TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC QUANG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC QUANG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
long hữu



Ngày tham gia: 18 Dec 2012
Số bài: 77

Bài gửiGửi: Wed Apr 09, 2014 10:44 pm    Tiêu đề: TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC QUANG
Tác Giả: LONG HỮU

TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ DU CA NGUYỄN ĐỨC QUANG
(2011-2014)
Thập niên 1960- 1970 ở miền Nam nỗi lên một phong trào ca hát cộng đồng gọi là phong trào Du ca do một vài nhạc sĩ trẻ có tâm huyết với quê hương đang trong cảnh khổ đau do chiến tranh gây nên.Phong trào Du ca bắt nguồn từ nhóm Trầm ca do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang làm con “Chim đầu đàn” cùng với vài người bạn khác có chung ý hướng .Dần dần, từ cái nôi Đà Lạt,nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tiến về Sàigòn, và từ đó nhiều nhóm Du ca đã nở rộ lên khắp toàn quốc trong khoảng năm 1966- 1968.Đặc biệt giữa Du ca và Hướng đạo có một mối gần gũi thâm tình vì chính nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và vài nhạc sĩ Du ca khác cũng từng là Huynh trưởng Hướng Đạo Sinh.Sau năm 1975,do thời cuộc thay đổi, phong trào Du ca tự giải tán,mỗi người đi mỗi nơi.Anh Quang qua Mỹ và đã từ trần tại đấy vào năm 2011.
        Khi còn là học sinh lớp 10 trường NLS NT tôi với vài bạn trong lớp cũng lập ra nhóm ca hát, vừa hát nhạc cộng đồng vừa hát nhạc Du ca với tập: “Hát  cho đồng bào tôi”,vừa hát nhạc Trịnh Công Sơn trong hai tập “Ta phải thấy mặt trời” “ Kinh Việt Nam”,rồi cũng vi vu cùng với Lê Uyên Phương trong hai tập tình khúc lãng mạn “ Khi loài thú xa nhau” và “ Yêu nhau khi còn thơ”.Nghĩa là thích gì hát nấy chứ chưa chọn cho mình một khuynh hướng chính thức nào cả.Tôi nhớ trong dịp lửa trại cuối năm lớp 12 tại sân trường NLSNT chúng tôi có dịp được gặp anh Nghiêm Văn Định,đang là học sinh trường Duy Tân ,người dạy tôi bước đầu vào môn Guitar, anh Định cho biết cũng manh nha muốn thành lập nhóm Du ca ở tỉnh Ninh Thuận,tôi hào hứng và xin được cùng tham gia.Tuy nhiên sau đó tôi không thể liên lạc với nhóm Du ca này, và cũng không biết phương hướng của nhóm là ra sao,mãi khi vào Sài Gòn học bậc đại học thì biệt vô âm tín cho đến năm 1975 thì mất hút luôn.
…..Giờ thì chúng tôi,những người bạn già ở cái tuổi U60 và U70 có cùng chung một sở thích sinh hoạt ca hát,lập ra nhóm Du ca 226,thường xuyên sinh hoạt tại quán cà phê 226 Điện Biên Phủ,Quận 3,TpHCM.Thành phần ban đầu do các Trưởng Hướng Đạo như vợ chồng trưởng Trần Thanh Hiệp,nhạc sĩ Trần Huân,nhạc sĩ Trần Thiện Cơ, và các nhạc sĩ thân hữu khác phụ trách,song song đó cũng có một vài nhóm du ca khác hoạt động.Qua thời gian sinh hoạt gần 8 tháng nay,chúng tôi rất vui khi cảm thấy như được sống lại thời còn trai trẻ đầy nhiệt huyết,nhiệt tình.Ở đây, chúng tôi sinh hoạt như thể anh em một nhà với nhau,cùng ca, cùng tâm tình chuyện trò thân mật,chẳng quan tâm gì về chính trị cho mệt óc.Dần dần số người tham gia càng lúc càng đông với đủ mọi thành phần,mọi lứa tuổi,từ những em Sinh viên,giáo viên đến chị Luật sư,rồi Bác sĩ,Kinh doanh….Thật là vui.Chúng tôi thường hát “mộc” tức là không có micro mà chỉ có đàn guitar thùng,piano….
               Nhân sắp đến ngày giỗ năm thứ Ba của người anh cả phong trào Du ca Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang,nhóm chúng tôi ráo riết tập luyện để trước nhất là tham dự lễ tưởng niệm nhạc sĩ, và sau đó, là giao lưu âm nhạc cùng các bạn trong nhóm Du ca Đà Lạt và Huế. Sáng sớm ngày 26/3/2014 chúng tôi lên đường lên miền Cao nguyên Anh Đào với vỏn vẹn chỉ có mười thành viên.Quốc lộ 20 nối TpHCM và Tp Đà Lạt đang sửa chữa nên nhiều đoạn gập ghềnh khó đi,nhất là đoạn đi qua Định Quán.Thời tiết mùa này khá nóng, nên khi đến Đức Trọng mới cảm thấy dễ chịu...Đoạn đường từ Liên Khương đến Tp Đà Lạt là đoạn cao tốc và nhờ trời chiều mát nên xe đi với vận tốc khá nhanh.tuy nhiên, do xe đi chậm ở những đoạn đường xấu trước đó nên dù khởi hành từ 7g30 sáng,nhưng đến mãi gần 4g00 chiều xe chúng tôi mới dừng bước trước khách sạn Tường Vân,một khách thuộc dạng hai sao của Đà Lạt.Sau khi nhận phòng, tắm rửa,nghỉ ngơi đôi chút,chúng tôi lên xe đến ăn cơm chiều tại một nhà hàng trên đường Phù Đổng. Nhà hàng nằm trên một đường cao mà từ đó chúng tôi nhìn xuống thấy rất nhiều vườn rau cải xanh rì bên dưới,trông rất đẹp mắt,xa xa, là bóng dáng của cái thũng lũng đầy mộng mơ mà người dân bản xứ gọi là “Thung lũng Tình yêu”.Xong cơm chiều thì trời cũng vừa xâm xẩm tối, chúng tôi đánh xe tiếp tục đi tới khoảng 500 mét nữa rồi quẹo qua phải để tiến vào một con đường nhỏ hơn là đường Trần Đại Nghĩa,và xe dừng lại đó để cả đoàn cùng xuống nhà anh Lê Giõang,một nhạc sĩ Du Ca trước đây.Tại đây, chúng tôi gặp nhiều anh em khác cũng từ Sài Gòn lên như nhạc sĩ Tôn Thất Lan,nhạc sĩ Đặng Mục Tử,anh Kiều An,và một số nhạc sĩ Du ca khác ở Đà Lạt cũng đang chờ ở đây.Thế là anh em tay bắt mặt mừng,hàn huyên tâm sự đủ điều,sau đó,chúng tôi cùng ra sân cỏ trước nhà để cùng hát với nhau vài bài cho vui.Đến 8g00tối thì nhóm chúng tôi xin kiếu từ ra về để nghỉ ngơi sau một chặng đường xa mệt mõi.
………6g00 sáng hôm sau tức là ngày thứ Năm 27/3/2014, chúng tôi thức dậy và dùng điểm tâm tại nhà hàng Liên Hoa cách khách sạn Tường Vân không bao xa,rồi tiếp tục cùng các  nhóm  khác đến tư gia nhà anh Quang ở số nhà158 Phạm Ngọc Thạch .Đây là căn nhà xinh xắn và gọn gàng được xây theo phong cách Đà Lạt từ xưa nên vẫn còn những dấu ấn mang nét pha trộn kiến trúc Phương Tây.tại đây, chúng tôi chụp hình lưu niệm cùng các bạn Đà Lạt, Huế và toàn thể gia đình anh Nguyễn Đức Vinh, là em ruột của anh Quang ,cũng tròm trèm ở tuổi U70.Thế rồi chúng tôi sắp hàng lần lượt đi vào nhà bên trong.Anh Nguyễn Trọng Thảo,một Trưởng Hướng đạo cùng thời lập ra nhóm Trầm ca tại một căn nhà nhỏ trên vị trí này, và từ nơi này, phong trào Du ca ra đời.Sau khi nghe anh Thảo thuyết minh xong, chúng tôi tỏa ra khắp từ trong ra ngoài để tham quan.Riêng tôi thì vào bên trong đến phòng riêng của anh để lạy di ảnh của anh,rồi đến phòng kỉ vật nơi có nhiều kỉ vật anh để lại,nào sách tham khảo,nào là các tập nhạc,nào là tranh ảnh.Quý nhất một điều là cây đàn guitar mới nhất của anh khi anh đem từ Mỹ về trước khi qua đời một năm sau đó.Anh Quang là người sùng đạo Phật nên trong nhà có phòng riêng để thờ tượng Phật Thích Ca và tượng Phật Quan Âm.Hiện di  ảnh của anh được đặt tại chùa Linh Bảo cách nhà anh vài cây số.Sau khoảng 30phút, chúng tôi cùng đến chùa Linh Bảo dự lễ cầu siêu cùng gia đình anh Quang.Xong buổi cầu siêu, chúng tôi lên xe trực chỉ đến nhà cha mẹ vợ của anh Nguyễn Đức Vinh cách đó không bao xa để cùng nhau thưởng thức món ăn chay thật là ngon mà gia đình khoản đãi,mãi đến trưa đứng bóng thì mỗi đoàn tùy nghi trở về nơi trú ngụ của mình.
……Chiều hôm ấy là buổi “ Xả trại tự do”,chúng tôi, mỗi người đều có thể ung dung đi đâu đó tùy ý, miễn sao có mặt tại khách sạn lúc 6g00 để đi ăn cơm chiều.Tôi chọn Hồ Xuân Hương là điểm đến vì nơi đây đã từng ghi dấu một thời kỉ niệm khi có thời gian học Hè ở thành phố mộng mơ,và cũng là nơi mà Thiếu đoàn Chí Linh của Đạo Ninh Thuận từng đến giao lưu với các Thiếu đoàn bạn  của Đạo Lâm Viên( Đà Lạt) như Thiếu đoàn Trần Quốc Toản,Lê Lợi,Quang Trung.Nhưng khi định lên đồi Cù để chơi,thì hỡi ơi còn đâu đồi Cù một thời ghi dấu những hình ảnh thân thương của các Hướng Đạo Sinh, khi mà tấm biển to tướng với hàng chữ “sân Golf” làm tôi phải chạnh lòng để rồi chỉ kịp ghi lại kỉ niệm xưa bằng những “pô” hình từ chiếc máy ảnh mi ni.Lang thang tới một đoạn nữa thì cảm nhận như : “ Gối đã mòn,chân đã mõi” nên đành phải “Ô rờ voa”mà quay lại trung tâm thành phố, ngồi bên ghế đá sát bờ hồ mà ngắm dòng người ngược xuôi.Mùa tháng Ba thời tiết Đà Lạt ít lạnh nên tôi chẳng cần mặc áo ấm làm gì cho đỡ nặng nề cái thân hình vốn được coi là “đồ sộ” cỡ màn hình Laptop 14 inches này.Gần đây, nhờ được cải tạo nên Hồ Xuân Hương có vẻ như không còn cảnh cạn nước để lộ đáy hồ nham nhở, nhưng dường như cái thần sắc của nó không còn thanh lịch như xưa nữa.Tôi nhớ ngày xưa dọc quanh bờ hồ có trồng nhiều hoa Anh Đào do chính phủ Nhật tặng,nhưng giờ đây thấy ít hơn mà cũng chẳng thấy hoa chắc hoa chỉ nở vào mùa Đông Xuân thì phải,thay vào đó là những cây Liễu Rũ đang thả những chùm hoa đỏ gần xuống mặt đất.Đà Lạt là thành phố ngàn hoa và cũng là thành phố ngàn Thông nhưng dạo quanh cũng chẳng thấy bông nhiều và Thông cũng dần dần rủ nhau đi đâu mà ai chẳng biết để dành lại cho các tòa nhà hoành tráng thế chỗ.Nếu thành phố Đà Lạt mà thiếu hoa,thiếu Thông thì chẳng khác gì cô thiếu nữ xinh đẹp được khoác lên chiếc áo Nâu đạm bạc.Thế thì mất thi vị dường nào!Đường phố Đà Lạt cũng có thêm vài đường mới nhưng kiến trúc giờ không còn như xưa nữa mà chỉ còn thấy ở những căn nhà như các phố thị đồng bằng nên trơ trẽn vô cùng.Đà Lạt giờ này không sương, không khói bãng lãng giữa buổi hoàng hôn,Đà Lạt giờ này thiếu hoa tô thắm cho không gian phố thị,Đà Lạt giờ này thiếu ngàn Thông vi vu chuyện trò với gió trên đồi cao,Đà Lạt giờ đây có nhiều xe máy chạy quanh làm mất đi cảnh tĩnh lặng êm đềm của xứ cao nguyên xinh đẹp này.Thế thì làm sao mà thi nhân có thể ngâm nga mấy vần thơ được nhỉ! “ Có ai lên đồi thông mà không thấy lòng mở rộng,có ai nghe tiếng Thông reo mà không  gợi hứng hồn thơ. Thông reo vi vút ,Thông sống đời đời mặc dù dưới sức nóng mùa Hè thiêu đốt,giá lạnh mùa Đông bao trùm…”( Nguyễn Tất Thứ),bài văn tôi còn nhớ khi còn học lớp Đệ Thất khi xưa.Thơ thơ thẩn thẩn một ít lâu, tôi thả bộ trên vài con đường nhỏ và nhờ đó mới thấy được cây Phượng Tím trước một căn nhà cổ đang ra hoa.khác với Phượng Đỏ chỉ thích hợp với xứ nóng,Phượng Tím thì có vẻ ưa khí hậu mát mẽ hơn.Với Phượng Đỏ thì khi nở cho một màu đỏ ối rực sáng, thì Phượng Tím có màu u buồn hơn nhưng lại thích hợp cho một cảnh sắc lãng mạn của thành phố đậm nét cô liêu này
                …Chúng tôi tập trung vào lúc 6g00 chiều tại khách sạn Tường Vân rồi lên xe chạy thẳng đến nhà hàng Atiso nằm trên đường Phù Đổng để ăn chiều cùng với tất cả các thành viên khác của các đơn vị bạn.Dùng xong cơm chiều, tất cả lại lên xe đến nhà của một nhạc sĩ Du ca của Đà Lạt chưa tới mộpt cây số.Tại đây, chúng tôi lại làm lễ tưởng niệm nhạc sĩ Quang theo tinh thần đơn giản,ngắn gọn nhưng trang nghiêm.Các anh Trần Trọng Thảo,Lê Giõang,Nguyễn Thiện Cơ đã lần lượt nhắc lại tiểu sử đời hoạt động của anh Quang cũng như gợi lại một thời vẻ vang của phong trào Du Ca Việt Nam.Đúng 8g00 tối, chúng tôi cùng tập trung trước sân cỏ của căn nhà, nơi đây cũng đã chuẩn bị một ngọn lửa đang rực cháy để mọi thành viên cùng tham gia sinh hoạt ca hát thật là sôi động và vui vẻ.Nhiều bài hát cộng đồng được cất lên từ hơn 50 người đứng xung quanh vòng lửa,từng điệu múa hò reo vang lừng trong đêm tối, và tất nhiên, là nhạc của anh Quang được ưu tiên chọn lựa số một của các đoàn.Đến gần 9g00 vì nghe ngóng có dân phòng địa phương đến thăm dò nên chúng tôi tự động giải tán.
…Sau một đêm ngủ cuối tại thành phố Đà Lạt, chúng tôi dậy hơi muộn.Cũng ăn điểm tâm tại quán ăn Liên Hoa rồi lại lên xe ra khu chợ để mọi người cùng nhau tỏa ra mua hàng làm quà lưu niệm. Xe chúng tôi bắt đầu chuyển bánh lúc gần 9g00 ngày 28/3 sau hai ngày đêm tại xứ sở Anh Đào.Cuộc hội ngộ đầy lưu luyến và đầy ắp kỉ niệm.Ngồi trên xe lại vang lên bài hát “Ai lên xứ hoa Đào,đừng quên đem về một cành hoa..”,nhưng mùa này thành phố làm gì có Anh Đào mà đem về nhỉ?.Hẹn lần sau thôi! Xin chào! Hẹn gặp lại nhá!./
                                                                    TpHCM-4/5/4/2014( Đỗ Hữu Long
Về Đầu Trang
henry chang



Ngày tham gia: 01 Oct 2008
Số bài: 1223
Đến từ: Hawaii

Bài gửiGửi: Thu Apr 10, 2014 1:23 am    Tiêu đề: Truyện ngày xưa và ngày nay

Anh Đỗ Hữu Long
Chuyến đi vừa rồi của các anh chắc chắn rất là thú vị mới được anh nhớ và kể hay như vậy;
gần đây chúng tôi chưa có dịp về thăm Đà-Lạt đọc truyện anh kể như mới vừa đi về vậy
Cám ơn anh

T.T.Phát

Xin gởi tặng anh ít tấm hình


Mùa này Đà Lạt không có Anh Đào xin nhận tạm hình nha anh


                       Hồ Xuân Hương Đà Lạt


       NHẠC SĨ DU CA NGUYỄN ĐỨC QUANG


              Ảnh kỷ niệm chuyến Âu Du lần cuối của anh Nguyễn Đức Quang

Thêm hình ảnh anh Nguyễn Đức Quang
https://www.google.com/search?q=NH%E1%BA%A0C+S%C4%A8+DU+CA+NGUY%E1%BB%84N+%C4%90%E1%BB%A8C+QUANG&client=gmail&rls=gm&source=lnms&tbm=isch&sa=X&ei=8xpGU7f8BaGqyAGAhoHgDg&ved=0CAkQ_AUoAg&biw=1344&bih=706
Về Đầu Trang
long hữu



Ngày tham gia: 18 Dec 2012
Số bài: 77

Bài gửiGửi: Thu Apr 10, 2014 10:33 pm    Tiêu đề:

Cám ơn Phát rất nhiều.Tôi rất biết rõ về thời trẻ thơ của PHÁT, vì nhà mình ở cùng xóm mà.Hẹn bật mí sau( Long Hữu)
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân