TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MẸ TÔI .
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MẸ TÔI .

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Khách Viếng Thăm
Khách viếng thăm





Bài gửiGửi: Sat May 07, 2011 12:55 am    Tiêu đề: MẸ TÔI .

Xin mời ACE Duy Tân cùng chia xẻ "lời tâm sự của hai chị em Chị Đỗ Dung" .    
   
   MẸ TÔI

   Chủ nhật naỳ là ngày MOTHER'S DAY, đối với tôi, đây là ngày lễ ý nghĩa nhất trong năm cuả Mỹ. Dù đã được làm Mẹ 18 năm nay, tôi vẫn chưa có "thói quen" nghĩ mình là "nhân vật chính" trong ngày này, chưa có thói quen mong đợi những điều đặc biệt từ con cho mình. Tôi vẫn nghĩ nhiều hơn đến vai trò làm con, và luôn phải làm gì đó cho mẹ của mình. Vai trò này mình đã có được 47 năm nay rồi mà !

Mẹ tôi là một người đàn bà đặc biệt (có lẽ trong mắt con, mẹ mình bao giờ cũng đặc biệt cả!!), đặc biệt là ở chỗ Mẹ có được những khả năng, những nghị lực khác thường so với những người đàn bà Việt Nam cùng thế hệ. Mẹ tôi đã 85 tuổi, đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chuyển mình của đất nước.  Mẹ thuộc lịch sử, thơ văn, ca dao tục ngữ vanh vách, Mẹ hát nhiều bản nhạc tiền chiến, Mẹ hát cả những bài nhạc sinh hoạt hướng đạo học lóm từ các cậu em, Mẹ nói được tiếng Pháp, lõm bõm tiếng Anh (vì mới sang Mỹ sau naỳ). Sau 5 năm sống ở Mỹ, Mẹ đã "hiên ngang" đi thi quốc tịch bằng tiếng Anh, không cần thông dịch viên, và đã pass ngay lần đầu. Mẹ đọc báo, nghe tin tức từ radio, TV, và rất thích thú phân tích, bàn thảo chuyện chính tri, chuyện thời cuộc khắp nơi trên thế giới. Mẹ đã sinh ra, nuôi lớn và vẫn tiếp tục lo lắng cho 12 đứa con, 9 gái, 3 trai. Mẹ đã tròn bổn phận với chồng, với gia đình chồng. Cho đến khi bố tôi qua đời, lúc đó tuy đã ở tuổi 83, Mẹ vẫn là người chăm nom từ miếng ăn, tấm áo cho bố (đã bị stroke, hai chân không đi lại được) dù chính Mẹ cũng không còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn như xưa.

 

Đó là chưa kể những bương chải của Mẹ trong thời gian bố đi học tập cải tạo. Nhờ sự tháo vát và hi sinh của Mẹ, các con vẫn no đủ, sung túc những năm vắng bố sau 1975. Mẹ đã biến chuyện bị đày đi kinh tế mới lao động nhọc nhằn thành một chuyến đi nghỉ mát lí thú cho các con. Năm 1978, khi gia đình tôi bị chính quyền việt cộng kiểm kê tài sản và bị đuổi đi kinh tế mới, Mẹ đã xoay sở mua được một miếng đất ở Long Thành, ngay cây số 76 trên đường Saigon-Vung Tau, và đăng kí đi hồi hương. Thế là muà hè năm đó cả nhà dọn về Long Thành, đối vời dân sinh ra và lớn lên ở SG thì đây đúng là một cuộc nghỉ hè thú vị, mấy chị em tôi được sống trong mái nhà tranh, vách đất, được cuốc đất, trồng khoai, uống nước giếng, thắp đèn dầu. Thú nhất là ban đêm được nhìn trăng sao lấp lánh, đom đóm bay lập lòe, nghe ếch nhái kêu inh ỏi (những thứ này ở SG làm gì có!!). Buồn buồn thì nhảy lên xe đò ra Vũng Tàu tắm biển. Hết một mùa hè, Mẹ lại lo được cho các con trở về mái nhà xưa, đi học trở lại, chứ không bi lam lũ, thất học cả đời. Nhắm tình hình không ổn cho lũ con với cái lí lịch “bố nguỵ, mẹ tư sản”,  năm 1979, mẹ lo cho 3 chị tôi đi vượt biên. Sang năm 1980, mẹ cho tôi và em trai  theo gia đình chị cả vượt biên. Một lần nữa, trong khi biết bao người gặp gian nan trên biển, nhọc nhằn ở trại tị nạn, thì đối với tôi, đây lại là một mùa hè thú vị khác. Sau 4 ngày đói khát, mệt nhòai nhưng bình an vô sự trên biển, chúng tôi đến Indonesia, sau đó sống ở trại tị nạn Galang đúng 4 tháng . Trong thời gian này, tôi đi dạy anh văn, tham gia sinh hoạt thanh niên, văn nghệ, văn gừng, tắm biển, và thương nhớ những người thân yêu còn kẹt lại. Ngày 17 tháng 8, 1980, tôi đến Mỹ, vừa đủ 2 tuần lễ để chuẩn bị vào niên học mới, không một chút gián đoạn nào. Trong suốt 10 năm sau  đó Mẹ ở lại với cô con gái Út, một mình chống chỏi với bọn công an phường khóm tối ngày kiếm chuyện muốn cướp đoạt căn nhà của Mẹ.  Một tay Mẹ không những đã lo thăm nuôi, tiếp tế cho chồng và em trai ở …. tù trong (trại cải tạo), mà còn cưu mang 17 người họ hàng thân thích ở …tù ngoài (xã hội Việt Nam).

 

Cuộc đời Mẹ đã trải qua 5 cái đại tang.  Năm 19 tuổi, vừa sanh xong con trai đầu lòng, Mẹ đã ốm liệt giường vì ông bà ngoại đã theo nhau từ giã cõi đời trong vòng vài tháng .  Năm 1965, khi gần đến ngày sanh đưa con thứ 11, mẹ phải vác bụng chửa thật to đưa bà nội tôi về nơi an nghỉ cuối cùng.  Năm 2007, anh cả cuả tôi ra đi đột ngột vì bệnh tim.  Tôi là người đầu tiên biết tin dữ này và đã không dám báo tin qua điện thoại cho Mẹ, phải nhờ các anh chị ở gần đến tận nơi lưa lời nói cho Mẹ biết.  Nỗi đau cuả người tóc bạc đưa người tóc xanh đã khiến Mẹ tôi lịm cả nguòi, nhưng Mẹ đã chấp nhận sự mất mát này một cách hết sức kiên cường.  Một năm trôi qua, sau mấy ngày vui tết Nguyên Đán với con cháu đầy đàn, bố tôi đã bình thản ngủ một giấc ngủ dài … bất tận.  Lần này thì Mẹ thật sự… chới với. Người bạn đời chung sống 65 năm đã lìa xa mẹ.  Mẹ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng . Mẹ khóc, Mẹ than, Mẹ kể lại bao nhiêu kỷ niệm, Mẹ vuốt ve, âu yếm bố (lúc bố còn sống, thì Mẹ lại… mắc cỡ, chúng tôi chưa hề thấy Mẹ âu yếm bố như vậy bao giờ).  Có lẽ vì bổn phận phải chăm sóc cho chồng, Mẹ đã cố gắng cầm cự suốt bao nhiêu năm qua .  Có mệt cũng vẫng ráng, có mỏi cũng vẫn nhịn. Bố ra vào nhà thương , mổ xẻ khắp người, trong khi Mẹ tuy đã già yếu vẫn lo cho bố được . Thời gian đầu khi bố mới ra đi, sức khỏe Mẹ có phần lung lay, Mẹ bắt đầu nếm mùi nhà thương, ra vào phòng cấp cứu cuả bệnh viện vài lần.  Lúc đó tôi rất lo là mất bố, Mẹ cũng mất đi động cơ để sống khỏe như xưa .  Thế nhưng may quá, sau một thời gian ngắn, với nghị lực phi thường, Mẹ đã trỗi dậy, Mẹ lo chăm sóc bản thân mình, và Mẹ đã khoẻ lại… hơn xưa.  Mẹ cứ nói đùa :”chiếc xe cũ kĩ này tuy caí xác xe đã rục tùng nhưng bộ máy còn chạy rất ngon lành”.  Thật vậy, chân tay cuả Mẹ rất yếu vì bị rỗng xương, không đi đứng được, nhưng Mẹ vẫn còn vô cùng minh mẫn .  Hàng ngày Mẹ tụng kinh niệm Phật, thắp hương cho ông bà và cho bố.  Tới bữa ăn, mẹ vẫn để những món bố thích ăn lên bàn thờ để bố cùng dùng bữa với Mẹ .  Tôi trước khi đi ngủ Mẹ lại đứng trước bàn thờ nói chuyện với bố một lúc.  Thế mới biết Mẹ tôi yêu bố biết bao nhiêu .

 

Từ trước đến nay, tôi luôn cảm tạ thượng đế đã cho mình một cuộc đơì quá sức bình an. Tôi luôn biết mình may mắn hơn nhiều ngươì khác, và luôn cảm nhận được hạnh phúc cuả mình. Nhưng hôm nay, tôi thấy rõ ràng hơn, tất cả những gì mình có được đều do bàn tay, tấm lòng, quả tim và sự hi sinh cuả Mẹ mà ra.

Phải nói điều mà tôi thấy mình may mắn nhất là những bài học vô giá mà tôi học được từ Mẹ (tình yêu cuả mẹ thì hầu như ai cũng có rồi, phải không?). Từ khi bắt đầu biết nghe, biết nhớ, Mẹ đã không ngừng rót vào tai các con đủ mọi câu chuyện. Từ những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu của Mẹ, những gian truân chạy loạn thời Tây, những tháng ngày Mẹ sống ở Hà Nội, cuộc di tản năm 54... Rồi thì cuộc đời làm dâu của Mẹ, cuộc sống mồ côi cuả các cậu vì ông bà ngoại mất sớm... Cho đến từng bước trưởng thành của các anh chị, và nhất là những đắng cay Mẹ phải trải qua sau năm 1975 khi bố phải đi tù cải tạo, gia đình li tán...Tôi còn nhớ mãi những ngày mới bước vào tuổi "teen', đêm nào Mẹ cũng mò vào giường thỏ thẻ những điều "cấm kị" , những điều phải "đề phòng", v.v... Qua những câu chuyện của Mẹ, tôi cũng thuộc lòng lịch sử đất nước, rất nhiều ca dao, tục ngữ. Tôi hiểu được vai trò, vị trí của mình, và nhất là có được một phong cách sống để không bao giờ phải hối tiếc vì mình đã vô tình để thời gian qua đi một cách vô ý nghĩa. Mẹ tôi là phật tử thuần thành, tuy không hay đến chuà, nhưng ngày nào Mẹ cũng thắp hương niệm Phật, quan niêm sống cuả mẹ là : khi cho tức là mình đã nhận được rất nhiều. Mẹ luôn luôn nhắc nhở con gái phải biết yêu thương, nhường nhịn chồng, phải hiếu thảo, chăm nom cha mẹ chồng, nhưng phải biết tự lập, để cuộc đời không hoàn toàn lệ thuộc vào ai. Phải tích phúc, để đức cho con cái sau naỳ

Bây giờ Mẹ đã già, "mắt mờ, chân chậm", "tóc bạc, da mồi", "chân yếu, tay mếm", "răng long, đầu bạc", gần đất xa trời"... tất cả những thứ này Mẹ đều có đủ. Người già sống ở Mỹ thường bị cô đơn vì cả ngày ra vào chỉ lủi thủi một mình, chiều tối về may ra mới có thêm người, vì thế, mỗi lần gặp con cháu về thăm, các cụ được dịp kể đủ thứ chuyện , nấu đủ thứ món ăn... Tôi xa Mẹ từ năm 16 tuổi, lúc gặp lại thì tôi đã có gia đình riêng, Mẹ ở miền Bắc CA, tôi ở miền Nam. Mỗi năm tôi chỉ găp Mẹ khoảng 3 lần, có nhiều lần cũng hơi "ớn" vì bị nghe và bị ăn nhiều quá. Từ giờ trở đi, tôi tư nhủ với lòng, sẽ hoan hỉ nghe tất cả những gì Mẹ muốn kể, và ăn tất cả những gì Mẹ nấu cho, bởi vì, tôi bắt đầu cảm thấy "sợ" rằng mình sẽ không còn nhiều cơ hội nưã.

 

 

Thiên Hương

Con gaí thứ 10 của Mẹ

 

Theo Gió

Đỗ Dung


Một



Năm 1944, Hà Nội đang thời tao loạn, trời cuối thu nắng hanh hanh, buồn man mác với gió heo may và lá vàng rơi ngập lối đi … Một đoàn xe tay nệm mới trắng tinh, thành xe quấn những dải lụa hồng điều, các bác phu xe tề chỉnh trong đồng phục lính trấn thủ lưu đồn. Đoàn xe kéo ấy, dài, đỏ rực, nổi bật trong màu trời ảm đạm, rợp cả phố phường, đã đưa mẹ tôi về nhà chồng, đưa mẹ tôi từ một thiếu nữ núp dưới bóng mẹ cha thành người thiếu phụ với bao trách nhiệm đè nặng trên vai. Đoàn xe rước dâu đang nghiêm trang cất bước thì chợt tiếng còi báo động hú lên, tiếng máy bay ào ào trên không. Không quân Mỹ oanh tạc các căn cứ Nhật trong thời đệ nhị thế chiến. Mọi người dáo dác định dừng xe tìm chỗ ẩn náu. Các cụ bô lão kiêng không cho xe đám cưới ngưng giữa đường nên ra lệnh cứ đi tiếp. Thế là một đoàn lính thú kéo xe chạy trối chết, chạy thục mạng để đưa người thiếu nữ vu quy.

Mẹ tôi lên xe hoa về một nơi xa lạ, sống với một người đàn ông chưa hề được một lần ngồi nói chuyện riêng, hôn lễ do hai bên cha mẹ sắp đặt, nghe các bậc trưởng thượng dặn dò đã sụt sùi rơi lệ, mới bước chân khỏi cửa đã thấy nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ ngôi nhà êm ấm…


Theo tục lệ, các bà cô, bà dì cài mấy chiếc kim băng sau tà áo cưới của mẹ tôi để trừ tà ma và những điều xui xẻo, không quên dặn dò thêm:

- Đến nhà trai con nhớ đứng hai chân ngay thềm cửa, trước khi bước vào nhà nhé!
- Khi thay áo con nhớ treo áo của mình phủ lên áo của chồng!
- Khi ngồi xuống giường tân hôn nhớ ngồi phía đầu giường!
- …………..


Các bà cho là làm như thế sẽ không bị chồng bắt nạt sau này. Bà nội tôi chỉ đến lễ xin dâu rồi về ngay, tránh gặp mặt con dâu, cũng là kiêng cữ để khỏi bị cảnh mẹ chồng, nàng dâu đụng chạm.

Vừa hoàn hồn sau cuộc chạy tơi tả, bước đến ngưỡng cửa, cô dâu đã thấy nhà trai để bếp lò với mấy cục than tàu cháy đỏ yêu cầu bước qua. Mẹ tôi lúng túng không biết phải đứng hai chân trước hay sau khi bước qua cái bếp than hồng. Cuối cùng mẹ tôi chẳng nhớ là có đứng một lúc hai chân trước khi vào nhà chồng hay không.

Tháng ba năm sau, ông ngoại tôi bị đau ruột thừa phải vào nhà thương, mổ xong bị nhiễm trùng, không có thuốc chữa nên đã qua đời. Bà ngoại tôi ốm yếu, cả ngày khóc thương chồng nên sáu tháng sau cũng theo ông. Bà nội của mẹ tôi thương con, thương dâu cũng lìa đời sau đó vài tháng. Mẹ tôi lấy chồng năm mười tám tuổi, chỉ mấy tháng sau liên tiếp chịu ba cái đại tang. Các cậu tôi khi ấy còn nhỏ nên hội đồng gia tộc đã họp lại để định đoạt. Hai cậu lớn, cậu Ngọc lên mười, cậu Chương lên bảy, mỗi cậu được giao cho một ông chú, còn cậu Út Thắng mới hai tuổi, Cụ Lý, bà ngoại của mẹ tôi thương quá xin đem về nhà quê để cụ nuôi. Xảy đàn tan nghé, mẹ tôi mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, các cụ cho là nữ nhân ngoại tộc, không được quyền tham dự, không được có ý kiến gì trong việc sắp xếp, phân chia. Ruộng vườn, nhà cửa ở dưới quê của ông bà ngoại tôi được chia cho các ông chú lo phần nuôi dạy các cháu.

Mười tám tuổi bước vào đời trong thời buổi loạn ly, cả nước tang thương vì nạn đói Ất Dậu 1945. Sáng sáng có những chiếc xe bò chất đầy xác người từ nhà quê ra tỉnh kiếm ăn, chết vì đói.  Miếng vỏ chuối vừa vứt ra đường thì cả đám người xúm lại giành dựt. Bà nội tôi có sạp vải trong chợ Bắc Qua, cha tôi làm y tá trong nhà thương, cô Nga, em út của cha tôi năm đó mới lên tám. Gia đình bốn người không bị đói nhưng cũng nghèo.

Ông bà ngoại tôi đã mất, mẹ tôi không còn nơi nương tựa, cậy nhờ. Với chút chữ nghĩa làm vốn, mẹ tôi đi thu mua đồ đạc của những gia đình Pháp về nước, thầu từ thượng vàng, hạ cám rồi gọi lái buôn đến lấy hoa hồng. Sau đó mẹ tôi thuê một căn nhà ở phố Huế để mở cửa hàng, mua bán đủ thứ, từ sập gụ, tủ chè đến cái bát, đôi đũa, cái búa, cái đinh, nồi đồng, sắt vụn… Tháng mười hai năm ấy mẹ tôi sinh con trai đầu lòng. Anh Dũng đem niềm vui đến cho cả nhà, bà nội tôi vui sướng xiết bao khi có cháu đích tôn, yên chí đã có người nối dõi. Mẹ tôi vì quá lao tâm, lao lực nên sau khi sanh bị hậu sản tưởng chết. Nằm liệt giường mấy tháng, mẹ lại ngóc dậy lo thu vén tiền bạc, nhà cửa lên đường chạy loạn. Cha tôi khi ấy cũng như các chàng trai yêu nước khác, làm khu trưởng tự vệ thành, khu Bảy Mẫu. Sau khi thu xếp đưa cả gia đình về Phủ Lý lánh nạn lại trở về Hà Nội theo đoàn quân kháng chiến chống Pháp.

Những ngày tháng ở nhà quê, mẹ tôi được sống trong sự săn sóc thương yêu của Cụ Lý và bà Hai Lộc, bà Tư Luân, dì ruột của mẹ. Mẹ tôi gặp lại em út, nhìn em mà thương làm sao, tội làm sao! Ở quê nghèo, nhà tranh, vách lá, nền đất, đêm nằm ổ rơm, có ngô ăn ngô, có khoai ăn khoai, khổ sở về vật chất nhưng chan chứa yêu thương. Hai mẹ con yên chỗ, bà nội tôi đưa cô Nga về làng Bồng Lai, quê của bà.

Ông bà ngoại tôi người cùng làng nên Phủ Lý là cả quê ngoại lẫn quê nội của mẹ. Cụ Lý năm ấy cũng đã già, Cụ ông là Lý Trưởng, con cuả cụ Tuần, cả hai cụ đều đã qua đời. Cụ đưa mẹ tôi xem nền nhà cũ. Từ ngày xửa ngày xưa, từ trước đời Cụ Tuần, đó là một nếp nhà ngói khang trang, tường xây bằng gạch. Vì quá cũ nên căn nhà dột nát, mới bị sập. Ông ngoại tôi có gửi tiền về để trùng tu, gạch ngói đã mua đủ cả, nền nhà được dọn sạch sẽ thì ông mất. Cụ sang ở tạm trong dẫy nhà ngang bằng lá. Tuy bằng lá nhưng cũng rộng rãi, sạch sẽ.

Ông nội của mẹ tôi là cụ Đồ, cụ Đồ quanh quẩn trong làng dạy con trẻ dăm ba chữ thánh hiền. Một tháng đôi lần cụ cắp tráp lên phủ, lên huyện làm đơn cho các bác nhà quê vô phúc đáo tụng đình. Cụ ông mất sớm, cụ bà quê mùa, hiền lành. Vì vậy em trai của cụ ông, khi ấy đang làm ở nhà máy rượu Hà Nội, về đón bốn cháu trai lên tỉnh ở với cụ để cụ trông nom và cho đi học cùng với bày con của cụ. Xảy cha có chú, ông anh mất, ông em có trách nhiệm với các cháu mồ côi. Cụ bà ở lại nhà quê với mấy người con gái. Thế là ông ngoại tôi ra Hà Nội từ bé, học ra giáo học rồi cùng với mấy người bạn mở trường tư thục Thanh Bình ở góc phố Huế, trông ngay sang Chợ Hôm.

Được vài tháng êm đềm cha tôi từ Hà Nội về đón bà và mẹ tôi, đưa cả gia đình chạy tiếp. Cứ lếch thếch, lôi thôi, bồng bế dắt díu nhau đi bộ từ làng nọ đến làng kia. Khi ấy mẹ tôi có thai người con thứ hai là tôi. Bụng mang dạ chửa, chân yếu, tay mềm… Khí hậu miền Bắc khắc nghiệt, mùa hè nóng cháy da, mùa đông rét cắt thịt. Ngoài quần áo và vật dụng tùy thân phải có chăn, có chiếu. Bà nội già, cô Nga quá bé, mẹ tôi cũng không xốc vác được, cha tôi phải theo đoàn thể không ở thường trực với gia đình nên bà tôi phải thuê chị Sửu, một cô gái quê theo để gánh gồng. Từ đó chị Sửu quảy đôi quang gánh, một thúng cho anh Dũng ngồi còn đầu thúng kia chất chăn chiếu. Mỗi người chỉ khoác một cái tay nải con.

Cứ theo dòng người mà đi, lên tận Việt Trì, Lào Cai, Yên Bái, lên mạn ngược gần biên giới Trung Quốc. Nhìn khói lam chiều buông, buồn não lòng, nhìn những người tản cư chết vì kiệt sức, chết vì sốt rét ngã nước, nhìn cháu đích tôn không có sữa mà uống, phải húp nước cháo, gặm củ khoai … thêm bụng mẹ tôi mỗi ngày một to, bà tôi thương quá. Bà bàn với cả nhà quay về miền xuôi.

Sang năm 47, gia đình tôi về đến Phú Thọ, lưng vốn đem theo đã cạn dần, bà và mẹ phải kiếm cách buôn bán, chạy chợ nọ sang chợ kia, gặp gì cũng mua, có lời là bán. Một hôm mẹ tôi tính nhẩm sắp đến ngày sanh, nghe nói bên Phúc Yên có bà đỡ từ Hà Nội mở phòng đỡ đẻ nên thu xếp dọn về đó. Cả nhà còn đang thất thểu trên con đường xuyên tỉnh, chưa đến làng mới thì nghe tiếng dội bom, ngoảnh lại Phú Thọ chìm trong cả một biển lửa. Bà và mẹ tôi quỳ ngay xuống vệ đường cảm tạ Phật Trời, nếu mẹ tôi không quyết định đi, nếu tôi chưa đến ngày sanh thì … bây giờ tôi ở đâu?

Rồi một đêm không trăng, không sao mẹ tôi trở dạ. Lệnh thiết quân luật buổi tối không ai được ra đường, bà đỡ lại ở làng bên. Cả nhà cuống quýt, cha tôi đốt một nắm đuốc, bà tôi cầm cây đèn dầu, hai người dìu mẹ tôi đi. Cô Nga, chị Sửu ở lại trông anh Dũng. Trời tháng ba còn rét ngọt, rét căm căm, những bóng đen in trên lòng đường, qua ánh đèn dầu, ánh đuốc, lập lòe, xiêu vẹo như những bóng ma trơi. Và… tháng ba năm ấy, trong một chòi lá, trên một chiếc chõng tre chiều dài không vừa cho một người nằm thẳng, một người thiếu phụ trẻ oằn mình trong cơn đau đẻ … Trong đêm tối đen bà tôi phải ra ao múc từng thùng nước, lấy rổ lọc đỉa, lấy vải lọc lại rồi đun sôi, hòa với chút thuốc tím để tắm cho đứa bé gái oe oe khóc chào đời
Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Sun May 08, 2011 9:00 am    Tiêu đề:

Chuyện cảm động !!!
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân