TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 11/04/2022
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 11/04/2022

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9646

Bài gửiGửi: Tue Apr 12, 2022 11:53 am    Tiêu đề: Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 11/04/2022

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 11/04/2022


Dưới đây là bản tin cập nhật diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày 11/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.



Biden kêu gọi Thủ tướng Modi không đẩy nhanh việc mua dầu từ Nga

Hôm thứ Hai (11/04), Joe Biden đã yêu cầu Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ không đẩy nhanh việc mua dầu của Nga khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác cố gắng cắt giảm lợi tức năng lượng của Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine. Thủ tướng Ấn Độ không đưa ra cam kết công khai nào về việc kiềm chế mua dầu của Nga, một nguyên nhân gây căng thẳng với Hoa Kỳ.

Gặp gỡ qua cuộc gọi video, ông Biden nói với ông Modi rằng Hoa Kỳ có thể giúp Ấn Độ đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình, theo Tham vụ Báo chí Jen Psaki. Mặc dù Ấn Độ nhận được rất ít dầu từ Nga, nhưng gần đây nước này đã tăng cường mua một lượng lớn dầu khi các nền dân chủ khác đang cố gắng cô lập Vladimir Putin.

“Tổng thống cũng nói rõ rằng ông ấy không tin là việc đẩy nhanh hoặc tăng nhập cảng năng lượng của Nga hoặc các mặt hàng khác của Nga sẽ mang lại ích lợi cho Ấn Độ,” bà Psaki nói.

Khi hai quốc gia kết thúc cuộc họp bàn, ông Biden nói rằng họ cam kết tăng cường mối quan hệ của mình. Các viên chức Tòa Bạch Ốc không thể nói liệu Ấn Độ có đứng về phía họ trong việc hoàn toàn lên án ông Putin hay không, nói rằng sự lựa chọn cuối cùng thuộc về chính phủ của ông Modi. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trực tiếp vào ngày 24/05 tại Tokyo cho một hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ, một liên minh có cả Úc và Nhật Bản.


Mộ của các thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến Ukraine-Nga được nhìn thấy gần các tòa nhà chung cư ở Mariupol vào Chủ nhật 10/03/22


Thị trưởng Mariupol cho biết cuộc vây hãm đã khiến hơn 10,000 thường dân thiệt mạng

Thị trưởng thành phố hải cảng Mariupol của Ukraine cho biết hôm thứ Hai (11/04) rằng hơn 10,000 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc bao vây đối với thành phố của ông và con số thiệt mạng có thể vượt qua 20,000 người, với những thi thể “rải thảm trên các đường phố.”

Trình bày qua điện thoại hôm thứ Hai với hãng thông tấn AP, Thị trưởng Vadym Boychenko cũng cho biết quân đội Nga đã mang dụng cụ hỏa táng di động đến Mariupol để hỏa thiêu các thi thể và ông tố cáo lực lượng Nga từ chối cho phép các đoàn xe nhân đạo vào thành phố nhằm che giấu cuộc tàn sát này.

Quân đội Nga đã đưa nhiều thi thể đến một trung tâm thương mại lớn, nơi có các kho chứa và tủ lạnh, ông Boychenko nói.

Ông nói: “Các lò hỏa táng di động đã xuất hiện dưới dạng xe tải: Quý vị mở nó ra, và có một đường ống bên trong và những thi thể này được hỏa táng.”

Các bình luận của thị trưởng xuất hiện khi Nga tuyên bố rằng họ đã phá hủy một số hệ thống phòng không của Ukraine trong điều dường như là một nỗ lực mới để giành ưu thế trên không và hạ gục những vũ khí mà Kyiv mô tả là rất quan trọng, trước một cuộc tấn công quy mô lớn mới dự liệu sẽ diễn ra ​​ở phía đông.


Quân ly khai thân Nga lái xe tăng trên một con đường bên ngoài thành phố hải cảng phía nam Mariupol trong bối cảnh một tòa nhà bốc cháy dữ dội


Nga sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine cho các cuộc đàm phán hòa bình

Nga sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine của mình cho các vòng đàm phán hòa bình tiếp theo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm thứ Hai (11/04).

Các viên chức Nga cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine không tiến triển nhanh chóng như họ mong muốn và đã tố cáo phương Tây đang cố gắng làm chệch hướng đàm phán bằng cách đưa ra các tố cáo tội ác chiến tranh chống lại quân đội Nga ở Ukraine, điều mà Moscow phủ nhận.

Trình bày trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông không thấy có lý do gì để không tiếp tục đàm phán với Ukraine, nhưng khẳng định Moscow sẽ không ngừng chiến dịch quân sự của mình khi các bên triệu tập trở lại.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Vladimir Putin đã ra lệnh đình chỉ hành động quân sự trong vòng đàm phán đầu tiên giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine hồi cuối tháng Hai, nhưng quan điểm của Moscow đã thay đổi kể từ đó.

Ông Lavrov nói: “Sau khi chúng tôi tin rằng người Ukraine không có kế hoạch đáp trả, chúng tôi đã quyết định rằng sẽ không tạm dừng (chiến dịch quân sự) trong các vòng đàm phán tiếp theo, chừng nào chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.”

Tuần trước (04-10/04), ông Lavrov tố cáo Kyiv đã trình bày với Moscow một bản dự thảo thỏa thuận hòa bình “không thể chấp nhận được”, đi ngược lại với các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trước đó. Tại thời điểm đó Kyiv đã bác bỏ những bình luận của Ngoại trưởng Lavrov, gọi đó là một chiến thuật nhằm làm suy yếu Ukraine hoặc chuyển hướng sự chú ý khỏi những tố cáo tội ác chiến tranh đối với quân đội Nga.


Một bức hình do Trung đoàn Azov công bố cho thấy quân đội Ukraine đang tấn công phá hủy xe tăng và thiết giáp của Nga ở Mariupol


Ukraine cho biết quân đội vẫn đang cầm cự ở thành phố Mariupol bị bao vây

Hôm thứ Hai (11/04), Ukraine cho biết các lực lượng của họ vẫn đang cầm cự ở cảng Mariupol, nơi Nga đang tiếp tục tấn công vào thành phố này.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, cho biết trên Facebook: “Liên lạc với các đơn vị của lực lượng phòng thủ anh hùng đang giữ cho thành phố được ổn định và duy trì.”

“Chúng tôi đang làm những điều có thể và không thể vì chiến thắng và bảo toàn tính mạng của nhân viên và dân thường ở mọi hướng. Hãy tin tưởng vào Lực lượng vũ trang Ukraine! ”

Trước đó, một bài đăng trên trang Facebook của một lữ đoàn thủy quân lục chiến đóng trong thành phố cho biết họ đã hết đạn dược và hiện đang đối mặt với cái chết hoặc sự giam giữ, với khả năng ngày thứ Hai sẽ là “trận chiến cuối cùng.”

Ông Petro Andryushchenko, một phụ tá của thị trưởng Mariupol, cho biết trên mạng xã hội rằng trang của những binh lính thủy quân lục chiến này đã bị tấn công và bài đăng đó là giả mạo. Reuters không thể xác minh tin tức này một cách độc lập.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Điện Kremlin sẽ không ngừng chiến dịch của mình cho bất kỳ vòng đàm phán hòa bình mới nào.

Điện Kremlin phản hồi tuyên bố về NATO của Clinton

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ bình luận của Bill Clinton về chính sách mở cửa của NATO đối với Nga. Ông cho rằng Hoa Thịnh Đốn đã khiến Moscow không thể gia nhập Liên minh.

“Tôi biết chắc rằng phía Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về việc không thể có tư cách thành viên như vậy. Trên thực tế là ngược lại, người ta nói rằng các cánh cửa đang đóng lại, bởi vì điều đó về căn bản là không thể,” ông Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (11/04).

Đầu tuần trước (04-10/04), ông Bill Clinton đã đăng một bài báo trên tờ The Atlantic khi cố gắng biện minh cho chính sách của chính phủ ông về việc mở rộng NATO.

“Chính sách của tôi là làm việc vì điều tốt nhất, đồng thời mở rộng NATO để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đúng vậy, NATO đã mở rộng bất chấp sự phản đối của Nga, nhưng việc mở rộng là về những điều vượt ra ngoài mối quan hệ của Hoa Kỳ với Nga,” cựu tổng thống giải thích. Ông nói thêm rằng, “[Hoa Kỳ] đã để ngỏ cánh cửa để cuối cùng Nga sẽ trở thành thành viên trong NATO.”


Dân chúng đi trên sân ga để lên xe lửa tại ga trung tâm Slovyansk, vùng Donbass, để di tản khỏi nơi đó vào thứ Ba 12/04/22


EU bất đồng về lệnh cấm năng lượng từ Nga

Các ngoại trưởng của Liên minh Âu Châu đã bất đồng về lệnh cấm nhập cảng dầu và hơi đốt thiên nhiên từ Nga, Trưởng Đại diện của Liên minh Âu Châu về Chính sách Ngoại giao và An ninh Josep Borrell cho biết hôm thứ Hai (11/04). Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục. Lệnh cấm năng lượng được cho là một phần trong gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Moscow.

“Trước hết, chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để bảo đảm tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành để tránh những lỗ hổng trong quá trình thi hành chúng. Nhưng chúng tôi cũng thảo luận về các bước mới mà chúng tôi có thể thực hiện, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí,” ông Borrell nói. “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt như vậy, chúng tôi đã đồng ý tiếp tục thảo luận.”

Ông Borell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước EU bớt phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cho rằng mua hơi đốt từ Moscow là “tài trợ cho chiến tranh”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng không thể cắt giảm 55% sự phụ thuộc vào hơi đốt của Nga trong một sớm một chiều khi đề cập tới tình hình của Đức, nước đã báo động về “sự sụp đổ” kinh tế của mình.

Thủ tướng Áo gặp Putin tại Moscow

Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói rằng cuộc gặp của ông với Vladimir Putin tại Moscow là “rất thẳng thắn, cởi mở và cứng rắn.”

Trong một tuyên bố do văn phòng của ông đưa ra sau cuộc họp, ông Nehammer cho biết hôm thứ Hai (11/04) rằng thông điệp chính của ông với ông Putin là “cuộc chiến này cần phải kết thúc, bởi vì trong chiến tranh, cả hai bên đều chỉ có thể thua.”

Ông Nehammer là nhà lãnh đạo Âu Châu đầu tiên gặp ông Putin tại Moscow kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Nhà lãnh đạo Áo nhấn mạnh rằng chuyến đi hôm thứ Hai “không phải là một chuyến thăm hữu nghị”, mà là “nghĩa vụ” của ông để làm hết mọi điều có thể nhằm chấm dứt bạo lực ở Ukraine.

Chuyến thăm Moscow của ông Nehammer diễn ra sau chuyến đi vào thứ Bảy tới Kyiv, nơi ông đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Áo là một thành viên của Liên minh Âu Châu và đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của khối 27 quốc gia này đối với Nga, mặc dù cho đến nay nước này vẫn phản đối việc cắt cung cấp hơi đốt của Nga. Áo trung lập về quân sự và không phải là thành viên của NATO.


Binh sĩ Ukraine đang chiến đấu trong chiến hào ở tuyến đầu với quân Nga ở vùng Lugansk hôm thứ Hai 11/04/22


Nga tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy cao cấp của phe dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Hai (11/04) rằng lính biệt kích Nga đã tiêu diệt một thành viên nổi bật của nhóm cựu hữu theo chủ nghĩa dân tộc Pravyi Sektor của Ukraine. Ông Taras Bobanich bị Moscow tố cáo đã gây ra cái chết cho hàng trăm thường dân ở miền đông Ukraine trong các cuộc tấn công năm 2014.

Một đội trinh sát của Nga đã hạ sát ông Bobanich khi ông đang tuần tra cách thành phố Izium ở vùng Kharkiv của Ukraine khoảng nửa dặm về phía nam, tuyên bố của bộ cho biết. Bộ nói rằng ông là một phó chỉ huy đặc trách về các hoạt động trừ bị của Pravyi Sektor.

Bộ không tiết lộ hoàn cảnh về cái chết của ông Bobanich. Tài khoản mạng xã hội của Pravyi Sektor đưa tin rằng ông đã thiệt mạng vào thứ Sáu (08/04) gần Izium, gọi ông là một “huyền thoại theo chủ nghĩa dân tộc.”

Người đàn ông 33 tuổi này đến từ miền tây Ukraine. Ông đã trở nên nổi tiếng toàn quốc trong các cuộc biểu tình hàng loạt và đảo chính vũ trang năm 2013–2014, trong đó những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đóng vai trò là lực lượng đấu tranh đường phố chống lại cơ quan thi hành pháp luật của Ukraine.

Nga tạm dừng bán trái phiếu do chi phí đi vay “trên trời”

Nga đang tạm dừng bất kỳ khoản vay mới nào của chính phủ do điều mà Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nói với truyền thông địa phương là sự gia tăng “trên trời” trong chi phí trả nợ sau khi phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt đối với Moscow liên quan đến chiến tranh.

Ông Siluanov nói với hãng thông tấn Izvestia trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (11/04) rằng Nga sẽ dừng tất cả các cuộc bán đấu giá trái phiếu chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.

Ông Siluanov nói với Izvestia: “Chúng tôi không có kế hoạch tiếp cận thị trường trong nước hoặc thị trường ngoại quốc trong năm nay. Điều đó không có nghĩa lý gì vì chi phí đi vay sẽ là trên trời.”

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề, ông Siluanov nói rằng những thay đổi gần đây đối với chính sách ngân sách của Nga có nghĩa là tất cả các nguồn thu, bao gồm cả doanh thu từ bán dầu và hơi đốt, có thể được sử dụng để trả nợ trong và ngoài nước và vì vậy nước này không cần đi vay tại thời điểm này.


A man walks past a storage place for burned armed vehicles and cars, on the outskirts of Kyiv, on Monday


Ngoại trưởng Lavrov: Nga tìm cách chấm dứt trật tự thế giới do Hoa Kỳ thống trị

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov giải thích rằng hành động quân sự của Nga ở Ukraine là nhằm chấm dứt trật tự thế giới do Hoa Kỳ thống trị. Hoa Thịnh Đốn đã tìm kiếm quyền tối cao bằng cách áp đặt các quy tắc chuyên biệt vi phạm luật pháp quốc tế, ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng bởi truyền hình Nga hôm thứ Hai (11/04).

Ông Lavrov nói với đài tin tức Rossiya 24: “Chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi nhằm chấm dứt sự bành trướng trắng trợn [của NATO] và nỗ lực không kiêng dè hướng tới sự thống trị hoàn toàn của Hoa Kỳ và các chư hầu phương Tây trên trường thế giới.”

Ông nói thêm: “Sự thống trị này được xây dựng dựa trên sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và theo một số quy định mà họ đang thổi phồng quá mức và đưa ra tùy theo từng trường hợp điển hình.”

Trung Cộng và Nga thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong khối BRICS

Bắc Kinh và Moscow đã công bố ý định thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia BRICS - một liên minh năm thành viên bao gồm các quốc gia của họ cùng Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Hôm 08/04, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương BRICS đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Cộng Lưu Côn (Liu Kun) cho biết, Trung Cộng đang tìm cách thúc đẩy hợp tác tài chính và tài khóa trong khối liên minh này. Ông Lưu kêu gọi các thành viên BRICS tăng cường phối hợp chính sách quy mô để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Trung Cộng sẽ chia sẻ tin tức và tiến hành trao đổi kinh nghiệm về đầu tư cơ sở hạ tầng giữa các thành viên.

Ông Lưu nói: “Trong những năm gần đây, các quốc gia BRICS đã duy trì được đà hợp tác mạnh mẽ và đã có những đóng góp quan trọng vào việc tối ưu hóa quản trị kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nền kinh tế toàn cầu phẩm chất cao.”


Xe tăng Ukraine di chuyển trên đường phố ở Irpin, ngoại ô Kyiv, hôm thứ Hai 11/04/22 sau khi quân đội Nga rút lui khỏi khu vực


Nga cho biết đã phá hủy các hệ thống hỏa tiễn S-300 do một quốc gia Âu Châu cung cấp cho Ukraine

Hôm thứ Hai (11/04), Nga cho biết họ đã sử dụng hỏa tiễn hành trình để tiêu diệt các hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 do một quốc gia Âu Châu ẩn danh cung cấp cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã phóng hỏa tiễn hành trình Kalibr hôm Chủ Nhật nhằm vào bốn bệ phóng S-300 được giấu trong một khoang chứa phi cơ ở ngoại ô thành phố Dnipro của Ukraine.

Nga cho biết 25 binh sĩ Ukraine đã bị bắn trúng trong vụ tấn công này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các hỏa tiễn Kalibr phóng từ biển với độ chính xác cao đã phá hủy dụng cụ của một sư đoàn hỏa tiễn phòng không S-300 do một quốc gia Âu Châu cung cấp cho chính quyền Kyiv.”

Nga không cho biết quốc gia Âu Châu nào đã cung cấp các hệ thống S-300.

Thành viên NATO Slovakia, nước đã tài trợ một hệ thống hỏa tiễn như vậy cho Ukraine, nói rằng họ không thể xác nhận liệu các hệ thống phòng không mà nước này cung cấp cho Ukraine có bị các lực lượng vũ trang Nga phá hủy.

Khi được hãng thông tấn AP hỏi liệu Nga có phá hủy các hệ thống S-300 do Slovakia cung cấp hay không, Ngoại trưởng Slovakia Ivan Korcok nói rằng “chúng tôi không có bằng chứng về việc này.”

“Chúng tôi đã nghe tin tức về việc đó, nhưng dựa trên tin tức do phía Ukraine cung cấp, chúng tôi không thể xác nhận việc đó. Phía Ukraine đã loại trừ việc đó,” ông nói tại một cuộc họp của EU ở Luxembourg.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng Nga cũng đã bắn rơi hai phi cơ Su-25 của Ukraine gần thành phố Izium và phá hủy hai kho đạn, một trong số đó ở gần thành phố Mykolaiv, miền nam nước này.

Quân đội Ukraine đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.

Hungary nói kế hoạch thanh toán hơi đốt bằng đồng ruble của Nga không vi phạm lệnh trừng phạt của EU

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết hôm thứ Hai (11/04), Hungary dự định sẽ thanh toán hơi đốt của Nga bằng đồng euro thông qua ngân hàng Gazprombank, ngân hàng này sẽ chuyển khoản thanh toán thành đồng ruble để đáp ứng yêu cầu mới do Vladimir Putin đặt ra.

Ông Putin đã báo động các quốc gia Âu Châu rằng khu vực này có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp hơi đốt trừ khi họ thanh toán bằng đồng ruble khi ông tìm cách trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Ông Szijjarto nói trong một cuộc họp báo rằng theo kế hoạch trên, công ty con của công ty năng lượng MVM của Hungary, CEE Energy, sẽ thanh toán một hóa đơn sắp tới bằng đồng euro, rồi Gazprombank sẽ chuyển đổi thành rúp và sau đó chuyển cho Gazprom Export của Nga.

Còn nhiều tuần nữa trước khi các hóa đơn đến hạn thanh toán, Ủy ban Âu Châu đã nói rằng những nước có hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng euro hoặc dollar nên tuân theo điều đó.

Thủ tướng Viktor Orban cho biết tuần trước rằng Hungary sẵn sàng chi trả cho hơi đốt của Nga bằng rúp, tự tách mình khỏi Liên minh Âu Châu vốn đang tìm kiếm một mặt trận thống nhất để phản đối yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền của Moscow.

“Đối với việc thanh toán [bằng đồng ruble], chúng tôi có một giải pháp không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhưng đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp hơi đốt cho Hungary,” ông Szijjarto nói.

Ông Szijjarto cho biết tùy chọn thanh toán hóa đơn bằng một loại tiền tệ khác thay vì euro đã nằm trong một hợp đồng song phương giữa CEE Energy và Gazprom Export được ký kết vào tháng Chín. Hợp đồng này giờ đây sẽ được chỉnh sửa để phản ảnh những thay đổi theo kế hoạch.

Ông không đi vào chi tiết và hiện không rõ liệu đồng tiền Nga giảm giá có ảnh hưởng đến các điều khoản thanh toán mới theo bất kỳ cách nào hay không.

Ông Szijjarto nói thêm rằng Hungary, quốc gia phụ thuộc hầu hết vào Nga về dầu và hơi đốt, phản đối EU sử dụng một cách tiếp cận chung đối với một vấn đề mà Budapest coi là vấn đề song phương.

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9646

Bài gửiGửi: Tue Apr 12, 2022 11:54 am    Tiêu đề:


Các nhân viên cứu hỏa cố gắng ngăn chặn đám cháy tại một nhà máy sau cuộc pháo kích của Nga, ở Kharkiv, Ukraine, hôm thứ Hai 11/04/22


Ngoại trưởng Lavrov: EU đã biến thành một tổ chức quân sự

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm thứ Hai (11/04), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết EU đã “quay ngoắt thái độ” bằng cách biến thành một tổ chức quân sự hoạt động vì ích lợi của Hoa Thịnh Đốn và NATO. Ông dẫn một nhận xét mà người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell đã đưa ra vào thứ Bảy tuần trước (09/04).

Vị viên chức Âu Châu này cho biết cuộc xung đột ở Ukraine “sẽ giành được chiến thắng trên chiến trường” khi ông tuyên bố thêm viện trợ quân sự của Âu Châu cho Kyiv. Ông Lavrov coi tuyên bố này là “đáng phẫn nộ”.

“Khi một người đứng đầu ngoại giao... nói rằng một cuộc xung đột nào đó chỉ có thể được giải quyết bằng hành động quân sự... thì đó hẳn phải là một việc gì đó mang tính cá nhân. Ông ấy hoặc nói sai hoặc nói mà không suy nghĩ, khi đưa ra một tuyên bố mà không ai yêu cầu ông ấy thực hiện. Nhưng đó là một lời nhận xét đáng phẫn nộ,” ông Lavrov nói với đài tin tức Rossiya 24.

Các quốc gia phương Tây hành động theo ích lợi của Mỹ đang cố gắng biến Ukraine thành “chỗ đứng vững chắc cho cuộc đàn áp cuối cùng đối với Nga,” ông Lavrov nói. Sau khi Moscow sử dụng vũ lực để chống lại mối đe dọa đó, các quốc gia Âu Châu đã nhanh chóng thay đổi thái độ của họ đối với Nga. Bây giờ EU “phản ảnh sự bất bình và giận dữ” đối với nước này. Ông Lavrov tin rằng sự thay đổi đột ngột này là bằng chứng cho thấy xung đột ở Ukraine không phải là về Ukraine.

“Tuyên truyền của phương Tây chuyển hướng sang việc miêu tả Nga chỉ thuần túy là xấu xa và [Ukraine] là thánh thiện. Chế độ Ukraine hiện giờ có lẽ là ngọn hải đăng của nền dân chủ, công lý, tự do biểu lộ tất cả mọi thứ về Âu Châu, về các giá trị mà Âu Châu tuyên bố rằng họ luôn tuân theo,” ngoại trưởng nói.

Cả hai điều này đều không đúng, ông Lavrov lập luận. Ukraine là một điểm nóng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong khi các cường quốc phương Tây dễ dàng phá vỡ bất kỳ quy tắc nào khi họ thấy phù hợp, trong khi lại yêu cầu các nước khác phải tuân thủ.

Croatia trục xuất 24 nhà ngoại giao Nga

Cùng hưởng ứng hành động của các quốc gia Âu Châu, Croatia đang trục xuất 24 nhà ngoại giao Nga và các nhân viên đại sứ quán khác.

Bộ Ngoại giao Croatia hôm thứ Hai (11/04) cho biết họ đã triệu tập đại sứ Nga tại Zagreb và chuyển đạt “sự lên án mạnh mẽ nhất đối với hành động xâm lược tàn bạo đối với Ukraine và nhiều tội ác mà Nga đã gây ra.”



Đức: Ukraine cần vũ khí hạng nặng để tự vệ

Ngoại trưởng Đức nói Ukraine cần vũ khí hạng nặng để tự vệ và đây không phải là lúc để “thoái thác”.

Tổng thống Ukraine đã báo động rằng đất nước của ông phải đối mặt với một thời điểm quan trọng và quân đội Nga sẽ đẩy mạnh các hoạt động ở phía đông.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết khi đến dự cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai (11/04), “Điều rõ ràng là Ukraine cần thêm vật tư quân sự, trên hết là vũ khí hạng nặng, và bây giờ không phải là lúc để thoái thác – giờ là lúc cho sự sáng tạo và tính thực dụng.”

Đức đã phá vỡ một truyền thống trong chính sách ngoại giao sau cuộc xâm lược của Nga để cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đã vấp phải sự chỉ trích từ Kyiv vì nhận thấy sự chần chừ và chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí.


The landfall facilities of the Nord Stream 2 gas pipeline in Lubmin, Germany. Picture: REUTERS/HANNIBAL HANSCHKE


Ireland: EU nên xem xét các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga

Ngoại trưởng Ireland cho biết Liên minh Âu Châu nên xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành kỹ nghệ dầu mỏ của Nga nhưng báo động rằng điều quan trọng nhất đối với khối 27 quốc gia này là duy trì sự thống nhất.

Một số nước EU đang phụ thuộc vào nhập cảng dầu và hơi đốt của Nga. Sau nhiều tranh luận, tuần trước (04-10/04), khối đã đồng ý về một giai đoạn hạn chế nhập cảng than vì cuộc chiến của Moscow với Ukraine.

Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nói rằng, “Chúng ta cần thực hiện cách tiếp cận tối đa hóa đối với các biện pháp trừng phạt để đưa ra những biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất có thể đối với việc tiếp tục cuộc chiến và sự tàn bạo này.”

Trình bày khi các ngoại trưởng EU tập trung tại Luxembourg hôm thứ Hai (11/04), ông Coveney cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, điều đó nên bao gồm cả dầu mỏ. Chúng tôi biết rằng điều đó rất khó khăn đối với một số quốc gia thành viên và chúng ta phải giữ một lập trường thống nhất trên toàn EU.”

Cơ quan điều hành của EU, Ủy ban Âu Châu, đang đánh giá xem EU có thể làm được gì hơn nữa với một gói các biện pháp trừng phạt mới.


Đoàn xe tăng khổng lồ của Nga đang tiến về phía Donbas


Miền đông Ukraine là trọng tâm của các cuộc tấn công mới của Nga

Tình báo Anh tuyên bố hôm thứ Hai (11/04), quân đội Ukraine đã đẩy lùi một số cuộc tấn công của Nga ở miền đông nước này, trọng tâm của một hoạt động tấn công mới của các lực lượng xâm lược, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tuần này sẽ rất quan trọng đối với diễn biến của cuộc chiến.

Nhà lãnh đạo Áo Karl Nehammer đã lên kế hoạch gặp Vladimir Putin tại Moscow vào thứ Hai và sẽ kêu gọi chấm dứt xung đột. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Putin với một nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02.

Quân đội Nga cũng đang đẩy mạnh cuộc tấn công để thiết lập quyền kiểm soát đối với thành phố hải cảng phía nam Mariupol, một mục tiêu quan trọng mà việc chiếm giữ sẽ giúp liên kết các khu vực Nga đang kiểm soát ở phía tây và phía đông.

Những vụ nổ lớn đã làm rung chuyển các thành phố ở phía nam và phía đông và còi báo động không kích đã vang lên khắp Ukraine vào sáng thứ Hai.

Ông Zelensky vẫn tiếp tục chiến dịch của mình để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế và tập hợp những người đồng hương của mình, báo động tuần tới sẽ rất quan trọng và căng thẳng.

Ông sẽ trình bày trước Nghị viện Nam Hàn qua liên kết video vào thứ Hai.

Kể từ khi Nga xâm lược, ông Zelensky đã kêu gọi các cường quốc phương Tây cung cấp thêm trợ giúp về quốc phòng và trừng phạt Moscow bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm cấm vận năng lượng xuất cảng của nước này.

Ông Zelensky cho biết ông tin tưởng vào lực lượng vũ trang của mình nhưng “rất tiếc, tôi không có niềm tin rằng chúng tôi sẽ nhận được mọi thứ chúng tôi cần” từ Hoa Kỳ.

Biden sẽ nói chuyện với Thủ tướng Modi khi Hoa Kỳ báo động Ấn Độ về việc nhập cảng năng lượng từ Nga

Tòa Bạch Ốc cho biết Joe Biden sẽ gặp gỡ trực tiếp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào thứ Hai (11/04).

“Biden sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận chuyên môn của chúng tôi về hậu quả của cuộc chiến tàn bạo của Nga nhằm vào Ukraine và giảm thiểu tác động gây bất ổn của nó đối với nguồn cung lương thực và thị trường hàng hóa toàn cầu,” Tham vụ Báo chí Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật (10/04).

Ông Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ về kinh tế quốc tế, người đã đến thăm Ấn Độ gần đây, cho biết Hoa Kỳ sẽ không đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào với Ấn Độ về việc nhập cảng năng lượng từ Nga nhưng không muốn thấy sự “tăng tốc nhanh chóng” trong việc mua hàng.

Bị thu hút bởi sự giảm giá mạnh sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các tổ chức của Nga, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô của Nga kể từ khi nước này xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai. Con số này so với khoảng 16 triệu thùng cho cả năm ngoái, dữ liệu do Reuters tổng hợp cho thấy.

Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc gặp này sẽ diễn ra trước cuộc gặp “Bộ trưởng Hoa Kỳ-Ấn Độ 2+2” giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh.

Biden, người lần cuối nói chuyện với ông Modi hồi tháng Ba, gần đây nói rằng chỉ có Ấn Độ trong các nước Bộ Tứ là “có phần lung lay” trong hành động chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Quốc gia Nam Á này đã cố gắng cân bằng mối quan hệ của mình với Nga và phương Tây nhưng không giống như các thành viên khác của Bộ Tứ - Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc - họ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Ông Daleep Singh trong chuyến thăm cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và quốc phòng. Ấn Độ là nhà nhập cảng và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.

Ông cũng báo động rằng Hoa Kỳ không muốn các đồng minh của mình giúp phục hồi đồng ruble, vốn đã giảm ngay sau khi chiến tranh nổ ra nhưng đã phục hồi trong những ngày gần đây.


Khu kỹ nghệ Azovstal (hình chụp tuần trước) là một trong những công trình sắt thép lớn nhất châu Âu, cho đến nay vẫn được Ukraine giữ vững, bất chấp nỗ lực chiếm đoạt của Nga.


Đức: Bavaria báo động về hậu quả của lệnh cấm hơi đốt của Nga

Viên chức hàng đầu của Bavaria báo động rằng Đức sẽ phải đối mặt với “tình trạng thất nghiệp hàng loạt, xã hội suy thoái, và biến động dân chủ” nếu nước này nhanh chóng ngừng mua hơi đốt của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ) được công bố vào Chủ Nhật (10/04), Bộ trưởng-Chủ tịch Markus Söder nói rằng Đức đã “đứng trên bờ vực của quá sức xã hội và kinh tế,” với bằng chứng là “lạm phát phi mã” ngay cả trước khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine nổ ra. Chính trị gia này viện dẫn “giá năng lượng và lương thực” vốn đã là “gánh nặng thực sự đối với nhiều gia đình”, kêu gọi tầng lớp trung lưu được cứu khỏi bị hút vào “đà suy giảm”.

Theo ông Söder, “Nếu bây giờ chúng ta nhanh chóng ngừng dòng hơi đốt từ Nga, thì chúng ta sẽ gặp phải tình trạng thất nghiệp hàng loạt, xã hội suy thoái, và biến động dân chủ.” Ông khuyên các nhà chức trách ở Berlin “hành động với tầm nhìn xa và không nóng vội.”

Nga tăng thuế xuất cảng lúa mì lên mức cao lịch sử

Nga đã tăng thuế đối với lúa mì xuất cảng lên 101.4 USD/tấn từ ngày 13 đến ngày 19/04, Bộ Nông nghiệp nước này thông báo hôm thứ Sáu (08/04).

Truyền thông đưa tin đây là lần đầu tiên Nga tăng thuế xuất cảng lúa mì lên trên 100 USD. Mức thuế đã tăng trong bốn tuần liên tiếp sau khi giảm trong chín tuần trước đó.

Bộ cũng tăng thuế xuất cảng đối với lúa mạch và ngô lên lần lượt là 75.4 USD và 70.6 USD/tấn.

Theo ông Alexander Korbut, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn Ngũ cốc Nga, thuế xuất cảng ngũ cốc của Nga có thể sẽ tăng hơn nữa.

Tổng thống Zelensky ca ngợi lập trường của Đức đối với Ukraine sau cuộc gọi với Thủ tướng Scholz

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Chủ Nhật (10/04) cho biết ông đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể có đối với Nga trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và ca ngợi điều mà ông nói là một sự thay đổi có lợi hơn trong quan điểm của Đức đối với Kyiv.

“Hôm nay tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cách khiến tất cả những kẻ phạm tội ác chiến tranh phải chịu trách nhiệm. Về cách tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và cách thuyết phục Nga tìm kiếm giải pháp hòa bình,” ông Zelensky nói trong bài diễn văn hàng đêm của mình.

“Tôi rất vui khi ghi nhận rằng gần đây quan điểm của Đức đang thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine. Và tôi coi điều này là hoàn toàn hợp lý vì đa số người Đức ủng hộ chính sách này. Tôi biết ơn họ. Và tôi mong rằng mọi thứ chúng tôi đã đồng ý sẽ được thực hiện. Việc này rất quan trọng.”

Trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược của Nga, Đức đã miễn cưỡng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng giờ đây đã đồng ý cung cấp vũ khí và hỏa tiễn chống tăng.

Ông Scholz hôm thứ Sáu (08/04) cho biết Đức có thể chấm dứt nhập cảng dầu của Nga trong năm nay nhưng việc ngừng nhập cảng hơi đốt sẽ khó khăn hơn vì nước này cần xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập cảng hơi đốt từ các nguồn thay thế.

Một tuyên bố từ văn phòng của ông Scholz vào ngày Chủ Nhật về cuộc điện đàm của thủ tướng với ông Zelensky đã không đề cập đến cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt, mà cho biết ông Zelensky đã thông báo cho ông Scholz về “tình hình hiện tại và các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.”


Ước tính có khoảng 10.000 thường dân đã bị quân đội của Putin giết ở Mariupol, nơi đã chứng kiến các cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc chiến


Tổng thống Zelensky tuyên bố hàng chục ngàn người bị sát hại ở Mariupol, tìm kiếm viện trợ quân sự từ Nam Hàn

Hôm thứ Hai (11/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hàng chục ngàn người có thể đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của Nga vào thành phố Mariupol, miền đông nam nước này, khi ông kêu gọi Seoul cung cấp bất kỳ viện trợ quân sự nào có thể.

“Mariupol đã bị phá hủy, có hàng chục ngàn người thiệt mạng, nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, người Nga vẫn không ngừng tấn công,” ông Zelensky nói trong một video trình bày trước các nhà lập pháp Nam Hàn.

Reuters đã xác nhận sự tàn phá trên diện rộng ở Mariupol nhưng không thể xác minh tính chính xác của ước tính của ông về những người thiệt mạng trong thành phố này. Mariupol tọa lạc giữa các khu vực phía đông của Ukraine do phe ly khai được Nga hậu thuẫn nắm giữ và bán đảo Crimea vốn đã bị Nga sáp nhập.

Ông Zelensky không nói rõ ông muốn có loại vũ khí nào, nhưng cho biết Nam Hàn có nhiều loại vũ khí không chỉ có thể giúp cứu sống dân thường của Ukraine mà còn giúp ngăn chặn Nga tấn công các quốc gia khác.

“Ukraine cần nhiều kỹ thuật quân sự khác nhau từ phi cơ đến xe tăng,” ông nói thông qua một phiên dịch viên. “Nam Hàn có thể giúp chúng tôi.”

Hôm thứ Sáu (08/04), Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Suh Wook và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã tổ chức một cuộc điện đàm theo lời đề nghị của ông Reznikov. Ông Reznikov cảm ơn ông Suh vì đã gửi viện trợ nhân đạo và vật tư, đồng thời đề nghị Nam Hàn gửi vũ khí phòng không, Bộ Quốc phòng Seoul cho biết hôm thứ Hai.


Cảnh quay bằng drone cho thấy sự tàn phá và đổ nát của rạp hát Mariupol


Ông Borrell cho biết sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với Nga

Nhà ngoại giao hàng đầu của khối cho biết thêm hôm thứ Hai (11/04) khi được hỏi liệu EU có sẵn sàng xem xét lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga để đáp trả cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine hay không.

“Quý vị thấy đấy, chúng tôi vẫn đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt. Thảo luận về Ukraine chắc chắn có nghĩa là thảo luận về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, vấn đề đã được quyết định và chắc chắn các bộ trưởng [ngoại giao EU] sẽ thảo luận về các bước tiếp theo,” ông Borrell nói trước khi một cuộc họp của các ngoại trưởng EU diễn ra tại Luxembourg.

Berlin đặt ra mốc thời gian cho độc lập về năng lượng

Phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức cho biết tại cuộc họp báo tuần trước rằng nước này có thể cắt giảm hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong hai năm.

Bà Susanne Ungrad cho biết Berlin đang đặt mục tiêu chấm dứt nhập cảng dầu của Nga vào cuối năm nay, trong khi than đá có thể bị loại bỏ vào mùa thu và hơi đốt thiên nhiên có thể được loại bỏ vào giữa năm 2024.

Bà nói thêm rằng các cuộc thảo luận hiện đang được tiến hành về cách đẩy nhanh quá trình này. Bà Ungrad cũng lưu ý rằng việc từ bỏ năng lượng của Nga sẽ đòi hỏi “vận dụng sức mạnh quốc gia.”


New Zealand gửi một phi cơ chở hàng (phi cơ C-130 Hercules của Lực lượng Phòng vệ NZ, trong hình) và 50 nhân viên lực lượng quốc phòng để hỗ trợ nỗ lực của Ukraine chống lại Nga


New Zealand cử phi cơ vận tải, gửi tiền đến Âu Châu

New Zealand sẽ cử một phi cơ vận tải quân sự và một đội hỗ trợ gồm 50 người tới Âu Châu, cũng như cung cấp tiền cho Anh để mua vũ khí, khi nước này tăng cường đáng kể sự đáp trả đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết hôm thứ Hai (11/04) rằng phi cơ C130 Hercules sẽ đi khắp Âu Châu để chở dụng cụ và vật tư đến các trung tâm phân phối. Bà cho biết phi cơ này sẽ không bay thẳng vào Ukraine vì hầu hết các dụng cụ quân sự được vận chuyển vào nước này bằng đường bộ.

Bà Ardern cho biết chính phủ của bà cũng sẽ chi thêm 13 triệu NZD (9 triệu USD) cho hỗ trợ quân sự và nhân quyền, bao gồm 7.5 triệu NZD để Anh mua vũ khí và đạn dược. Bà Ardern cũng cho biết, tổng đóng góp của New Zealand cho nỗ lực chiến tranh lên 30 triệu NZD (20 triệu USD) với 67 người được điều động.

Epoch Times Staff

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân