THANH BINH
Ngày tham gia: 26 Jun 2008 Số bài: 166
|
Gửi: Thu Sep 21, 2023 10:01 pm Tiêu đề: Vài tiếng lóng thú vị |
|
|
Vài tiếng lóng thú vị
Trang Nguyên
Nếu phương ngữ là từ ngữ chỉ có địa phương nào đó sử dụng từ đời này qua đời nọ mà không mất đi thì tiếng lóng là những từ ngữ có khi rất phổ thông nhưng dễ bị đào thải theo thời gian, không gian. Tiếng lóng hình thành để diễn tả sự việc nào đó nhưng không tuân theo bất cứ quy ước văn phạm nào cả và có khi vô nghĩa, nghe quen mới hiểu.
Trong vài trăm bài viết về Sài Gòn ngày trước, có khi tôi đệm vào một vài tiếng lóng để tăng thêm tính đời thường trong câu chuyện. Chẳng hạn như: ăn cứt gà, cơm lâm vố, thanh minh thanh nga hay mút mùa lệ thủy, mút chỉ cà tha, trả thù dân tộc, sức mấy... Ðó là những tiếng lóng thông dụng gần như ai cũng hiểu và ai cũng dùng.
Có những tiếng lóng đường phố chỉ có giới trẻ thời thập niên 60, 70 hay dùng, nay đã chết hẳn như: khứa lão, khứa mẫu, lương xôi, cổ xôi, cổ ngò, bề hội đồng, mậu lúi, cổ tại...
Tuy nhiên, có những từ ngữ tôi không biết nó xuất hiện vào thời gian nào. Nhưng điều thú vị nhất là tôi lọc ra được vài ba tiếng lóng có thể xác định được thời gian nó xuất hiện trong đời sống, đem ra lạm bàn một chút cho vui.
Ðầu tiên là “cơm lâm vố”. Theo tự điển Lê Văn Ðức diễn giải có nghĩa là cơm và thức ăn thừa của các tiệm, mua đem ngồi các lề đường vắng bán từng tô cho người nghèo ăn, giá rẻ. Còn theo Ðại Tự điển Tiếng Việt giải thích: Cơm và thức ăn thừa ở các cửa hàng bán lại cho người nghèo với giá rẻ. Tự điển Larousse định nghĩa lâm vố là cách đọc trại của từ rabiot trong tiếng Pháp, nghĩa là đồ ăn phân phát còn thừa. Có thể sự giải thích của Tự điển Larousse chính xác hơn. Thừa ở đây, là phần dư lại sau khi phân phát khẩu phần cho lính trong quân đội hay các nhà hàng tiệm ăn dư lại một số đồ ăn sau khi quán xá hết giờ bán. Chứ không phải thừa do thực khách ăn không hết bỏ lại.
Hai chữ lâm vố xuất hiện khi nào? Trong cuốn “Người Sài Gòn”, ông Sơn Nam viết: “Cơm bình dân, thời trước 1945 mãi ghi dấu ấn trong lứa già 70 tuổi, còn gọi cơm ‘thất nghiệp’ hoặc cơm lâm vố (rabiot) tiếng lóng của nhà binh Pháp, chỉ phần ăn bổ sung nếu người lính ăn hết phần tiêu chuẩn mà chưa no. Cũng có nghĩa ‘cơm thừa cá cặn’ do giới đấu thầu mua lại pha chế, thêm gia vị, nấu sôi để sát trùng, rồi bán, phẩm chất còn khá cao. Cơm ‘lâm vố’ bày bán bên đường, ngang hông Ðông Dương ngân hàng, người thất nghiệp thường hài hước: ‘Dạo này tôi ăn cơm lâm vố, làm việc Băng Anh-đô-sin”.
Ngược dòng thời gian trở về năm 1934, trên báo Tân Văn số 12 ra ngày 20 tháng 10, ký giả Tử Thành có viết một bài phóng sự điều tra về cơm lâm vố. Theo tác giả, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 1929 ảnh hưởng đến Ðông Dương đang dần lui để lại những hậu quả. Suốt mấy năm từ 1929 đến 1934, các nông gia, điền chủ phải chịu điêu đứng, tán gia bại sản. Người giàu khổ theo giàu, kẻ nghèo khổ theo nghèo. Ngay như ở Sài Gòn, từ lâu có tiếng là nơi ăn chơi xa xỉ, đời sống sinh hoạt rất dễ dàng cho dân thầy dân thợ cho đến hạng lao động. Vậy mà, năm nay bị ngọn sóng kinh tế khủng hoảng lôi cuốn, ai nấy đều bị ảnh hưởng nặng, nảy sinh ra nạn thất nghiệp và bao nhiêu cảnh đói rách. Cơm “lâm vố” xuất hiện trong hoàn cảnh ấy.
Theo tác giả, đó là những món ăn “xà bần” là đồ ăn Annam, đồ ăn Tây hay là đồ ăn Quảng Ðông trong các tiệm cơm người Hoa ở Chợ Cũ mà những người “phổ ky” trong các tiệm để dành cho các phụ nữ Hoa gọi là “Á xẩm” quen biết của họ đem ra góc đường Chaineau (nay là Tôn Thất Ðạm) và đại lộ De la Somme (nay là Hàm Nghi, trước mặt ga xe điện Chợ Cũ nay không còn) bán cho những người nghèo không có đủ tiền ăn cơm tiệm. Nhờ đó, dân phu phen bị thất nghiệp lâu ngày chầy tháng kiếm không ra việc làm, chỉ cần mỗi buổi trong túi có chừng hai ba xu cũng có được một bữa ăn. Ăn qua ngày để chờ lúc nào đó may mắn kéo đến. Cứ lối 12 giờ thì chỗ trại Thủy Binh có xe “lâm vố” đưa ra. Trước đó, đã thấy có những người quần áo lang thang đang ngồi tụm năm tụm ba ở lối đó mà chờ xe “lâm vố” trong thành Marine ra mà mua ăn. Hầu hết họ là những người thất nghiệp. Cho đến 12 giờ, chuông nhà thờ Ðức Bà và phía nhà thờ bên kia Thủ Thiêm gõ vang rân. Lúc đó, con đường từ thành Thủy Binh dọc vô sở Ba Son vắng người qua lại, chỉ có những người nghèo nhìn lom lom, ngó về hướng trại Thủy Binh mà đợi chờ.
Rồi một tiếng còi thổi trong trại. Xe “lâm vố” ở trong từ từ đẩy ra. Tới trước cửa Depot de Vivres (kho chứa lương thực) xe ngừng. Hơn 20 người đứng vây xung quanh cái xe để mua đồ ăn. Vì đói, thế nào cũng có chen lấn. Trong một cái xe hai bánh nhỏ, thứ xe của người ta dùng để chở than, có khoảng 4, 5 cái thùng thiếc, cái thì đựng bánh mì, cái thì đựng đồ ăn trong đó khoai tây nghiền, khoai chiên, đậu trộn dầu giấm, thịt beefsteak, cải xà lách cùng các món ăn Việt như đậu đũa xào, thịt kho...
Bài phóng sự khá dài, tôi trích một vài đoạn đầu để xác định là cơm lâm vố xuất phát từ đâu. Ðồ ăn khá tươm tất, không phải cơm thừa cá cặn, đồ xà bần bỏ đi cho heo ăn, dọn lại bán cho người nghèo.
Còn cơm lâm vố ven đường ở khu Chợ Cũ như thế nào, đồ ăn từ đâu mà ra, tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, anh bạn tôi kể, cha anh trước kia làm công nhân ở Sở Hỏa xa, thỉnh thoảng cùng anh em thợ thuyền từng ăn cơm lâm vố ở Chợ Cũ cho rằng, đồ ăn sạch sẽ, ngon lành, món nào ra món đó chứ không phải món hổ lốn như nhiều người tưởng tượng.
Nghệ sĩ Thanh Nga nhận giải Thanh Tâm vào năm 1958 và cùng năm đó, gánh hát Thanh Minh đổi tên thành thanh minh thanh nga và cũng từ đây xuất hiện phương ngữ “thanh minh thanh nga” trong đời sống dân Sài Gòn
Kế đến là, nhóm từ ngữ “thanh minh thanh nga”. “Chuyện rõ mười mươi mà còn thanh minh thanh nga gì nữa?”. thanh minh thanh nga có lẽ ai cũng biết là tên đoàn cải lương nổi đình nổi đám vào cuối thập niên 1950 do bà bầu Thơ làm chủ. Sau khi thầy Năm Nghĩa gá duyên cùng bà góa Nguyễn Thị Thơ (đã có 4 mặt con), sinh ra Bảo Quốc tại Tây Ninh vào năm 1949 và rồi cả gia đình dắt díu nhau lên Sài Gòn lập gánh hát. Và do dự tính suất diễn đầu tiên vào tiết thanh minh nên ông Năm Nghĩa và bà bầu Thơ lấy tên Thanh Minh đặt cho đoàn hát.
Năm 1958, khi cô ba Thanh Nga được giải Thanh Tâm, bà bầu Thơ bèn đổi thành Ðoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, lúc này đã quy tụ toàn giọng ca thượng thặng trên sân khấu Việt Nam như Phùng Há, Út Trà Ôn, Thành Ðược, Việt Hùng, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền... Trừ ngày thứ Hai được nghỉ, còn thì hôm nào gánh hát cũng phải miệt mài diễn, trở thành gánh lớn cạnh tranh được với hai gánh đã có danh vọng từ lâu là Kim Chung và Dạ Lý Hương. Có thể xác định, thành ngữ thanh minh thanh nga xuất hiện vào thời gian này?
Một thành ngữ khác cũng nằm trong giới nghệ sĩ cải lương liên quan đến cô đào Lệ Thủy đó là “mút mùa lệ thủy”. Mút mùa là thành ngữ để chỉ điều gì đến cùng, kéo dài không bỏ dở. Nhưng thành ngữ ‘mút mùa lệ thủy’ xuất hiện vào lúc nào trong đời sống của người Sài Gòn?
Lệ Thủy bắt đầu theo học hát cải lương từ năm lên 10, cuộc sống khó khăn, bà vừa phải làm việc phụ giúp gia đình vừa học hát và đi hát theo giọng cải lương cả miền Nam và miền Bắc. Mới 13 tuổi, cô bé Lệ Thủy quyết định xin đi theo làm việc ở gánh Trâm Vàng (Biên Hòa, Ðồng Nai) và hát vai đào con kiếm tiền để đỡ gánh nặng cho ba má. Khi 14 tuổi, Lệ Thủy đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính. Sau những bước đi đầu tiên tạo được ấn tượng, ông bầu Trần Viết Long lập đoàn Kim Chung 3. Lệ Thủy chuyển sang đây diễn chung với nghệ sĩ Thanh Hải trong vở “Bẽ bàng duyên mới” của soạn giả Ngọc Văn. Tên tuổi của Lệ Thủy bắt đầu nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi. Năm 16 tuổi, Lệ Thủy đoạt Huy chương Vàng triển vọng giải Thanh Tâm (1964) cùng đợt với nghệ sĩ Thanh Sang, một giải thưởng danh giá bậc nhất của sân khấu cải lương thời bấy giờ.
Ðó là nhờ giọng ca hơi dài “mút mùa” của Lệ Thủy làm say mê khán giả. Giọng ca không chỉ dài mà còn là giọng Kim (Hò) pha Thổ (Xê) theo ngũ cung của cải lương Hò Xang Xự Xê Cống. Giọng ca này làm khó cho nhạc công phải chỉnh dây đàn theo giọng. Có người gọi đùa là chỉnh dây đàn Lệ Thủy. Ðiều này giống như bên tân nhạc, có những hợp âm đôi vừa giảm vừa tăng pha trộn tạo thành âm thanh mang màu sắc rất lạ mà hay.
|
|
|