TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGƯỜI MẸ - Bài được đăng trong Đặc San DTKTKN 2009
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGƯỜI MẸ - Bài được đăng trong Đặc San DTKTKN 2009

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Tue May 04, 2010 1:23 am    Tiêu đề: NGƯỜI MẸ - Bài được đăng trong Đặc San DTKTKN 2009
Tác Giả: NGƯỜI NẠI




(xin click vào hình để xem hình lớn hơn)

Mẹ ơi! Con đã về đây…con về rồi nè…
    Tiếng nói nhỏ nhẹ thổn thức như muốn tắt nghẹn đang thầm thì bên tai người mẹ già đã trên 90 tuổi, đột nhiên đánh thức trí nhớ khiến bà nhận ra Hoàng.  Đôi mắt bà cụ chợt sáng lên nhìn chằm chặp vào hình ảnh người con trai yêu quí sống tha hương đã nhiều năm tại tiểu bang California Hoa Kỳ, vượt Đại dương xa ngàn dậm trở về thăm nhà. Bà không còn cái vòng tay âu yếm để đón nhận người con, cũng không còn những lời hỏi han vồ vập đón chào rộn rã của người mẹ cách đây 18 năm, bà chỉ khẽ chớp đôi mắt đang ngấn lệ nhòa và gật đầu đón nhận câu chào.  Hoàng bỏ hành lý xách tay nặng nề xuống nền nhà, ôm chầm lấy vai người mẹ kính yêu đang ngồi tựa vào vách nhà, khe khẽ lắp bắp những câu nói “Con nhớ mẹ nhiều lắm…!”

    Hoàng nghẹn ngào xúc động thấy mẹ mình nay đã già yếu nhiều! Mái tóc cắt ngắn, bạc trắng phau như mây trời được che phủ dưới một khăn choàng sọc rằn màu xanh dương túm gọn rất khéo léo phía trên, khuôn mặt đầy những vết nhăn dài hằn trên vầng trán, miệng túm nhỏ lại trông móm xọm vì bà đã không còn cái răng nào để nhai thức ăn hoặc cười nói vui vẻ như cách đây vài năm. Đôi mắt bà không còn tinh anh trong sáng nữa mà đã mờ mờ trắng đục lẫn với nước mắt đong đầy vì xúc cảm mừng rỡ. Thân thể như thấp bé lại khi tuổi hạc đã cao, lưng bà khòm cong lại vì suốt ngày nằm trên võng đong đưa. Bà thường hay gồng gân cổ cho cái đầu ngóc cao lên để quan sát người ngoài cỗng ra vào nhà.
     Ba của Hoàng mất cách đây đã hơn 8 năm và hiện tại mẹ Hoàng đang được các em và cháu ở nhà kế bên đến chăm sóc ngày đêm với bà cho bớt cô đơn, trống vắng.  Ngôi nhà chính từ đường mà bà đang cư ngụ và nhà của em trai Hoàng ở gần nhau trong một khuôn vi rộng lớn. Nhà em Hoàng ở cạnh bờ sông Nại, bên kia sông là làng Tân An với nóc nhà thờ cao vút màu đỏ mới xây cất lại nguy nga đồ sộ, không gian trống trãi nên không khí mát mẻ, gió biển từ xa thổi lồng lộng suốt ngày đêm vào nhà.  Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy ăn sáng ở nhà chính xong là bà lò dò bước lần qua nhà người em để nằm trên cái võng đan bằng dây đay mềm mại. Bà tự từng bước đi chậm rãi, lê lết và cố gắng giữ được thăng bằng khi di chuyển, tuy nhiên bước chân của bà như có vật gì trì kéo xuống nặng nề khiến bà không thể nhấc cao và mắt không thấy rõ các chướng ngại phía trước nên dễ bị vấp váp té ngã.  Do đó mỗi khi bà đứng dậy và sắp sửa bước chân đi là các em cháu của Hoàng túc trực quan sát theo dõi để giúp bà đứng vững thăng bằng. Hoàng thật ái ngại khi thấy bà cố gắng bước đi thật nhanh một cách không an toàn, không cần ai giúp đỡ hay dùng một phương tiện gì như cây gậy…để chống đở giữ thăng bằng. Chăm sóc người cao niên tại quê nhà thật sự thiếu nhiều phương tiện khoa học kỹ thuật y tế như ở Hoa Kỳ!  
   
    Một điều khác, Hoàng suy nghĩ và ngạc nhiên thấy mẹ rất là hiền diu, luôn yên lặng và khi có ai hỏi, chỉ nhỏ nhẹ trả lời một cách ngắn gọn, khôi hài, ngộ nghĩnh.   Mẹ Hoàng không rày la một người con, dâu, rễ, người cháu nào trong ngày.  Ai cho ăn cái gì cũng được, không đòi hỏi và nếu không thích món ăn này hoặc đã ăn no đủ, bà chỉ lắc đầu ra dấu.  Bà lúc nào cũng vui vẽ, tươi cười, dễ chịu và tâm tính như đứa trẽ con ngây thơ không đòi hỏi và được mọi người cưng chìu săn sóc.  Nhiều bạn bè của Hoàng đến thăm bà đều khen ngợi và ước ao cha mẹ họ khi về già cũng có những tính nết như mẹ Hoàng để cho họ dễ dàng chăm sóc.  Nhiều trở ngại hằng ngày vì bà không kiểm soát (control) được khi đi tiểu tiện nên phải nhờ con cháu giúp đỡ.  Để thử nghiệm trí nhớ của mẹ, Hoàng hay hỏi đố vui.  Chẳng hạn như, Hoàng có hai người cậu đã mất cách đây vài năm và đã được chôn cất tại núi Cà Đú, PhanRang, Hoàng hỏi bà, “Má biết cậu Bảy đang ở đâu không?” Bà trả lời, “Chết rồi!”    Hoàng hỏi tiếp,” Vậy cậu Bãy chôn ở đâu?”  Bà đáp, “Ở Cà Đú.”  Những lời đối đáp của người mẹ rất đúng và chính xác, và Hoàng hỏi tiếp, “Còn cậu Chín đang ở đâu?”  Bà đáp, “Đi lính rồi!”  rồi bà chúm chím mim cười.  Hoàng bật cười to khi thấy mẹ trã lời rất ngộ nghĩnh thông minh, hình như trí óc bà đang có sự lẫn lộn nào đó, hay cố ý khôi hài cho vui câu chuyện…   Sự thật người cậu thứ Chín của Hoàng ngày xưa có đi lính Quân Y và làm việc ở bệnh viện PhanRang trước 1975, nhưng nay đã mất và chôn ở núi Cà Đú;  có thể bà không muốn lập lại câu trã lời “núi Cà Đú” mà muốn dùng từ “Đi lính” để diễn tả sự qua đời.  Tại làng Nại, danh từ “đi bán muối”, “đi Pháp”, “đi Cà Đú” hay “đi lính”… đều được nhiều người hiểu ngầm là đã chết, đã qua đời.  Do đó khi thấy người mẹ đáp những câu ngớ ngẫn và ý nghĩa vậy, Hoàng nghỉ rằng tâm trí bà có lúc rất tỉnh táo minh mẫn, tâm thức vẫn còn nghe, thấy biết và hiểu được mọi việc chung quanh nhưng khi chọn lựa từ ngữ đáp lại có khi không đúng tên người đang hỏi và đáp lại có tính cách làm vui câu chuyện (người đời gọi là “hề”.)   Hoàng và các em của Hoàng cũng thừa hưởng năng khiếu tiếu lâm, nói “hề” của mẹ khi đối đáp với bạn bè, người thân…cho vui câu chuyện.  Hoàng tiếp tục trắc nghiệm trí nhớ của mẹ bằng nhiều cách khác nữa, như đưa tấm hình của chàng cho mẹ xem, đố hỏi là ai?  Bà đã trả lời một cách nhanh nhẹn và khẳng định nhiều lần bằng tên của đứa con trai lớn của Hoàng,”thằng cu Bách”. Hoàng và con trai lớn của chàng không giống nhau đến độ để bà cụ có thể nhầm lẩn được nhưng có lẽ bà có ý gì đây, hoặc bà biết là Hoàng, nhưng lại nói chệch qua tên đứa cháu nội hiện đang ở Hoa Kỳ cho vui. Thấy bà yên lặng suốt ngày, con cháu luôn quây quanh chăm sóc, hỏi han khơi chuyện này, chuyện nọ để bà nói cho vui, hỏi đố tên người này người kia… và đây là một cách để tập luyện các bắp thịt miệng, lưỡi hoạt động bình thường cho những người cao niên khi họ không còn khả năng phối hợp điều khiển thị giác, trí óc, cùng lời nói của họ. Nhìn thấy tâm trí và thể xác không còn điều khiển bén nhạy như cách đây vài năm vì tuổi hạc người mẹ đang đi vào thời kỳ bách niên (trăm tuổi), Hoàng bâng khuâng tiếc nuối thời gian đã qua quá nhanh, đã thay đổi trạng thái tâm trí và hình thái của người mẹ, một người đã từng yêu thương, chăm sóc lo lắng che chở cho chàng.

    Nhớ lại khoảng thời gian từ 3 đến 10 tuổi, Hoàng rất là khó nuôi vì thể xác yếu đuối, thường xuyên bị bệnh nhất là Thương Hàn, một căn bệnh nan y của thập niên 1950. Tại thôn quê như làng Nại, người dân thường chữa trị bệnh theo phương pháp Đông Y, dùng thuốc gia truyền hoặc theo lời các phán đoán của thầy lang vườn, do đó “phước chủ may thầy” như là một phương châm định số cho người bệnh.  Mẹ của Hoàng cũng đã mời rất nhiều thầy thuốc nổi tiếng ở các thôn xóm gần đó để chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm, nên bà đã dùng những phương pháp không có trong sách vở Đông Y như đem ký bán Hoàng vào một Am Miếu nhỏ trong làng (ngôi nhà có thờ nhiều hình tượng Phật). Ký bán là một hình thức hợp đồng, giao kèo giữa người cho  và thần linh,  họ cho tên họ mới, đứa con của mình từ nay trở thành con của Thần, Thánh, Tiên, Phật… tại Am, Miếu hay Chùa đó, theo quan niệm của ba mẹ Hoàng lúc ấy. Trong thời gian ấy, suốt ngày, Hoàng phải ngồi dưới Đại Hồng Chung to lớn nơi chính điện để lắng nghe tiếng kinh kệ ê a của các vị sư già tụng niệm trì cứu giải nạn. Tiếng chuông ngân vang rền khắp chùa, vọng vào cõi hư không như nhắc nhở, đánh thức nơi vùng tâm linh của chàng! Rồi cũng chưa hết bệnh hoạn, ba mẹ Hoàng lại cho chàng đến ở thôn xóm khác, một người mẹ không phải ruột thịt nhận Hoàng làm con nuôi và nuôi một thời gian ngắn để rồi sau đó được chuộc lại về nhà (như đem tiền chuộc lại một món đồ yêu thương đã bị mất) nuôi dưỡng tiếp.  Bà rất đau xót khi thấy đứa con máu mủ của mình trao cho người khác nuôi dưỡng, chăm sóc. Bà đã khóc thật nhiều cho số phận của chàng, nhỏ tuổi mà gặp nhiều tai ương bệnh tật. Bà đã thường thắp nhang cầu nguyện khấn vái các Đấng Thần linh, Trời, Phật… phù trì hộ cho Hoàng tai qua nạn khỏi.  Bà đã bao đêm sớm hôm thao thức chăm sóc thuốc thang cho chàng, ngồi châm lửa, quạt bếp lò than hồng cho những thang thuốc Bắc cạn dần đúng theo lời căn dặn của người thầy Đông Y.  Thật sự, lúc ấy Hoàng quá nhỏ bé, trí óc non cạn nào có biết đến nỗi ưu tư lo lắng và lòng thương yêu của ba mẹ đối với chàng như thế nào.  Giờ này Hoàng đang định cư một nơi xứ sở văn minh tân tiến về Y tế, có gia đình, có con cái đã khôn lớn, chàng mới thông hiểu cảm giác làm cha mẹ khi phải lo lắng săn sóc con cái mình những lúc ốm đau.  Lòng chàng cũng quặn đau, tim cũng hồi hộp lo lắng từng giây phút khi chở con thơ dại mình đang bị nóng sốt cao độ, bất động trên đường đến bệnh viện cấp cứu trong đêm tối.  Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm! Hoàng thì thầm bên tai người mẹ…  Tiếng nói của Hoàng như dội sâu vào vùng tiềm thức, nơi ấy còn chất chứa biết bao là hình ảnh yêu thương của người mẹ đối với chàng…




(xin click vào hình để xem hình lớn hơn)

   
    Tình yêu thương của mẹ thật bao la rộng lớn so với biển cả, núi non cao, nếu Hoàng đang ở vai trò người mẹ có lẽ thấm thía, cảm thông nhiều hơn những cảm giác đau đớn chịu đựng từ lúc mang thai cho đến lúc sinh ra Hoàng.  Được sinh ra đã là khó khăn và nuôi dưỡng thời gian dài cho một người con được khỏe mạnh, khôn lớn lại càng khó khăn biết chừng nào!  Khi lớn lên, Hoàng nhớ lại những lúc mình lầm lỗi và bị ba trừng phạt bằng những ngọn roi hằn trên mông, mẹ chàng đã năn nỉ can ngăn, rồi giận hờn ông ta đã mạnh tay trừng phạt con cái.  Mỗi lần như thế là Hoàng đươc thóat nạn và cảm ơn mẹ nhiều!  Rồi, trong chiến tranh, Hoàng phải thi hành nghĩa vụ người trai thời chiến, nguy hiểm luôn đối diện sống chết với quân thù, hằng đêm máy bay chiến đấu của chàng phải bay vào vùng lữa đạn đã làm cho mẹ bất an lo lắng từng ngày.  Ở quê nhà, mẹ Hoàng lặn lội tìm sư, tìm thầy… để xin những lá bùa hộ mệnh mà bà tin rằng nó rất linh nghiệm có thể hộ độ tính mạng con mình vượt qua cơn nguy biến hoạn nạn. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, bà vui mừng thấy Hoàng trở về nhà an toàn tính mệnh sau cuộc chiến. Nhưng nỗi vui đoàn tụ gia đình chưa được bao lâu thì lại phải trãi qua một cuộc chia ly dài lâu vì những đứa con thân yêu của bà lại phải vào các trại tù lao động của chính quyền Cộng Sản. Lý do phải “học tập tiến bộ” thì mới được về đoàn tụ gia đình nên không ai biết được thời gian bản án tù cho các sĩ quan chế độ cũ này là bao lâu.  Người trong tù và thân nhân của họ bên ngoài mãi ngóng trông nhau ngày xum họp, hằng ngày người thân phải gom góp thức ăn, bán dần của cải, tư trang… làm lộ phí trèo đèo, băng rừng, vượt suối gồng gánh các thực phẩm như đậu, đường, mắm, muối cá khô… đến tận rừng sâu, nơi vùng biên giới với Miên, Lào, Trung Cộng để mong gặp người con, người chồng, người vợ, người cha… đang tìêu tụy thân xác trong các trại tù lao động của CS.  Mẹ Hoàng cũng phải lo lắng, chắt chiu thức ăn để dành hằng tháng thăm nuôi chàng suốt 7 năm trời, vượt bao đoạn đường thăm thẳm gian nguy của núi cao rừng thẩm để đến các trại tù Long Khánh, Xuân Lộc, Long Giao, Kà Tum Tây Ninh, Hốc Môn, Gia Ray, K3… “Cảm ơn mẹ đã lẽo đẽo theo con khắp các nẻo đường tù”, Hoàng thốt lên trong niềm cay đắng…!  
   
     Số mệnh an bài cho Hoàng luôn luôn phải ở xa cách gia đình ba mẹ!  Từ thưở nhỏ đã không được sống gần ba mẹ lâu, chỉ gần vài ba năm rồi lại xa, rồi lại trở về sống gần đôi ba năm và rồi lại xa…  Như mây trên bầu trời hợp rồi lại tan, khi đủ nhân thì hợp lại, hết duyên thì lại tan, đó là qui luật của vũ trụ!  Từ trại tù trở về sống gần ba mẹ được vài năm, Hoàng cùng với vợ và hai con nhỏ lại phải ra đi định cư tại Hoa Kỳ theo dịện tị nạn nhân đạo.  Năm 1992, ra đi định cư mà Hoàng có cảm tưởng như bị đi lưu đày biệt xứ, người đồng cảnh ngộ với Hoàng cũng đều cho rằng, chẳng biết đến khi nào mới được trở về quê hương, xứ sở.   Nơi ấy vẫn còn thân nhân, bạn bè, mồ mã ông bà, nơi có ngôi trường làng cổ kính, có cây đa cổ thụ, có lũy tre xanh, có dòng sông êm đềm mà Hoàng thường tắm lội… Ở California, Hoàng vẫn thường gọi điện thoại về Việt Nam để thăm ba mẹ và không may khi người cha nhắm mắt lìa trần cách đây hơn 8 năm, Hoàng đã không thấy được khuôn mặt của ông trước giờ lâm chung.  Hoàng thật vô cùng ân hận, bởi vì có mỗi lời hứa sẽ bảo lãnh cha mình đến Hoa Kỳ để thăm  con cháu mà chàng cũng không thực hiện được.  Vì thế, sau một năm kể từ khi người cha mất, Hoàng đã thu xếp bảo lãnh cho mẹ chàng có cơ hội đến nước Mỹ để thăm các con cháu của bà.  Lúc ấy mẹ Hoàng được 82 tuổi, sức khỏe còn tốt, khỏe mạnh, trí óc bà rất minh mẫn khi trã lời những câu hỏi của phái đoàn phỏng vấn di trú Hoa Kỳ một cách trôi chảy, thông suốt. Do đó mẹ Hoàng đến California, Hoa Kỳ vào mùa Hè năm 2002 một cách bình an.  Thời tiết mùa Hè Cali ấm áp mát mẻ nhưng bà vẫn cảm thấy lành lạnh như khí hậu trên cao nguyên Đà lạt, phải mặc thêm áo ấm vào buổi sáng và buổi chiều khi mặt trời sắp lặn.  Gia đình em gái và Hoàng đều ở trong khu chung cư tầng trệt vùng Stanton nên hằng ngày bà có dịp đi bách bộ ngắm nhìn quang cảnh những đóa hoa còn đang rực rỡ trên cành, hàng cỏ xanh mịn trước hiên mỗi nhà. Những ngày đầu bà không nhận ra cái nhà nào mình đang ở bởi vì ở chung cư nhà nào cũng giống nhau, nên bà đi lạc và lo sợ vì không biết hỏi ai chỉ dẫn để trở về lại nhà người em gái.  Thấy mẹ đi bộ qua nhà người anh trai sao lâu quá chưa về nên cô em đã vội vã sai con đi khắp nẻo trong khu chung cư để tìm bà.  Bốn tháng tại Mỹ, mẹ Hoàng có nhiều dịp đi chơi xa cùng các con cháu như thăm danh lam thắng cảnh thành phố San Franscisco, cầu Golden Gate, thủ phủ Sacramento, Cali, Las Vegas… Thật ra bà chẳng có ứơc vọng đến Hoa Kỳ để ngắm cảnh hoặc đi du lịch nước ngoài cho biết với thiên hạ, mà chỉ mong gặp các con cháu của mình mà đã lâu lắm rồi bà đang mong nhớ… Trở về quê hương ViệtNam, bà cảm thấy mãn nguyện với chuyến đi Hoa Kỳ của mình, nếu có chết theo ba của Hoàng lúc này bà cũng vui.  Thỉnh thoảng bà thuật lại những chuyện bên Mỹ nhất là khi phát âm sai tên thành phố Las Vegas bằng tiếng Anh đã làm cho con cháu và hàng xóm láng giềng trong làng cười nghiêng ngã, bởi vì khi phát âm sai tên thành phố này trở thành “xe ba gác”, xe ba bánh chuyên chở hàng hóa tại quê nhà.




Hoàng cúi xuống ôm mẹ và hôn trên vầng trán của bà thật lâu!  Bà ngồi yên để cho Hoàng bày tỏ cảm xúc nhớ thương mẹ như thế nào… Bây giờ mẹ Hoàng đã không còn những phản ứng nhanh nhẹn, tiếng nói của bà không còn âm vang khi nói chuyện và cười đùa như trước đây vài năm, bà đã già yếu và thọ được 90 tuổi, cái tuổi gần như là dài nhất cho một đời người. Cái tuổi cô đơn nhất bởi vì không còn ba Hoàng ở cạnh.   Bà lo sợ vẫn vơ khi phải nằm ngũ ban đêm một mình, đối diện với không gian tĩnh mịch, vắng vẻ của ngôi nhà đầy kỷ niệm, một gia đình đầy đủ con cái chung quanh.  Ba Hoàng ra đi cách đây đã 8 năm, con cái lớn lên đều có gia đình ở riêng, ở một mình bà sợ hãi sự cô đơn, trống vắng, sợ những người đã mất, mặc dù bà luôn nói không sợ cái chết.  Đối với cái chết, con người có lẽ lo sợ nhiều nhất, nhưng bà đã đối diện với nó nhiều lần.  Năm qua, sức khỏe bà suýt chết vì bệnh tim.  Các bác sĩ Việt Nam đều cho rằng tim bà có vấn đề, nếu được mổ xẻ và đặt máy trợ tim thì tốt hơn.  Với tuổi tác sắp về trời của bà và sự tốn kém cho chi phí giải phẩu, họ ngần ngừ bảo đừng, thật là khó hiểu khi bàn về khả năng, trách nhiệm và lương tâm  của các vị lương y Việt Nam hiện tại.  Mẹ Hoàng mỗi tháng vất vã ngồi xe cả ngày từ PhanRang vào Sàigòn khám bệnh, hy vọng bác sĩ Sàigòn giỏi hơn bác sĩ tỉnh lẻ về chẩn đoán và chữa trị bệnh tình của bà.  Tuy nhiên, các thủ tục hành chánh (thủ tục đầu tiên!?..) và sự chờ đợi mỏi mòn tại các bệnh viện Sàigòn, Việt Nam hiện nay thường làm bệnh nhân từ các tỉnh lẻ về khám bệnh cảm thấy chán nản, tốn phí nhiều và bệnh tình của họ nặng nề, tồi tệ hơn.  Mỗi lần vào bệnh viện Sàigòn là mỗi lần gặp một bác sĩ khác nhau, họ khám bệnh rồi cho mẹ Hoàng một loại thuốc khác để trị liệu.  Mẹ Hoàng giống như một bệnh nhân chuyên dùng để thí nghiệm tài chữa trị và thí nghiệm các thứ thuốc (giả hay thật?) của bác sĩ tài ba lỗi lạc nhất xứ sở CS Việt Nam này.  Bệnh của mẹ Hoàng, lúc cao máu thì bác sĩ cho thuốc hạ áp huyết, rồi khi áp huyết hạ xuống quá thấp họ lại cho thuốc tăng áp huyết lên, thành ra bà uống đủ loại thuốc tăng và giảm áp huyết trong người.    Cứ thế mà mẹ Hoàng có lúc ngất lịm bất tỉnh vài tiếng đồng hồ trong ngày, chân tay không cảm giác, mắt như người ngủ say, dù có lay động như thế nào cũng không tỉnh lại.  Lúc đầu bất tỉnh 15-30 phút, rồi kéo dài cả tiếng đồng hồ và cho đến khi bất tỉnh hôn mê vài tiếng đồng hồ mà không tỉnh lại, các em của Hoàng đã lo sợ, khóc than lu bù rồi gọi điện thoại khắp nơi thông báo cho tất cả anh chị em, bà con thân nhân khắp nơi…tụ họp như chuẩn bị chia buồn, phát tang. Hoàng đang ở California, Hoa Kỳ nhận được điện thoại mà rụng rời tay chân.  Hoàng không tin rằng mẹ mình có thể ra đi sớm như thế, Hoàng tin vào lời cầu nguyện của mình và lý do nữa là Hoàng mới vừa nói chuyện với mẹ cách đây một vài hôm và biết sức khỏe của bà vẫn còn khỏe mạnh.  Đột nhiên như có một sự mầu nhiệm nào đó khiến Hoàng bảo các em lay gọi mẹ ngồi dậy rồi đưa điện thoại cho bà nói chuyện với chàng và lập tức bà mở choàng mắt ngồi dậy tỉnh rụi như không có chuyện gì xãy ra.   Các em và cháu của Hoàng đang buồn rầu lo âu quay quanh bà trố mắt đầy ngạc nhiên và mừng rỡ, họ có cảm tưởng mẹ hay người bà của họ đã chết đi và được sống lại!  Thật vậy, mẹ Hoàng đã từng đối diện với cái chết, có cảm giác chết đi và sống lại nhiều lần trong nhiều tháng qua.  Hồn bà cũng đã lâng lâng phiêu bạt khắp cõi Thiên Đàng hay Địa ngục… rồi trở về lại thế gian… tiếc thay các em cháu của Hoàng cũng không hỏi bà cảm giác than chứng ấy như thế nào cho con cháu ít nhiều kinh nghiệm.




(xin click vào hình để xem hình lớn hơn)

Hiện nay sức khỏe của bà rất khả quan!  Bà ăn uống rất bình thường, uống rất ít thuốc trị cao máu và không còn triệu chứng ngất lịm vài ba tiếng đồng hồ nữa. Hoàng cảm ơn các em cháu và người thân, nhờ sự chăm sóc của các em cháu trong gia đình mà sức khỏe và tâm trí vui vẻ hồn nhiên như tuổi thơ đang trở về với người mẹ già đã ngoài 90 tuổi.  Thật khó tưởng tưởng ra qui luật của tạo hóa là SINH, LÃO, BỆNH, TỬ mà con người không thể thoát ra được. Con người khi sinh ra là đứa trẻ thơ ngây, tâm trí hồn nhiên như một tờ giấy trắng, rồi lớn lên trí óc hấp thụ tất cả kiến thức hổn độn của loài người, tạm gọi là sở thường kiến.  Đó là những kiến thức vay mượn, giả tạm mà cứ cho là thật của mình rồi đắm chìm trong bể kiến thức ấy mà sinh ra tham sân si, lục dục thất tình, hỉ nộ ái ố… theo mãi suốt cuộc đời.  Khi về già, con người mang bệnh tật mà tâm trí giác ngộ, trút bỏ được cái sở thường kiến, tri thức được những cái vay mượn(vô thường) để tâm không, trí không, tâm như tờ giấy trắng thì thật là đúng qui luật của Đạo. Con người ấy thanh thản ra đi, vứt bỏ cái xác thân tứ đại vô thường và sẽ có cuộc sống đời đời trường cửu.  Lý luận về Đạo lý có nhiều khi rất trái ngược với quan niệm về đời!  Đời là bể khổ, có lẽ ai cũng đồng ý, sống lâu là phúc thọ, ai cũng đồng ý. Nhưng đối với Đạo, sống lâu là người ấy nặng nghiệp, nên phải sống để trả cho hết nghiệp.




(xin click vào hình để xem hình lớn hơn)

Hoàng rất mừng thấy bà còn nhận ra chàng từ Hoa kỳ về thăm, và trong tương lai Hoàng không biết có còn cơ hội nào về thăm mẹ nữa hay không; do đó nhân dịp này Hoàng đã làm tiệc mừng thọ 90 của bà cùng với các em, cháu và thân thuộc trong làng.  Bà cảm động run run cầm con dao cắt cái bánh sinh nhật to lớn HAPPY MOTHER’S DAY và MỪNG SINH NHẬT 90 TUỔI CỦA MẸ. Cầu chúc mẹ được khỏe mạnh sống lâu cùng con cháu!

                                                    California, ngày tháng năm…

                                                      Nhớ mẹ, người Nại cẩn bút





Được sửa bởi aihuu ngày Wed Sep 01, 2010 1:53 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Minh Huong Khuc
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 05 Nov 2007
Số bài: 2090

Bài gửiGửi: Tue May 04, 2010 2:04 am    Tiêu đề:



Cám ơn Anh Ái Hữu đã cho đọc NGƯỜI MẸ . Một câu chuyện nói lên Lòng Hy Sinh cao cả của Người Mẹ cùng tình thương yêu của một Người con đối với Mẹ của Mình .
Hanh Phúc thay Mẹ và Con  !
Về Đầu Trang
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Wed May 05, 2010 1:41 am    Tiêu đề:

Tuyệt vời! À bàn tay của ai mà gân guốt nhiều thế! Một lần nữa cảm ơn DH đã làm đẹp vả hẩp dẫn vô cùng  bài viết của người Nại.
Về Đầu Trang
castertrinh



Ngày tham gia: 07 May 2010
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Fri May 07, 2010 12:18 pm    Tiêu đề:

hay quá, cảm động thiệt
_________________
người nại
Về Đầu Trang
hoai thương trang
Thân Hữu Duy Tân


Ngày tham gia: 06 Mar 2009
Số bài: 1175

Bài gửiGửi: Fri May 07, 2010 12:37 pm    Tiêu đề:

Hạnh Phúc lắm khi được đọc và cảm nhận một TÌNH YÊU cho Mẹ - Cảm động vô vàn khi đời còn có những người con HIẾU THẢO.

Cám ơn người Nại đã cẩn bút chia xẻ niềm vui ...

... Mỗi đêm con thắp đèn Trời
Cầu cho CHA MẸ sống đời với con....


Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Fri May 07, 2010 2:04 pm    Tiêu đề:

Nhớ Mẹ , người Nại cẩn bút
Cali  ngày tháng năm vút
Thành tâm thương kính Mẹ dâng
Hiếu thảo tấm lòng chuẩn mực

Những lời thắm thiết tình con
Văn phong chiếm ngự tâm hồn chứa chan
Anh Chị hạnh phúc ngập tràn
Mai này con cháu vẻ vang hiếu hòa .
Về Đầu Trang
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Fri May 07, 2010 3:54 pm    Tiêu đề:

THƯƠNG MẸ

( Cảm tác hồi ký” Người Mẹ” của
nhà văn Người Nại. Thân tặng anh
chị Đáng+ Phấn và thân hữu )

Quả gương hiếu đạo sáng ngời
Kính yêu hiền mẫu tuyệt vời thân thương.
Tuổi già tóc trắng như sường
Bách niên giai lão xem chừng đến nơi.

Tình Mẹ bao la biển trời
Nuôi con khôn lớn thành người nam nhi.
Lo âu phiền não lắm khi
Người trai thời lọan hiểm nguy sa trường.
Đổi đời bi thảm tang thương
Khổ sai lao động, núi rừng hoang vu.
Bảy năm đói khổ trong tù.
Mẫu thân lặn lội dải dầu nuôi con.

Bây giờ sức khỏe hao mòn
Mẹ già tâm thức vẫn còn cảm thông.
Mừng con thăm viếng quê hương
Người con hiếu thảo ôm hôn trán bà.
Rưng rưng cảm xúc châu sa
Đoản viên con mẹ quả là hân hoan.
.
Me từng du lãm tha hương
Hoa kỳ thăm viếng các con an bình.
Ôi chao hạnh phúc long lanh!
Người con báo hiếu thơm tình mẫu thân.

Mừng Ngày Đại Thọ tuổi vàng
Chín mươi vẫn khỏe khang an Mẹ già.
Nguyện cầu Chư Phật cõi xa
Tây Phương Tịnh Độ hồn Cha rước về.

Tấm gương hiếu thảo ai kia
Công ơn Phụ Mẫu khắc ghi cõi lòng.
Công ơn trời biển mênh mông
Quả trang Hồi Ký ấm lòng Mẹ Cha.
Tấm gương hiếu nghĩa sáng lòa
Rưng rưng cảm động Mẹ già quê hương.

        THANH ĐÀO
           
 


Được sửa bởi Thanh Dao ngày Sat May 08, 2010 12:26 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Fri May 07, 2010 11:36 pm    Tiêu đề:

Cảm ơn thầy Tâm và các thân hữu DT đã có lời khen tặng  và khuyến khích tác giả! Ước gì người Mẹ của ngươi Nại được đọc bài văn này trong ngày Mother's Day.  Thật ra , ai  cũng yêu mẹ mình và mỗi người diễn tả hay biểu hiện bằng những cách khác nhau để nói lên lòng hiếu thảo.  MỘt lần nữa xin cảm tạ các bạn và cầu chúc tất cả các bà mẹ được nhiều hạnh phúc của các con cháu trong ngày hiếu thảo này!
HAPPY MOTHER'S DAY




Được sửa bởi aihuu ngày Fri May 07, 2010 11:44 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
Linh Chi



Ngày tham gia: 19 Oct 2009
Số bài: 3

Bài gửiGửi: Sun May 09, 2010 3:01 pm    Tiêu đề:

Người Nại ơi !
Nhìn tấm ảnh của bà cụ, tôi chợt nhớ đến câu cadao :
     " Tiếng đồn con gái Phan Rang,
Đầu đội cái rế , vai mang cái gùi ".

Thời bây giờ thỉnh thoảng còn thấy rế, chứ gùi không còn thấy nữa
Phải nói rằng tất cả các người MẸ của các quốc gia trên thế giới, không có Người MẸ nào sánh bằng người MẸ của nước Việt Nam , lich sử đã chưng minh trãi qua các triều đai....
Cám ơn người Nại đã cho xem bài viết về MẸ mình nhân ngày Lễ Hiền Mẫu
Chúc sức khoẻ và bình an cho cả nhà nghe,
Thân mến,
 Linh Chi
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân