(Cảm tác bi hài kịch cùng tên
của nghệ sĩ Nguyễn Dương)
HẢI MINH
“Người Và Ngựa” là bi hài kịch do nghệ sĩ tài danh Nguyễn Dương phóng tác theo truyện “Người, Ngựa, Ngựa, Người” của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Kịch bản trên được hai diễn viên Nguyễn Dương và Thu Tuyết diễn xuất rất đặc sắc. Khán thính giả xem tuồng cười ra nước mắt. Bối cảnh xảy ra vào khoảng cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940 ở thành phố Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông. Câu chuyện xảy ra trong đêm trừ tịch giao thừa ba mươi Tết. Thiên hạ chuẩn bị đốt pháo đón mừng năm mới.
Một người phu ngồi bên cạnh chiếc xe kéo của mình chờ khách. Cả ngày trời, anh ta chỉ kiếm được có hai hào trong túi. Thật thê thảm. Thật chán nản. Hôm nay, xe ế khách quá. Lẽ ra anh ta phải về nhà cùng vợ con chuẩn bị đón giao thừa mừng năm mới. Nhà nghèo khổ, con đông. Gia đình sống nhờ vào chiếc xe kéo của anh. Bởi vậy, anh rán kéo xe không, bước chậm chạp trên đường phố, đợi chờ khách cần đi kêu gọi mình. Bỗng một phụ nữ, mặc áo kim tuyến bóng lộn, mặt mày trang điểm sáng sủa, gọi anh. Cô ta trả giá hai hào một giờ kéo xe. Hai người dằn co một lúc. Anh phu xe đòi tám hào một giờ chở khách. Người đẹp chỉ trà hai hào là cao nhất cho một giờ kéo. Cuối cùng, anh ta phải chấp nhận kéo khách với giá này. Anh ta hỏi địa điểm xuống xe. Cô ta chỉ trả lời bình thản, ngắn gọn:
-Chừng nào tới nơi, tôi sẽ cho biết. Anh cứ kéo đi!
Bỗng cô gái bảo dừng lại. Cô ta hỏi mượn anh hai hào lẻ, số tiền anh có trong túi. Cô ta nói:
- Tôi chỉ xài giấy xăng thôi! Tôi không có tiền lẻ trong bốp. (Giấy xăng tức giấy một trăm đồng, tiền Đông Dương, trong thời Pháp thuộc đô hộ cả ba nước Việt Nam, Lào, Cao Mên lúc bấy giờ)
Anh ta bụôc lòng phải cho khách mượn. Cô ta bỏ đi mua đồ gì đó trong tiệm bên kia đường. Anh xe kéo nhìn cô gái cao ráo, sáng sủa, dáng người ỏng ẹo, thon thả, bước đi vừa rảo mắt nhìn quanh. Anh ta sinh nghi, miệng lẩm nhẩm:
-Ấy chết! Hay cô ta là gái làng chơi đi kiếm khách trên phố.
Chợt anh giựt mình nói khẻ:
- Mặc kệ cô ta là ai. Mình không nên nói thế. Nhỡ cô nàng nghe được, tức giận, mắng nhiếc mình, rồi bỏ đi, không chịu trả tiền xe, thì bù trớt.
Một chốc sau, cô ta trở ra, miệng phì phà điếu thuốc thơm. Thì ra người đẹp đi mua thuốc lá để hút. Cô ta nhìn anh phu xe, tươi cười, đon đả nói:
-Mời anh hút thuốc.
- Cám ơn bà. Con chỉ hút thuốc vấn thôi ạ!
- Xin bà cho biết nơi bà đến, gần giao thừa rồi.
- Chừng nào đến, tôi sẽ cho biết. Anh chạy qua đường Hồng Thập Tự, rạp hát Xi nê...
Cứ thế, cô ta bảo anh phu anh xe kéo suốt ba giờ đồng hồ, cho đến khi tiếng pháo giao thừa đón mừng năm mới, trong đêm trừ tịch lạnh lẽo, nổ vang khắp nơi. Anh phu xe đã chở khách suốt ba giờ đồng hồ. Như thế cô gái thiếu anh tiền xe sáu hào, và tiền mượn hai hào, vị chi tám hào tất cả. Cuối cùng, cô gái phải thú thật mình là ai, vì đường phố lúc này hết người đi lại. Trời gần sáng rồi. Không còn ai rảo bước trên đường vắng như Chùa Bà Đanh nữa. Anh phu dừng kéo xe, yêu cầu cô gái trả tiển. Anh muốn về nhà vì quá mệt mỏi rồi. Lúc này cô ta mới thú thật. Mình là gái bao đi kiếm khách. Gái cho thuê. Gái làng chơi. Nhưng rủi thay, hôm nay ế ẩm quá, không tiếp được ai. Trong túi cô không có tiền trả cho anh xu nào. Trong bốp không còn một cắc. Lấy gì trả công cho anh đây.
Lúc này, anh phu xe mới bật ngữa. Anh ta tức giận vô cùng. Anh mắng nhiếc cô gái ăn sương thậm tệ. Anh đòi khách phải trả tiền cho mình. Ngày 30 Tết, vất vả từ sáng sớm đến khuya mà trong túi không có một xu. Thật là thê thảm. Thật là bi đát. Lấy gì nuôi gia đình đây? Lấy gì lì xì cho vợ con trong mấy ngày Xuân.
-Anh cứ mắng chửi tôi thậm tệ đi. Hay là anh chở tôi xuống Ngã Năm Chuồng Chó.
(Ngã Năm Chuồng Chó là nơi hang ổ gái điếm. Nhiều Thiên Thai Tiên Động mọc lên như nấm tại đây, lúc bấy giờ)
Đường xa quá, sức anh ta kiệt rồi. Làm sao chở cô ta đi đây?
-Tại sao cô không chịu nói sớm cho tôi biết? Tôi sẽ chở cô đến các nhà chứa trong thành phố, có phải nhanh không?
Cô ta nài nĩ:
- Thôi anh rán chở tôi một giờ nữa. May tìm ra khách, tôi sẽ trả anh tám hào và biếu anh thêm hai hào nữa, là một đồng.
Cực chẳng đã anh phải đưa cô ta trên đường thêm một giờ nữa. Bỗng cô ta trông thấy một người đang rảo bước trên hè phố.
- Anh ơi! Có khách kia. Anh hãy dừng xe.
Anh phu vội vã ngừng kéo, bảo cô ta:
- Hãy gắng lên nhé! Cố lên, cô ơi!
Cô gái tiến lại, đon đả mời khách. Nhưng ông ta nói nhanh:
- Cô cần gì? Cô cần hỏi đường phải không? Hãy lại hỏi anh xe kéo đằng kia!
Anh xe kéo nghe thế vội chạy lũi, trốn dưới gầm xe, chiếc mũ chụp phủ che mặt. Cô gái trỗ tài mời khách lả lơi, mơn trớn, nài nĩ, giọng ngọt ngào, õng ẹo, ĩ ôi.
- Em là thân gái dặm trường, từ quê lên, anh ạ! Mong anh thương tình, giúp đỡ em. Em sẽ hầu hạ anh hết mực đêm nay.
- Xin lỗi cô. Tôi không có tiền đâu. Vợ tôi sắp sanh rồi. Tôi đi mời docteur đây! Cô hãy tìm người khác.
Thế là cô gái làng chơi thất vọng tiến lại, không có tiền thanh toán cho anh phu xe nghèo khổ kia. Anh ta khóc lóc thê thảm chửi bới cô gái thậm tệ. Anh ta dọa đưa cô ta tới sở cảnh sát, nếu cô ta không trả tiền. Cô gái tức giận, lì lợm, chả sợ gì cả, tiến lại ngồi lên xe kéo, nói ngay:
- Anh hãy chở tôi lại đồn cảnh sát đi! Tôi không có tiền trả bây giờ.
Nghe thế, anh phu xe chới với. Anh chỉ dọa cô ta thôi. Anh cảm thấy trong người mệt lả, làm sao chở thị lại đồn cảnh sát xa lắc xa lơ, tận phía bên kia phố.
Cô ta cởi chiếc đồng hồ đeo tay đưa ra:
- Hay anh lấy chiếc đồng hồ này đi trừ nợ.
Nhưng anh ta không nhận. Cô ta nhìn anh đau khổ, thất vọng, van lơn tha thiết, thiếu điều muốn lạy anh:
-Hay là anh chở em tới một chỗ kín đáo nào đó. Anh muốn làm gì em cũng được. Em cũng chìu anh hết.
-Tôi lạy bà. Tôi sợ lắm, bà ơi!
- Anh yên tâm! Ngày hôm qua, em đi khám bác sĩ rồi. Em không có bịnh đâu. Đừng sợ. Đàn ông gì mà nhát vậy! Hãy chở em đi anh. Em không có tiền trong túi đâu.
-Khám hay không khám gì, cũng thế thôi. Tôi mệt lả người rồi. Tôi lạy bà.
Cuối cùng, cô ta yêu cầu anh chở mình lại nhà cô. Trong nhà, có gì quý giá anh cứ lấy để trừ nợ. Bất đắc dĩ, anh ta phải kéo xe đưa cô gái ăn sương về nhà nàng. Trời đã sáng tỏ. Đêm trừ tịch giao thừa đã trôi qua một cách nhanh chóng. Anh phu xe kéo một chốc mệt lả ngã nhào xuống đường. Thật là thê thảm. Thật là khổ đau. Thật là bi đát. Bi hài kịch chấm dứt.
Trong xã hội đương thời. đa phần dân nghèo khổ đói rách lầm than hết nói. Bởi thế nhiều cô gái con nhà bần hàn, phải kiếm ăn, sinh sống bằng nghề ăn sương, gái cho thuê, gái lầu xanh. Các động mãi dâm, nhà chứa, mọc lên như nắm tại các đô thị, thành phố lớn. Thời nào cũng có kẻ giàu người nghèo. Giàu thì ít mà nghèo thì chiếm đa phần trong xã hội. Dân bần cùng đói rách, dân bụi đời, dân homeless, nơi nào cũng có. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hiện nay, trên thế giới có tới hơn hai tỷ tám trăm triệu dân nghèo, họ kiếm chưa tới hai đô la mỗi ngày. Như thế có tới nửa số dân trên hoàn vũ (có khoảng sáu tỉ người ngụ trên hành tinh này) lâm cảnh nghèo đói thíếu thốn trong cuộc sống hằng ngày.
“ Bao tử nợ đòi từng bữa
Con người nghèo khổ, điêu linh.
Gái bao lang thang khắp phố
Biết bao thảm kịch gia đình.
Xe kéo, dân mình vất vả
Ngày xưa phố xá lang thang.
Kiếm ăn vô vàn cực khổ
“Ngựa- Người” bi kịch chàng- nàng “HẢI MINH |