TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thành ngữ, Điển tích
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thành ngữ, Điển tích

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 158

Bài gửiGửi: Sat Nov 12, 2022 11:57 am    Tiêu đề: Thành ngữ “Gót chân Achilles”

Thành ngữ “Gót chân Achilles”
Phượng Nghi



Nhiều thành ngữ xuất xứ từ các truyện cổ, thần thoại... đã trở thành thông dụng trên các phương tiện truyền thông, như “con ngựa thành Troie”, “gót chân Achilles”, “cái hộp Pandora”, “công trình Hercules”, “thanh kiếm Damoclès”...

Theo thần thoại Hy Lạp, Achilles là con trai của Peleus (vua Hy Lạp, một chiến binh hùng mạnh người trần thế) với Thetis (nữ thần biển cả).



Khi mới sinh Achilles, nữ thần Thetis nhận được một lời tiên tri nói con trai bà sẽ chết trong một trận chiến, nên bà đã cầm gót chân nhúng thân thể Achilles vào nước Styx – con sông thiêng phân chia ranh giới âm phủ và trần gian. Vua Peleus nhìn thấy vậy, đã tưởng lầm là vợ có ý hại con, nên tức giận tuốt kiếm xông ra. Nữ thần Thetis cũng không ở lại giải thích cho chồng mình hiểu lý do mà bỏ ngay về thủy cung trong khi chưa kịp nhúng hai gót chân của con xuống nước.

Kể từ đó, Achilles vừa có sức mạnh thần thánh bất khả chiến bại, vừa có thân thể mình đồng da sắt mọi đao kiếm trên đời đều không thể hại được – ngoại trừ một điểm yếu duy nhất là gót chân, chỗ không được nhúng vào nước thiêng và vẫn còn là da thịt phàm nhân.



"Achilles dragging the body of Hector around the walls of Troy", Gavin Hamilton

Ngoài sức mạnh phi thường của dòng máu có một nửa là Thần linh, Achilles còn rành về các kỹ xảo ở đấu trường. Chàng được thay ống xương chân bằng xương của người khổng lồ để thành người chạy nhanh nhất; được thay gan sư tử và tim của gấu để trở thành người quả cảm, không biết sợ trời sợ đất. Khi tấn công thành Troie (hay Troy), Achilles đã đánh bại hoàng tử Hector, giết chết 7 người con của vua Priam và hạ gục nữ hoàng Amazon...



Nhưng chính khả năng phi phàm và sự kiêu ngạo của Achilles đã khiến cho thần linh nổi giận và kết quả là bị Thần mặt trời Apollo mách điểm yếu chết người của chàng cho hoàng tử Paris (con của vua Priam thành Troie) dùng cung tên bắn vào gót chân giết chết.

Từ đây, “Gót chân Achilles” đã trở thành thành ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu chí tử của mỗi con người, dù tài giỏi hay hùng mạnh tới đâu.



gân Achilles

Trong y học, gân của bắp thịt bám vào gót chân được gọi là “gân Achilles” vì khi bị đứt gân này người ta không thể đi lại được. Ngày xưa khi bắt được kẻ trộm, người ta trừng phạt bằng cách cắt đứt “gân Achilles” của chúng để không thể đi ăn trộm được nữa dù còn nhiều thủ đoạn và sức lực.


Về Đầu Trang
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 158

Bài gửiGửi: Tue Nov 29, 2022 6:38 am    Tiêu đề: Thành ngữ: “Con ngựa thành Troie”

Thành ngữ: “Con ngựa thành Troie”
Phượng Nghi



Theo truyền thuyết, hoàng tử thành Troie (Troy/Trojan) là Paris tới viếng thành Sparta, đã gặp Helen, một phụ nữ có sắc đẹp tuyệt trần, và đã chiếm được trái tim của nàng. Helen bỏ chồng là vua Menelaus trốn theo Paris. Tức giận, Menelaus tới cầu cứu anh là Agamemnon, vua xứ Mycenae, nhờ anh giúp đoạt lại vợ.



Paris kidnaps Helene Chromo German advertising Liebig of 1893 Credit Collection Kharbine Tapabor

Nhưng đánh chiếm thành Troie không dễ, vì phải chuyển quân qua biển, và thành nổi tiếng kiên cố với một đoàn quân thiện chiến do dũng tướng Hector chỉ huy.

Trận chiến kéo dài mười năm bất phân thắng bại, dù được Odysseus và Achilles mình đồng da sắt giúp đỡ. Achilles đã giết được Hector nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao vào được thành.



Một ngày kia Odysseus ra lệnh phá thuyền làm một con ngựa khổng lồ bằng gỗ, bên trong rỗng, cho quân núp vào trong đó. Đoàn quân bên ngoài vờ nhổ trại, lên tàu rút lui ra khơi. Người dân Troie thấy con ngựa khổng lồ thì lôi vào thành ăn mừng chiến thắng. Tối đó khi mọi người đã say ngủ vì uống rượu và nhảy nhót thì các binh lính của Hy Lạp đã phá ngựa, chui ra mở cửa thành cho quân xông vào đánh, thành Troie thất thủ. Trong trận chiến, Achilles bị Paris bắn trúng vào gân gót chân, tử trận. Đó là cội nguồn của thành ngữ gót chân Achilles.



Chuyện con ngựa gỗ không chắc có thật hay không, nhưng ngày nay, từ ngữ “Con ngựa thành Troie” vẫn được sử dụng để ám chỉ đến sự việc để gián điệp lọt vào và lật đổ từ bên trong.



Nếu bạn sử dụng máy tính, chắc cũng biết về virus Trojan Horse (tiếng Anh của “Ngựa Troie”). Đó là một loại virus máy tính chứa các phần mềm gián điệp nhằm cho phép máy tính bị điều khiển từ xa qua hệ thống mạng.


Về Đầu Trang
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 158

Bài gửiGửi: Wed Dec 21, 2022 10:17 am    Tiêu đề: Cái hộp Pandora

Cái hộp Pandora
Phượng Nghi



Theo thần thoại Hy Lạp, Pandora là người phụ nữ đầu tiên được thần Jupiter/Zeus tạo ra trên thiên đường cùng sự góp sức của tất cả các thần thánh nhằm giúp nàng trở nên hoàn hảo. Nữ thần Venus cho sắc đẹp, thần Mercury cho khả năng thuyết phục, thần Apollo cho âm nhạc... Sau đó, Pandora được gửi xuống Trái đất và ra mắt Epimetheus để trở thành vợ của ông này.



Khi đưa nàng xuống trần, thần Jupiter đã cho Pandora một cái hộp và dặn nàng đừng bao giờ mở ra. Một ngày nọ, do không kìm hãm được tính tò mò nên Pandora đã mở hộp. Và từ trong hộp, chết chóc, dịch bệnh, đói kém... và hàng loạt đủ thứ xấu xa khác thoát ra tàn phá loài người. Pandora quá sợ hãi nên đã vội đóng hộp, nhưng không còn kịp nữa, mọi tai ương đã được phóng thích không gì có thể kìm hãm chúng lại; chỉ còn một thứ dưới đáy hộp không kịp thoát ra, đó là hy vọng.



Từ đó, con người mới có những tính xấu như kiêu ngạo, tham lam, lười biếng, đố kỵ, giả dối, phản bội... dẫn tới hận thù, tranh giành và chém giết nhau; tuy nhiên, vẫn còn niềm hy vọng để nâng đỡ những người đau khổ và hứa hẹn cho họ một tương lai hạnh phúc.



Vào thế kỷ 16, học giả Erasmus khi dịch sự tích này sang tiếng Latinh đã dịch sai chữ chiếc bình (tiếng Hy Lạp: pithos) thành pyxis (cái hộp), dẫn đến cách nói “Cái hộp Pandora” như bây giờ.

Ngày nay, ý nghĩa của câu “mở hộp Pandora” là thực hiện một hành động sẽ dẫn đến hậu quả tai hại không không lường trước được. Chẳng hạn, một tờ báo đã giật tít: “Cái hộp Pandora đã mở ra khi Nga tấn công Unkraine”.



Nếu theo dõi văn học thế giới, có lẽ bạn biết tác phẩm “Chiếc hộp Pandora” của nhà văn Nhật Bản Dazai Osamu. Nước Nhật sau Đệ nhị Thế chiến lâm vào đại họa không khác cảnh tượng khi cái hộp Pandora vừa được mở ra. Tác phẩm của ông không bàn về thứ ẩn chứa bên trong hộp, mà luận về bên ngoài – tức là tâm tư của người mở hộp. Trong bầu không khí điêu tàn lúc đó, những con thuyền kiêu hãnh lướt trên “đạo lộ” thủy triều chính là những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết cho cuộc tái thiết một nước Nhật Bản mới.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân