TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NINH THUẬN QUÊ TÔI MIỀN GIÓ CÁT
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NINH THUẬN QUÊ TÔI MIỀN GIÓ CÁT

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Wed Aug 13, 2008 1:56 pm    Tiêu đề: NINH THUẬN QUÊ TÔI MIỀN GIÓ CÁT
Tác Giả: THANH NGÂN





NINH THUẬN QUÊ TÔI MIỀN GIÓ CÁT VỀ THĂM NINH THUẬN

THANH NGÂN

Sau 13 năm lưu lạc ở xứ người, tôi trở về thăm lại quê hương, Ninh Thuận quê tôi, miền gió cát.
Thật vậy, các bạn ạ! Từ Sài Gòn ra Phan Rang, ngồi trên chiếc xe chở khách (Xe 14 chỗ ngồi) tôi hồi họp đón chờ sẽ gặp lại phố xá thân thương, phong cảnh quen thuộc, làng xóm láng giềng, cùng với những bạn bè sau bao năm xa cách. Tháng 10 vẫn còn nắng chang chang, cái nắng không chói chang gắt gỏng, cái nắng như thuở nào. khiến tôi yêu vô cùng cái nắng của Phan Rang. Cứ đi xa mới thấy ý nghĩa thân thiết của cái nắng ở quê mình.
- Sắp tới Phan Rang rồi đấy! Quý vị nào tới đâu, xin báo trước (Xe đưa đón tới tận nhà). Tiếng anh lơ xe vang lên. Mọi người nhao nhao:
- Cho tôi xuống Thiền Cũ.
- Cho tôi xuống Đài Sơn,
- Tôi xuống Ga Tháp Chàm.
- Dừng lại Chợ Phan Rang.
- Chú làm ơn cho tôi xuống Cầu Đạo Long.
- Ủa! Mà sao lạ! Qua khỏi Cà Ná một đoạn đường khá xa, tới ngã ba rẽ vào một con đường mới rộng thênh thang. Trong trí nhớ của tôi là phải đi qua Bình Quý, Long Bình, An Thạnh gì đó. rồi mới tới Cầu Đạo Long. Như vậy, chị em chúng tôi phải là người xuống trước chứ! Thế mà xe chạy những nơi đâu đâu tôi không hề biết tới. Lạ quắc! Tôi đưa tay khèo em tôi:
- Thủy! Sao cảnh lạ vậy? Chị không nhận ra gì hết!
Em tôi cười:
- Phan Rang đổi mới rồi chị ạ! Con đường mới phóng, rộng lớn, không còn nạn kẹt xe như xưa nữa.
Tôi bỡ ngỡ ngồi im thin thít. Rõ là mình quá “quê”, quê một cục...
Tôi về Phan Rang với nhiều trọng trách:
Trước tiên là phải tìm cho ra ngôi mộ của con trai tôi, cải táng rồi đem lên Đà Lạt chôn cất đàng hoàng, mộ nằm bên cạnh mộ bà Ngoạị và mộ cậu mợ của cháu để có người hương khói, chăm sóc. Việc tìm ra ngôi mộ không phải là chuyện dễ. Trước khi đi Mỹ, chúng tôi đã cải táng cháu một lần rồi. Lần đầu cải táng rất là sơ sài, bởi vì chúng tôi rất nghèo, rất là vội vã, mộ của cháu nằm dưới chân núi Cà Đú, chỉ là mấy tảng đá núi lấp lại. Cây cỏ mọc um tùm, che lấp, chỉ nhận ra được là nhờ tấm bia, có ghi rõ tên họ, năm sinh, năm chết... mà cũng nhờ các em nhỏ chăn trâu (mục đồng), dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, quen thuộc lối, điểm vùng núi này.
- À cháu đã tìm ra rồi! Cô phải cho tiền cháu đấy!
Việc tìm kiếm kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ. Từ 4 giờ chiều đền 7 giờ tối. Tôi đã nhiều lần khấn thầm cháu:
- Con có linh thiêng cho mẹ tìm ra con. Đứa con yêu của mẹ. Đứa con xấu số đáng thương của mẹ!
Bốc mộ từ lúc 3 giờ đêm. Bốc mộ và chôn xuống lại phải cùng một ngày (tôi đã đi coi thầy). Chuyến đi bắt đấu từ Đà Lạt gồm ba chiếc xe xúp (xe gắn máy). Tất cả là 6 người (3 đưa cháu và tôi cộng với 2 người chuyên cải táng mộ). Xuống tới Phan Rang, nghỉ đêm tại Văn Lâm (nhà người quen).
Đúng 3 giờ sáng mọi người đã có mặt. Đoàn người lặng lẽ đi đêm, đến chân núi Cà Đú như những bóng ma. Khi đã vào đến nơi, chú Niệm và chú Lộc cầm hai ngọn đèn Nêon đưa lên cao cho mọi người thấy đường. Tuyết, cháu gái tôi, không chuẩn bị giày leo núi nên bị té đưa 2 chân giày cao gót lên trên, may mà dưới hố không có đá cục. Tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng đá cục vang lên thình thịch. Trong vòng 5 phút đã thấy đất đen hiện lên. Không còn cái quách, không còn hình hài, xương cốt gì hết, chỉ là cát bụi và đất đen ngòm...
- Hai chú chịu khó tìm kỹ một chút.
Quá đau lòng... tôi buột miệng nói. Dưới ánh đèn điện, chú Niệm và chú Lộc đã tận tình tìm kiếm. Kết quả là đã tìm ra 3 khúc xương nhỏ còn lại. 1 xương hàm mặt, 1 xương ống chân và 1 xương đốt xương sống, cùng với một mớ đất đen, tất cả được bỏ vào cái quách (thứ hai). Chú Niệm đóng nắp quách lại rồi cho vào túi xách. Túi xách chật, chú Niệm khấn:
- Thôi chui vào đi anh Dũng ới!
Tôi phụ họa:
- Con mà lôi thôi là mẹ đánh đòn.
Công việc kết thúc vào lúc 4 giờ sáng. Mọi ngưới tiến ra đường cái. Tôi lo lắng sợ đi đường gặp khó khăn. Đoàn người đi ngay trong đêm, tranh thủ lên Đà Lạt chôn xuống cho kịp giờ. Tôi rất hồi họp khi qua các trạm công an. Tôi luôn khấn thầm con tôi phù hộ. Quả thật con đã phù hộ, công việc đã trót lọt. Cám ơn Trời Phật. Cám ơn trên. Cám ơn mọi người đã giúp tôi hoàn thành TÂM NGUYỆN...

o0o


Trọng trách tiếp theo là:
Dự đám cưới của một đứa cháu trai, cháu Thông (cha mẹ cháu, tức là anh ruột và chị dâu tôi đã mất sớm), đứa cháu côi cút, chỉ còn anh, chị đứng ra tổ chức đám cưới, cưới vợ cho em.
Trước đó một tuần, tôi được dự đám giỗ của người anh, tức là cha của cháu Thông, một người anh duy nhất, đã mất đi sau cơn bạo bịnh, và đứa em gái này đi Mỹ mới có một năm, không về được để thấy mặt anh lần cuối.
13 năm sau về dự đám Giỗ, đám cúng cơm của anh. Sự họp mặt đông đủ của gia quyến gia tộc nhân ngày GIỖ, âu cũng là một sự sắp xếp, một cơ duyên... Cô cháu hàn huyên tâm sự... Biết bao vui mừng, buồn tủi.
- Trông thấy cô như trông thấy lại ba con. Cô và ba con giống nhau như hai gịọt nước, gíống nhau như đúc.
Môt đứa cháu quá xúc động, đã nói lên điều đó.
Đám cưới diễn ra ba nơi:
Quận Đức Trọng.
Họ đàng gái tổ chức thật long trọng vì cô dâu và chú rể đều đã tốt nghiệp kỹ sư. Đám cưới thật nở mặt, nở mày cho hai họ. Họ đưa nhau đến nhà thờ để cha xứ làm lễ. Mọi người tham dự thật đông đủ, trang nghiêm. Sau đó là đãi đằng. Có văn nghệ ca hát giúp vui.
 Thành phố Đà Lạt Họ đàng trai.
Làm lễ gia tiên, lạy ông bà. Nghi lễ tiến hành chu đáo, không kém phần thân mật, ấm cúng, đậm đà. Nơi đây, tôi được lần lượt quay phim và chụp hình với từng cặp vợ chồng của từng đứa cháu ruột. Anh tôi có tất cả bảy người con, hai trai và năm gái. Tất cả đã lập gia đình, chỉ đứa út còn đang học Đại học Ngân Hàng năm thứ ba tại thành phố Sài Gòn. Tội nghiệp các cháu tôi, cha mẹ chết đi, chết rất trẻ vì tật bịnh. Đứa lớn thương yêu chăm sóc đứa nhỏ. Đứa nhỏ nghe lời anh, nghe lời chị. Tất cả đều nên người... Anh chị tôi dưới suối vàng chắc cũng được toại nguyện.
Tại Sài Gòn.
Các cháú đãi đằng bạn bè và cơ quan, nơi cô dâu và chú rể làm việc. Nhà hàng Bách Việt, đặc biệt nhà hàng này đã thu nhận cháu Thông chạy bàn khi cháu Thông còn là sinh viên năm thứ hai (vừa đi học, vừa đi làm).
Trọng trách thứ ba là thăm viếng bà con, họ hàng, bạn bè, thân thuộc. Tôi trở lại Phan Rang, chỉ một xe gắn máy, cô em chồng đã chở tôi đi khắp nơi. Đầu tiên là thôn Phước Khánh, làng Thuận Hòa (Quê chồng). Phước Khánh ngày nay đã đổi thay, đường sá đã mở rộng. Những ngôi nhà ở mặt đường đã được xây cất sửa sang lại rất mỹ quan. Trạm xá, trường học, chùa chiền đều mới mẻ, khang trang... Chị em chúng tôi đèo nhau lên tới Đá Hàn (Ninh Quý), rồi đến An Xuân (Bà Láp) thăm bà con. Chiếc xe chạy bon bon trên đường, tôi ngồi phía sau, gió mát rượi, vô cùng thích thú, chỉ hơi phiền là cả hai phải đội hai chiếc nón “Bảo hiểm lao động” nặng trịch trên đầu.
Kế đó, chúng tôi đi làng Tri Thủy (theo đường xuống Ninh Chữ), đi Nại... Hòn Đá Chồng vẫn nằm trơ trơ ra đó, thi gan cùng tuế nguyệt. Dân làng vẫn còn đánh xe bò và buôn thúng, bán mẹt, họp chợ sáng sớm, tan dần vào buổi trưa.
Dân làng Văn Sơn không còn trúng mùa hành tỏi như thuở nào... Ôi thê thảm, tiêu điều, vắng vẻ...?
Nhà nước đầu tư ở những con đường "Kinh tế”, con đường đi xuống biển Bình Sơn... Hai bên đường có công viên đẹp, lưu luyến khách lãng du, tham quan... Mỗi buổi sáng chúng tôi đi tắm biển bằng con đường này, nhanh lắm! Chỉ 15 phút sau là có mặt ở bãi biển quen thuộc. Lúc về, muốn ăn bánh căn nóng hổi (đặc sản của quê hương) là phải đi ngã Văn Sơn mới có những cái quán bánh căn nghèo ở vệ đường. Mùi thơm của bánh căn thật hấp dẫn và ngon miệng.
Một kỷ niệm khó quên ở Phan Rang là chúng tôi đi trẩy hộị Lễ Katê (Tết Chàm) tổ chức ở Tháp Chàm, chúng tôi xem dân tộc Chàm (Bà La Môn) ca, múa, hát, triển lãm tranh, đồ cổ. Chúng tôi leo lên Tháp Chàm để xem họ cúng kính. Quang cảnh tấp nập, kèn trống inh ỏi, rộn ràng của ngày Tết. Tôi có ghé lại nơi ở cũ, ngôi trường xưa mà tôi đã dạy để tìm gặp một số người quen, hàng xóm, láng giềng. Họ đã dời đi nơi khác
(vì kế sinh nhai). Ôi vật đổi sao dời! Tôi không nhận ra làng xóm cũ, tôi đứng bơ vơ... Ngôi trường xưa xuống cấp, không được sửa sang, tôi đứng chết lặng... Một nỗi buồn chợt đến, tôi cảm thấy mình thiếu trách nhiệm một phần nào.
Về thăm Phan Rang, tôi không quên ghé thăm Phan Thiết vì cũng là họ Phan cả mà, về thăm Phan Thành. Lại đi tắm biển vào buổi sáng. Biển Phan Thiết cũng không có gì khác lạ, so với lúc trước, chỉ khác là người dân ở đây sống về nghề đánh cá khá đông, ta được dịp quan sát các ghe thuyền, các thúng, các mủng đánh cá, bắt cá và các loại cá, tôm, cua, ghẹ, mực bày bán la liệt ở trên bãi...
Một chiều gần tối, chị em chúng tôi lại đưa nhau lên thăm Lầu Ông Hoàng, một di tích xưa. Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm đã từng mượn nơi đây để hò hẹn. Trời sẩm tối chỉ chụp được vài bô hình. Đường đi lên Lầu Ông Hoàng đã được sửa chữa cẩn thận, rất dễ đi lên, không khó như người ta đã đồn đãi. Lầu Ông Hoàng chỉ là một cái tháp, một cái tháp duy nhất, không như Tháp Chàm ở Phan Rang (Pok Long Gia Rai) tới ba cái. Một cái tháp nằm trơ vơ, cô quạnh, vì như Hàn Mặc Tử chỉ yêu đơn phương và trở thành nhà thơ chết trong bịnh tật và người đẹp Mộng Cầm nay cũng đã qua đời.
Về thăm lại Quê hương, chỉ trong vòng một tháng mà tôi đã làm được một số việc cần thiết đối với tôi. Trước khi trở về Mỹ, tôi vào lại Sài Gòn. Một cô học trò cũ, con của một người bạn thân đến thăm tôi.
- Cô muốn đi chơi đâu nữa không? Em sẽ đưa cô đi.
- Nghe nói “Đầm Sen” đẹp lắm. Cô chưa có dịp biết đến.
- OK! Em sẽ chở cô đi tham quan các Siêu thị ở Sài Gòn, luôn tiện đến “Đầm Sen” để cô tham quan và chụp vài bô hình làm kỷ niệm.
 Thế là còn gì thích thú cho bằng!
Phố xá đông đen, xe xộ tấp nập, kẹt xe là cái chắc! Toàn là người với người, xe nhích từng chút một! Ngợp quá!
Một tháng đã trôi qua, nhanh quá...
Bây giờ, ngồi ghi lại buổi hành trình. Nhiều người bạn hỏi tôi:
- Sao! Đi về Việt Nam nữa không?
- Đi nữa chớ! Chờ “Retire” đi từ hai đến ba tháng cho đã. Nhưng mà đi máy bay sợ quá! Nhất là chuyến bay kéo dài 12 tiếng rưỡi, hai đêm liền nhau. Mệt quá! Cảm giác khó chịu. Liệu sức khỏe có cho phép hay không?
Những ngày sắp tới là những ngày hứa hẹn, thư giãn tốt đẹp, dẹp bỏ những lo toan, ưu phiền. Những ngày giờ trên quê hương (nơi chôn nhau, cắt rốn của mình). Liệu mình có thể thực hiện được ước mơ hay không? Biết ra sao ngày mai...

Kỷ niệm một chuyến về thăm QUÊ HƯƠNG, tháng10/2007
THANH NGÂN



Về Đầu Trang
Diem Khanh



Ngày tham gia: 04 Jul 2008
Số bài: 579

Bài gửiGửi: Thu Jan 03, 2013 11:34 am    Tiêu đề:

QUÊ HƯƠNG NINH THUẬN đẹp mãi trong tim người đồng hương chúng ta .
Cám ơn tác giả viết về mìền quê hương nắng gió thân thương .
                 
            DIÊM KHÁNH
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân