TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGƯỜI YÊU TRONG MỘNG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGƯỜI YÊU TRONG MỘNG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Tấn Hùng



Ngày tham gia: 25 Nov 2009
Số bài: 27

Bài gửiGửi: Tue Dec 01, 2009 7:05 pm    Tiêu đề: NGƯỜI YÊU TRONG MỘNG
Tác Giả: MINH TRANG



       
       NGƯỜI YÊU TRONG MỘNG
                    MINH TRANG
       
       
         “ Ông Tơ, Bà Nguyệt trêu ngươi
           Cho ai gặp lại con người trong mơ.
           Thời gian mấy chục năm thừa
           Ngẫu nhiên kỳ ngộ ngẫn ngơ đôi đàng.
           Độc thân tại chỗ chàng, nàng            
           Rồi đây biết có đá vàng trăm năm?”

     
      Tôi đang  lắng tai nghe  bà bạn cũng độc thân tạị chỗ như tôi nói về dự định về quê ăn Tết  năm nay. Bữa tiệc cưới của ngươi quen tổ chức tại Nhà Hàng Tàu trên Đại Lộ  Florida chiều nay thật là tưng bừng náo nhiệt. Tôi mới từ tiểu bang lạnh lẽo ở Bắc Mỹ Connecticut chuyển về đây mấy hôm nay. Sẵn dịp ngươi bạn học cũ rủ đi  ăn  tiệc cưới, (Dù mới quen chủ nhân đãi khách, không lâu) tôi cũng vui vẻ nhận lời , vì ở nhà buồn quá. Các con tôi đang  làm việc trên TB  nói trên. Chưa  xin được việc làm để chuyển về ở gần mẹ tại vùng nắng ấm này. Hai đứa, một trai, một gái đều tốt nghiệp đại học.
     Chủ nhân tổ chức tiệc cưới cho trưởng nam chào đón thực khách vồn vã tươi cười lịch sự hết chê. Phòng tiếp tân của nhà hàng khá khang trang, sáng  sủa, rộng rãi mát mẻ vì máy điều hòa không khí hoạt động khắp nơi. Họ mời khách mới đến ngồi vào các bàn còn trống chỗ. Bỗng nhiên, một thực khách mặc chiếc veston màu xám  nhạt được chú rể đẹp trai, tươi cười mời vào ngồi ở chiếc bàn tròn ngay cạnh bàn tôi đang an tọa. Ông ta xoay lưng về phía hậu cảnh, hướng mặt lên sân khấu. Tôi thấy quen quen người này chi lạ. Nhất thời tôi không thể nhận ra được ai. Bỗng nhiên, một người đàn ông khác, hình như là  bạn của ông ta, từ  xa tiến lại gần ông ôm choàng ông ta vui vẻ.
- Quang! Chú khỏe chứ? Lâu lắm mới gặp nhà thơ.
- Ồ!  Anh Thọ. Cũng bình thường. Còn anh chị ra sao? Làm ăn OK chứ?
   Sau đó, hai người ngồi sát nhau trò chuyện linh tinh, trời trăng mây nước đủ thứ. Bàn bạc  chuyện văn học  nghệ thuật, chuyện sáng tác văn thơ đăng báo... trong khi chờ vào tiệc. Hai người như tương đắc lắm. Như “ Cá gặp nước, rồng gặp mây”. Như “ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vậy. Sau đó, họ nhận xét về  tờ nguyệt san của  Tổng Hội HO. ” Rõ mười mươi là người tôi quen biết cách đây  hơn 30 năm rồi, trời ạ!”  Tôi nhủ thầm vừa  mừng rỡ trong lòng hết nói. Một cảm giác ngỡ ngàng, vui thú bất ngờ chợt  bùng lên nhè nhẹ trong con tim băng giá của tôi.  Anh Quang đó sao? Trông anh đã già đi nhiều. Tuy nhiên, nét hào hoa phong nhã vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt chữ điền, trắng trẻo đẹp trai của mình. Đôi mắt to, sáng, lông mày rậm, vầng trán rộng. Mái tóc bờm nghệ sĩ đã hoa râm. Tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng nhè nhẹ, khó tả. Một nổi buồn vu vơ, vô cớ như đang xăm nhập tâm hồn người thiếu phụ cô đơn nơi đất khách quê người. Không  biết anh còn nhớ tôi không? Ngày xưa anh chỉ coi tôi   như là đưa con nít khi anh đến nhà  ba má tôi chơi ở đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn. Lúc ấy, gia đình chúng tôi ngụ gần Sân Vận Động Cộng Hòa. Hồi đó. Anh đang theo học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh Thanh, người anh họ của tôi, đã đưa anh về nhà chúng tôi chơi vào ngày cuối tuần. Hai ông tướng thường ngồi nói chuyện ở hành lang trong khi chờ đợi chị Tư, chị Na. Lúc đó, chị  18 tuổi,  nổi tiếng xinh đẹp nhất xóm, hoa khôi của cả vùng. Rõ ràng ông anh họ muốn giới thiệu bạn mình cho giai nhân. Nghe nói anh ta là thi sĩ của xứ Quảng Đà đấy! Anh ta  trông khôi ngô tuấn tú, hào hoa phong nhã, dáng nghệ sĩ và đậm nét đa tình lãng mạn hết nói. Chàng muốn có bạn gái Sài Gòn xinh đẹp cho  đỡ  sầu ư ? Trông  hai chàng ngự lâm pháo thủ thật phong trần, tơi tả, sau thời gian huấn nhục trong quân trường, tôi luyện trong lò thép, kỷ luật nhà binh, kỷ luật sắt mà!
         Anh Thanh  lớn hơn Quang nhiều. Tôi đoán ít nhất phải 6,7 tuổi. Vì Quang mặt trẻ măng, còn nặn ra sữa. Chừng 20 là cùng. Sau này anh Thanh  cho biết anh ta tình nguyện nhập ngũ khi hỏng thi Tú Tằi 2. Anh buồn lòng  gì đó, nên xung phong vào quân đội để có dịp ngao du trong  Nam cho thay đổi không khí tù túng của xứ Quảng quê nhà chăng? Hoặc là trước sau gì cũng phải trả nợ làm trai trong thời loạn nên chàng đành “ Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung” chăng?  Lúc bấy giờ, anh Thanh chỉ muốn giới thiệu nhà thơ cho chị Na. Không ngờ chị Ninh, chị Hai chúng tôi,  tuổi cũng đã đôi mươi, mà chưa có nơi nào. Vừa gặp chàng Kim Trọng Đà Nẵng, quá  bảnh trai, chị cả xáp  vô cái rụp. Thật hết nói. Quả như lời Nhà Văn Khái Hưng  từng  nhận xét:
 "Nam nhân muốn nữ nhi yêu mến thì một là thật khôi ngô tuấn tú, hai là có tài năng nổi bật đặc biệt hơn người.”
       Một hôm, tôi tình cờ nghe chị nài nĩ  với anh Thanh, lúc Quang đi ra ngoài mua gói thuốc Ruby : (Thi si hút thuốc nhiều quá. Để tìm thi hứng  chăng?)
   - Anh Thanh hãy giới thiệu Quang cho em đi anh! Trông anh ta dễ thương, hiền khô quá hè. Nếu anh ta đồng ý tính chuyện lâu dài với em thì em cho “ Chả” “ dọt”.
( “Chả” ở đây là bồ của  chị Ninh , thiếu úy quân cụ, cùng quê Sài Gòn, đang công tác tại Gò Vấp. Tội nghiệp anh không đẹp trai bằng Quang. Anh này được có nước hiền khô như ông Bụt. “ Củi tre dễ nấu , chồng xấu dễ sai” như  ông bà ta thường nói đó).
      Thật hết nói. Khi yêu người khác thì cho bạn tình “de” ngay. Điều này rõ ràng chị tôi thiếu chung thủy, thay bồ, đổi người yêu như thay áo. “ Được chim bẻ ná, được cá quăng nôm.”. Tôi không giống chị mình  đâu nhé, thưa quý vị! Xin bà con cô bác đừng cho chị em tôi “ Cá mè một lứa”.  Còn chị Na thì có một chàng sĩ quan Không Quân ở  Phi Trường Tân Sơn Nhất, cư rà rà theo người đẹp mãi. Tuy nhiên, chưa thấy quan hệ tiến triển rõ nét giữa hai người. Người đẹp đang thăm dò về gia thế của hiệp sĩ đẹp trai này. Có thể nói SQ phi công nổi tiếng khôi ngô tuấn tú, hào hoa phong nhã nhất trong quân đội VNCH lúc đó.  Lính tàu bay lúc đó cao giá lắm. Đa phần sĩ quan không quân có  sức khỏe tốt, nhất là mắt, răng tuyệt hảo. Họ điển trai cường tráng như thế, cho nên  các cô, các nàng thường mơ ước được làm người yêu, được sóng vai bát phố với người hùng không gian. Nhiều cô cũng chết mê, chết mệt vì các” Sĩ quan tàu bay” này.
     Gia đình tôi có ba chị em.” Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Nhưng anh họ chỉ  thích giới thiệu chị Tư cho bạn anh thôi.  Thật  không  công bằng chút nào, phải không,  kính thưa quý vị ? Tôi cũng đẹp đấy chứ! Tôi có mặt mũi hơi giống chị Na, nhưng cao ráo hơn. Thân hình chị đầy đặn hơn tôi. Cả hai đều trắng trẻo. Da thịt mượt mà. Bạn bè tôi thường khen:
   -Mày đẹp lắm, Hoa ạ! Tao là gái mà còn  thấy mê mày, huống hồ thanh niên.
   Lúc đó, dù tôi là con út, tuổi cũng gần trăng tròn rồi. Họ không cần quan tâm đến tôi chi cả. Thật là ức quá mà! Tôi nhớ ông bà  ta  có câu “ Nữ thập tam, nam thập lục” kia mà. Nhà Thơ Nguyên Sa trong bài “ Tám Phố Sài Gòn” nổi tíếng của ông có câu:
         “ Sài Gòn  gối đầu lên cánh tay
            Những năm mười sáu mắt nhìn mây
            Cánh tay tròn như trăng  mười bốn
            Tiếng nhạc đang về dang cánh bay.”
      Tuy nhiên, phải thú thật rằng tôi đã  lầm to, quý vị ạ. Thật vậy, một hôm tôi đang ngồi làm bài ( Hai chị tôi đã nghỉ học và có việc làm. Tôi còn học sinh), chợt  nhận ra, dù đang nói chuyện với chị Ninh tại phòng khách, anh Quang vẫn cứ liếc xéo về phía tôi. Đôi mắt chàng như sáng hằn ra, như thẩn thờ, đờ đẫn dừng  lại rất lâu trên gương mặt diễm lệ của tôi, trời ạ! Một cảm giác vui vui chi lạ như gờn gợn trong con tim bé nhỏ trong sáng như mây trời mùa  xuân của tôi. Hình như đôi má tôi ửng hồng vì cảm  nhận bất ngờ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Tôi e lệ cúi xuống giả  vờ chăm chú làm bài để tránh cái nhìn âu yếm si mê của thi sĩ. Tôi vờ vĩnh như không hề hay biết gì về cảm tình của chàng đối với cô bé vừa qua tuổi trăng tròn. Như vậy anh ta tính gì đây? Phải chăng con tim của anh quá dạt dào đa tình, đa cảm, có thể chứa nhiều hình ảnh giai nhân một lúc sao? Anh mếch cô Tư. Nhưng chị Hai đã với quá dài tay của Nữ Ma Đầu Mai Siêu Phong, định “ Dớt” gọn vào lòng mình. Anh đang tâm sự  với Đại Kiều thì  len lén liếc  dọc,  liếc ngang nhìn say đắm Tam Kiều ư? Tại sao vậy, hỡi thi sĩ  đa tình lãng mạn kia ? Hay là  anh  muốn quơ cả ba cô đều  duyên dáng, “ Kẻ non tám lạng, người già nửa cân” ? Chỉ có trời mới biết lòng anh thực ra thương cô nào  nhiều nhất.
      Thưa bà con cô bác, thực tình mà  nói, tôi thích chàng ngay từ đầu, mặc dầu biết rõ  ràng rằng chàng đến đây lúc đó không phải vì tôi. Lúc ấy có nhiều thanh niên học sinh cùng xóm mếch tôi quá cở. Nhưng tôi vẫn dửng dưng, thờ ơ lãnh đạm với họ. Thật là:
“ Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,Vô duyên  đối diện bất tương phùng.” Tôi chưa có chút ấn tượng nào về chàng  trong các ngăn kéo còn trống trơn của con tim ngây thơ trong trắng của tôi lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đôi mắt chàng sáng quắc lung linh, long lanh, huyền ảo” Đôi mắt đẹp! Đôi mắt đẹp! Làm xao xuyến tim tôi” ( Bản nhạc ĐLSC), giống như “ Loan Mắt Nhung” của Duyên Anh, nhìn tôi say đắm hôm ấy, cứ ám ảnh tôi mãi. Cái nhìn của thi sĩ thật lãng mạn, thật say sưa, thật âu yếm, thật tình tứ, thật ga lăng, làm cho con tim đa cảm của tôi cảm động và rộn ràng khó tả. Lúc đó, tôi cảm thấy mình vui sướng vô cùng. Tôi vừa giận vừa thường chàng , con người hào hoa  phong nhã đẹp trai mà ga lăng hêt nói. Giận vì chàng định quơ đủa cả nắm. Thương vì chàng khôi ngô tuấn tú và tài hoa nghệ sĩ hết chê. Thực ra tôi lầm, chưa hiểu lòng chàng mà đã vội trách người . Thật là “ Oan Ông Địa”. Sau này tôi biết thì đã quá muộn màng. Tôi đã trách oan chàng. Chàng chỉ thương cô Út kiều diễm trẻ trung nhất nhà thôi. Chàng không có cơ hội bày tỏ tình cảm với ai vì  nàng  còn nhỏ, theo cảm quan của chàng lúc bấy giờ.  Rồi chàng phải  chuyển đi  quá xa xôi diệu vợi sau khi ra trường. Đời lính chiến nào dễ gặp lại giai nhân mình mơ ước.
     Chị Tư có “ Kép” đội mũ ca lô lệch, bảnh trai,  hào hoa, phong nhã từ Phi Trường Tân Sơn Nhất lái vespa  đến nhà đưa đi chơi cuối tuần. Còn chị Hai “ Kỳ đà cản mũi”, thì vồn vã, đon đã, săn đón chàng hết mực nồng nhiệt như “ Cá gặp nước, rồng gặp mây” mỗi lần Quang lại thăm, định diện kiến với “ Nàng Út” xinh xắn. Cứ là “Bù  trớt” dài dài. Thế là chàng nản chí, vì không được xơ múi gì. Cô Năm lúc đó hiện hữu sờ sờ ra đó mà như nàng Thúy Kiều của Kim Trọng” Thâm nghiêm kín cổng cao tường, Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh”. Chàng buồn bã thất vọng  bỏ cuộc,“ Dọt luôn” từ đó. Hồi ấy, tôi cùng  muốn nói thẳng với chàng , nhưng không có cơ hội gặp trực tiếp người tôi thương.( Làm sao  nói chuyện  với chàng được đây? Hễ chàng lại nhà  là chị Hai đã niềm nỡ , tỏ vẻ hân hoan mời chàng vào phòng khách tức thì. Chàng chỉ kịp nhìn tôi tươi cười:
 - Chào cô Hoa  ạ!”.
      Tôi cũng vui vẻ:
 - Chào anh Quang!”. Rồi tôi ngồi vào bàn  ở một góc phòng làm bài. Tôi ngồi im như thóc. Thế thôi. Nghĩ có tức không quý vị?” Tôi đã thương chàng. Chàng là” Người yêu trong mộng” của tôi. Nhưng  Trời Già cay nghiệt, Ông  Tơ , Bà Nguyệt đa đoan đã không cho chúng tôi gặp nhau.
       Tôi muốn nói với chàng lâu rồi, nhưng chưa có dịp:
      - Hai chị  của em đã có bồ, có bạn trai hết. Chỉ có em là chưa có nam nhân nào cả anh ơi. Em chưa yêu ai cả, anh à! Em cũng quan tâm đến anh ghê lắm đấy. Em thương anh , thi sĩ ơi! Anh có hiểu cho lòng  em không? Sao anh không trò chuyện với em vậy? Anh nhát quá. Hay là anh nuốn bắt cá hai tay?
         Từ đó, tôi không thấy Quang nữa. Chàng không bao giờ trở lại nhà tôi nữa. Tôi cứ mong gặp lại anh ta, nhưng chàng đã biệt tâm nhàn cả. Tôi  buồn bã nhớ  nhung chàng cả tháng trời.  
           “ Chàng ơi! Không đến thăm nàng
             Để ai vò võ mong chàng lại thăm.
             Bao giờ  gặp bạn tri âm?
             Bao giờ thuyền cũ ghé thăm bến đò?”
      Tôi không quên được, lúc đó anh họ và chàng thường ngồi ở phòng khách, trong khi chờ hai chị tôi. Họ tỏ ra rất tâm đắc, thường trò chuyện trời trăng mây nước đủ thứ, rồi chuyện văn chương nghệ thuật, chuyện làm  thơ, viết văn đăng báo. Có lần, tôi nhờ anh Thanh chỉ hộ bài giảng văn lớp Đệ Tứ về Đoạn Trường Tân Thanh ( Anh họ gốc giáo chức  bị động viên Thủ Đức). Trích đoạn “ Lúc  Biệt  Ly” giữa Kiều và Thúc Sinh. Sau khi Thanh giảng xong, Quang đã đọc thơ trích dẫn liên tu bất tận góp vào cho bài văn bình giảng  thêm phong phú, sinh động, lôi cuốn hấp dẫn. Những vầng thơ tuyệt vời tả cảnh biệt ly, chia tay của hai người yêu nhau mà phải tạm thời xa cách của nhiều thi nhân nổi danh xưa nay.) Lâu lắm rồi, tôi còn nhớ, chẳng hạn:
           “ Partir c’est mourir un peu” (Tục ngữ Pháp: Đi là chết trong  lòng một ít)      
            “ Người về chiếc  bóng năm canh
              Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
              Vầng trăng ai xẻ làm đôi
              Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.” ( Kiều)
           “ Ta đi theo đuổi bước tương lai
              Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.”( Thế Lữ)              
           “ Lòng của người đi réo kẻ về.
              Kẻ về không nói bước vương vương
              Thương nhớ lan xa  mấy dặm trường”( Tế Hanh)
           “ Ai đã ra đi mà chẳng từng bịn rịn ?
              Rời yêu thương nào  đã mấy ai vui?
              Em lặng buồn nhìn vói  lúc chia phôi.
              Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.” ( Nhà Tôi của Yên Thao)
       Và nhiều hơn nữa. Tôi không nhớ  nỗi. Quang  có trí nhớ tốt ghê quá. Bộ nhớ tuyệt vời , đáng nễ! Tôi phục chàng từ đó. Hơn nữa chàng là dân Quảng Nam- Đà Nẵng, cùng quê hương với ba má tôi, vốn ở Ga Kỳ Lam , Quận Điện Bàn. ( Mặc dù chị em tôi nói rặt giọng SG chăm phần chăm, quý vị ạ!) Quê hương Quảng Đà nơi  có nhiều danh  lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước như Chùa Non Nước, Núi Ngũ Hoành Sơn, phố cổ Hội An, sông Hàn, sông Trung Phước, hòn Cà Tang...Cũng là  nơi có nhiều nhân tài lỗi lạc nổi danh về nhiều mặt, nhất là văn chương thi phú thì hết kể nổi.
          Ngoài ra, tôi  còn nhớ là anh Thanh cũng tỏ ra chiếu cố cô em họ “ Út Ít “ này ghê lấm! Nói là bà con. Nhưng theo dì Nhành, cũng là bà  dì  họ của tôi, cho biết” Bà Ngoại của Thanh là bà cô họ của Nhành”. Họ cùng xứ Quảng Đà. Trời đất ! Chèn đéc ới! Bà con gì mà xa lắc xa  lơ hà! Bà con cái kiểu đại bác 105 ly bắn không tới ấy mà. Nhưng nhầm nhò gì ba cái lẻ  tẻ ấy. Thanh cứ nhìn tôi say sưa đờ đẫn mỗi khi tôi nhờ anh giảng hộ toán hay Anh Văn. Tôi biết Thanh thương tôi. Nhưng  anh không dám ngỏ lời  chi cả. Anh chỉ im ỉm , say sưa  thương nàng, thầm yêu trộm nhớ, ấp ủ nhốt kín bóng hình cô bé xinh đẹp trong lòng mình thôi. Hoặc tôi chủ quan tưởng tượng ra như vậy, suy đoán ra như thế vì Thanh cứ  hay tỏ ra vồn vã, la cà trò chuyện, tìm cách chỉ vẻ bài vở cho tôi. Thanh ngại chăng? Anh nhút nhát quá  chăng? Anh thật  hiền khô như ông Bụt hà! Tôi cũng mến anh. Nhưng chỉ  coi anh là” Đại huynh, là Sư phụ” thôi, vì anh là thầy  chỉ tôi học kia mà. Anh không dám hở lời bày tỏ tình cảm với tôi. Có lẽ vì anh thấy mình lớn hơn tôi cũng phải cả chục tuổi. Tuy nhiên trong tình yêu làm gì kể tuổi tác, phải không quý vị?  Hoặc là  anh ta sợ tôi chê anh” Già”. Hoặc giả vì đã lỡ bảo dòng họ bà con với nhau , nên không dám mở miệng chăng? Thật ra, Thanh  để ý đến tôi có lẽ vì lúc  đó tôi xinh xắn dễ thương  nhí nhảnh nhất nhà chăng? Tuy nhiên , con tim của cô bé mới lớn, mới nếm chút mùi vị của tình yêu trai gái, đã hướng về ai rồi. Mới yêu mà đã thấy vấn vương, nhung nhớ buồn bã chờ mong người mình  tơ tưởng. Quả là “ Yêu là chết ở trong lòng một ít Vì mấy khi yêu mà lại được yêu”
( Xuân Diệu). “ Tình yêu trông xa là hạt kim cương. Nhưng khi lại gần là giọt lệ” như lời một nhà văn tây phương đã nói.
             Thế  rồi hai ông tướng đã biến mất. Họ bặt luôn tin tức. Họ không đến giã từ chúng tôi khi họ tốt nghiệp chuẩn úy và chuyển đi xa. Sau đổi đời, sau khi Miền Nam “ Sập tiệm “, các viên chức sĩ quan, công chức, chính  quyền các cấp ...bị tập trung tù cải tạo hết ráo. Gia đình tôi nằm trong trường hợp này. Cả ba chị em đều dính vào diện” Có nợ máu với nhân dân và cách mạng”. Nhân dân Miền Nam , nhất là đám tù chính trị, đám người thua trận phải trải qua nhiều khổ đau nhục nhã  lầm than, bị đày đọa khốn khổ đến cùng  cực. Sau đó, chúng tôi đã được xét cho định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO như bao nhiêu nạn nhân khác có chồng, cha, mẹ...bị tù cải tạo nhiều năm trong trại giam của chế độ mới, của kẻ thắng trận.              
           Riêng tôi thật bất hạnh. Chồng tôi chết vì bịnh  sốt rét trong trại tù Bù Gia Mập vào năm 1978. Tôi được xét cho định cư tại xứ Cờ Hoa với hai con mình. Hai con tôi đã lớn, có bằng đại học, có việc làm ổn định. Tôi cũng vui, được an ủi. Tôi vẫn độc thân tại chỗ, ở vậy nuôi con ăn học nên người, dù  có nhiều nam nhân ái mội theo tán tỉnh, muốn  kết thân để cùng sóng bước trên quãng đời còn lại ở xứ người.
           Đã hơn 30 năm tôi chưa gặp lại Quang. Tôi cũng không biết chàng còn sống hay đã chết sau giai đoạn chiến tranh tương tàn và đau thương tang tóc nhất trong lịch sử dân tộc, nhất là sau tháng tư đen 1975 bi thảm đến tột độ. Thật là may mắn làm sao, tôi lại có chút ánh sáng ở cuối đường hầm về tin tức con người tôi thương yêu trước kia. Quả trời Phật không phụ” Hảo tâm nhân”. Tôi vốn yêu thích văn chương nghệ thuật ngay từ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường . Vì vậy, sang đây tôi vẫn ham đọc các tạp chí văn học, văn chương, thơ , truyện. Một hôm tình cờ tôi đọc báo Văn Hóa VN, phần  phía sau” Danh Sách Mạnh Thường Quân” ủng hộ Tạp Chí, có  ghi tên anh Thanh. Thỉnh thoảng cũng xuất hiện bài viết của anh nói về quê hương nắng gió Phan Rang/ Ninh Thuận của mình.( Thanh sinh trưởng và dạy học tại đây). Tôi mừng vô hạn. Anh chàng mê tít tôi ngày xưa bây giờ cũng ở Mỹ rồi, bà con ạ. Tôi  vội vàng liên lạc  với Tòa Soạn tờ báo để tìm số điện thoại  của anh.  Qua đường viễn liên được biết gia đình anh đang định cư tại một tiều bang miền nam náng ấm . Chúng tôi  vui mừng hết nói. Anh hân hoan tíu tít  kể lể với cô em Út  đủ chuyện. Bây giờ anh mới nói thật chuyện lòng của mình hồi đó. Quả như tôi đoán không lầm. Anh cởi mở, thú thật:
     - Em Hoa. Hồi đó sao mà em đẹp ghê quá! Anh mê em hết nói, Hoa  à. Nhưng đã trót nhận là bà  con rồi
( Dù thừa biết bà con xa  lắc xa lơ, phải không em?). Vả lại, em mới có  16 mà anh thì lớn hơn giai nhân nhiều quá. Anh sợ em chê thì  bể mặt bầu cua cá cọp hết ráo. Vì vậy “ Chàng si đành im lặng ra đi”. “ Hoa hồng có gai lởm chởm”.
 Sẵn dịp tôi cũng  hỏi thăm về tin tức của Quang. Anh Thanh  vui vẻ cho biết :
   - Quang “Đang độc thân tại chỗ” như em vậy. ( Tôi đã kể hoàn cảnh  góa bụa của tôi cho Thanh nghe)  Hiện tại anh chưa có số ĐT của nó. Khi tìm ra , anh sẽ gọi báo em ngay. Nó cũng góa vợ ba năm rồi. Tôi nghiệp con vợ bị ung thư gan. Nghe nói hai con  đã lớn rồi . Bạn bè nói nó ở Baton Rouge, thủ phủ tiểu bang LA. Ngày xưa nói cũng đã khen em nhiều lắm đấy. Ngặt vì  chị Hai đã cản mũi kỳ đà. ”Hoa kiều diễm, duyên dáng hết nói, phải không anh? Nhưng Ninh cản đường  làm sao tiến đến người mình thương đây “ Quang thường than thở với anh như thế. Thanh kể tiếp:
     - Chàng ta thất vọng và bỏ cuộc sau  thời gian lui tới nhà em mà không có kết quả gì cả. Không có chút hy vọng, an ủi và  xơ múi gì. Nên ba mươi sáu chước, vi tẩu là  thượng sách. Đành phải bái bai thục nữ kiều diễm, lanh lợi, thông minh nhất nhà. Anh thấy hai người đang  phòng không chiếc bóng, nên  tìm gặp nhau, kết bạn tâm sự trong quãng đờì còn lại. Em còn trẻ  mà! Anh ta cũng không lớn tuổi lắm. Ở Mỹ người cao niên dễ cô đơn buồn chán lắm , em Hoa ạ! Chúc em và các cháu nhiều may mắn.
    Tôi mừng quá đổi. Tôi run run gịọng. Nói nhanh qua đường dây xa xôi ngàn dặm:
  -Em cám ơn anh Thanh nhiều lắm! Ngày xưa em cũng mến anh vô cùng. Em luôn luôn coi anh như  đại ca, như sư phụ, như vị huynh trưởng phúc hậu và tốt bụng của tụi em vậy. Xin chúc anh chị và  các cháu an khang  hạnh phúc, anh nhé! Em xin chào anh. Xin có lời hầu thăm chị anh nhé.
   Lúc này, Tôi  gặp lại cố nhân bằng xương bằng thịt đang  ngồi phía trước mặt tôi.
Tôi cảm thấy con tim cô đơn của mình như rộn ràng một cảm giác vừa bâng  khuâng vừa vui mừng hết tả. Tôi nhủ thầm:
- Anh Quang đó sao? Anh có nhận ra em không? Cô gái bé bỏng ngay nào anh liếc nhìn lén lút trước  mặt chị Hai, đang ngồi trước mặt thi sĩ Quảng Đà đây?.
         Thật là may mắn gặp lại chàng sau mấy chục năm xa cách. Tôi có hỏi cô bạn cùng chung cư về Quang vì chị ta là” Thổ địa” ở đây. Hầu như cư dân Giao Chỉ, da vàng mũi tẹt ở  thành phố này chị đều nắm gần hết các tin tức, địa chỉ cư ngụ, tên họ, ít ra là như vậy. Chị cho biết Quang đã mua nhà gần khu Vĩnh Phát chừng 10 phút là cùng đường lái xe con. Nghe nói anh sống cô đơn một mình trong ngôi nhà rộng, kể từ khi người  vợ  vắng  số về cõi vĩnh hằng. Các con đã lớn làm việc ở xa nhà. Anh ta còn “ Đi cày”.  Anh ta ít giao du, bạn bè vào những ngày cuối tuần, hay lễ lạc được nghỉ ở nhà. Thường thường ở trong phòng đánh máy computer sáng tác văn thơ, gửi đăng báo, đặc san...Nghe nói, anh hiền khô, chỉ say mê văn chương nghệ thuật.
     Thật ra tôi và Quang đã lớn tuổi rồi. Tôi cũng gần cán mức” Ngũ thập tri thiên mệnh”. Còn chàng cũng phải trên năm bó lâu rồi. Chúng tôi cũng đã qua thời xuân sắc. Nhiệt tình trai gái nam nữ yêu đương cũng đã giảm tốc độ đáng kể vì cuộc sống ở đây bận rộn , lao động cực lực , siêng năng cần cù dữ quá! Ai ai cũng lo làm ăn kiếm sống, lo làm giàu, lo kiếm đô la. Tại xứ  sở “ Giàu mạnh nhất thế giới này”. Là” Vùng Đất Hứa”.  Là “ Thiên Đàng Trần Tục” này thì quả thật “ Lao động là  vinh quang” đich thực đấy! Bây giờ, Tôi mới nhìn kỹ cố nhân hơn. Quang đã thay đổỉ nhiều. Chàng đã già trước tuổi. Có lẽ những năm tháng trong lao tù cải tạo tập trung và thời gian lao động lâu dài để sinh nhai ở  xứ người, đã làm chàng hao gầy, mệt mỏi thân xác, tâm trí ưu tư và dung nhan chăng? Mái tóc đẹp, rất nghệ sĩ của chàng ngày xưa giờ đã hoa râm. Trán có vết nhăn dù không nhiều. Chàng hơi mập ra. Tuy nhiên đôi mắt còn sáng lung linh. Dáng còn nhanh nhẹn hoạt bác Chàng  nói cười vui vẻ với người bạn bên cạnh. Tôi cứ nhìn chàng chăm chú. quan sát tỉ mỉ, để thử xem chàng có nhận ra tôi không. Nhưng chưa  thấy nhà thơ quay đầu lại phíá tôi đang ngồi. Hoặc giả chàng chưa nhận ra tôi. Tôi thấy mình nóng lòng ghê quá! Tôi tự nhủ với lòng mình “Lần  này ta không thể để  vuột chàng nữa. Cuộc kỳ ngộ  người xưa hôm nay có ý nghĩa quan trọng  đối với cả hai lắm đấy. trời xui  đất khiến cho hai người tái ngộ. Tuy có muộn màng còn hơn là không. Tình yêu là phải tranh thủ, phải không quý vị?        
   Tôi nghĩ là mình phải giả vờ lờ đi để thử chàng có nhận ra không. Dẫu sao thì mình là đàn bà, chả lẽ lại vồn vã trước với đàn ông ư? Tôi biết tôi tuy lớn tuổi nhưng cũng còn nhan sắc. Các bạn tôi  cứ khen tôi còn nét duyên dáng, quyến rũ người khác phái lắm. Mỗi lần soi gương trang điểm va loa trước khi đi làm, tôi cũng  thấy mình còn “ dễ coi” lắm. Tôi tự tin mình còn bắt mắt nam nhân. Thiếu gì ông sồn sồn, góa vợ theo tán tỉnh tôi. Họ muốn làm bạn với tôi. Nhưng tôi chưa tính gì cả. Vẫn phòng không chiếc bóng thôi. Hôm nay lại gặp chàng, người tôi mến thương một thời.” Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không.”( Kiều). Người bạn bên cạnh chàng thấy tôi cứ hay đăm đăm nhìn  về phía chàng, liền thì thầm vào tai chàng gì đó. Quang quay đầu đưa mắt nhìn về phía tôi. Tôi bẽn lẽn vội cúi mặt nín thinh, giả vờ không hay biết gì cả. Chị bạn bên cạnh biết ý, nói khẻ:
 -Hoa! Mày làm gì  vậy? Anh Quang  đang nhìn mày kia!
     Lần này  tôi chới với, bối rối, vừa thẹn thùng vừa vui vui trong lòng. Không ngờ chị Lành lại ranh mãnh, hơi thiếu tế nhị gọi tên tôi như thế. Nhưng cũng tại tôi kể chuyện của mình cho chị nghe. Trách ai được. Chỉ trách tôi nôn nóng muốn gặp” Người ta” mà. Quang nhìn tôi chăm chú rất lâu. Tôi vẫn giả vờ vô tình liêc xéo qua vai bạn mình để có thể thấy rõ dung nhan của thi sĩ. Chàng hơi sững sốt vài giây, rồi lộ vẻ hân hoan hết nói khi nhận ra tôi. Chàng hớn hở  quýnh quáng, vội đứng bật dậy, xô ghế bước nhanh về phía tôi. Mắt sáng quắt long lanh ẩn dưới  hàng lông mày rậm. Chàng trông còn điển trai ghê quá! Hay là tôi tưởng tượng như thế! Chàng tiến sát về  chỗ tôi ngồi, mừng  rỡ:
     - Hoa đây rồi!  Hoa phải không?  Hoa đó ư?  Em dấy à?
     Rõ ràng chàng đã mừng quýnh. Chàng đã mở  cờ trong bụng. Chàng đã lộ vẻ hân hoan quá  đổi , hầu như hơi bối rối vì quá  xúc động và nhất thời mất bình tỉnh. Tôi tươi cười rạng rỡ, nhìn chàng khựng lại vài giây. Tôi như xúc động mãnh liệt muốn òa khóc ngay tại chỗ. Khóc sung sướng vì gặp lại người xưa bằng xương bằng thịt. Tôi tưởng chừng như mình đang trong giấc mơ . Tôi  nhìn chàng Kim Trọng của tôi như chết đứng như Từ Hải không rời mắt khỏi gương mặt người đẹp năm nào. Tôi cũng muốn hóa thạch tại chỗ.
- Anh Quang! Em chính là Hoa đây!
Thật là vui vẻ hạnh phúc biết bao ! Tôi và chàng trò chuyện, tâm sư liên tu bất tận bên nhau sau bữa tiệc cưới. Chàng đưa tôi về nhà chàng để thăm cho biết chỗ  ở của chàng. Quả như nhận xét của tôi  không sai. Đàn bà thường rất nhạy cảm về tình yêu khi nam phái trò chuyện hay nhìn mình, dù họ không nói gì cả, không bày tỏ chi cả. Chàng thú thật đã yêu tôi ngay khi nhìn thấy tôi ngồi học ở bàn lần đầu tiên khi chàng đến nhà tôi. Nhưng vì trở ngại chị Hai. Đại tỷ đã tính với tay dài. Chị Tư thì không hề quan tậm tới chàng vì nàng đã có người yêu hoa tiêu khôi ngô, tuấn tú, hào hoa phong nhã. Lúc mãn khóa chàng có ghé lại từ giã gia đình tôi. Tiếc quá lúc đó tôi chưa  đi học về. Quang nói với Ninh:
         - Xin chị Hai nói lại với Hoa là tôi có  lời hỏi thăm và từ giã cô ấy.    
        Ninh giận dỗi, nũng nịu, ngước đôi mắt nhung nhìn chàng, mặt như cau lại:
           - Sao lại gọi em là chị Hai, hở anh Quang? Phải gọi là em chứ anh!
       Bây giờ thì chúng tôi đã hiểu nhau hơn. Tuy gặp nhau quá trễ, nhưng  hơn là không. Chỉ còn trở ngại con cái hai bên. Không biết chúng có bằng lòng cho cha hay mẹ mình bước thêm một bước nữa không? Hãy đợi xem. Thật là khó khăn, gian nan, ba chìm, bảy nổi, chín long đong mới gặp lại nhau. Dù là bạn với nhau cũng quý rồi. Thật ra ở xứ Hoa Kỳ các người cao tuổi làm bạn với nhau để hủ  hỷ thật là thú vị. Họ an ủi chia sẻ vui buồn với nhau. Chứ sống một mình trong tuổi già yếu, cô đơn, buồn chán ghê lấm! Chúng  tôi mong các con mình thông cảm về việc này. Mong chúng ủng hộ việc chúng tôi kết bạn với nhau để sóng bước bên  nhau trong quãng đời còn lại ở  xứ người.  Cuộc sống vật chất thật phong  phú. Tuy nhiên đời sống tình cảm và tinh thần thật nghèo nàn thiếu thốn  tại đây. Chàng nắm lấy bàn tay hơi sần nhưng còn thon thả, mềm mại của tôi. Chàng xiết mạnh, như  truyền cả sức  sống mãnh liệtũ vào người tôi. Chàng nhìn tôi tha thiết, say đắm, cất giọng đầy nam tính, rất quả  quyết: ( Tôi vẫn để yên bàn tay mát rượi dịu dàng, tuy đã khằn đi nhưng còn xinh đẹp trong bàn tay nóng bỏng của chàng)
- Bây giờ anh không để mất em nữa đâu!
Chiều hôm ấy, thời tiết bên ngoài thật lạnh lẽo. Trong phòng khách sáng sủa khang trang, ngồi bên chàng, tôi thấy mình thật ấm áp chi lạ. “ Tình yêu quả là nhiệm mầu” như một nhà văn đã nói.
                                 
                                            MINH  TRANG      
 
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân