TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vài Điều Tai Nghe Mắt Thấy Tại Hội Tâm Linh Học 6
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vài Điều Tai Nghe Mắt Thấy Tại Hội Tâm Linh Học 6

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Huyền Bí Vấn Đáp
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Thu Feb 19, 2009 1:46 pm    Tiêu đề: Vài Điều Tai Nghe Mắt Thấy Tại Hội Tâm Linh Học 6

"Vài Điều Tai Nghe Mắt Thấy Tại Hội Tâm Linh Học "

Loạt bài này (gồm 6 bài) đã được đăng làm nhiều kỳ trên các báo Dân Chủ Mới, Phương Đông (MA) năm 1996. Tác giả là một thân hữu, không phải là hội viên của Hội .

"Vài Điều Tai Nghe Mắt Thấy Tại Hội Hội Tâm Linh Học "
Nguyễn Văn Bảy
Bài 6
Qua 5 bài trước, tôi đã tường thuật với các bạn về những hoạt động của Hội như lễ điểm đạo, đi cảnh giới, thấy linh ảnh, tập Thái Cực Quyền theo lực Thiêng Liêng, trừ tà ma, lên đồng (hay cầu hồn), soi kiếp (soi căn), thần nhãn, lá phép tùy cầu tất ứng, cố vấn công việc làm ăn, coi địa lý, coi bói , tìm người mất tích, quan điểm về tôn giáo của Hội , Mật Tông Việt Nam, việc đào tạo nhân tài (dù ở xa), cách luyện phép, sinh hoạt điển quang, vị Thầy Thiêng Liêng của Hội …
Trong bài nầy (bài chót), tôi xin kể lại sự tích Đức Phật Thầy Tây An,  là vị thầy Thiêng Liêng của Hội Huyền Bí, dựa theo những tài liệu cữ lưu trữ tại thư viện của Hội .  
Đức Phật Thầy Tây An
Đức Phật Thầy Tây An (tên thật là Đoàn Minh Huyên) sanh tại tỉnh Vĩnh Long năm 1807, tịch năm 1856. Bình sanh, Ngài làm nghề ruộng rẫy, đời sống bình thường , không có gì đáng kể. Lạ thay, đến năm Ngài 43 tuổi bỗng thay đổi tâm tánh, khiến người đời cho Ngài là khật khùng. Hành động và ngôn ngữ của Ngài trở nên khác thường, không còn lo việc cày cấy, nói năng nửa hư nửa thực như có phần linh nhập vào . Sau đó Ngài chèo một chiếc xuồng nhỏ đi ngược dòng rạch Cái Tàu Thượng, rồi trở ra rạch Xẻo Môn, làng Kiến Thạnh (sau đổi là làng Long Kiến, tỉnh An Giang).
Bấy giờ là mùa thu năm Kỷ Dậu (1849), bịnh thời khí đang hoành hành nhân dân trong làng Kiến Thạnh. Người ta chết lềnh Khênh. Thầy thuốc Bắc, thuốc Nam đành bó tay .  Đầu trên xóm dưới chết. Đau một giây, một giờ rồi chết mà chết nhiều không kịp chôn. Thiên hạ hoảng sợ, làng xã giết vật thiết lễ "tống gió". Ngoài đường vắng người đi . Ban đêm chó không dám sủa, mà thỉnh thoảng có vài tiếng chó sủa thì càng thêm lạnh xương sống bởi người ta tưởng tượng là có âm binh về ! Hễ nghe tiếng lộp cộp là ớn da gà, biết rằng trong xóm đã có thêm một nắp quan tài vừa đậy lại .
Một sáng sớm, tại đình Kiến Thạnh, ông Từ thấy một người ngồi trên bàn thờ thần. Thấy việc lạ, ông Từ chạy đi, tính phi báo với hương chức, thì người ấy kêu lại . Ông Từ hỏi :
- Ông là ai ? Người ấy đáp:
- Ta đây là Phật Thầy giáng thế độ đời . Nhơn dân ai mắc bịnh ôn dịch thì đem lại đây ta cứu cho .
Ông Từ liền chạy cho ông Cả hay . Sẵn con ông Cả đang bị thổ tả, ông đưa đến đó, đứa nhỏ được Đức Phật Thầy cứu sống.  Kế đó Đức Phật Thầy cứu thêm năm bảy người mắc bịnh dịch tả nữa . Tin ấy đồn ra, dân chúng tựu lại xin thuốc. Ngài cho ai thuốc là người ấy được cứu khỏi . Những người Ngài không nhận cho thuốc đều không thoát khỏi tử thần.
Thuốc Ngài dùng là nước lạnh; lấy cái chén chung trên bàn thờ thầ`n múc nước mà phát. Người ta thay phiên nhau múc cho Ngài phát không kịp. Về sau, Ngài lấy áo nhang xé nhỏ mà phát cho người Bịnh. Hết áo nhang lại dùng giấy vàng. Ngài kêu dân chúng niệm Phật. Bịnh phát ra ở đâu là có mặt Ngài ở đó.
Ngài ở đình ba ngày rồi dời về cái cốc của ông Kiến, tức là chùa Tây An Cổ Tự ngày nay (ở núi Sam, vùng Thất Sơn). Ơũ đây, Ngài tiếp tục trị bịnh như lúc ở đình. Việc chữa bịnh kỳ lạ và thiên hạ tụ tập đông đảo đã thấu tai nhà cầm quyền. Mấy ông lang băm ganh ghét tố cáo Ngài là "gian đạo sĩ", vì vậy Ngài bị quan trấn tỉnh An Giang sai người đến bắt Ngài về tỉnh.
Khi Đức Phật Thầy đến tỉnh, quan trấn muốn thử Ngài nên đã bí mật lót tượng Phật Bà ("tượng" đây là tranh vẽ) trên bộ ván ngựa rồi trải chiếu bông lên trên. Các quan mời Ngài ngồi trên bộ ván ấy, nhưng Ngài vẫn đứng. Các quan mời mãi , Ngài nói :
- Tôi nào dám vô lễ với Phật.
Nói xong, Ngài bước lại giở chiếu lên, lấy tượng Phật ra ngoài . Những người có mặt tại đó đều sửng sốt. Tuy vậy, Đức Phật Thầy vẫn bị giam giữ. Lạ một điều là lính gác thường thấy Ngài đi hóng mát ngoài chợ, họ vội chạy về trại xem thì thấy Ngài vẫn có mặt trong phòng giam.  Các quan lại muốn thử Đức Phật Thầy lần nữa . Bèn cho dọn một mâm cơm có bốn chén cơm chay và bốn chén cơm có mỡ heo ở dưới .
Các quan hỏi Ngài :
- Hôm nay chú ăn chay hay ăn mặn ?
Ngài đáp:
- Hôm nay tôi ăn chay .
Thế rồi Ngài dùng bốn chén cơm chay và chừa lại bốn chén cơm có mỡ heo . Ngài nói với các quan:
- Quan lớn định nếu tôi ăn lầm mấy chén cơm có mỡ là bắt trói tôi phải không ?
Các quan chưa chịu thiệt thì Ngài liền chỉ trong chiếc quả, giở nắp ra cầm lấy sợi dây :
- Đây, dây các ông đem để trói tôi đây nầy !
Từ đó, các quan hết lòng khâm phục Đức Phật Thầỵ Quan trấn tỉnh An Giang làm tờ thượng tấu về triều đình, tâu rằng Ngài là bậc chơn tu . Triều đình hạ chiếu phê chuẩn tờ thượng tấu đó . Đức Phật Thầy được thọ phong như các vị Thiền Sư, Đại Đức khác.
Sau đó, các quan trong tỉnh và nhân dân xin qui y, thọ giáo với Ngài rất đông. Họ yêu cầu Ngài lập chùa ở tại Châu Thành cho tiện việc lễ bái , nhưng Ngài không thuận.  Ngài xem địa thế rồi vào lập ngôi chùa bằng cây săng, lợp lá tại núi Sam, tức là chùa Tây An ngày nay. Nơi đây, Ngài tiếp tục phát phù trị bịnh như lúc trước và thâu nhận nhiều đệ tử đạo cao đức cả.
Ngoài ra, để anh chị em bổn đạo tự làm ăn để lo tu hành, Ngài đã lập các trại ruộng ở Thới Sơn (Nhà Bàng) và trại ruộng ở Láng Linh, gọi là Bửu Hương Các (làng Thạnh Mỹ Tây), An Giang).
Pháp Môn Hành Đạo
Đức Phật Thầy truyền dạy các đệ tử đạo vô vi. Cá môn đệ của Ngài phần đông đều có phép thần thông, và giỏi về việc trị tà, trị bệnh, áp chế thú dữ. Ngài dạy đệ tử thờ một khung vải đỏ gọi là trần điều, không thờ hình tượng.
Ngài chia để tử ra làm 3 bậc:
1. Bậc cao hơn cả, biết phép thần thông, Ngài dạy lối "Khẩu truyền luyện đạo".
2. Kế đó, bậc thành tâm mộ đạo muốn được siêu thoát, Ngài dạy lối "Thiền Tịnh song tu".
3. Bậc bổn đạo có thiện tâm trong quảng đại quần chúng, Ngài dùng pháp môn phổ thông mà dạy người tu học Phật. Ngài dạy hành Tứ Ân: Ân tổ tiên cha mẹ; Ân đất nước; Ân Tam Bảo; Ân đồng bào và nhân loại .
Chuyện 3 Đại Đệ Tử Của Đức Phật Thầy Tây An
Gần 150 năm về trước (năm 1851), vùng núi Két (Thất Sơn) là một miền rừng núi hoang vu . Xa xa mới có vài sóc thổ (người Miên), mỗi sóc gồm năm bảy mái tranh. Còn lại là rừng, rậm rạp, ngút ngàn. Cọp beo, rắn độc, muỗi mòng, ve, vắt cùng nhau ngự trị . Thêm vào đó, còn một nỗi đe dọa khác là phải sống cùng người Miên, trong mình họ đầy gồng, ngãi, bùa, thư ... thù hằn và giận dữ. Họ không muốn một dòng giống khác đến sanh sống với họ.
Thế mà có một người với trí dũng vô biên đã đưa dân Việt đến đây khẩn hoang lập ấp, tạo nên hai làng Xuân Sơn và Hưng Thới, gọi gộp chung lại là Thới Sơn. Người đó là Đức Phật Thầy Tây An.  Với giáo lý tự tu tự độ để gắng gổ độ tha, Ngài đã hướng dẫn môn đệ khai hoang nhiều chỗ, mà trước hết là tại chỗ nầy.  Hàng ngàn tín đồ dưới sự dìu dắt của hai ông Tăng Chủ và Đình Tây, đã dùng phảng phát tranh, cỏ, lau sậy, dùng rìu búa đốn hạ các cây to rồi nổi lửa đốt rụi những thứ ấy . Sau đó mới dùng trâu bò để cày đất. Công việc ấy gian khổ và hiểm nguy biết chừng nào, ngày nay trí tưởng tượng của ta cũng không thể hiểu nổi !
Tăng Chủ và Đình Tây là hai đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Ông Đình Tây tên thật là Bùi Văn Tây; còn ông Tăng Chủ là Bùi Văn Thân, cũng gọi là Bùi Thiền Sư . Sỡ dĩ có tên là Tăng Chủ vì Đức Phật Thầy giao cho ông làm chủ, coi trại ruộng Thới Sơn.  Hai ông có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng phi thường, nên rất được nhân dân tùng phục. Những nông trại tại Hưng Thới, Phước Điền, Xuân Sơn đều do hai ông thừa lịnh Đức Phật Thầy mà dựng lên.  Những người dân lam lũ, chất phát cần phải được sự hướng dẫn chân chính. Hai ông Tăng Chủ và Đình Tây là những người có đủ tác phong đạo đức để làm việc đó.
Ban ngày tín đồ đi khai hoang, đêm về thì lễ bái, niệm Phật, tham thiền và lĩnh hội những lời hay ý đẹp của các ông.  Những ngày sóc, vọng (đầu tháng và rằm), các ông thuyết pháp, giảng kinh.  Người ta thấy nếp sống gần gũi với thiên nhiên nầy rất thi vị và thoát tục, nên vui lòng theo đuổi mãi công việc.  Sau khi đã lập trại ruộng, thế mà từ Châu Đốc vô Núi Sam (chỉ có 5 cây số) cũng phải đi 2 ngày, còn từ Núi sam vô trại ruộng nầy (trên 10 cây số) phải mất 3 ngày, vì người bộ hành phải lội càn lau sậy, đường lối quanh co, lạc một cái là mất mạng với thú dữ.
Cọp Trả Ơn
Để chống lại thú dữ, tín đồ ban ngày thì làm việc tập thể, không đi lẻ loi một mình  ở những nơi có bụi rậm, còn ban đêm thì đóng kín cửa, ngủ trên gác cao, không đi ra ngoài . Tuy nhiên, cọp có dữ thì cũng có người tài để hạ cọp: ông Tăng Chủ Bùi Văn Thân. Ông Tăng võ nghệ rất giỏi, hình vóc cao lớn, miệng rộng, tai dài, bàn tay buông xuống chí mày đầu gối, chân tay mọc lông dày bịt, tiếng nói sang sảng như sấm mà tâm tánh hồn nhiên, quả quyết.  Ông đã làm chúa tể của chúa sơn lâm một thời . Một lần cọp về xóm vào chặp tối, mọi người rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời.  
Ông Tăng một mình cầm mác thong trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng mác thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt kh gặp tọa bộ của ông Tăng cùng ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thong, liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng, ông Tăng đấm lẹ vào hông nó một quả thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một cú đá trời giáng. Cọp rống lên một tiếng vang rừng rồi ngã lăn ra bất tỉnh !  Ông Tăng không giết cọp, bước tới giựt nó dậy, lẩm bẩm:
- Tao tha cho, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng, đừng tới đây nữa mà mất mạng!
Cọp cúi gầm mặt xuống đất, kéo lê lết cái chân què vào rừng, và từ đó không dám bén mảng đến xóm nữa .  Ông không giết con cọp là vì ông không muốn sát sanh, chỉ muốn tâm phục loài thú dữ đó. Việc đánh cọp như trên không phải chỉ xảy ra một lần, mà cả năm ba lần như vậy . Và lần nào ông cũng tha mạng cho chúng. Riết rồi con nào con nấy cũng chạy mặt lùi xa! Buồn cười và khó tin hơn nữa là có lúc chúng bị nạn, còn trở lại cầu cứu với ông Tăng nữa !
Chuyện xảy ra tại đình Xuân Sơn, cũng trong khu trại ruộng. Một hôm ông Tăng đi thăm ruộng về thi trời đã tối . Khi tới gần cửa, ông thấy bóng một con cọp nằm lù lù bên mé đường mòn. Thấy ông, nó đứng dậy hả miệng, quào cổ rồi cúi đầu tỏ vẻ đau đớn lắm. Ông Tăng hiểu ý, bảo:
- Mắc xương rồi đó chớ gì ? Sao không tới đây sớm tao cứu cho, mà để đến nỗi ốm o quá vậy? Thôi, nếu quả mắc xương thì ngay cổ ra!
Cọp riu ríu vâng lời . Ông Tăng co tay ấn vào cổ nó một cái . Lập tức, nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một thỏi xương lớn. Vài hôm sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng vừa vật chết để đền ơn cứu mạng.
Con Sấu Năm Chân
Khắp miền Hậu Giang, không ai là không nghe danh ông Đình Tây và "Ông Năm Chèo". Theo những ông già bà cả kể lại, thì khi Đức Phật Thầy Tây An còn tại thế, ông Đình Tây là người thường hầu hạ bên ngoài . Một bữa, vì lòng hiếu sinh, Đức Phật Thầu đã sai ông Đình xuống Láng (trại ruộng Láng Linh, cách hữu ngạn Hậu Giang khoảng 10 cây số) đỡ đẻ cho một người đàn bà trong khi người ấy chỉ ở một mình trong căn chòi giữa đồng.
Khi công việc vừa xong thì chồng của sản phụ cũng vừa về tới . Anh tên là Xinh, sống bằng nghề săn rùa, bắt rắn. Được biết  ông Đ`nh giúp đỡ cho gia đình mình như vậy, thì lạy mà tạ ơn, đồng thời Xinh biếu ông Đình một con sấu con mà anh vừa bắt được trong đêm. Ông Đình thấy con sấu dị thường, có năm chân, toàn thân một màu đỏ với những lốm đốm bông hoa, nên chấp nhận và quyết định trả tiền cho anh Xinh để đem về nuôi chơi.
Đức Phật Thầy xem qua con sấu, bảo là quái vật, phải trừ đi kẻo về sau nó gây họa lớn. Nhưng ông Đình thương con sấu quá, không đành cho người ta ăn thịt hoặc bỏ đi . Ông nghĩ cách dấu thầy để đem về trại ruộng Xuân Sơn mà nuôi.  Sấu lớn nhanh phi thường, chỉ trong 3 năm mà nó có thể quật ngã được người. Và sau một đêm giông mưa lớn, con sấu năm chân bứt gãy xích sắt mà đi.
Ông Đình nhớ lại lời thầy năm trước, sợ hãi về trách nhiệm của mình, không rõ rồi mai sau sấu sẽ xuất hiện ở đâu, và có gây tai họa gì cho dân chúng không, nên đến chịu tội với Đức Phật Thầy . Ngài tỏ ý buồn bã và sau đó trao cho ông Đình một lưỡi mun, một lưỡi câu, và hai cây lao có dây dừa xe bằng chỉ tơ to bằng đầu nhỏ chiếc đũa, tất cả đều làm bằng sắt, và dặn ông Đình cất giữ để dành trừ con quái vật một khi nó xuất hiện.
Thời gian trôi qua, Đức Phật Thầy tịch, sự việc vẫn chưa có gì, và ông Đình Tây thì vân âm thầm lo sợ. Thì bỗng một mùa lụt, sấu trườn lên tại Láng Linh. Bây giờ nó lớn quá, rượt bắt thiên hạ làm náo động cả vùng. Người ta đến báo với ông Đình. Ông Đình mang "bửu bối" tới. Nhưng sấu dường như đánh hơi được ông Đình, nên đã trốn mất dạng.
Từ đó cứ như cút bắt, hễ ông Đình vắng thì sấu hiện ra, mà khi ông tới thì nó trốn biệt. Biết như vậy, nên mỗi lần sấu làm sóng dậy miền Láng Linh, thì người ta đồng rập la lên:
- Bớ ông Đình ơi, ông Năm Chèo dậy!
Mà lạ quá, hễ cứ nghe câu đó thì sấu chạy ngay đuôi, dầu gặp mồi ngon trước mõm cũng không dám chần chờ.  Đã nhiều phen lui tới vùng Láng để chực bắt quái vật mà không lần nào gặp nó, ông Đình lần sau chót kêu nói giữa hư không rằng:
- Nếu sấu thần chưa tới số, thì từ nay nên yên lặng, đừng nổi lên phá hại xóm làng! Còn như mạng căn đã hết, thì hãy sớm chịu oai trời, đừng để phải phiền ta!
Sau ngày ấy, sấu đâu mất! Có người nói khi Tây bố binh Gia Nghị (đạo binh do Quản Cơ Trần Văn Thành chỉ huy kháng Pháp từ 1868 đến 1873), nghĩa quân rút lui nhưng vì lúa dày quá thuyền chống không đi, thì ông Năm Chèo xuất hiện làm lúa rạp một luồng cho thuyền theo đó mà chống.
Mảnh Gỗ Cam Xe
Một ngày mùa thu, bên triền núi Sam, Quản Cơ Trần Văn Thành, gốc là một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An, cùng mấy người tùy tùng về bái vọng nơi phần mộ của Ngài nhân ngày kỷ niệm Đức Phật Thầy viên tịch (11 tháng 8 âm lịch).
Lúc đó, tại phía Tây triền núi, có một anh dân cày nhà nghèo đang mắc phải một chứng nan y: mắt trợn dọc, bụng chướng lên, tay chân co rút lại và hơi thở chỉ còn thoi thóp nơi ngực. Anh nầy trước đây vì có chuyện tranh nhau về tranh đất ruộng với một người Miên trong xóm tên là Thổ Nguồn. Vốn giỏi thư và biết gồng, Nguồn đánh thư vào thức ăn của anh bần nông nọ nhân dịp anh nầy đi ăn giỗ bên nhà hàng xóm. Vi `vậy mà từ ba tháng qua, anh nầy xanh xao gầy mòn, chạy đủ thầy bùa thầy thuốc; có lần vợ anh đến năn nỉ với Nguồn nữa, nhưng Nguồn đã chối, nói rằng không biết việc đó.
Thế là an dân cày nầy chỉ còn chờ giờ chết!  Trong xóm lúc đó có người biết chuyện, đến chùa Tây An mách với Quản Cơ Thành, yêu cầu giúp đỡ.  Chỉ bằng  một mảnh giấy vàng có đóng ấn triện Bửu Sơn Kỳ Hương, Quản Thành đã cứu sống được chàng  bần nông nọ. Sau khi uống "linh phù" vừa nói, bệnh nhân đại tiện ra một nùi tóc rối rồi khoẻ khoắn lại như thường.
Nguồn không tức anh hàng xóm mà đâm thù ông Quản Thành. Nó chờ ít lâu, nhân ngày Phật Đản, trà trộn trong đám tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến tận Bửu Hương Các ở Láng Linh, nơi ông Quản Thành ẩn dật để chuẩn bị đánh Pháp.
Chờ ông Quản Thành uống trà, Nguồn thư vào chén trà một mảnh gỗ cam xe, ngang ba ngón tay, dài hơn tấc rưỡi (tấc ta); chắc mẫm ai mắc phép thư nầy sẽ bỏ mạng sau một cữ (24 giờ).  Ba hôm sau, với điệu bộ đắt thắng, Nguồn từ núi Sam đến Láng Linh để xem "kết quả". Nhưng ba hôm nay ông Quản Thành vẫn thản nhiên. Ông không cho ai hay biết gì. Cho đến khi Nguồn gần tới, ông mới đại tiện ra mảnh gỗ đã thư, rửa sạch, đem vào trước nhà khách đợi nó.
Nguồn lấy làm sửng sốt khi thấy ông Quản Thành không hề hấn gì. Nó toan tháo chạy vì sợ bị lộ tẩy, nhưng ông đã lẹ miệng kêu nó lại, ôn tồn nói:
- Việc cứu người ở núi Sam là tôi muốn gỡ tội cho anh, cớ sao anh không coi đó là ơn, mà lại cố ý báo oán ?
Nguồn phục sát xuống đất, lạy mà thọ tội .  Và từ đó, Nguồn là một tín đồ rất trung thành trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong công tác địch vận sau nầy của ông Quản Thành ở cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, Nguồn là người hoạt động giỏi nhất trong giới người Miên theo Pháp ...
Đến đây là hết loạt bài về Hội Huyền Bí. Cảm ơn các bạn đã theo dõi . Cầu chúc các bạn và gia đình Thân Tâm An Lạc.
Maryland, tháng 6-96
Nguyễn Văn Bảy
-*-
                                                                                                                     
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Huyền Bí Vấn Đáp Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân