TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ông già huy chương
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ông già huy chương

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Cầu Đất



Ngày tham gia: 02 Sep 2009
Số bài: 9

Bài gửiGửi: Tue Nov 10, 2009 1:19 am    Tiêu đề: Ông già huy chương
Tác Giả: Cầu Đất




Ông già huy chương


1 .
Khu buôn bán ở trung tâm thành phố  ngay từ sáng sớm đã trở nên tấp nập, khác hẳn mọi ngày. Khu vực này thường chỉ đông vui ngày chủ nhật, đặc biêt những sáng chủ nhật đẹp trời. Đó là lúc có nhiều người đi dạo phố. Những người tạo thành đám đông ở đây sáng nay cũng rất đặc biệt. Đa số đều ăn mặc đẹp đẻ, hoa cài trên ngực áo. Nét mặt người nào cũng hân hoan rạng rỡ, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả. Họ chờ đến giờ vào dự mít tinh kỷ niệm thành phố 100 năm hình thành và phát triển. Ông già huy chương cũng có mặt trong đám đông. Ông không trò chuyện với những người xung quanh.  Ông đứng tư thế nghiêm, thẳng người, mặt ngước lên nhìn thẳng về phía trước. Người qua đường dễ dàng nhận ra ông giữa đám người nhốn nháo đó. Một lát sau mọi người đi vào trong hội trường. Ông già huy chương không vào. Ông vẫn đứng một mình giữa trời, giữa phố.
 Ông mặc đồ đại lễ, đội mũ nhà binh, chân mang dép nhựa không có quai hậu, trên ngực đeo rất nhiều huy chương. Mọi người đều nhận ra đó là huy chương, nhưng không ai biết là huy chương gì. Trên cầu vai là hai miếng nhôm bạc lấy ra từ bàn đạp xe đạp hỏng, trên ngực là đủ thứ nắp keng chai xì dầu, chai rượu ngoại, đồng tiền sơn nhủ vàng có dây tua màu đỏ thường thấy trang trí mấy cây mai ngày Tết, cái móc chìa khỏa hình chữ nhật, những miếng nhản hiệu thường  được đính vào các sản phẩm như áo quần, dây nịt, giày, vớ, thôi thì đủ hình dáng, màu sắc trông vào hoa cả mắt. Đối diện ông  lần đầu tiên, mọi người đều chỉ thấy một thứ: huy chương. Trong thành phố nhỏ này, không ai biết tên ông, nhưng nói tới ông già huy chương  không ai không biết. Ông thường  xuất hiện trên phố những buổi sáng chủ nhật. Hôm nay không phải ngày chủ nhật, nhưng ông cũng có mặt trên phố. Ông đang đứng đó, như một cây khô chết đứng giữa trời.

2.  Bây giờ các cửa hiệu lần lượt mở cửa. Ông già huy chương đã đứng sẳn trước cửa tiệm đồng hồ, trong tư thế nghiêm chào. Hai gót chân sát vào nhau, đầu  ngón tay trỏ chạm vào chân mày bên phải, mắt nhìn thẳng về phía trước.
-  Xin kính chào các loại đồng hồ. Xin chúc một ngày tốt lành. Gút mò-ninh!
Đó là tiếng phụ họa dí dỏm của anh chàng bán vé số.
- Bên trái, quay! đằng trước, bước! Bên phải, quay! Chào tay, chào! Xin chào điện thoại Trung quốc cũ mới các loại. Gút mò ninh!
Cô bán điện thoại dẫy nãy: Anh rao kiểu đó là anh hại em. Cửa hàng em chỉ bán hàng sản xuất tại Nhật, và  Hàn quốc không hà. Chết em rồi!
- Ôi chết, lỡ nói bậy rồi. Xin lỗi người đẹp, lần sau xin bù lỗ.
Cứ thế, ông già huy chương đi chào từng cửa hàng một. Chỗ nào ông cũng vẫn giữ cái tư thế cứng nhắc như đã lập trình sẳn ở nhà, trước khi ra đi. Và đi đến đâu anh chàng bán vé số cũng theo sau thuyết minh loạn xạ, nhưng không thấy ai phiền lòng. Ngược lại họ còn  góp thêm tiếng nói tiếng cười làm cho buổi sáng ở góc phố nhỏ trở nên vui vẻ khác hẳn ngày thường.
Dọc theo hông hội trường có khoảng ba chục cửa hiệu, quay mặt ra hướng đông, nên buối sáng thường có nắng chiếu vào. Ông già huy chương đi chào hết  các cửa  hiệu từ đầu dãy đên cuối dãy, hình như đã thấm mệt. Ông dừng lại để thở. Anh thợ đánh bóng đồng hồ vừa kéo chiếc ghế ra hành lang,  quay lại tán gẫu với ông giáo già sửa mắt kính:
- Ông già này hôm nay giở chứng hay sao chớ. Hồi nào giờ ổng chỉ
đi qua, đi lại. Hôm nay bày đặt đi chào từng cửa hàng. Chắc là có điềm rồi.
Không biết điềm tốt hay điềm xấu đây?
Nhớ lại lần đầu tiên xuất hiện trên góc phố này ông đi, như duyệt binh, qua từng cửa hiệu, nét mặt nghiêm nghị. Ông đi đến đâu người trong tiệm đều dừng tay, đứng chồm trên tủ hàng nhìn theo.
Trên đường ông đi qua, có nhiều câu nói vói theo:
-   Huy chương ‘độc’ nhé!.
- Ông ơi, ông  bị thương mấy lần?
- Ông có đánh Mỹ không?
   Một cậu thanh niên chặn đường ông, hỏi:
- Cái nào là anh dũng bội tinh hả ông?
 Ông không trả lời. cũng chẳng tỏ dấu hiệu bực mình. Không thấy ông bắt tay,
chuyện trò với người qua trên phố. Sau lưng ông thỉnh thoảng cũng có vang lên tiếng đùa cợt, chọc ghẹo, nhưng ông không nghe, vẫn bước đi, lưng hơi cong xuống, không biết vì gánh nặng vinh quang hay vì gánh nặng tuổi tác, đôi mắt ti hí sau cặp kiến mờ đục luôn nhìn thẳng cái quảng trường mênh mông nào phía trước. Thỉnh thoảng ông dừng lại, đứng nghiêm đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Những người mới gặp ông lần đầu thường phải quay lai xem ông chào ai. Ngày nào cũng vậy, vẫn bộ đồ đại lể đó, ông đi quanh phố, ưỡn ngực khoe huy chương, như thể đang bước theo tiếng nhạc quân hành mà chỉ một mình ông  nghe thấy. Rồi lại dừng, lại đứng nghiêm chào một ngừời vô hình nào đó. Ông không bao giờ mở miệng nên chẳng ai biết ông ta là người Quảng hay người Huế. Dân ở phố người đoán ông mù, kẻ bảo ông câm, điếc. Chị bán thuốc tây
gần như quả quyết:
-  Chắc lão bị bệnh tâm thần.
Ông giáo già sửa mắt kính thì nhìn ông qua lăng kính nhà giáo:
-  Hình như ông già không có con cái.

3. Sau một tuần mưa dầm, sáng nay trời mới  hửng nắng được một lúc thì một đám mây đen bỗng giăng qua thành phố, che khuất những tia nắng ấm áp đầu ngày. Một cơn gió lạnh vừa mới phớt qua đâu đây. Bỗng một chiếc xe chở nhân viên trật tự chạy đến, tấp vào lề và dừng lại. Một phụ nữ dáng người thấp tròn, môi son đỏ chót, nhanh nhẹn bước xuống xe.
-  Đấy. Ổng đứng kia kìa. Nhờ các anh giúp cho. Đừng để ông chạy thoát.
Hai anh dân  phòng ngồi sau thùng xe mui trần cũng đã bước ra. Họ túm lấy ông già huy chương, tra còng vào tay ông.
- Đúng đấy.Thế cho chắc.
Người phụ nữ thở hỗn hễn, tán đồng cách làm việc cẩn thận của hai người thanh niên. Ông không có phản ứng gì. Ông vẫn đứng thẳng người, mắt vẫn nhìn phía trước, bình thản như chẳng có chuyện gì xãy ra. Người qua đường bu lại mỗi lúc một đông. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về chị đàn bà môi son đỏ chót.
- Sao còng tay ông ta thế?  Ăn cắp à?
Người phụ nữ thấp tròn cong môi lên giả thích:
- Còn xấu hơn nghìn lần ăn cắp. Bố tôi đấy các bác ạ!. Suốt ngày đi quậy phá. Nhục lắm các bác ơi!
- Nhưng lâu nay ra phố ông có quậy phá ai đâu.
- Bây giờ thì chưa nhưng ngày mai, ngày kia ông ta sẽ ném đá vở cửa hiệu các bác. Lúc đó các bác sẽ túm đầu đứa nào đây?  
Mọi người chưng hửng. Thực sự chưa ai nghĩ đến trương hợp chị ta vừa nêu làm ví dụ. Chị ta phân bua tiếp:
- Tôi đã nhiều lần xin các anh trên phường cho ông đi tập trung, các anh  bảo ông chỉ mang huy chương đi chào làng chào xóm, không gây mất  trật tự xã hội. Ông thuộc diện vô hại.
Trong đám đông có tiếng tán đồng:
-  Đúng! Ông già vô hại.
   Nhưng chị ta có lập luận khác để biện bạch cho hành động của mình :
- Cám ơn các bác đã nghĩ tốt về bố tôi. Nhưng xin lỗi, không ai hiểu rõ bố mẹ bằng con cái. Lần này tôi đích thân lên phường xin, các anh mới cho người đi đấy.
- Ông già bị bệnh tâm thần à?
- Các bác hảy nhìn con người bố tôi đây. Mặc mày ngơ ngác như người vô hồn. Rồi còn đeo trên người bao nhiêu thứ bẩn thỉu này. Suốt ngày vục đầu vào mấy cái thùng rác đi tìm huy chương. Huy chương này! Huy chương!
Vừa gào lên chị vừa giật  mạnh mấy cái huy chương trên ngực ông già vứt
xuống đường, làm ông chúi người suýt ngã. Chị đàn bà tiếp tục phân bua:
- Thế này mà các bác không gọi là tâm thần thì gọi là gì? Từ ngày mai trở đi sẽ không còn ai làm phiền bà con ở đây nữa. Tôi xin lỗi…
- Ông già có làm phiền ai đâu. Có ông ra phố, phố càng vui hơn!
Rồi như nói với riêng mình, nhưng cũng đủ để đám đông nghe:
- Về mà đi nhập viện. Vào đó rồi thì có bệnh hay không có bệnh cũng thành tâm thần tuốt. Nhiều ông bố bà mẹ không bị tâm thần con cái cũng tống họ vào đó. Chẳng sao cả.  
Họ đưa ông già lên xe. Ông ngồi giữa  hai anh dân phòng. Chị đàn bà leo lên ngồi cạnh tài xế. Trước khi xe chạy, chị còn thò đâu ra bả lả với đám đông:
- Chuyện gia đình. Các bác thông cảm.
Những người được chứng kiến chuyện vừa rồi ai cũng bàng hoàng, sửng sờ.  Có thể vì nó xãy ra quá nhanh. Cũng có thể vì quá bất ngờ.
Chiếc xe vừa mới lăn bánh thì một trận mưa đá ào ào đổ nhanh xuống thành phố.


4. Sau đó không lâu, một buối sáng bầu trời âm u, mưa lất phất và gió lạnh. Cô chủ tiệm vàng  sau khi bày hàng xong lấy chiếc gương soi để lên tủ hàng tô lại đường chân mày. Vừa làm cô vừa ngâm nga: ‘ Hôm nay lạnh… mặt trời… đi ngủ sớm…’
Lúc đó từ dưới dốc một đoàn xe tang tiến dần về trung tâm thành phố.
- Đám tang ‘cỡ’ này chắc chắn là đám nhà giàu rồi.
- Không nhà giàu thì cũng nhà quan.
Qua tiếng người bàn tán, anh bán vé số chợt nhớ ra điều gì:
-   Ông già huy chương! Đám tang ông già huy chương!
Người ta dể dàng nhận ra người phụ nữ thấp tròn môi đỏ chót ngồi sát cửa xe. Chị mặc đồ tang ngồi trên chiếc xe du lịch chạy sau xe chở quan tài. Mắt chị khô quánh. Và cũng không thấy ai sụt sùi.
Đoàn xe nối đuôi thành hàng dài chiếm hết cả đường phố: xe du lịch của các cơ quan, xe tư nhân, những chiếc buýt dài hiệu Hyundai, xe nào cũng đầy người. Xe chở ban âm công, xe chở vật dụng cuốc xẻng, dây thừng, cây đòn. Mấy chiếc xe tải chở hoa đi cuối cùng. Rất nhiều hoa.

    Ở thành phố nhỏ này có cái phong tục rất lạ. Phong tục này không thấy ghi trong các sách về phong hóa, tục lệ, hiếu hỷ, ma chay. Trước khi đưa một người chết đến nghĩa trang để chôn cất, gia đình nào cũng cho xe tang chạy ngang qua phố. Phố đây chỉ  khu buôn bán trung tâm. Đám tang sáng nay cũng đi theo lộ trình đó. Đoàn xe ra khỏi trung tâm thành phố thì bắt đầu chạy nhanh hơn. Không bao lâu nghĩa trang đã hiện ra trước mặt. Từ chỗ đậu xe đến huyệt phải khiêng quan tài đi qua một đoạn đường gồ ghề, trơn trợt. Lúc đầu người ta cố giữ cho quan tài được thăng bằng, nhưng chỉ vài phút sau họ mới nhận ra một điều quan trọng hơn: cố giữ đừng đánh rớt quan tài. Những giây phút cuối trên cõi đời này xem ra cũng chẳng mấy êm ả cho người nằm trong cỗ áo quan.
    Trong khi các thầy thắp nhang để bắt đầu làm lể hạ huyệt, trời vẫn mưa dai dẵng. Khi thầy vừa gõ hồi chuông kết thúc phần tụng niệm, một người đàn ông –có lẽ là một công chức- bước ra, thay mặt tang gia, nói mấy lời cảm tạ quan khách kèm theo lời mời dùng tiệc trưa tại một nhà hàng sang trọng trong thành phố.
   Lúc này trời  đã ngớt mưa. Việc chôn cất  nhờ vậy cũng trở nên dễ dàng hơn. Người thì xúc đất đổ xuống huyệt, kẻ thì dùng chân dùng cột mà dậm cho chặt. Họ vừa làm vừa hò khoan hò hụi. Chẳng bao lâu một nấm mộ đã hiện hình. Tuyệt nhiên không thấy ai đến ném xuống huyệt một nắm đất. Hình như trời mưa, đất ướt nên người ta ngại, sợ bẩn giày, dép, bẩn tay. Trong số khách khứa  cũng chẳng thấy một người mang huy chương.Trong khi ra xe trở về nhà, có ai đó nhận xét vu vơ: ‘Đám tang lớn thế mà chẳng có lấy một bài điêu văn, chẳng nghe một tiếng khóc. Con đàn cháu đống đấy chứ!
 Có bao nhiêu hoa người ta mang hết tới sắp chồng chất lên nấm đất mà vẫn không hết, đành phải vứt bỏ ở miếng đất trống bên cạnh. Những bông hoa đã tan tác trong mưa bảo. Hình như người ta không chú trọng đến tính trang nghiêm của công việc mà chỉ quan tâm đến mặt thực dụng : làm cho xong việc, và làm cho nhanh. Cuối cùng mọi người đều ra về: thầy, sư, người nhà, khách khứa. Đội mai táng xong việc chia nhau bao thuốc lá rồi cũng lần lượt rời khỏi nghĩa trang. Sau lưng họ chơ vơ  giữa rừng nấm mồ lạnh lẽo.  
  Trong cảnh cô tịch tưởng như chẳng còn ai nán lại, thì từ sau gốc cây một bóng người bước ra, chậm rãi đến bên nấm mồ.Người đó chẳng phải ai xa lạ. Chính là ông giáo già bơm mực sửa kính trên phố. Ông cho tay vào túi lấy ra một vật gì và đặt xuống cạnh bát nhang đã tắt ngúm.  Ông nói như thì thầm với người nằm dưới mộ : “Người ta quên cái này của ông.Tôi mang trả ông đây. Hãy giữ lấy” Đó là chiếc huy chương chị đàn bà môi đỏ chót đã giật bứt khỏi áo ông và vứt ra  đường hôm nào giữa phố.  

Cầu Đất

Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Tue Nov 10, 2009 3:28 pm    Tiêu đề:

xxxxx
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân