Gửi: Mon Mar 28, 2016 2:26 pm Tiêu đề: TÌNH THƯƠNG VÀ HIỂU BIẾT Tác Giả: THANH ĐÀO
TÌNH THƯƠNG VÀ HIỂU BIẾT
( Theo giáo lý Đạo Phật )
THANH ĐÀO
Tình thương và hiểu biết giúp chúng ta có thể chung sống hòa hợp với những người chung quanh, trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội loài người. Tâm từ bi và trí tuệ, cũng như hạnh tu bao dung nhẫn nhục, giúp chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời đầy khổ đau và hệ lụy này.
Thật vậy, dù là vợ chồng, yêu thương nhau, hai người đều tốt cả, nhưng không hiểu nhau, cũng dễ sinh ra những bất hòa, những dị biệt. Thật khó mà chung sống hòa hợp, êm ấm, vui vẻ và hạnh phúc bên nhau. Anh em trong một nhà cũng thế. Tuy cùng máu mủ ruột thịt, nhưng nếu không hiểu nhau,thông cảm nhau, nhường nhịn nhau, bao dung tha thứ cho nhau, cũng dễ sinh ra bất hòa, xích mích nhau. Ngay cha mẹ sinh con nhưng khó mà biết tính khí, nguyện vọng, sở thích, ham muốn, đam mê, lý tưởng của con mình. Thiên hạ có những câu nói đáng cho chúng ta suy gẫm:
“ Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.”
“ Sinh con, há dễ sinh lòng.”
“ Dò sông, dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.”
“ Bá nhân, bá tánh. Không ai giống ai cả.”
“ Chín người, mười ý.”
Chúng ta nên tạo duyên lành cho nhau. Chúng ta luôn luôn khởi tâm từ bi hỷ xả. Ai ghét mình, hại mình, từng làm mình đau khổ, mình nên thông cảm, bao dung, tha thứ cho họ. Thật khó vô cùng. Tập hoài rồi cũng đạt.
Tình thương thường kèm theo ích kỷ. Thương con, chẳng hạn, chỉ muốn con mình tài ba, học hành, thành công đỗ đạt hơn người. Thương yêu con mù quáng. Chỉ biết chìu chuộng con cải quá đáng, dễ làm cho chúng hư hỏng. Giúp cho kẻ xấu ác. Từ bi mà không có trí tuệ, dễ trở thành thảm họa trong cuộc đời đầy khổ đau và hệ lụy này.
Thương mến, giúp đỡ ai, thường đặt một điều kiện. Có lợi cho mình thì mới giúp. Làm việc gì có lợi cho người khác, giúp đỡ tha nhân, thường vì tâm vị kỷ, có lợi cho mình mới làm. Ông bà ta có các câu nói để đời:
“ Bánh ít trao đi, bánh dày trao lại.”
“ Bà đưa chai rượu, ông dụi gói quà.”
“ Có qua, có lại mới toại lòng nhau.”
Vì vậy, chúng ta nên thực hiện tâm từ bi bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác với “ tâm từ bi vô vị lợi”. Đó là Tâm Từ Bi, Cứu Khổ, Cứu Nạn của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
Lòng Từ Bi ở đâu? Lòng Từ Bi thường bị lắng sâu trong tâm của mỗi người. Đạo Phật giúp người ta xây dựng Lòng Từ Bi Hỷ Xả. Vợ chồng nên sống yêu thương nhau, thông cảm nhau, bao dung tha thứ cho nhau. Bớt giận hờn, tranh chấp, cải vả nhau. Đừng nên sợ người khác không hiểu mình. Chỉ̉ sợ mình không có lòng Từ Bi, bao dung tha thứ người và giúp đỡ người tận tình vô vị lợi.
Một vị sư Tây Tạng, sau khi bị quân CS Trung Quốc bắt giam vào tù, khi chúng xâm chiếm nước Tây Tạng và sáp nhập nước này thành một Quận của Trung Quốc. Chúng tra khảo ông ta, hỏi câu:
“ Tây Tạng là đất của Trung Quốc, phải không?” Ông trả lời:
“ Không phải.”
Ông bị chúng cầm dùi đánh vào miệng.Ngày nào cũng thế. Ông bị chúng cầm tù suốt 30 năm, mới tha. Ngày nào chúng cũng hỏi ông câu này và đánh ông y chang. Ông không thể nói dối được. Nhà sư Tây Tạng này không đánh mất lòng Từ Bi với kẻ ác hành hạ mình hằng ngày.
Thực hiện thiện lành, nuôi dưỡng Tâm Từ Bi Bác Ái của Ngài Quán Thế Âm Bồ Bát, tình thương và sự hiểu biết giúp chúng ta chung sống hòa hợp với mọi người chung quanh. Ta sẽ an vui hạnh phúc. Sống tươi vui hạnh phúc, giúp ta khỏe mạnh yêu đời, yêu người, an lạc thân tâm.
“ Tình thương, hiểu biết giúp ta
Sống chung hòa hợp, một nhà an vui.
Từ bi hỷ xả giúp người
Xa dần Ngã Chấp, thảnh thơi cõi lòng.
Bao dung, nhẫn nhục, thong dong
Khó tu, tập mãi Tâm Không trụ vào.
Cái Ta càng nhẹ, vui sao !
Ở/ đi tự tại, dạt dào an nhiên.”
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn