Gửi: Mon May 13, 2013 3:04 am Tiêu đề: LẤY CHỒNG XA - Truyện của Phương Lan
LẤY CHỒNG XA
Truyện của Phương Lan
Chim đa đa đậu cành đa
Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa
Giờ đây cách trở quan hà
Trông về cố xứ, lụy sa hai hàng
Quê nội tôi là một làng nhỏ ở một vùng quê hẻo lánh ở miền Bắc, làng La Khê thuộc tỉnh Quảng Yên. Ông nội tôi làm nghề bốc thuốc và dạy chữ nho cho vài mươi đứa trẻ ở trong làng. Gặp buổi giao thời, những người học trò học chữ Hán lần lượt thôi hết để đổi qua học chữ Pháp, ông tôi chỉ còn nghề bốc thuốc, một cái nghề nhân đạo nhưng thâu nhập chẳng có là bao. Lợi tức chính của gia đình trông vào cửa tiệm tạp hoá do bà nội tôi phụ trách.
Ông tôi có một đời vợ trước sinh được một trai là bác Cả. Khi bác Cả được sáu tuổi thì bà nội lớn bị chết trong một trận dịch tả. Ba năm sau, khi hết tang, ông tôi mới cưới bà nội tôi, lúc đó ông mới ngoài ba mươi, còn bà nội tôi thì đã băm sáu. Cha tôi tên Phúc ra đời hai năm sau đó, tiếp theo đến chú Đức kém cha tôi ba tuổi và cô Liên kém chú Đức hai tuổi, sau đó bà thôi không sanh nữa.
Tuy là anh em một nhà, nhưng vì tuổi tác chênh lệch quá xa, nên bác Cả sống gần như tách biệt với ba người em khác mẹ. Thuở nhỏ, cha tôi chơi thân với chú Đức, cho dù tính tình hai người hoàn toàn trái ngược, cha tôi củ mỉ, hiền lành, còn chú Đức năng nổ, hiếu động, cả hai chỉ giống nhau ở một điểm là lười học. Lúc nhỏ, chú Đức rất nghịch ngợm, năm lên chín tuổi, chú leo trèo thế nào mà bị té từ trên cây xuống, gãy chân. Dạo đó vào khoảng năm 1940, ở làng quê làm gì có nhà thương, một thày lang được mời đến, thế rồi chỉ với một nắm lá dấu, ông ta dùng mo cau và hai thanh tre làm nẹp để bó chân chú lại. Sau mấy tháng, vết thương cũng lành, nhưng chân chú thành tật, cứng đơ và phía dưới chỗ gẫy, thịt bị teo lại. Điều đó không là một trở ngại vì chú vẫn đi đứng như người bình thường, chỉ hơi khập khễnh, trời bù lại cho chú có một gương mặt rất sáng sủa, đẹp trai.
Chú Đức thích gảy đàn, thổi sáo, còn cha tôi thì mê vẽ, đi học về, ông chúi mũi vào một xó để ngồi vẽ. Chẳng ai chỉ bảo, nhưng tự nhiên ông có thiên khiếu về nghành họa, chỉ với một mẩu bút than, ông đã tạo ra nhiều bức tranh tuyệt đẹp, làm ngạc nhiên cả những người lớn. Nhưng ông nội tôi lại cau mặt, không bằng lòng và tìm cách ngăn cản, ông nói không muốn con mình lớn lên sẽ làm cái nghề bạc bẽo ấy. Kể ra ông cũng có lý, xã hội thời bấy giờ không trọng dụng nghệ sĩ, người ta mải lo kiếm sống, ít ai chú trọng đến nghệ thuật. Đa số những hoạ sĩ thời đó đều nghèo túng, có người cơm ăn không đủ no, chẳng ai có thể làm giàu nhờ nét cọ của mình. Vì lẽ đó, ông nội cấm cha tôi vẽ, mỗi khi bắt gặp, ông thường đánh cha tôi rất đau và xé nát hết các bức vẽ, để cha tôi bỏ ý định điên rồ là sau này sẽ trở thành hoạ sĩ.
Mặc dù bị cấm đoán, nhưng cha tôi vẫn không thể nào dẹp bỏ hết những đam mê. Hết trốn trên cái gác xép nóng như lò lửa để vẽ trộm, ông lại thức rất khuya, chờ lúc mọi người đi ngủ cả để được tự do sáng tác. Dụng cụ để vẽ của ông không có gì ngoài mấy hộp màu, vài cây bút lông và một xấp giấy vẽ mà ông đã nhịn tiền quà để mua. Khi lớn lên chút nữa, để thoát khỏi tầm mắt canh chừng của ông nội, cha tôi thường qua nhà bạn ở nhờ, nói dối là để học bài, có khi ông ở nhà bạn cả mấy ngày.
Vì đam mê thú nghệ sĩ, nên cả cha tôi và chú Đức đều chểnh mảng trong việc học, lệt bệt mãi vẫn mà vẫn còn quanh quẩn trong những lớp ở trường làng. Trong khi đó, bác Cả học rất giỏi, bác thi đậu vào trường Bưởi và được ra Hà Nội học, bác ở nội trú ngay trong trường. Đậu xong bằng tú tài, bác ra làm thông phán toà sứ và cưới người con gái bác yêu, một cô thiếu nữ tân thời, răng trắng, người Hà Nội. Ông nội tôi lúc đầu phản đối, nhưng sau đành nhượng bộ, ông vốn nể người con trưởng có địa vị làm rạng danh cho gia đình. Bác Cả là người có đầu óc tân tiến, theo mới và là một trong những người đi tiên phuông trong phong trào tự do luyến ái, ảnh hưởng rất nhiều đến cha tôi và chú Đức sau này. Tiếc thay, cuộc hôn nhân hạnh phúc của bác chỉ kéo dài được có bốn năm, khi bác gái sanh con đầu lòng, cả hai mẹ con đều chết vì sanh khó, đứa bé chết vì ngộp thở, còn người mẹ chết vì băng huyết. Hai cái tang đau đớn đó làm đảo lộn cả cuộc sống đang êm đềm của bác Cả, bác buồn lòng bỏ đi xa và nhất quyết không cưới vợ khác. Bác ra Hải Phòng học nghề lái tàu, rồi dốc hết vốn liếng dành dụm ra mua một cái tàu nhỏ, đi đây đi đó cho khuây khoả.
Thoạt đầu, bác chỉ có ý định tiêu khiển cho qua ngày giờ, nhưng mãi cũng chán, thêm nữa tiền bạc cạn dần, bác nghĩ ra cách làm ăn với chính cái tàu của mình. Bác học nghề lưới cá, với bản chất thông minh, lanh lẹ và với sức vóc khoẻ mạnh, chẳng mấy chốc bác trở thành một người đánh cá giỏi nhất vùng. Tiền bán cá thâu được khá nhiều, bác lại dành dụm mua thêm một cái ghe nữa, thuê người làm phụ. Rồi cứ đà tiến lên, bác sắm thêm nhiều ghe khác, thuê thêm nhiều người, và trở thành ông chủ. Chẳng mấy chốc, đoàn ghe của bác đã lên tới vài chục cái, nhưng toàn là ghe nhỏ, đánh cá dọc theo ven bờ nên chẳng được nhiều. Bác nghĩ ra cách làm ăn lớn nên liều bán hết, gom cả vốn liếng ra đóng một cái tàu lớn, trang bị đầy đủ những dụng cụ, máy móc hiện đại để có thể ra khơi đánh cá ở ngoài xa. Con tàu Trường Hải của bác trông đồ sộ chẳng kém những tàu đánh cá của người ngoại quốc, mỗi lần ra khơi luới được cả mấy tấn cá. Ngoài việc bán xỉ cho các bạn hàng chở đi các tỉnh lân cận, số cá còn lại được các hãng nước mắm mua hết, nên bác không gặp khó khăn gì trong việc tiêu thụ số cá đánh được. Công việc làm ăn phất, bác trở nên giàu có và vẫn cấp dưỡng tiền bạc để nuôi cả nhà.
Cha tôi và chú Đức học hành không mấy khá, thi mãi không đậu nổi cái bằng thành chung. Thấy con đường học vấn sao mà gập ghềnh khó đi, hai người quyết định rời ghế nhà trường, ra đi lập nghiệp, mỗi người đi theo con đường riêng của mình. Chú Đức đi theo gánh hát, làm nghề đờn ca. Cha tôi bỏ vô Nam, ông cương quyết đi xa để tránh cuộc hôn nhân do gia đình sắp xếp, buộc ông phải lấy một người con gái đảm đang nhưng quê mùa.
Vô Sài Gòn, cha tôi làm đủ mọi nghề để kiếm sống, tuy vất vả nhưng ông đã đạt được mục đích là được nhận vào trường Mỹ Thuật, theo học ngành hội hoạ ông vẫn hằng mơ ước. Chẳng mấy chốc, ông trở thành một hoạ sĩ giỏi, sau khi tốt nghiệp, ông được mời dạy luôn ở trong trường.
Trong thời gian này, ông gặp mẹ tôi, một thiếu nữ người miền Nam xinh đẹp, hiền lành, vì mê tài ông nên bằng lòng làm vợ một người hoạ sĩ nghèo, chưa có tên tuổi, sự nghiệp. Một đám cưới nho nhỏ diễn ra trong vòng thân mật của bạn bè và những người trong gia đình đàng gái. Ông bà ngoại lúc đầu không muốn gả con cho chàng trai khác xứ, nhưng sau vì thương con nên ép lòng cho cử hành hôn lễ mà trong lòng cứ lo lắng, không vui. Sau đám cưới, cha đưa mẹ lên Sài Gòn, thuê nhà ngay cạnh trường vẽ, ngày ngày đi dạy học, mẹ bán xôi chè để phụ thêm, cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Tôi ra đời hai năm sau đó.
Năm tôi lên bốn tuổi, được tin ông nội mất, cha tôi đưa vợ con về chịu tang. Nhân dịp này, bà nội yêu cầu cha đừng đi xa nữa. Nhà lúc này neo người, không còn bóng dáng đàn ông, cô Liên vẫn chưa có chồng, bác Cả ở xa, chú Đức đi biền biệt không về, bà nội không được khoẻ, nay đau mai yếu… Thương mẹ già tóc bạc phơ, không biết sống chết lúc nào, cha tôi quyết định ở lại. Mẹ rất buồn vì phải xa quê, nhưng không phản đối, bà vốn là một người đàn bà hiền lành, chỉ biết tuân lệnh chồng. Quyết định này làm đảo lộn đời cha, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của hai mẹ con tôi sau này.
Bây giờ nói đến những ngày đầu về quê nội. Vì bác Cả không có con, tôi là đứa cháu nội duy nhất nối dòng, nên được cả nhà cưng chiều. Nhưng với mẹ tôi thì trái lại, bà không được xem như người ở trong gia đình. Mọi người đều nhìn mẹ tôi bằng những cặp mắt đố kỵ, soi mói, một phần là vì mẹ tôi gốc người miền Nam, phong tục tập quán, ngôn ngữ đều có hơi khác biệt. Nhưng nguyên do chính là vì họ coi thường cha tôi, bao năm bỏ xứ ra đi, giờ này trở về vẫn với hai bàn tay trắng.
Những ngày tiếp theo cha tôi vẫn theo đuổi nghiệp vẽ, nhưng ở cái làng quê hẻo lánh này, thật khó mà sống bằng những nét cọ của mình. Cha tôi cũng không thể kiếm ra việc làm, nên mọi việc chi tiêu trong gia đình đều phải trông vào cửa tiệm tạp hoá và tiền cấp dưỡng của các Cả. Bác lúc này giầu có lớn, tiền bạc dư dả nên xài sang, rộng rãi với tất cả mọi người, khiến ai cũng nể, kể cả bà nội. Trong lúc đó, cha tôi đang lâm vào thế bí, muốn trở lại Sài Gòn cũng không còn đuờng, chỗ ông dạy khi xưa đã có người thay thế. Cha buồn rầu, chán nản, mặc cảm không nuôi nổi vợ con khiến ông trở nên lầm lỳ, ít nói, cả ngày ông vác giá vẽ đi đâu mất biệt, đến chiều mới về. Cha rút trong thế giới riêng của ông, để mặc mẹ lạc lõng bơ vơ giữa đám người xa lạ, tôi có cảm tưởng như chính ông cũng biến thành một người xa lạ. Thật tội nghiệp cho mẹ, bà giống như người lữ hành đi trong sa mạc một mình, không có bạn đồng hành. Mẹ cố thu hình cho nhỏ nhoi để tránh những đụng chạm, nhưng vẫn không khỏi phải nghe những lời chì chiết, đay nghiến của mẹ và em chồng. Bà nội vẫn còn mát mẻ với cha tôi về việc cãi lời ông bà học nghề hoạ sĩ mà bà gọi một cách khinh miệt là thợ vẽ, bà còn nói bóng nói gió xa xôi đến việc cha tôi từ chối cuộc hôn nhân do gia đình sắp xếp, mà tự ý cưới về một người đàn bà lạ chủng, không rõ gốc gác, nói năng trọ trẹ không ai hiểu…
Chỉ có bác Cả là thông cảm, mỗi lần về thăm nhà, nghe tiếng eo sèo, bác thường hay can gián bà nội:
- Thời buổi này, người ta tự do luyến ái, đâu còn như xưa? yêu ai thì cưới người đó mới là đúng lý. Chú thím Phúc đã có con với nhau rồi, thôi đừng bàn ra tán vào nữa, chẳng ích lợi gì.
Mẹ nghe thế thì cảm động, thường nhìn bác với cặp mắt biết ơn. Bác Cả ít khi về, nhưng ở trong nhà vẫn dành cho bác một phòng riêng. Căn phòng này vẫn để trống kể cả những lúc bác không có mặt, mẹ tôi thường phải vào để dọn dẹp, lau chùi. Hai mẹ con đứng ngẩn ngơ ngắm những đồ vật lạ mắt, hiếm thấy ở thôn quê thời đó: một bộ máy quay đĩa chạy bằng pin, có cái loa chạm trổ bằng đồng sáng loáng, những chồng đĩa hát bằng nhựa đen, hình tròn to bằng cái quạt mo, bìa in hình ông tây, bà đầm, những cái đồng hồ to nhỏ, đủ loại, phát ra những tiếng chim hót hoặc tiếng nhạc mỗi khi đổi giờ, những bức tuợng bằng đồng đen hoặc ngà voi, và đặc biệt hơn cả là một cái hộp gì hình chữ nhật, khi vặn lên có tiếng người nói hoặc hát, sau này tôi mới biết đó là cái radio. Toàn là những đồ quí bác mua từ Hà Nội hoặc mua lại của các thủy thủ tàu buôn.
Bác Cả thích căn phòng này lắm, mỗi khi về thường nghỉ ngơi ở trong đó, không ai được vào, kể cả bà nội. Một lần cô Liên lén vào lục lọi mấy cái đĩa hát, bị bác bắt được, mắng cho một trận nên thân, từ đó cô cạch, không dám bén mảng. Riêng đối với tôi, bác tỏ ra dễ dãi, bác thường gọi tôi vào phòng riêng để hỏi han:
- Ở nhà, mẹ cháu có bị mọi người bắt nạt không?
Tôi do dự một lúc rồi mới đáp:
- Thưa bác không ạ!
- Thế sao cháu lại ngập ngừng? Bác mỉm cười, sợ ai mà phải nói dối? Cứ cho bác biết sự thực đi! bác còn lạ gì bà nội với cô Liên…
- Cháu không biết phải nói thế nào, nhưng thiệt ra thì cháu chẳng thấy má cháu cãi nhau với ai bao giờ.
Kể ra thì tôi nói cũng không sai sự thật, mẹ im như thóc suốt ngày thì làm gì có chuyện cãi cọ? mẹ nhẫn nhục, chịu đựng, mở miệng ra chỉ để dạ thưa, vâng lời. Bà nội ít khi to tiếng, chỉ nhắc khéo mẹ những câu đại khái như:
- Tùy mợ coi sóc nhà cửa trong ngoài, sao cho người ta nhìn vào là biết ngay tôi có con dâu đảm hay đoảng.
Hoặc những câu mỉa mai:
- Thôi mợ đi nghỉ đi kẻo cậu ấy lại xót ruột. Còn nồi cám lợn chưa nấu, nhưng để tôi bảo con Liên làm cho, nó mà nhúng tay vào thì chỉ một loáng là xong, đợi mợ có mà lợn đến chết đói.
Mẹ tôi làm quần quật suốt ngày từ sáng đến tối như một người đầy tớ không lương. Có lần nhìn hai bàn tay mẹ nứt nẻ, cha xót xa thở dài, nhưng mẹ mỉm cười:
- Coi như bù vào phí tổn ăn ở của mẹ con em, vì mình đâu có kiếm ra tiền…
Thật ra chỉ là câu nói vô tình, nhưng lại làm cha đau lòng, nghe thấy thế, ông cúi gằm đầu, lặng lẽ bỏ đi chỗ khác, từ đó ông tìm cách lánh mặt mẹ.
Cô Liên vì mặc cảm ế chồng nên hay ghen với mẹ, cô thường chì chiết:
- Cha mẹ tôi chưa hề cầm trầu cau đi hỏi chị, vậy mà chị vẫn được vào làm dâu nhà này, thế là chị may mắn lắm. Gặp mẹ tôi dễ dãi, chứ người khác ấy à? họ thì tống cổ chị ra đường từ lâu rồi, cái thứ đàn bà gì mà không rõ gốc gác, gia thế, chẳng đợi nhà chồng cưới xin, đã xách gói theo trai. Anh tôi chắc bị bùa mê, thuốc lú nên mù quáng, thiếu gì nhà giàu gọi gả con, thế mà không chịu, lại đi ưng chị, đúng là chị tốt số…
Mẹ tôi không trả lời, tính bà vốn hiền lành, nhẫn nhịn. Trong suốt bẩy, tám năm sống trong gia đình nhà chồng, mẹ chịu bao nhiêu điều tủi cực, chẳng bao giờ thấy bà than van, nhưng nhìn ánh mắt u ẩn của mẹ, tôi biết bà rất buồn.
Còn cha tôi, tôi phải nói sao về ông đây? Đúng ra cha tôi là một người tốt, thương yêu vợ con, ông cũng là một hoạ sĩ có tài, nhưng sinh không nhằm thời, ở không đúng chỗ. Ở nhà quê, người ta chỉ thích những tranh lợn, gà, mấy ai hiểu được giá trị của những bức tranh nghệ thuật, thậm chí những bức vẽ khoả thân còn bị chê là nhảm nhí. Tranh ông vẽ không bán được bức nào, để chất đống trong nhà kho, làm bạn với những đồ vật cũ, cùng chung số phận bỏ thì thương, vương thì tội, tất cả đều phủ một lớp bụi mờ. Cha thất chí, nhưng âm thầm chịu đựng, không than thở cùng ai, cả với vợ con cũng vậy, giữa cha mẹ hình như đã có một lớp sương mù ngăn cách. Tôi không hiểu vì sao cha hay dấu giếm những ẩn ức mà đáng lẽ nếu chia xẻ với mẹ, có lẽ ông sẽ vơi đi nhiều. Bác Cả là người từng trải, hiểu được tâm sự của mẹ nên thường tìm dịp để an ủi:
- Sông có khúc, người cũng có lúc, chú ấy chưa gặp vận nên chưa khá lên được. Nhưng nếu là người khôn thì phải biết thức thời, mặc dù có tài, nhưng nếu cái tài ấy không nuôi sống mình thì phải xoay qua nghề khác chứ, cứ khư khư ôm cái mộng hão huyền, chẳng thực tế chút nào. Sao thím không khuyên chú ấy?
- Nhà em có bàn với em đâu? Thật ra em cũng không hiểu nhà em đang toan tính những gì trong đầu, vợ chồng ít khi nói chuyện…
Tới đây, như chạm đến mối thương tâm, mẹ kéo vạt áo lên lau mắt, bác Cả nhẹ nhàng đặt tay lên vai mẹ an ủi:
- Thím đừng buồn, tôi rất thông cảm hoàn cảnh của thím, có chuyện gì cứ nói với tôi, tôi sẽ có cách giúp đỡ. À, thím cầm ít tiền để may sắm cho hai mẹ con, từ dạo về đây, chả thấy thím có được cái áo mới nào.
Mẹ lắc đầu, từ chối:
- Em không dám đâu, mẹ hoặc cô Liên biết được mắng em chết.
Bác Cả nghiêm ngay nét mặt:
- Tôi đưa tiền cho thím để sắm sửa cho cháu, ai dám nói gì nào? À, thằng Trung đã bẩy tuổi rồi, phải cho nó đến trường. Tương lai của nó, thím để tôi lo, tôi không có con, những gì của tôi, sau này sẽ là của nó…
Mẹ cảm động dơm dớm nước mắt, tôi cũng thấy bác rất tử tế, bác thường hay bênh vực mẹ tôi mỗi khi bà nội hoặc cô Liên eo sèo mắng nhiếc. Bác lại cho phép tôi chơi những đồ vật mà bác rất quí, những thứ mà mọi người trong nhà không ai được rờ tới. Có lần cả nhà đi chùa, bác gọi hai mẹ con tôi vào phòng để vặn nhạc cho nghe, bác nói với mẹ:
- Ở trên tỉnh bây giờ văn minh lắm. Nhạc này là nhạc khiêu vũ, người ta mở nhạc để nhảy đầm với nhau, thím đã thấy người ta nhảy đầm bao giờ chưa?
Mẹ mỉm cười gật đầu, bác nói:
- Học khiêu vũ cũng dễ thôi, nếu thím muốn, tôi sẽ chỉ cho thím.
- Dạ không! Mẹ đỏ mặt, ai lại ôm nhau coi kỳ quá.
- Khiêu vũ là một nghệ thuật, không có gì là bậy bạ cả, chỉ tại người ta nghĩ bậy thì sẽ thành bậy.
Nhưng mẹ vẫn lắc đầu nguầy nguậy, bác cười:
- Tôi cũng chỉ nói đùa cho vui.
Dạo này bác có nhiều thay đổi, khác với trước kia mỗi năm chỉ về nhà đôi ba lần, dạo này tháng nào bác cũng về, ở chơi vài ba ngày, có khi cả tuần rồi mới đi, bác nói bác mới tìm được người phụ tá thạo việc nên không bận rộn như xưa. Lần nào về, bác cũng cho tôi kẹo bánh và những đồ chơi đắt tiền mua ở trên tỉnh. Bác là người quyền uy, nhưng lại rộng rãi, hào phóng, cư xử rất tốt với mọi người, mỗi lần bác về, cả nhà vui hẳn lên, thành thử ai cũng mong bác, cả mẹ con tôi cũng vậy.
Một lần cách đây không lâu, bác về thình lình lúc cả nhà đi vắng hết, gặp tôi đang thơ thẩn chơi một mình ngoài sân, bác nắm tay tôi dắt vào nhà. Mẹ đang băm bèo cho lợn ở trong bếp, thấy bác thì ngẩng lên chào, bác nói:
- Thím nghỉ tay lên đây, tôi cho xem cái này.
Bác mở va li, lôi ra một bộ quần áo phụ nữ bằng hàng lụa mỏng thật đẹp, đưa cho mẹ:
- Đây là quà tôi mua để tặng thím.
- Tặng em? Mẹ kêu lên ngạc nhiên.
- Ừ, tặng thím, mặc liền đi! xem có đẹp không? Thứ lụa này mát và không nhàu, màu vàng nhạt hợp với nước da trắng của thím, tôi gởi mua tận Sài Gòn cơ đấy.
Nghe hai tiếng Sài Gòn, mẹ đứng ngẩn ngơ, đã lâu lắm không nghe ai nhắc đến hai tiếng thân thương này, nỗi buồn xa xứ mẹ âm thầm dấu kín tận đáy lòng, chẳng biết tỏ cùng ai. Những đêm trằn trọc không ngủ được, nghe tiếng mẹ thở dài, tôi biết mẹ đang nhớ quê, nhớ dĩ vãng, nhớ thuở ấu thơ êm đềm, nhớ thời con gái mộng mơ, nhớ cuộc tình mê đắm mẹ bỏ xứ theo chồng... Bây giờ tất cả đã qua đi như một giấc mơ, cảnh xưa không còn nữa đã đành, người xưa cũng đã thay đổi, cha không còn là một chàng trai hiên ngang, đa tình, đầy nhiệt huyết, ông bây giờ chỉ là hiện thân của sự mệt mỏi, chán chường, thất chí không thiết đến sự đời, không thiết cả đến vợ con.
Mẹ thở dài, mân mê làn vải lụa mềm có những đường thêu mỹ thuật, áo này mặc vô chắc là đẹp lắm. Nhưng bà biết không nên nhận vì không muốn làm buồn lòng chồng, mặc cảm tự ái khiến ông từ chối tất cả mọi quà tặng cũng như tiền bạc của các Cả. Mẹ ngập ngừng:
- Em không dám nhận, thôi bác để dành làm quà cho cô Liên.
- Liên có phần của nó rồi, ai cũng có phần cả, áo này là tôi mua cho thím, thím không nhận tôi rất buồn. Thôi, thím đi thử đi coi có vừa hay không?
Tôi cũng thích được thấy mẹ ăn mặc sang trọng và đẹp nên nói thêm vào:
- Phải đấy, ít nhất mẹ cũng nên mặc thử một lần coi ra sao.
Vì nể quá, mẹ đành mang áo đi thử. Khi bà trở ra, cả tôi lẫn bác Cả đều ngạc nhiên, mẹ trông khác hẳn, bộ quần áo kiểu mới, hở cổ làm tôn nước da trắng mát, mái tóc hàng ngày vẫn buộc túm sau gáy, bây giờ để xoã xuống vai, trông mẹ như trẻ lại cả mười tuổi, và rất đẹp. Nhưng ngay sau đó, mẹ thay lại bộ quần áo cũ bằng vải thô, bộ quần áo đẹp mẹ không dám mặc, bà xếp lại, cất kỹ dưới đáy rương, thỉnh thoảng mới đem ra ngắm.
Trong lúc cha tôi mải mê với những mộng ước tưởng tượng, bác Cả để tâm lo cho tôi từ quần áo, đồ chơi, đến sách vở, cặp da để đi học, cả tiền quà bánh, hoặc thuốc men khi đau ốm. Năm tôi lên chín, học lớp ba trường làng, bác bảo tôi:
- Cháu chịu khó học cho giỏi, đậu xong tiểu học, bác cho ra Hà Nội học.
Được ra Hà Nội học là giấc mơ vĩ đại nhất của trẻ con ở trong làng thời bấy giờ, tôi nhìn bác bằng con mắt ngưỡng mộ và biết ơn. Có lần tôi buột miệng nói với mẹ:
- Ước gì cha cũng được như bác Cả, mẹ nhỉ?
Bà sợ hãi vội bịt miệng tôi lại:
- Đừng nói thế, cha con nghe được lại buồn.
Nhưng mẹ làm sao ngăn cấm được tôi có ý nghĩ so sánh giữa người cha quên bổn phận và người bác có lòng, chăm lo, săn sóc cho tôi từng ly từng tí. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu trong lòng cha có còn hình bóng của mẹ con tôi? Dạo này ông đi biền biệt cả ngày, lúc về ít khi nói chuyện với vợ con.
Để có tiền tiêu vặt, cha phụ với bà nội và cô Liên trông coi cửa hàng tạp hoá, ông làm sổ sách chi, thu, tính toán những món hàng có lợi. Mỗi tháng một, hai lần, ông đi Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận để mua hàng về bán, đồng thời cũng đem những sản phẩm của nhà quê như bánh gai, bánh cốm đem bỏ mối ở trên tỉnh. Những lần đi xa như vậy giúp ông khuây khoả.
Một lần sau chuyến đi, ông dẫn về nhà hai người bạn, họ vào nhà kho đem những bức tranh ra ngắm nghía. Chẳng biết họ nói với nhau những gì, chỉ thấy cha vui lộ ra nét mặt, hy vọng thắp sáng trong ánh mắt. Nhưng chỉ một thoáng, cha trở lại thái độ khép kín, ông dấu giếm chuyện riêng, không nói với ai. Những ngày sau đó, ông chỉ ở nhà, cắm cúi lau chùi các bức tranh, tô vẽ lại những chỗ phai màu, làm khung cho vài bức mới… Mẹ hỏi, cha trả lời vắn tắt:
- Sửa soạn cho cuộc triển lãm.
Ông nói với giọng cố làm ra vẻ bình thản, nhưng nhìn vẻ mặt ông, mẹ biết ông hồi hộp lắm, có hoạ sĩ nào lại không hồi hộp lần đầu tiên mang những tác phẩm của mình đi triển lãm? Trước ngày khai mạc mấy hôm, cha thuê một chuyến xe ngựa, chất lên đấy toàn bộ những bức tranh của ông, đem ra bến xe, chở đi Hà Nội. Ông nói với mẹ:
- Anh vắng nhà vài tuần, em đừng chờ. Hy vọng lần này bán được tranh, sẽ có ít tiền cho mẹ con em.
Ông ngưng lại, nhìn mẹ, nói với giọng tự tin:
- Hai người hôm nọ là những nhà phê bình đứng đắn, họ khen tranh anh đẹp và anh có thể thành công…
- Hai ông đó cũng là hoạ sĩ à?
- Ừ, họ là những người bạn tốt đã hết lòng khuyến khích, giúp đỡ, thuê hộ phòng triển lãm… Họ khuyên anh nên thử thời vận một lần xem sao.
- Phải đấy, mẹ vui vẻ, bao giờ thì khai trương hả mình?
- Ngày mốt, nhưng anh phải đi sớm vì còn phải lo trưng bày và trang hoàng. Thôi, mình ở nhà, anh đi nhé.
- Khoan, đợi em một chút.
Mẹ nói xong chạy vụt vào nhà, một lúc sau trở ra, mẹ dúi cho ông tất cả số tiền dành dụm được:
- Mình cầm lấy mà tiêu, lên trên ấy lạ nước lạ cái, không có tiền khổ lắm.
Cha ngượng nghịu cầm tiền nhét vào túi:
- Anh sẽ trả lại cho mình, anh đi kỳ này về, mình sẽ có tiền.
Nói xong, ông cúi xuống hôn lên trán tôi, dặn dò:
- Trung ở nhà ngoan, hai mẹ con chờ bố về…
Ông nắm lấy tay mẹ xiết chặt, bịn rịn một hồi rồi mới quay bước. Đó là lần cuối cùng ông biểu lộ tình thương yêu với mẹ con tôi.
Hơn một tháng sau, cha mới trở về với nguyên đống tranh cao nghệu. Lặng lẽ không nói một câu, ông đem tranh chất trở lại trong nhà kho. Mẹ nhìn cha, không dấu được vẻ thất vọng, nhưng vẫn dịu dàng an ủi:
- Không sao đâu mình à, thua keo này ta bày keo khác…
Cha cúi gằm đầu, không trả lời. Không bao giờ tôi quên được nét mặt tuyệt vọng của cha lúc đó, nó biểu lộ một vẻ đau đớn, xấu hổ lẫn nhục nhã, thê thảm tới mức làm tôi rùng mình, linh cảm một chuyện chẳng lành sắp xảy tới. Quả vậy, mấy hôm sau, lựa lúc cả nhà đi vắng hết, ông khuân hết những bức tranh ra sân, chất thành một đống, châm lửa đốt.
Khi mọi người về đến nhà, bao nhiêu bức tranh tâm huyết cả một đời của cha chỉ còn là một đống tro tàn, còn cha thì biến mất cùng với một ít quần áo và những vật dụng cá nhân. Cha đã bỏ nhà ra đi biệt tích, không một lời từ biệt, ông đi luôn, không bao giờ trở về nữa.
Biến cố này làm mẹ đau khổ, mất hết niềm tin vào cuộc đời, mẹ cạn nước mắt khóc cho duyên kiếp bẽ bàng. Thời gian đầu, mẹ gắng gượng chờ đợi, sau biết là hoài công, mẹ ngỏ ý muốn đem tôi về quê ngoại, nhưng bà nội không bằng lòng:
- Mợ muốn đi đâu tùy ý, nhưng thằng Trung thì phải ở lại, nó là đích tôn của gia đình này.
Cô Liên nói với vẻ khinh miệt:
- Chị thì làm gì được để nuôi nó? lại không đói rã họng ra à? Đang yên ấm không muốn, lại cứ sinh chuyện… Chị ăn ở làm sao mà chồng cũng chán, đến phải bỏ đi? Thật đúng là không biết điều, cứ tưởng quí hoá lắm, chị đi đâu thì đi một mình.
Bác Cả cũng không đồng ý, tuy vẫn bênh vực mẹ:
- Con Liên chỉ được cái ác khẩu, đừng thèm chấp. Thím chẳng việc gì phải đi đâu hết, nhà này thím cứ việc ở, thằng Trung để tôi dạy dỗ, sau này nó sẽ thừa hưởng gia tài của tôi.
Mẹ thở dài, chẳng phải vì ham gia tài mà ở lại, nhưng mẹ không thể bỏ trốn khi không biết đường đi nước bước và trong tay không có một đồng xu, cắc bạc. Tội nghiệp mẹ, một người đàn bà yếu đuối, nhút nhát, từ dạo theo chồng về làm dâu nơi xứ lạ, mẹ chưa bao giờ ra khỏi cái lũy tre làng… Có những đêm hai mẹ con ôm nhau thủ thỉ, mẹ khóc, nước mắt mẹ rơi ướt tóc tôi, mẹ nói mẹ ước mơ được về quê ngoại, dù chỉ một lần, nhưng mẹ không đành rời xa đứa con duy nhất. Tôi thương mẹ, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời và học thật chăm, mong một ngày nào đó có thể tự lập, tôi sẽ đem mẹ ra khỏi ngôi nhà không tình thương này.
Sau biến cố đó ít lâu thì chú Đức đột ngột xuất hiện, chú trở về nhà sau bao nhiêu năm phiêu bạt giang hồ. Chú Đức vẫn còn độc thân, nghe nói có dạo chú mê một cô đào hát, hai người ăn ở như vợ chồng một thời gian rồi rã đám, đường ai nấy đi. Tính chú vốn lãng mạn, bay bướm, không muốn bị cột chân, chú chỉ thích cặp kè nay người này, mai người khác...
Cảm tưởng đầu tiên của tôi, chú là một người đàn ông còn trẻ và rất đẹp trai, ngoài cái chân đi hơi khập khễnh, chú vui tính, ăn nói bặt thiệp, có duyên, đặc biệt chú có cặp mắt lẳng lơ, nhìn ai là như thu hút lấy người đó. Chú bây giờ là một soạn giả danh tiếng, chuyên viết tuồng cho gánh bầu Thành, đồng thời cũng là diễn viên chính trên sân khấu. Tuồng của chú ăn khách nên tuy không giàu có, nhưng chú kiếm được khá bộn bạc, chú mua quà cho cả nhà và biếu bà nội một số tiền lớn. Trong khi cha tôi bỏ nhà ra đi trong thất bại, thì chú trở về trong vinh quang, mọi người vui vẻ đón mừng, nhanh chóng quên đi con người kém may mắn là cha tôi.
Chú Đức về, đem theo một làn gió lạ, căn nhà từ trước vẫn lạnh lẽo, nay ấm áp hẳn lên với những tiếng nói cười rộn rã, tiếng đàn hát và những câu pha trò dí dỏm, có duyên. Chú Đức cũng là một người lịch lãm, hiểu đời, chú cảm thông hoàn cảnh trái ngang của mẹ, nên thường nhìn bà bằng cặp mắt trìu mến, xót thương. Dạo này mẹ hơi gầy đi, nét buồn tạo cho mẹ một vẻ đẹp não nùng. Từ ánh mắt đầu tiên của chú khi nhìn mẹ, tôi thấy bà hơi giật mình, à phải rồi, cặp mắt đa tình của chú Đức có những nét phảng phất giống cha. Mẹ cúi mặt trốn tia nhìn như có lửa làm bà nóng ran cả hai má, khi xưa, ánh mắt đắm đuối của cha cũng đã làm mẹ phải bối rối như thế. Với bản tính lãng mạn, ảnh hưởng của những tiểu thuyết tình đọc thời còn con gái, mẹ vẫn muốn sống lại cái thuở ban đầu. Nhưng đã từ lâu, ánh mắt nồng ấm của cha đã nguội theo với những thất bại trong cuộc đời của ông, mẹ thở dài, cố nén những khát vọng xuống tận đáy lòng. Tội nghiệp mẹ, mới hơn ba mươi tuổi đầu, ở tuổi này, người đàn bà nào cũng còn nhiều mộng mơ lắm.
Chú Đức và mẹ ít khi nói chuyện, thỉnh thoảng ra vào chạm mặt, chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi:
- Chào chị!
- Chào chú!
Có lần cao hứng chú thổ lộ với mọi người là chú đang sáng tác một vở tuồng mới có tên là Lấy chồng xa xứ, chú nói với mẹ:
- Chị là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác, chị giúp tôi diễn tả những cảm nghĩ của chị nhé?
Mẹ lắc đầu:
- Tôi thấy không tiện, tâm sự của tôi chú biết mà làm gì?
- Tôi hiểu, nhưng không sao cả, chị không nói tôi cũng có thể tưởng tượng được.
Là người sành tâm lý, chú hiểu rất rõ nỗi cô đơn của mẹ và chinh phục cảm tình của bà không mấy khó khăn. Hai người ngầm hiểu những ý nghĩ của nhau, tuy không ai nói ra, nhưng những ánh mắt lặng lẽ nhìn nhau đã nói lên một tình yêu câm nín. Mẹ làm việc quần quật suốt ngày, nhưng vẫn để ý săn sóc chú Đức một cách kín đáo, ngoài những món ăn hợp khẩu vị, phòng chú lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, quần áo được là ủi phẳng phiu.
- Tôi thấy chị vất vả quá! Chú nhìn mẹ ái ngại.
Mẹ cười buồn:
- Quen rồi, chú đừng lo cho tôi.
Nói xong, mẹ xoay lưng, đi thật nhanh ra khỏi phòng, chú Đức nhìn theo dáng đi liêu xiêu của mẹ, thở dài. Mẹ cố tránh gặp mặt chú, dường như mẹ sợ không chống lại được những cám dỗ, và mẹ cũng sợ cả điều ong, tiếng ve. Tôi còn nhỏ, không hiểu được những bão táp trong lòng mẹ, chỉ biết là mẹ rất buồn.
Chú Đức gởi tâm tư vào tiếng đàn, lời ca. Chú có làn hơi phong phú và giọng ca trầm ấm, ngọt ngào. Những đêm trăng, chú thường đem đàn ra gảy, tiếng đàn réo rắt quyện với lời ca, câu hò buồn nảo nuột:
Hò ơ… Chim xa rừng còn thương mây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi, hờ…
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi ơ…ơ… thêm buồn
Giọng hò của chú trầm trầm ngân dài, loãng tan trong ánh trăng, nghe như tiếng thở than. Tôi ngồi im, thả hồn vào dĩ vãng, sống lại thuở nằm nôi, tiếng võng kẽo kẹt, tiếng mẹ ru ầu ơ ngọt ngào. Mẹ chảy nước mắt, quê mẹ miền Hậu Giang, làm sao mẹ quên được những tiếng hò trên sông nước?
Mùa hè qua nhanh, gánh bầu Thành sắp rời đi lưu diễn ở miền Trung, chú Đức phải đi theo đoàn, mẹ buồn, ra ngẩn vào ngơ. Ngày chú sắp sửa từ giã lên đường, hai người lén lút bàn nhau:
- Tôi có thể đưa chị và cháu đi nếu chị muốn.
- Rồi dư luận sẽ ra sao?
- Cần gì dư luận, tôi đi kỳ này sẽ không về nữa.
- Chú long đong nay đây mai đó, làm sao cưu mang được mẹ con tôi?
- Ta cứ liều đi trốn, tôi sẽ đưa chị về xứ.
- Tôi sợ lắm, rủi không đi thoát thì hậu quả sẽ không biết thế nào mà lường. Lại nữa nếu mai kia anh chú sẽ về…
- Chị chờ đến bao giờ? tuổi xuân qua mau, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ già.
Mẹ thở dài buồn bã:
- Đời tôi coi như bỏ đi, nhưng thằng Trung nó cần có cha… Bao lâu tôi cũng đợi.
- Chị quyết định như vậy là tùy ý chị.
- Dù sao cũng cám ơn chú, mấy tháng nay tôi đã rất sung sướng, như thế cũng đủ.
Nói xong mẹ gạt lệ quay đi. Sau cùng mẹ đã chọn, mẹ chọn sự hy sinh, mẹ không nghĩ đến thân mẹ, mà chỉ nghĩ đến tôi, mẹ chỉ vì tôi…
Nhưng sự việc không êm đẹp như ý mẹ mong muốn, và một thảm kịch đã xảy ra. Bác Cả tinh ý nhận thấy những thay đổi của người em dâu, nên một hôm gọi mẹ lên phòng tra gạn:
- Mấy lúc này thím buồn lắm, phải không?
Mẹ cúi đầu, cố tránh ánh mắt đầy quyền uy của người anh chồng:
- Anh tính từ ngày nhà em bỏ đi… Mẹ ngưng nửa chừng, nghẹn lời.
- Tôi hiểu, thím còn trẻ quá… Bác gật gù, nhưng đừng làm điều gì dại dột, có chuyện gì khó nghĩ, thím cứ nói với tôi, may ra tôi có thể giúp.
- Thưa anh, không có chuyện gì cả.
- Thế sao mấy đêm nay thím mất ngủ? nhìn cặp mắt thâm quầng của thím, tôi hiểu ngay. Thím coi chừng người nhà để ý, bàn ra tán vào không tốt.
Mẹ giật mình sợ hãi, cái lối nói như đi guốc vào bụng người khác chứng tỏ bác đã hiểu tất cả. Quả vậy, bác nở một nụ cười mang nhiều ý nghĩa:
- Chuyện đó cũng là sự thường thôi, tôi thông cảm, nhưng đừng đi xa hơn. Thím phải nghĩ đến tương lai thằng Trung, nó cần được học hành tới nơi tới chốn, nó thiếu một người cha, và từ lâu tôi vẫn xem nó như con. Người long đong nay đây mai đó, đâu có thể lo cho nó được?
Bác quay sang tôi:
- Trung, nói đi cháu! có phải cháu vẫn muốn được làm con bác, phải không?
Tôi ngập ngừng, trước đây tôi vẫn ao ước có một người cha như bác, nhưng bây giờ tôi đã lớn, biết suy nghĩ, tôi nhìn mẹ buồn rầu:
- Con biết là mẹ thương con, nhưng mẹ cứ chọn con đường nào mẹ thích.
Bác hơi cau mày rồi cười nhạt:
- Cái thằng bé này cần phải uốn nắn lại, hy vọng cháu không phải là một người bạc bẽo. Quay sang mẹ, bác nói tiếp, tôi không tin là thím ngu ngốc mà đi nhầm đường. Thôi được rồi, bây giờ thím đi ra đi, tôi để cho thím suy nghĩ, tương lai của thằng Trung tùy vào sự lựa chọn của thím.
Mẹ ôm mặt rên rỉ:
- Tại sao tôi lại phải chọn? Trời ơi! tôi chỉ muốn yên thân, sao mấy người không để cho tôi yên?
Mẹ lảo đảo đi ra, bà vấp ngã nơi ngưỡng cửa, bác Cả vội đưa tay ra đỡ, cả thân hình gầy gò của mẹ rơi gọn trong hai cánh tay của bác. Vừa lúc đó, cửa chợt mở toang, bà nội từ đâu xuất hiện, trước cảnh đó bà đứng ngây người vài giây rồi kêu rú lên:
- Mấy người làm gì thế kia? Trời ơi! sao lại có cảnh loạn luân như thế này xảy ra ngay trong nhà tôi hả trời?
Mẹ run rẩy, phải bám vào cánh cửa mới đứng vững, có trời mới hiểu được những oan khuất của mẹ. Tôi vội níu lấy áo bà nội, lắp bắp:
- Không phải đâu bà, mẹ cháu bị ngã…
Nhưng bà gạt tay tôi ra, quay sang mẹ, gằn từng tiếng:
- Mợ vào đây làm gì hả? Kìa, mợ nói đi chứ? nếu là người phụ nữ chính chuyên, sao mợ lại vào phòng một người đàn ông không phải là chồng mợ trong giờ này?
Nghe tiếng ồn ào, mọi người chạy cả lên, đứng lố nhố ngoài hành lang. Cô Liên liếc xéo mẹ, cười mỉa:
- Tôi tưởng chị mê anh Đức? thì ra tôi nhầm à? hay là chị định bắt cá cả hai tay? Hừm, đời thuở nào chồng mới đi vắng chưa đầy một năm mà chị đã dở trò chim chuột ở ngay trong nhà, thật là nhơ nhuốc, xấu hổ.
(CÒN TIẾP PHẦN 2)
Được sửa bởi MAI THO ngày Sat May 18, 2013 9:56 am; sửa lần 1.
Gửi: Mon May 13, 2013 3:12 am Tiêu đề: Lấy Chồng Xa & Ngõ Sau
(PHẦN 2)
Câu nói đó như đổ thêm dầu vào lửa, bà nội mặt phừng phừng lửa giận, trỏ mặt mẹ, quát:
- Con đĩ rạc! nhà có ba người đàn ông, mày định lấy cả ba à? Thứ đàn bà lăng loàn như mày không thể để trong nhà, hãy cút ra khỏi nhà tao!
- Con sẽ đi… Mẹ tôi thều thào, nhưng lạy mẹ cho con đem theo cháu Trung, con không thể xa nó, con sẽ đưa nó về ngoại.
- Không được, thằng Trung là máu huyết của con trai tôi, chị không thể đem nó đi, tôi không muốn cháu tôi sống chung với người mẹ hư đốn là chị. Tôi kỳ hẹn ba ngày, chị phải rời khỏi nơi đây, nếu không tôi sẽ trình lý trưởng và làng nước sẽ gọt đầu bôi vôi chị.
- Van mẹ, đừng làm vậy, con chết mất.
Mẹ phủ phục xuống đất lạy, nhưng bà nội quay lưng, giằng lấy tay tôi kéo đi, tôi trì lại và gào lên, nhưng vô ích. Không bao giờ tôi quên được vẻ mặt thê thảm, tuyệt vọng, và ánh mắt ai oán của mẹ lúc nhìn theo tôi bị người ta kéo xểnh, lôi đi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà.
Tôi được gởi ở tạm nhà một ông chú họ, một tuần sau mới được về nhà. Nhưng về nhà là để đi đưa đám mẹ, bởi vì bà đã thắt cổ tự tử chết ngay đêm hôm đó. Người ta đưa tôi vào nhìn mặt mẹ một lần cuối cùng trước khi nắp quan tài được đóng lại. Mẹ nằm im lìm, mình mặc áo nâu, hai tay chắp lại để trước bụng, tóc mẹ xoã dài thành một dòng đen nhánh, mặt mẹ tím bầm, còn in những nét hãi hùng. Cho đến lúc chết, mẹ vẫn chưa nguôi được oán hờn. Tôi vuốt cặp mắt vẫn mở trừng của mẹ, thì thầm khấn vái mẹ ra đi bình yên, lạ lùng thay, mắt mẹ khép lại và nét mặt trở nên thanh thản. Tôi nằm bên quan tài, ở với mẹ suốt đêm hôm đó. Sáng hôm sau, tôi đưa mẹ ra mộ, ở ngoài đồng, trời lất phất mưa phùn, lạnh và rất buồn, theo sau hai con bò kéo xe tang, chỉ có tôi và vài người hàng xóm. Bà nội bị cơn đột quị nằm liệt giường không đi được, nhưng còn bác Cả giàu có, đầy quyền uy, còn chú Đức, con người lãng mạn đa tình, háo thắng, chỉ thích đi chinh phục, và người cha vô trách nhiệm của tôi, đâu cả rồi? Họ là những người trực tiếp và gián tiếp gây ra cái chết của mẹ tôi, bây giờ tất cả đều chạy trốn, không ai lãnh trách nhiệm cả, họ phủi tay trước cái chết đầy oan khuất. Thương cho mẹ một đời mệnh bạc, lúc chết lại phải gởi xương nơi xứ lạ.
Tôi bỏ nhà ra đi ngay ngày hôm sau, đem theo độc nhất có một tấm hình của mẹ. Qua bao nhiêu gian khổ, tôi lần mò tìm về quê ngoại. Phải mãi đến hơn mười năm sau, khi lớn khôn, tôi mới trở lại để thực hiện lời hứa cuối cùng trước quan tài mẹ là đem bà về quê. Ngủ yên nhé mẹ, bây giờ mẹ đã được về xứ rồi đó.
PHƯƠNG - LAN
( trích trong tác phẩm Lấy Chồng Xa )
NGÕ SAU
(Phỏng theo "Lấy Chồng Xa"
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều!
Chót mê tài họa sĩ
Dẫu buồn lòng mẹ cha
Do nghịch duyên đưa đẩy
Theo chồng về chốn xa
Chồng say mê nghiệp vẽ
Trót sinh chẳng phùng thời
Mộng hão huyền không thực
Tuyệt tích không định nơi
Thương cháu bỗng mồ côi
Bác cả thường ghé chơi
Chăm lo thật chu đáo
Không để cháu thua người
Em chồng dân lưu linh
Xướng ca, ánh mắt tình
Rành sáu câu vọng cổ
Gợi trăng sáng quê mình
Mẹ chồng quan niệm cổ
Ra vào phải dạ thưa
Nói năng chừng xa cách
Bằng mặt, dạ không vừa
Mẹ buồn thân xa xứ
Ôm con mắt dưng dưng
Mong một lần thăm ngoại
Bao năm chỉ ngập ngừng
Lỡ chân nào có hay
Cô Út nhiếc chói tai
Mẹ chồng lời đay nghiến.
Anh em vét cả bầy!
Đến đây ở lại đây
Uất hận thôi xuôi tay
Con thơ tìm quê ngoại
Bà con sống xum vầy
Mười năm sau khôn lớn
Lời hứa xưa thúc tràn
Xứ mình đây rồi nhé,
Mẹ ngủ đi bình an!
Lộc Bắc
12Mai2013
Được sửa bởi MAI THO ngày Sat May 18, 2013 9:57 am; sửa lần 1.
Gửi: Sat May 18, 2013 9:37 am Tiêu đề: KHÉP LẠI MỘT CUỘC TÌNH - PHƯƠNG LAN
KHÉP LẠI MỘT CUỘC TÌNH
Truyện của PHƯƠNG LAN
Đêm lạnh buồn hiu hắt
Trăng soi mờ lối xưa
Lệ em nhòa trên gối
Khóc cuộc tình năm xưa
Anh đi không từ giã
Để em buồn ngẩn ngơ
Nhớ anh, em chỉ biết
Mong anh về trong mơ
Dĩ vãng! ôi dĩ vãng sao như một giấc mơ…Đêm nay cũng như bao đêm không ngủ được, tôi thả hồn vào dĩ vãng, ngậm ngùi nhớ lại thuở xa xưa…
Năm mười bảy tuổi, tôi sửa soạn thi tú tài. Bài vở khá nhiều, nên buổi trưa tan học, tôi chỉ về nhà ăn uống qua loa, rồi tà tà đạp xe đến thư viện để ôn tập. Thật ra nhà tôi cũng không chật chội lắm, nhưng vì cha mẹ tôi hay họp bạn bè để đánh bài, nên nhà lúc nào cũng ồn ào như cái chợ. Đến thư viện, chẳng những yên tĩnh, mà nếu cần sách vở để tra cứu, có thể mượn ngay tại chỗ, rất tiện. Thường ngày, tôi vẫn đi sớm để chiếm một chỗ ngồi gần cửa sổ, ngó ra sân sau của thư viện, nơi có những khóm trúc màu xanh trông thật là mát mắt. Thế mà một hôm, tôi đến hơi trễ một chút, chỗ ngồi của tôi đã có người chiếm. Đó là một anh chàng trẻ tuổi, mái tóc bồng bềnh có vẻ nghệ sĩ. Tôi còn đang đứng xớ rớ chưa biết tính sao, thì hắn bỗng ngẩng lên, nhe răng ra cười:
- Tôi tới sớm để xí chỗ cho cô, chứ không phải để dành chỗ của cô đâu, đừng lo.
Nói xong, hắn đứng ngay dậy, gấp quyển sách đang đọc dở, nhìn tôi mỉm cười, chắc hắn chờ tôi nói một lời gì đó, nhưng tôi chỉ làm thinh, ngồi xuống ghế. Hắn nhắc:
- Không cám ơn à?
Tôi xí một tiếng:
- Ai khiến? chiếm chỗ của người ta rồi còn kể công?
Hắn cười cuời, rồi bỏ đi, chắc hắn thấy chơi trò dành chỗ dùm coi bộ không xong, vì có ai thèm ngồi ở một góc tối tận cuối phòng? Mấy hôm sau, tôi lại thấy hắn xuất hiện nơi phòng đọc sách, ngồi ở một góc đối diện với chỗ ngồi của tôi. Hình như hắn tới đây không phải để gạo bài như bao nhiêu người kác, vì không thấy hắn đem theo sách vở, lại nữa hắn chỉ ngồi một lúc, rồi biến mất lúc nào không ai hay. Hắn như một bóng ma, khi ẩn, khi hiện. Những lúc có mặt hắn ở đó thì tôi khó chịu ghê lắm, mỗi khi ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt chiếu tướng của hắn, tôi lại cảm thấy nhột nhạt, nhìn chi mà nhìn như thôi miên, làm người ta nổi cả da gà. Tôi xoay cái ghế lại, cho quay lưng về phía hắn, nhưng cũng không khá hơn, tôi vẫn có cảm giác của một người đang bị rình rập ở phía sau lưng. Bực quá, tôi gấp sách lại, toan đứng lên, thì hắn lù lù đi tới:
- Sao? tại tôi mà cô không học bài được hả? xin lỗi nhé.
Ghét cái bản mặt tự tin, cứ làm như vì hắn mà tôi phải bối rối, tôi nói cho bõ tức:
- Biết vậy sao không rút lui đi?
- Có cố gắng, nhưng không được, trí óc tôi bảo đừng tới nữa, nhưng con tim tôi… à quên, cặp chân tôi không nghe, cứ bước tới đây.
Tôi muốn phì cười, nhưng lại làm mặt nghiêm:
- Anh làm phí một buổi học của tôi rồi.
- Đã xin lỗi rồi mà? Vẫn chưa bằng lòng thì cô cứ xử phạt đi, muốn đánh, giết gì thì cứ việc đánh, giết…
- Xí, ai thèm.
Hắn làm mặt trây:
- Nếu cô tha phạt, thì tôi sẽ chuộc tội. Tôi đưa cô về nhé?
- Khỏi cần, tôi có xe mà.
Nói xong, tôi thu xếp sách vở, sửa soạn ra về, không để ý đến nụ cười bí hiểm của hắn. Bên ngoài, trời đã tối đen, đường phố vắng vẻ, phố xá đã lên đèn. Tôi bước vội đến chỗ dựng xe đạp, chợt hết hồn thấy bánh xe sau của tôi xẹp lép. Trời ơi! tối thế này mà hỏng xe thì làm sao về nhà? Tôi sợ hãi nhìn quanh, xem có gặp người quen nào không, nhưng mọi người đã ra về hết, chỉ còn mình hắn đang loay hoay mở khóa cái xe vespa dựng gần xe đạp của tôi. Hú vía! chỉ chậm một chút nữa là hắn cũng đi mất. Không biết làm sao hơn, tôi đành nhìn hắn cầu cứu:
- Xe tôi bị xẹp lốp rồi.
- Vậy hả? nhưng không sao đâu, tôi có bơm đây.
Tôi thở phào, đứng tránh qua một bên, nhìn hắn rút cái bơm cài ở yên sau ra, hì hục bơm. Bánh xe căng phồng trở lại, hắn xoa tay, vui vẻ nói:
- Cũng may không cán phải đinh, chỉ lỏng đầu van thôi, tôi đã vặn chặt lại rồi.
Tôi mừng rỡ, nhìn hắn như nhìn một vị cứu tinh và cám ơn rối rít. Hắn mỉm cười:
- Để tôi đưa cô một quãng nhé? Đường vắng quá, lại tối rồi, cô đi một mình nguy hiểm lắm.
Tôi gật đầu. Hắn cho xe chạy song song với tôi, trông hắn thật vất vả, vì cứ phải chạy xe vespa chậm rì rì cho bằng với tốc độ xe đạp của tôi. Xe của hắn lâu lâu lại tắt máy, và mỗi lần như vậy, tôi cũng dừng xe, chờ cho hắn nổ máy lại. Gần đến nhà, tôi không cho hắn đi theo nữa, sợ có ai trông thấy. Hắn gật đầu thông cảm, rồi phóng xe vọt đi. Chúng tôi vẫn chưa biết tên nhau. Thế rồi xe tôi thỉnh thoảng cứ bị xẹp lốp hoài, và lần nào hắn cũng xuất hiện đúng lúc với cái bơm trên tay… Riết rồi tôi đâm ra nghi ngờ, một hôm tôi hỏi thẳng:
- Này! có phải anh là thủ phạm vụ xì lốp xe của… người ta?
Hắn đỏ mặt, lúng túng một hồi rồi mới chịu thú nhận:
- Không làm vậy, tôi đâu có dịp đưa cô về?
Tôi đứng im, vừa tức, vừa buồn cười, nhưng trong lòng có một chút kiêu hãnh, thì ra hắn nhọc công, khổ kế như vậy cũng chỉ vì mục đích muốn làm quen. Nhưng tôi thì có gì đặc biệt để hắn chú ý? mười bảy tuổi, tôi chưa bao giờ biết trang điểm, mái tóc thề của tôi có óng ả thật đấy, nhưng người tôi chưa nẩy nở, tôi vẫn gầy gò như một cô bé mười lăm, và mặt mũi phờ phạc vì phải thức đêm gạo bài. Tôi biết tôi không có gì để hấp dẫn bọn con trai cả, đã thế tôi lại không biết điệu đà, chỉ biết cắm đầu vào sách vở. Vì thế, trong khi các bạn cùng trang lứa với tôi đã có nhiều cây si, thơ tình nhận được cả xấp, mang vào lớp khoe nhau, cuộc sống tình cảm của tôi vẫn êm rơ, chưa có tên con trai nào để ý đến tôi cả. Anh chàng này là người đầu tiên muốn tán tỉnh tôi đây, nhưng tán cái kiểu này kỳ cục quá, nhiều phen tôi sợ đến mất vía, thế mà tôi cứ tưởng hắn là vị cứu tinh, và tôi phải chịu ơn hắn. Hắn khôn ngoan, mưu mẹo quá trời, và trông hắn cũng thật là… dễ thương. Tôi hơi mắc cở với ý nghĩ đó, và tôi mỉm cười. Nụ cười của tôi chắc làm hắn yên lòng, hắn chớp mắt nhìn tôi, vui vẻ:
- Hết giận rồi à? mình làm bạn nhé? Từ nay tôi khỏi phải mưu kế nữa, cô vẫn cho tôi đưa về phải không? Nếu không, tôi cũng xin phép được theo sau để bảo vệ cho cô.
- Anh muốn đi trước, đi sau tùy ý, cần gì phải xin phép? Đường phố là công lộ, chứ có phải là của riêng tôi đâu?
Tôi nói bằng giọng cố làm ra vẻ thờ ơ, nhưng nét mặt lại biểu hiện khác hẳn. Hắn tủm tỉm cười:
- Như thế là cô đã đồng ý rồi đó nhé? Cám ơn trời Phật, cám ơn cô.
Vừa nói, hắn vừa nhìn tôi đắm đuối. Tôi mắc cở cúi đầu, mặt nóng bừng một cảm giác xôn xao, lạ chưa từng thấy. Nắng ngoài sân bỗng rực rỡ, và hoa cỏ hình như xinh tươi hơn, một buổi chiều vàng tuyệt đẹp. Đêm hôm đó tôi thao thức mãi không sao ngủ được, cứ nằm bâng khuâng nghĩ ngợi vẩn vơ, cô bé mười bảy đã hết vô tư rồi.
Cuối tuần, chàng mời tôi đi ăn ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh. Tôi diện một cái áo đẹp nhất, và có thoa một chút son hồng trên môi. Thức ăn dọn ra ê hề, nhưng chàng gần như không đụng đũa, còn tôi thì đói bụng muốn chết, nhưng không dám ăn nhiều, vì chàng cứ ngồi hút thuốc, nhìn đăm đăm như muốn uống lấy tôi. Khói thuốc mờ ảo, chỉ có đôi mắt chàng sáng như sao, và tim tôi đập nhanh hơn bình thường. Hai đứa nói chuyện bâng quơ, chẳng ra đâu vào đâu mà cũng mất khối thì giờ. Nắng chiều nhạt dần lúc nào không hay, mặt sông đen thẫm lại, nhà hàng bật đèn sáng choang, tôi giật mình nhìn đồng hồ:
- Hạnh phải về, trễ rồi.
- Lát nữa đi! Chàng năn nỉ, bây giờ mới chưa đến 8 giờ.
- Mọi ngày Hạnh về nhà lúc 7 giờ. Hôm nay trễ cả tiếng rồi đó, Hạnh sợ bố mẹ lo.
- Không sao đâu, để anh vô nhà nhận tội thay cho Hạnh nghe?
Tôi hốt hoảng:
- Đừng, đừng! Bố mẹ mắng chết, Hạnh chưa đi chơi với đàn ông bao giờ.
Đôi mắt chàng sáng lên, vẻ thích thú:
- Bây giờ thì khác rồi, cô bé! Chàng nhìn áo mới và bando cài tóc của tôi, cười chế diễu, cô bé bắt đầu biết làm dáng rồi, thấy chưa? Bắt đầu từ hôm nay, cô có bạn trai rồi đó.
- Xí! ai thèm làm bạn với anh?
Chàng cười xoà:
- Ờ thôi làm em vậy, Hạnh nhỏ hơn anh nhiều, phải nghe lời người lớn chứ?
Anh chàng bẻm mép quá, biết nói không lại, tôi đành làm thinh. Chàng cười:
- Bây giờ có chịu cho tôi đưa về chưa? hay muốn ngồi ăn vạ ở đây?
Nói xong, chàng nắm lấy tay tôi, kéo đứng dậy. Tay chàng ấm quá, tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy qua, làm tôi rùng mình, rút tay lại, nhưng chàng giữ chặt, tôi đành chịu thua. Chàng thấy tôi run thì buông ra ngay, và tôi ngoan ngoãn theo chàng ra cửa. Màn đêm đã buông, gió từ mặt sông thổi lên mát rượi, xa xa, những ánh đèn phía bên kia sông trông lấp lánh như những hạt kim cương. Trên bầu trời đầy sao, mặt trăng treo lơ lửng trông như một cái đĩa bạc khổng lồ, toả ánh sáng êm dịu xuống cảnh vật, trăng đổ bóng đôi tình nhân đang sóng bước bên nhau. Gió lạnh làm tôi xích lại gần, chàng quàng vòng tay che chở, chúng tôi đi sát tới nỗi tưởng như có thể nghe thấy tiếng tim đập của nhau. Ông trăng tinh quái vừa ló ra khỏi đám mây, ngó xuống nhìn thấy hết, mặt ông tròn vành vạnh như mỉm cười.
Từ đó, tôi vẫn lén cha mẹ để cùng chàng hẹn hò, gặp gỡ, chẳng đếm là bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ thấy đủ, vì hễ cứ xa nhau là nhớ. Mùa hè sắp tới, hết hè là thu, mùa của yêu đương, nhưng với tôi thì mùa thu đã tới rồi, bởi vì chàng đã mang mùa thu tới sớm, chỉ riêng cho tôi.
Chàng là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh, điều này chẳng phải chàng khoe đâu, và tôi cũng không được đọc những bài báo chí ca tụng chàng, nhưng tôi đã nhiều lần được thưởng thức những ngón đàn tuyệt diệu của chàng. Chàng cộng tác với một ban nhạc, đêm đêm đi kéo đàn trong một vũ trường để kiếm sống. Không biết chàng có hài lòng với công việc đó không, vì chưa bao giờ thấy chàng đề cập tới. Có lần, viện quốc gia âm nhạc tổ chức một buổi trình tấu nhạc cổ điển Tây phương, chàng đưa tôi đến, để nghe chàng trình diễn, tôi lại một phen được thưởng thức tài nghệ tuyệt luân của chàng. Chững chạc trong bộ áo đuôi tôm, cổ thắt nơ đen, chàng như đắm hồn trong một thế giới khác, thế giới của những âm thanh huyền ảo. Khi tiếng đàn réo rắt của chàng cất lên, cả hội trường im phăng phắc, ngất ngây trong những tiếng nhạc du dương. Thời gian như ngừng trôi, và không gian tràn ngập những âm ba thanh thoát. Bản nhạc dứt, chàng bước xuống hội trường trong tiếng vỗ tay vang dội tưởng chừng không bao giờ dứt. Lần đầu tiên, tôi có ý nghĩ tài nghệ của chàng phải được đặt ở một vị trí cao hơn là làm một nhạc sĩ trong hộp đêm, kéo đàn cho thiên hạ nhảy đầm. Nhưng xã hội thời bây giờ, người ta ít trọng vọng nghệ sĩ, vì có mấy ai hiểu được giá trị của nghệ thuật. Tôi không có nhiều kiến thức về âm nhạc, nhưng tôi biết thưởng thức, biết cảm xúc, biết rung động trước những âm thanh diễm ảo. Tiếng đàn của chàng có lúc dồn dập như thác đổ, có lúc nhẹ nhàng, mong manh như sợi tơ vắt ngang trời. Trong tiếng đàn, tôi tưởng như nghe được tiếng gió thoảng, tiếng mưa rơi tí tách, tiếng chim hót, tiếng lá rơi và… kỳ diệu hơn nữa, tôi cảm nhận được tiếng thu bàng bạc trong đêm trăng. Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp, có hoa thơm, có bướm lạ, có suối trong, và tiếng vĩ cầm réo rắt của chàng. Hẹn hò vẫn thường xuyên, không ai nói nhiều, nhưng tình thì đã trao nhau tràn trong ánh mắt, rồi đêm về bâng khuâng.
Tim tôi đầy ắp hình ảnh của chàng, chỗ đâu nhường cho sách vở, nên kỳ thi đó tôi rớt. Trong khi các bạn bè của tôi tưng bừng ăn khao thi đậu, thì tôi đến thư viện, tìm một góc vắng, ngồi khóc xưng cả mắt. Chàng xẩn bẩn một bên, dỗ dành:
- Khăn đây, lau nước mắt đi! Đừng khóc nữa, người ta tưởng anh bắt nạt em.
Tôi khóc lớn hơn:
- Tại anh đó, tại anh mà em thi rớt.
- Sao lại tại anh?
- Chứ không à? Suốt ngày cứ nghĩ đến anh, em còn tâm trí đâu mà học bài?
- Thật thế ư? Chàng reo lên một cách sung sướng, em làm anh cảm động quá, hôm nay chúng ta phải đi ăn mừng mới được.
- Anh nói sao? em thi rớt mà ăn mừng?
- Rớt hay đậu đâu có quan trọng? quan trọng là em vừa thú nhận
rằng em đã yêu anh.
- Em thú nhận hồi nào?
- Thôi đi cô bé! đừng chối, nếu không yêu tôi, sao cô mất ăn mất ngủ đến nỗi thi rớt?
Ừ nhỉ, anh chàng tinh như ma, còn tôi đã hớ hênh để lộ tâm sự của mình, chắc chàng cười chết, tôi xấu hổ quá nên làm mặt giận. Chàng nắm lấy hai tay tôi, đặt lên ngực chàng, nơi trái tim, tay tôi run và tim chàng đang đập loạn xạ, chàng nâng mặt tôi lên cho mắt chàng chìm sâu trong mắt tôi:
- Hãy ngẩng lên nhìn anh đi, cô bé! Anh thú nhận rằng anh cũng rất yêu em.
Và rồi chàng thì thầm hát như ru bên tai tôi:
Cô Bắc Kỳ xinh đẹp của tôi ơi
Tôi muốn cô luôn luôn chỉ mỉm cười
Đừng để sầu vương trong ánh mắt
Buộc lòng tôi phải xì lốp xe thôi
Tôi cười chảy cả nuớc mắt:
- Không biết xấu hổ sao còn dám nhắc lại?
- Anh rất biết ơn cái bơm xe đạp. Chàng đáp tỉnh bơ, nhờ có nó, anh đã tán được em.
Tôi lại bật lên cười lần nữa, chàng vui mừng:
- Hết buồn rồi phải không? em đã cười rồi đấy nhé? Phải đấy, tội gì mà buồn trong một buổi chiều đẹp như hôm nay. Để đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tình cảm của chúng mình, anh đưa em đi nghe nhạc, chịu không?
Tôi lắc đầu:
- Không được đâu, lộ chết. Vừa mới thi xong, em đâu còn cớ nói dối đến thư viện học bài?
Chàng tần ngần một lúc, rồi đề nghị:
- Hay là mình chính thức hóa đi em?
- Chính thức hóa cái gì?
- Chúng mình đâu có thể cứ lén lút như thế này mãi? Hãy đưa anh đến ra mắt cha mẹ em, để chúng mình có thể công khai gặp gỡ.
Tôi nghĩ chàng có lý và tôi đồng ý, hai đứa bàn định ngày giờ, và hồi hộp chờ đợi cái giây phút lịch sử đó. Cuộc trình diện chàng với gia đình tôi không đem lại kết quả mong muốn: ba phiếu chống và một phiếu thuận. Ba phiếu chống là của cha mẹ, và bà chị cả của tôi, với lý do:
- Cậu ta không có nghề nghiệp vững chắc, nhạc sĩ chỉ là thứ xướng ca vô loài, nghèo mạt rệp, nuôi thân còn khó khăn, nói chi đến nuôi vợ con? Lại nữa, nó già quá so với con Hạnh.
Bên bỏ phiếu thuận là anh trai tôi, cũng tranh cãi kịch liệt:
- Xời! mới ba mươi tuổi mà kêu là già? Cậu ta hơn con Hạnh muời ba tuổi thật đấy, nhưng đàn bà phải sanh nở nên mau già hơn đàn ông, mai mốt con cái cả bầy, sợ trông nó còn già hơn chồng. Vả lại nhạc sĩ cũng năm, bảy loại, cậu ta học nhạc tới mười bẩy năm, kể về bằng cấp, còn hơn cả cử nhân. Học chữ ai cũng học được, học nhạc không phải ai cũng thành nhạc sĩ cả đâu. Con Hạnh mà được làm vợ một thiên tài, là may mắn cho nó.
Nhận xét của anh tôi đúng quá, và tài biện luận của anh cũng khỏi chê, dân trường luật có khác. Nhưng cãi gì thì cãi, cũng không thắng được quyền uy, và lý do chính là vì cha mẹ tôi đã hứa gả tôi cho một ông bác sĩ tương lai, con của hai người bạn thân của ông bà. Mẹ tôi dỗ ngọt:
- Con thử nghĩ xem, làm một bà bác sĩ danh giá biết bao nhiêu? Thời buổi nay, cô gái nào mà chẳng mơ ước một địa vị như vậy? Con phải thực tế một chút, đừng vì tiếng đàn mê hoặc của nó mà lỡ mất cơ hội.
Tôi khóc:
- Nhưng con không thể làm vợ một người mà con không yêu được. Van mẹ cho con được chọn lấy bạn trăm năm của con, con đã lỡ yêu anh ấy rồi.
Mẹ hốt hoảng:
- Con đã lỡ làm sao?
Tôi cười buồn:
- Mẹ yên tâm, Khoa không phải là người như mẹ nghĩ đâu, chúng con chưa bao giờ vượt qua vòng lễ giáo.
Bà thở phào:
- Mẹ tin con, nhưng từ nay không đưọc đi lại với cậu ta nữa, sợ bên kia người ta biết được, mang tiếng.
Trời ơi! ai ngờ thành tâm, thiện ý của chàng lại đưa đến một kết quả trái ngược. Tôi không còn cơ hội để gặp chàng được nữa, bị cha mẹ canh chừng ráo riết, cộng với sự phụ hoạ của bà chị cả, tôi mất hết tự do. Bà chị cả của tôi mới hai mươi tám tuổi mà đã một lần dang dở. Sau khi bị người yêu phụ bạc, chị ấy thù ghét đàn ông như đào đất đổ đi, đối với chị, người đàn ông nào cũng là những tên lưu manh, lừa đảo. Chị thề không bao giờ lấy chồng, cam phận ở vậy làm gái già, khó tính còn hơn mẹ chồng. Chị phê bình gay gắt:
- Không hiểu sao mày lại đi mê cái anh chàng nhạc sĩ nghèo kiết đó? Nội cái nó đi làm trong hộp đêm là nơi ăn chơi không đứng đắn, cũng đủ mang tiếng rồi.
- Chị biết gì mà nói? Tôi cãi xon xỏn, giá trị của con người đâu có căn cứ trên tiền bạc? chị mê vật chất nên bị lừa, còn chưa tỉnh hay sao mà lên mặt dạy đời?
Chưa dứt lời, thì bốp một cái, một cái tát như trời giáng bay tới, làm tôi xiểng niểng. Tôi ôm mặt lùi ra khỏi cửa, đưa cặp mắt oán hận nhìn chị tôi lúc đó cũng đang ôm mặt khóc. Thôi rồi, tôi vừa làm một điều lầm lẫn, lẽ ra tôi không nên khơi dậy một vết thương đang rỉ máu trong tim chị, lẽ ra tôi phải năn nỉ chị để có thêm đồng minh… Nhưng muộn rồi, từ hôm đó, chị đối xử với tôi lạnh nhạt như người dưng. Đàn bà thường hay nhỏ mọn, chị tôi lại thêm cái tính thù vặt, chẳng hiểu bà ấy ỏn thót gì với mẹ tôi, mà cả hai cùng hiệp lại, canh chừng tôi chặt chẽ, đi đâu một bước phải xin phép. Đã hơn ba tuần tôi chưa được gặp chàng, ôi chao là nhớ! Tôi gầy hốc hác, biếng ăn, biếng ngủ, trông tôi úa sầu như một bông hoa héo.
Còn chàng, không biết thế nào? Nhớ lại buổi chiều hôm đó, chàng ngồi cứng nguời trên ghế, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi không mấy cảm tình của cha mẹ tôi, như một nghi can đang bị lấy khẩu cung. Cuộc “ thẩm vấn ” không kéo dài lâu, vì chàng không quanh co, cứ thành khẩn khai hết, từ tuổi tác, tới học vấn, nghề nghiệp, gia thế, công ăn việc làm… Lấy khẩu cung xong xuôi, chúng tôi được “ ân huệ ” nói chuyện riêng với nhau mười lăm phút. Chẳng phải là thầy bói, cũng biết việc không thành, thấy tôi ủ rũ, buồn thiu, chàng nắm lấy tay tôi, dặn dò:
- Dù có thế nào cũng không được nản lòng, em nhé? Yêu nhau là phải biết tin tưởng ở nhau.
Nay tôi bỗng dưng biệt dạng, anh chàng chắc là lo sợ, không biết việc gì đã xảy ra cho tôi. Chàng phản ứng thật liều lĩnh, một hôm tôi đang thẫn thờ ngồi nơi phòng khách, tay cầm quyển sách, nhưng chẳng đọc được chữ nào, bất thình lình thấy chàng xuất hiện ngay nơi cửa, mặt mũi hốc hác và đôi mắt trũng sâu. Không nén nổi thương nhớ, tôi nhào vào vòng tay dang rộng của chàng, khóc nức nở. Không may cho chúng tôi, chị Trâm vừa đi đâu về, trông thấy cảnh đó thì la toáng lên:
- Ô hay, cậu đang làm gì thế kia, cậu Khoa? có buông ngay em tôi ra không? Nên nhớ đây là nhà tôi chứ không phải vũ trường đâu mà định dở trò xàm xỡ.
Câu nói mới ác làm sao, độc địa còn hơn rắn rết. Tôi run lên, nhưng chàng vẫn tỉnh bơ, làm như không nghe thấy câu nói xúc phạm đó, chàng vẫn thản nhiên ôm vai tôi, ngắm nghía:
- Trông em gầy đi nhiều, chắc nhớ anh lắm hả?
Tôi khẽ đẩy chàng ra, nhưng chàng vẫn giữ tôi chặt cứng. Chị tôi thấy thế càng tức, cho rằng đang bị khiêu khích, thế là bà ấy nghiến răng, xỉa xói:
- Cậu nên nhớ rằng em tôi còn vị thành niên, cậu láng cháng chọc ghẹo nó, coi chừng tôi kêu cảnh sát.
Chị quay sang tôi:
- Hạnh, vô trong đi! để tao tống cổ nó.
Nhưng tôi đã lau nước mắt, không thèm đếm xỉa đến bà chị đanh đá, tôi nhìn chàng mỉm cười:
- Đi, anh! chúng mình ra ngoài một lát.
Chàng đỡ tôi ngồi lên yên sau của chiếc xe vespa cũ kỹ, chở tôi ra ngoại ô. Tìm một nơi vắng vẻ, hai đứa ngồi bên nhau dưới gốc một cây thông già. Im lặng một lúc, chàng mới ngập ngừng lên tiếng:
- Chúng ta sẽ phải xa nhau một thời gian, em ạ, anh mới nhận được giấy báo…
- Xa nhau? Tôi kêu nên xửng sốt, không tin ở tai mình, có phải anh vừa nói thế không? hay em nghe lầm?
- Anh vừa qua một kỳ thi tuyển của bộ giáo dục, và mới nhận được kết quả báo tin là có tên trong danh sách những nguời được xuất ngoại du học.
Tôi oà khóc:
- Thế là anh bỏ cuộc? anh quyết định xa em?
- Anh đâu có bỏ cuộc, anh đi là vì tương lai của chúng ta sau này, anh muốn sang Pháp học thêm về âm nhạc, để trở thành một giáo sư về môn vĩ cầm.
Chàng cười nửa miệng:
- Là giáo sư thì có danh vọng hơn là một nhạc sĩ quèn phải không em?
- Anh đâu phải là nhạc sĩ quèn? anh là một thiên tài, anh xứng đáng được làm giáo sư về môn âm nhạc. Nhưng em không cần chức tước, tiền bạc, những thứ đó đối với em không quan trọng, em chỉ muốn được là người yêu của anh.
Chàng cuời buồn:
- Yêu nhau thì phải đi đến hôn nhân, anh muốn cưới em, nhưng anh chưa đủ điều kiện. Nhạc sĩ chỉ có tiếng nhưng không có tiền, nên bị người đời coi rẻ, gia đình em cũng vậy, em làm sao chống lại được với gia đình?
Chàng nói đúng quá, thấy tôi xịu mặt, chàng dỗ dành:
- Phải cần thời gian em ạ. Em mới mười bảy, anh ra trường em mới đủ tuổi kết hôn. Yêu nhau thì phải biết đợi chờ, em nhé?
Tôi gật đầu, lệ bỗng rưng rưng. Lấy khăn lau nước mắt cho tôi, chàng nói về những dự tính trong tương lai, khi chàng thành công trở về. Nhưng mộng ước của chàng không thực hiện được, vì cuối mùa hè năm đó chàng bị gọi đi trình diện nhập ngũ tại trường Võ Bị Thủ Đức. Chiến tranh leo thang, chính phủ ra lệnh tổng động viên, giấy hoãn dịch của chàng vì lý do xuất ngoại du học đã bị bác bỏ. Sống trong thời loạn ly, sao tránh khỏi thiệt thòi? chúng tôi đành thở dài, chấp nhận số mệnh.
Chàng lên đường tòng quân theo tiếng gọi của tổ quốc. Tôi ở nhà ngoan ngoãn chăm học, tôi đậu Tú tài, rồi đậu luôn vào trường đại học sư phạm. Chàng học xong hai năm quân trường Thủ Đức, lại được gởi ra Nha Trang, thụ huấn khoá đào tạo sĩ quan hải quân thêm hai năm nữa. Ngày tôi tốt nghiệp sư phạm, cũng là ngày chàng ra khỏi quân trường. Chàng được nghỉ phép đặc cách một tháng, về dự tiệc ăn khao tôi trở thành cô giáo. Tiệc mừng mà cũng là tiệc chia tay, vì bộ Tổng Tham Mưu cử chàng đi Hoa Kỳ học khoá huấn luyện sĩ quan lái tàu chiến. Thế là lại xa nhau, lần này cách cả đại dương, nhớ nhau chỉ biết trải tâm tư trên những trang giấy trắng.
Chàng viết “Lênh đênh trên sông nước cũng thú vị lắm. Em thử tưởng tượng xem, khi tàu đang lướt sóng ngoài khơi, biển xanh bao la dạt dào sóng vỗ… mà anh kéo violon bản Sóng nước biếc thì còn gì tuyệt bằng? ” - hoặc - “ Có những buổi hoàng hôn, một mình thơ thẩn trên boong tàu vắng, ngắm mặt trời đỏ ối từ từ chìm xuống đáy nước, mặt sông long lanh gợn ánh vàng, thủy triều dâng cao, nghe nước róc rách vỗ mạn tàu, anh lấy đàn ra dạo bản Chiều về trên sông, mà nghĩ đến em, nhớ em vô cùng…”
Tôi mỉm cười cảm động. Áp thơ chàng vào ngực, tôi nhắm mắt tưởng tượng ra cảnh bình minh trên biển khơi, cảnh hoàng hôn trên sông… được chàng làm cho thơ mộng thêm bằng những tiếng nhạc dặt dìu, đẹp biết bao, tình tứ biết bao, thanh bình như trong mơ! Bỗng dưng tôi bật cười, đi trên tàu chiến, mà chàng tả như là đang đi trên du thuyền. Ôi chao là lãng mạn, nguời yêu của tôi! người nhạc sĩ tài hoa, lúc nào cũng thích đem thơ, nhạc ra lồng vào khung cảnh hữu tình, làm nó trở thành tuyệt tác, đẹp như trong truyện thần tiên. Chàng hay thi vị hoá mọi thứ, cứ làm như cuộc đời lúc nào cũng êm xuôi, đẹp như những dòng nhạc chiều. Chàng không nghĩ đến chiến tranh tàn khốc, chiến tranh đã hủy diệt bao nhiêu sinh mạng con người, cũng như hủy diệt bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng…
Tôi thầm nghĩ tại sao người ta bắt chàng phải vào quân đội? Tài hoa của người nghệ sĩ phải được xử dụng cho đúng chỗ, bàn tay của người nhạc sĩ không phải để cầm súng bắn giết đồng loại, mà chỉ nên dùng để tạo ra âm thanh cho đời thêm tươi đẹp, cho vơi bớt khổ đau, cho xanh mầm hy vọng…
Chiến tranh là một cái gì thật tàn bạo và phi lý, tại sao người ta cứ phải giết hại lẫn nhau, dù không thù oán? Tại sao không thể có một thế giới thanh bình, để người nông dân có thể yên tâm cày cuốc trên những cánh đồng bao la, để nhà thi sĩ tha hồ làm thơ ca tụng tình yêu, ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên, ca tụng tình người? để người nhạc sĩ tha hồ sáng tác, đem những âm thanh của đất trời vào cây đàn, chuyển thành những dòng nhạc bất hủ, để các nhà khoa học có thể dành hết thì giờ vào công việc khảo cứu, sáng chế, nhằm mục đích cứu người, thay vì phải lao tâm, tổn trí nghiên cứu, sáng chế ra những vũ khí giết người?
Không có chiến tranh, làm gì có cảnh nhà tan cửa nát? Không có chiến tranh, làm gì có những người thiếu phụ trẻ, những đứa bé còn thơ mà đầu đã phải chít khăn tang? Không có chiến tranh, làm gì có chia cách? không có chiến tranh, chàng đâu phải xa tôi? Ôi! nhớ làm sao những buổi hẹn hò, hai đứa dìu nhau đi trên phố vắng, gió lạnh và vòng tay chàng ấm áp, đôi mắt đắm đuối của chàng như nói lên cả một trời yêu đương, nhớ tiếng hát trầm bổng của chàng buổi chiều nào như ru tôi vào cơn mộng…
Những tháng ngày xa cách sao mà dài quá đối với những kẻ đang yêu, thời gian dường như trôi rất chậm. Tôi ở nhà tiếp tục cuộc đời đi dạy học, sống những ngày bình thản, lặng lẽ, niềm vui là ngóng trông tin chàng. Tôi mỏi mòn hết đợi lại chờ, yêu nhau là phải biết chờ mà. Phía bên gia đình Quân, anh chàng sinh viên trường thuốc - nay đã ra trường - thấy tôi lạnh nhạt thì bỏ cuộc. Cha mẹ tôi chỉ biết thở dài. Thời gian qua tuy chậm, nhưng cũng qua đủ mọi chu kỳ, hết hạ, tới thu, sang đông, và bây giờ là mùa xuân. Chị tôi ngán ngẩm:
- Cứ chờ đợi hoài, riết rồi mày cũng thành gái già như tao.
Mẹ tôi buồn rầu:
- Nếu con nghe lời mẹ, có phải bây giờ đã thành bà bác sĩ rồi không? Tiếc quá, người ta đã cưới vợ rồi.
Chị tôi thở dài:
- Chị em nhà này giống tính nhau, hễ đã quyết định việc gì, thì không ai có thể lay chuyển được.
Nhưng rồi chàng cũng về nước, và chúng tôi đã làm đám hỏi, cha mẹ tôi chịu nhượng bộ, vì không muốn có tới hai cô gái già ở trong nhà. Bên phía gia đình chàng, có bà mẹ già tuổi sắp bẩy mươi, và một cô em gái đã có chồng, họ đối xử với tôi thương yêu, thân mật, như tôi đã là dâu con trong nhà. Sau đám hỏi, chàng đi Cam Ranh nhận nhiệm sở. Căn cứ ở Cam Ranh, nhưng chàng thì lênh đênh trên tàu, vì bây giờ chàng đã là một trung úy hải quân. Bây giờ đang là mùa đông, chúng tôi định đầu xuân sang năm sẽ làm đám cưới. Chỉ còn vài tháng nữa thôi, tôi hớn hở đi may áo cưới, chị tôi cũng lăng xăng mua sắm các thứ cần thiết cho một cô dâu sắp về nhà chồng, bà ấy nói:
- Mày tốt số được người ta đi cưới, còn tao…
Tôi an ủi:
- Chị mới ba mươi mấy tuổi đâu đã gọi là già? còn thiếu gì cơ hội…
Nhưng chị lắc đầu:
- Tao chán đàn ông, tìm được một đứa chung tình như nguời yêu của mày, đâu phải dễ?
Tôi sung sướng lẫn hãnh diện, nhưng làm bộ ngúng ngoảy:
- Lẽ ra chị nên nói chung tình như hai đứa mày mới đúng, bởi vì chung tình đâu phải chỉ mình anh ấy, cả em nữa chứ?
Chị trề môi, nguýt:
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Gửi: Sat May 18, 2013 9:45 am Tiêu đề: KHÉP LẠI MỘT CUỘC TÌNH - PHƯƠNG LAN
(PHẦN 2)
Hai chị em cùng cười xoà. Có tiếng chim kêu ríu rít trong vườn, tôi nhìn qua cửa sổ, ngoài trời nắng đang lên, có đôi chim bay liệng, chúng đang tha rác về làm tổ. Tim tôi rộn ràng, mùa xuân đã tới rồi, và ngày vui cũng sắp tới. Ai sắp làm một cô dâu, đi lấy chồng mà không có những cảm giác vui buồn lẫn lộn thật kỳ lạ, vừa sung sướng, nôn nao, vừa bâng khuâng lo lắng, khi sắp phải rời xa gia đình, sắp phải giã từ thời con gái…Tôi muốn có chàng ở gần bên để chia xẻ, an ủi, và cho tôi những nâng đỡ tinh thần trước một cuộc đổi đời quan trọng, nhưng chàng phải đi hành quân nơi xa. Thôi đành, lấy chồng là trai thời chiến, cái gì mà chẳng phải chấp nhận? Tôi một mình lo liệu hết mọi thứ, quà cho chàng, tôi đã mua một cây vĩ cầm tuyệt đẹp màu ngà, có khắc mấy chữ chạm vàng, hai tên Khoa - Hạnh quấn lấy nhau, anh chàng chắc là cảm động. Đã hơn một tuần chưa nhận được tin tức của chàng, trừ bức điện tín báo tin chàng đang ở trên tàu, tuần tiễu vùng ven biển. Điều này thì tôi đã biết trước, và sau cuộc tuần duyên, chàng sẽ được nghỉ phép một tháng để cưới vợ, và đi trăng mật. Tôi đếm từng ngày mong chàng về, còn cả tháng, rồi mười ngày, một tuần... sốt ruột và nôn nao chi lạ. Áo cưới đã may xong, thiệp cưới đã in và gởi đi, nhà hàng đã đặt, xong xuôi tất cả… chỉ còn đợi chú rể tốt số. Thứ năm, Diệu Mi, em chàng đến tìm tôi từ sáng sớm. A phải rồi, hôm nay là ngày hẹn cùng mẹ chàng để đi đo nhẫn cưới, chắc bà cụ sai Diệu Mi tới đón? Ra mở cửa cho cô nàng, tôi mỉm cười:
- Vào đây ngồi chơi với chị một lúc đã. Còn sớm lắm, giờ này đâu đã có tiệm nào mở cửa?
Nhưng ô hay, mắt cô nàng sao đỏ hoe? Diệu Mi thổn thức:
- Anh Khoa chết rồi chị ơi!
- Cô nói gì? ai chết? Tôi cau mày mắng, này, đừng có đùa kiểu đó làm tôi đứng tim đó nhé? Mi chúa là độc mồm, độc miệng, nói năng chả kiêng cử chi hết.
- Không, em đâu có đùa, anh Khoa chết thật rồi chị ơi! Tàu bị trúng thủy lôi, xác được đưa vào nhà thương Cộng Hoà tối hôm qua...
Diệu Mi nói xong nấc lên khóc, hai vai cô nàng rung rung, khóc mà chẳng thèm che mặt. Coi kìa! mặt cô ả sao trắng quá thế? trắng bệch như xác chết, môi cũng nhợt nhạt như xác chết… Ô hay, tôi làm sao rồi? cứ nghĩ đến xác chết hoài, cái gì cũng so sánh, cũng liên tưởng đến xác chết? À phải rồi, xác chết của chàng đang nằm trong nhà thương, có phải cô vừa nói thế? tôi phải đến gặp chàng mới được, người đâu vô tình, muốn bỏ đi cũng phải nói với người ta vài lời chứ? Tôi nói, mắt ráo hoảnh:
- Đi! Diệu Mi, đưa chị đến gặp anh ấy.
Tôi lảo đảo ra cửa, rồi lại quay ngay vào, không được, đầu tóc chưa chải, mặt mũi chưa trang điểm, thế này mà dám đi gặp chàng ư? đố khỏi bị chàng chê xấu xí. Tôi bảo Diệu Mi, bấy giờ đang đứng ngây người nhìn tôi với cặp mắt sợ hãi:
- Đợi một tí, cho chị đi thay áo đã.
Tôi vào phòng riêng, mở toang tủ áo, đắn đo mãi, chẳng biết lựa cái nào… Anh Khoa! anh muốn em mặc áo màu gì? màu xanh à? nhưng cái áo đó đã cũ rồi, lại chật nữa, dạo này em hơi mập ra. Cái áo màu hồng thì còn vừa, nhưng anh đâu có thích màu hồng? À thôi, hay là để em mặc thử áo cưới cho anh xem nhé? áo cưới đẹp lắm, anh chọn vải thì khỏi chê, tiệm may lại khéo nữa, em mặc vào trông trẻ lại, cứ y như hồi mới mười bảy tuổi. A! nói đến năm em mười bẩy, lại nhớ đến cái bơm xe đạp, anh còn giữ nó không? cất ở đâu rồi? hình như cái xe của em lại bị xẹp lốp…
Tôi cười rũ rượi. Có tiếng Diệu Mi hốt hoảng:
- Trời ơi chị Hạnh! chị làm sao thế?
- Tôi à? chẳng sao hết! tôi đang sửa soạn đi thăm anh cô đây. À, tôi còn phải đem theo cây đàn cho anh ấy nữa, cây đàn này đặc biệt lắm, có một không hai, anh cô chắc là thích phải biết!
Nắng vẫn rực rỡ bên ngoài khung cửa nhà xác, chim chóc vẫn nhảy nhót, ca hót, gió vẫn lồng lộng… Mọi vật đều sinh động, chỉ trừ Khoa của tôi đang nằm im lìm, mắt khép kín. Thế là anh đã chết thật rồi, không phải em đang nằm mơ đâu. Có phải đây là lần chót em được nhìn thấy anh? để rồi sau đó, thân xác anh sẽ đi vào lòng đất, trở thành cát bụi, và em sẽ mất anh vĩnh viễn? Thế là đã tàn rồi mộng ước tương lai, đã mất rồi đôi bờ vai vững vàng cho em tựa, đã hết rồi những tiếng đàn huyền hoặc năm xưa, hết rồi, hết tất cả… Tôi bật lên khóc nức nở, nước mắt như suối vỡ oà, nước mắt rơi ướt mặt người yêu. Khoa ơi! anh vẫn bảo yêu là phải biết đợi chờ, em chờ anh bao nhiêu năm rồi, những lần xa anh, em rất nhớ nhưng không buồn, vì em biết anh sẽ quay về, em sống với hy vọng. Nhưng lần này, anh đi không về nữa, em còn ai mà đợi mong? Cúi xuống hôn chàng một lần cuối cùng, tim tôi đau như sắp vỡ tan thành từng mảnh. Gục xuống thân xác chàng lạnh giá, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, ôi giấc mơ xưa đã tan tành rồi…
Đám ma chàng vào một buổi chiều ảm đạm, không có nắng, trời màu xám, mây xuống thấp như cũng muốn chia buồn. Quan tài phủ lá quốc kỳ màu vàng từ từ được hạ huyệt, những nắm đất ném xuống, dần dần phủ kín hình hài người tôi yêu. Ngày mai, người ta sẽ xây mộ cho cao lên, gắn bia ghi dấu nơi chàng an nghỉ ngàn thu. Tôi ngồi bên mộ chàng rất lâu, chàng nằm đó, dưới ba tấc đất, thật gần mà cũng thật xa. Ngủ yên đi anh! hãy ngủ giấc ngủ bình an, cuộc đời phù du ngắn ngủi, sống gởi thác về, kiếp này chưa vẹn lời thề, chúng ta hẹn nhau kiếp sau.
Mặt trời đã khuất sau rặng cây dương liễu, nắng nhạt dần trên những ngọn cây. Trời sắp sửa tối, gió thổi ào ào như sắp có bão, bụi đỏ bay mù mịt, từng đàn chim xáo xác theo nhau bay về tổ, nghĩa trang không còn bóng người. Mẹ thở dài, dìu tôi đứng lên, tôi lau nước mắt nhìn mẹ, da mẹ nhăn và tóc mẹ đã bạc nhiều rồi, suốt đời bà khổ vì con. Tội nghiệp mẹ, chỉ có một mộng ước đơn sơ mà không đạt được, mẹ mong gả chồng cho hai cô con gái, mà chẳng gả được cô nào. Hẳn mẹ buồn lắm, thương cho đứa con xấu số chưa được làm cô dâu, đã trở thành goá phụ. Mẹ biết rồi đây tôi sẽ sống cô đơn suốt đời, vì bà rất hiểu tôi, đứa con gái yếu đuối nhưng kiên cường, khi yêu, yêu chỉ một lần. Khi cuộc tình đầu đã khép, lòng tôi cũng khép lại. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đã ngả thành màu tím, anh đang ở trên ấy, có thấy cô đơn như em không? Giờ đây đôi ngả âm dương ngăn cách chúng ta, nhưng em tin rằng anh vẫn ở bên em, cho em thêm can đảm để đi nốt quãng đường còn lại, và cho em niềm tin chúng ta sẽ lại đoàn viên, bởi vì anh và em đã thề nguyện yêu nhau chỉ một lần thôi, cho muôn kiếp sau.
PHƯƠNG - LAN
( trích trong tác phẩm Còn chờ một kiếp sau )
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn