TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TUỔI LÊN 3
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TUỔI LÊN 3

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Thu Sep 12, 2013 8:38 am    Tiêu đề: TUỔI LÊN 3

TUỔI LÊN 3 - PHẦN 1 - NGỌC TỈNH



Tuổi lên 3


Tuổi lên 3

Tôi rất thích bài hát Quê Hương Tuổi Thơ Tôi của Từ Huy

http://youtu. be/RE6x4jckejU

Lúc nào thấy lòng buồn buồn, nhớ nhà nhớ bạn, tôi lại mở máy ra nghe, nếu không có ai ở cạnh thì mở miệng hát theo „tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre, quê hương tuổi thơ, đi qua đời tôi“... Tôi cũng có một tuổi thơ rất đẹp, tuy tôi được sinh ra ở Hà Nội, nên không biết „đường làng quanh co, sông thu êm đềm” nhưng vì bố tôi là dân nhà binh, nên sau này vào Nam, gia đình tôi cũng trôi nổi theo bố nhiều nơi. Chị tôi lớn hơn tôi 5 tuổi, trong khi đứa em kế thua tôi 2 tuổi lại là con trai, nên lúc nhỏ, tôi thân với nó hơn, hay theo nó đá bóng trong sân cư xá, ngồi dán diều bằng cơm nguôi rồi đem thả trên đồi ở Đà Lạt,, chơi u mọi trong những đêm trăng sáng ở Kontum, bắt dế giữa đồng không nắng cháy ở Liên Khương... cũng có mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường ở Mộc Hóa Kiến Tường, đã 12 tuổi mà vẫn theo em đi bắn bi, cố thắng hay đổi chác cho được những hòn bi có màu sắc đẹp rực rỡ... Nhưng tôi cũng đã xa quê hương, đã nhiều lần cố mang theo cây hoa ngọc lan và cây cau, trồng cho đỡ nhớ nhà nhưng chắc cây cũng nhớ quê nhớ đất, nên không sống nổi ở xứ lạnh, cũng may còn được bụi tre ở góc vườn, càng ngày càng vươn cao, càng lan rộng mảnh vườn, chỉ sợ ngày nào đó ông hàng xóm qua mắng vốn, bắt đền đã làm hư lối đi nhà ông ta, vì rễ tre mọc ngang, thỉnh thoảng trồi lên., nhiều khi không phát hiện kịp để nhổ bỏ, bỗng giật mình khi sáng thức dậy thấy tre đã cao hơn nửa thước, đứng sừng sững giữa vườn rồi. Bây giờ tôi cũng đã già, chuyện xưa chỉ còn trong mơ

Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy, biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm

Ngày ấy đâu rồi ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại, một ngày ấu thơ, cho tôi tìm lại những câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào...

Mẹ tôi có một trí nhớ đáng nể, nhưng năm nay đã 96 tuổi, nhều khi tôi lân la ngồi cạnh, hỏi gặng chuyện ngày xưa, mẹ tôi chỉ còn kể khúc được khúc mất, hay chuyện nọ xọ chuyện kia. Giá như tôi hỏi mẹ cách đây 10 năm, tôi sẽ biết được nhiều hơn, nhưng có lẽ, hồi đó tôi mới ngoài 50, chưa cảm thấy già, chưa muốn trở về dĩ vãng, chưa biết quý kỷ niệm... Tôi chỉ nhớ lõm bõm chuyện đời mình từ lúc lên 4, từ lúc di cư vào Nam. Khoảng thời gian trước đó, chỉ biết qua chuyện mẹ kể. Tôi được sinh ra tại nhà, đúng nghĩa ở nhà chứ không phải trong nhà thương hay nhà bảo sanh. Lúc chuyện bụng đẻ, mẹ cho vời cô đỡ đến nhà và sau đó cho người đi báo tin cho bố tôi đang chơi bài ở nhà người quen biết. Tưởng tượng ra gịong bố tôi ngày xưa đã nói „ lại gái „khi biết tin, tôi tủi thân lắm. Mặc dù, hai đứa con gái sinh đôi đầu lòng đã mất, chỉ còn 1 đứa con gái thứ ba, đâu nhiều gì, nhưng bố mẹ tôi đã rất mong có 1 đứa con trai, khi mẹ tôi có mang lần thứ ba. Chắc bố tôi đã phải thật thất vọng, đến nỗi buông 1 câu than để đời trước mặt bạn bè như vậy. Sau này để tự an ủi mình, tôi nói với chị em trong nhà, chỉ có tôi chắc chắn là con ruột của bố mẹ, còn họ có thể bị tráo đổi trong nhà thương. Trong 4 năm đầu đời, chúng tôi sống trong 1 căn nhà khá to ở đường Đội Cấn, bố tôi mở trường Bình Minh, đưa họ hàng về đó tá túc, mưu sinh, nên tôi còn vài tấm ảnh cũ được chú này bồng, bác kia bế...

Tôi cũng chẳng nhớ rõ, những năm đầu đời của mấy đứa con tôi như thế nào. Có lẽ ngày đó vì lo sinh nhai, chờ đợi ngày chồng được ra trại, đầu óc chỉ tính sao cho đủ sống và lo chuyện vượt biên, nên đâu biết qúy những ngày giờ sẽ một đi không trở lại đó, để mà nhớ mà giữ, và cũng có lẽ, mỗi thời đại một khác, thời chiến, thời bình, thời cổ, thời văn minh tân tiến... lối sống khác nhau, chắc chắn tuổi thơ ngày đó và ngày nay có nhiều điều khác biệt. Nên tôi bảo mình, đừng tiếc nuối ngày xưa, hãy sống với hiện tại, vì 20 năm nữa, chuyện hôm nay cũng trở thành quá khứ, nếu tôi không sống cho hôm nay thì sau này tôi cũng chẳng có gì để nhớ, để kể. Thời buổi hiện đại này có nhiều phương tiện để lưu lại những hình ảnh, sự kiện mình muốn giữ. nhưng tôi nghĩ, ghi chép vẫn là cách diễn đạt được tình cảm của mình nhiều hơn. Nên hôm nay tôi ghi lại chuyện của đứa cháu nội, nhỡ mai mốt nó hỏi thì tôi còn nhớ mà kể hay đơn giản hơn, đưa cho nó đọc.

Con dâu tôi không là người việt. Chồng tôi đã thất vọng lắm, nhưng còn chút hy vọng ở hai đứa con còn lại, nên sau lúc bị sốc, cũng nguôi dần khi được làm ông nội. Hai vợ chồng nó lựa tên tây cho đứa con gái đầu lòng và cho tôi cái hân hạnh đặt tên việt cho cháu. Tôi nghĩ mình phải chọn 1 cái tên có ý nghiã nhưng không mang dấu huyền, sắc, ngã, nặng.. để khi gọi hay viết không có dấu theo tây sẽ không mất nghĩa, và âm gọi nghe cũng được, chứ không như tên tôi, có nghĩa mà vô âm. Tôi tra tự điển, ngoài ý nghĩa là trọn vẹn, toàn mỹ, Viên còn có thêm nghĩa, được Trời che chở, tôi đặt tên cháu là Viên. Không ngờ được thằng con khen, hay, tên ngắn, dễ gọi và đặc biệt có dấu mũ trên chữ e, mà tiếng đức không có, cái âm gọi cũng giống chữ Wien, thủ đô nước Áo, người khác có tưởng mình bắt chước cái mốt lấy tên các thành phố lớn đặt cho con cũng không đến nỗi lạc hậu. Hú vía.

Năm đầu đời của cháu cũng bình thường như những trẻ khác Trong khi bố mẹ, ông bà, những người thân chung quanh tiú tít lên về sự có mặt của cháu, cháu vô tư ngủ, đói thì khóc, no bụng rồi thì cười. Cháu trông giống bố nhiều hơn, mắt đen và đã có nhiều tóc, trẻ con Âu Châu lúc mới sinh có ít tóc, lại vàng mềm như tơ, thoạt nhìn tưởng như trọc, nên mấy cô y tá gọi cháu là con chuột nhỏ, người đức hay gọi người mình yêu, hay thấy dễ thương là chuột nhỏ. Tôi chẳng thích cái tên này tí nào vì tôi ghét chuột, nhưng người xưa đã nói „ thương nhau củ ấu cũng tròn“, nên với tôi, cháu là chuột vàng, chuột ngọc, dễ thương vô cùng, ôm cháu trong tay tôi chỉ sợ làm rơi, tay chân lính quýnh vì đã quên nghề bao nhiêu năm rồi.

Đúng là mọi thứ ở con nít đều dễ thương, cái miệng không có răng nhưng cười tươi hơn ai hết, nhìn là thấy yêu đời, khi nó ngáp cái miệng nhỏ xíu há ra như chim non đợi mớm mồi, và cái mùi thơm tự nhiên tiết ra tự người nó thì không có nước hoa nào sánh kịp, ôm cháu trong tay, tôi hát ru

Em sẽ là mùa xuân của mẹ

Em sẽ là màu nắng của cha

Em đến trường học bao điều lạ

Môi hé cười là những nụ hoa

Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ

Em gối đầu lên những vần thơ

Em thấy mình là bông hồng nhỏ

Bay giữa đời làm mát ngày qua

trời mênh mông đất hiền hoà

bàn chân em đi nhè nhẹ

đưa em vào vùng trời bao la

cây có rừng bầy chim làm tổ

sông có nguồn từ suối chảy ra

tim mỗi người là căn nhà nhỏ

tình hồng thắm như mặt trời xa

(em là hoa hồng nhỏ- TCS)

Thật ra, tự trong thâm tâm tôi đã buồn vì không được ru cháu bằng Tình Ca của Phạm Duy

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!

...

Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoát nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

Ấy Vậy mà cũng có lúc tôi đã buồn bã, tự ái trả lại thằng con chìa khóa nhà nó. Nó nhờ chúng tôi lên trông chừng con, để 2 vợ chồng nó đi dự sinh nhật bạn. Đến giờ hẹn, chúng tôi đến nhà nó, lẳng lặng mở cửa vào nhà. Nghe nó trách, đây là nhà con, dù có chìa khóa, bố mẹ cũng nhớ bấm chuông cho con biết, nước mắt tôi muốn trào ra. Nghĩ cho cùng thì nó có lý, đáng lẽ ra, tôi phải giữ phép lịch sự, tôn trọng sự riêng tư của người khác. Lỗi tại tôi, tưởng nó vẫn là đứa con nhỏ sống chung như xưa, nên tự nhiên qúa đáng. Nhưng tôi bướng bỉnh không đến nhà nó nữa., tại sao nó có thể đức hóa qúa thế, không còn chút việt nào trong người sao? Chồng tôi than, em cố chấp qúa, ngay cả với con cháu mà không vị tha, đứa cháu có làm lỗi gì đâu, ông ấy cằn nhằn, em dễ thương, nhưng dễ nóng và nhiều lúc thật dễ ghét. Con gái tôi cũng đã có lần than, sống với mẹ khó hơn với bố, mẹ đã hay tủi thân mà còn giận dai nữa. Có lẽ thằng con trai cũng hiểu, nên mang cháu về thăm ông bà thường hơn. Thật ra, tôi cũng muốn buộc mình giữ 1 khoảng cách với con, để tôi đừng sôi nổi chen vào chuyện gia đình nó. Lúc đầu, tôi thấy khó chịu, buồn bã vì cách đối xử của con, không giống mình ngày xưa, ngày đó tôi đã ôm con về ở với mẹ trong thời gian chồng bị ở tù cải tạo, sống với mẹ một cách tự nhiên. Thời này, tuổi trẻ tự lập sớm, đang đi học cũng đã dọn ra riêng. Hơn nữa con dâu tôi là người ngoại quốc, tôi không thể chờ đợi nó xử sự như con dâu việt, đòi hỏi nó quý mình như con gái được. Tôi ráng không góp ý, cho lời khuyên nếu nó không hỏi đến. Rồi cũng quen và mọi chuyện cũng nguôi ngoai. Tôi đến nhà con trai dự Sinh nhật đầu tiên của cháu nội.

Sau bữa ăn, con gái tôi nhắc đến chuyện bói nghề nghiệp tương lai của Viên. Chúng tôi thu thập vài món đồ dùng hàng ngày, bỏ vào cái chăn, trải ở giữa phòng, tuy không chuẩn bị nhưng tương đối kiếm được vài món đồ cho nhiều ngành nghề. Bố Viên đặt con đứng ở cửa ra vào. Viên đã đi lẫm chẫm, nhưng lúc nào cần đốt giai đoạn thì đi 4 chân cho nhanh. Nó bò đến mép chăn thi ngừng lại, quan sát thị trường, nhìn cái chăn, rồi nhìn đám người lớn đang giương to mắt, hồi hộp chờ. Dáng điệu nó như 1 chú chó nhỏ, ngồi chống chân trước, nghiêng đầu đoán ý chủ. Rồi nó toét miệng cười, bò nhanh đến quyển sách, á, như vậy nó là văn sĩ, hay cô giáo, hay quản thủ thư viện làm con mọt sách, là nhà xuất bản?... Ồ, không phải, Viên chỉ đặt tay lên quyển sách, rồi quay qua sờ chùm chìa khoá, ôi, nó làm tài xế, hay thủ quỹ đây, cũng không phải, nó sờ tiếp các đồ vật khác, hất cái điện thoại di động, cây bút màu qua một bên, sờ cái lược, cái kéo,,... chỉ sờ tới thôi chứ không cầm lên. Cái áo trắng to, phải cuộn lại nằm sát bên chân mà nó không giở ra, cũng chẳng thèm để ý đến cái kreditcard màu xanh quyến rũ, cả cái máy chụp hình nằm khơi khơi ở trước mặt cũng không gây được sự tò mò. À há, như vậy nó không làm giám đốc, gọi ĐT sai bảo nhân viên hay ký giấy tờ, không làm chủ ngân hàng nhưng cũng không là thợ uốn tóc, hay thợ may, nhà thiết kế thời trang, hoặc nhiếp ảnh gia hay phóng viên nổi tiếng. Mặt mũi ai cũng căng thẳng, „Ôi, đâu còn nhiều món đồ nữa đâu „, tiếng cô nó thì thầm. Trên chăn chỉ còn cái xe hơi bằng gỗ, con chó bông, tờ giấy bạc 50 đồng, cái xẻng xào làm bếp, qủa cầu đủ màu và... Viên đã ngồi giữa cái chăn, nhìn quanh, rồi như đã biết cái mình muốn, nó chồm tới, lôi một vật nhỏ màu trắng trắng, nằm cạnh quyển sách. Viên cầm cái ống nước biển nhỏ bằng ngón tay, dùng nhỏ mũi lúc bị cảm, quỳ thẳng dậy, giơ cao lên cho mọi người thấy, dáng điệu cả quyết, hãnh diện, như lúc lực sĩ khoe huy chương vàng. Hurra!! đám người lớn vui mừng hét lên, ồn ào bàn tán về tương lai của Viên. Như vậy là rõ ràng quá rồi, sau này Viên sẽ là dược sĩ như ông bà nội. Nhưng bác nó cãi, cũng có thể là bác sĩ như bác nó, ghi toa thuốc, cũng dính tới thuốc men vậy, và trách là, nếu biết có trò chơi này thì đã mang theo ống nghe, cho rõ năm rõ mười. Viên vẫn cầm ống nước muối trong tay, bò ra khỏi chăn, mặc mọi người đang nhắc lại quá trình xảy ra một cách thích thú.



Sau một năm ở nhà nuôi con, con dâu tôi đi làm lại. Viên lên 2, chưa có chỗ nhận vào nhà trẻ, nên vợ chồng chúng tôi coi cháu. Meike, con dâu tôi, làm việc ít giờ hơn trước và thu xếp làm cả ở nhà nên chúng tôi chỉ coi cháu 3 ngày trong tuần, vào những ngày tôi không đi làm. Ngày đầu tiên cả hai vợ chồng tôi cùng đến đón cháu về nhà mình. Gia đình chúng tôi ở cách nhau 20 phút lái xe, đi xe lửa thì 30 phút một lượt đi. Lúc chúng tôi đến, Meike đã đi làm, tụi nó chia phiên nhau, ai đi làm sớm thì chiều về sớm, để Viên không bị gửi lâu... Thằng con trai đưa bố 1 tờ giấy ghi giờ nào cho con nó ăn, ngủ, ăn cái gì, số điện thoại của 2 vợ chồng nó... Thấy tôi liếc mắt nhìn, sợ tôi lại nổi nóng la lên „ai nuôi chúng mày khôn lớn mà còn chỉ với bảo, trứng mà đòi khôn hơn rận, hoặc, không nhẽ tao bỏ đói cháu tao.. “nên chồng tôi vội nhét mảnh giấy vào túi quần, xách đồ lên, ra hiệu bảo tôi nhanh lên. Hai bố con nó đang ôm nhau chia tay, tôi đành tàn nhẫn dằng Viên ra, bế đi ra cửa, nó không khóc lớn, nhưng giọng thổn thức, nước mắt vòng quanh, đưa hai cánh tay nhỏ xíu về phía bố nó đang đứng nhìn theo, thật là tội nghiệp cho cả 3 người, bố nó, con bé và cả tôi nữa, tôi có cảm tưởng mình là 1 mẹ mìn đi bắt con nít... Về đến nhà, chồng tôi lôi mảnh giấy ra, làm theo lời dặn, 9 giờ sáng, cho ăn một lát bánh mì đen với phó mát. Con bé cầm miếng bánh lên, đưa lưỡi liếm qua liếm lại rồi bỏ xuống. Thấy vậy, tôi nhờ ông nội nó mang bánh mì trắng và thịt nguội bày ra, con bé ăn hết sạch. Hai bà cháu nhìn nhau sung sướng, chồng tôi nói „đúng là con bảo một đàng mẹ làm một nẻo „ tôi tiếp lời, „miễn là cháu tôi no bụng và cho tới khi nào nó chưa biết nói, chưa kể cho bố nó nghe là được“. Nhưng lúc giao trả cháu, tôi thành thực làm bản tường thuật, Viên không ăn bánh mì đen phó mát nên mẹ cho ăn bánh mì trắng với jambon., ăn xong, cho nó ra sân chơi con nít gần 1 tiếng, về nhà, ăn 1 chén hoành thánh rồi ngủ, ngủ dậy ăn 1 hũ joghurt, tã thay 4 lần, trên đường về, nó có ngủ một chút trên xe. Hôm sau, khi đến đón Viên, thằng con dặn, mẹ đừng để nó ngủ gật trên xe, ngủ trễ như vậy, làm nó thức khuya, 10 giờ đêm qua vẫn chưa yên giấc, làm vợ chồng con mệt đừ. Tôi lại muốn cãi, người lớn còn hay lạ nhà lạ giường huống gì đứa bé, nó ngủ không sâu, không ngon, thì mệt, ngủ gật lúc xe chạy là chuyện thường, nhưng tôi im lặng, thông cảm cảnh ban ngày đi làm, ban đêm không được ngủ. Lúc đưa cháu về, tôi cố gắng làm trò, dụ cho Viên ăn để nó thức. Sau 2 lần đón cháu bằng xe hơi, hai đứa tôi quyết định, chỉ 1 người đi đón cháu bằng xe lửa, vì lái xe hơi 1 mình với cháu, nhỡ nó khóc giữa đường thì làm sao xoay sở, mà đi 2 người thì „ phí „ quá, trong khi 1 người đi đón, thì người kia ở nhà dọn dẹp, lau nhà cho bóng để cháu lê la...

Những lần đầu tôi đảm nhiệm việc đón đưa, vì ít ra đàn bà có kinh nghiệm với con nít nhiều hơn đàn ông. Lần này, thằng con trai đã đi làm, Meike ở nhà chờ tôi tới. Dạo ấy, Viên đi đã vững nhưng chưa biết nói, như biết thân biết phận, thấy tôi đến, nó lẳng lặng ôm cái túi nhỏ tiến về cái xe đẩy, chờ tôi bế nó đặt vào xe. Meike có vẻ bứt rứt, cuống quýt dắt xe đạp, đi theo hai bà cháu đến trạm xe. Tôi cũng vụng về, cố giữ cái xe thăng bằng trên cầu thang cuốn. May quá, về đến ga nhà, đã thấy chồng tôi đứng chờ. Tôi thầm phục mẹ tôi, ngày xưa, lúc đã gần 70 tuổi, cụ vẫn một mình coi nổi 2 đứa cháu cùng một lúc. Bây giờ, hai đứa tôi chỉ lo cho 1 đứa mà sao tất bật qúa.

Chiều đến, đúng giờ hẹn, thằng con trai đã đứng đợi ở trạm xe điện, cửa xe vừa mở, Viên nhìn thấy bố, mắt sáng lên, miệng cười tươi rói, giơ tay về phía trước. Nhìn hai bố con ôm nhau, Viên dụi đầu vào vai bố, cánh tay nhỏ ôm chặt cổ bố, tôi thấy mủi lòng, xót xa cho cháu. Cả ngày ở với ông bà, Viên không khóc, nhưng im lặng chịu đựng, nó đẩy những món đồ chơi tôi mua sẵn ra, cứ bám chặt lấy bà, tôi vừa kẹp nó vào nách vừa nấu ăn, nên tuần sau đó, đổi phiên, ông nội đi đón cháu, tôi ở nhà nấu ăn sẵn, chiều đến bà đưa Viên về, ông ở nhà dọn dẹp bãi chiến trường cháu bầy ra. Viên đã dần quen với hoàn cảnh mới, được hơn 2 tháng thì được nhận vào nhà trẻ. Nhưng 2 đứa tôi không bị thất nghiệp hoàn toàn. Vì mới đi học, bị thẩy vào trung tâm huấn luyện sức khỏe, nên Viên dễ bị bịnh, lúc đó lại vào mùa đông nên cháu thường bị ho, sổ mũi, vừa khoẻ, đi học lại thì bị lây bởi trẻ khác... vì thế chúng tôi vẫn thỉnh thoảng trông nom Viên. Một hôm, con dâu tôi kể chuyện, cô giáo Viên hỏi, ở nhà có ai bưng chén lên húp khi ăn không, Meike lắc đầu nhưng chợt nhớ ra, có thể lúc ở với chúng tôi, Viên thấy ông bà bưng bát, và cơm vào miệng nên bắt chước. Điều buồn cười là ở nhà trẻ, Khi còn lại tí thức ăn trong đĩa, không xúc được, Viên đã bưng đĩa lên húp, và những đứa trẻ khác, bắt chước theo... làm cô giáo coi trẻ để ý.

Tình thân giữa hai bà cháu tôi tăng dần như những cái túi ngủ tôi may cho Viên, càng ngày càng rộng lớn. Cho đến 1 hôm, tôi đưa Viên về, xuống xe lửa, một tay đầy cái xe trống, một tay bế Viên, tôi tiến về phía Meike đang đứng đợi. Meike giơ tay ra đón con, Viên ngập ngừng nhìn bà, để yên cho mẹ bế, nhưng đưa tay sờ má bà quyến luyến, đến nỗi Meike cũng phải ngạc nhiên. Sau vài câu trao đổi với tôi, Meike dẫn con đi, nhưng Viên cứ đi được vài bước lại dừng lại, ngoái cổ nhìn bà, thấy vậy, Meike phải quay lại chờ tôi lên xe lửa rồi mới về. Khỏi phải nói, tôi sung sướng qúa chừng, vừa về đến nhà vội kể cho chồng nghe ngay., chưa đủ, tôi còn gọi điện thoại khoe với con gái... Viên đã nói sõi, đã quen lê la, lục lọi nhà ông bà. Sau khi đã dặn cháu không được bỏ bất kỳ cái gì vào miệng, tôi để nó tự do moi móc mọi ngõ ngách, đến nỗi nhiều khi bảo nó sửa soạn đi về, nó lắc đầu nói là bố mẹ nó còn đi làm, chưa có mặt ở nhà.


(CÒN TIẾP)




Được sửa bởi MAI THO ngày Mon Sep 16, 2013 6:42 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Thu Sep 12, 2013 11:23 am    Tiêu đề: CHÚC MỪNG SINH NHẬT BÉ VIÊN








CHÚC BÉ VIÊN SINH NHẬT VUI VẺ, KHỎE MẠNH, ĂN NHIỀU, CHÓNG LỚN & NGOAN .

      ÔNG MAI HỮU THỌ




Được sửa bởi MAI THO ngày Sun Sep 15, 2013 11:48 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7764

Bài gửiGửi: Sun Sep 15, 2013 11:41 pm    Tiêu đề: TUỔI LÊN 3 - PHẦN 2 (hết)  - NGỌC TỈNH


TUỔI LÊN 3 - PHẦN 2  - NGỌC TỈNH


Đúng ngày tròn 2 tuổi thì Viên bị đau, bị ói hoài, nhưng không quấy, ói xong, mệt thì nằm nghỉ, hết mệt lại ngồi dậy mở qùa, nhưng không tha thiết lắm.

Viên được bố mẹ tặng cho một cái bếp

Tôi lại so sánh, con nít thời bây giờ sướng quá, cái bếp có đủ tủ lạnh, lò vi ba (Microwelle), lò nướng, cái máy đánh trứng cũng chạy được bằng pin (tôi thò tay chạm vào thử, thấy không đau mới yên chí). Nên từ đó, mỗi lần chúng tôi đến nhà, Viên đều mời ông bà uống trà, cà phê hay ăn bánh ngọt. Tuổi lên 3 bắt đầu bằng ngọt ngào dễ thương, với cái bánh bằng giấy, Viên vừa lấy ra từ lò nướng, còn nóng hổi, với hình ảnh Viên bưng cái ly nhựa trống không, nhưng cung cách làm như nếu bước mạnh, bước nhanh, nước trong ly sẽ sánh đổ ra ngoài.

Bước rất nhẹ như hường qua sắc đỏ

Như bầu trời len lén bước vào xanh

(Hoàng Anh Tuấn)

Để thêm đậm đà, tôi xin Viên chút đường. Cháu mang đến cho mấy gói đường thật, nhưng tôi phải uống giả bộ.

Viên bắt đầu bớt chơi lắp ráp đá Lego thành lâu đài, tháp canh, chuồng ngựa... chuyển qua chơi búp bê, đi đâu cũng mang theo.

Tôi đã biết trai, gái có nhiều điểm khác nhau từ nhỏ, như con trai thích chơi đá banh, xe hơi, những trò mạnh bạo, con gái thích chơi búp bê, bán hàng... nhưng từ sau khi sinh đứa con gái út, tôi mới biết chi tiết hơn. Khác hai anh, nó để ý đến bố mẹ từ lúc nó còn nhỏ, chưa đầy 1 tuổi, nó đã làm tôi ngạc nhiên, sung sướng, khi đưa tôi khăn bông, lược, lúc tôi gội đầu. Chắc nó đã nhiều lần lặng yên quan sát mẹ gội đầu, nên khi thấy tôi mắt vẫn nhắm vì sợ nước trên tóc, trên mặt chảy vào mắt, đưa tay mò mẫm kiếm khăn bông, nó đã để cái khăn vào tay tôi, rồi lược, máy xấy tóc. Tôi lặng người, cảm động lẫn hãnh diện. Khi biết nói, nó hỏi thăm bố mỗi buổi chiều „ bố đi làm về có mệt không?, hôm nay trong sở có gì vui Không? “, chồng tôi sung sướng bảo, cũng may mình gỡ được tí vốn vì có 2 đứa con trai mà chỉ có đứa con gái. Mỗi khi tôi sửa soạn đi đâu, nó tíu tít phụ chọn quần áo, kiếm giày mang vào chân cho mẹ. Nhưng không phải cứ con gái là giống nhau, Viên cũng hay kiếm giày mang lại cho tôi, mỗi khi chúng tôi ra ngoài, cũng có nhiều nữ tính. Nhưng ở con gái tôi, nó thể hiện qua cách thích cái đẹp, làm dáng. Lúc còn nhỏ, nó im lặng ngồi yên trong xe đẩy, chỉ khi được mẹ đẩy xe ngang qua các cửa hiệu, có những mannequin mặc quần áo đẹp đứng trong tủ kính, nó mới mở miệng, trầm trồ khen đẹp, nhưng không chơi búp bê. Ở Viên, cái nữ tính thể hiện qua thiên chức, làm chị, làm cô giáo. Thích nhét trái banh vào bụng giả có bầu...

Ngồi trên xe tôi đẩy, nó ôm búp bê vỗ về „đừng nhát sợ, có chị ở cạnh đây „hoặc „ mọi việc đều yên ổn cả, đừng sợ nhé „.. chắc là Meike đã thường nói với nó như vậy, hoặc ngồi chơi Memory với bà, mà thỉnh thoảng Viên lại chạy đến hôn vào trán búp bê nằm trên ghế, dỗ dành, “ ngoan đi, bố mẹ phải đi làm“, rồi quay lại chơi tiếp, phân trần với bà, „tội nghiệp, Lili (tên của búp bê) ngủ không yên giấc „ tôi phải gật gù theo, „ừ, tội nghiệp quá „được 1 lúc, Viên mang búp bê lại, nói „ Lili dậy rồi, cho nó chơi chung với „, rồi cầm tay của búp bê đụng vào cái hình úp ngược, loay hoay 1 lúc, nó tiếp lời „ tay Lili ngắn quá, bà giúp nó lật hình lên đi“, tôi riu ríu nghe lời cháu. Lại nghĩ, đúng là cái vòng lẩn quẩn, lúc mình còn nhỏ, phải vâng lời bố mẹ, lúc có con, thì nghe lời con, bây giờ có cháu, phải nghe lời cháu.

Có lần, khi đưa cháu về, bị hụt chuyến xe Bus đưa ra nhà ga, tôi sợ trễ hẹn với bố nó, nên vừa đẩy xe vừa chạy. Viên cười khoái chí nói „ bà cứ chạy đi, Lili không sợ đâu, cháu ôm chặt nó rồi „thấy tôi nghỉ mệt ngừng chạy hơi lâu, nó lại ngoái đầu nói to „ „chạy, chạy nhanh lên bà nội „tôi nghĩ đến phim Forrest Gump (Tom Hanks), cô bạn nhỏ Jenny (Robin Wright) đã ngồi trên cây, cổ võ bạn mình chạy đến đinh ốc văng cả ra, hết cả què, nên gắng sức đẩy xe chạy tiếp. Tới nhà ga, bà cháu đều sung sướng, bà mừng vì đến đích, cháu vui vì được ngồi xe đua. Lúc Viên đưa tay quệt giọt mồ hôi trên trán bà, tôi sung sướng, không dám nói xạo là có thể tiếp tục chạy, nhưng quên cả mệt, mặc dù chưa thở bình thường lại. được.

Nhưng Viên vẫn còn nhát lắm, vừa nhút nhát vừa nhát sợ, đang vui vẻ ăn mà có khách lạ bước vào, là bỏ ăn, đang ngồi chơi thì ngừng chơi, chạy đến bà núp, hay bỏ trốn vào phòng ngủ. Ở ngoài sân chơi công cộng, Viên chỉ thích chơi cát, đổ nước vào cát cho ướt làm Pizza hay kem mời bà ăn. Một hôm, tôi thử đặt Viên đứng lên 1khúc thân cây tròn bắcngang 2 cái cột, dài độ 4m, cao hơn mặt đất độ 70 cm, có sợi dây thừng treo ngang tầm tay, dọc theo thân cây, giống như mấy cái cầu tre lắt lẻo ở quê mình. Tôi định bụng, sẽ đi bên cạnh nắm tay cháu dắt đi, nhưng Viên lắc đầu, chỉ xuống khúc cây khác, nằm sát mặt đất. Tôi đặt nó đứng lên khúc cây này, chờ đợi nó nhảy xuống. Viên đứng như vậy, chân cách mặt đất 30 cm, nó nhìn xuống đất như dò chừng chiều cao, sức mình, rồi đưa tay cho bà dắt xuống, miệng nói „ tốt hơn là đừng nhảy“. Tôi bật cười thương cháu, về kể cho chồng nghe, và kết luận „ nó nhát giống hệt như ông nội hồi mới đi học tập về“. Chồng tôi trả đũa „ và nói nhiều giống bà nội“. Huề.

Nói nhiều cũng là một nữ tính, nhưng Viên không nói dai nên vẫn dễ thương. Mỗi lần ông nội đón về nhà, vừa gặp tôi nó giải thích ngay, hôm nay nhà trẻ đóng cửa, hoặc nó bị ốm, mà bố mẹ nó phải đi làm, không ai trông chừng nó..., rồi nó đã lớn, không cần phải đi vớ chống trượt chân trong nhà nữa, trời đã ấm nó không phải mặc áo khoác ngoài, lúc ăn súp còn nóng, nó bảo tôi đừng lo, nó biết thổi cho nguội, tôi hạ màn chắn xuống cho đỡ chói nắng, nó gật đầu nói, như vậy để mặt trời khỏi vào trong nhà và chỉ vào cái cửa sổ mở hé, nói tiếp, nhưng để cho không khí lùa vào cho thoáng, đụng tới đâu, giải thích tới đó, cứ như bà cụ non. Tôi đoán chừng, bố mẹ nó đã cắt nghĩa cho nó nghe mỗi khi làm điều gì. Tôi lại so sánh, lần này sâu xa hơn vì đụng tới 4 thế hệ.

Thời tôi, không biết vì nhà đông con, hay bình thường là thế, bố mẹ tôi ít có giờ rảnh cho con cái, chắc các cụ nghĩ, đã có nhà trường chỉ dạy chúng tôi rồi. Thời con gái tôi, đành là tôi đã dành nhiếu giờ cho nó, chơi chung, học bài chung, nhưng nếu nó không hỏi tôi cũng chẳng cắt nghĩa gì thêm. Thời này con nít khôn sớm, mỗi tí mỗi hỏi, nên mỗi chút mỗi cắt nghĩa... Viên cũng tạo ấn tượng, khi ông nội đến nhà trẻ đón cháu vì bố me nó bận việc, ông cho nó 1 gói Haribo, có độ 4 viên kẹo Gelatin, nhỏ bằng đốt ngón tay, nó cất vào túi, nói, để dành cho ngày mai, vì hôm nay nó đã ăn rồi, mỗi ngày nó chỉ được phép ăn 1 gói thôi. Tuổi lên 3 còn biết vâng lời, chưa biết nói dối.. Ôi, thật dễ thương. Bây giờ, tôi mới hiểu, vì sao Chúa bảo, muốn vào nước thiên Đàng thì hãy giống trẻ nhỏ.

Vì nói nhiều nên Viên thích kể chuyện, lúc đầu nó mang theo sách mỗi khi tới nhà ông bà., mở sách kể cho chúng tôi nghe những chuyện trong sách. Khi đã thông qua mọi cuốn, nó không đem sách theo nữa, mà lôi những quyển Album hình trên kệ sách của bà xuống, chỉ chỏ, kể chuyện hoặc tưởng tượng ra nhiều trò. Ông nội cất những thẻ điện thoại đã dùng xong cho Viên làm vé xe, hay làm thẻ tín dụng để trả tiền khi đi chợ. Tôi không phải bày trò ra cho Viên chơi nữa, tôi chỉ việc diễn kịch theo.


ÔNG NỘI & CHÁU VIÊN


Hai tuổi rưỡi, Viên hãnh diện khoe, cháu không phải mặc tã nữa., cả con búp bê cũng „ khô“ rồi.

Một hôm, sau khi nói chuyện với 1 đứa bạn tưởng tượng qua điện thoại, Viên nói với tôi, bạn nó rủ ra công viên, rồi hỏi tôi có đem theo vé xe không vì mình phải đi xe bus, nếu không có thì đưa tiền để Viên mua vé. Tôi đưa tiền, Viên chạy đi một lúc, quay lại đưa tôi 1 mảnh giấy làm vé và tiền, ra hiệu cho tôi đi theo và dặn dò, nhớ cầm điên thoại di đông theo, nhỡ có chuyện cần. Hóa ra, bếp là xe Bus, vào xe, Viên chỉ tôi ngồi bệt xuống đất, còn mình thì ôm búp bê ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh cửa sổ. Tôi hỏi Viên, tại sao nó được ngồi trên ghế, nó trả lời nghiêm trang „ cháu có em bé“. Có lý quá chứ. Tôi bỗng nghe tiếng con nít khóc, nên hỏi Viên, „ai khóc đó? “, cháu nhíu mày lắng nghe, không nghe gì, nên cháu đứng lên ghế, nhoài người ra cửa sổ, bảo để tìm hiểu xem. Vài giây trôi qua, Viên xoay người lại, nhìn tôi nói „ cháu chỉ nhìn thấy chim bồ câu „ rồi hỏi „ chim bồ câu có khóc không? “ Tôi khựng nguời vì câu hỏi, Viên có diễu không đấy, nên nhìn vào đôi mắt trong veo của cháu, trời ơi, đây mới đích thị „ kìa là đường lên thiên thai, ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây“, nên ngây người nhìn lắc đầu không nói. Viên mỉm cười „ cháu cũng nghĩ như vậy, bồ câu không biết khóc „. Ngay lúc đó lại có tiếng con nít khóc, Viên cười khanh khách, „à, hóa ra là Lena, ở tầng dưới“... Tôi muốn xe bus chạy lâu hơn, nhưng rồi cũng đến lúc Viên ra hiệu cho tôi đứng lên, ra khỏi bếp, đi vào phòng ngủ, là chỗ Viên đã hẹn với bạn.

Tôi đang nẳm trong giường ngủ của mình, vẫn còn hơi hướm của Viên, lúc chiều, gia đình nó đến thăm, vừa gặp tôi, nó nắm tay bà kéo thẳng vào phòng ngủ, không để tôi kịp hỏi thăm bố mẹ nó. Chúng tôi chơi trò đi ngủ, Viên đắp chăn cho tôi và búp bê Lili, rồi bắt đầu kể truyện... Nhớ lại ngày xưa, tôi đã thèm thuồng hình ảnh„em thích ngồi bên bà em, kể truyện em nghe suốt đêm“, trong 1 bài hát nhi đồng, vì bà ngoại tôi lúc đó tuy còn sống nhưng ở xa, không thân với con cháu như trong truyện cổ. Bây giờ tôi muốn được hát „tôi thích ngồi trong giường ôm Viên kể truyện tôi nghe suốt đêm“. Tôi thôi phàn nàn, tại sao Viên không nói được tiếng việt như những đứa cháu cũng lai của người bạn.. Tôi mừng cho bạn khéo dạy con, dạy cháu, nhưng không ganh tị. Tôi hài lòng với hạnh phúc đang có và cám ơn Trời. Đám bạn già chúng tôi bây giờ khi gặp nhau, ít nói về chồng con mà say sưa kể chuyện cháu mình, nên thường băn khoăn, hình như mình yêu cháu hơn con mình ngày xưa,. Rồi an lòng với lời giải thích, mình ở trong 2 hoàn cảnh khác nhau, ngày xưa mình đầu tắt mặt tối lo nuôi con, nên căng thẳng, yêu con, hy sinh tất cả vì con như một bản chất tự nhiên, bây giờ cháu mình được bố mẹ nó chăm nuôi, dạy dỗ, mình vừa có nhiều giờ rảnh rỗi, lại chỉ tiếp xúc với nó những khi nó dễ thương, nên mê, nhớ nó. Nếu như phải coi nó cà ngày lẫn đêm, hay cả tuần cả tháng liền, chắc cũng có lúc, mất cả kiên nhẫn, phát vào đít cháu vài cái khi nó mè nheo, khóc nhè hay dãy đành đạch nằm trên đất ăn vạ. Nhưng nói chung, „ con vua vua yêu dấu, con châu chấu châu chấu thương“, cháu bà thì bà qúy, cái gì cũng chín bỏ làm mười, nên quên tật hư thói xấu của cháu, chỉ nhớ cái tốt cái đẹp để khoe, để kể.

Viên sắp tròn 3 tuổi.

Không biết tuổi lên 4 còn dễ thương hay hết, có còn dễ bảo, dễ sai, hay sẽ bướng bỉnh, cãi lại? Bây giờ, mỗi khi bị mẹ la, Viên liếc nhìn bố chờ can thiệp, không thấy bố phản ứng, Viên đành cúi đầu xuống, nhưng có thể, sang năm Viên sẽ lì lợm, ngẩng cao đầu thách thức.

Tôi nghĩ đến bệnh Alzheimer. Đời người bắt đầu từ 1 đứa bé không tự làm gì được lúc mới sinh, sẽ lớn dần lên, biết đi, biết nói, biết suy nghĩ tìm hiểu, biết yêu, biết tính toán, lo sao cho thành đạt... người bị bệnh Alzheimer đi giật lùi lại quá trình cũ. Tôi cầu mong, nếu tôi bị Alzheimer, tôi xin được chết lúc bệnh tôi còn ở giai đoạn của tuổi lên 3, chẳng hạn sau 1 cơn sưng phổi, lúc đó, tôi không còn thiết tha đến tiền bạc, công danh sự nghiệp, quên bon chen tính toán, nhưng tôi vẫn còn nhớ mặt người thân, tôi còn sạch sẽ, chưa phải mặc tã, vẫn còn tự mình đi đứng được...

Ôi, đẹp thay tuổi lên 3!

viết cho sinh nhật bé Viên 12. 09

Ngọc Tỉnh

08. 09. 2013


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân