ghiền nhanh chóng. Nghiện ngập dẫn đến việc sử dụng liên tục và tiền vào đầy túi người bán. Một thầy lang băm đã hạ bút viết rằng “bệnh nhân khỏi bệnh thì ta hết tiền, nên... cứ nuôi bệnh! ”.

“Bitter” là một thí dụ điển hình khác của con buôn nhiều sáng kiến, bán rượu dưới hình thức “dược phẩm”. Kỹ nghệ này khởi sắc từ thế kỷ XVII tại Anh, khi thảo mộc được trộn lẫn với nước và bán như “tonic” hay “thuốc bổ”. Khi Vua George II bắt đầu đánh thuế nặng nề các món rượu thì xưởng cất rượu cũng bắt đầu trộn rượu chung với thảo mộc để bán như “thuốc”, và món thức uống này được gọi là “bitter”, tránh được món thuế lớn nên bán khá rẻ. Nồng độ rượu có thể lên đến 75 proof như món “Warner’s Safe Tonic Bitter”.


Rượu núp bóng “thuốc” để tránh thuế


Rượu hay món gì đó được bán như thuốc đã tệ hại nhưng ngược lại, cũng có những món “thuốc” có tác quyền đàng hoàng lại chẳng chứa một chút xíu nguyên liệu chính nào, và tất nhiên chẳng có tác dụng gì. Món Munyon’s Kidney Cure là một hỗn hợp gồm đường và nước. Dù chẳng chứa một thứ nguyên liệu dễ nghiện nào, bệnh nhân cũng xếp hàng để mua về chữa bệnh.

Văn hào Mark Twain đã kể lại trong một tác phẩm rằng chính mẹ ông ta cũng “mua bất cứ sản phẩm nào có mặt dù cụ có cần thuốc men hay không, và cũng cho rằng mình bị đủ mọi thứ bệnh nếu một bệnh trạng nào đó được nhắc nhở đến”.


vitamin B17


Chuyện gần gũi hơn, trong thập niên 80 của thế kỷ trước, là chuyện Laetrile, còn có tên amygdalin hay vitamin B17. Hóa chất này do ông Ernst T. Krebs Jr. đứng tên chế tạo và giữ bản quyền (cầu chứng tại Anh năm 1949). Ðây là một chất chứa cyanide, chế biến từ hột mơ (apricot), và quảng cáo là thuốc chữa ung thư. Chẳng có quốc gia tân tiến nào cho phép bán như dược phẩm nên xưởng chế tạo bán lén lút tại Mexico qua những phòng chữa trị ung thư (dành cho người ngoại quốc). Khá nhiều bệnh nhân tốn tiền để mua chút hy vọng sống sót qua việc dùng Laetrile nhưng không mấy ai để ý cho đến khi tài tử Steve McQeen chết tại nơi chữa trị trong thập niên 80, món hàng kia mới hết thời và đi vào quên lãng.


Một quảng cáo của thuốc chữa bá bệnh “Wine of Cardui”


Có những món thuốc chẳng biết có chữa lành bệnh nào hay không nhưng gây tử vong khá nhiều. Ðây là hậu quả của việc không kiểm soát dược phẩm và thiếu tiêu chuẩn trị liệu của y học. Nghĩa là thuốc men được rao bán tự do không cần thử nghiệm hoặc chứng minh tác dụng. Như món thuốc phổ thông pha trộn lá coca với rượu chát chữa bá bệnh kể cả bệnh phụ nữ “Wine of Cardui”.

Món thuốc rao bán chữa trúng độc thủy ngân lại chứa thủy ngân. Thuốc giảm cân chứa trứng sán lãi, có thể hiệu quả nhờ sán lãi rút hết chất dinh dưỡng nên xuống ký (?). Món Warner’s Safe Kidney and Liver Cure chứa glycerin, nước và dược thảo, cùng potassium nitrite và rượu. Hai nguyên liệu chính, potassium nitrite và rượu, là chất có thể gây hoại thận!

Tất nhiên việc buôn bán dịch vụ trị bệnh không chỉ giới hạn ở thuốc men mà bao gồm nhiều sản phẩm khác như từ trường, điện lực và cả phóng xạ nguyên tử.

Trần Lý Lê

Còn tiếp

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 10791

Bài gửiGửi: Sat Jun 16, 2018 11:39 pm    Tiêu đề:


Chiếc máy Reflexophone có bảng giá 1,600 Mỹ kim


Sản phẩm trị liệu

Khi đạo luật Pure Food & Drug Act of 1906 được ban hành, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu kiểm soát nguyên liệu rao bán như thuốc men, thì con buôn xoay ra bán những món hàng trị liệu khác.

Một lang (băm) lẫy lừng trong thế kỷ XIX – XX là Bác sĩ Albert Abrams, tốt nghiệp trường Y Khoa Heidelberg, Ðức; nguyên Vice President của the California Medical Society và President của San Francisco Chirurgical Society. Ông này sáng chế ra cách chữa trị bệnh đau cột sống bằng cách dùng búa gõ vào xương sống, và mở lớp dạy bá tánh với giá 200 Mỹ kim (thời giá năm 1910) học phí. Ông ta còn là tác giả của nhiều món trị liệu khác như đo sự “rung động” của cơ thể để chẩn bệnh. Làm cách nào để đo? Mua cái máy “Dynamizer” của ông ấy về là tha hồ. Chỉ cần 1 giọt máu, một tờ giấy viết tay hay một tấm hình là cái máy phi thường kia “đọc” ra tất cả mọi bệnh tật trong cơ thể! Thần bí hơn là việc dùng một mảnh nam châm để “hút” đi mọi sự rung động có thể khiến máy đọc lầm trước khi dùng các mẫu đo kể trên. Tốt nhất là người bệnh nằm đầu hướng về phía Tây, trong phòng tối... Bác Sĩ Abrams rao bán một mớ máy móc khác như “Radioclast”, “Reflexophone”, “Radio Disease Killer”. Ngày nay các sản phẩm kể trên được rao bán như đồ cổ ngoạn cho người sưu tầm; chiếc máy Reflexophone có bảng giá 1,600 Mỹ kim!


Mẫu quảng cáo của ông Brinkley trên báo


Một nhân vật khác lẫy lừng không kém, là ông John Romulus Brinkley, nhà bán... nước miếng qua hệ thống truyền thanh và những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn như: “Bạn là một người đàn ông đầy sức sống?”, và món thuốc đem lại “sức sống” mãnh liệt là nước cất pha màu chích vào mạch máu! Ông này đã từng vào tù ra khám về tội lừa gạt, nhưng thủa ấy chẳng mấy ai rõ tông tích, trừ những người làm ăn mật thiết với ông ta. Bắt chước phong trào ghép mô tinh hoàn từ người chết hoặc từ khỉ vào tinh hoàn quý ông trong tuổi vàng để gia tăng tính dục, ông Brinkley ghép tinh hoàn dê để chữa chứng liệt dương tại “Dr Brinkley Hospital”. Khi ông Brinkley mở rộng xưởng ghép tinh hoàn đến Chicago thì bị chính quyền địa phương đóng cửa. Bị xua đuổi, ông Brinkley di chuyển đến Los Angeles và dùng radio để buôn bán, ông ta mở luôn một đài phát thanh để bán các sản phẩm của mình. Bị chính phủ Huê Kỳ đóng cửa tiệm, đóng cửa đài phát thanh, ông Brinkley qua Mexico làm ăn tiếp, vẫn đài phát thanh quảng cáo bán dịch vụ trị bệnh. Ở Del Rio, ông Brinkley rộng tay hơn nữa, dám cắt luôn ống dẫn tinh của bệnh nhân và nhỏ thuốc đỏ lên vết cắt! Tính đến cuối năm 1939, tài sản thu góp được lên đến 12 triệu Mỹ kim!

Ðến năm 1940 thì ông Brinkley sập tiệm, bệnh nhân thưa kiện tới tấp, bị xử tội và phải bồi thường, ông này tẩu tán tài sản và khi chính phủ Mexico cũng cấm buôn bán, tòa nhà “bệnh viện” bị thân nhân người bệnh không đòi được tiền bồi thường phóng hỏa đốt cháy, ông này lên cơn đau tim và qua đời.


Mẫu quảng cáo thắt lưng điện trên báo


Ðiện lực

Từ khi người cổ Hy Lạp khám phá ra rằng sự cọ xát giữa một miếng cao su và mảnh đá sẽ tạo ra từ trường thu hút những sợi rơm, thì có người đoán rằng con người bị... thu hút bởi điện lực.

Sau khi ông Michael Faraday, người Anh, sáng chế ra chiếc máy phát điện đầu tiên và ông Thomas Edison giúp điện lực trở nên vật gia dụng qua bóng đèn, thì các tay buôn bán sức khỏe cũng theo bén gót, các vật dụng chữa bệnh dùng điện lực hay “electropathy” bắt đầu xuất hiện.

Thay vì uống thuốc men và chờ kết quả, người ta dùng điện lực để chữa bệnh và thấy hiệu quả ngay lập tức như việc co giật các bắp thịt mà không do chủ nhân điều khiển. Hầu hết các dụng cụ trị liệu này chạy bằng pin, hoặc bằng nam châm tạo ra điện lực, và chữa bá bệnh từ đau mắt đến liệt dương.

Nổi tiếng nhất là món thắt lưng điện, dùng vào việc chữa bệnh đặc biệt cho quý ông và ngay cả chữa bệnh tiểu rắt. Người dùng đeo thắt lưng và mở máy, dòng điện kích thích thần kinh và sự tuần hoàn của máu huyết. Ðặc biệt là “Giant Power 80-Gauge Belt” được quảng cáo là chữa mọi chứng bệnh thần kinh do bất cứ nguyên nhân nào; sau khi dùng sẽ trở thành một người đàn ông hùng dũng, khỏe mạnh, đầy sức sống!

Cách chữa trị khác bao gồm việc cắt một ống dẫn tinh để chữa liệt dương và súc rửa trực tràng (đặt ống vào hậu môn) bằng nước lạnh để chữa chứng sưng trướng tuyến nhiếp hộ.

Vào đầu thế kỷ XIX, chứng giang mai được chữa trị bằng cách ngồi và thả túi chứa tinh hoàn (scrotum) trong một chậu nước rung động qua dòng điện.


Máy Marvel Violet Ray – Hình của Hutchings Museum


Từ khi ông Nikola Tesla sáng chế ra tia sáng tím (violet ray) dùng để kích thích tế bào và gia tăng sức đề kháng thì các sản phẩm dính dáng đến tia cực tím bắt đầu xuất hiện. Món “Marvel Violet Ray” dùng để chữa sưng trướng tuyến nhiếp hộ bằng cách mang sức nóng đến mọi tuyến trong cơ thể và tạo hiệu quả lập tức!


Vòng từ trường dùng chữa bệnh


Từ trường

Bá tánh bị thu hút vì sự bí ẩn của từ trường nên việc dùng từ trường vào việc trị liệu trở nên phổ thông nhanh chóng. Ông Franz Anton Mesmer, người Ðức, tin rằng cơ thể con người có hai đầu, như cái nam châm. Dùng nam châm di chuyển trên thân thể từ đầu đến chân sẽ gia tăng sự tuần hoàn và gia tăng việc hồi phục qua luồng năng lượng được gọi là ‘fluidum’. “Fluidum” là nguồn năng lượng thiên nhiên di chuyển qua mọi sinh vật, trời và đất (từa tựa như khái niệm “khí” của Ðông Y). Khái niệm này dẫn đến việc ông Mesmer bỏ quách từ trường và chỉ chú trọng đến việc chuyển năng lượng (nguyên khí) từ sinh vật này sang sinh vật khác, bất kể đó là một khúc cây hay một chậu nước.

Cách trị liệu của ông Mesmer bị Vua Louis XVI (qua một hội đồng giám định Y khoa có cả ông Benjamin Franklin người Hoa Kỳ tham dự) bác bỏ, cho là vô dụng và cấm dùng để buôn bán.

Tại Hoa Kỳ, từ thế kỷ XVIII, người ta cũng dùng từ trường để chữa bệnh. Món hàng phổ thông nhất là “Perkin’s Patented Metallic Tractor”, gồm 2 khúc kim loại, 1 đồng 1 sắt, dùng từ trường để “hút” bệnh tật ra khỏi cơ thể! Khái niệm này được chứng minh bởi một bác sĩ cùng thời là vô dụng.

Ngày nay, từ trường được dùng trong các cỗ máy móc để chẩn bệnh như MRI nhưng vẫn có người tin rằng từ trường “hút” sắt trong máu và kích thích sự tuần hoàn nên những chiếc vòng “từ trường” tiếp tục phổ thông.


Mẫu quảng cáo thuốc Radithor trên báo năm 1924


Phóng xạ

Bà Marie Curie và ông chồng Pierre đã khám phá ra phóng xạ nguyên tử năm 1897 và những năm sau đó, bá tánh nhanh chóng dùng phóng xạ để chữa bệnh tật.

Ðằng sau khám phá khoa học nọ, chính nhà bác học Marie Curie cũng bị nhiễm độc phóng xạ; các ngón tay bị phỏng nặng và bà ấy chết vì hoại huyết sau khi chất phóng xạ đã hủy hoại tủy xương.

Một loại thuốc được chế biến để chữa liệt dương (chứng bệnh không mấy ai nhìn nhận nhưng mọi người đều muốn chữa trị!) bao gồm mesothorium và radium có tên “Radithor”. Người dùng bị trúng độc radium nổi tiếng nhất là triệu phú Eben M. Byers. Ông này đã dùng 1,000 – 3,000 lọ thuốc Radithor trong vòng hai năm, và khi qua đời ngay cả hơi thở của ông ấy cũng chứa chất phóng xạ!

Dù như thế, bá tánh vẫn dùng nước chứa chất phóng xạ, nhà xây bằng cát uranium và mỏ radon để chữa viêm khớp xương hay lao phổi. Người ta dùng cả kính chứa phóng xạ để chữa cận thị, glaucoma, retinitis; chữa viêm cuống họng, viêm thanh quản và khản tiếng!


Du khách nghỉ ngơi trong hồ tắm radon ở thành phố Schlema phía đông nước Đức vào tháng 1 năm 2001.


Cho đến ngày nay, vẫn có những “trung tâm sức khỏe” là những hầm mỏ vàng, uranium xưa cũ được đem rao bán cho người muốn trị bệnh. Hồ tắm radon vẫn phổ thông tại Nga Sô.

Tạm hiểu khi thân thể bị bệnh tật hành hạ đau đớn, khi có người tiêu thụ cả tin là ta có thầy lang, thầy lang thang và lang băm, hình như thời đại nào cũng thế? In hệt như câu nói để đời của văn hào Marcel Proust, cũng là người bị suyễn kinh niên: Bệnh tật là thầy lang mà ta vâng lời trước nhất. Trước lòng nhân ái, kiến thức ta chỉ hứa hẹn. Trước sự đau đớn ta vâng lời, và vâng lời với mọi giá.

Trần Lý Lê


Tài liệu

https://www.britannica.com/science/history-of-medicine

http://americanhistory.si.edu/collections/search/object/nmah_1296185

https://www.historyonthenet.com/quackery-brief-history-quack-medicines-peddlers/

    Fishbein, M., The Medical Follies: An Analysis of the Foibles of Some Healing Cults, including Osteopathy, Homeopathy, Chiropractic, and the Electronic Reactions of Abrams, with Essays on the Anti-Vivisectionists, Health Legislation, Physical Culture, Birth Control, and Rejuvenation, Boni & Liveright, (New York), 1925.

https://www.nytimes.com/2005/11/15/health/mcqueens-legacy-of-laetrile.html

http://journals.agepub.com/doi/abs/10.1177/1557988315596566

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân