̣ (Cảm tác theo bài giảng của Thầy
Thích Trí Chơn. Thân tặng bạn hiền
Thúy Vy và thân hữu.)
THANH ĐÀO
Những thiên tai do thiên nhiên và trời đất gây ra như bão lũ, cuồng phong, lụt lội, động đất, hỏa hoạn, bịnh dịch, hạn hán, núi lửa, sóng thần... tàn phá cuôc sống của con người, gây thảm họa chết chóc, đói khổ lầm than cho nhân loại hàng năm. Tuy nhiên, những thiên tai do tạo hóa gây nên nói trên, rồi cũng trôi qua và chấm dứt sau đó. Còn bão lũ cuồng phong do tâm thức của mỗi người chúng ta gây ra thì sao?
Bão lũ Tâm Thức của mỗi người do Tam Độc Tham-Sân-Si, do Thất Tình (Ái, Ố, Bi, Ai, Lạc, Dục, Sân), Lục Dục (Sẳc Dục, Thanh Dục, Hương Dục, Vị Dục, Xúc Dục, Pháp Dục) hay Ngũ Dục, có ̣sách ghi, bao gồm: Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy. Tài là tiền bạc. Sắc là nhan sắc, sắc đẹp. Danh là tiếng tăm, danh vọng. Thực là ăn uống. Thùy là ngủ, nghỉ ngơi. Những cơn bão lũ do tâm thức của chúng sanh gây ra thật là khủng khiếp, kinh hoàng, đôi khi quá mãnh liệt, nó hủy diệt, tàn phá, cuốn trôi tất cả mọi thứ, không thể nào ngăn chặn, kềm chế nỗi. Bão lũ tâm thức nhiều lúc nổi lên dữ dội, không hề ngưng nghỉ, chấm dứt như bão lũ cuồng phong do thiên nhiên, trời đất gây ra.
“ Bão lũ thiên nhiên gây ra
Tàn phá một lúc, trôi qua mất liền.
Bão lũ tâm thức triền miên
Vô cùng mãnh liệt, bạc tiền, sắc, danh.
Làm cho nhân loại điêu linh
Tham-sân-si mãi, chiến tranh, hận thù.
Bão lũ tâm thức thiên thu
Khổ đau khó dứt, người tu sửa mình.
Phù du một kiếp mong manh
Bạc tiền, của cải, lợi danh theo dài.
Càng xa ham muốn, thảnh thơi
Thong dong tự tại, cuộc ̣đời an vui.
Quả là khó lắm, ai ơi!
Quyết tâm kềm chế, xa rời đam mê.
Thất tình, lục dục êm re
Cho ta hạnh phúc đi về tịnh tu “
Trong các bão lũ về tâm thức, bão lũ Tiền tài đứng hàng đầu. Đồng tiền là huyết mạch của cuộc sống con người. Không có tiền làm sao nhân loại sống đây? Thiên hạ thường nói:
“ Có tiền mua Tiên cũng được”
“ Đồng tiền là sức mạnh vạn năng”
“ Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”
“ Đồng bạc đâm toạt tờ giấy”
“ Đồng tiền là Tiên, là Phật, là sức bật của lò so, là thước đo của lòng người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già... ”
“ Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy, nói quá, họ nghe rầm rầm. ”
“ Nghèo giữa chợ, không ai han hỏi
Giàu đầu non, nhiều kẻ viếng thăm. ”
Xem thế thì mãnh lực của đồng tiền quả khủng khiếp, quá vĩ đại, quá mãnh liệt. Cũng vì tiền bạc mà thiên hạ ganh ghét, hận thù, tranh chấp nhau, kiện tụng nhau, giết hại lẫn nhau. Chẳng hạn ở Việt Nam, theo tin tức báo chí, tại miền Bắc, có bảy người con, người nhỏ tuổi nhất, 43 tuổi, người con trưởng nam 65 tuổi. Các con làm đơn kiện cha già 92 tuổi, yêu cầu ông bán mảnh đất từ đường của ông bà để lại ngõ hầu lấy tiền chia đều cho các con. Cha già không chịu bán đất lâu nay vì ông muốn đất từ đường dùng để an táng người quá cố sau này. Mảnh đất ông già làm sở hữu chủ, từ năm 1958 đến nay. Có điều kỳ lạ. Người con trai út thương cha nhất, không đứng tên kiện cha, nhưng cho mượn xe hơi để các anh chị dùng làm phương tiện đi lên tỉnh để kiện bố. Điều quái dị, khó tin mà có thật, là các con đều giàu có cả, chỉ vì tiền bạc mà họ kiện tụng cha già 92 tuổi gần đất xa trời. Con cái bất hiếu, không quan tâm, lo lắng, săn sóc cha mà còn làm khổ cha già. Thật bất hạnh cho ông cụ già yếu, bị lũ con giàu có, nhưng bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu, hại mình.
Việc thứ hai, cũng tại miền Bắc, trong một gia đình nọ, người vợ lấy tiền chồng, chỉ có mấy chục ngàn xài. Ông xã tức giận lấy dao đăm vợ suýt chết. Chuyện thứ ba, một cậu bé mới 12 tuổi, ăn cắp của cha 12 ngàn tiền VN, bị ông nổi giận lấy dây trói lại và tưới xăng đốt.
“ Tiền bạc lợi hại vô ngần
Bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân con người.
Hận thù, chém giết không thôi
Chỉ vì tiền bạc xa rời lương tâm.
Không còn nghĩa trọng tình thâm
Gây nên bão lũ, sóng ngầm khổ đau.
Bạc tiền vũ khí hàng đầu
Làm cho nhân loại gian lao cõi trần. ”
Trong Ngũ Dục nói trên, sau chữ Tài là Sắc. Bão lũ cuồng phong thứ hai lả Sắc. Có thể nói Sắc đẹp cũng là vũ khí sắc bén lợi hại giết người không cần gươm dao hay súng đạn. Người xưa có hai câu thơ nổi danh, bất hủ để đời:
“ Vũ vô kềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nghịch nhân”
Tạm dịch: “Mưa không phải vòng kềm tỏa, giam con người lại, nhưng có khả năng giữ con người trong nhà, không cho ra ngoài trời. Sắc đẹp đàn bà không phải sóng lớn, nhưng có thể dìm chết người. ”Nhà thơ Thâm Tâm Khánh có hai câu thơ nổi danh nói về sóng tình nổi dậy trong lòng:
“ Đưa người ta không đưa sang sông
Mà sao nghe sóng ở trong lòng. ”
Kim Trọng, đêm hôm đó, nhìn thấy sắc đẹp của Thúy Kiều quá lôi cuốn hấp dẫn nên không kềm chế được lòng mình. Thi hào Nguyễn Du diễn tả qua hai câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh:
“ Sóng tình dường đã phiêu phiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” ̣̣
Nụ cười của giai nhân cũng có thể làm nghiêng thành, mất nước. “ Nhất tiếu khuynh thành khuynh quốc”. Như trường hợp Vua U Vương Nhà Châu, chỉ vì nụ cười của nàng Bao Tự mà Vương Triều Nhà Châu bị sụp đổ. Cổ nhân có câu nói nổi danh trong thiên hạ” Trai ham sắc, gái ham tài. ” Kỳ thực, câu nói này, chỉ có giá trị một phần. Ai cũng thích sắc đẹp. Nam hay nữ đều ưa thích sắc đẹp, thích người phối ngẫu của mình có ngoại hình sáng sủa, dễ coi. Mỹ nhân kế dùng để quyến rủ đàn ông, thời nào cũng có giá trị của nó. Nữ nhi vừa kiều diễm, vừa khôn ngoan, thông minh lanh lợi dễ làm nam nhân mê mệt, say đắm, mềm lòng. “ Gái quốc sắc, trai anh hùng phải lụy”.
Trong lịch sử Trung Hoa, có Tứ Đại Mỹ Nhân nổi tiếng là:
Thứ nhất “Tây Thi Đại Mỹ Nhân Trầm Ngư”, (Sắc đẹp của giai nhân làm cá dưới nước trông thấy phải lặn). Nàng sinh vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên. Nàng và Trịnh Đán đã làm mê mệt vua Ngô Phù Sai. Cuối cùng Triều Đại Nhà Ngô bị sụp đổ cũng vì mỹ nhân kế do Phạm Lãi và Vua Việt Câu Tiễn sắp đặt.
Thứ hai” Vương Chiêu Quân Đại Mỹ Nhân Lạc Nhạn” (Sắc đẹp của nàng làm cho chim nhạn trông thấy là hết hồn rơi ngay). Nàng ỷ mình diễm lệ, không chịu bỏ tiền ra hối lộ tên họa sĩ Mao Diên Thọ chuyên vẽ hình dâng vua Hán, lúc bấy giờ. Bởi vì cung phi mỹ nữ tuyển vào cung Vua quá đông. Vua không thể gặp từng cô được. Ngài xem hình vẽ của Mao Diên Thọ, trông thấy cô nào đẹp là vua chọn. Vì hình của Chiêu Quân xấu nên nàng ở trong cung cấm cô đơn vò võ. Nhà Vua không hề gặp nàng. Cho đến hôm đó, Vua gã nàng cho Hung Nô để cầu hòa. Đến khi nàng được lịnh trình diện Vua trước mặt sứ giả của Vua Hung Nô để theo họ về nước. Trông thấy nàng quả là một tuyệt thế giai nhân, Vua Hán muốn giữ lại cho mình, định đổi cung nữ khác thay thế, nhưng các quan trong triều đình can, không nên thất hứa với Vua Hung Nô vì sứ thần của họ đã thấy Chiêu Quân Cống Hồ. Vua Hán thương tiếc Đại Mỹ Nhân Lạc Nhạn vô cùng. Sau đó Vua ra lịnh xử trảm Mao Diên Thọ.
Thứ ba là “Điêu Thuyền Đại Mỹ Nhân Bế Nguyệt” (Sắc đẹp làm cho vầng trăng đang sáng rỡ, trông thấy mỹ nhân, phải lặn trốn mất). Nàng là con nuôi của Vương Doãn, đời nhà Hán, sinh vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch. Cha nuôi dùng nàng làm mỹ nhân kế khiến cho Đổng Trác và con nuôi Lã Bố yêu nàng mê mệt. Cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác để đoạt lấy Điêu Thuyền.
Thứ tư là “Dương Quý Phi Đại Mỹ Nhân Tu Hoa” (Sắc đẹp của nàng làm cho hoa nhìn thấy phải thẹn thùng lẫn tránh). Nàng là quý phi của Vua Đường. An Lộc Sơn là tướng tài phò Vua, làm con nuôi của Dương Quý Phi. Bất ngờ y say mê nhan sắc khuynh quốc khuynh thành của mỹ nhân. Tuy là Dưỡng Mẫu, nhưng con nuôi đã yêu nàng say đắm. Y đã lẽn vào cung hiếp dâm nàng. Y làm loạn từ đấy. Y khởi binh chống lại nhà Đường. Y buộc Vua Đường phải giao nàng cho y. Vua Đường vì quá say mê mỹ nhân nên đưa nàng đi chạy trốn. Chiến tranh thù hận tàn sát lẫn nhau cũng vì sắc đẹp của đàn bà. Đúng như cổ nhân thường nói:
“ Gái quốc sắc trai anh hùng phải lụy” như đã nói trên, và sâu sắc hơn:
“ Anh hùng khó thoát ải mỹ nhân. ”
“ Yểu điệu thục nữ, quân tử hiếu cầu”
Từ Hải cũng vì mê nhan sắc nàng Thuý Kiều mà phải lụy thân. Sắc Đẹp là bão lũ cuồng phong dữ dội có thể nhận chìm đè bẹp con người, nhất là nam giới xuống hố thẳm khổ đau và mất mát. Bởi vậy, càng xa ái dục, tâm ta càng an vui hạnh phúc. Như Vải Giác Duyên khuyên Thúy Kiều:
“ Tu là cõi phúc tình là dây oan. ”
Bão lũ thứ ba, sau Tài và Sắc là Danh. Danh Vọng hay Danh Lợi trên đời cũng lôi cuốn nhân loại vô cùng tận. Vì danh lợi người ta có thể giành giật nhau, chém giết nhau, tàn sát lẫn nhau, tạo thành bão tố sóng gió vô cùng tận. Thiên hạ có câu nói để đời: “ Mua Danh ba vạn, bán danh ba đồng. ” Vì Danh Lợi, người ta có thể bất chấp mọi thủ đoạn, hèn hạ, xấu xa, phi nhân, bất nghĩa, để đạt cho được mục đích. Họ đoạt giải, chiếm huy chương trong cuộc thi đấu tranh tài cao thấp, nhưng về lương tâm, về đạo đức thì thiếu vắng. Ví dụ trong ngành thể thao như bóng đá, tennis, bóng chuyền, bóng bàn, bóng chày, bơi lội... vì muốn đạt được huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng, trước hết vì danh dự cá nhân, sau nữa vì danh dự của Tổ Chức, và cuối cùng vi Danh Dự của Quốc Gia, Dân Tộc, người ta hay dùng thuốc kích thích tố “ Đốp pin”. Thuốc này có ba loại kích thích: thần kinh, mạch máu và cơ bắp cùng gân, làm cho cầu thủ tinh thần sảng khoái, phấn chấn, cơ thể không biết mệt mỏi, rã rời, uể oải, mạch máu lưu thông sung sức, điều hoà. Tuy nhiên sau đó kẻ dùng thuốc trên có thể bị bịnh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng họ.
“ Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ mừng ra khỏi, người mong bước vào.
Đời người như giấc chiêm bao
Phù du danh lợi ba đào tới lui.
Bão lũ tâm thức khó rời
Càng xa ham muốn cuộc đời an vui”
Và sâu sắc hơn:
“ Vì Danh Lợi, bất ̣ chấp thủ đoạn
Miễn thành công đè bẹp đối phương.
Đem danh dự huy hoàng chiến thắng
Thuốc dùng kia khủng khiếp vô cùng.
Thuốc Đô pin nguy nan cơ thể
Thịt, thần kinh, khí huyết tổn thương.
Dễ bỏ mạng sa trường sau đó
Vì lợi danh bất kể đoạn trường. “
Thắng đối thủ nhưng không chiến thắng bản thân mình. Mình đoạt giải nhưng gian lận, thiếu công bình, thiếu tinh thần thượng võ, thiếu công tâm Như trường hợp cầu thủ bóng đá Maradona, Á Căn Đình, nổi danh một thời. Ông bị FIFA truất hẳn quyền thi đấu bóng đá khi phát hiện ông dùng thuốc kích thích tố trong lúc thi đấu. Mình phải chiến thắng Tâm Tham- Sân-Si-Mạn- Nghi- Ác Kiến. Đức Khổng Tử từng nói:
“ Chiến thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình. ”
Tóm lại, ba thứ bão lũ cuồng phong Tài- Sắc- Danh nhiều lúc nổi lên hung bạo, mãnh liệt, dữ dội. Chúng có thể nhận chìm con người xuống vực sâu hố thẳm vì không có gì ngăn chặn chúng được. Đồng tiền có thể đưa con người từ cảnh bần cùng trong xã hội lên đến đỉnh cao danh vọng. Và nó cũng có thể đưa con người từ đỉnh cao danh vọng xuống cảnh bần cùng của xã hội hay vào tù ngục bất ngờ. Dù đồng tiền chỉ là phương tiện, quy ước trao đổi mua bán sinh sống. Tuy là huyết mạch của con người nhưng không phải là cứu cánh. Cứu cánh của kiếp nhân sinh là an vui, là hạnh phúc cho tâm hồn. Khi nghèo đói cực khổ người ta chỉ lo lao động để sinh nhai. Nhưng khi giàu sang phú quý thì thiên hạ ham danh vọng, ham hưởng thụ. Bởi vậy, ông bà ta có câu nói ̣để đời:
“ Đói cơm lạt mắm tèm hem
No cơm ấm áo lại thèm nọ kia. ”
Để kết luận, Bão lũ cuồng phong của tâm thức Tham- Sân-Si, của Tài- Sắc- Danh quả là hung bạo, dữ dội, tàn khốc. Chúng cứ nổi lên dài dài trong tâm thức của chúng sanh. Chừng nào Tham- Sân- Si mà chịu yên ngủ lúc đó con người mới gỉảm bớt lo âu, buồn bã, phiền não, khổ đau vì bão lũ của tâm thức mới sóng êm gió lặng. Bớt ham muốn, lòng càng thảnh thơi, an vui hạnh phúc.
“ Bão lũ tâm thức bay xa
Ham muốn càng ít cho ta an bình.
Sắc, tài, danh lợi mông mênh
Vô cùng quyến rủ làm mình khổ đau.
Giảm dần ái dục hàng đầu
An nhiên tự tại qua cầu tịnh tu “
THAHH ĐÀO |