TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trại Tù Xuân Lộc – Long Khánh
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trại Tù Xuân Lộc – Long Khánh

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7338

Bài gửiGửi: Thu Nov 30, 2023 8:57 pm    Tiêu đề: Trại Tù Xuân Lộc – Long Khánh

Trại Tù

Xuân Lộc – Long Khánh


Chuyền trại, từ Trảng Lớn – Tây Ninh về Xuân Lộc – Long Khánh

Cuối tháng 8, Việt cộng tiếp tục phân chia đám tù cải tạo tập trung ở trại tù Trảng Lớn theo cấp bực, chức vụ, ngành nghề và thời gian phục vụ trong chính quyền miền Nam. Mỗi đêm, sau 12 giờ khuya, chúng lùa từng nhóm lên xe motova, chở các tù cải tại đến các trại tù khác nhau được chúng thành lập trên khắp nước.

Tôi cùng một số giáo chức biệt phái, quân Y, Dươc, Nha và một vài sĩ quan quân binh chủng khác vào đêm khuya cuối tháng 8, bị chừng 10 tên Việt cộng với súng AK cầm trên tay như lúc nào cũng sẵn sáng nhã đạn,…lùa lên xe. Chuyến di chuyển đêm khuya lần này ít căng thẳng hơn lần đầu từ trung tâm tập trung tại Trường Trung Học Petrus Ký Sài Gòn lên Trảng Lớn trong đêm 29 tháng 6 năm 1975 ). Có thể vì đã quen cái không khí dọa nạt, hung hăng của các tên lính VC theo canh giữ, và cũng có thể vì không còn gì phải tin tưởng vào những lời húa hẹn ‘’ 10 ngày ‘’ nữa. Cái thời ngồi, nằm chờ đếm từng ngày ở trại tù Trảng Lớn đã qua và qua khá lâu rồi. Trên gương mặt của mỗi tù cài tạo không còn cái nét hy vọng đợi từng ngày, ngay trong bữa ăn không đầy một chén cơm mùn ra như bột vì gạo đã để trong kho lâu ngày, sâu bọ đục khoét; Nỗi thất vọng đó cũng đeo đuổi từng đêm ngủ trên nền đất vôi, chật hẹp, nằm theo hình con bài tây, không có một khoảng trống để nghiêng người trở giấc……Hết rồi. Ở mãi không về,…đó là những tiếng than thở khi các người tù gặp nhau.

Suốt đêm chẳng ai biết mình sẽ đi về đâu. Mãi đến mờ sáng, đám tù trong các chiếc molotov mới nhìn loáng thoáng ra trên ngoài. Đã thấy nhà cửa hai bên đường. Thỉnh thoảng có bóng người qua lại. Đám tù đoán chừng đã vào một thành phố, hay quân lỵ nào đó.

Đoàn xe Molotov dừng lại. Tiếng thồi còi, la hét bắt đầu nổi lên.

– Xuống xe! Nhanh lên! Nhanh lên!

Tiếng xì xầm của đám tù có vẻ thoải mái hơn.

– Nhảy xuống đi anh em.

Không mấy phút sau, các đơn vị đã được phân chia từ lúc vào nhập trại lần đầu ở trung tâm trường Trung Học Petrus Ký rồi lần tái phân phối trước khi chuyển trai hồi chiều hôm qua,…đã lần lượt nghiêm chỉnh và êm lặng vào hàng.

Từng A, từng B và từng C hay K ( Khối ).….theo thứ tự rất là….lính. …

………………………………………………………………………….

Tôi được phân chia vào A 1, B4 và K 3.

Anh Nguyễn văn Toàn, làm A trưởng; Anh Vũ Đình Sơn làm B trưởng. Và trưởng khối 3 là ông Trung Úy già người gốc Miên tên Cần. Chúng tôi, lớp tù cải tạo lúc đó tương đối trẻ ( 22-27 tuổi ) nên thường gọi ông là ông già Cần .

Anh Toàn cũng như một số đồng nghiệp khác trong B4 , như Thảo, Di, Lê Minh Đức,…là giáo viên của trường tiểu học quận Sáu, nơi Vũ Đình Sơn là Hiệu Trưởng. Trong B4 có rất nhiều giáo viên của trường anh Sơn. Ngoài ra còn có một số giáo sư của các trường Trung Học gần Sài Gòn. Như Nghiêm Dũng, ban Việt Hán – trường Trung Học Cần Giờ, người đã đoạt giải văn chương của TT Nguyễn Văn Thiệu năm 1974. Cùng trường với Nghiêm Dũng, có chàng giáo sư toán rất trẻ Phạm văn Liêm, vừa tốt nghiệp lớp đào tạo cấp tốc và Võ Thanh Vân giáo sư Lý Hóa….Thêm vào đó Huỳnh Công Ân, giáo sư toán, Nha sĩ Trung úy Nguyễn Ngọc Tường người gốc Ban Mê Thuột, Y sĩ Đại úy Nguyễn Vũ Phấn, Y sĩ Trung Úy Nguyễn Văn khôi,….

Ngoài các sĩ quan biệt phái ra, B4 còn có nhận thêm một sĩ quan Biệt Động Quân. Đó là Trung Úy Vũ Đắc Trung, được biết là tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt khóa 23, tùng sự tại quân Khu II.

Vũ Đắc Trung là một trường hợp ngoại lệ, được phân chia vào trong khối 3, B4 của phần đông là dân biệt phái. Anh có dáng người nhỏ con nhưng có cơ thể chắc nịch. Anh được phân vào A 4, Anh cho biết vì anh trình diện trễ, các nơi khác chật kín, nên họ đẩy anh qua phía bên này, chung với anh em biệt phái ngành nghề chuyên môn.

Nơi chúng tôi vừa được chuyển đến là căn cứ cũ của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh. Theo chỉ thị của ban cai quản tù , Khối 3 của chúng tôi được chỉ định lấy một khu gia binh làm nơi cư ngụ tạm thời, để chờ ngày ” học tập ”.

Ngay sau ngày miền Nam do Bắc cộng chiếm đóng, chẳng có nơi còn nguyên vẹn. Những chiến cụ nào, những vật dụng nào còn dùng được, chúng tịch thu, chuyển về Bắc. Phần còn lại, chúng đặt chất nổ phá hủy. Sau đó, dân chúng tìm đến tìm kiếm một ít vật dụng nào còn có thể dùng được để tạm sống qua ngày…Căn cứ của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh ở Long Khanh cũng chịu chung số phận này.

Dãy nhà khu gia binh của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, nơi chúng tôi đến để tạm trú, chỉ còn mấy cái xương như thân của một con thú chết mà thịt thì đã bị các con thú khác rút tỉa từ lâu. Đúng vậy. Nền nhà xi măng thì loang lỗ…vách tường thì nơi mất cánh cửa sổ, chỗ khác bị khoét trống trơn,,,Trên mái, còn trơ trơ một vài miếng tole lũng lỗ, cong queo, cong quẹo…

Đó đây quanh căn cứ, còn rãi rác các thùng conect ngã nghiêng…các vòng kẽm gai giăng mác khắp nơi….cả một khu vực hỗn loạn. Công việc đầu tiên mà toán tù cải tạo mới đến là lo dọn dẹp…suốt cả tuần. Mỗi A phải dọn dẹp khu được chỉ định để trú ngụ. Mỗi toán tự đi tìm các vật liệu để dựng lại cái chòi, che nắng che mưa. Các miếng tole cũ sét, méo mó,…đều được các toán tù đem về gò sửa lại ngay ngắn. Những ngày đầu còn nằm ngủ mền trời chiếu đất. May mà mùa mưa vừa mới qua nên đêm ngày không bị thấm nước.

TRỐN TRẠI LẦN THỨ NHẤT

Vì thiếu lương thực trầm trọng, Ban Quản Giáo trại, mặc dù lo ngại tù cải tạo trốn thoát, cũng phải để cho chúng tôi tự tìm thêm đất để trồng trọt. A1 của chúng tôi tìm được một khu đất cách căn chòi vừa mới xây chừng hơn 200 thước. Khu này nằm sát hàng rào của doanh trại cũ. Doanh trại của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh được bảo vệ một một vòng đê rất cao bao quanh. Trên con đê có cả 3 lớp hàng rào dây kẽm nhằm ngăn chận Việt cộng len lõi vào đánh phá. Vì có bờ đê ngăn chận cho nên vào mùa mưa, để cho nước mưa thoát ra ngoài, xuyên qua bờ đê có một vài ống cống. Cạnh khu đất ” canh tác ” riêng của A1 cũng có một ống cống. Phía bên trong và và bên ngoài ống cống đều có lớp kẽm gai, chông nhọn ngăn ngừa Việt cộng chun vào. Khu đất nhỏ cạnh con đê là một trạm canh của Thiết Giáp, có một nền đất cao, trên đó còn một vài cái cột và thanh sắt còn sót lại. Đó là cái sườn còn sót lại của một bót canh. Chúng tôi đã cố gắng tháo gở đem về xây nhà tạm trú mà làm không được. Nó vừa sét vừa nặng mà lại không có dụng để vặn các con ốc…cho nên A1 của chúng tôi đành phải chịu thua.

Khu đất của chúng tôi nhờ ở phía dưới thấp, có nước thường xuyên nên việc canh tác cũng tương đối tốt. Nhờ lúc đi công tác dọn dẹp quanh trại, chúng tôi nhặt được một vài cộng khoai lang còn sót lại trong khu gia binh cũ, đem về trồng. Chiều nào, sau khi đi công tác về, chúng tôi cũng ra khu vườn nhỏ tưới rau, vun đất. Chẳng bao lâu, các cộng khoai lang nảy sinh lá non. Một tháng sau, bữa ăn đầu tiên được thêm mấy cộng khoai lang luộc thiệt là đã đời. Anh em trong A1 chia nhau chăm sóc. Nhờ đó mà có thêm chất xanh.

Thấy A1 chúng tôi trong bữa cơm chiều có thêm rau xanh khá ra, các A khác cũng bắt đầu đi tìm đất. Một trong những người tù tích cực nhất của A4 là trung Úy Biệt Động Quân Vũ Đắc Trung. Chiều nào, sau khi đi làm công tác về, tôi cũng thấy anh đi lục lạo ở gần khu đất của chúng tôi. Anh đi dọc theo con đê, đôi khi dừng chân trước các cống nước, ngắm nghé , rồi bỏ đi. Một hôm anh đến A chúng tôi, hỏi chúng tôi cho anh tháo mấy thanh sắt trên nền đất để anh xây lại căn chòi cho A của anh. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận. Một phần vì chúng tôi cố gắng tháo ra và kéo nó lên để cho có thêm đất trống trồng trọt mà làm không được. Nay có người làm giúp thì vui biết mấy. Hơn thế nữa, lúc này anh cũng cần có cột trụ để dựng lều để chống mưa chống nắng thì lại càng nên giúp anh ấy.

Thế là, cứ chiều về, anh Vũ Đắc Trung trèo lên mái xiêu vẹo của cái đồn canh cũ, cố gắng tháo gỡ thanh sắt. Chiều cao của cột sắt ló lên cao hơn bờ đê cả thước. Đó cũng là lý do, trước kia, lính gác có thể quan sát sinh hoạt ở bên ngoài trại.

Đã hơn 3 , 4 chiều qua rồi mà anh Trung vẫn chưa tháo ra được. Hỏi anh, anh chỉ cười và nói, khó qúa, nhưng sẽ cố gắng. Cuối cùng anh thú thật, bó tay. Anh không còn trèo lên đỉnh cao của mấy cây cột sắt nữa.

Sinh hoạt trong Khối, ngoài việc phân chia công tác tạp dịch, lao động hằng ngày, chưa có chương trình học tập gì như Việt cộng nói. Ban đêm, chúng lôi chúng tôi ra ngồi ở ngoài trời nghe chúng đọc báo rồi chia nhau ra bình luận. Chúng làm cho người tù mệt mõi, không còn thì giờ , không còn sức để tu tập chống phá lại chúng. Chúng ra lịnh đánh thức tù cải tạo thật sớm dưới hình thức tập thể dục. Vì còn trẻ, anh em chọn tôi làm huấn luyện viên thể dục buổi sáng cho B4.

Mỗi sáng, trước khi đi làm tạp dịch, tôi thức dậy sớm, đi qua các lều của các A, đánh thức anh em ra tập thể dục. Phần lớn thức dậy đúng giờ. Chỉ trừ một vài anh em yếu sức hay khai bịnh, đến trễ. Trong số này có anh Vũ Đắc Trung thuộc A4.

Khi điểm danh thiếu anh, anh A trưởng của A 4 lại phải chạy trở vào trại đánh thức anh. Cứ như vậy nhiều lần xảy ra, ai nấy đều quen,…cái tật ” hay vắng mặt ” của anh.

Vào một sáng cuối tháng 11 năm 1975, tức là khoảng 3 tháng sau đám tù từ Trảng Lớn được chuyển về Long Khánh, như thường lệ, sáng nay anh Vũ Đắc Trung cũng không ra tập hợp đúng giờ. Lần này anh A trưởng của A 4 cho biết, chiều hôm qua, anh Trung khai bịnh, nên cho anh nghỉ tập thể dục. Một anh lính Việt cộng quản giáo nghe vậy, mới lên tiếng, là cứ vào gọi anh ấy ra đây. Không óm không đau gì hết. Ra đây. Anh A trưởng chạy vào và thấy ” anh Trung ” đắp chăn, nên không nỡ đánh thức. Anh trở ra và nói với anh lính quản Giáo, rằng anh Trung đang nằm vì bịnh. Mời anh vào đó xem. Có lẽ tin theo lời anh A trưởng báo cáo, nên tên lính VC bỏ qua.

Sau khi làm 15 động tác thể dục thường ngày, mọi người giải tán về khu của mình để chuẩn bị đi lao động.

Nhưng chưa kịp đi công tác lao động, cả trại nghe tiếng còi báo động khắp nơi. Mấy tên linh VC trong ban quản giáo , phụ trách từng Khối, cầm súng chạy hối hã đến từng căn lều, hô hào, tập hợp, tập hợp.

Tất cả tù cải tạo hấp tấp chạy ra sân, A nào theo A nấy. Lệnh kiểm soát, điểm danh từng người được thi hành khẩn cấp. A 1, báo cáo đủ; A 2 báo cáo đủ; A 3 báo cáo đủ; A 4,….thưa thiếu một người. Ai? Thưa, Vũ Đắc Trung.!

Vào trong lều kiểm soát lại! khi lật tấm đấp ra,…không thấy Trung mà chỉ thấy một khúc gỗ!!!dài gần như thân hình của Trung.

Tá hỏa tam tinh. Giờ này thì bắt đầu có tiếng thì thầm. Trốn trại. Ai nấy vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục.

Tiếng còi, tiếng thét, tiếng lên đạn trong lòng súng của toán lính Việt cộng trong ban quản giáo nghe kinh hải. Chúng quát tháo, đe dọa tù cải tạo.

Tất cả tù cải tạo phải tập trung và ngồi xuống đất. Mấy tên Việt cộng cầm AK đi bao quanh. Không phải chỉ có khối tù chúng tôi bị bao quanh thôi, mà từ xa, các khối khác cũng bị như vậy.

Mãi đến khi mặt trời mọc lên cao, chúng mới trả chúng tôi về trại, sau khi chúng cho biết, tối hôm qua, có ”4 thằng phản động ” trốn trại. Một ” thằng phản động ” chúng tôi biết rõ vì ở trong B của chúng tôi. Còn ” 3 thằng phản động kia ”, lúc đó, không ai trong B 4 biết, hay cũng có thể có người biết mà chưa nói ra. Về sau mới biết là trong đó có 2 sĩ quan Hải quân và một sĩ quan Sư Đoàn 5 ở các khối khác Một vài ngày sau, câu chuyện trốn trại được đám tù phân tích và truyền miệng nhau, rõ ràng hơn. ( xem sơ đồ trại tù, đính kèm dưới đây )

Được biết, sau khi phát hiện có người trốn trại, Việt cộng tung người đi tìm. Chúng chạy dọc theo con đê để coi nơi nào có thể là nơi 4 người tù vượt trại. Chúng đến góc bờ đê ở phía Nam khu đất của tôi. Tại góc bờ đê, chúng thấy có một thanh sắt, một miếng gỗ đặt chéo lên 3 lớp kẽm gai trên bờ đê. Cũng tại đó chúng thấy dấu chân người và một cái áo lính cũ bỏ lại. Chúng hoàn toàn tin, rằng chính nơi này, hướng này, 4 người tù trốn thoát. Từ góc bờ đê đó chúng cho toán lính tréo qua đê, ra ngoài tìm lục 4 tù cải tạo vừa trồn trại. Nhưng suốt ngày hôm đó, chúng tìm không ra.

Buổi chiều, chúng tôi ra vườn tưới giồng khoai lang. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi ngạc nhiên thấy cái nắp kẽm gai chặn ống cống dẹp qua một bên. Nhìn sâu vào đó, có dấu vết của người vừa mới bò qua. Vừa kinh ngạc vừa lo sợ, chúng tôi vội vã đậy cái nắp kẽm gai lại và cố gắng làm như không có chuyện gì xảy ra.

Thì ra, 4 anh tù cải tạo rất khôn ngoan, đã đánh lừa Việt cộng. Dương Đông, kích Tây. Chúng tôi nghĩ, đây là kế hoạch của anh chàng Võ Bị khóa 23 Vũ Đắc Trung. Dùng thanh sắt, thanh gỗ đặt lên hàng rao kẽm gai, rồi để lại dấu chân, bỏ lại cái áo lính cũ,…để gây ấn tượng là 4 người tù theo con đường này thoát thân. Trong khi đó, 4 người âm thầm chun qua cái cống nước, đi qua hướng khác, nơi mà anh Trung đã nhiều lần đến đó điều nghiên. Hơn thế nữa, anh còn cẩn thận quan sát bên ngoài con đê nơi mà anh dự tính chun qua ông cống bằng cách đã hơn 3, 4 buổi chiều liên tục, anh trèo lên trụ sắt cao của cái chòi canh cũ để có thể nhìn ra ngoài quan sát; trong khi dó chúng tôi cứ tưởng là anh thiệt sự muốn tháo gỡ mấy thanh sắt.

Không những thế, anh còn khôn ngoan đánh lừa mọi người bằng cách mỗi sáng anh dậy trễ, khai bịnh khi tập thể dục. Anh cố tạo cho mọi người cái thói quen là anh dậy trễ. Cho nên khi anh vắng mặt, chẳng ai để ý, vì coi như đó là cái tật của anh… Còn độc đáo hơn, anh dùng khúc gỗ, rồi đắp tấm đấp lại, cứ tưởng như có người đang ngủ….

Tuyệt vời, anh Vũ Đắc Trung ơi!

Giờ này anh ở đâu? Nếu anh còn sống và nếu anh có dịp đọc bài này, mong anh lên tiếng, kể lại cho bà con nghe.

Độ chừng 2 tuần lễ sau, có tin 2 trong 4 anh trốn trại bị bắt trở. Tôi không thấy, nhưng nghe anh em trong tù truyền miệng, rằng không nghe nói đến anh Trung. Hai người bị bắt trở lại là hai sĩ quan Hải Quân. Và số phận ra sao, mọi người trong trại đều biết. Sau khi bị hành hạ, tra tấn, nốt trong conect, bỏ nhịn đó, và bắt tù nhân mỗi khi đi lao động về, cầm một thanh sắt gõ mạnh vào conect liên tục 2 tuần lễ. Vì không khai báo…hai chiến sĩ sau đó bị đem hành quyết…

Sau vụ trốn trại đầu tiên, Việt cộng kiểm soát gắt gao hơn. Chúng cấm tù cải tạo gần cả tháng không được đi xa qua khỏi cái lều quá 50 thước. Không được qua lại với các khối khác. Mỗi tối , mỗi sáng điểm danh từng người. Đồng thời cứ mỗi cuối tuần, chúng ra lệnh tất cả phải đem tất cả đồ đạc riêng tư ra sân phơi bày cho chúng kiểm soát. Mục đích là chúng chận đứng tù cải tạo để dành thức ăn, thuốc men, dụng cụ…cần thiết cho các cuộc trốn trại..

( Trích trong hồi ký, Trên Đường Vựơt Biên )

Katumtran.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân