Thi hào Đỗ Phủ đời nhà Đường có nói: "Nhân sinh thất thập cổ lai hi" có nghĩa là người đời bẩy mươi tuổi xưa nay hiếm. Nhưng mà người có được 50 năm để nhìn lại môt chặng đường viết tình ca, hát tình ca cho đời thì thật lại càng "cổ lai hi" hơn. Đó là trường hợp của một người anh đầu đàn của ngôi trường Trung Học Duy Tân, Phan Rang: nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Buổi nhạc thính phòng của anh Từ Công Phụng diễn ra tại Melbourne vào buổi tối ngày thứ Sáu 18 tháng 11. Một ngày mà thời tiết diễn biến rất đặc trưng chất Melbourne. Tháng Mười Một, mùa Xuân sắp đi và màu Hạ sắp đến. Buổi sáng trời mát dịu, đến trưa nóng oi bức, xế chiều mây đen kéo đến để chuẩn bị làm cơn giông.
Tôi rời sở làm sớm, vội vàng thu dọn đồ đạc vừa chào các đồng nghiệp: "Chúc mọi người mọi một cuối tuần vui vẻ nhé, tôi phải đi về sớm đây, có chuyện gì khẩn cấp thì goi điện thoại cho tôi". Tôi chọn con đường xa lộ cho nhanh và để tránh những đoàn xe đổ ra vào giờ tan sở chiều. Về đến nhà vội vàng sửa soạn, thay đồ. Anh Trí chạy đi gửi con, tối nay cậu nhỏ được ngủ lại ở nhà bạn thân. Luôn luôn đúng giờ, 5. 30 anh chị Phạm Hoàng Chung đến để cùng đi nghe nhạc.
Đêm nhạc được bắt đầu như thường lệ, trễ 30 phút, các ca sĩ địa phương trình diễn trước. Đặc biệt là các ca sĩ này còn rất trẻ, thuộc thế hệ Y, Z nhưng lại có vài cô cậu hát nhạc của anh Từ Công Phụng cũng tạm được. Giới thiệu chương trình là hai xướng ngôn viên của đài truyền hình 31, một đài phát thanh bằng tiếng Việt tại Melbourne. Trong khi giọng Mỹ Lý có mang chút âm hưởng Huế dễ thương, thì giọng của chị Linh Hà lại mang âm hưởng Bắc của Sài Gòn thỏ thẻ, làm cho đêm nhạc rất ấm cúng.

Không biết có phải là tôi cố chấp, hay đã lớn tuổi rồi nên hơi khó chịu, kể từ nhỏ khi được nghe nhạc của anh Từ Công Phụng từ mấy cái cuốn băng tròn to tướng mà Ba tôi đặc biệt thâu ở tiệm Nghệ Thương đem về, phát ra bằng cái dàn máy thâu thanh hiệu TEAC, thì cho đến bây giờ tôi lại không thích nghe ai hát nhạc của Từ Công Phụng bằng chính anh.
Mười năm trước anh Từ Công phụng sang Melbourne, lúc còn khỏe mạnh, một mình anh hát hết suốt buổi trình diễn, gần 4 tiếng đồng hồ, chỉ có duy nhất một nhạc sĩ dương cầm tài hoa đoản mệnh phụ họa. Hôm nay anh trở lại, qua cơn bạo bệnh, anh hát ít đi, hơi yếu một chút, hơi quên một chút, nhưng vẫn còn cái khoan thai, cái đầm ấm của ngày nào, cái trầm sâu lắng đọng của ngôn ngữ trong âm nhạc của anh. Anh hát như đang kể chuyện, những cuộc tình buồn. Có đổ vỡ, đau đớn, mất mát nhưng không quá tuyêt vọng:
“Tôi vẫn dõi những hoàng hôn nắng xuống
Để nghe lòng quằn quại tiếc thương xưa
Dáng chiều đi như gót ngọc giã từ
Hồn chết lặng nghe đời thêm trống vắng
Tôi đắm đuối những hoàng hôn tím ngát
Để tiếc thời hoa mộng tuổi đôi mươi
Dẫu đời tôi có đong đầy trống vắng
Dẫu tình tôi vẫn một niềm vô vọng
Hoàng hôn ơi, hoàng hôn ơi
Xin dừng lại bên khung cửa nhỏ
Cho tôi tưởng ngày vẫn thanh tân
Như tình yêu tôi.
Hoàng hôn ơi, hoàng hôn ơi
Xin dừng lại cuối ngày mong manh
cho tôi tưởng mình vẫn thanh xuân
cuối cuộc đời.
Tôi muốn níu những hoàng hôn tím ngát
Để tiếc đời hoa mộng tuổi đôi mươi
Mái tình tôi phủ thêm màu tóc trắng
Nối dài thêm nỗi tuyệt vọng vô bờ
Hoàng hôn ơi xin đừng bỏ tôi đi
Cho tôi gom chút nắng hanh vàng
Soi mối Sầu Ở Lại từ Em Đi.
(Bóng Hoàng Hôn)
Anh nói nhiều về mưa, về một giòng sông nhỏ, làm chợt nhớ đến những cơn mưa của Phan Rang, hay con sông Dinh bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh uốn mình chạy qua thành phố nhỏ.
“Chiều nay ngồi viết riêng cho em
Cho em bài hát êm đềm, trôi theo từng tiếng tơ mềm
Nhờ mây gửi đến riêng cho em
Cho em ngàn lời yêu thương, trôi trên nụ cười phong kín
Mùa Thu chợt đến trong cô đơn
Buồn bay lên mờ lấp khung trời chiều lạnh lùng
Trời còn gọi tiếng mưa đêm nay
Mưa ơi! Đừng làm buồn mắt em thơ ngây
Ô hay! Mùa Thu đến bao giờ
Mưa bay buồn giăng mắc khung trời
Người về từ trên đó để nhìn làn môi thắm
Cớ sao em còn buồn để mùa Thu đến rồi đi
Giòng sông nào vắng xa chưa em
Ru lên hồn tuổi thơ này, thêm một lần chuốc u buồn
Hồn lên ngàn phím tơ vương êm
Ru em bằng lời ca đêm, ru lên tuổi buồn em mang
Giòng sông rồi vắng xa thôi em
Đời trôi theo ngày tháng, mang nhiều kỷ niệm buồn
Tuổi thơ còn có mơ không em
Hay trôi miệt mài ngày tháng trong cô liêu”
(Bài Cho Em)
Dù rất bận rộn với những người ái mộ xin chữ ký, anh vẫn dành thời gian cho anh em Duy Tân, anh vẫn nhớ người bạn hàng xóm thời niên thiếu ở đường Thống Nhất, anh Nguyễn Hoàng Tâm, đã qua đời hơn 30 năm nay. Vẫn nhớ hỏi thăm anh Phan Chí Hảo và người em trai chủ tiệm phở An rất nổi tiếng ở Sydney. Cảm giác rất gần gủi thân thiện khi anh Trí giới thiệu "ma maison", thì tôi bị ăn cái ký đầu, rồi anh cười bảo: "hồi đó còn bé tí xíu mà". Ừm.. mấy hôm nay bị ăn hiếp hơi nhiều, mới bị anh Nguyễn Khắc Hùng nhắc lại: "em gái của người bạn, hồi đó bé tí xíu", hôm nay lại bị coi là bé tí xíu nữa, ừm... chơi với người lớn không vui chút nào cả.
Đêm nhạc thính phòng chấm dứt khá khuya, điều bất bất nhất là tất cả số tiền thu được hôm đó được tặng cho quỹ Hy Vọng (Hope Foundation) của Linh Mục Bùi Đức để dùng vào các hoạt động mổ mắt hạt cườm cho những người dân nghèo bên Việt Nam.
Chấm dứt chương trình, anh em đi về vì không muốn làm bận anh Từ Công Phụng khi có rất nhiều khán giả ái mộ bao quanh xin chữ ký, chụp hình.
Buổi tối Melbourne trời vừa qua cơn giông, mưa vẫn còn thắm ướt đường phố, cái mùi cỏ sương đêm lẫn với cái mùi của đất đầu mùa Hè chợt ướt đẫm cơn mưa, làm nhớ nhiều về khung trời kỷ niệm của Phan Rang:
“Yêu nhau một thời xa nhau một đời
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi”
(Giọt Lệ Cho Ngàn Sau)



BHL |