(Cảm tác băng giảng của
Thầy Thích Pháp Hòa)
MINH CẦN
Có thể nói hạnh tu Bao Dung và Nhẫn Nhục rất quí hiếm trong cõi trần đầy khổ đau và hệ lụy này. Bao dung và nhẫn nhục đem lại niềm vui trong cuộc sống hằng ngày của nhân sinh. Thầy Pháp Hòa chuyên tu hạnh Ban Vui, Bao Dung và Nhẫn Nhục. Ngay từ hồi mới xuất gia, tóc còn để chỏm, thầy đã cố gắng tu hạnh nhẫn nhục, đại lượng, bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác tác hại đến thầy. Thật vậy, thầy kể lại trong băng giảng, lúc thầy mới qua Canada, thầy còn trẻ, đi học. Tuy đầu cạo nhưng còn để một chùm tóc. Đó là quy luật của chùa dành cho các chú tiểu mới xuất gia và thọ giới sa di. Phải một thời gian thử thách và lớn tuổi hơn, mới trở thành thầy tu hành chính thức. Lúc thầy cắp sách đến trường hằng ngày ở xứ nguời, thầy bị đám học trò cùng trường, cùng lớp, chọc ghẹo dài dài. Có đứa nắm tóc thầy giựt mạnh đau điếng. Có cậu xé bài làm của thầy. Cũng có đứa đánh thầy tơi tả. Một số học trò bản xứ chế nhạo, mắng nhiếc, nói nặng thầy, nhưng thầy đều nhẫn nhịn chúng, tha thứ sự sai quấy của chúng.
“ Trẻ con nông nỗi, ngông nghênh
Chúng ưa hiếp đáp, học sinh nước ngoài.
Hung hăng, nghịch ngợm, đùa dai
Mặc cho người khác khổ dài tủi thân
Cái ta coi nhẹ, tập dần
Người tu an lạc vô ngần cõi tâm “.
Thầy là kẻ tu hành, là dân tị nạn, công dân loại hai nên thầy luôn giữ:
“ Lời nói là bạc. Im lặng là vàng “
“ Hạnh tu nhẫn nhục -bao dung
Ai mà giữ được, vô cùng an vui.
Làm cho tươi mát cuộc đời
Hận thù, tranh chấp xa rời nhân gian.
Tạo nên trần tục thiên đàng
Lo âu, phiền não lang thang mịt mù.
Thong dong, tự tại, vô ưu
Từ bi bác ái giúp người khổ đau “
Tấm gương bao dung nhẫn nhục của Thị Kính ngày xưa vẫn truyền tụng mãi trong dân gian. Bà không giận hờn ông chồng bạc đãi mình và cha mẹ chồng xử tệ với mình. Bà bỏ nhà ra đi, cải trang nam nhân, xuất gia tu hành. pháp danh Kỉnh Tâm. Thị Mầu đi lễ chùa gặp chú tiểu đẹp trai mê tít. Nàng si tình, theo tán tỉnh mãi không được. Cô ta tự ái, yêu không được, trở nên tức giận chú tiểu Kỉnh Tâm vô cũng. Cô ta dan díu với anh chàng làm việc cho nhà mình. Rồi Thị Mầu có bầu. Nàng vu cáo cho chú tiểu kia. Đó là Thị Kính cải trang nam nhân tu hành trong chùa. Bà vẫn từ bi nhẫn nhục, đại lượng tha cho Thị Mầu cũng như những kẻ đã đối xử tệ bạc với bà. Thế là bà bị vị sư trù trì đuổi ra khỏi chùa vì tội dan díu với nữ giới, có con. Thật nhục nhã cho chốn Già Lam thanh tịnh tu hành. Bà phải nuôi đứa trẻ do Thị Mầu sanh ra. đem lại giao cho bà. Cuối cùng vì khổ quá, bà bịnh chết. Bà vẫn không hề đính chính, thanh minh thanh nga nỗi oan tình của mình. Cũng không chút thù hận những kẻ hãm hại mình ra nông nỗi này. Cho đến khi nhà sư phát hiện ra nàng là gái giả trai thì đã muộn màng. Nhờ hạnh tu bao dung- nhẫn nhục mà Thị Kính được Đức Phật phóng quang tiếp dẫn trở thành Quan Thế Âm Bồ Tát.
Gương bao dung -nhẫn nhục được ca tụng và vinh danh trong các sách kinh của Đạo Phật. Chẳng hạn ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát trong Kinh Pháp Hoa, luôn luôn kính trọng nễ nang người khác. Ngài gặp ai cũng khen ngợi chào hỏi, nói năng từ tốn, khiêm nhường, lễ độ, tôn kính. Ngài coi họ như những vị bồ tát, những vị Phật tương lai. Nhiều kẻ cười chê, hủy báng, nhục mạ ngài, nói xấu ngài, ngài vẫn tươi cười nhẫn nhịn bao dung tha thứ cho họ. Vì thế ngài mới có biệt danh Thường Bất Khinh Bồ Tát.
Ngài Xá Lợi Phất, gốc Bà La Môn Giáo, cha mẹ giàu có, lại là con một trong gia đình. phú hộ. Song thân ép ngài cưới cô gái xinh đẹp làm vợ. Cô này cũng tu hành như ngài, nên tuy là danh nghĩa phu thê, để làm vừa lòng cha mẹ, họ sống chung phòng, nhưng nằm riêng, không hề quan hệ tình dục trong nhiều năm. Sau hai người trở thành đệ tử Phật Thích Ca. Một số ni cô cùng tu với vợ ngài Xá Lợi Phất, cứ dị nghị hai người, nguyên là vợ chồng nhau, chắc còn liên hệ tình cảm “ Tình cũ không rủ cũng tới”. Ngài Xá Lợi Phất nghe thế, không hề trách móc, giận hờn họ, cũng không cần thanh minh biện hộ chi cả. Ngài bao dung, nhẫn nhục tu hành. Ngài xa lánh hẳn cô vợ, chỉ có danh mà không hề ăn nằm, nay cùng vào chùa quy y cửa Phật. Sau ngài đắc quả A La Hán. Ngài nổi danh là đệ tử, đệ nhất trí tuệ của Đức Thich Ca Mâu Ni Phật. Bà xã của ông, sau thời gian tu hành năng nỗ, khiêm cung, bao dung, nhẫn nhục, cũng chứng quả A La Hán như ông.
“ Bao dung- nhẫn nhục, khó tu
Tập dần, ngã chấp êm ru, nhạt nhòa.
Từ- bi- hỷ- xả nở hoa
An vui hạnh phúc sáng lòa cõi tâm.
Hận thù ghen ghét xa tầm
Êm đềm cuộc sống Thiên Đàng cõi đây. ”MINH CẦN |