Gửi: Sat Mar 23, 2013 2:31 am Tiêu đề: Vu vơ vụn vặt vớ vẩn
Vu vơ vụn vặt vớ vẩn
Tôi già rồi, mà lại còn đãng trí nữa.
Sáng ngủ dậy, tôi quơ tay lên bàn tìm đôi mắt kiếng, không thấy đâu, tôi lại tiếp tục quơ tay thêm vài vòng nữa, cũng không có.
Chết rồi! Không có cặp mắt kiếng thì tôi là thằng đui rồi, tôi bật dậy nhẩy vội xuống giường, tiếp tục quơ quơ đôi tay tìm đôi mắt kiếng. Trên bàn... không có, đưới đất... cũng không, gầm giường... cũng chẳng thấy. Chợt tôi đưa tay lên mặt, thì đôi mắt kiếng đang nằm sờ sờ trên mũi tôi đấy thôi, đêm qua trước khi đi ngủ tôi đã không tháo mắt kiếng ra.
***
Tay vân vê lon beer mát lạnh, tôi khoan khoái ngả người trên ghế sopha, theo dõi cuốn phim James Bond trên màn ảnh LCD khổ lớn, cuốn phim thật hấp dẫn và gay cấn nhưng không gây cho tôi một chút hồi hộp nào, chẳng nhớ tôi đã coi những cuốn phim này lần thứ mấy. Cứ nhàn rỗi là lục trong đống DVD hỗn độn, tùy theo tâm trạng của tôi lúc đó, có thể tôi lựa đại một phim xã hội đen, phiêu lưu mạo hiểm, hoạt họa hay phim tập hong kong... nào đó.
Một tiếng "kong" vang lên, tôi liếc mắt lên cái đồng hồ treo tường, đã 7 giờ tối, giờ tin tức của đài SBS tiếng Việt. Thời đại ngày nay, tin tức trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh, internet thì biết cơ man nào, chẳng ai có thể theo dõi hết tất cả tin tức được. Vậy vấn đề đặt ra, làm sao chỉ cần xem hay nghe những tin tức nào liên quan hay ảnh hưởng đến mình thôi, cần có những chuyên viên lọc lựa tin tức cho mình, đài SBS tiếng Việt này lựa tin cũng tầm bậy lắm, nhưng có còn hơn không là chính mình mất bao nhiêu thì giờ lọc lựa trên internet.
Với tay lấy cái remote control, tôi mở đài radio SBS, tiếng phát ngôn viên của đài vang lên. Nhưng sao tôi nghe không rõ nhỉ, tiếng được tiếng mất. Cái radio này tôi chỉ dùng để nghe đài SBS thôi, không sử dụng để nghe bất cứ đài nào khác, mà cũng bị lạc đài à. Tôi đưa tay chỉnh volumn trên remote control, tiếng nghe lớn hơn, nhưng vẫn không rõ ràng, tôi lại chỉnh balance, synth... vẫn không nhận ra được người phát ngôn viên đài phát thanh đang nói gì, chỉ nghe loáng thoáng.
Chắc tại antenn lệch hướng rồi, thế là lại mất công nhẩy xuống đất đến bên cái radio, nắm cần antenn điều chỉnh. Tôi xoay antenn đã đủ kiểu, đủ hướng nhưng vẫn không nghe khá hơn. "Thế lày nà thế lào?".
Chợt "tạch, tạch, tạch,.... Ầm". Trên màn ảnh TV, chàng James Bond đang xả súng về phía quân thù.
Thì ra, tôi mở TV với âm thanh ầm ầm thế kia thì còn nghe radio thế nào được?
Gửi: Mon Mar 25, 2013 5:23 am Tiêu đề: Ngày giỗ của tôi
Ngày giỗ của tôi
Ơ hơ! Sao lại là ngày giỗ của tôi? Chẳng phải tôi đang sống sờ sờ, đang gõ lọc cọc những dòng chữ này đấy sao? Chẳng lẽ tôi có tài biết trước được vị lai, biết được mình sẽ chết vào ngày 25 tháng 3 này? Biết đâu đấy!
Nếu quý vị bực mình hay khó chịu khi lỡ bắt gặp một câu chửi thề hay khiếm nhã, thì hãy dừng nơi đây, đừng đọc tiếp. Xin cám ơn
Phá Tam Giang, ngày 25 tháng 3, năm 1975
Những tiếng động ồn ào và huyên náo làm tôi thức dậy, chung quanh tôi ngổn ngang nào súng ống, máy móc, quân dụng, quân trang... hỗn độn, tôi đang ở đâu nhỉ?
Ký ức thoáng hiện lướt rất nhanh qua trí óc, chúng tôi được lệnh rút quân xuống bến tàu Tân Mỹ, bên bờ phá Tam Giang này, chờ tàu Hải Quân di tản về Đà Nẵng từ ngày 23 tháng 3. Chúng tôi là đơn vị quân đội đầu tiên được lệnh di tản chiến thuật từ trung tướng Thi, tư lệnh Quân Đoàn 1 tiền phương. Khi chúng tôi đến bến tàu Tân Mỹ, thì tất cả vắng ngắt, chúng tôi chiếm ngay vị trí sát cầu tàu. Phá Tam Giang rộng mênh mông, rải rác đó đây vài chiếc gọ (người Huế gọi ghe, thuyền là gọ) của ngư dân đánh cá, và bên kia xa thẳm mờ dưới chân mây là cửa Thuận An, tàu Hải Quân sẽ vào đón chúng tôi từ lối đó. Nhưng đã 2 ngày, vẫn chưa thấy tàu đâu mà chung quanh chúng tôi lại cơ man nào đủ màu áo lính, áo thường dân, tiếng nói cười ồn ào, huyên náo, liên miên bất tận, phải nói là cả trăm ngàn người lính, người dân đã đổ dồn về bến tàu này, bến tàu không còn rộng mênh mông nữa, trở nên chật hẹp, việc di chuyển phần nào đã khó khăn.
Ngay sát cầu tàu, có một chiếc tàu sắt rất lớn, nhưng trên boong tàu lại vắng ngắt, lác đác đó đây những bà mẹ, những em gái ngơ ngác ngồi thu mình dưới một vật che chắn nào đó. Tôi biết đây là tàu Hải Quân có nhiệm vụ di tản dân chúng, vậy mà dân chúng chẳng chịu lên tàu lại cứ bám theo lính, có lẽ họ không an tâm lên tàu dành riêng cho dân chúng, bám theo lính chúng tôi còn hy vọng được săn sóc, được bảo vệ che chở khi gặp đối phương.
Đêm qua, trong lúc chúng tôi muốn tìm một giấc ngủ để giải tỏa phần nào những buồn chán mỏi mệt vì chờ đợi, nhưng chẳng thể nào ngủ được với những tiếng cười nói huyên náo này. Tôi và thiếu úy Thanh, ngồi hút thuốc và đấu láo cho qua đi đêm dài, thì bất chợt có tiếng nói:
- Phải mày không, Thanh?
Tôi ngẩng lên, dưới ánh đèn heo hắt có bốn người lính Lôi Hổ, thiếu úy Thanh reo lên mừng rỡ:
- Phải mày không, Bảo?
Cả hai xông đến, ôm chầm lấy nhau hỏi thăm hàn huyên, Thanh và Bảo kéo tôi và ba người lính Lôi Hổ kia ngồi chung lại thành một nhóm và giới thiệu nhau.
Thiếu úy Bảo, chợt nói:
- Cố tri đã 5 năm mới gặp lại nhau thì phải có rượu uống mới đã.
Dứt lời thiếu úy Bảo lôi trong ba lô ra chai rượu tây, chỉ cần thoáng qua tôi cũng biết đây là chai rượu rất đắt tiền. Bảo huyên thuyên nói :
- Lúc chiều, khi rút quân qua Huế, thấy một biệt thự bỏ trống, tao vào lục soát xem có vật gì đáng giá không? Mình không lấy bỏ lại cho VC lấy thì uổng quá, nhưng chẳng kiếm được thứ gì ngoài một tủ rượu, tao lấy một chai champage này.
Một người lính Lôi Hổ lôi trong túi ra một bộ ly pha lê lóng lánh, đặt trước mặt mỗi người một cái. Những cái ly thật đẹp, hình thuôn dài, có lẽ bỏ vừa đủ một trái chanh. Bảo khui chai rượu với một tiếng nổ dòn dã, lần đầu tiên trong đời tôi mới tận mắt chứng kiến thế nào là khui champage, lúc đưa ly lên đón dòng rượu Bảo rót cho, tôi thấy những bọt nước ly ty sủi lên trong ly, có những giọt sủi mạnh quá bắn cả ra ngoài miệng ly rơi trên tay tôi mát rượi, một cảm giác rất dễ chịu. Tôi lôi trong ba lô ra một lon xúc xích, những người lính Lôi Hổ nhanh chóng đốt lên những viên xăng đặc nướng xúc xích, chúng tôi nhâm nhi champage, nói cười rất vui vẻ.
Một chai champage cho sáu người thì chỉ đủ mỗi người hơn một ly là cạn, Thanh nói :
- Mày đã lấy rượu thì lấy chục chai uống mới đã, chứ một chai thì uống chẳng bõ.
Bảo chửi thề:
- ĐM, mày nên biết rằng tụi tao phải chạy bộ hai ngày nay, từ Quảng Trị tới Huế, rồi từ Huế về đây, chạy gần hai trăm cây số chân cẳng còn rã rời, thì một gram đối với tao cũng nặng cả chục ký.
Một người lính Lôi Hổ hớp những giọt rượu cuối cùng, rồi đưa ly lên ngắm nghía và ê a:
- Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi (Bồ đào, chén ngọc ngon thay, Lên yên sắp uống, tiếng tỳ dục đi).
Tự nhiên tôi díu mắt lại, champagne thơm ngát, ngon ngọt dễ uống nhưng cơn say kéo đến mau quá, tôi ngã người gác đầu lên ba lô, thôi thì "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (Say nằm xin chớ cười chi. Xưa nay ra trận, mấy khi ai về).
Nhờ chai champage mà tôi qua được một đêm dài, thiếu úy Thanh vẫn còn nằm đó bên tôi. Những người lính Lôi Hổ đã biến đâu mất cả, tôi dõi mắt tìm nhưng chẳng thể nào tìm được giữa một biển người trùng trùng điệp điệp như thế này. Tôi hơi lạnh người khi nghĩ đến, đêm qua chỉ cần một chàng du kích với vũ khí hạng nặng trà trộn vô đây, thì anh ta có thể dễ dàng hạ sát cả trăm hay cả ngàn người lính chúng tôi.
Gửi: Mon Mar 25, 2013 10:42 am Tiêu đề: Ngày giỗ của tôi (tiếp theo)
Mới 7 giờ sáng. Tôi đứng dậy, không biết còn phải chờ đợi đến bao nữa, chắc phải đi tìm đại úy Văn hỏi tình hình cho đỡ sốt ruột thôi, đi một vòng quanh chỗ đơn vị tôi đóng nhưng không thấy đại úy Văn đâu, thượng sĩ Thường cho tôi biết đại úy Văn đang ở trong căn cứ hải quân, liên lạc về Đà Nẵng. Trở lại chỗ cũ thì thiếu úy Thanh cũng đã bỏ đi, tôi đứng tần ngần nhìn chiếc tàu sắt có nhiệm vụ di tản dân chúng, boong tàu vẫn vắng vẻ.
Một giọng nói vang lên:
- Thiếu úy!
Tôi ngoảnh đầu lại, một người lính với bảng tên Tuyền trên ngực áo, bên cạnh Tuyền là một cô gái trong bộ bà ba nâu ẵm một đứa bé có lẽ vài tháng tuổi, tôi biết Tuyền là một người lính trong Nam ra, phải lòng cô gái Huế, họ đã có với nhau một đứa con. Tôi nhướng nhướng mắt, ra hiệu "muốn gì thì nói đi".
Tuyền lễ phép:
- Trình thiếu úy, cho phép em đưa vợ con lên tàu.
Tôi gật đầu:
- Ừ! Đưa vợ con lên tàu đi.
Tuyền dắt người vợ trẻ băng đi, hướng tới chiếc tàu có nhiệm vụ di tản dân chúng. Cô tiểu thư trang đài đất thần kinh, không còn mặc áo dài trắng gánh đôi gánh bún bò giò heo bên chợ Đông Ba nữa, đã lột xác thành nàng thôn nữ.
Một giọng nói sau lưng tôi:
- Thiếu úy không sợ thằng Tuyền trốn đi luôn sao?
Tôi vừa quay lại vừa cười khẩy:
- Người đông như thế này thì nó muốn trốn lúc nào, tao cũng đếch biết, huống hồ nó lại đàng hoàng xin phép tao.
Sáu hay bẩy người lính đã ngồi trước mặt tôi từ lúc nào, tôi điểm mặt, đều là những khuôn mặt quen thuộc cả, nhưng tôi chợt nhớ ra:
- Ủa! Mà thằng Tuyền đâu phải lính của tao, sao nó lại xin phép tao? Cả tụi mày cũng vậy, mày là lính thằng Sanh phải không?
Người lính cúi đầu nói nhỏ:
- Thiếu úy Sanh, thiếu úy Tài đã trốn mất đêm qua rồi.
Giọng nói buồn bã nhưng không có vẻ gì là trách móc cấp chỉ huy hèn nhát chưa đụng trận đã đào ngũ, bỏ rơi lại những người lính thuộc cấp bơ vơ.
Tôi nghiến răng: "Hừ! Thằng Sanh, thằng Tài, khi về Đà Nẵng tụi mày sẽ chết với tao, tao sẽ đem tất cả chuyện tụi mày tham nhũng, chuyện tụi mày ăn cắp quân trang quân dụng, báo lên chỉ huy trưởng, tụi mày sẽ đi tù mọt gông".
Tôi nói:
- Cấp trên thằng Sanh, thằng Tài là trung úy Kim mà, tụi mày phải theo trung úy Kim chứ, sao lại theo tao?
- Thiếu úy cũng biết, trong đơn vị mình thì thiếu úy là sĩ quan duy nhất trong Nam ra, tụi em cũng trong Nam ra vậy, tụi em theo thiếu úy thì mới hy vọng trở về được miền Nam.
Tôi chắc lưỡi:
-Thôi! Cũng được. Tao về được miền Nam thì tụi mày cũng về được vậy.
Những ánh mắt của các người lính đều long lanh rực sáng trên khuôn mặt hân hoan, vui vẻ, tin tưởng một ngày mai tươi đẹp. Cả tôi cũng vậy, chúng tôi không thể thua, chúng tôi chỉ di tản chiến thuật về Đà Nẵng, rồi sau đó sẽ tái chiếm lại Huế và Quảng Trị trong vài tháng tới, tôi sẽ lại thong thả theo sau các cô nữ sinh Đồng Khánh trên cầu Trường Tiền. Nếu như lúc đó, có một vị thần hiện đến bên tôi và bảo: "Tàu còn đó, chạy mau đi! Miền Nam sắp mất rồi!" Không chừng thiên thần đó sẽ được ăn vài phát đạn của tôi.
Tàu còn đó, boong tàu dường như nhộn nhịp và đông người hơn, nhưng vẫn còn rộng rãi. Chỉ cần vài chục bước chân là tôi có thể lên tàu dễ dàng. Nhưng tôi đâu có thể rời bỏ vị trí được. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội mà.
Tuyền đang len lỏi trở lại, chờ Tuyền đến gần, tôi hất hàm:
- Sao không đi chung với vợ con mày? Rồi ai lo cho nó?
Tuyền cười mà méo xệch:
- Vợ em tự lo lấy được rồi, em phải theo thiếu úy chứ!
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn