TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ai TỰ VÃN - NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ai TỰ VÃN - NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thơ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Feb 17, 2010 6:17 pm    Tiêu đề: Ai TỰ VÃN - NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

Nhân dịp kỷ niệm 221 năm trận chiến thắng Đống Đa chúng ta cùng ngâm bài thơ Ai Tự Vãn của Công Chúa Ngọc Hân khóc chồng khi vua Quang Trung từ trần.

Ai TỰ VÃN

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.

Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.

Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.

Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.

Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.

Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.

Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,
Kể sum vầy đã mấy năm nay?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?

Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
Biết cậy ai dập nỗi bi thương?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.

Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bảng bảng còn đâu:
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa!

Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,
Mặt rồng sao cách gián lâu nay,
Có ai chốn ấy về đây,
Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành?

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!

Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,
Công đức dày, ngự vận càng lâu;
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.

Công dường ấy, mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng,
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.

Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,
Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.

Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.

Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;

Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,
Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,
Theo xa thôi lại theo gần,
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.

Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,
Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!
Mơ màng thêm nỗi khát khao,
Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi?

Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,
Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai?
Xưa sao sớm hỏi khuya bày,
Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.

Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,
Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?
Xưa sao gang tấc gần chầu,
Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.
Nửa cung gẫy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,
Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.
Não người thay, cảnh tiên hương,
Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.

Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
Thấy mênh mông những nước cùng mây,
Đông rồi thì lại trông tây:
Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.

Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,
Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.

Cậy ai có phép gì tới đó,
Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,
Này gương là của Hán cung
Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.

Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,
Bụng ai hoài vội ghẻ vì đâu?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.

Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,
Nỗi sinh cơ có thấu cho không?
Cung xanh đang tuổi ấu xung
Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương?

Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,
U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.

Trong sáu viện ố đào, ủ liễu
Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê
Long đong xa cách hương quê,
Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ
Cất chân tay thương khó xiết chi.
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.

Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?

Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?
Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng chọ
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Thu Feb 18, 2010 2:31 am    Tiêu đề: AI TỰ VÃN - Ngọc Hân công chúa
Tác Giả: Thơ hoạ của Diệu Đức

Vua Quang Trung , một vị anh linh của dân tộc . Dù đã ra đi  , vẫn để lại đời đời niềm
tự hào và sự thương tiếc của toàn dân trong trận Đống Đa với chiến thắng
quân Thanh .
Ngoài cương vị một vị vua đa tài với cuộc chiến thần tốc của mùa Xuân năm 1789 ,
ngài còn là vị hôn phu đa tình khi đã vội chọn mua cành Đào tại làng Nhật Tân gởi về
tặng công chúa Ngọc Hân đón xuân vào dịp Tết .
Thương cảm thay nàng công chúa của triều Tây Sơn , sớm khóc chồng và đã gởi gấm
nỗi lòng qua bài thơ AI TỰ VÃN  , gói ghém nghĩa tình sâu đậm .

Ai tự vãn -
Ngọc Hân công chúa
- thơ hoạ của D Đ

Ôi thế sự , giọt châu rơi thê thiết
Hắt hiu buồn , gió chướng dạ sắc se
Lang quân hởi ! Tưởng anh linh bất diệt
Giọt lệ đào chôn kín . Thức như Mê .

Đìu hiu nhớ , pháo rền khi xuân đến
Chiến thắng kiêu hùng , thiếp đợi năm nao
Ngờ đâu thiên cổ , đời chia hai lối
Biệt ly ơi , sao gột rữa nỗi sầu
Quyết vẹn nghĩa , tình trung trinh tiết liệt
Đường tử sinh , dấn bước quãng gì đâu

Con côi cút , gởi ai người nuôi dưỡng
Mẫu tử tình thâm , nở dứt sao đành !
Ôi lang quân thiếp đợi ngày con lớn
Đành trả nợ trần , hồn phách chôn theo ...
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Thu Feb 18, 2010 2:23 pm    Tiêu đề:

HÃY TRẢ LẠI TRONG SÁNG CHO NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
NGUYỄN AN PHONG

Một dịp hết sức tình cờ đã trở thành động lực chính thúc bách tôi phải viết bài này:
Trong đêm 26-6-1996 "đêm thắp nến cho thuyền nhân tỵ nạn Việt nam", tại khuôn viên toà thị chính Westminter tôi gặp lại Mỹ Thơ, một cô nữ sinh cũ của trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho. Sau vài câu xã giao, thứ đến là những chuyện trường cũ, tình xưa v.v... và rồi thì câu chuyện lại chuyển sang đề tài về một bài báo cách đây mấy tháng đã viết với nội dung là: năm 1801 sau khi chiếm Phú xuân vua gia Long đã lấy bà Ngọc Hân công chúa làm vợ. Mỹ Thơ cho rằng đây là một điều làm sỉ nhục đến người xưa và nhất là những cựu nữ sinh trường Lê Ngọc Hân.

Nếu chỉ đặt mình trong một cương vị hết sức bình thường của một người chưa bao giờ bước chân đến trường và cũng chưa một lần nào học qua lịch sử Việt nam, hoặc giả là một người sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì chắc chắn không có điều gì đáng nói cả. Nhưng tôi cũng đã bước chân đến trường và cũng đã học qua lịch sử nước nhà, nhất là tôi đã sinh ra và lớn lên ở Bình định, quê hương của vị anh hùng dân tộc: Ðại đế Quang Trung. Thật tình mà nói tôi chưa đọc được tài liệu lịch sử nào, đã ghi rằng vua Gia Long lấy Ngọc Hân công chúa và sinh hạ ra hai hoàng tử là Quảng Oai và Thường Tín, mà chỉ đọc được một tài liệu đã ghi rằng, em ruột của bà Ngọc Hân là công chúa Ngọc Bình đã lấy vua Gia Long và sinh hạ được hai người con. Phải chăng vua Quang Trung và vua Gia Long là hai anh em bạn rể? Có dịp tôi sẽ trình bày đề tài thích thú này trong một bài khác.

Dưới thời Tây Sơn có hai người đàn bà tài danh đã nối gót tiền nhân, làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt nam, đó là nữ tướng Bùi Thị Xuân của đất Tây Sơn Bình định và Ngọc Hân công chúa của đất Thăng Long. Nhưng cuối cùng, khi Gia Long với tư cách là kẻ chiến thắng, đã trả thù hai bà và gia đình một cách dã man và hèn hạ, nên đã để lại cho người đời sau không ít những hệ quả, bi thảm và sâu đậm rất khó quên. Họ vẽ vời thêm những câu ca dao, một số sấm ký và một số truyền thuyết, có mục đích tuyên truyền chính trị, và bôi nhọ Bắc cung Hoàng hậu của quang Trung Ðại đế. Rồi họ thi vị hóa và hiện thực hóa truyền thuyết thành một trang tình sử đầy bi hùng, có thứ tự, có lớp lang giữa Ngọc Hân công chúa và vua Gia Long, cho nên rất được nhiều người ưa nghe, và rồi cũng rất nhiều sách vở biên chép. Trong số đó có bài viết của ông Phạm Việt Thường đăng trong tập san "Ðô Thành Hiếu cổ" đã xuất bản ở Huế vào năm 1941 với tựa đề là: "Sự trớ trêu của ông Tơ, bà Nguyệt hay duyên số kỳ lạ của Ngọc Hân Công Chúa". Bằng mọi cách để cố tạo nên sự chú ý của độc giả, tác giả đã không ngần ngại dùng bút pháp tiểu thuyết hóa câu chuyện:

Một đêm dưới ánh trăng lờ mờ của ngọn đèn ở trong một căn phòng âm u, Ngọc Hân thấy một người đàn ông tráng kiện và uy nghi, chậm chạp tiến về phía mình rồi cúi chào, Ngọc Hân run lên và đánh liều hỏi: - Này võ tướng Nguyễn quân, người muốn gì ở ta?
Người kia cười và đáp:
- Không can chi mô, bà đừng sợ, võ tướng Nguyễn quân cũng là một người mà có lẽ còn nhân từ hơn cả một võ tướng Tây Sơn.
Thấy Ngọc Hân im lặng, người bí mật nói tiếp:
- Thưa Hoàng hậu, dù việc xảy ra như thế nào thì cung điện này cũng vẫn là của bà.
- Nhưng thưa tướng quân, đối với tôi cung điện này còn là một nhà tù!
Ngọc Hân đáp rồi oà lên khóc. Trong cơn đau khổ, Ngọc Hân càng làm cho vị võ tướng thêm xao xuyến và càng yêu quí nhan sắc tuyệt vời của bà hơn. Ðể tỏ lòng tôn kính Ngọc Hân, vị võ tướng nói mấy lời an ủi rồi rút lui.
Sau một đêm thao thức không ngủ được, Ngọc Hân ngồi dậy uể oải cả người giữa những tiếng chim kêu êm vui và hình như còn nghe những tiếng gào thét của quân lính đang tấn công vào kinh thành. Nàng buồn phiền không muốn trang điểm gì cả. Bỗng nàng thấy một người mang trang phục đế vương tiến dần về phía mình. Nàng nhận ra người ấy là kẻ lạ mặt đêm hôm qua. đó chính là Nguyễn Ánh. Ngọc Hân đứng dậy xin lỗi về sự nhầm lẫn đêm hôm qua.
Nguyễn Ánh trong sự rạng rỡ của mình mỉm cười và nói:
- Hôm nay bà dậy sớm quá.
- Tâu hoàng đế chúng tôi suốt cả ngày đêm không ngủ.
- Bà là một hoàng hậu anh minh. Bà nên biết rằng mặc dù có những cuộc thay đổi, nhưng nước Nam này vẫn giữ nguyên như cũ. Bà hãy khuây khỏa, dẹp mọi ưu phiền, cung điện lâu đài này vẫn luôn luôn là của bà. - Tâu, chúng tôi xin cám tạ lời vàng ngọc của ngài, nhưng... Ngọc Hân nghẹn ngào trong những tiếng nấc và nước mắt, đành bỏ dở câu, không nói tiếp được nữa...
Trước ý chí cương quyết của Nguyễn Ánh, triều đình đành chịu bó tay và Ngọc Hân vui vầy bên duyên mới, quên lãng chuyện xưa...
Và cuối cùng bằng những lời hoài cổ buồn da diết, tác giả Phạm Việt Thường đã kết thúc câu chuyện:
Ngày nay, những khách qua đường hiếm hoi, dừng lại trước đền thờ Quảng Oai quận công và Thường Tín quận công, hai cái chòi trơ trụi còn lại của Ngọc Hân công chúa với Gia Long mà không thể thốt lên một tiếng thở dài não nuột, khi thấy cái đền thờ trong cảnh đổ nát và sắp tiêu vong với thời gian.


Ðây là một trong những truyền thuyết, mà tác giả đã dùng bút pháp để tiểu thuyết hóa câu chuyện cho thật ly kỳ và hấp dẫn miễn sao gây được ấn tượng "có thật" trong lòng độc giả là đã đạt được mục đích, và rồi đến ngày nay ở hải ngoại vẫn còn có người căn cứ vào tài liệu tiểu thuyết mà cho rằng đây là một thiên tình sử đặc sắc, một câu chuyện có thật. Rất tiếc vì thiếu đối chiếu và cẩn trọng gạn lọc tài liệu sử dụng nên sẽ tiếp tục để lại thêm không ít những di hại cho nhiều thế hệ sau. Như vậy Ngọc Hân công chúa có yêu vua Quang Trung hay không? hay là đã đầu độc vua Quang Trung để rồi sau này lấy vua Gia Long?
Qua sự mai mối chớp nhoáng của Nguyễn Hữu Chỉnh, lễ cưới của Ngọc Hân công chúa và Nguyễn Huệ đã được tổ chức ở Thăng long hết sức linh đình và trọng thể. Nhưng có người cho rằng đây là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị vào giữa lúc mà thế nước chẳng đậng đừng. Có thực vậy không? Ta thử nghe mẩu đối thoại ngắn của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân:

- Nguyễn Huệ: Con trai, con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như nàng?
- Ngọc Hân: Nhà vua ít lộc, các con trai , con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó, chỉ riêng thiếp có duyên lấy được lệnh công, ví như hạt mưa bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa vào chốn lầu đài như thế này là sự may mắn của thiếp mà thôi.
(Hoàng Lê Nhất thống chí, trang 104)

Ðây là lời trao duyên đầu tiên giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đã được sử sách ghi lại. Vậy thì cuốc tình của Ngọc Hân và Nguyễn Huệ thật là tốt đẹp, ngay cả phụ hoàng cũng hoàn toàn như ý:

Từ cờ thắm trở vời đất Bắc
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng
Thuyền lan chèo quế, thuận đường vu qui.


Và cũng để bù đắp lại tình yêu thương của Nguyễn Huệ, ta thấy Ngọc Hân đã bày tỏ tất cả nỗi lòng da diết của mình qua bài "Văn Tế vua Quang Trung". Nhưng tiếng lòng sâu kín và bão táp nhất của Ngọc Hân đối với vua Quang Trung vẫn là nội dung chứa đựng trong những vần thơ của bài "Ai Tư Vãn". Tiếng lòng đó có lúc nức nở nghẹn ngào, tan nát có lúc dốn dập, hùng hồn, kiêu hãnh như chính cuộc đời của bà và vua Quang Trung:

Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước, xiết bao công trình


Hai câu thơ thứ ba và thứ tư trong 164 câu thơ của Ngọc Hân công chúa khóc chồng, mà ta có cảm tưởng như đang thay cho cả triều đình Tây sơn khóc vị anh hùng vắn số.
Còn vấn đề đầu độc vua Quang Trung, lật lại các trang sử cũ, chúng ta chỉ thấy các sử gia ghi chú ngày, tháng, năm lúc vua Quang Trung mất, không có một vị nào cho biết Quang Trung đã chết vì bị bệnh gì.
- Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà."
- Tác giả Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: "Vua Quang Trung mất vào năm Nhâm Tý" (1792)
- Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà."
- Riêng học giả Hoa Bằng viết: "Vua Quang Trung mất vì chứng huyết vận năm Nhâm tý (1792)". Ðoạn sau ông nêu ra những chứng do huyết vận gây nên!
Vua Quang Trung mất đi đã để lại rất nhiều ngẩn ngơ cho lịch sử và rất nhiều xót xa cho hậu thế. Cuộc đời của vua Quang Trung là một thiên anh hùng ca đặc sắc, nhưng đương thời còn thêu dệt thêm nhiều
điều bí ẩn, diệu kỳ nên sau ngày vua Quang Trung mất đi một bức màn bí mật lại bao phủ lên người ông. Một số câu hỏi đã được đặt ra chung quanh cái chết và lăng mộ của ngài. Thế rồi nhiều nghi vấn, nhiều giả thuyết đã tạo thành nhiều cuộc tranh luận và không thiếu những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian rất là phổ biến, nhất là ở thành phố Huế: nào là bị đầu độc, nào là bị tổ tiên của triều Nguyễn đánh vào đầu lúc chiêm bao v.v...

Vào khoảng tháng 8 năm 1961 trên tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ đã đưa ra một nghi án lịch sử là Ngọc Hân công chúa đã đầu độc vua Quang Trung chết năm 1792 với tài liệu của ông Nguyễn Thượng Khánh. Ông Nguyễn Thượng Khánh cho rằng ông thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Lê (Lê Duy Mật) nhưng vào thời nhà Nguyễn buộc phải đổi họ từ Nguyễn Duy sang Nguyễn Lê và đến đời của ông thì đổi sang Nguyễn Thượng. Ông Khánh đã đưa ra một mớ sử liệu căn cứ trên bản gia phả và ông cho rằng đó là một sử liệu thầm kín của dòng dõi Nguyễn Lê có liên quan đến lịch sử mà "xưa nay chưa có ai phát giác ra".
Ông Khánh cho là: Sau khi hay tin vua Càn Long hứa gả công chúa cho Quang Trung, trong một phút uất ức và cuồng trí, Ngọc Hân đã quyết định giết vua Quang Trung, "Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho vua Quang Trung uống" và ông Khánh nhìn nhận "Công chúa Ngọc Hân do một phút bồng bột vì quá ghen".

Sau bài viết của ông Nguyễn Thượng Khánh "Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa " đã tạo nên những xôn xao, những dư luận và những phản ứng mạnh mẽ của con cháu dòng dõi nhà Lê (Lê Duy Mật). Vào đầu thập niên 1960 các tạp chí ở Sài gòn như Bách Khoa, Phổ Thông, Văn Ðàn v.v... đã mở ra một cuộc bút chiến chung quanh nghi án lịch sử về cái chết của vua Quang Trung vì Ngọc Hân công chúa đầu độc.

Khởi đầu là ông Nguyễn Văn Minh đã đăng trên tạp chí Phổ Thông một bài viết với những luận cứ hết sức vững chắc để phản bác mạnh mẽ lại những lời lẽ mang tính chất hàm hồ và những ngụy biện vô căn cứ của ông Nguyễn Thượng Khánh vì bản gia phả của gia đình ông Khánh đã bị thất lạc từ lâu, cho nên ông Khánh chỉ sử dụng bản viết mà nội tổ ông Minh kể lại rồi từ đó ông Khánh suy nghiệm ra. Tiếp theo là một bài viết khá nghiêm túc của ông Thiện Sinh cũng đăng trên tạp chí Phổ Thông, đã lần lượt đưa ra những sai lầm nghiêm trọng của ông Nguyễn Thượng Khánh. Rồi thì một số tộc phổ, phổ ý của các họ nội, họ ngoại mà quý ông Nguyễn Lê Thọ ở Quế sơn Quảng nam và Võ Thành Sơn ở Ðà nẵng đã đưa ra để làm bằng chứng và cũng vạch ra những sai lầm mà ông Nguyễn Thượng Khánh đã công bố.

Trở lại vấn đề Ngọc Hân công chúa có lấy vua Gia Long hay không? Ta thử tìm hiểu xem Ngọc Hân công chúa đã chết lúc nào?
- Trong tập "Nhân vật Tây Sơn" ghi chép rằng "vào năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Phú xuân, vua Cảnh Thịnh và một số quần thần cùng hoàng tộc thoát chạy ra Bắc, còn Ngọc Hân công chúa và hai con phải cải trang, thay tên đổi dạng vào lánh nạn ở Quảng nam. Ðược ít lâu thì bị phát giác, quan quân nhà Nguyễn bắt giải về Phú xuân và xử theo trọng hình, lối 'Tam ban Triều điển' ".

- Trong bài lược sử Công chúa Ngọc Hân của Ngô Tất Tố thì cho là Lê Ngọc Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.
Vậy thì sự thật bà Ngọc Hân chết lúc nào? Ta thử đối chiếu các tài liệu lịch sử một cách hết sức nghiêm túc, hãy gạt bỏ mọi ân oán, hờn giận riêng tư cũng như phe phái của người đương thời và kể cả người đời sau để xét đoán và đi sâu vào chi tiết của các tài liệu hầu tìm kiếm chất liệu có giá trị vững vàng hơn là căn cứ vào các tài liệu tiểu thuyết.

Lê Ngọc Hân sinh ngày 24 tháng 4 năm Canh Dần (22 tháng 5 năm1970), là vị công chúa tài sắc vẹn toàn của vua Lê Hiển Tông. Sau khi kết hôn với Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, cuộc sống của bà đã gắn liền với sự nghiệp của vị anh hùng đất Tây sơn, bà đã sinh hạ được hai con là hoàng tử Nguyễn Văn Ðức và công chúa Nguyễn Thị Ngọc. Trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú xuân đã ghi lại như sau: "Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả năm công chúa: một cô 16 tuổi theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Bắc kỳ (Ngọc Hân) em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương". Như vậy ta thấy rằng khi Barizy đến tận nhà giam để kiểm nhận và xem mặt tất cả các hoàng tử, công chúa quan lại và gia đình của các quan lại cao cấp của Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh bắt tại Phú xuân có rất nhiều phụ nữ nhưng tuyệt nhiên ta không thấy ghi có mặt Hoàng hậu Ngọc Hân mà ông ta đã gọi là Công chúa Bắc kỳ. Và cũng
theo như bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù ninh, huyện Từ sơn tỉnh Bắc ninh thì đã ghi ngày chết của Ngọc Hân công chúa "tốt vu kỷ mùi niên, thập nhất nguyệt sơ bát nhật" tức chết vào ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi nhằm ngày 4 tháng 12 năm 1799. Lại nữa, đọc 5 bài văn tế bằng chữ Nôm có ghi chú rõ là văn tế Hoàng hậu (tức Ngọc Hân) của Phan Huy Ích soạn vào năm Kỷ Mùi (1799), trong Dụ Am Văn Tập thì ta thấy có sự phù hợp về năm chết của Ngọc Hân công chúa. Phan Huy Ích đã soạn 5 bài văn tế chữ Nôm như sau:
Một bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế.
Một bài soạn cho các công chúa của vua Quang Trung đứng tế.
Một bài soạn cho bà thân sinh Hoàng hậu là Phù ninh Từ cung đứng tế.
Một bài soạn cho Tôn thất nhà Lê đứng tế.
Một bài soạn cho bà con bên ngoại của Hoàng hậu ở Phù ninh đứng tế.
Ta thử lướt qua, một đoạn ngắn trong bài văn tế, soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế với đề là "Kỷ Mùi đông nghĩ, ngự điện Vũ Hoàng hậu" với những lời lẽ rất hợp với hoàn cảnh của Hoàng hậu Ngọc Hân như sau:

"Than ôi! Nguyệt in phách quế, mái trường thu vừa rạng vẻ làu làu, sương ủ hồn hoa, niềm thương uyên chột rơi mùi thoang thoảng, nẻo chân du quạnh cõi biết tìm đâu, niềm vĩnh mộ bâng khuâng hằng trạnh tưởng.
Noi tiên chí vậy dốc bề trí kính, dấu sân huyên đôi chốn sum vầy, cảm mẫu nghi mà thay buổi thừa hoan, vẻ áo vải xưa kia mường tượng. Mong thể thiên tùng chập thân cao, kiềm máy máy so le khôn lượng....
Ôi! bóng quạnh nước mây thoi đưa ngày tháng, chồi tiên lan nhường rã rợi bên thềm, dấu cử vũ bỗng lạnh lùng dưới trướng. Nguyện cũ hẳn nay đã vẹn tròn, bên Ðan lăng quanh quất mạch liên châu - khí thiêng dõi để dặc dài, trong thanh miếu ngọt ngào mùi quán sưởng. Rày nhân gác bánh liễu dư, bày hàng thử trượng. Nhìn hâm vệ hành ngưng mọi vẻ, đường u hiển xa lìa, dâng điện diên gọi vái mấy lời, mối luân thường tỏ sáng.
Hỡi ơi, cảm thay!"


Trong suốt chiều dài lịch sử Việt nam, là một chuỗi dài của chiến tranh, cho nên sách vở đã thất lạc và mất mát khá nhiều, bởi vậy tài liệu rất là thiếu thốn và hiếm hoi, cho nên ta đành phải bằng lòng với thực tế những gì ta có, để rồi gạn lọc đánh giá và sử dụng những tài liệu có mức độ khả tín như những giấy tờ của các người Tây phương có liên lạc với Nguyễn Ánh, các bài văn tế của các nhân vật lịch sử và các bài phả ký của dòng họ liên hệ. Như vậy nhìn chung vào ba tài liệu của Barizy, bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở Phù ninh và năm bài văn tế Ngọc Hân công chúa của Phan Huy Ích đã soạn thì chúng ta thấy rằng Ngọc Hân công chúa đã chết và được an táng trọng thể tại Huế trước khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú xuân năm 1801, nên Ngọc Hân không hề lấy Gia Long như những dòng tiểu thuyết hư cấu của Phạm Việt Thường đã tạo thành một thiên tình sử giữa Ngọc Hân và vua Gia Long.
Ngọc Hân công chúa chết đi để lại một số tác phẩm:
Biểu chúc mừng Quang Trung nhân dịp lễ tứ tuần (1792)
Ai Tư VãnVăn tế vua Quang Trung
Tất cả nội dung của những sáng tác trên đều cho chúng ta thấy rằng chủ đề cảm xúc lớn lao nhất trong sự nghiệp sáng tạo văn thơ của bà là vua Quang Trung.

Ðến đây, chúng ta thấy rằng cần phải trả lại nguyên vẹn sự trong sáng cho Ngọc Hân công chúa vì một sự bất hạnh đầy cay đắng và tủi nhục qua những thứ tài liệu của những người viết văn giàu óc tưởng tượng và thêu dệt tùy hứng.
Hãy để cho Bắc cung Hoàng hậu của Ðại đế Quang Trung ngủ yên, xin đừng bôi bác thêm. Lịch sử của triều Nguyễn trong suốt 152 năm trị vì vốn đã có nhiều bất công đối với nhà Tây Sơn, cũng chỉ vì chúng ta đã không có những nhà viết sử đủ can đảm và lương thiện như Tư Mã Thiên, như Nễ Hành, để ghi chép lại sự thật một giai đoạn đen tối, loạn lạc và hiếm hoi nhất của lịch sử, sau một cơn chuyển mình lớn mạnh đầy sinh động và dồi dào sinh lực của đất nước. Và đây cũng là thời kỳ hào hùng và huy hoàng nhất nhưng lại cũng ít được biết nhất là cuộc khởi nghĩa Tây sơn có vóc dáng là một cuộc khởi nghĩa của dân chúng mang tính chất quật cường của dân tộc, mà ba anh em nhà Tây sơn đã không dựa vào chiến tranh chống ngoại xâm, cũng không dựa vào sự nghiệp cha truyền con nối, lại cũng không dựa vào thế lực ngoại bang để lên ngôi như nhà Nguyễn sau này, mà họ chỉ dựa vào sức mạnh của quần chúng và lòng dân.

Nhưng rồi ngày nay mỗi khi nhắc đến nhà Tây Sơn, người ta chỉ còn nhớ đến vua Quang Trung với những chiến thắng Ðống đa, Hà hồi, Ngọc hồi của mùa xuân Kỷ Dậu độ nào. Hoặc chỉ còn bàng bạc nhớ
đến tiếng than não nuột "mà nay áo vải cờ đào" của Ngọc Hân công chúa khóc chồng, chẳng mấy ai nghĩ rằng: linh hồn cờ đào thì vẫn còn đó và áo vải của đất Tây sơn thì vẫn còn đây, nhưng hỏi những ai là người nối bước Quang Trung để mặc áo, phất cờ mà "giúp dân dựng nước"?
Thôi thì, năm tháng đã cuốn đi theo chiều gió với bao vui buồn và mất mát! Có còn chăng là mối tình vương giả đẹp tuyệt vời của cô Công chúa Bắc kỳ nho nhỏ và người anh hùng áo vải đất Tây sơn.


NGUYỄN AN PHONG Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN, Xuân Ðinh Sửu 1997
Về Đầu Trang
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Thu Feb 18, 2010 4:25 pm    Tiêu đề:

 
AI TƯ VÃN

(Cảm tác bài cùng tên của Ngọc Hân
Công Chúa, Hoàng Hậu Vua Quang Trung )

Lời thơ thắm thiết thảm sầu
Khóc chồng bạc số, má đào hẩm hiu.
Bây giờ Hoàng Hậu buồn thiu
Nuôi con thơ dại, liu điu cuộc đời.

Anh hùng, danh tướng, chồng ai
Quân Thanh tan tác, thiền tài cổ kim.
Nào ngờ tuổi thọ chẳng êm
Vĩ nhân khó sống lâu bền cõi đây.
Trai tài, gái sắc xưa nay
Khó bề thọ mạng, tuổi rày cao niên.(1)

Ngọc Hân buồn bã ưu phiền
Trở thành sương phụ sống bên con mình.
Cô phòng lạnh lẽo buồn tênh
Con thơ côi cút, vắng tình phụ thân.

“Ai Tư Vãn” giọt lệ tràn
Sanh, ly, tử, biệt vô vàn khổ đau.
Từ nghìn xưa, đến nghìn sau
Điệu buồn vọng mãi ủ sầu chia phôi.    

Người đi biền biệt cõi ngoài
Để người ở lại, ngậm ngùi nhớ thương.
Bao giờ chấm dứt đoạn trường?
Phu thê cách trở, âm dương ngút ngán?
Cõi trần thiếp vẫn thương chàng
Những dòng xúc cảm, khóc than não nùng!

(1)  Phỏng theo ý hai câu của Triệu Diễm Tuyết :
“Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”
( Không hẹn thế gian thấy mình đầu bạc)
(Xin cám ơn DH đã nhắc nhở )                  
           
        THANH ĐÀO          


Được sửa bởi Thanh Dao ngày Fri Feb 19, 2010 2:03 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Phanrang



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 205

Bài gửiGửi: Fri Feb 19, 2010 12:18 pm    Tiêu đề: Tiểu sử Ngọc Hân Công Chúa

Lê Ngọc Hân



Bắc Cung Hoàng hậu
công chúa Nhà Hậu Lê
Bắc cung hoàng hậu
Hữu cung hoàng hậu
Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng hậu
hoàng hậu nhà Tây Sơn
Tại vị 1788 - 1792

Tấn phong 1788
Tiền nhiệm Nguyễn Thị Huyền
Kế vị Lê Ngọc Bình

Chồng Vua Quang Trung
Hậu duệ
Nguyễn Quang Đức
Nguyễn Mỹ Hạnh

Tên đầy đủ
Lê Ngọc Hân
Hoàng tộc Nhà Hậu Lê
Nhà Tây Sơn
Thân phụ Lê Duy Diêu
Sinh 1770
Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam
Mất 4 - 12 - 1799
chùa Kim Tiền, Huế, Việt Nam
An táng Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam
Tôn giáo Phật

Lê Ngọc Hân (黎玉忻, 1770-1799) còn gọi Ngọc Hân Công Chúa là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Mục lục
1 Thân thế
2 Bắc cung hoàng hậu
3 Hoàng thái hậu yểu mệnh
4 Sự trả thù của nhà Nguyễn
5 Em gái
6 Chú thích
7 Xem thêm
8 Tham khảo
9 Liên kết ngoài

Thân thế
Lê Ngọc Hân là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh, là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.

Bắc cung hoàng hậu
Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh". Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 34 tuổi.

Vài ngày sau vua cha Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Lê Ngọc Hân nghĩ anh thân hơn cháu nên ủng hộ anh là Lê Duy Cận lên ngôi, nhưng bị tông tộc nhà Lê phản đối vì muốn lập hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ - con của thái tử Duy Vĩ bị chúa Trịnh Sâm giết hại - lên ngôi. Do áp lực của tông tộc, Ngọc Hân phải nghe theo. Lê Duy Kỳ được lập, tức là vua Chiêu Thống.

Ít lâu sau bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.

Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà. Bà viết bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.

Hoàng thái hậu yểu mệnh
Quang Trung mất, Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên lên thay, tức là Cảnh Thịnh đế.

Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.

Lễ bộ Thượng thư Ðoan Nham hầu nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đă phụng chỉ soạn bài văn tế cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh tế Ngọc Hân. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn trên còn chép trong sách Dụ Am văn tập.

Triều đình Cảnh Thịnh lục đục và suy yếu, ngày càng bị Nguyễn Ánh đe dọa. Hai con bà phải đổi sang họ Trần. Nhưng với sự sụp đổ của triều Tây Sơn, theo tộc phả họ Nguyễn Đình, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23-12-1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18-5-1802) công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.

Sự trả thù của nhà Nguyễn
Theo "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đình: Bà Nguyễn Thị Huyền thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, năm 1804 đã thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân, ngày 24 tháng 3 năm Giáp Tý (3-5-1804) xuống thuyền vượt biển, ngày 20 tháng 5 (28-6) về đến bến Ái Mộ[3], ngày mồng 4 tháng sau (11-7-1804) đưa về bản dinh, ngày mồng 9 (16-7-1804) đưa về làng, giờ Ngọ an táng hài cốt bà Ngọc hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là Bãi Cây Đại hay Bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành (Bắc Ninh).

Chu Quang Trứ dẫn theo Đại Nam thực lục cũng nói về việc này năm 1842:

"Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích".
Sự việc bị phát giác, vua Nguyễn là Thiệu Trị sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt bà và các con.

Em gái Lê Ngọc Hân là Lê Ngọc Bình, là con gái nhỏ nhất (thứ 23) của vua Lê Hiển Tông, là vợ của vua Cảnh Thịnh.

Sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp (1795), Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho vua Cảnh Thịnh.

Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Ngọc Bình trở thành vợ Nguyễn Ánh, sinh được hai hoàng tử nhà Nguyễn. Theo các nhà nghiên cứu, do chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai bà đều sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, nghĩa là cả hai bà đều là Hoàng hậu Phú Xuân. Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình.

Khi nhà Tây Sơn mất, dân gian truyền tụng câu:

Gái đâu có gái lạ đời
Con vua lại lấy hai đời chồng vua

Có người đã lầm lẫn cho rằng người lấy Nguyễn Ánh là Lê Ngọc Hân. Các nhà nghiên cứu khẳng định, thực ra bà đã mất từ năm 1799 và người lấy Nguyễn Ánh là Lê Ngọc Bình, em gái bà - người ít được biết đến hơn bà. Do Ngọc Hân nổi tiếng nên nhắc đến bà hoàng hậu nhà Tây Sơn và là con vua Lê Hiển Tông, Ngọc Hân hay được nhớ tới hơn.

Về Đầu Trang
Bánsamạc



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 249

Bài gửiGửi: Fri Feb 19, 2010 12:40 pm    Tiêu đề: Ngọc Hân công chúa

Nàng công chúa tài sắc vẹn toàn cuộc đời tưởng huy hoàng ai ngờ vắn số.Quả là :
" Phú quí như giấc mộng buổi ban chiều
Công danh như sương trên ngọn cỏ."




Ngọc Hân công chúa suýt bị xóa tên trong Hoàng tộc

-Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, đánh một trận diệt tan cơ đồ hơn 200 năm của họ Trịnh (6/1786), trả lại nước cho vua Lê. Để tỏ lòng cảm ơn người anh hùng, theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông đã gả người con gái yêu của mình là công chúa Ngọc Hân cho ông.

Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa.

Năm đó Ngọc Hân mới 16 tuổi, là một nàng công chúa tài sắc vẹn toàn. Vua Lê Hiển Tông đã từng nói với quần thần rằng: "Con bé này ngày sau nên gả làm vương phi, chứ không nên gả cho bọn phò mã tầm thường". Ngọc Hân công chúa thật xứng đáng với anh hùng Nguyễn Huệ.

Tiếc thay, vua Lê Hiển Tông lúc ấy đã già, ốm yếu, bệnh tật. Công chúa về nhà chồng được 6 ngày thì nhà vua băng hà. Triều đình nghị bàn, tôn Lê Duy Kỳ lên nối ngôi. Lê Duy Kỳ là con trưởng của Thái tử Lê Duy Vĩ, là cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông. Trước đây, Thái tử vì bất đồng với chúa Trịnh Sâm mà bị giết hại, vì vậy, ngôi vua về tay Lê Duy Kỳ là hợp lệ.

Duy chỉ có một điều, Lê Duy Kỳ là kẻ nhỏ nhen, tầm thường, không đủ tư cách để đứng đầu triều đình. Trước khi Lê Hiển Tông mất, ông có dặn lại tả hữu rằng, mỗi khi có công việc quan trọng của triều đình, đều phải xin ý kiến của Nguyễn Huệ. Khi phái đoàn của Hoàng tộc nhà Lê đến gặp Nguyễn Huệ và Ngọc Hân để xin ý kiến về việc lập Duy Kỳ làm vua, Nguyễn Huệ thông qua nhận xét của Ngọc Hân đã biết tư cách của Duy Kỳ nên kiên quyết không chấp nhận.

Quan hệ giữa Nguyễn Huệ và Hoàng tộc nhà Lê gay gắt đến mức một vị Hoàng thân là chú của Ngọc Hân đã phát biểu: "Tự tôn (tức Duy Kỳ) không được làm vua, thiên hạ chắc sẽ loạn ấy là lỗi tại công chúa Ngọc Hân. Công chúa thực đã làm hại đến việc lớn xã tắc. Hãy xoá tên công chúa trong sổ họ đi, để công chúa về nước Tây Sơn mà yên hưởng giàu sang" (Hoàng Lê nhất thống chí).

Sợi dây căng tưởng chừng sắp đứt. Đã đến nước ấy thì Ngọc Hân công chúa và Nguyễn Huệ đành phải nhượng bộ. Hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên nối ngôi, tức vua Lê Chiêu Thống.

Sau khi được đặt lên ngôi báu, Lê Chiêu Thống đã có những hành động phản bội lại nhà Tây Sơn, trả thù những người trước đây đã từng cộng tác với nhà Tây Sơn, thậm chí có những người phụ nữ thuộc Hoàng tộc kết hôn với các tướng lĩnh Tây Sơn, có thai, còn bị mổ bụng lấy thai ra! Nhưng tội ác lớn nhất của Lê Chiêu Thống đó là rước 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta.

Giá như Hoàng tộc nhà Lê đừng quá bảo thủ, nghe lời Ngọc Hân và Nguyễn Huệ thì đâu có cái vạ Chiêu Thống "cõng rắn cắn gà nhà"? Tất nhiên, Nguyễn Huệ mới chân ướt chân ráo đến Thăng Long thì không thể biết được nội tình Hoàng tộc nhà Lê. Việc ông kiên quyết phản đối Chiêu Thống lên nối ngôi là căn cứ vào ý kiến đánh giá của Lê Ngọc Hân. Thật đáng khâm phục con mắt tinh đời của công chúa Ngọc Hân.

Lê Ngọc Hân (1770 - 1799) là con gái của vua Lê Hiển Tông và là hoàng hậu của vua Quang Trung. Một nàng công chúa tài sắc vẹn toàn, làm vợ một vị anh hùng cái thế, cuộc đời tưởng chừng như hạnh phúc đến tột cùng. Ấy thế mà kết cục lại thật bi thảm.
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Fri Feb 19, 2010 3:56 pm    Tiêu đề:

Quang Trung Đại Đế hào hùng dân tộc
Đại phá quân Thanh , Đống Đa lẫy lừng
Đa tài mưu lược thần tốc vẽ vang
Chiến sử oai hùng đoàn quân chiến thắng

Ai Tư Vãn , Ngọc Hân thương khóc
Suối lệ tràn , tiếng nấc vượt thời gian
Lời oán than , thảm não chạy ngút ngàn
Thân tuy sống , phách lìa ràng níu chặc

Lịch sử hùng anh một thời dân tộc
Vua Thanh nể nang bờ cõi mở mang
Đột ngột lìa trần dân Việt ngở ngàng
Tài cao đức trọng , đời càng ghi công

Thương thay vắn số Quân Vương
Ra đời xuất chúng cương thường tiến lên
Ngài đi , lịch sử khắc ghi
Công ơn quá lớn dễ gì tái lai

Tài hoa Bắc Cung Lệnh Bà
Ngọc Hân Công Chúa , châu sa diễm tình
Đời Bà tài sắc lênh đênh
Dẩu phần số ngắn , chí tình Quân Vương.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thơ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân