Gửi: Wed Dec 04, 2013 4:25 am Tiêu đề: LỐI VỀ KỶ NIÊM - NGỌC TỈNH
Các bạn thân mến,
xin gửi đến các bạn một bài viết mới, nửa là du ký nửa thêm tình tiết tưởng tượng cho đỡ khô khan.,hy vọng là không mất thời gian tính.
Thân,
nt
LỐI VỀ KỶ NIÊM
Ngày đầu tiên ở Sàigòn, chưa mượn được xe máy , chúng tôi đi thăm bạn bằng xe buýt . Xe buýt ở Sàigòn có màu vàng chanh phần mui ,màu xanh lá cây phần duới, xe có máy lạnh. Thường thường 10 phút mới có 1 chuyến, nhưng nhiều khi vì kẹt đường , xe chạy dồn dập tới cùng lúc làm mình có cảm tưởng xe chạy san sát giờ trên một tuyến đường , nên không phải chờ lâu. Nhiều người quen cảnh báo, đi xe buýt, coi chừng bị móc túi. Tôi nghĩ , việc này đều có thể xảy ra ở bất kỳ chỗ nào đông người, nơi có nhiều du khách . Bọn gian có cả ngàn mánh khóe làm ăn. Chuyện cướp giật xảy ra nhan nhản hằng ngày, từ giật điện thoại di động, dây chuyền , ví xách đến chặn xe cướp tiền ,nguy hiểm đến tính mạng. Vả lại dân đi xe buýt không phải là hạng người sang trọng nhiều tiền của , là đối tượng của dân anh chị .Tốt nhất , cứ cẩn thận ,chỉ mang theo người đủ tiền dự định tiêu, giấy tờ quan trọng để lại nhà, không yên chí khi đi đường thì cầm theo bản photocopy và trong xe buýt , kiếm được chỗ nào ngồi là tốt nhất, khỏi phải đề phòng „hậu phương“.
http://www. youtube.com/watch? v=0_91k_Ja-Pc
Hôm ấy, trời mưa, xe ít khách nên có nhiều ghế trống. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế sát ngay cửa lên xuống của xe, chỗ đó cũng là trụ sở làm việc của tiếp viên. Ngoài lúc đi thu tiền khách mới lên xe, anh tiếp viên luôn đứng ở bậc thang lên xuống, thò đầu, nghiêng mình ra khỏi cái cửa sổ xe, chỗ tôi ngồi, để xin các xe máy nhường chỗ cho xe buýt tạt vào đón khách mới hay khi có khách muốn xuống. Chồng tôi, như thường lệ, bắt chuyện với anh tiếp viên ngay. Hỏi thăm, bán được bao nhiêu vé một chuyến, ngày chạy bao nhiêu chuyến... Chú tiếp viên giơ cao tập vé xe, đã xé gần hết, chỉ còn cuống lên đếm, rồi nói, nếu bán được hết xấp này nữa là được khoảng 600 vé ngày hôm nay. Khi nghe chú tiếp viên nói tiếp, chuyến này chạy vào trong Chợ Lớn, chuyến trở ra chạy về tới Ngã Ba Vũng Tàu là nghỉ, sáng mai chuyến đầu tiên trong ngày khởi hành từ đó, lỗ tai tôi dỏng lên. Chuyến xe buýt chúng tôi đang đi, mang số 150, chạy tuyến đường Chợ Lớn - Tân Vạn. Tôi không biết Tân Vạn ở đâu, nhưng Vũng Tàu thì biết, nên vội hỏi.
- Nghĩa là từ Ngã Ba Vũng Tàu đó, có xe cho mình đi tiếp tới Vũng Tàu được?
- Dạ, nhưng không có nhiều chuyến như xe chạy trong thành phố chuyến chót nghỉ sớm hơn.
- Giá vé xe từ xa lộ Hà Nội (chỗ chúng tôi leo lên xe) đến Ngã Ba Vũng Tàu bao nhiêu?
- Cũng 6 ngàn thôi, cứ leo lên xe là 6 ngàn, đi suốt chuyến từ Chợ lớn đến đó cũng 6 ngàn.
- À há, thế giá vé xe từ Ngã Ba Vũng Tàu ra Vũng Tàu là bao nhiêu?
- Con không nắm rõ, nhưng chắc mắc hơn vì xe chạy trong thành phố được nhiều tiền phụ chi của nhà nước hơn. Nên học sinh chỉ phải trả 1 ngàn một vé.
- Thế người già trên 60 tuổi có được bớt không?
- Không, nhưng gia đình nào thuộc hộ nghèo thì không mất tiền.
Thấy biết đã khá đủ, tôi quay sang nhìn chồng, chàng cười bắt tẩy
- Muốn đi Vũng Tàu rồi Phải không?
- Hì hì, đi cho biết chứ, mình về VN lần này không chủ định đi đâu ngoài chuyện gặp bạn bè, thăm người bệnh. Vài bữa nữa họp mặt với bạn bè xong, rồi mình tính
Gần 1 tuần sau, chồng tôi ngồi đọc báo buổi sáng, thấy tôi từ phòng ngủ đi ra, chàng vui vẻ hỏi
- Em nghĩ trời hôm nay không mưa, mình đi Vũng Tàu được.
- Ăn sáng rồi đi hay sao?
- Không, muộn rồi, anh mua cho em ổ bánh mì thịt, em mang theo, ăn trong xe.
- Tui mua sẵn rồi đây bà, biết thế nào bà cũng sẽ nổi hứng bất tử, cái chân không đi là không yên.
Vừa nói, chàng vừa đi vào bếp, lúc trở ra mang theo, không phải ổ bánh mì mà cái bản đồ TP Hồ Chí Minh với các tuyến đường xe buýt thật to, trải rộng, kín cả mặt bàn. Tôi cười tươi, khen
- Anh giỏi quá!
- Cái gì anh cũng dở hết, chỉ giỏi có một cái là đã nhắm trúng em thôi.
- Lỡ phóng lao rồi phải theo lao mà còn nịnh đầm được thì giỏi thiệt, hôm nọ em nghe anh nói chuyện qua điện thoại với bạn, bạn anh nói gì đó, em chỉ nghe anh trả lời „ hay cái gì đâu mày, bả biết số tao mắc nợ bả kiếp này, nên thả tao đi rong, cũng không sợ mất“? hì hì, tưởng là duyên hóa ra là nợ phải không? Thôi ráng đi, nếu không kiếp sau còn phải trả thêm cả lãi nữa đó.
Hóa ra sau hôm đi xe buýt, chàng đã âm thầm đi mua bản đồ chuẩn bị sẵn sàng, chờ vợ hô là lên đường. Nhưng thật ra, tôi chưa cần đến bản đồ này, sẵn có nó rồi thì có thể tôi lại nghĩ đến một địa điểm khác nữa, nhưng hôm nay tôi chỉ việc đón xe số 150, đi hướng ngược lại, nên tôi nói
- Anh muốn nghiên cứu thì tùy anh, em biết đường rồi, nên em đi sửa soạn đây, muộn rồi
- 8 giờ rưỡi rồi đó, em tính ở ngoài đó bao lâu?
- Lâu như thời gian cho phép, ra tới ngoài đó mình hỏi giờ chuyến về chót ngay, có nhiều giờ thì tốt, ít cũng chả sao.
Chồng tôi lắc đầu chịu đựng, gấp bản đồ lại, đi lấy bánh mì, nước, trái cây bỏ vào giỏ. Chúng tôi ra khỏi nhà lúc 9 giờ kém 10.
- Em biết mình lên xe chỗ nào không? tôi nhún vai
- Chắc chắn phải có trạm xe đối diện gần chỗ mình đi hôm nọ.
- Như vậy, phải băng qua đường, em có biết xe chạy ngoài xa lộ chạy nhanh như thế nào không?
- Đành vậy, không có cách khác, đợi lúc nào vắng xe thì mình phải vọt qua ngay.
Chúng tôi lên xe an toàn sau khi chồng tôi phải theo kế hoạch tôi đưa ra, vừa bám sát tôi vừa la cảnh giác
- từ từ nào, ở đây, xe nó không tránh người đâu.
Tôi định trả lời „ thì người tránh xe „ nhưng ngừng kịp, một điều nhịn là chín điều lành, vả lại, ông ấy đã chịu đi theo là quá sức rồi.
Tôi đưa chú tiếp viên 12 ngàn và nói „ tới ngả 3 vũng Tàu „với hy vọng chú ta nhắc cho biết trạm nào chúng tôi phải xuống. Giờ này, xe buýt vắng tanh, nên ngồi cạnh ông Phú chưa yên, thấy bị nắng chiếu vào mặt, tôi nhảy qua hàng ghế khác ngồi. Vừa gặm bánh mì, vừa ngắm dòng xe cộ chung quanh, xe có máy lạnh nên thật thoải mái, nếu có thời gian, thì đó là một phương tiên giao thông ngon lành. Rẻ, chạy cũng không chậm hơn xe máy bao nhiêu, có thể ăn uống hay đọc sách trong xe, khô người lúc trời mưa, mát mẻ khi trời nóng, không phải đội mũ bảo hiểm, không phải đeo khẩu trang tránh bụi bặm, và mang các phụ tùng lỉnh kỉnh khác. Có lần quan sát một cô gái trẻ chuẩn bị đồ nghề trước khi đi xe gắn máy trong lúc chồng tôi lấy xe ở bãi đậu ra, tôi có cảm tưởng cô ấy sửa soạn đi thám hiểm bắc cực hay sa mạc. Đầu tiên cô đeo cái khẩu trang bằng giấy, loại dùng 1 lần rồi vứt, cái khẩu trang thứ nhì bằng vải, cái thứ ba cũng bằng vải nhưng dày hơn, và dài ra tới mang tai, cao đến sát mi mắt. tiếp theo là cái kính đen thật to, đè lên lớp khẩu trang. Cô giở nệm xe lên, lôi trong thùng xe cái mũ bảo hiểm ra, đội lên đầu, rồi mặc cái áo khoác bằng vải dày, kéo dây kéo lên kín cổ. Cuối cùng, cột thêm cái váy chống nắng để che cặp đùi ẫn dấu dưới lớp quần đen bóng, khi ngồi lên xe, ống quần co lên, để lộ bàn chân đã được bọc kín trong lớp vớ dày màu da người. Theo dõi cô ta xong, sẵn trời đang nóng, cổ tôi ướt đẫm mồ hôi, cái áo ngắn tay tôi đang mặc như vừa lấy từ máy giặt ra. Như vậy, lúc đi đường, người quen có gặp cô cũng chẳng nhận ra. Hèn gì, Sài gòn bây giờ nhan nhản những phòng, tắm trắng, có chỗ treo bản quảng cáo „ tắm trắng, bảo đảm có hiệu quả ngay lần đầu „Đó cũng là điểm khác biệt giữa tây và ta., tây tắm nắng, ta tắm trắng, tây thích đen, ta thích trắng, mặc dù, tối lửa tắt đèn, trắng cũng như đen. Nhưng cũng có thể vì tôi không phải vật lộn với xe buýt mỗi ngày nên có cái nhìn độ lượng với xe buýt như vậy.
. Con đường chính này lúc nào cũng dày đặc xe. Nhà cửa hai bên đường san sát, không còn nhận ra quãng nào, ngày xưa là làng đại học Thủ Đức, cả nhà máy xi măng Hà Tiên với 2 cái phễu khổng lồ cũng đã biến mất. Tới ngã tư Thủ Đức, xe chạy trên cầu vượt, tôi nhìn xuống phía dưới, đường vào quân trường Thủ Đức ngày xưa trông hiu quạnh bây giờ tấp nập người, xe, hai dãy phố cao ngất.. Hình như vì có nhiều công trình xây cất nên dọc đường tòan là những bãi đậu cho thuê xe cần cẩu, một màu vàng đầy sức sống, chen lẫn với màu đen xỉ của những đống vỏ xe hơi cũ chất thành núi.
DSCF1071. JPG
DSCF1077. JPG
DSCF1074. JPG
Tôi tò mò ngắm một cái xe hở mui, bên thành xe có hàng chữ, „ vá vỏ“ trên xe là một cái máy to lớn,, chắc là máy vá bánh xe. Tôi mỉm cười thú vị, khi nghĩ đến câu „ở bầu thì tròn ở ống thì dài „ở tây, có những club xe hơi, khi xe gặp vấn đề dọc đường, gọi họ tới, nếu không giải quyết tại chỗ được, họ chở xe mình về hãng sửa chữa, nếu bánh xe xẹp lốp thì phải thay bánh sơ cua vào, chứ làm gì có chuyện vá vỏ. Xe chạy qua, khu du lịch Suối Tiên, khu công nghệ mới, khu nghỉ giải lao Mekong Rest stop, cửa hàng Vinamilk với tượng con bò vá đốm đen đứng trước. Càng xa thành phố, số khách lên xuống xe càng ít, Cuối cùng xe quẹo phải, đi vào con đường nhỏ. Gặp 1 xe đò con có hàng chữ Vũng Tàu chạy ngược lại, chỉ có 6 người khách trong xe, tôi cuống lên, định nhờ chú tiếp viên ngoắc xe đò lại, rồi ngừng xe cho tôi xuống, để leo lên đi cho kịp, nhỡ phải đợi chuyến xe kế tiếp mất nhiều thì giờ quý báu. Nhưng thấy chồng nhìn, tôi chột dạ, sáng nay đã nói ngon lành, lâu mau gì cũng được, đi chơi chứ có phải đi họp, hay có hẹn với bác sĩ đâu mà cần đúng giờ (ngày xưa, tôi đã bị bác sĩ Lương Phán Nguyễn thị Lợi mắng cho một trận vì thất hẹn, „ hẹn với tình nhân thì bỏ được, hẹn với bác sĩ thì phải đúng giờ, nhớ chưa? “), với lại đàng nào, tôi cũng muốn biết bến xe nằm ở đâu mà, nên ngồi im re. Xe chạy vòng vòng một lúc rồi vào bến. Nhìn một dãy xe có số 14, tôi hỏi chú tiếp viên, đó có phải là xe đi Vũng Tàu không. Chú gật đầu nói
- Đi theo mấy người kia đi.
Hóa ra những hành khách trong xe cũng là dân muốn đi Vũng Tàu như tôi. Tôi mừng thầm, hổi nãy đã không làm trò cười cho mọi người lúc muốn xe buýt ngừng lại giữa đường. Xe buýt này thuộc loại 16 chỗ ngồi, số hành khách vừa lên cũng khá đầy nên xe chạy ngay, tôi lại cười thầm cho cái tính lo hão của mình. Tôi nhìn đồng hồ 10 h 30. Cô tiếp viên trẻ, xinh xắn trong cái áo cánh trắng khá mỏng, và cái mũ vải rộng vành, không hiểu để làm tăng thêm phần duyên dáng hay để chống nắng, nhưng khi nhìn chân cô đi vớ dày thì có lẽ là một công đôi việc. Giá vé xe là 20 ngàn đồng. Xe chạy tốc độ nhanh hơn xe trước. Nhà cửa vẫn san sát. Đấy cũng là điểm khác biệt giữa tây và ta. Ở tây, ra khỏi thành phố là đường trống, là màu xanh của những khu rừng hay đồng cỏ. Ở đây, tất cả dồn ra mặt đường, toà hành chính, nhà ở, nhà trường, nhà thờ, đình chùa, tiệm ăn, cửa hàng buôn bán, chợ búa đều nằm trên quốc lộ, đúng là sinh lộ. Thiếu bóng màu xanh, không biết mỗi quận hạt sâu vào vào bao nhiêu., có phải phía đàng sau kia là rừng cao su? Xe chạy được khoảng 1 tiếng thì ngừng lại. Cô tiếp viên nói to
- Ai đi Vũng Tàu xuống đây đi nghe.
Tôi ngơ ngác nhìn, hóa ra không phải xe chạy suốt. Vừa bước xuống xe, hành khách đã được chú tiếp viên khác đứng đón, đưa lên ngay xe buýt đậu gần đó, và xe khởi hành liền. Tôi hỏi chồng, còn giữ vé xe lúc nãy không, vì không chừng vé có gía trị cho tới bến xe Vũng Tàu, nhưng chàng lắc đầu, nói chắc vé bay mất lúc ngồi ngủ gật rồi. Mỗi người mất thêm 20 ngàn. Thấy xe buýt chạy cà rịch cà tàng, mỗi lần ngừng đón khách xong, như hết hơi, chạy không nổi, tôi hỏi chú tiếp viên, còn bao lâu nữa xe tới Vũng Tàu, chú đáp „khoảng tiếng rưỡi nữa „.
Chồng tôi quay qua bắt chuyện với bà khách ngồi ghế trước. nghe tôi hỏi về thời gian xe chạy, đoán ý tôi sốt ruột, bà khách nói.
- Xe đò chạy nhanh hơn, từ Thành Phố ra mất 3 tiếng thôi, nên giá vé đắt hơn, 95 ngàn một lượt, xe chạy nhanh, hãi lắm, tôi không dám đi. Còn nếu muốn nhanh hơn nữa thì đi tàu cao tốc chỉ mất tiếng rưỡi, 2 tiếng là tới, giá vé 200 ngàn.
- Bác có biết, mấy giờ là chuyến tàu chót không? tôi vội hỏi
- Hình như 4 giờ chiều.
Tôi nhìn chồng dọ ý, chàng nói nhỏ
- Dạo này tàu cao tốc có nhiều vấn đề lắm, mới tháng trước, báo đăng có tai nạn chết người đó.
Bà khách chắc cũng nghe thấy, nên nói tiếp chuyện đi xe đò, còn gọi là xe khách.
- Nếu đi xe Phương Trang thì họ chạy thẳng không ngừng ở dọc đường, xe Hoa Mai đón khách dọc đường, mình có thể gọi điện thoại cho họ đến nhà đón.
Yên tâm với chuyến về rồi, tôi quay ra ngắm cảnh. Nhà cửa đã thưa thớt, thỉnh thoảng là rừng cao su, nhưng không thể gọi là đồn điền như ngày xưa.
Đã 12 giờ trưa, cũng là giờ tan trường, xe ngừng lại đón mấy cậu học trò nhỏ, mặc đồng phục quần xanh dương, áo sơ mi trắng, ồn ào leo lên xe, ngồi vào hàng ghế sau lưng tôi. Chắc là học sinh lớp 7, vì nghe các cháu than, bài kiểm hôm nay khó, hồi ở lớp 6 bài dễ ẹt. Sau khi hỏi thăm nhau có làm bài được không, các cháu bàn qua chuyên xe hơi, giọng sôi nổi hào hứng, khác hẳn lúc nói về bài vở. Có cháu nổ to
- Ông chú tao mới mua cái Lamborghini.
- Wầu, chú mày là đại gia hả? nhưng có tiếng khác xen vào liền
- Xì, sắm về chỉ để đó ngắm thì nói làm chi, ngon gì đâu!
- Sao không mày? cũng có đẳng cấp chứ bộ.
Tôi tủm tỉm cười, nghĩ thầm, bây giờ chỉ mới siêu xe, mai mốt thêm siêu mẫu nữa, sẽ tranh cãi sôi nổi tới đâu.
Xe chạy vào chợ Bà Rịa, ngừng lại khá lâu chờ khách. Từ Bà Rịa trở đi, đường xá mở rộng, màu xanh bát ngát với những ruộng nưóc, cây bần. Khu hành chính ở phiá tay trái với những công trình nhà mới xây thật to, nhưng hình như còn trống, chưa hoạt động, hoặc xây để trấn oai? Nhưng chẳng được bao lâu thì cảnh nhộn nhịp lại bắt đầu, vì xe đang trên đường vào thị xã Vũng Tàu, nhà cửa lại san sát. Hàng quán lại nối nhau. Tôi thắc măc khi đọc một bảng quảng cáo dựng bên đường, có hàng chữ trên là” cà phê, giải khát, ” hàng chữ dưới là, cạo gió”, uống cà phê xong rồi được cạo gió hay sao?. Như vậy, mai mốt chồng xin đi uống cà phê với bạn cũng đâm nghi ngờ.
Xe chạy ngang qua trường Thiếu Sinh Quân cũ, tôi nghĩ đến người anh họ, ngày xưa làm việc ở đấy. Trước 75, tôi được ra Vũng Tàu nhiều lần, vì thị xã này tương đối gần Sàigòn. Lần đầu tiên lúc còn rât bé, vào một dịp hè. Tôi ở nhà ông anh họ, lớn hơn tôi đến 20 tuổi. Mắt anh ấy bị lác. Bữa cơm tối hôm ấy có rau muống luộc, thịt kho và trứng tráng. Gắp món náo cũng thấy đôi mắt anh nhìn theo, sợ bị nghĩ là tham ăn, tôi đành cắm cúi gắp rau vào bát. Như hiểu ý, anh nói, em cứ ăn tự nhiên đi, rồi kể chuyện, hôm nọ anh đi làm về, trên đường về, có một cô gái đi xe đạp ở phía trong, anh đạp xe song song phía ngoài, gần tới ngã ba, cô gái nghĩ anh muốn quẹo phải, vì mắt anh lác mà cô ấy không biết, nên đạp chậm lại, có ý nhường cho anh quẹo. Thấy anh vẫn đạp thẳng, cô ta phóng nhanh, qua mặt anh, quay lại nhìn rồi mắng vốn: “đồ mắt lé mà còn làm le”. Tôi cười sặc sụa, không dám hỏi là chuyện thật hay anh bịa, vì thú thật, tôi luôn hoang mang lúc đứng trước mặt anh. Anh có đang nhìn tôi hay không?
Lần cuối cùng, tôi ra Vũng Tàu là năm 2002, nên dĩ nhiên, bây giờ phải có nhiều thay đổi.
Chú tiếp viên hỏi chúng tôi muốn xuống xe ở Bãi Sau hay bến xe, lúc đó chỉ còn 2 đứa tôi ngồi trên xe. Tôi bàn với chồng, nên xuống xe ở bến để biết chuyến về cho chắc bụng. Xe ngừng ở bến lúc 1 giờ trưa, như vậy là 4 tiếng đồng hồ ngồi trên xe. Sau khi lấy số điện thoại của xe Hoa Mai chạy về bến Thành (còn có xe Hoa Mai chạy về bến xe miền Đông, xe này chạy tới Tam Hiệp, thì queo vào hướng Biên Hoà, bọc vòng đai xa lộ Đại Hàn, chạy qua cầu Bình Triệu, vào bến xe Miền Đông)) và đã biết chuyến xe chót là 5 giờ chiều, chúng tôi đến một quán cơm ở gần bến xe ăn trưa. Tôi hỏi bà chủ quán, có biết chỗ nào cho thuê xe gắn máy không. Bà ấy bảo, nói nhân viên khách sạn thuê dùm, 150 ngàn 1 ngày,. họ chỉ cho những ngưòi ở khách sạn thuê vì khách sạn giữ chứng minh nhân dân của người mướn nên họ không sợ bị mất xe. Chúng tôi đành gọi Taxi chạy ra Bãi Dâu. Cầm 180 ngàn trong tay, chú tài xế Taxi hỏi chúng tôi ở lại đây bao lâu, tôi nói khoảng 1 tiêng đến tiếng rưỡi, chú nói, như vậy chú sẽ ngồi đây chờ.
Bước xuống xe, chồng tôi bảo
- Nếu biết em muốn đi Vũng Tàu thật sự thì anh đã thuê xe bao đi cả ngày, vừa nhanh, vừa đỡ mệt, em muốn ở lại bao lâu cũng đươc, không phải vội vã và muốn đi đến đâu cũng được.
- ừ, sáng nay ngủ dậy thấy trời đẹp nên nổi hứng bất tử, chứ đã nghĩ đến chuyện thuê xe thì phải rủ bạn đi cùng cho bõ chứ. Nhưng không sao, coi như có thêm cảm giác mới vây.
Tôi nhìn cảnh vật chung quanh, tất cả đã thay đổi, mới và vĩ đại hơn xưa, bãi đậu xe rộng lớn, những hàng rào cản, con đường trải nhựa rộng rãi, những bậc thang bằng đá dẫn lên ngôi thánh đường ở lưng chừng núi phía bên tay phải và tận trên cao, phía tay trái là tượng Đức Mẹ đứng bồng Chúa màu trắng. Chúng tôi bước vào nhà thờ, giờ này, chỉ có một sơ đang qùy cầu nguyện, không gian vắng lặng yên bình. Đọc kinh xong chúng tôi ra khu vườn bên cạnh, có lối đi lên tượng Đức Mẹ đứng trên cao. Tôi nhờ chồng chụp cho vài tấm hình, yêu cầu chồng ráng chụp sao cho tấm hình có cả mặt tôi và tượng đức Mẹ ở trên cao. Đang tạo dáng làm điệu thì có hai ông khách viếng cảnh nhà thờ, cũng độ tuổi chúng tôi đi ngang, ngừng lại theo dõi khá lâu, tôi gật đầu chào, định nhờ họ chụp cho 2 vợ chồng 1 tấm, họ vội bỏ đi ngay, làm như đang coi trộm bị bắt quả tang. Đành làm kẻ cô đơn vậy.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên ghế đá, dưới tàng cây che nắng ngắm biển rộng trước mắt. Thật tuyệt vời, trời trong, không mây nhưng nắng cũng không gắt, gió vờn trên má trên tóc, có mùi thơm của biển và vị mằn mặn. Xa xa thấp thoáng vài bóng thuyền con lẫn tàu lớn. Tôi nghĩ ngay đến bài hát mình rất thích
http://www. nhaccuatui.com/bai-hat/thuyen-va-bien-bao-yen. 4ac5tGXz69. html
Vừa hát nho nhỏ, tôi vừa nhìn xuống căn nhà tiếp tân to lớn ở phía dưới kia, chỗ cổng vào, cách đây mấy chục năm, chỗ đó chỉ là căn nhà gỗ, là cái quán nhỏ bên đường, lòng tôi bồi hồi.
Năm ấy, nàng tròn 18, vừa thi xong cuối năm thứ nhất. Mẹ cũng vừa bị mổ xong, còn yếu nên bố đưa mẹ ra Vũng Tàu dưỡng bệnh, bảo nàng đi theo cho mẹ vui hơn là để săn sóc mẹ. Nàng cũng chẳng thắc mắc, vì sao lại trọ tại cái quán nhỏ ở Bãi Dâu, quán vừa bán tạp hoá vừa cà phê, chứ không phải là nhà trọ. Có lẽ, bố nàng đã nhờ cha xứ nói với bà chủ quán nhường cho mẹ con nàng một căn phòng nhỏ ở đó để tiện đi nhà thờ, vừa nghỉ mát vì cái bãi tắm nhỏ xiú ở ngay trước mặt quán, chỉ cần băng qua con đường nhỏ, leo xuống vài bước là chạm bãi cát trắng, bãi rất vắng, hầu như không có bóng du khách. Đêm đầu tiên nàng ngủ không ngon, phần vì lạ giường, phần vì “ầm ầm tiếng sóng xa đưa”, nàng lấy tay, lấy gối bịt lỗ tai mà vẫn nghe tiếng động của sóng vỗ vào bờ đá, nàng cằn nhằn, có thơ mộng gì đâu mà sóng biển được ca tụng trong văn chương, âm nhạc qúa thế. Sáng hôm sau, xem lễ ở ngôi nhà thờ nhỏ về, ăn sáng xong, bố nói là bố phải quay về Sàigon đi làm, nhưng trước tiên, sẽ chở mẹ con nàng đi một vòng thành phố đã. Xe chạy dọc theo đường biển, ngang qua Bãi trước, ra Bãi Sau, vào phố, qua chợ, vòng trở lại bãi trước, rồi chạy về nhà trọ.
Ăn cơm trưa xong, mẹ đi nằm nghỉ, nàng định lấy quyển truyện mang theo ra đọc thì có tiếng gõ cửa. Cô con gái bà chủ quán nhìn nàng cười ranh mãnh, nói có người muốn gặp. Nàng ngạc nhiên hết sức, ai muốn gặp mình ở ngoài này cơ chứ, chỉ người trong nhà biết nàng ra đây với mẹ, mong đừng có tin gì kinh khủng Đang đi theo cô chủ quán, nàng khựng lại khi nhìn thấy anh ấy. Anh ấy ngồi quay lưng lại, đang nhìn ra biển. Nàng đi vòng, ngồi xuống cái ghế đối diện hỏi
- Anh Hiền, sao anh biết em ở đây? Nàng hỏi mà mặt không vui, nhưng anh ấy cười rạng rỡ
- Sáng qua, tôi đến nhà em, chị Lan nói em đã theo mẹ đi Vũng tàu. Buổi chiều, hết giờ thực tập, tôi phóng Honda ra đây, đêm nằm ngủ ở Bãi Trước, sáng nay, chưa biết đi kiếm em ở đâu thì may quá thấy xe nhà em chạy ngang qua, tôi vội phóng xe đuổi theo. Biết chỗ rồi, tôi ra phố, ăn uống qua loa, sửa soạn đến đây.
Thực tình nàng cảm thấy bối rối hơn là cảm động. Nàng không muốn tình cảm của anh ấy dành cho nàng sâu đậm thêm. Mấy năm trước, gia đình nàng dọn đến cư xá, anh ấy và nàng là hàng xóm, ở trong hai dãy nhà đối diện nhau. Nhưng từ khi gia đình nàng dọn nhà qua dãy khác, anh ấy năng đến chơi thì nàng hiểu đó không phải là tình hàng xóm hay tình anh em nữa. Thuở đó, mới lớn lên nên còn nhiều mộng mơ, nàng mong chờ một cuộc tình lãng mạn như trong tiểu thuyết, có coup de foudre, tim đập nhanh, có cảm giác bươm bướm bay trong bụng khi gặp, hoặc nghĩ đến chàng. Anh ấy học giỏi, hiền lành tử tế nhưng không phải là người nàng chờ đợi, tuy nhiên hôm nay anh ấy đã đi xa như vậy, ít ra phải lịch sự một chút, nên nàng đành gượng vui nói chuyện. Nàng định hỏi thăm, đêm qua nằm ở Bãi Trước, anh ấy có ngủ được không, có thấy khó chịu vì tiếng sóng như nàng không, nhưng sợ anh ấy hiểu nhầm là nàng xót xa cho anh ấy nên kể chuyện mẹ mình bị mổ. Lúc đầu định mổ ở nhà thương Grall, nằm chờ khám, làm các thử nghiệm cho cuộc giải phẫu xong xuôi, sắp đến ngày mổ, thì trong vòng có 3 ngày, mà 4 bệnh nhân bi chết sau cuộc giải phẫu nên ông chú nàng, cũng là bác sĩ, khuyên bố nàng kiếm nhà thương khác, vì đó là Serie noire, nên tránh đi. Thế là sau đó mẹ được mổ ở nhà thương Saint Paul. Đây là lần đầu tiên nàng ngủ tại Bãi Dâu, những lần trước nàng ở nhà họ hàng hay đi với hội đoàn của nhà thờ hoặc với nhóm hướng đạo sinh thì cắm trại trong khuôn viên chủng viện ở ngay Bãi Trước. Sau những câu chuyện bâng quơ, anh ấy hỏi, tại sao nàng không học y, có lẽ anh ấy nghĩ, nếu nàng học y, hai người sẽ có nhiều dịp gặp nhau hơn. Nàng trả lời, thật ra nàng thích học Lâm, nhưng không được phép thi vào Nông Lâm Súc vì thiếu tuổi, nên phải thi vào y, dược. Hôm thi y, đang làm bài thì sinh viên biểu tình, xé bài. Đã học Dược được hơn 1 tháng, thì mấy đứa bạn cùng lớp ở trung học rủ đi thi y lại, biết đâu được học chung với nhau, nàng mê bạn nên nghe ngay, nhưng vẫn chỉ mình nàng may mắn thi đậu. Bố muốn nàng học y, mẹ lại bảo con gái học dược đúng hơn, mai mốt cho thuê bằng, ở nhà nuôi con, ở nhà mát ăn bát vàng, nàng hỏi ý kiến thày dạy, thày phán, cô khỏe mạnh, học y được. Nàng đổi ý như chong chóng, lúc nghe lời mẹ, lúc vâng lời bố, nên mặt sau bản chứng chỉ tú tài 2, chi chít những con dấu của hai trường đại học với ghi chú „đã rút hồ sơ“ hay „nhận hồ sơ“. Cuối cùng, nàng đã khóc lóc, nhờ Thày xin dùm cho nàng được học dược lại. Đúng là tự nhiên mang việc vào thân. Nàng nghĩ, học y ít nhất phải mất 7 năm, dược 5 năm, nếu ra trường sớm, nàng cho thuê bằng, nếu chưa ở nhà nuôi con thì cũng có tiền để đi học cái khác... Nàng thao thao kể, quên là lúc đầu đã chả muốn mở miệng. Nàng kể chuyện, lúc còn nhỏ, khi về nghỉ hè ở Liên Khương, thường hay vào làng người Thượng chơi, đã mơ ước, lớn lên sẽ là bác sĩ, ngày ngày vào làng khám bệnh cho lũ trẻ nhỏ gầy đen, bụng ỏng, nước mũi nước dãi chảy lòng thòng.. nhưng tiếc là, lớn lên, nàng hết dễ thương, không còn lý tưởng nữa mà ích kỷ đi, nghĩ đến mình nhiều hơn. Đang say sưa nói, nàng khựng lại khi thấy anh ấy ngây người nhìn mình. Anh ấy cười ngương nghịu
- Thằng Trung nói, mắt em là mắt say.
- Nghĩa là có con mắt màu đỏ, không nhướng lên nổi của người say rượu?
- Không phải thế, người nhìn vào mắt sẽ bị say, giống như bị say thuốc lào.
Nàng định nói đùa, như anh vừa rồi ấy hả, nhưng đã kịp thời cảnh giác ngừng lại, không nên vẽ đường cho hươu chạy, nên chỉ nói
- Đúng là cha nào con nấy, bố là nhạc sĩ nên con cũng muốn là văn sĩ. Và nói tiếp, giọng dứt khoát.
- Trời hết mưa rồi, anh đi về đi, kẻo về đến Sàigòn, muộn quá.
Sau ngày đó, nàng tìm cách tránh gặp anh ấy, nàng muốn anh ấy hiểu, nàng chỉ qúy trọng anh ấy như một người anh, nhưng không biết làm cách nào để anh ấy không bị tổn thương. Nếu anh ấy là anh trai của bạn nàng, thì dễ rồi, nàng đã từng bảo bạn mình, mày về nói với anh mày, tao chỉ xem anh mày như anh, đừng đến trường đón nữa, tao sợ lắm, mọi việc có lẽ đã chấm dứt từ lâu. Nàng cũng không thể nói thẳng với anh ấy, anh đừng đến nhà em nữa, bố mẹ em không bằng lòng, vì đã có lần trốn gặp anh, tưởng là xong, nào ngờ, lúc về nhà, nghe mẹ kể lại, sáng nay con đi vắng, thằng Hiền tới đây, mẹ đã tiếp nó thay con, mẹ thấy nó hiền lành, dễ thương, mình cũng biết gia đình nhà cửa nó ở đâu, nàng đã ngắt lời, mẹ quên là ông ấy không có đạo à (điều rất quan trọng cho bố nàng). Anh ấy cũng chẳng nói gì với nàng, xem việc đến nhà nàng là chuyện tự nhiên, chỉ nói chuyện trên trời dưới đất thì làm sao nàng mở miệng được. Nàng chỉ ráng tránh gặp anh ấy theo trực giác, hoặc dựa vào những ngày anh ấy không phải đến trường, nhà thương, những ngày đó, nàng phóng xe lên khai Trí, ngồi đọc sách chùa chờ tới giờ cơm mới về. Có lần, nàng ở nhà, chỉ khoá cổng mà cửa ra vào trong nhà mở toang, nghe tiếng chuông cửa, nàng chạy ra cánh cửa sổ khép hờ ở trên lầu nhìn xuống, thấy anh ấy, nàng cuống lên, làm sao đây, cửa mở rộng tức là trong nhà phải có người, lại có tiếng chuông reo, nàng vội mặc áo dài vào rồi chạy ra mở cổng, anh ấy có vẻ sốt ruột
- A, anh Hiền!
- Em sắp đi đâu ư?
- Vâng, sắp thi nên em phải tới nhà bạn học chung, nó có Microscope.
Nàng nói dối ngon ơ, anh ấy có vẻ thất vọng. Chắc bây giờ thì anh ấy nhớ ra, cũng chỉ là một chữ DUYÊN, nhưng lúc có lúc không
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Đợi anh ấy đi khỏi, nàng khép cổng, đóng cửa, thay áo dài ra, tự khen mình nhanh trí. Từ đó, cửa nhà luôn được đóng kín ngay cả lúc nàng không đi đâu.
Nếu chẳng đặng đừng, phải nói chuyện với anh ấy, nàng kể chuyện, đi coi bói với bạn, sư cô bảo nàng không nên lấy người tuổi gà. Hoặc nàng nói, nàng không thích dân học y khoa, tự tôn tự đại, nhất là từ lần nàng chứng kiến một cảnh tượng dễ ghét. Hôm đó, nàng đi phố, lúc về, ra tới chỗ gửi xe thì trời mưa to, trong lúc đứng trú mưa, thấy một xe hơi đậu lại, trên kính xe có dán hình con rắn quấn ly rượu thuốc. Cô giúp việc trong nhà cầm dù chạy ra, không phải để che mưa cho bà chủ vừa mở cửa, bế đứa con nhỏ ra khỏi xe, mà chạy vòng qua phía bên kia, mở cửa xe, che dù cho ông chủ đi vào nhà., mặc kệ bà vợ ôm con nặng nhọc chạy lúp xúp phía trước. Với vợ con mà còn không thương xót thì nói gì đến chuyện giúp đỡ, thương được người dưng. Mặc cho nàng nói bóng nói gió, đến chơi vẫn là việc của anh ấy. Một hôm, anh ấy đến nhà đúng lúc nàng đang loay hoay với cái chân của thằng em kế. Nó mua 1 đôi giày mới, loại da luộc sần sùi. Đi được vài ngày thì bị lở gót, thế là từ hôm đó, anh ấy đến nhà săn sóc cái chân cho đến khi lành lặn. Nàng khổ sở hết sức, nàng không muốn bị mang ơn. Nàng nghĩ đến chuyện cô Mai, trong truyện Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sĩ. Cô lấy chồng chỉ vì mang ơn người ấy chứ không hề yêu thương, cô làm bài thơ
Cán Mai gốc mít cho cam
Ở đời luống những miên man nợ nần
Có người nợ cả bản thân
Nợ xa vũ trụ nợ gần thê noa
Có người nợ gánh hàng hoa...
Nàng không muốn bị mắc nợ, nhất là nợ tình cảm với ai hết. Đi chơi với bạn học cùng lớp, không bao giờ nàng nghĩ là đàn ông phải trả tiền, họ trả lần này thì nàng kiếm cách trả lần khác, muốn họ xem mình như họ, một camerade. Cũng may, sau 1 tuần, cái chân khỏi hẳn. Hai chị em còn tiếc đôi giày mới, không quẳng đi mà bỏ vào nồi nấu sôi lên, nghĩ là tẩy trùng được. Cái nồi không đủ lớn, hai chị em phải gắng sức bóp đôi giày cong lại cho lọt gọn trong nồi. Lúc vớt ra, đôi giày cong queo, không kéo thẳng ra được nữa. Nàng đã phá lên cười, rồi triết lý vụn, hãy nghe lờI dạy của Nguyễn Hiến Lê “ quẳng gánh lo đi mà sống“, chuyện gì không thay đổi được thì cho nó qua luôn đi, đừng rầu rĩ, lo lắng.
Hè năm 71, nàng theo chị bế cháu đi Đà Lạt sau khi thi xong. Vừa chui vào xe lam ở gần khu Hoà Bình thì có tiếng gọi, hóa ra là anh ấy. Xe phải chạy ngay nên nàng chỉ kịp cho biết địa chỉ khách sạn. Buổi tối anh ấy đến thăm, cho biết là hôm kia tới nhà nàng, mẹ nàng đã cho biết tự sự, nên hôm qua đã lên đây, sáng nay tha thẩn ngoài phố tìm nàng thì may quá... rồi lịch sự xin phép bà chị nàng, được mời nàng chiều mai đi uống cà phê. Thế thì còn chối từ, chối thế nào được.
Gửi: Wed Dec 04, 2013 4:45 am Tiêu đề: LỐI VỀ KỶ NIÊM (Tiếp Theo)
LỐI VỀ KỶ NIÊM (Tiếp Theo)
LỐI VỀ KỶ NIÊM (Tiếp Theo)
Anh ấy đưa nàng đến nhà Thủy Tạ, ở hồ Xuân Hương. Trời đẹp nên nàng đòi ngồi ngoài sân thượng, thực ra nàng cũng sợ, bóng tối đồng loã, nếu ngồi trong nhà, nàng linh tinh, anh sẽ đặt vấn đề, nên để tránh né phút giây này, nàng nói huyên thuyên. Nàng chỉ cho anh ấy thấy con đường dẫn lên căn nhà thời thơ ấu của nàng ở phía bên kia bờ hồ, chỉ cái đồi Cù phía bên tay phải, cùng hướng bên đó là con đường dẫn lên nhà ga xe lửa, hồ Than Thở, trường Võ Bị Quốc Gia. Phía tay trái là cầu ông Đạo, qua khỏi cầu, rẽ trái là đường tới nhà Thủy Tạ, đường đi Trại Hầm nơi có những cây mận giòn ngon ngọt, đường đi lên Hồ Than Thở, rừng Ái Ân, rẽ phải là đường lên nhà thờ con gà. Anh ấy ngắt lời thắc mắc “ con gà? ”. Nàng cười giải thich, lần đầu tiên trong đời, lúc đó chưa tới 7 tuổi, tới Đàlạt, thấy trên đỉnh tháp chuông nhà thờ có con gà đứng trên cây thánh giá, nên nàng đặt tên là nhà thờ con gà. Sau này. mới biết đó là 1 biểu tượng, nhắc đến sự tích buổi Tiệc Ly của Chúa Giêsu với 12 môn đệ, Ngài đã nói với các học trò, đêm nay, trước khi gà gáy, Phêrô sẻ chối ta 3 lần.
Đàng sau nhà thờ, là trường trung tiểu học tư thục Trí Đức. Mỗi sáng thứ hai, học sinh toàn trường đứng ngoài sân chào cờ, sau bài quốc ca là bài hiệu đoàn ca của trường
Doàn học sinh Trí Đức cất tiếng ca hòa vang êm đềm, kìa trời nam tươi sáng đang chờ ta tiến.
Đoàn học sinh Trí Đức danh dự nêu cao muôn đời, đem tài trai tô thắm nước nhà huy hoàng
Anh em ơi, mau tiến bước đi, đây chí nam nhi gian nguy lo gì, đoàn học sinh gieo hương thơm trên khắp đồng quê
Non sông luôn sáng ngời, say sưa trong tiếng cười, câu danh dự, học sinh Trí Đức không rời
Trí Đức nằm dưới bóng thông xanh. Trí Đức nằm trong nắng thanh bình
Trí Đức nơi sống vui êm đềm, ra đi lòng không bao giờ quên.
Trước khi vào lớp phải tập đi 1, 2 sửa soạn cho buổi diễn hành ngày Quốc Khánh 26 tháng 10. Nghe đếm 1 thì bước chân trái trước, 1, 2, 1, 2... nghe hô “ chào”, thì giơ cao tay phải thẳng ra phía trước, đầu ngẩng cao, mặt hướng về phía khán đài, bây giờ thấy dễ vậy mà hồi nhỏ tập cả nửa tiếng mỗi buổi sáng vẫn không đúng nhịp. Vào lớp rồi thì ham nói chuyện hay đọc tryện lén, nên bao nhiêu lần bị chép phạt 100 dòng câu “tôi không được nói chuyện trong lớp “, “tôi không được đọc truyện trong lớp học “. Có lẽ nhờ vậy, chữ viết của nàng tương đối đẹp..
Nàng chưa kịp kể hết về những ngày sống ở Đà Lạt, anh ấy chưa kịp nói điều muốn nói, ly cà phê còn đầy, thì tai nạn xảy ra. Lúc đó, có một máy bay trực thăng bay ngang, có lẽ vì muốn gây ấn tượng với người đẹp ở dưới đất ngồi bàn bên cạnh, chàng phi công đã bay thấp xuống, quá thấp đến nỗi cái càng chân máy bay đụng vào cột cờ trên nóc cái cầu nhảy của nhà Thủy Tạ. Máy bay chao đảo, rồi đâm nhào xuống hồ nước, ngay trước mặt nàng. Tiếng loảng xoảng lẫn tiếng gào thét, mặt nàng tái ngắt. Anh ấy vội kéo nàng vào phía trong quán, phủi lớp vôi vữa bám trên tóc tai nàng. Thấy nàng không bị thương, anh ấy bảo nàng ngồi im đó chờ, rồi chạy ra ngoài giúp đỡ mọi người. Khách đến uống cà phê chỉ bị thương nhẹ nhưng người phi công đã bị chết ngay tại chỗ. Lúc xe cảnh sát và xe cứu thương đến, anh ấy đưa nàng ra về. Dọc đường không ai nói với ai câu nào, có lẽ cả hai đều bị xốc. Đến nhà trọ, anh ấy đưa nàng một quyển vở học trò, chi chít chữ, chào từ biệt, hẹn gặp lại ở Sàigòn, ngày mai anh ấy phải về rồi. Nàng vào nhà, kể lại mọi chuyện cho bà chị nghe, đưa cả quyển vở cho chị ấy đọc. Hóa ra đó là quyển nhật ký của anh ấy.
Tuần lễ sau, anh ấy gọi điện thoại,, muốn rủ nàng đi uống cà phê, vì lần gặp vừa rồi ở Đà Lạt có cũng như không, nàng kiếm cớ thoái thác Im lặng một lúc, anh ấy hỏi nàng đã đọc quyển vở anh ấy đưa chưa, nàng thú thật là chưa. Anh ấy năn nỉ nàng đọc, ngày mai sẽ gọi điện thoại lại, nói một chuyện quan trọng. Nghe là chuyện quan trọng, nàng đành phải đọc xem nội dung ra sao. Anh ấy viết, ban đầu, nhìn qua cửa sổ phòng mình, anh thấy nàng hồn nhiên, dễ thương khi tối tối chơi trò đi trốn với đứa em nhỏ gần 2 tuổi ở khoảng sân nhỏ. Nhưng một hôm, bất chợt anh bắt gặp nàng đi học về, tha thướt trong tà áo lụa, không còn là cô bé 15 tuổi nữa, thấy trời thật mát, lòng chợt mở rộng, và từ đó anh mải mê trông ngóng, „Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, anh đếm lá sân trường „ (PĐC) Anh đã nhung nhớ cuồng điên không ngủ được trong đêm nằm ở Bãi Trước, và đã sung sướng, hạnh phúc ra sao khi tìm thấy nàng, được ngồi gần, nghe nàng nói chuyện trong lúc“ ngoài trời mưa lê thê“... anh đã đau khổ khi không gặp được nàng và ngược lại, „ gặp một bữa anh đã mừng một bữa, gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn „ (HHT)... Nàng xúc động, thở dài hối hận. Đáng lẽ ra nàng phải phản ứng ngay sau ngày ở Vũng Tàu về, phải viết cho anh ấy một lá thư trần tình, lời nàng có là dao đâm thì vết thương lúc đó cũng chưa sâu, sẽ mau lành hơn là lúc này. Trời ơi, lỗi tại nàng tất cả.
Hôm sau, anh ấy gọi điện thoại lại, xin gặp nàng, muốn nói chuyện quan trọng trực tiếp. Nhưng đã đọc lời tỏ tinh của anh rồi, nàng buộc lòng từ chối. Ngần ngừ một lúc, anh ấy cho biết, khóa học trưng tập ở trường quân y đã xong, ngày mai phải chọn nhiệm sở, anh ấy có điểm tốt nghiệp khá cao, có thể chọn được chỗ ngon nếu muốn, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào nàng. Nàng thở dài, quan trọng thật. Nàng cám ơn anh ấy đã nghĩ đến nàng, nhưng nàng không thể đáp lại tinh cảm của anh được, xin anh bỏ lỗi cho, cũng như xin anh suy nghĩ kỹ, tương lai của anh ấy phải do chính anh quyết định.
Vào một tối của mùa hè đỏ lửa, nàng đã lặng người khi thấy anh ấy xuất hiện trong một phóng sự về chiến trận ngoài Quảng Trị của đài truyền hình. Nàng thầm cầu xin Trời phù hộ cho anh ấy được bình an, đừng bắt nàng phải hối hận ăn năn suốt đời.
- Anh chị vẫn còn ngồi đây à?
Tôi giật mình quay lại, hóa ra là người đàn ông „ nhìn trộm „ hồi nãy. Ông ấy từ trên núi trở xuống, theo sau còn có nhiều người nữa, Ông ấy hỏi tiếp
- Anh chị quê ở đâu vậy?
- Dạ, ở Hải Phòng. Chồng tôi trả lời.
- Anh chị đi có một mình thôi à?
Không hiểu rõ chữ „ một mình „ chúng tôi chỉ cười gật đàu., ông ấy gật gù cái đầu
- Già từng này mà vẫn còn đi chung được với nhau như vậy là qúy hoá lắm đấy. Thôi, chào anh chị, chúng tôi đi xuống đây.
Sau này, nhìn thấy đám đông đó bước lên cái xe buýt du lịch, tôi hiểu đó là phái đoàn đi hành hương từ ngoài bắc vào. Như vậy có thể, ông ấy đã nghĩ, hai vợ chồng tôi cũng từ ngoài bắc vào đây hành hương nhưng không theo một tổ chức nào mà đi một mình..
Chúng tôi cũng đứng dậy, tiếp tục leo lên cao, viếng tượng Đức Mẹ bế Chúa, đang nhìn xuống chúng tôi.
Khi xuống đến bãi đậu xe, chú tài xế Taxi vội chạy đến mở cửa, nên tôi không muốn chú phải chờ thêm, để tôi có giờ xuống nhúng chân vào nước biển. Vả lại đã hơn 3 giờ chiều. Tôi nhờ chú tài chở đến đài Nghinh Phong, gần bãi sau. Xe chạy ngang qua bến đậu của tàu cao tốc, chồng tôi nhắc
- Có muốn về bằng tàu thì xuống đây, tàu sắp chạy rồi đấy.
- Đã quyết định xong rồi mà, anh nhớ gọi điện thoại cho hãng xe Hoa Mai, nói mình muốn về Bến Thành và dặn họ đón mình ở bãì sau.
Trên cùng của đài Nghinh Phong là tượng Chúa Kitô giang tay, to hơn tượng Đức Mẹ ở Bãi Dâu, núi này cũng cao hơn. Từ bãi đậu xe tới chân tượng phải leo hơn 800 bậc đá, leo thêm hơn trăm bậc thang trong thân tượng thì tới được vai Chúa. Tuy phải leo cả nghìn bậc thang, nhưng đường đi phong cảnh đẹp, vừa leo vừa nghỉ, ngắm cảnh biển về chiều, nên chúng tôi cũng leo được tới vai Chúa.
Tác Giả "Ngọc Tỉnh"
Chồng tôi vừa đi vừa chạy phía trước, cho kịp giờ hẹn. Trời ơi, tôi lại liên tưởng đến cảnh vượt biên, một người phải lo sao cho có mặt trên tàu chính để chờ ghe nhỏ đi đón người nhà mình, với hy vọng người nhà không bị tàu lớn bỏ lại. Nên tôi yên chí đi sau, vừa đi vừa ngắm những dinh thự thật đẹp, chưa hoàn chỉnh trên đường đi, và thắc mắc, nhà của ai, được xây lúc nào mà bỏ hoang, phí như vây.
Chồng tôi đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, ngồi trong xe đò tới đón vợ. Đó là xe đò con, 16 chỗ, tôi leo lên xe, ngồi cạnh chồng ở băng ghế thứ nhì, chúng tôi là khách hàng đầu tiên. Xe quay đầu lại, chạy ra bãi sau, quẹo trái, hướng ra phố chợ. Tôi nhìn bảng giá xe, Vũng Tàu- Thành Phố HCM: 95. 000 đồng, Bà Rịa - TP HCM: 90. 000 đồng. Vừa đọc giá vé xong, xe ngừng lại đón khách. Chị đàn bà vừa lên có vẻ sắc sảo, lanh lợi, chị ngồi vào hàng ghế thứ nhất,, chú tài bảo chị, hàng ghế đó đã có người đặt chỗ, chị trả lời ngay
- Bây giờ chưa có ai thì tôi cứ ngồi đây đã, sau hãy hay.
- Tới đâu? chú tài lép vế, hỏi tiếp
- Long Thành
- 6 chục ngàn
- Năm mươi ngàn, tôi vẫn đi giao hàng, người ta đưa tiền xe lên xuống mỗi lần 50 ngàn, ở đây ai cũng quen mặt. Tôi ngồi đây, mở cửa cho khách lên
xuống hộ anh.
Chú tài im lặng. Cặp khách hàng tiếp theo còn trẻ, ngồi vào hàng ghế thứ nhất, chỗ đã được để dành, như vậy ghế còn dư 1 chỗ trống nên cô tiếp viên tình nguyện vẫn được ngồi lại. Cô làm việc rất hăng, xe chưa ngừng hẳn, cô đã mở cửa xe, loại cửa kéo, nghĩa là phải cần nhiều sức để đẩy, kéo, tay thì kéo khách lên xe, miệng hỏi khách đi tới đâu, rồi chỉ chỗ ngồi. Lúc đó là giờ tan sở, xe cộ chằng chịt, nhưng chú tài chạy rất nhanh, vừa bóp còi inh ỏi vừa bẻ lái, xe lạng qua nghiêng lại, đến nỗi chồng tôi phải chồm ra phía trước, bám chặt hàng ghế, để khỏi ngã vào đứa con nhỏ của bà khách ngồi bên cạnh. Anh thanh niên ngồi phía trước quay người lại cười, nói
- Hai bác nhắm mắt lại ngủ cho đỡ sợ.
- Bác bị đau tim, làm sao ngủ được đây.
Chồng tôi nói đùa, nhưng cô lơ xe tưởng thật quay lại trấn an
- Ngồi sau thì sợ chứ tài xế, họ biết họ phải chạy như thế nào, không việc gì đâu
Cũng có lúc xe ngừng lại để nhận thư tay, giá tem là 30 ngàn.
Thấy có khách đứng chờ bên đường, cô lơ mở cửa xe, thò đầu ra hỏi
- Đi Thành phố không?
Xe ngừng lại đón khách lên. Cô lơ, tay kéo cánh cửa đóng lại, tay chỉ khách xuống ngồi hàng ghế cuối vì khách về đến tận bến mới xuống, miệng nói với chú tài xế
- Chạy nhanh lên đi, giờ này có nhiều ghế gãy.
Rồi quay lại giải thích cho vợ chồng tôi.
- Chỉ có thành phố Hồ Chí Minh được gọi tắt là Thành Phố. Các thành phố khác phải gọi rõ tên, ví dụ phải nói rõ là Đà Nẵng hay Đồng Nai, vì cả hai đều viết tắt là Đ. N.
Tôi định hỏi tiếp về ghế gãy, nhưng không dám mở miệng khi thấy cô bận liên tục, đến nỗi xe đã đầy khách mà cô vẫn muốn đón thêm khách. Chính chú tài xế phải lên tiếng.
- Đâu có sao, có mấy người xuống giữa chừng mà, lúc đó xe lại trống.
Rồi quay ra phía sau, cô ngoắc cô gái lúc nãy nói đi tới Bà Rịa. Cô gái phản đối yếu ớt
- Em không đứng được đâu.
- Ai bắt mày đứng. Lên đây ngồi vào chỗ của tao đây này.
Và cô đứng suốt ở chỗ cửa lên xuống thật, vì hai hàng ghế đầu chỉ có 3 chỗ ngồi mỗi băng, 2 hàng cuối thì 4 chỗ.
Tới Bà Rịa, xe ngừng lại cho 3 người khách xuống, cô lơ thu tiền dùm chú tài, mỗi người 50 ngàn đồng. Xong xuôi xe mới băng qua đường, chạy vào bến chính. Lúc này chú tài mới thu phí hành khách trên xe đem vào nộp. Cô lơ nói
- Hôm nay ăn ngon nhé, 210 ngàn bỏ túi nhẹ nhàng.
Lúc đó thì tôi hiểu ra, chú tài đã thu được tiền của 2 lá thư tay và 3 ghế gãy, không khai báo ở trạm xe, bỏ riêng vào túi.
Xe chạy tiếp, cô lơ lại tiếp tục đón khách để điền vào chỗ trống. Cô tóm được 1 cậu học trò. Lên xe rồi, cậu mới biết xe này chạy về bến Thành, chứ không về bến xe miền đông, cậu lo lắng vì cậu phải về tận phường 12. Chú tài bảo đảm với cậu, sẽ có xe buýt chạy tiếp từ Bến Thành về Chợ Lớn. Nhưng cô lơ xe đã ra lệnh cho chú tài
- Điện cho xe đi miền đông, nói cho mình gửi khách qua xe họ ở trạm nghỉ tới.
Chú tài vừà lấy điên thoại ra liên lạc với xe bạn, vừa khen.
- Bà này lanh quá, không nói lại nổi.
Bỗng có tiếng „bà „ phán nhanh
- Chạy chậm lại, gọi điện báo ngay đi, nó bắn ở 9 Cua.
Xe giảm tốc độ, ngang qua quán 9 (con) Cua, tôi nhìn thấy công an giao thông đang làm việc ở phía bên kia đường
Tôi góp tiếng.
- Cô này lanh thật, chắc chú tài phải tặng thêm tiền cho cô ấy thay vì thu tiền xe.
Cô lơ quay lại, hãnh diện nói
- Cháu cũng là dân chạy xe mà. Ngày trước vợ chồng cháu có xe hàng, anh ấy lái, cháu đi theo. Bây giờ bán xe mất rồi, giao hàng lại phải đi xe khách.
Tôi nghĩ, chạy đâu cũng không khỏi số Trời, lanh lợi đến thế mà không khá hơn được.
Từ lúc cô lơ xuống xe ở Long Thành, không khí trong xe yên ắng hẳn đi, nhưng chú tài vẫn chạy nhanh, luồn lách qua các xe vận tải, Gần vào Thành Phố nên xe lại ngập đường. Lúc kẹt đường, chú bỏ đường cái chạy vào những con hẻm, chạy vòng vòng rồi ra lại đường chính. Qua khỏi cầu Rạch Dừai, chồng tôi nhắc chú, nhớ thả chúng tôi xuống trước khi xe lên cầu vượt Cát Lái.
Xuống xe giữa xa lộ, chồng tôi lại phải bám theo tôi đi bộ về. Vào đến nhà, đồng hồ chỉ 8 giờ tối. Như vậy, chúng tôi đã dọc đường gió bụi đúng 11 tiếng. Tiền xe buýt lúc đi (92 ngàn) cộng tiền xe đò chuyến về (190 ngàn), là 282 ngàn, vẫn rẻ hơn tiền Taxi ở ngoài Vũng Tàu (320 ngàn), và quá rẻ cho những cảm giác đã trải qua, kể cả cảm giác an bình khi về tới nhà.
Tắm rửa xong, chồng tôi hỏi có muốn đi đâu ăn tối không, tôi lắc đầu nói, ngày hôm nay đi như vậy đủ rồi, chỉ đợi đi ngủ thôi, nhưng kiếm gì trong tủ lạnh ăn cho xong bữa đã.
Có lẽ cảm thấy thoải mái vì đã an toàn về tới nhà., chồng tôi hứng chí nói
- Thật ra, mình đi ra Vũng Tàu bằng xe máy cũng được, có hơn trăm cây số, vừa đi vừa nghỉ vài lần là tới.
- Thật hả, vậy ngày mai mình đi Bình Dương nhé, chỉ bằng nửa đường hôm nay. Bà Ngọc Mai và ông Hùng Hà quảng cáo bánh bèo bì ở đó ngon lắm.
Chồng tôi biết mình đã hố, lẳng lặng vào bếp, hâm nóng lại chén bún bò còn dư hôm trước.
Ăn no, chân đã đỡ mỏi, trước khi nhắm mắt ngủ, tôi xin cám ơn Trời, cám ơn Đời đã cho tôi một ngày đẹp trong cuộc đời.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn