TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tiếng Sáo Người Em Út
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tiếng Sáo Người Em Út

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
thanhminh



Ngày tham gia: 18 Mar 2012
Số bài: 77

Bài gửiGửi: Wed Dec 18, 2013 1:26 am    Tiêu đề: Tiếng Sáo Người Em Út

Tiếng Sáo Người Em Út

Tác Giả :  DƯƠNG NGHIỄM MẬU

1.


Về tới đầu ngõ, người anh cả nghe thấy tiếng sáo, anh nhận ra tiếng sáo của người em út, tiếng sáo không còn thô mộc, non nớt, chập chững những bước đầu đời mà nay âm thanh đã trau chuốt và ở đó nghe một nỗi bồi hồi tâm sự. Người anh cả đứng im lắng nghe. Bỗng tiếng sáo như reo vui làm người anh nhảy chân sáo bước vào nhà. Cánh cổng mở rộng, vào tới sân người anh cả thấy em mình ngồi dựa cột hiên, đôi mắt như nhắm lại và tiếng sáo vẫn rộn rã. Người anh bước chậm và nhẹ tới hiên nhà rồi ngồi xuống bên. Thật lâu tiếng sáo mới ngừng lại:

-Anh đã về.


Người anh phác một nụ cười:

-Khúc nhạc của em sao hân hoan, anh nghe và thấy lòng vui.

Người em để ống sáo xuống hiên gạch, hai tay khoanh lấy đầu gối.

-Anh về bao giờ lại đi?


Người anh đứng lên, nhìn ra khoảnh vườn nhỏ, mấy cụm hoa cải vàng, mấy trái mướp thả xuống từ cái giàn thấp, giọng nhỏ êm:

-Anh về ở nhà.

Người hàng xóm ló đầu lên khỏi rào dâm bụt:

-Anh út, sao không thổi tiếp, tôi đang nghe… À kìa, anh cả về đó sao?

-Dạ chào bác.


-Từ hôm qua tới giờ tôi không sao ngủ được, hóa ra có anh cả về, để chút nữa tôi sang chơi, đi đường xa thì có biết bao nhiêu chuyện…


Người láng giềng thụt xuống. Người anh nói:

-Cha đâu?

-Cha nằm trong nhà.


Người anh đứng dậy, bước lên hiên, mở cửa vào nhà. Bầu khí tĩnh lặng. Người anh từ trong nhà bước ra:

-Cha đang ngủ, anh không lên tiếng.


Người em đứng dậy gài ống sáo lên hiên nhà, bước xuống sân đi vào nhà ngang. Người anh thơ thẩn trong khoảng sân gạch. Vẫn cánh cửa xưa. Có chăng mái ngói nâu tươi nay đã rêu phong, trên sân giữa những khe gạch đã có chỗ cỏ mọc. Cây mít lớn hơn và tàn cây rộng hơn. Người anh nhớ tới người em gái kế. Người anh đi vào nhà ngang nơi người em đang xúc thóc từ trong cỗ quan tài ra thúng.


-Chị bé đâu em?


Người em đứng thẳng người:

-Chị bé chết ít lâu sau ngày anh đi. Súng nổ từ phía ngoài cánh đồng.

Người anh đứng im.


Người em tiếp tục xúc thóc ra chiếc thúng rồi bưng đổ vào chum để nơi góc nhà. Mồ hôi đọng trên trán, chảy trên thái dương. Người anh đứng lại bên. Người em bốc một nắm thóc đổ vào lòng bàn tay người anh:


-Anh coi, những hạt thóc có tốt không. Năm nay được mùa nhưng thu hoạch không được bao nhiêu. Đồng ruộng bỏ hoang ai nhìn thấy cũng như dao cắt ruột. Cả làng không còn một con trâu. Hôm nấu xôi mới, cha nhắc tới anh và bảo: nếu thằng cả nó ở nhà...


Người anh quay mặt đi, ngắt lời:

-Thôi để mùa sau.

-Mùa sau?

Người em nhắc lại giọng lạnh và buồn.


Những hạt thóc cuối cùng được vét ra khỏi cỗ áo quan.

Người anh đổ nắm thóc từ tay này sang tay kia:

-Cha vẫn thường gọi đây là những hạt ngọc. Nhiều khi ngọc cũng không giá trị bằng.


Người em nhìn người anh, nụ cười ngậm ngùi. Người anh nhìn em: nó vẫn như xưa chẳng thay đổi gì, lầm lầm lì lì… Người em quét sạch cỗ áo quan, lấy tay kỳ cọ trên lớp sơn bóng rồi gõ vào thành gỗ:


-Gỗ gì không biết, tiếng nó cũng lạ, anh nhớ không?

-Gỗ vàng tâm. Cha đã kỳ công đi tìm nó để sắm áo cho ông nội. Anh nhớ… ông nội còn sống thì nay đã hơn trăm tuổi.

-Anh nghĩ ông nội còn sống?

-Cha đã tìm bao nhiêu nơi, nào có thấy tông tích gì. Tù tội… Có khi xương còn nằm trong nhà tù nào đấy…

-Anh khéo tưởng tượng.

-Biết đâu đấy.


Người em lấy ra chiếc ruột tượng, màu xanh hoa lý đã nhạt, người em nói:

-Anh nhớ không?

-Chiếc ruột tượng của mẹ.

-Đúng rồi.


Người em gấp một đầu ruột tượng lại rồi mở đầu kia đổ thóc vào một đoạn ngắn rồi gấp đầu thứ hai lại gọn gàng và đặt xuống sau cỗ áo quan:

-Chiếc gối này êm lắm.


Người em sờ tay lên khắp cỗ áo quan, giọng đều đều:

-Sau khi đắp nấm mồ chung cho bốn người, trong đó có chị bé, cha vỗ tay vào cỗ áo quan nói: có sẵn áo quan đây mà nó đâu được nằm, cái số nó thế chịu thôi… Có thời nào mà chết chùm, tan xương nát thịt chẳng còn nhận ra được. Rồi cha nhìn em bảo: không lẽ tao đóng cỗ quan tài này cho mày?


2.


Người anh lặng im lắng nghe. Bao nhiêu cảnh huống của ngày tháng cũ, khoảng trống những ngày anh vắng mặt:

-Anh nhớ ngày cỗ áo quan được đóng. Còn em?

-Những hình ảnh mơ hồ, lúc ấy anh đã lớn, em còn nhỏ. Từ đó nó ở bên em và những câu chuyện về ông nội do cha kể lại.


Người anh lại gần để tay lên thành cỗ áo quan:

-Hồi đó người ta định xử bắn ông nội. Cha chạy ngược chạy xuôi lo tìm gỗ về cho thợ đóng gấp. Nhưng ông nội không bị xử bắn, người ta kết án chung thân khổ sai, biệt xứ. Ông nội bị đưa đi chẳng bao giờ cha còn thấy mặt. Cha kêu đám thợ mang đi sơn cỗ áo quan rồi được mang vào nhà ngang, nó ở từ đó tới nay. Những ngày đầu cỗ áo quan làm cho nhiều người sợ, nhưng dần thành quen thuộc, có khi nó dùng đựng thóc, lúc đựng ngô, lúc nhỏ có lần anh và em nằm trong đó trốn cho chị bé đi tìm…


Người em đứng ở đầu cỗ áo quan, đưa hai tay xuống dưới thử nhấc lên:

-Nặng quá. May mà có anh trở về… Lúc trước có lúc em nghĩ nếu mình chết chắc cha sẽ bỏ mình vào đây, nghĩ thế thấy khiếp quá, bây giờ thì anh đã về và em chưa chết.


-Có khi nào em hay cha cho rằng anh đã chết không?




-Mỗi lần nhắc tới anh, cha tép miệng rồi mỉm cười: nó có còn sống thì cũng như đã chết … Nhưng anh cũng đã trở về, dù sao em cũng mừng bởi vì chỉ một mình em thì làm sao mà tha cỗ áo quan lên nhà trên. Anh giúp em một tay.


Người anh nhíu mày:

-Mang lên làm gì?

-Cho cha nằm.




Người anh lặng đi đôi mắt mở lớn nhìn người em không chớp:

-Cha chết rồi sao?

-Cha đi tối hôm qua…


Người anh vụt bỏ chạy lên nhà trên, tiếng bước chân, tiếng cửa va đập vang động rồi tiếng khóc oằn lên. Người em trở ra hiên nhà lấy cây sáo trúc xuống và bắt đầu thổi một khúc nhạc, âm thanh nhảy nhót vui tươi. Người anh từ trong nhà bước ra, nước mắt ràn rụa. Người em ngừng thổi sáo. Người anh nói giọng khô:


-Cha chết mà em không buồn sao?

-Cha già thì chết, tại sao lại buồn? Anh khóc, cha có sống lại không? Anh có hết đau khổ không? Cha nói với em: cả đời không làm điều gì quấy, không có gì phải hối hận, cha nhẹ lòng khi nhắm mắt có con ở bên. Con hãy thổi sáo cho cha nghe…Và em đã thổi sáo từ đêm qua tới giờ. Sống, chết là lẽ bình thường. Ngày tháng và đường xa đã dạy cho anh những gì?




Người em đưa sáo lên thổi, những âm thanh dìu dặt bay lượn như đang quyện vào trong gió chiếm lĩnh cả khoảng không gian bao la giữa trời và đất. Buổi chiều đang xuống nhẹ nhàng. Đàn chim sâu về kêu ríu rít trên những ngọn cau, trong tàn thấp của cây hoa ngâu. Tiếng chuông thu không vẳng đưa từ xa lại trong buổi chiều tĩnh mịch.


Người em hỏi:

-Bao giờ anh lại đi? -Đi đâu?

-Đi khỏi nhà.

-Em không muốn có anh ở nhà sao?

-Em nghĩ: anh không phải là người để sống ở trong nhà, lại nữa bây giờ cha đã mất…Từ lúc em lớn lên đến nay em thấy có mấy khi anh sống ở nhà… Chị bé đã chết, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đổi thay, anh đâu có sống với những điều đó? Em không nghĩ là có lúc anh trở về… chuyện còn dài. Bây giờ em muốn tẩm liệm cho cha và nhập quan.


Người em đi xuống nhà ngang, người anh bước theo không nói một tiếng. Hai anh em rất khó khăn mới khiêng được cỗ áo quan lên nhà trên. Trước hết người em đốt hai ngọn nến trên bàn thờ rồi đến chỗ cha nằm cầm lên tấm nhiễu điều mở rộng trải vào trong lòng cỗ áo quan. Nhẹ nhàng, cẩn trọng người em bế người cha đặt vào trong cỗ áo quan, đầu gối lên cái ruột tượng nhồi thóc, tấm nhiễu được phủ kín lại. Hai anh em nhấc tấm ván thiên lên. Người anh ngừng lại:


-Anh muốn nhìn mặt cha lần nữa.


Người em để tấm ván thiên xuống. Người anh mở tấm nhiễu nhìn lên mặt người cha mắt đã nhắm lại êm ả, những sợi râu bạc trắng như cước, những nếp nhăn trên trán như những nét khắc trên mặt tượng. Người em nói:

-Cha nói: anh không giống cha, anh giống mẹ. Em nghĩ chắc anh giống ông nội.


Người anh không nói kéo tấm nhiễu lên mặt người cha.


Người em nói:

-Em không nghĩ cha chết, cha đang ngủ.


Tấm ván thiên được đậy lại, những con cá gỗ được đặt vào đúng chỗ, người em dùng cái vồ đập vào những con cá gỗ cho tấm ván thiên khít lại. Tiếng vỗ nghe vang dội. Người anh ra ngồi trên bộ ngựa ở gian bên. Người em thắp ba nén hương cắm vào chiếc lư sành. Khói hương nghi ngút.


Người em nói:

-Sáng mai đưa cha ra đồng.

-Em không báo cho họ hàng làng xóm?

-Hãy để cho mọi người thêm một đêm yên tĩnh. Bây giờ để em đi nấu cơm ăn.


3.


Người anh ngồi lại ở nhà trên, mùi hương trầm thơm ngát. Ánh sáng vàng tỏa không đều trong ba gian nhà với những thân cột lớn. Người anh đi xuống nhà dưới, người em lấy gạo vào giá mang ra cạnh bể nước ngồi vo rồi đổ vào nồi. Khi người anh bước vào nhà bếp lửa đang cháy hồng, nồi cơm đang sôi. Người em gạt những hạt bỏng gạo trong bếp ra nhặt bỏ vào trong miệng. Cơm chín, người em lau chiếc mâm gỗ rồi xới ba bát cơm đầy, so ba đôi đũa, múc một chén tương rồi bưng lên nhà trên để nơi chiếc sập giữa nhà trước cỗ quan tài. Đứng trước mâm cơm người em nói:


-Cha kể: xưa có một người con nghèo hèn phải đi làm mướn nuôi thân, ngày giỗ cha không quên chỉ còn biết kiếm một cái bát, múc lấy một bát cám lợn rồi đội lên đầu mà khấn với cha… Cha chỉ mong sau này khi cha đã chết, mỗi lần giỗ nhớ nấu cơm cho ngon, một chén tương, một bìa đậu phụ, thêm ít rau luộc là được, suốt đời cha ăn những thứ đó…


Hai anh em bưng cơm lên, trên mâm còn một bát cơm với đôi đũa để bên. Người anh đưa chén cơm lên miệng, mùi cơm thơm mộc mạc. Người anh chảy nước mắt. Người em nói:

-Sao anh khóc?

-Anh nghĩ tới những ngày xa nhà, lúc về thì cha đã mất…


Người anh để bát cơm xuống mâm. Người em buông đũa và úp cái bát không xuống mâm. Một lúc người em nói với giọng kể đều đều:


-Có một câu chuyện cha kể đi kể lại nhiều lần trong những bữa cơm tối, nó như một câu chuyện khôi hài, để em kể lại cho anh nghe: Một người cha nói với con: để có ăn hãy ra đồng làm ruộng. Người con nói: chắc gì được ăn mà làm. Người con không ra đồng. Người cha kiên nhẫn cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, bón phân, làm cỏ, tát nước cho đến khi lúa chín. Người cha bảo con: lúa chín rồi hãy ra gặt về mà ăn. Người con bảo: gặt về có chắc được ăn không. Và người con không chịu ra đồng gặt lúa. Người cha kiên nhẫn gặt lúa, gánh lúa về, đập lúa, phơi lúa, giã gạo rồi nấu cơm. Khi ngồi xuống ăn cơm, người cha hỏi con: đã chắc ăn chưa? Người con nói: chưa vào miệng thì chưa chắc. Người cha tức giận đứng lên. Thấy người cha nổi giận, người con đứng lên bỏ chạy. Người cha cầm lấy đôi đũa cả đuổi theo. Khi trở về nồi cơm đã bị chó ăn hết. Người con đứng ở ngoài cửa nói: đó đã chắc đâu… Mỗi khi kể tới đó cha cười lớn và nói: cái ông cha này sao nóng giận vô lối. Con hư thì phải dạy còn mình thì thấy cái phải làm thì làm thôi. Mình nhà nông, có làm thì có ăn… Cha mẹ sinh con ai dễ sinh lòng…


Một khoảng im lặng. Người anh nhìn bát cơm đầy để trên mâm, cạnh đôi đũa:

-Em có nghĩ là cha đã không bằng lòng anh?

-Cha nói: anh sống thay cho cha.


Người anh im lặng lúc lâu, người anh nhìn vào mặt người em hỏi:

-Còn em?


Người em út bưng bát cơm còn nguyên trên mâm ăn tiếp, lúc đặt bát xuống người em nói:

-Anh về ở nhà luôn?

-Anh không đi đâu nữa.


Người em đứng lên giọng đầy xúc động:

-Anh về rồi thì em đi. Lúc trước còn cha, em dù muốn cũng không thể đi được. Ai trông nom cha lúc về già? Anh đi hẳn anh nghĩ rằng ở nhà đã có em, cuối cùng dù thế nào cũng có chỗ để trở về. Bây giờ anh đã trở về và em có thể lên đường…


4.


Sau bữa cơm tối, người em ra ngồi ngoài đầu hiên nhà lấy ống sáo thổi tiếp, người anh ngồi dựa lưng vào hiên lắng nghe. Đêm qua nhanh. Lúc bình minh vừa hé người em ra khỏi nhà. Lúc mặt trời lên ở ngọn cau thì em trở về cùng những người họ hàng và dân làng. Mọi người bắt tay khiêng cỗ quan tài trên vai đi ra cánh đồng. Không có tiếng khóc. Mọi người nói với nhau về người cha lúc còn sống, những câu chuyện không đầu không đuôi, xen kẽ là những tiếng cười vì câu chuyện cũ. Người em đi lên phía trước vừa đi vừa thổi sáo. Người anh đi phía sau cỗ quan tài.


Huyệt đào trên thửa ruộng khô màu đất tươi. Cỗ quan tài được đặt xuống và đất được đổ lên. Người anh lấy bó hương rồi cắm lên ngôi mộ mới. Người em ngồi trên một bờ ruộng nhìn về phía chân trời. Mọi người đã ra về.


Người anh lại gần người em:

-Bao giờ em đi?

Người em đứng lên:

-Sao anh không giữ em ở lại?

-Em đã lớn, như ngày xưa lúc anh đi, cha đã không nói gì. Đi hay ở là ở nơi em.


Người em ra đứng bên mộ cha để sáo lên môi. Người anh nghe thấy một khúc nhạc bi thiết. Khi nắng đã lên cao, người em cắm ống sáo lên mộ cha rồi cùng trở về với người anh. Người anh nói khi bước chân vào sân nhà:

-Không biết lúc em về thì anh còn sống không?


Người em đứng gần hiên nhà:

-Anh nghĩ em có thể bỏ nơi này mà đi được sao? Ai cũng bỏ đi cả thì ngôi nhà này ai coi, ruộng ai cày và những người như anh lấy đâu nơi để trở về?

Sài Gòn 12/1974


Dương Nghiễm Mậu

(Thư Quán Bản Thảo số 55, Tháng 1-2013
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Mon Dec 30, 2013 1:27 am    Tiêu đề: Gió Lạnh Đầu Mùa
Tác Giả: Thạch Lam

Gió Lạnh Đầu Mùa

     Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bứt, chảy mồ hôi.
    Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng khôg bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bévẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhìn thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.
    Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trông chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét.
    Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu rồi cất tiếng gọi chị. Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan:
    - Con vào buồng lấy thúng áo ra mẹ mặc cho em, đi.
    Rồi quay lại bảo Sơn:
    - Con sang đây mà ngồi cho ấm. Bước khéo để cho em bé ngủ.
    Sơn kéo chăn lên đắp cho em, ngồi xếp bằng bên khay nước. Mẹ Sơn rót cho một chén, Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mặt vào miệng chén cho hơi bốc lên. Bà Sơn thường vẫn bảo làm thế cho tỉnh mắt.
    Người vú già xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói:
    - Rét quá! Múc nước cóng cả tay.
    Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi:
    - Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ?
    Người vú già ra vẻ nhớ lại, đáp:
    - Cũng chả bằng cái năm mợ đi cân gạo bên Sông. Gớm, mới rét làm sao! Sáng tôi dậy, bà sai đi chợ, cứ run lên cầm cập.
    Sơn cũng nhớ cái rét năm ấy rõ rệt lắm, như mới đây thôi. Buổi sớm hôm ấy, mẹ Sơn cũng ngồi uống nước chè như sáng hôm nay và cũng lấy áo rét ra mặc.
    Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn đặt cái vỉ buồm lục đống quần áo rét. Sơn nhận ra cũng những cái áo Sơn đã mặc năm ngoái, năm kia: một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn cầm giơ những cái áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.
    Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói:
    - Đây là áo của cô Duyên đây.
    Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía,tay mân mê các đường chỉ:
    - Giá bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được.
    Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc nói với Sơn lại để mặc áo, Sơn thấy mẹhơi rơm rớm nước mắt.
    Sơn đã mặc xong áo ấm áp: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu, rồi đẩy Sơn ra, bảo:
    - Thôi, con đi chơi.
    Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.
    Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất răn lại, và nức nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.
    Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
    Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.
    Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:
    - Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ.
    Đứa khác nói:
    - Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.
    Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:
    - Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?
    Sơn ưỡn ngực đáp:
    - Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.
    Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:
    - Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.
    Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
    - Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc? Con bé bịu xịu nói:
    Hết áo rồi, chỉ còn cái này.
    - Sao không bảo u mày may cho?
    Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:
    - Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.
    - Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.
    Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
    Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già:
    - Mợ tôi đi đâu hở vú?
    - Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ còn đi ăn giỗ đến trưa mới về.
    Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn, hỏi:
    - Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?
    Sơn ngạc nhiên đáp:
    - Phải. Nhưng sao vú biết?
    - Con Sinh nó nói với tôi đấy Sinh là đứa em họ của Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già, nên vú ấy ghét. Nó lại còn bảo hễ mợ về nó sẽ sang mách với mợ cho cậu phải đòn.
    Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van:
    - Thế bây giờ làm thế nào, hở Vú? Mợ tôi biết thì chết.
    - Ai bảo cậu dại dột đem cho áo nó? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì.
    Sơn vội vàng ra chợ tìm cái Hiên nhưng không thấy con bé ở đó. Đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Gần đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo. Lan trách em:
    - Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ me mắng chết không.
    - Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu.
    Chị Lan đấu dịu:
    - Thôi, bây giờ phải về nhà vậy chứ biết làm thế nào.
    - Nhưng mà em sợ lắm.
    Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi:
    - Đằng nào cũng phải về cơ mà. May r a có lẽ me không mắng đâu.
    Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa, Sơn nghe thấy tiếng mẹ nói ở trong với tiếng một người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép bước vào, hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ.
    Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:
    - Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?
    Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị. Bác Hiên vừa cười vừa nói:
    - Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ, xin phép mợ tôi về.
    Mẹ Sơn hỏi:
    - Con Hiên không có cái áo à?
    - Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, Chẳng để dành được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi.
    Mẹ Sơn với cái âu đồng, lấy tiền đưa cho bác Hiên:
    - Đây, tôi cho mượn năm hào cầm về mà may áo cho con.
    Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo:
    - Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?


Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Mon Dec 30, 2013 2:32 am; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
thanhminh



Ngày tham gia: 18 Mar 2012
Số bài: 77

Bài gửiGửi: Mon Dec 30, 2013 1:34 am    Tiêu đề: Gửi Chị NNNg

Cám ơn Chị NNNg với truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa thật cảm động.
Mong chị sưu tầm nhiều truyện ngắn nữa
TM
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân