TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chuyện Ngắn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chuyện Ngắn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Thu Dec 12, 2013 3:59 pm    Tiêu đề: Chuyện Ngắn


Trạng Ếch & Trạng Lợn

- Võ thu Tịnh -                      



  Trong kho tàng truyện kể nước ta, có nhiều truyện về Trạng có thật, như truyện Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình), Nguyễn Hiền (13 tuổi đỗ Trạng)..., và cũng có nhiều truyện Trạng không có thật, do dân gian hư cấu bịa ra thành những nhân vật hãnh tiến điển hình, tiêu biểu cho hạng người may mắn tiến lên đến một địa vị không tương xứng với tài đức, thực lực của mình, như Trạng Ếch, Trạng Lợn, Trạng Ân, Trạng Vật, Trạng Cờ...
    Về truyện các Trạng hạnh tiến (hạnh, còn đọc là hãnh = may mắn) nầy, thì Truyện Trạng Ếch và Truyện Trạng Lợn là hai truyện dài đã được dân gian ưa thích và được phổ biến lưu truyền rộng rãi trong thời gian trước đây. Trong khuôn khổ có hạn định của bài nầy, chúng tôi không thể thuật lại đầy đủ mọi tình tiết, chỉ xin trích lược lại mà thôi.

Truyện Trạng Ếch  (1)

    "Xưa có ông quan lấy một vợ lẽ rất đẹp. Nhưng vì vợ cả ghen tuông quá, ông quan phải đưa tiền bạc cho người vợ lẽ về đi lấy chồng khác. Người vợ lẽ đi đường, gặp một anh câu ếch, hai bên thương nhau lấy làm vợ chồng.
    "Một hôm, anh câu ếch câu được một con ếch vàng rất to. Làm thịt thấy trong mình có một hòn ngọc. Cách đó ít lâu, có chiếu trong triều ban ra nói nhà vua bị đau mắt, ai có ngọc ếch đem dâng để vua nhỏ mắt, nếu khỏi vua sẽ phong làm quan. Anh câu ếch đem ngọc đến chữa khỏi, vua cho làm một chức quan nhỏ. Năm sau, có đại hạn, vua ban chiếu ai cầu được trời mưa thì phong làm trạng nguyên. Anh câu ếch quen xem chân ếch, biết trời gần mưa nên ra ứng chiếu tình nguyện đứng ra cầu đảo. Sáng làm lễ cầu đảo, thì quả nhiên chiều mưa to và mưa rất nhiều.
    "Vua và triều đình thấy tướng anh câu ếch xấu xí không đáng làm quan trạng, nhưng trót đã ban chiếu ra, bất đắc dĩ phải giữ lời, dân gian gọi diễu là "Trạng Ếch".
    "Vua thấy Trạng tài giỏi nên sai đi sứ sang Tàu. Anh không biết đi sứ là thế nào, song có lệnh vua thì phải tuân. Khi sang đến Tàu, gặp ba ông sứ nước khác cùng đến. Vua Tàu đãi tiệc chung cả bốn ông sứ. Trên bàn có bốn chiếc bánh, ba ông sứ kia chưa kịp ăn, thì Trạng Ếch đã vội xơi hết cả bốn. Viên quan Tàu ngồi tiếp khách, giơ ra bốn ngón tay. Ba viên sứ kia không hiểu ra sao cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan Tàu chê mình ăn ít, chỉ có bốn chiếc bánh thôi, nên đưa cả hai bàn tay lên, xòe ra tám ngón, ý nói: "Tám chiếc bánh, ta đây ăn cũng hết ".
    "Một chốc lại thấy viên quan Tàu lùa một ngón tay vào giữa bụng. Ba viên sứ kia cũng chẳng hiểu gì cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan ấy chế mình ăn nứt bụng ra, liền sè bàn tay ra mà vỗ vào bụng, có ý bảo: "Bánh ăn nhỏ bằng lòng bàn tay, có gì mà nứt bụng".
    "Yến tiệc xong, Trạng Ếch thấy viên quan Tàu kính phục mình hơn trước rất nhiều, rồi tâu lên vua Tàu. Vua Tàu cho vời đến phong cho làm "Lưỡng quốc trạng nguyên", và ban cho bao nhiêu vàng bạc, gấm vóc về nước. Khi về đến nước nhà, vua quan đều phải trọng vọng, không ai dám khinh nhờn gọi là "Trạng Ếch" nữa mà cung kính gọi là "Quan Trạng hai nước".    
    "Nhưng cả nước vẫn không ai hiểu tại sao chỉ vì ăn bánh, giơ ngón tay, vỗ bàn tay mà khiến cho người Tàu phải tôn kính đến như thế.  Mãi về sau mới có người Tàu diễn ra rằng: "Viên quan Tàu giơ bốn ngón tay là ra vế đối: "Tứ di lai tân" (Bốn rợ khách đến), mà Trạng An Nam giơ tám ngón tay là để đối lại: "Bát man tiến cống" (Tám man dâng cống ). (2)
    " Còn khi viên quan Tàu lùa một ngón tay vào bụng là ra vế đối: "Hung trung binh giáp" (Binh giáp ở trong bụng), mà Trạng An Nam vỗ tay, là đối lại: "Chưởng thượng kinh luân" (Kinh luân ở bàn tay)".

Truyện Trạng Lợn (3)
   
    "Trạng Lợn vốn con một nhà chuyên nghề mổ heo bán. Học dốt mà lại lười biếng, nhưng vẫn tự phụ mình có tài như một "trạng nguyên", nên nhất định đi thi để lấy giải "trạng nguyên".
    "Giọc đường làm quen với hai thí sinh khác. Một hôm, cả ba vào trọ ở một quán kia, nửa đêm Trạng giật mình thức dậy quen miệng như ở nhà, thét to lên: " Bắt trói nó lại, đem chọc tiết". Tên trộm đang nằm rình dưới gậm giường, tưởng bị lộ, vội vàng chui ra, van lạy mãi Trạng mới tha cho. Hành lý của hai người kia không suy suyển gì, nên hết lời cảm tạ Trạng và xin kết thân với nhau, hễ Trạng trọ quán nào thì hai người cùng trọ ở đấy.
    "Một hôm đi vào một làng tìm chỗ trọ, đi qua cửa đình, chợt Trạng thấy bia đề hai chữ "Hạ mã" nghĩa là đi qua trước đình phải xuống ngựa (giữ lễ phép). Trạng vốn học dốt, đọc chữ nầy ra chữ khác, đọc hai chữ "hạ mã" ra "bất yên" (vì các chữ ấy viết gần giống nhau), liền bảo hai bạn:
    - Đi tìm chỗ khác trọ, chỗ nầy bất yên. Chớ trọ lại mà khốn.
    "Hai người kia tưởng Trạng có tài biết trước, nên nghe theo. Quả nhiên vừa ra khỏi làng thì làng phát hỏa, nhà cửa hóa ra tro cả.
    "Trên đường đi, Trạng gặp tiên ông Chử Đồng Tử hóa dạng làm thầy bói, Trạng xin theo học. Thầy bảo Trạng cõng thầy về kinh, thầy truyền nghề cho. Trạng muốn học quá nên ra sức cõng thầy chạy một mạch đến nơi.  Thầy khen Trạng cõng giỏi, nên truyền nghề bói toán cho, rồi dặn rằng đến ngày tháng đó đến kinh thành thấy người nào mặc áo xanh từ cửa đông đi ra thì xông tới cõng chạy cho nhanh, đó là cơ hội làm nên sự nghiệp, danh phận.
    "Đến kinh đô, chưa đến ngày thi, Trạng mở hàng xem bói. Các thí sinh đến bói, Trạng bói xong, bảo khoa nầy sẽ hoãn vì nhà vua thánh thể bất an. Quả thật kỳ thi khóa ấy bị hoãn. Trạng được nổi danh bói giỏi, tiếng đồn loan truyền khắp nơi.
    "Trong cung, công chúa bị mất trộm chuổi ngọc rất quí, vua triệu Trạng vào truyền cho Trạng bói xem ai lấy. Trạng bói không ra, lo sợ, buồn rầu than thở một mình:?"Rõ thực quýt làm cam chịu!"
    "Không ngờ có một tên lính hầu nghe được, chạy lại quì trước mặt Trạng mà thú tội rằng nó tên là Cam cùng tên lính khác tên là Quýt đồng mưu ăn trộm chuổi ngọc, nay xin chỉ chỗ dấu tang vật để quan Trạng tha mạng cho. Trạng tâu lên vua, chỉ chỗ tìm lại được chuổi ngọc của công chúa, được vua ban thưởng.
     "Đúng ngày tháng tiên ông đã dặn, Trạng Lợn đến đợi ở cửa đông kinh thành. Có người mặc áo xanh bước ra, Trạng Lợn xông lại cõng chạy thoát. Người được cõng là Hoàng Đệ, em trai vua, kinh thành bị loạn, vua anh bị giết, Hoàng Đệ chạy trốn, được Trạng đến cứu.
    "Khi trở về triều, Hoàng Đệ lên ngôi, phong chức gì Trạng cũng không nhận, chỉ xin vua ban cho hai chữ "trạng nguyên" , và ông bà, cha mẹ làm nghề mổ lợn, nên gọi là "Trạng Lợn".
    "Về sau, vua sai Trạng Lợn đi sứ sang Tàu.  Vua Tàu đãi tiệc Trạng và các sứ nước khác. Dọn ra một cỗ xôi nặn hình con lợn, bên trong toàn là trân cam, mỹ vị. Trạng tưởng lầm là lợn thật, cầm dao cắt ngay cái thủ trước, rồi rạch ra làm đôi, lại phanh  làm tư, lật ra thấy bên trong có nhiều thức mùi vị thơm ngon lạ lùng. Quan Tàu khen sứ An Nam ăn như thế mới thực là phải phép. Rõ ràng là: "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng". (4)
    "Một hôm vua Tàu hội các sứ ngoại quốc lại Ngự Uyển, xem hoa, giữa vườn có treo một bức ngự thư đề hai chữ "Trùng nhị" (a). Vua Tàu hỏi sứ các nước có hiểu là thế nào không? Các sứ còn đang nghĩ chưa ra, Trạng vọt miệng tâu:
    - Muôn tâu Thánh thượng! Đây thực là một cảnh "phong nguyệt vô biên".
    "Vua Tàu nghe xong, lớn tiếng khen sứ An Nam thông minh hơn cả. Nguyên Trạng Lợn khen cảnh Ngự Uyển "phong nguyệt vô biên", nghĩa là ở vườn nhà vua gió trăng tràn đầy không giới hạn (vô= không; biên= bờ, ranh giới), Nhưng vua Tàu lại nghĩ rằng Trạng đã dùng phép chiết tự, căn cứ vào chữ "phong" 風  trong ruột có chữ 虫 "trùng", chữ "nguyệt" 月 trong ruột có chữ  二  "nhị", nếu chữ "phong", chữ "nguyệt" mà không có những nét bao quanh,  chỉ còn lại hai chữ trong ruột, thì đó là chữ "Trùng" và chữ "Nhị".
    "Lúc bấy giờ kinh thành bị đại hạn, cầu đảo thế nào cũng không mưa. Vua Tàu hội sứ các nước lại, yêu cầu luân phiên đảo vũ. Trạng xem chừng trời chưa mưa được, nên nhường sứ các nước cầu trước, còn Trạng đi xem xét các thứ cây cỏ, khi thấy cỏ gà điểm lang, rễ si mới trắng, bấy giờ liền tâu vua xin lập đàn kỳ đảo. Quả nhiên vừa kỳ đảo xong thì trời mưa xuống ngay. Vua quan Tàu cùng sứ thần các nước đều thán phục. Vua Tàu ban cho Trạng Lợn chức "lưỡng quốc trạng nguyên". Trạng Lợn về nước được vua khen, dân phục, giàu sang phú quí. "
    Truyện Trạng Ếch, Trạng Lợn là những truyện cười, mà kỹ thuật hài hước chính yếu đã được xây dựng trên:

   1- Sự bất ngờ (tình cờ hai việc khác nhau cùng xảy ra trong một lúc, không đoán trước được), như Trạng Ếch nhặt được ngọc của ếch, vừa gặp lúc vua cần ngọc ếch để chửa bệnh đau mắt; Trạng Lợn nửa đêm quen miệng quát to lên, vừa lúc ấy có một tên trộm đang núp dưới giường...
    2- Sự ngộ nhận (nhận lầm về một cử chỉ, một lời nói, giữa hai đối phương), như quan Tàu trong bữa tiệc thấy Trạng Ếch dơ ngón tay, lùa bàn tay vào bụng, ngộ nhận rằng Trạng Ếch đã đối lại được những câu đối chúng đã xướng ra; quan Tàu thấy cách Trạng Lợn cắt con lợn nắn bằng bột, nghĩ lầm rằng Trạng đã cắt đúng theo Dịch lý của chúng; Trạng Lợn nói "phong nguyệt vô biên" theo nghĩa đen, vua Tàu tưởng lầm Trạng đã dùng phép chiết tự để giải thích hai chữ "Trùng nhị"...
    "Bất ngờ" và "ngộ nhận", hai thành tố căn bản của cái cười, thường có tính cách phi lý. Thế mà đem những cái "phi lý" ấy kết hợp lại với nhau theo một tuần tự "hợp lý", thì câu chuyện lại trở thành một truyện hài hước.
    Các nhà văn học Tây phương, như Théophile Gautier chẳng hạn, qua những từ ngữ có vẻ triết lý hơn, đã gọi hài hước là "luận lý của cái phi lý" (la logique de l’absurde) và Henri Bergson cho rằng: "Điều làm cho chúng ta cười là một "thực tại phi lý" được trình bày dưới hình thức cụ thể: một "phi lý cụ thể " (absurdité concrète) ". (5)
    Khác với Tây phương, ông bà chúng ta chỉ cười, không tìm đến những luận lý sâu xa hơn. Có lẽ các cụ cho rằng cái cười ở Đông phương tự nó mang cả một triết lý về sự sống của con người rồi.
    Về nội dung, Truyện Trạng Ếch, Trạng Lợn đã đưa ra những nhân vật điển hình, tiêu biểu cho hạng người hạnh tiến (hạnh : may mắn, tiến : bước tới):  không thi cử đỗ đạt gì, chỉ nhờ vận may, số đỏ mà được gọi là Trạng, được giàu sang phú quí.

    Những thành công của Trạng Ếch, Trạng Lợn đều như những trò hề trên sân khấu. Mà có ai ghét một anh hề bao giờ! Nhất là hai anh hề có thật tài như Trạng Ếch và TrạngLợn, đã chế diễu, lố lăng hóa, làm mất uy tín chế độ thi cử của một triều đình, mà vua thì ngây ngô, quan thì toàn là những kẻ nhờ gặp được thời  mà tha hồ tung hoành, khoác láo.
    Trong Truyện Trạng Lợn, đoạn hay nhất là  đoạn các Trạng đi sứ bên Tàu. Nhờ số may mà hai Trạng hóa ra đã ứng xử tài tình, làm cho việc đi sứ hóa thành một trò đùa, làm cho vua quan Tàu phải ngơ nghếch, thán phục tài trí của sứ giả An Nam, làm cho thông tuệ dân gian Việt đã chiến thắng được trí thức Tàu ngay tại sào huyệt của chúng! Quả là rất bất ngờ, rất phi lý! Nhưng khán giả xem đến đoạn nầy vẫn phá lên cười, hả hê, sảng khoái
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân