TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bệnh thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bệnh thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Fri Jan 05, 2024 12:17 am    Tiêu đề: Bệnh thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị

Bệnh thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính, nhưng có thể phòng ngừa được.. (Hình: The Epoch Times)


Bệnh thận mạn tính là một rối loạn tiến triển của thận (còn được gọi là suy thận mạn.) Căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 800 triệu người trên toàn thế giới, đặc biệt bởi sự mất dần tác dụng thận.

Suy thận mạn là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tám trên toàn thế giới.



Triệu chứng và dấu hiệu báo động của bệnh thận mạn tính

Các triệu chứng của suy thận mạn diễn ra theo thời gian và trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển. Khi thận bị tổn thương và suy giảm tác dụng, bệnh nhân sẽ bị tích tụ chất lỏng, chất thải trong cơ thể và thường xuyên bị mất cân bằng điện giải do thận không có thể lọc máu.

Khi tác dụng thận kém đi, các triệu chứng sau có thể xuất hiện:

• Mệt mỏi và suy nhược

• Ăn mất ngon

• Khó thở do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ ở phổi

• Đau ngực do tích tụ chất lỏng xung quanh màng tim

• Nôn hoặc buồn nôn

• Tăng huyết áp

• Sạm da

• Chuột rút

• Khó ngủ

• Phù ở mắt cá chân hoặc bàn chân

• Đi tiểu nhiều

• Khó tập trung

• Da ngứa hoặc khô

Vì các triệu chứng của bệnh thận thường không đặc hiệu, có thể được gây ra bởi các bệnh khác nên dễ bị bỏ qua mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu này. Điều cần thiết là thông báo cho bác sĩ của bạn về bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, nhằm hỗ trợ phát giác sớm và giúp ngăn ngừa tổn thương không thể phục của thận.


Bệnh thận là kết quả của việc thận không thể lọc chất thải ra khỏi cơ thể đúng cách. Nguyên nhân thường được gây ra bởi tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường. (Hình: The Epoch Times)


Nguyên nhân gây ra bệnh thận mạn tính

Mặc dù nguyên nhân của suy thận mạn không phải lúc nào cũng được biết, nhưng huyết áp cao và bệnh tiểu đường là một trong những lý do thông thường nhất.

    • Huyết áp cao

      Khi huyết áp quá cao, các mạch máu trong thận bị thu hẹp lại, cuối cùng làm hỏng các mạch máu và làm giảm lượng máu chảy đến thận. Điều này dẫn đến thận không thể loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể như bình thường. Ngược lại, nếu thận không thể loại bỏ chất lỏng này, nó cũng có thể gây ra tăng huyết áp.

      Cứ 5 người Mỹ trưởng thành thì có một người bị huyết áp cao cũng có thể phải chịu thêm bệnh thận mạn tính.

    • Bệnh tiểu đường

      Bệnh thận mạn tính thường liên quan đến bệnh tiểu đường. Khoảng 1 trong 3 người trưởng thành bị bệnh tiểu đường cũng bị suy thận mạn.

      Tương tự như huyết áp cao, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thận đến mức thận không thể lọc chất lỏng và chất thải dư thừa. Điều này xảy ra khi một người có quá nhiều glucose (đường) trong máu. Cả tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2 có thể gây ra bệnh thận, được gọi là bệnh thận tiểu đường. Khi tình trạng này xuất hiện, albumin (một loại protein trong nước tiểu) thường là chất chỉ thị đầu tiên xuất hiện.



Những căn bệnh khác có thể dẫn đến bệnh thận mạn

Ngoài bệnh tiểu đường và huyết áp cao, nhiều căn bệnh khác đã được xác định là nguyên nhân tiềm ẩn của CDK.

    • Viêm thận Lupus: Đây là bệnh thận do bệnh tự miễn Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) gây ra. Bệnh thận do lupus gây ra có thể dẫn đến suy thận.

    • Nhiễm trùng thận: Còn được gọi là viêm bể thận, loại nhiễm trùng đường tiết niệu này bắt đầu ở niệu đạo hoặc bàng quang và cuối cùng có thể nhiễm trùng một hoặc cả hai thận. Tình trạng này cần được điều trị y tế ngay lập tức để tránh tổn thương thận vĩnh viễn.

    • Hẹp động mạch thận: Hẹp động mạch thận xảy ra khi một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận của bạn bị hẹp đường kính. Những động mạch bị thu hẹp này làm giảm lượng máu giàu oxy chảy đến thận. Khi lưu lượng máu giảm, mô thận có thể bị tổn thương và làm tăng huyết áp

    • Rối loạn di truyền: Rối loạn di truyền không thể ngăn ngừa được, nhưng thuốc có thể giúp kiểm soát một trong số chúng. Ví dụ bệnh thận đa nang, bệnh nang thận và hội chứng Alport.

    • Thuốc không kê đơn: Tiêu thụ một lượng lớn thuốc không kê đơn như ibuprofen, naproxen và aspirin có thể làm hỏng thận của bạn

    • Thuốc trụ sinh: Có thể gây nguy hiểm nếu không được dùng theo quy định. Bệnh nhân bị bệnh thận chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

    • Uống nhiều rượu: Uống nhiều rượu có thể làm phá hủy cả thận và gan của bạn. Người nghiện rượu có nguy cơ bị bệnh suy thận cao hơn.

    • Ma túy: Heroin, cocaine và amphetamine có thể làm tổn thương thận.

    • Thuốc cản quang: Một số test hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT, sử dụng thuốc cản quang có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thận, được gọi là bệnh thận do thuốc cản quang (CIN). Người ta ước tính rằng 1 – 3 % những người dùng thuốc cản quang có những thay đổi về tác dụng thận. Bất cứ ai cũng có thể bị CIN, nhưng những người bị bệnh thận có nguy cơ bị biến chứng cao hơn.

    • Viêm mạch IgA: Rối loạn này khiến globulin miễn dịch kháng thể A lắng đọng trong các mạch máu nhỏ, khiến chúng bị viêm và xuất huyết. Một số bệnh nhân phát triển các vấn đề về khớp, đường tiêu hóa và thận.

    • Viêm cầu thận (bệnh thận IgA): Bệnh thận IgA, hay bệnh Berger, nằm trong nhóm bệnh gọi là viêm cầu thận. Bệnh thận IgA là một rối loạn thận xảy ra khi globulin miễn dịch A tích tụ trong thận. Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra chứng viêm có thể làm giảm sự lọc chất thải của thận. Nó tiến triển và có thể dẫn đến suy thận.

    • Rối loạn tự miễn dịch: Rối loạn tự miễn dịch tấn công các cơ quan và tế bào của chính cơ thể. Một ví dụ là bệnh anti-GBM (hội chứng Goodpasture), bệnh tấn công thận và phổi.

    • Ngộ độc kim loại nặng: Ngộ độc chì là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh thận và các bệnh khác.

    • Hội chứng tan huyết urê huyết (HUS): Rối loạn này xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận bị viêm và hư hỏng. Cục máu đông có thể hình thành khi thận bị tổn thương và dẫn đến suy thận. HUS phổ thông nhất ở trẻ nhỏ.


Bệnh thận mạn tính có 5 giai đoạn, giai đoạn cuối thường cần lọc máu hoặc ghép thận. (Hình: The Epoch Time)


Các giai đoạn của bệnh thận mạn tính

Suy thận mạn được đặc biệt bởi 5 giai đoạn, được xác định bởi tốc độ lọc cầu thận (GFR) và tốc độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). GFR cho biết tốc độ dòng máu chảy qua thận, trong khi eGFR được tính toán bằng cách sử dụng một thử máu duy nhất cho creatinine. Các test này đo lường mức độ tác dụng thận để xác định giai đoạn của bệnh. Mỗi lần tăng số giai đoạn phản ảnh sự tiến triển của bệnh và suy giảm thêm tác dụng thận.

    • Giai đoạn 1: eGFR bình thường hay cao, eGFR > 90 và tổn thương thận nhẹ. Ở giai đoạn này, thận đang hoạt động tốt và có thể không có bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý, nhưng có thể có các dấu hiệu như protein trong nước tiểu.

    • Giai đoạn 2: eGFR khoảng 60 – 89 với tổn thương thận nhẹ. Hầu hết thận vẫn hoạt động tốt và vẫn có thể không có triệu chứng đáng chú ý. Tuy nhiên, các dấu hiệu như protein trong nước tiểu hoặc tổn thương thận có thể xuất hiện.

    • Giai đoạn 3: Bệnh nhân được phân loại theo hai giai đoạn phụ dựa trên kết quả eGFR của họ:

      • Suy thận độ 3A (eGFR khoảng 45 – 59)

      • Suy thận độ 3B (eGFR khoảng 30 – 44)

      Thận không hoạt động tốt và không thể lọc chất lỏng và chất thải một cách thích hợp. Sự tích tụ chất lỏng dư thừa có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp. Các triệu chứng như sưng ở bàn tay và bàn chân, suy nhược và mệt mỏi xuất hiện.

      Bệnh nhân tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống lành mạnh có thể không tiến triển đến giai đoạn 4 hoặc 5.

    • Giai đoạn 4: eGFR khoảng 15 – 29 với tổn thương thận từ trung bình đến nặng. Đây là giai đoạn cuối cùng trước khi suy thận. Thận không hoạt động tốt và không thể lọc chất lỏng và chất thải dư thừa. Hậu quả là bệnh nhân có nguy cơ bị tăng huyết áp và bệnh tim. Xuất hiện các triệu chứng như đau lưng dưới, sưng tấy ở bàn tay và bàn chân.

    • Giai đoạn 5: eGFR < 15 và tổn thương thận nghiêm trọng. Thận sắp hỏng hoặc đã ngừng hoạt động. Khi thận ngừng lọc, chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể, khiến bệnh nhân trở nên ốm nặng và phát triển các tình trạng sức khỏe khác. Các lựa chọn điều trị tại thời điểm này bao gồm lọc máu hoặc ghép thận.



Những người có nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn tính

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn tính, bao gồm cả chủng tộc. Tuy nhiên, lý do chính làm tăng nguy cơ ở những quần thể này là do tỷ lệ tăng huyết áp và tiểu đường cao. Những nhóm người sau đây có nguy cơ:

    • Người bị bệnh tiểu đường

    • Người bị cao huyết áp

    • Người có tác dụng thận bất thường do các điều kiện khác gây ra

    • Người dùng nhiều thuốc, kể cả thuốc OTC

    • Người Mỹ gốc Phi: Dân số này chiếm 35% người Mỹ bị suy thận. Huyết áp cao và bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở người Mỹ gốc Phi.

    • Người gốc Tây Ban Nha: Số người gốc Tây Ban Nha được chẩn đoán suy thận mạn tăng hàng năm, đã tăng hơn 70% kể từ năm 2000. So với những người không phải gốc Tây Ban Nha, người gốc Tây Ban Nha có thể được chẩn đoán bị bệnh suy thận cao hơn khoảng 1,3 lần.

    • Người Ấn gốc Mỹ: So với người da trắng, người Mỹ da đỏ có thể được chẩn đoán bị bệnh suy thận cao hơn khoảng 1,2 lần. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở nhóm này.

    • Người hút thuốc

    • Người béo phì

    • Phụ nữ: Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn nam giới, nhưng nam giới có nhiều nguy cơ tiến triển thành suy thận hoàn toàn.

    • Người cao niên: Suy thận mạn thường thấy ở người lớn từ 65 tuổi trở lên.

    • Những người có tiền sử gia đình bị bệnh thận



Một số test chẩn đoán suy thận mạn tính

Bác sĩ có thể yêu cầu một hoặc nhiều test để đánh giá và phân loại bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính.

    • Sinh thiết thận: Sinh thiết thận được thực hiện dưới gây tê cục bộ và sau đó mẫu mô thận sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

    • Siêu âm thận: Siêu âm có thể được sử dụng để xác định kích thước và cấu tạo thận.

    • Thử trong phòng thí nghiệm

      • Tốc độ lọc cầu thận (GFR): Thử máu này kiểm soát mức độ lọc máu của thận. Hầu hết những người có số điểm từ 15 trở xuống sẽ cần lọc máu hoặc ghép thận.

      • Thử tác dụng thận: Các thử máu này nhằm xác định nồng độ các chất thải của cơ thể như urê và creatinine.

      • Thử nước tiểu: Test nước tiểu kiểm soát albumin. Albumin được đưa vào nước tiểu khi thận bị tổn thương.



Các biến chứng của bệnh thận mạn tính là gì?

Nhiều biến chứng liên quan đến suy thận mạn có thể ảnh hưởng đến gần như mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm:

    • Thiếu máu.

    • Viêm màng ngoài tim.

    • Bệnh tim.

    • Nồng độ potassium cao cản trở quá trình dẫn truyền điện bình thường của tim và ngăn cản tim đập hiệu quả.

    • Giữ nước dẫn đến huyết áp cao, dịch trong phổi, sưng ở tay và chân.

    • Xương yếu dẫn đến gãy xương.

    • Các biến chứng khi mang thai cho mẹ và thai nhi.

    • Tổn thương hệ thần kinh trung ương dẫn đến thay đổi tính cách, khó tập trung và co giật.

    • Suy giảm đáp ứng miễn dịch, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.

    • Rối loạn cương dương, giảm khả năng sinh sản và giảm ham muốn tình dục.

    • Tổn thương thận không hồi phục cần lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.



Phương pháp điều trị bệnh thận mạn tính

Các đề nghị điều trị bệnh thận mạn tính tùy thuộc vào loại, giai đoạn và nguyên nhân của nó. Một số loại bệnh có thể được điều trị, mặc dù bệnh thận mạn tính thường không thể chữa được.

Bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân của bệnh và kiểm soát các biến chứng để cải thiện phẩm chất cuộc sống cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

    • Đề nghị về cách ăn uống: Nên ăn ít sodium và ít protein. Lượng muối thấp sẽ giúp giảm huyết áp và protein trong nước tiểu. Ăn ít protein giảm thiểu sự tích tụ chất thải trong máu của bạn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị tăng lượng trái cây và rau củ vì hàm lượng chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của thận.

    • Bổ sung calcium và vitamin D: Bổ sung calcium và vitamin D có thể giúp ngăn ngừa xương của bạn yếu đi và giảm nguy cơ gãy xương. Bạn cũng có thể dùng thuốc được gọi là chất kết dính phosphatee để giảm lượng phosphatee trong máu và bảo vệ mạch máu khỏi tổn thương do lắng đọng calcium (vôi hóa).

    • Điều trị bằng thuốc:

      • Statin: Bác sĩ của bạn có thể kê toa những thứ này để giảm cholesterol. Bệnh nhân bệnh thận mạn tính thường xuyên có mức cholesterol xấu cao liên quan đến bệnh tim. Những loại thuốc này bao gồm atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin, rosuvastatin và simvastatin.

      • Thuốc trị tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường có thể cần toa thuốc để quản lý lượng đường trong máu của họ.

      • Thuốc huyết áp: Vì huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận và các tình trạng khác nên bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát huyết áp nếu bệnh nhân có huyết áp tăng cao. Những loại thuốc này bao gồm benazepril, captopril, enalapril, lisinopril và fosinopril.

      • Thuốc giảm phù: Những người bị bệnh thận mạn tính thường bị giữ nước, gây sưng tấy, đặc biệt là ở chân. Bác sĩ của bạn có thể kê toa thuốc lợi tiểu, hoặc thuốc nước, để giúp duy trì huyết áp và giảm giữ nước. Ví dụ về các loại thuốc này bao gồm furosemide, bumetanide và acid ethacrynic.

      • Thuốc điều trị thiếu máu: Đối với bệnh thiếu máu, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung hormone có tên là erythropoietin để giảm mệt mỏi và suy nhược do thiếu máu. Erythropoietin đôi khi được bổ sung cùng với sắt để giúp sản xuất hồng cầu.

    • Điều trị bệnh thận giai đoạn cuối

      Những người bị bệnh ở giai đoạn cuối có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.

      • Lọc máu: Lọc máu có thể cần thiết khi thận bị tổn thương nghiêm trọng và thận không còn sự loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải tích tụ khỏi cơ thể bạn. Lọc máu có 2 hình thức là thẩm phân phúc mạc và thận nhân tạo.

        Trong quá trình điều trị thẩm phân phúc mạc, dung dịch được đưa vào khoang bụng để hấp thụ chất lỏng và chất thải dư thừa.

        Khi chạy thận nhân tạo, máy sẽ loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi máu của bạn.

      • Ghép thận: Điều này liên quan đến việc giải phẫu thay thế quả thận bị bệnh của bạn bằng một quả thận khỏe mạnh từ một người hiến tặng tương thích. Người cho thận có thể là người sống hoặc người đã chết.

Một số bệnh nhân chọn không lọc máu hoặc ghép thận. Thay vào đó, họ áp dụng các phương pháp bảo tồn, chẳng hạn như chăm sóc giảm nhẹ.

Suy nghĩ ảnh hưởng đến bệnh thận mạn tính như thế nào?

Bệnh nhân suy thận mạn trải qua cả những ảnh hưởng về thể chất và tâm lý. Quản lý sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như đối với sức khỏe thể chất. Bệnh nhân lọc thận thường tức giận, thất vọng và cảm thấy như mất kiểm soát đối với cơ thể và cuộc sống của mình. Điều này thường có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm, khó ngủ và các thách thức tâm lý khác.

Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được cảm giác của mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách mình phản ứng và đáp lại những cảm xúc đó. Sống tích cực có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cách nhìn của bạn và niềm hạnh phúc mà bạn kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày.

Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn duy trì một suy nghĩ tích cực và lành mạnh.

    • Chú trọng đến khía cạnh tâm linh: Tùy thuộc vào đức tin của bạn, tâm linh có thể bao gồm việc tin vào một sức mạnh cao hơn, viếng thăm một nơi thờ cúng, cầu nguyện hoặc thiền định.

    • Nhận sự giúp đỡ: Có một hệ thống hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Điều này có thể bao gồm gia đình, bạn bè, vợ/chồng, nhà thuyết giáo, đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai mà bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Ngoài việc có một người có thể lắng nghe nỗi sợ hãi và cảm xúc của bạn, thì việc có sự hỗ trợ của người khác có thể nâng đỡ bạn về mặt cảm xúc

    • Duy trì chăm sóc chính mình: Dành thời gian chăm sóc mình có thể giúp bạn đối phó với những thách thức hàng ngày của bệnh thận. Chọn một lối sống lành mạnh bao gồm tiếp xúc xã hội, tập thể dục và cách ăn uống lành mạnh là rất quan trọng để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều quan trọng nữa là bạn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

    • Đặt ra những mục tiêu: Hãy có mục đích. Hãy cho mình một cái gì đó để tập trung vào và nỗ lực. Ví dụ: tham gia các nhóm hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động ở trường của con bạn hoặc tình nguyện tại nơi trú ẩn động vật địa phương của bạn. Bất kể bạn tham gia loại nhóm hay hoạt động nào, hành động “cho đi” sẽ giúp bạn cảm thấy mình là một phần của điều gì đó, đồng thời cải thiện tâm trạng và suy nghĩ của bạn.

    • Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp: Nhận trợ giúp chuyên nghiệp, cá nhân hoặc trong một nhóm có thể mang lại ích lợi tinh thần cho bạn. Cảm giác tiêu cực là bình thường khi trải qua thời điểm khó khăn. Vì thế bạn nên nói chuyện với những người khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ một cách cởi mở và trung thực về cảm xúc của bạn. Điều này rất hữu ích và cho phép bác sĩ xác định xem liệu bạn có thể được hưởng lợi từ thuốc hoặc liệu pháp hay không.

    • Sống tích cực: Hãy dành từng ngày một và cố gắng không tập trung vào những vấn đề mà bạn không thể kiểm soát. Chấp nhận sự giúp đỡ từ những người khác khi bạn cần của gia đình, bạn bè và nhóm hỗ trợ của bạn.

Phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh thận mạn tính

Mặc dù tổn thương thận không thể được sửa chữa một khi nó đã xảy ra, nhưng một số phương pháp tự nhiên có thể cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh thận là một tình trạng phức tạp, trong đó những tuân thủ đặc biệt về cách ăn uống và kế hoạch tập thể dục có thể giúp cải thiện tác dụng thận và sức khỏe.

    • Hoạt động thể chất giúp giữ cho thận khỏe mạnh bằng cách hỗ trợ và duy trì quá trình giảm cân cũng như giúp kiểm soát huyết áp. Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần, những hoạt động này có thể bao gồm bơi lội, khiêu vũ, đi bộ, đi bộ đường dài, v.v

    • Duy trì một cách ăn uống thích hợp cũng là điều cần thiết. Các đề nghị về cách ăn uống có thể bao gồm những điều sau đây:

      • Thực phẩm ít potassium: Thực phẩm chứa hàm lượng potassium cao như khoai tây, chuối, cam và cà chua có thể gây hại cho bệnh nhân bị bệnh thận. Thay vào đó, hãy chọn các loại thực phẩm ít potassium như cà rốt, bắp cải, đậu xanh, dâu tây và nho.

      • Thực phẩm ít muối: Giảm lượng sodium bạn ăn bằng cách tránh xa thực phẩm có thêm muối, bao gồm bữa tối đông lạnh, thực phẩm tiện lợi, thức ăn nhanh và súp đóng hộp, rau đóng hộp, đồ ăn nhẹ mặn, thịt chế biến và pho mát.

      • Thực phẩm ít protein: Hạn chế lượng protein bạn ăn. Kết hợp các loại thực phẩm ít protein như trái cây, rau và ngũ cốc. Tránh các loại thực phẩm giàu protein như trứng, sữa, phô mai, thịt nạc và đậu.

Vitamin và chất bổ sung

Bác sĩ của bạn có thể đề nghị bổ sung để bảo đảm đủ lượng chất dinh dưỡng nhất định, bao gồm:

    • Sắt: Sắt giúp cơ thể bạn tạo ra các tế bào hồng cầu và có thể được kê đơn nếu bạn bị thiếu máu. Sắt phải được dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ.

    • Vitamin B: Vitamin B: B6, B12, thiamin, acid folic và nhiều loại vitamin B khác có trong ngũ cốc nguyên hạt, trứng, nấm, thịt và chuối. Mỗi loại vitamin B đều có tác dụng riêng của nó; tuy nhiên, một số chất bổ sung có chứa nhiều loại vitamin B trong một liều. Một vitamin B có thể được khuyên dùng nếu bạn bị thiếu máu.

    • Vitamin D: Vitamin D rất cần thiết cho xương và thận khỏe mạnh. Thầy thuốc của bạn có thể đề nghị bổ sung nếu bạn thiếu vitamin này.

    • Omega-3: Những acid béo này thường được khuyên dùng cho những người bị bệnh động mạch vành, suy tim và nhiều bệnh khác. Omega-3, đặc biệt là từ hải sản, có thể giúp giảm huyết áp và giảm viêm. Omega-3 có thể được tìm thấy trong các loại cá có dầu như cá hồi, cá thu, cá trích, cá cơm, cá mòi, cá bơn, cá hồi cầu vồng và cá ngừ.

    • Sodium bicarbonate: Sodium bicarbonate mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với bệnh nhân bị bệnh thận, vì nó có thể làm chậm quá trình suy giảm tác dụng thận. Nếu bạn sử dụng nó để tạo ra “soda bicarb”, hãy sử dụng natri bicarbonat dược phẩm chứ không phải muối nở đơn giản. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân suy thận mạn nào cũng nên dùng natri bicarbonate, chỉ dùng sodium bicarbonate hoặc thuốc viên sodium citrate nếu bác sĩ của bạn đề nghị.

    • Bổ sung thảo dược: Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra một số loại thảo mộc và cây thuốc có thể có hiệu quả trong việc giảm thiểu bệnh thận mạn tính, nhưng bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền hoặc thầy thuốc Đông y trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp điều trị nào. Thuốc thảo dược chắc chắn có thể có lợi cho thận, nhưng nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị bệnh thận để tránh kích thích thận quá mức. Những thầy thuốc này có một số biện pháp chữa trị tại nhà có thể giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận mạn tính, mặc dù không có biện pháp nào được chứng minh là có hiệu quả.



Ngăn ngừa suy thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính có thể được ngăn chặn bằng cách kiểm soát các yếu tố rủi ro. Nếu bạn có nguy cơ bị bệnh cao hơn, thì việc kiểm soát bệnh thận mạn tính thường xuyên là điều cần thiết. Bạn cũng nên được đánh giá hàng năm nếu bạn đã được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường.

Để giữ cho thận của bạn khỏe mạnh và có thể ngăn ngừa bệnh thận mạn tính, điều cần thiết là giảm các yếu tố rủi ro bằng cách thực hiện những điều sau:

    • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh cao huyết áp và tiểu đường, hai nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận. Việc tăng trọng lượng cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thận của bạn bằng cách buộc chúng phải làm việc nhiều hơn để lọc chất thải ra khỏi cơ thể. Dần dần, công việc làm thêm này sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh thận.

    • Tăng hoạt động thể chất: Hầu hết bệnh nhân bị bệnh thận được xác định là “không hoạt động với hiệu suất thể chất giảm sút”. Hoạt động thể chất đã được chứng minh là cải thiện tác dụng, hiệu suất thể chất và huyết áp, kiểm soát cấu hình lipid và cải thiện sức khỏe tâm thần.

    • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc làm chậm lưu lượng máu đến các cơ quan, bao gồm cả thận, có thể làm trầm trọng thêm bệnh thận. Điều này cũng gây bất lợi không kém cho bệnh nhân tiểu đường. Khi lưu lượng máu đến chân của bạn chậm lại, vết loét có thể phát triển và nhiễm trùng trở nên khó chữa lành hơn. Nhiễm trùng cũng có thể ảnh hưởng xấu đến các loại thuốc dùng điều trị huyết áp bạn đang sử dụng.

    • Theo dõi và kiểm soát “3 cao”: đó là cholesterol cao, lượng đường trong máu cao và huyết áp cao. 3 cao góp phần gây ra bệnh tim và nguy cơ đột quỵ

Đối với những bệnh nhân tiểu đường và những người bị huyết áp cao, kiểm soát huyết áp và kiểm soát lượng đường trong máu có thể làm giảm nguy cơ phát triển suy thận mạn.

    • Dùng thuốc: Chỉ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

    • Giảm lượng muối ăn vào: Bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính nên duy trì bữa ăn ít muối. Nên dùng ít hơn một muỗng cà phê muối mỗi ngày.

    • Ăn nhiều trái cây và rau củ: Nghiên cứu cho thấy rằng việc ăn ít rau và trái cây có liên quan đến nguy cơ bị bệnh suy thận cao hơn. Bữa ăn giàu thực vật có thể giúp ngăn ngừa suy thận và bệnh thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, khi bệnh thận tiến triển, bạn có thể cần giảm lượng một số loại trái cây và rau của để hạn chế lượng phosphorus và potassium hấp thụ vào.

Stacy Swartz
Châu Anh biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân