Gửi: Fri Jul 11, 2014 1:17 pm Tiêu đề: Buổi học cuối cùng. Tác Giả: Đạo văn
Buổi học cuối cùng.
(Tác giả Đạo văn)
Sáng hôm ấy tôi đi học rất trễ và tôi rất sợ bị la mắng vì thầy Hàm bảo sẽ kiểm tra cả lớp về động từ, mà tôi chẳng biết mô tê gì cả. Tôi nẩy ra ý định trốn học trong khi đang chạy băng đồng để đến trường.
Trời nắng nóng và trong vắt. Tiếng chim sáo lảnh lót ở bìa rừng xen lẫn tiếng hô hoán của bọn lính Tàu đang tập luyện trên khoảnh ruộng sau một xưởng cưa. Với tôi, chừng ấy thứ hấp dẫn hơn các định luật về động từ, nhưng tôi cố cưỡng lại để chạy nhanh đến trường.
Lúc ngang qua nhà hành chánh huyện tôi thấy nhiều người bu lại xem những tờ niêm yết. Từ hai năm nay đó là nơi xuất phát những tin đau buồn, những mất mát và mệnh lệnh của nhà cầm quyền dành cho dân chúng địa phương. Chân vẫn chạy đều nhưng đầu tôi suy nghĩ miên man “Chuyện gì nữa đây?”
Thấy tôi chạy qua, lão thợ rèn tên Tư và thằng nhỏ học việc đang đứng đọc tờ niêm yết quay lại nói với theo: “Này nhóc, chạy làm gì cho mệt, giờ này đến trường vẫn còn sớm mà”. Tôi nghĩ là lão chọc quê tôi đây. Tôi chạy một mạch muốn hụt hơi vào trong cái sân nhỏ trường thầy Hàm.
Thường thì đầu giờ học, lớp huyên náo đến nỗi người đi đường cũng nghe thấy: tiếng hộc bàn mở lên, sập xuống, tiếng cả lớp đồng thanh đọc bài, vừa bịt hai tai vừa hét lên càng to càng mau thuộc, tiếng chan chát của cây thước sắt gõ nhịp trên bàn: “Im lặng một tí nào”
Tôi định sẽ lợi dụng sự huyên náo ấy để lẻn êm vào chỗ ngồi nhưng lúc ấy tất cả đều im lặng chẳng khác một sáng chủ nhật. Qua cửa sổ mở toang tôi thấy các bạn đã ngồi vào chỗ ngay ngắn, thầy Hàm đang đi bách bộ với cây thước kẻ kẹp nách. Phải mở cánh cửa lớn và bước vào giữa cái im lặng mênh mông ấy. Bạn hãy tưởng tượng mặt tôi đỏ gay và người tôi run sợ biết chừng nào. Nhưng rồi chuyện không phải vậy. Thầy Hàm nhìn tôi không chút bực tức, và với một giọng dịu dàng thầy nói: “Về chỗ nhanh lên, con. Buối học sắp bắt đầu mà còn thiếu con đó. ”
Tôi nhảy ngay vào chỗ ngồi. Chỉ sau khi hoàn hồn tôi mới nhận ra hôm nay thầy giáo tôi mặc vét màu xanh nhạt, áo sơ mi có nút măng sét, cà vạt lụa màu đỏ, trên mép túi áo lấp ló chiếc khăn ren màu trắng. Bộ sậu đó thầy chỉ khoác lên người những ngày có thanh tra hay lễ phát phần thưởng cuối năm học. Ngoài ra lớp học hôm nay cũng có cái gì lạ lắm, trang nghiêm khác hẳn ngày thường. Điều gây ngạc nhiên không ít cho tôi là sự có mặt rất đông dân làng ở những hàng ghế cuối lớp, những ghế này thường ngày vẫn bỏ trống.
Cụ Tôn với chiếc mũ cối bằng lá dừa, ông cựu chủ tịch huyện, bác bưu tá già và nhiều người khác nữa. Bọn họ trông mặt mày buồn bã. Cụ Bách có đem theo một quyển “Tập đánh vần” đã bị mối mọt nhắm mất nhiều góc. Cụ mở sách ra để trên đùi. Cặp mắt kính để trên trang sách.
Trong khi tôi đang ngạc nhiên về những chuyện xung quanh thì thầy Hàm đã bước lên bục giảng. Và cũng với giọng nói ôn tồn tôi được nghe lúc nãy, thầy nói:
- Nầy các con, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con học. Có lệnh từ Bắc Kinh cấm dạy tiếng Việt ở các trường trong huyện ta. Ngày mai sẽ có giáo viên mới đến đây. Hôm nay là buổi học tiếng Việt cuối cùng của các con. Thầy yêu cầu các con hết sức chú tâm vào bài học.
Những lời đó làm tôi chao đảo. Ôi, bọn khốn kiếp. Thì ra đó là những gì chúng niêm yết ngoài kia.
Buổi học tiếng Việt cuối cùng của tôi đây! Mà tôi thì chỉ mới biết viết, vậy mà sẽ không còn được học nữa! Đành phải dừng lại ở đó. Tôi hối tiếc đã lãng phí thời gian, những ngày trốn học đi leo cây bắt tổ chim, tắm sông, chơi đùa. Mấy quyển sách nhỏ mớí lúc nãy còn là nỗi phiền phức và gánh nặng trên tay tôi, bây giờ bỗng trở thành những người bạn thân thương, sẽ vô cùng đau đớn nếu phải chia xa. Giống như thầy Hàm, cái ý tưởng phải ra đi, không còn được gặp thầy nữa làm tôi quên mất những hình phạt, roi đòn. Tội nghiệp thầy tôi.
Tôi chợt hiểu: Thì ra vì tính cách long trọng của buổi học cuối cùng mà thầy đã cẩn thận ăn mặc như một ngày đại lễ, và tôi đã hiểu tại sao các bô lão trong làng đến ngồi chật đông cuối lớp. Dường như họ muốn nói lên sự hối tiếc trước đây đã không thường xuyên đến ngôi trường nầy để học tiếng mẹ đẻ. Sự hiện diện của họ có thể là một lời cám ơn dành cho người thầy đã bốn mươi năm tận tụy, làm tròn bổn phận với quê hương đất nước.
Tôi đang miên man suy nghĩ thì nghe tiếng thầy gọi tên tôi. Đến phiên tôi đọc bài. Ước gì tôi có thể đọc một mạch hết cả bài giọng thật to và thật rõ, không sai một lỗi nào! Nhưng tôi chỉ lắp bắp được vài tiếng rồi đứng im như bị trời trồng, lòng nặng trĩu, đầu không dám ngẩng lên. Tôi nghe thầy nói: “Thầy không la mắng con đâu, Tí à. Dù con đáng bị phạt. Thế đấy. Ngày ngày chúng ta nói: Ối chà, mình còn chán thời giờ, ngày mai hẵn học. Và rồi con thấy điều gì đã xảy ra. Bây giờ bọn người kia có quyền mỉa mai: “Chúng mày tự hào là người Việt Nam mà không biết viết, biết nói tiếng của chúng mày”
Trong chuyện nầy, Tí ạ, con không phải là thủ phạm lớn nhất. Tất cả chúng ta đều đáng nhận những lời chê trách. Cha mẹ các con không mấy quan tâm tới việc học hành của các con. Họ chỉ muốn các con ra đồng hay vào xí nghiệp làm việc để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Thầy đây không đáng bị chê trách sao? Thay vì vào lớp, thầy không bắt các con ra vườn nhổ cỏ tưới cây cho thầy đó sao? Đến mùa câu mực thầy nhiều lần cho các con nghỉ học mà chẳng thèm thắc mắc đó sao?
Từ chuyện nầy qua chuyện khác, thầy Hàm nói với chúng tôi bằng tiếng Việt, bảo rằng đó là thứ tiếng hay nhất thế giới, chúng ta phải giữ lấy, đừng bao giờ quên nó. Khi một dân tộc trở thành nô lệ, bao lâu họ còn giữ được tiếng nói của mình thì xem như họ nắm được chìa khóa nhà tù trong tay.
Rồi thầy cầm sách quốc ngữ lên, đọc to bài học của chúng tôi. Thật ngạc nhiên là tôi hiểu rất dễ dàng. Tất cả những gì thầy nói ra đều rõ ràng, dễ hiểu. Tôi tin rằng trước giờ tôi chưa bao giờ lắng nghe chăm chú như thế, chưa bao giờ thầy giảng bài tận tình như thế. Có thể nói rằng trước khi ra đi, thầy muốn trao hết kiến thức của thầy cho chúng tôi, và chỉ nội trong một tích tắc thôi.
Xong bài học thầy chuyển qua bài tập viết. Để dạy buối cuối cùng nầy, thầy đã chuẩn bị nhiều mẫu ví dụ mới mẻ, viết bằng chữ “rông” rất đẹp: Việt Nam - Trường Sa trông như những lá cờ phất phới trên bàn học. Phải nhìn tận mắt mới thấy bọn nhỏ chăm chút từng nét chữ trong cái im lặng lạnh người, không còn nghe gì ngoài tiếng khô khốc của ngòi viết lá tre cào nhẹ trên mặt giấy. Một con ong ở đâu bay vào trong lớp nhưng chẳng ai để ý, lại bay ra ngoài. Mấy em nhỏ nghiêng đầu, thè lưỡi cố viết những nét gậy, cái thẳng cái xiên cho chuẩn, như thể chúng vẫn còn là Việt Nam. Trên mái nhà, mấy con chim bồ câu thấp giọng rù rù. Tôi tự nhủ: Liệu người ta có bắt chúng hót bằng tiếng Tàu không nhỉ?
Chốc chốc tôi ngước mắt rời khỏi trang giấy và bắt gặp thầy Hàm ngồi bất động đảo mắt nhìn từng đồ vật trong phòng như thể thầy muốn mang đi tất cả ngôi trường này trong ánh mắt đó.
Bạn thử nghĩ mà xem. Bốn mươi năm qua thầy chỉ sống ở một nơi nầy, với cái sân nhỏ trước mặt và lớp học nầy đây. Mấy chiếc ghế băng và bàn học đã mòn nhẵn đi, mấy cây phượng đã cao lên, mấy bụi tường vi tự tay thầy trồng ngoài cửa sổ ngày nào nay đã bò lên tận mái ngói. Thật đau lòng biết bao khi thầy phải rời bỏ tất cả những thứ ấy. Thật đau lòng khi nghe trên gác tiếng cô em gái chuẩn bị rương hòm hành lý cho chuyến đi ngày hôm sau, một chyến đi không có ngày trở lại.
Ấy vậy mà thầy vẫn bình tĩnh dạy cho đến hết giờ. Tập viết xong chúng tôi học bài lịch sử. Rồi các em nhỏ đồng thanh hát bài BA BÊ BO BÔ BU BƯ. Ở cuối lớp cụ Bách đã mang kính vào, quyển sách Vần đã cầm trên hai tay, miệng đánh vần theo bọn nhỏ. Cụ rất chăm chỉ, giọng run run vì xúc động. Ai cũng buồn cười, Ai cũng muốn khóc. Ôi, tôi sẽ nhớ mãi buổi học này thôi.
Bỗng chuông nhà thờ đổ 12 giờ. Ngay lúc đó tiếng kèn đồng của lính Tàu đi tập về vang lên chát chúa ngoài đường. Thầy Hàm đứng phắt dậy, mặt tái hẳn đi. Chưa bao giờ tôi thấy thầy cao lớn như vậy. Thầy lắp bắp: Các bạn, các bạn, …. Tôi…tôi.. Nhưng có cái gì làm cổ họng thầy tắc nghẹn không nói được hết câu. Thầy liền quay lại bảng đen, chụp lấy một viên phấn, cố đè thật mạnh lên từng nét chữ thầy cố viết thật to:
VIỆT NAM MUÔN NĂM.
Rồi thầy đứng đó, tựa đầu vào tường và chẳng nói một lời, thầy vẫy tay ra hiệu: Hết rồi! Biến di!
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn