TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 23/03/2022
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 23/03/2022

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Thu Mar 24, 2022 9:14 am    Tiêu đề: Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 23/03/2022

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 23/03/2022

Tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngày 23/03/2022


Dưới đây là bản tin cập nhật diễn biến tình hình về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày 23/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.


Các lực lượng Ukraine đang phản công ở phía tây Kyiv nơi quân đội Nga tại Irpin và Bucha có thể buộc phải đầu hàng hàng loạt, trong khi các cuộc tấn công cũng đang diễn ra ở phía đông thành phố.


Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Cộng không giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt

Chính phủ Biden đang tìm cách ngăn cản chính quyền Trung Cộng hỗ trợ nước Nga hiện đang bị trừng phạt. Hôm thứ Tư (23/03), họ cảnh cáo Bắc Kinh không nên tận dụng các cơ hội kinh doanh do các lệnh trừng phạt tạo ra, giúp Moscow né tránh các biện pháp kiểm soát xuất cảng hoặc giải quyết các giao dịch tài chính bị cấm.

Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng các nước G7 sẽ sớm công bố một phản ứng thống nhất để bảo đảm Nga không thể trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine với sự giúp đỡ của Trung Cộng hoặc bất kỳ nước nào khác.

Trình bày trên phi cơ riêng Không Lực Một (Air Force One) trên đường tới Brussels, nơi Joe Biden sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, ông Sullivan nói, “Đó không phải là nói về Trung Cộng, nhưng phản ứng này sẽ áp dụng cho mọi nền kinh tế quan trọng và các quyết định mà bất kỳ nền kinh tế nào trong số này sẽ thực hiện, một cách có chủ đích và tích cực, nhằm hủy hoại hoặc làm suy yếu các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã đưa ra.”

Ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển đạt thông điệp này tới chính quyền Trung Cộng, và “Chúng tôi mong đợi sự chuyển đạt tương tự từ Liên minh Âu Châu và mỗi quốc gia Âu Châu riêng lẻ.”


Một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy trong cuộc giao tranh ở hải cảng Mariupol, miền nam Ukraine ngày 23 tháng 3 năm 2022


Bắc Kinh yêu cầu thương gia Trung Cộng lấp đầy khoảng trống ở thị trường Nga

Đại sứ Trung Cộng tại Nga đã kêu gọi các thương gia Trung Cộng ở Moscow phát triển công ty của họ bằng cách tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine, vì các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn đã làm tê liệt nền kinh tế Nga sau cuộc xâm lược.

Đại sứ Trương Hán Huy (Zhang Hanhui) đã kêu gọi các thương gia Trung Cộng ở Moscow tận dụng tốt cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay khi ông gặp các đại diện hồi đầu tuần. Theo một bài đăng trên mạng xã hội hôm 21/03 của Hiệp hội Quảng bá Văn hóa Khổng Tử Nga, đại sứ này nói với các lãnh đạo công ty rằng đừng lãng phí thời gian và hãy “lấp đầy khoảng trống” trong nền kinh tế Nga.

Theo bài đăng nói trên, ông đã nói tại cuộc họp rằng, “Tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp. Các công ty lớn đang phải đối mặt với những thách thức lớn hoặc thậm chí là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và khả năng thanh toán.”

Bản tóm tắt hội nghị không đề cập đến các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng ông Trương cho biết đây là thời điểm thích hợp để các công ty tư nhân và công ty vừa và nhỏ tạo ra sự khác biệt.


Một trung tâm thương mại đổ nát sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của quân đội Nga ở quận Podilskyi, Kyiv, thủ đô Ukraine, ngày 22 tháng 3 năm 2022


Hoa Kỳ chính thức tố cáo quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine

Hôm thứ Tư (23/03), chính phủ Biden đã ra thông báo chính thức nói rằng quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và cho biết họ sẽ làm việc với các nước khác để truy tố những kẻ phạm tội, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết.

“Hôm nay, tôi có thể thông báo rằng, dựa trên tin tức hiện có, chính phủ Hoa Kỳ đánh giá rằng các quân nhân của quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine,” ông Blinken nói trong một tuyên bố đưa ra khi ông đang đi công tác khẩn cấp tới Brussels với Joe Biden để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO.

Ông cho biết đánh giá này dựa trên việc “xem xét kỹ lưỡng” các nguồn tin công khai và tình báo kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào Ukraine hồi tháng trước.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ chia sẻ tin tức đó với các đồng minh, đối tác, và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ điều tra các tố cáo về tội ác chiến tranh và tội ác phản nhân loại.

Ông lấy dẫn chứng các cuộc tấn công vào dân thường ở thành phố Mariupol bị bao vây và những nơi khác.

Anh muốn cuộc gọi chơi khăm bị kiểm duyệt trên YouTube

Hôm thứ Tư (23/03), London đã yêu cầu YouTube kiểm duyệt bất kỳ video nào về cuộc gọi giữa những kẻ chơi khăm Vovan và Lexus - giả danh Thủ tướng Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace - tuyên bố những video này là hoạt động tuyên truyền của nhà nước Nga và đã bị thao túng để tung tin tức giả dối đồng thời làm suy yếu danh tiếng của Anh và tinh thần của Kyiv.

Nhà kinh tế Nga Chubais từ chức phụ tá cho Putin

Điện Kremlin cho biết phái viên của Vladimir Putin về liên lạc với các tổ chức quốc tế đã từ chức.

Hãng thông tấn Interfax đưa tin dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Anatoly Chubais đã đệ đơn từ chức.

Ông Peskov không nói liệu ông Chubais đã rời đất nước hay chưa, cho biết đó là việc riêng của ông ấy.

Ông Chubais, người kiến tạo nên chiến dịch tư nhân hóa ở Nga thời hậu Xô Viết, đã đảm nhiệm nhiều vị trí hàng đầu trong chính phủ trong suốt ba thập niên vừa qua.

Sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược hồi tháng trước (02/2022), ông Chubais đã đăng một bức ảnh của ông Boris Nemtsov, một nhân vật đối lập hàng đầu của Nga bị bắn tử vong gần Điện Kremlin vào năm 2015. Dù không có chú thích nhưng đây được coi là một tuyên bố mạnh mẽ của một người trong cuộc ở Moscow.


Trẻ mồ côi Ukraine cười rạng rỡ khi đáp chuyến bay di tản hạ cánh xuống Heathrow, Anh quốc


Liên Hiệp Quốc họp bàn để xem xét các giải pháp nhân đạo

Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối cuộc xâm lược của Nga bỏ phiếu cho một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những hậu quả nhân đạo của hành động xâm lược của họ, nói rằng điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ nhằm giúp đỡ những người bị kẹt trong cuộc xung đột và chấm dứt hành động quân sự của Moscow.

Phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc phản bác rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi đang xem xét nghị quyết này, chỉ là “một chương trình chính trị chống Nga khác, lần này đặt trong bối cảnh được cho là nhân đạo” và kêu gọi 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu chống và ủng hộ một bản dự thảo nghị quyết cạnh tranh của Phi Châu chỉ tập trung vào các vấn đề nhân đạo mà không có “đánh giá chính trị”.

Ông Sergiy Kyslytsya của Ukraine và ông Vassily Nebenzia của Nga đã trình bày khai mạc phiên họp đặc biệt khẩn cấp hôm thứ Tư (23/03) của Đại hội đồng để xem xét các nghị quyết cạnh tranh về tác động nhân đạo của cuộc chiến, vốn sẽ tròn một tháng vào thứ Năm (24/03). Hôm thứ Tư, Nga cũng đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về nghị quyết nhân đạo của chính họ, vốn đã bị chỉ trích rộng rãi vì không đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine.

Ông Kyslytsya cho biết nghị quyết mà Ukraine đang thúc đẩy, do hai chục nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới soạn thảo và được gần 100 quốc gia ủng hộ, tập trung vào “nhu cầu cấp thiết giảm thiểu nỗi khổ đau về mặt nhân đạo tại hiện trường và lập tức chấm dứt các hành động thù địch của Liên bang Nga.”

Ông Nebenzia báo động rằng việc thông qua nghị quyết đó “sẽ khiến một giải pháp cho tình hình ở Ukraine trở nên khó khăn hơn.” Đó là bởi vì nó có khả năng sẽ khuyến khích các nhà đàm phán Ukraine và “thúc đẩy họ duy trì quan điểm không thực tế hiện tại, vốn không liên quan đến tình hình thực tế tại hiện trường, cũng như nhu cầu giải quyết các nguyên nhân gốc rễ” của hành động quân sự của Nga, ông cho biết.


Một thành phố đổ nát: Cảnh quay bằng drone cho thấy thành phố Mariupol bị phá hủy


NATO sẽ gửi thêm quân đến các nước đồng minh, trong bối cảnh 100,000 người bị mắc kẹt ở Mariupol

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Tư (23/03), NATO có khả năng sẽ gửi thêm quân đến sườn phía đông của liên minh, gửi các nhóm chiến đấu đến Bulgaria, Hungary, Romania, và Slovakia, trong bối cảnh các viên chức Ukraine báo động rằng 100,000 người đang bị mắc kẹt ở Mariupol trong cuộc xung đột với Nga.

“Tôi mong đợi các nhà lãnh đạo sẽ đồng ý củng cố vị thế của NATO trong tất cả các lĩnh vực, với sự gia tăng lớn ở sườn phía đông của liên minh trên bộ, trên không, và trên biển,” ông Stoltenberg cho biết trước hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Năm (24/03) tại Brussels.

Ông Stoltenberg cho biết thêm, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 140,000 quân trên khắp lục địa.

Đồng thời, liên minh cũng đang cân nhắc việc đóng quân vĩnh viễn dọc theo sườn phía đông, theo một viên chức NATO khác.

“NATO hiện đang trong quá trình tạm dừng và suy nghĩ nhiều hơn về sự hiện diện của lực lượng trung và dài hạn trong lãnh thổ NATO ở sườn phía đông đó,” Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith nói với một cử tọa của Hội đồng Đại Tây Dương hôm thứ Tư (23/03), cho biết hành động này sẽ gửi “một thông điệp khá rõ ràng đến Moscow.”



EU muốn thảo luận với Biden về khả năng bảo đảm việc cung cấp thêm khí đốt thiên nhiên từ Hoa Kỳ cho khối

Người đứng đầu bộ phận điều hành của Liên minh Âu Châu cho biết bà sẽ thảo luận với Joe Biden về khả năng bảo đảm việc cung cấp thêm khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ cho khối 27 quốc gia này.

Trình bày tại Nghị viện Âu Châu trước chuyến thăm Âu Châu của Biden, bà Ursula von der Leyen cho biết bà sẽ thảo luận với ông về “cách ưu tiên vận chuyển LNG từ Hoa Kỳ đến Liên minh Âu Châu trong những tháng tới.”

EU nhập cảng 90% lượng khí đốt thiên nhiên dùng trong sản xuất điện, sưởi ấm cho gia đình, và cung cấp cho lĩnh vực kỹ nghệ, trong đó Nga cung cấp gần 40% lượng khí đốt và ¼ lượng dầu của EU.

Khối này đang tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp. Bà von der Leyen cho biết EU đang hướng tới việc đạt được một cam kết về các nguồn cung bổ sung từ Hoa Kỳ “trong hai mùa đông tới.”


Các nhà hoạt động và thanh niên Ukraine biểu tình với một dấu hiệu hòa bình khổng lồ và “Ngăn chặn dầu của Putin” trước Jusutus Lispsius; tòa nhà Hội đồng EU và Berlaymont, tòa nhà Ủy ban EU vào ngày 22 tháng 3 năm 2022


Reuters loại hãng thông tấn Nga TASS khỏi thị trường nội dung

Trong một thông điệp gửi cho nhân viên hôm thứ Tư (23/03), Reuters cho biết đã loại bỏ TASS khỏi thị trường kinh doanh giữa công ty với công ty (B2B) của mình, trong bối cảnh hãng thông tấn nhà nước Nga này vấp phải chỉ trích về cách họ đang đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine.

“Chúng tôi tin rằng việc cung cấp nội dung của TASS trên Reuters Connect không phù hợp với các Nguyên tắc Tin cậy của Thomson Reuters,” ông Matthew Keen, Giám đốc điều hành tạm thời của Reuters, viết trong một bản ghi nhớ nội bộ cho nhân viên hôm thứ Tư.

TASS từ chối đưa ra bình luận ngay lập tức.

Hãng thông tấn Nga này đã bị một số phương tiện truyền thông phương Tây và các nhóm tự do báo chí tố cáo đã truyền bá những tuyên bố và tuyên truyền sai sự thật về cuộc chiến ở Ukraine. Kể từ cuộc xâm lược, các đại công ty kỹ thuật Google, Facebook, Twitter và các dịch vụ truyền hình trả tiền đã hạn chế quyền truy cập vào các hãng thông tấn nhà nước RT và Sputnik của Nga, tố cáo Moscow đã lan truyền tin tức sai lệch. RT và Sputnik đã gọi các hạn chế do các nhà phân phối áp đặt lên họ, bao gồm cả các kho ứng dụng và các dịch vụ truyền thông xã hội khác, là sự kiểm duyệt vô cớ.

Reuters Connect cho phép người dùng, chủ yếu là các tổ chức tin tức, truy cập và chia sẻ nội dung của TASS với một khoản phí. Reuters Connect cũng cung cấp nội dung của Reuters News và khoảng 90 nhà cung cấp thuộc bên thứ ba, trong đó có Variety, USA Today, và CNBC.

Mối quan hệ đối tác của TASS với nền tảng Reuters Connect đã bắt đầu từ năm 2020. Trong một thông cáo báo chí ngày 01/06 năm đó, ông Michael Friedenberg, chủ tịch đương thời của Reuters, cho biết việc để TASS tham gia Reuters Connect là hành động “xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác đáng trân trọng của chúng tôi.” Ông Sergei Mikhailov, CEO của TASS, đã gọi thỏa thuận này “thực sự là một sự kiện quan trọng.”

Theo thông cáo báo chí trên, quan hệ đối tác của TASS với Reuters Connect cung cấp cho khách hàng “quyền truy cập vào tin tức thời sự và video độc quyền; các video về Điện Kremlin và Vladimir Putin, cũng như các video phẩm chất cao và tin tức chung.”

Tổng thống Zelensky cảm ơn Tổng thống Macron vì “sự lãnh đạo đích thực” của ông

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì “sự lãnh đạo đích thực” của ông đối với cuộc chiến này trong một bài diễn văn trực tuyến từ Kyiv tới nghị viện Pháp hôm thứ Tư (23/03).

Ông Zelensky đã sử dụng cuộc họp với các nghị sĩ Pháp qua liên kết video này để kêu gọi sự ủng hộ của Âu Châu hơn nữa đối với những nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Ông kêu gọi Pháp hỗ trợ vũ khí, dụng cụ, và nhiều phi cơ hơn nữa “để nền tự do không vuột khỏi tầm tay”, theo bản dịch tiếng Pháp của bài diễn văn dài 20 phút.

Bài diễn văn được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với Tổng thống Zelensky và Vladimir Putin về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn tiềm năng.


Những ngôi mộ mới đào để chôn cất các nạn nhân của cuộc xâm lược của Nga tại Dnipro, một thành phố ở miền trung Ukraine đã bị quân Nga pháo kích vào những ngày gần đây


Tổng thư ký NATO: Việc sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine sẽ “làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc Nga sử dụng vũ khí hóa học sẽ “làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột” ở Ukraine.

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng việc sử dụng những vũ khí như vậy sẽ là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và gây ra những hậu quả sâu rộng.” Ông không cung cấp tin tức chi tiết.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào ngày 24/02, không có báo cáo hoặc bằng chứng nào cho thấy Moscow sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các viên chức hàng đầu của phương Tây liên tục tuyên bố rằng Nga đang hướng tới điều đó trong tương lai gần, mặc dù chưa có bằng chứng nào được đưa ra.

Trước thềm một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông tin là “có một mối đe dọa thực sự” rằng Nga sẽ sử dụng loại vũ khí này. Trong khi đó, các viên chức Nga tố cáo rằng Kyiv đang tìm cách sử dụng hoặc phát triển vũ khí hóa học hoặc sinh học chống lại Nga.

Putin muốn các quốc gia “không thân thiện” thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng rúp

Vladimir Putin cho biết tại một cuộc họp với chính phủ hôm thứ Tư (23/03) rằng đối với “các quốc gia không thân thiện”, Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền xuất cảng khí đốt bằng đồng rúp.

Ông Putin giải thích rằng Nga có kế hoạch từ bỏ tất cả các loại tiền tệ “bị thỏa hiệp” trong các giao dịch thanh toán. Ông nói thêm rằng các quyết định bất hợp pháp của một số quốc gia phương Tây nhằm phong tỏa tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin của Nga vào đồng tiền của họ.



Biden: Hỏa tiễn hypersonic của Nga “gây hậu quả lớn” và “gần như không thể ngăn chặn”

Joe Biden coi việc Nga được cho là đã bắn hỏa tiễn hypersonic trong cuộc xung đột Ukraine hồi đầu tuần là một hành động “gây hậu quả lớn”.

“Nếu quý vị để ý, họ vừa phóng hỏa tiễn hypersonic của mình [ở Ukraine], bởi vì đó là thứ duy nhất mà họ có thể hoàn thành một cách tuyệt đối chắc chắn. Đó là - như tất cả quý vị đều biết, đó là một vũ khí gây hậu quả lớn,” ông Biden nhận xét trong tuần này, đồng thời nói thêm rằng “hầu như không thể ngăn chặn vũ khí này. Họ sử dụng loại vũ khí này là có lý do.”

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội của họ đã sử dụng hỏa tiễn hypersonic nhằm vào một kho đạn và kho nhiên liệu ở Ukraine, đây có thể là lần đầu tiên vũ khí loại này được sử dụng trong chiến tranh cho đến nay.

Tuy nhiên, các viên chức Tòa Bạch Ốc khác đã hạ thấp hành động này như một chiến thuật nghi binh.


Cô Griner đã bị bắt giữ sau khi đến phi trường ở Moscow. Nga cho biết họ đã khám xét hành lý của cô và tìm thấy các hộp vape được cho là có chứa tinh dầu chiết xuất từ cần sa


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một viên chức đại sứ quán đã đến thăm Brittney Griner

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một viên chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đến thăm Brittney Griner, người vẫn bị giam giữ gần Moscow, để kiểm soát tình trạng của cô.

Hôm thứ Tư (23/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với CNN rằng viên chức sứ quán nhận thấy cô Griner “đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt.” Ông Price không nêu tên vị viên chức đã được cấp quyền tiếp cận lãnh sự với cô Griner. Tiếp cận lãnh sự là điều mà Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga.

Cô Griner đã bị bắt giữ sau khi đến phi trường ở Moscow. Vụ việc được cho là xảy ra hồi giữa tháng Hai, sau khi các nhà chức trách Nga cho biết họ đã khám xét hành lý của cô và tìm thấy các hộp vape được cho là có chứa tinh dầu chiết xuất từ cần sa, vốn có thể bị phạt tối đa 10 năm tù.

Hồi tuần trước (14-20/03), hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin rằng một tòa án đã gia hạn thời gian tạm giam trước khi xét xử đối với cô Griner đến ngày 19/05.

Ông Price cho biết Hoa Kỳ “sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng cô được đối xử công bằng trong quãng thời gian khó khăn này.”

Một thành viên của nhóm giám sát nhà tù do nhà nước Nga hậu thuẫn đã đến thăm cô Griner vào tuần trước tại cơ sở giam giữ tiền xét xử bên ngoài Moscow nơi cô đang bị giam giữ, và cho biết ngôi sao của đội Phoenix Mercury vẫn đang khỏe mạnh sau song sắt.

Tổng thống Zelensky sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp Pháp

Trong bài diễn văn mới nhất của mình trước một nghị viện ngoại quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp Pháp vào thứ Tư (23/03).

Bài diễn văn qua liên kết video từ văn phòng của Tổng thống Zelensky ở thủ đô Kyiv của Ukraine được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm với ông và Vladimir Putin về các điều khoản cho một lệnh ngừng bắn tiềm năng.

Mặc dù họ không đạt được thỏa thuận nào, nhưng theo văn phòng tổng thống Pháp, ông Macron “vẫn tin tưởng vào sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực của mình” và ông “sát cánh cùng Ukraine.”

Ông Zelensky gần đây đã diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ cũng như Nghị viện Đức và Nghị viện Nhật Bản, cùng những quốc hội của các nước khác, để thu hút sự trợ giúp của quốc tế.



Biden: Nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hóa học là “mối đe dọa thực sự”

Joe Biden đã rời Tòa Bạch Ốc để thực hiện chuyến công du bốn ngày tới Âu Châu, nơi ông sẽ gặp gỡ các đồng minh chủ chốt để thảo luận về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Trước khi khởi hành hôm thứ Tư (23/03), ông Biden nói với các phóng viên rằng nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Ukraine là một “mối đe dọa thực sự.”

Ông cho hay ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo vào thứ Năm (24/03) và sẽ thảo luận nhiều hơn về vấn đề này.

Tuy nhiên, Moscow bác bỏ các tố cáo về việc sử dụng các cuộc tấn công hóa học.

Tổng thống Serbia tố cáo phương Tây có tiêu chuẩn kép

Tổng thống Serbia đang tố cáo phương Tây có tiêu chuẩn kép khi so sánh các cuộc tấn công của Moscow chống lại Ukraine với cuộc ném bom của NATO vào Serbia năm 1999.

Liên minh quân sự phương Tây này đã tiến hành một cuộc không chiến kéo dài 78 ngày chống lại Serbia hồi tháng 03/1999 để ngăn chặn một cuộc đàn áp của các lực lượng vũ trang Serbia nhằm vào người Albania chiếm đa số ở tỉnh Kosovo đang đòi độc lập.

Quân đội Serbia buộc phải rời khỏi tỉnh cũ đã tuyên bố độc lập này vào năm 2008, điều mà cả Belgrade và Moscow đều không công nhận.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng nếu phương Tây quả cảm và có đạo đức như vậy, thì “tại sao các vị không phản công Nga... tại sao các vị không bảo vệ Ukraine (về mặt quân sự)?” ông nói trên đài truyền hình Pink TV do nhà nước kiểm soát. “Đạo đức là một phạm trù quan trọng trong chính trị, nhưng các vị không thể gắn bó với nó trong một ngày rồi đến ngày hôm sau lại lãng quên.”

Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine nhưng là quốc gia Âu Châu duy nhất từ ​​chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Điện Kremlin.



Moscow báo động Âu Châu về sự sụp đổ của thị trường năng lượng

Hôm thứ Tư (23/03), Phó Thủ tướng Nga kiêm cựu Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho biết, giá giao dịch khí đốt ở Âu Châu ở mức 4,000 USD/1,000 m³ không phải là điều quá đáng, vì khối lượng tại các cơ sở lưu trữ thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.

Belarus trục xuất các nhà ngoại giao Ukraine

Belarus - đồng minh của Nga cho biết họ đang trục xuất các nhà ngoại giao Ukraine và đóng cửa một lãnh sự quán.

Hôm thứ Tư (23/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz không nói rõ có bao nhiêu nhà ngoại giao sẽ phải rời đi mà chỉ cho biết tối đa năm nhà ngoại giao có thể ở lại nước này.

Ông Glaz nói, “Hành động này nhằm mục đích chấm dứt các hoạt động phi ngoại giao của một số nhân viên trong phái bộ ngoại giao của Ukraine.”

Belarus đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình như một khu vực tạo điều kiện cho các lực lượng của họ xâm lược Ukraine.

Thông báo này được đưa ra cùng ngày khi Ba Lan trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga sẽ mở giao dịch chứng khoán vào 24/03

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ mở lại giao dịch trên thị trường chứng khoán Moscow lần đầu tiên kể từ khi thị trường này đóng cửa gần một tháng trước.

Giao dịch sẽ tiếp tục vào thứ Năm (24/03) nhưng chỉ đối với 33 cổ phiếu của các công ty lớn được liệt kê trên chỉ số IMOEX. Đồng thời sẽ có một lệnh cấm bán khống.

Sàn giao dịch này đã mở lại giao dịch nợ công vào đầu tuần này.

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Thu Mar 24, 2022 9:20 am    Tiêu đề:


Hải quân Ukraine đã tấn công phá hủy một tàu đổ bộ Alligator của Nga và làm hư hại hai chiếc khác đang dỡ hàng quân tiếp viện và tiếp liệu tại cảng Berdyansk, miền nam Ukraine.


Điện Kremlin: Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử nếu sự tồn tại của mình bị đe dọa

Hôm thứ Ba (22/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng chính sách an ninh của Nga quy định nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử khi và chỉ khi sự tồn tại của chính họ bị đe dọa.

Bình luận này được đưa ra gần bốn tuần sau khi Nga điều quân tới Ukraine, trong bối cảnh phương Tây lo ngại rằng xung đột ở đó có thể leo thang thành chiến tranh nguyên tử.

Ông Peskov đưa ra bình luận này trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh khi được hỏi liệu ông có dám chắc Vladimir Putin sẽ không sử dụng vũ khí nguyên tử hay không.

“Chúng tôi có một khái niệm về an ninh nội địa, và điều đó là công khai. Quý vị có thể đọc tất cả các lý do mà vũ khí nguyên tử được sử dụng. Vì vậy, nếu như đó là một mối đe dọa sống còn đối với đất nước của chúng tôi, thì nó (kho vũ khí nguyên tử) có thể được sử dụng theo khái niệm của chúng tôi,” ông nói. “Không có lý do nào khác được đề cập trong văn bản đó,” ông nói khi đề cập đến khái niệm an ninh quốc gia.

Tháng trước (02/2022), ông Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng nguyên tử của Nga trong tình trạng báo động cao. Tuân theo mệnh lệnh đó, hôm 28/02, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng hỏa tiễn nguyên tử cũng như hạm đội phía Bắc và hạm đội Thái Bình Dương của họ đã được đặt trong nhiệm vụ chiến đấu tăng cường, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 14/03 cho biết: “Viễn cảnh xung đột nguyên tử, từng là điều không tưởng, nay đã trở lại trong phạm vi có thể xảy ra.”

Biden đến Âu Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO về Ukraine

Hôm thứ Tư (23/03), Joe Biden đã bay tới Âu Châu để dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO về Ukraine, nơi thành phố cảng Mariupol bị bao vây đang chìm trong biển lửa.

Moscow cho biết mục đích của họ là giải giáp quốc gia láng giềng và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Mariupol, một thành phố cảng phía nam đang bị quân đội Nga bao vây hoàn toàn, nơi hàng trăm ngàn người đã đang trú ẩn kể từ những ngày đầu chiến tranh.

Các bức ảnh vệ tinh mới của công ty thương mại Maxar được công bố trong đêm cho thấy sự tàn phá khốc liệt của nơi từng là một thành phố với 400,000 dân, với những cột khói bốc lên từ các tòa nhà chung cư đang bốc cháy.

Biden dự liệu ​​đến Brussels vào tối thứ Tư (23/02), sẽ gặp các nhà lãnh đạo NATO và Âu Châu trong một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại trụ sở của khối liên minh quân sự phương Tây này. Các nhà lãnh đạo dự liệu ​​sẽ khai triển các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga vào thứ Năm (24/03).

Cố vấn An ninh Quốc gia: Tòa Bạch Ốc chuẩn bị công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Hôm 22/03, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan thông báo, chính phủ Joe Biden đang chuẩn bị công bố một vòng trừng phạt khác chống lại Nga.

Các biện pháp trừng phạt này sẽ được công bố với sự phối hợp của Liên minh Âu Châu.

“Ông ấy sẽ tham gia cùng các đối tác của chúng ta trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga đồng thời thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có để đàn áp việc né tránh và bảo đảm thi hành mạnh mẽ,” ông Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba (22/03).

Ông Sullivan không cung cấp các chi tiết điển hình trong các lệnh trừng phạt mới nhất nhưng nói với các phóng viên rằng họ sẽ tập trung vào việc thi hành các biện pháp trừng phạt hiện có và bảo đảm rằng sẽ “có nỗ lực chung để ngăn chặn hành vi né tránh, giao dịch né tránh trừng phạt, đối với bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ quốc gia nào nhằm giúp Nga về căn bản là phá hoại, làm suy yếu, hoặc lẩn tránh các lệnh trừng phạt này.”


Cảnh quay bằng drone cho thấy xe tăng Nga bị hỏa tiễn Stugna của Ukraine tiêu diệt


Nga: Sẽ “rất liều lĩnh” nếu cử lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Ukraine

Hôm thứ Tư (23/03), Nga đã lên án điều mà họ gọi là đề xướng “liều lĩnh” của Ba Lan về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Ukraine và báo động rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Nga và các lực lượng của NATO.

Cách đó một tuần vào hôm thứ Sáu (18/03), Ba Lan cho biết họ sẽ chính thức đệ trình một đề xướng về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần tới.

Khi được hỏi về sáng kiến ​​này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Đó sẽ là một quyết định rất liều lĩnh và cực kỳ nguy hiểm.”

Ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp hội nghị rằng bất kỳ sự va chạm nào có thể xảy ra giữa quân đội Nga và quân đội NATO “đều có thể gây ra những hậu quả rõ ràng khó có thể hàn gắn.”

Nga đã điều hàng chục ngàn binh sĩ vào Ukraine hôm 24/02 trong điều mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam này và loại bỏ tận gốc những người mà họ gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Diễn thuyết tại Kyiv tuần trước (14-20/03), lãnh đạo đảng cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết: “Tôi nghĩ rằng cần phải có một sứ mệnh hòa bình - NATO, có thể là một tổ chức quốc tế rộng lớn hơn - nhưng một sứ mệnh có thể tự vệ mà sẽ hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã công kích lời đề nghị này khi diễn thuyết trước các nhân viên và sinh viên tại Học viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow hôm thứ Tư (23/03).

Ông nói: “Đây sẽ là cuộc đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng vũ trang của Nga và NATO mà tất cả mọi người không chỉ luôn cố gắng né tránh mà còn cho rằng không nên diễn ra về mặt nguyên tắc.”

Ba Lan tìm cách trục xuất 45 người Nga bị tình nghi làm gián điệp

Ba Lan đã xác định được 45 sĩ quan tình báo Nga sử dụng tư cách ngoại giao để ở lại nước này và các nhà chức trách đang tìm cách trục xuất họ, các viên chức cho biết hôm thứ Tư (23/03).

Cơ quan An ninh Nội địa của Ba Lan cho biết họ đang yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này khẩn cấp trục xuất những người Nga được coi là mối nguy hiểm đối với an ninh của Ba Lan.

Phát ngôn viên về an ninh quốc gia Stanislaw Zaryn tuyên bố: “Đây là những người có tư cách ngoại giao và sử dụng tư cách ngoại giao của họ để hoạt động, nhưng trên thực tế lại tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Ba Lan.”

Ông cho biết quyết định trục xuất những người này hiện tại được đưa ra “có tính đến hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.”

Ông Zaryn khẳng định trong một tuyên bố khác rằng cơ quan an ninh nhận thấy các hoạt động của 45 người Nga đã phục vụ cho “các mục tiêu dự định của Nga nhằm phá hoại sự ổn định của Ba Lan và các đồng minh trên trường quốc tế đồng thời đặt ra một mối đe dọa đối với ích lợi và an ninh của đất nước chúng ta. ”

Phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan cho biết đại sứ của Nga tại Ba Lan đã được triệu tập đến Bộ Ngoại giao.


video được quay từ đrone cho thấy các hỏa tiễn của Ukraine bắn hạ các đơn vị pháo binh Nga trên một cánh đồng ở Ukraine


Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra lời cảnh cáo về tư cách thành viên của Nga trong G20

Hôm thứ Ba (22/03), khi được hỏi liệu Joe Biden có quyết định đẩy Nga ra khỏi G20 khi ông gặp các đồng minh ở Brussels hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: “Chúng tôi tin rằng Nga không thể kinh doanh như bình thường trong các định chế quốc tế và trong cộng đồng quốc tế.”

Tuy nhiên, Hoa Kỳ dự định xem xét ý kiến ​​của các đồng minh trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khác, ông nói.

Trước đó cùng ngày, Ba Lan cho biết họ đã đề nghị với các viên chức thương mại Hoa Kỳ rằng hãy thế chỗ nước này vào vị trí của Nga trong nhóm G20 và đề nghị đó đã nhận được “phản hồi tích cực”.

Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói rằng một “cuộc họp có giá trị” đã được tổ chức vào tuần trước giữa Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Kỹ thuật Ba Lan Piotr Nowak và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, nhưng cho biết thêm:

“Bà ấy (Raimondo) rất vui khi nghe quan điểm của Ba Lan về một số chủ đề, trong đó có hoạt động của G20, nhưng không thay mặt cho Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm đối với đề nghị G20 của Ba Lan.”

Hôm thứ Hai (21/03), phó thống đốc ngân hàng trung ương Dody Budi Waluyo cho biết tại một hội thảo rằng, Indonesia sẽ luôn giữ lập trường trung lập, nhưng lưu ý nguy cơ chia rẽ về vấn đề này, cho biết họ sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo G20 để cố gắng giải quyết mọi vấn đề phát sinh.

Ông nói thêm rằng Nga đã có một “cam kết mạnh mẽ” về việc tham dự các cuộc họp G20 và các thành viên khác không thể cấm họ tham dự.

Putin được Trung Cộng hậu thuẫn để ở lại G20

Vladimir Putin dự định tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp theo ở Indonesia vào cuối năm nay và đã nhận được sự ủng hộ quý giá từ Bắc Kinh vào thứ Tư (23/03) trong một hành động phản đối đề nghị của một số thành viên rằng Nga có thể bị cấm khỏi nhóm này.

Đại sứ Nga tại Indonesia, nước hiện giữ ghế chủ tịch luân phiên G20, cho biết ông Putin dự định đến đảo nghỉ mát Bali của Indonesia để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng Mười Một tới.

Đại sứ Lyudmila Vorobieva trình bày trong một cuộc họp báo: “Chuyện đó sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều, rất nhiều yếu tố, trong đó có tình hình COVID, vốn đang trở nên tốt hơn. Cho đến nay, ý định của ông ấy là... ông ấy muốn [tham dự].”

Khi được hỏi về những gợi ý rằng Nga có thể bị loại khỏi G20, bà cho biết đây là một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề kinh tế chứ không phải về một cuộc khủng hoảng như khủng hoảng Ukraine.

“Tất nhiên việc trục xuất Nga khỏi loại hình diễn đàn này sẽ không giúp giải quyết những vấn đề kinh tế này. Nói cách khác, nếu không có Nga thì khó có thể làm được như vậy.”

Trung Cộng, nước không lên án cuộc xâm lược của Nga và chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã bênh vực Moscow vào thứ Tư, gọi Nga là một “thành viên quan trọng” của G20.

Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối bình luận về lời kêu gọi loại Nga khỏi G20.

Thủ tướng Đức: EU phải hỗ trợ tư cách thành viên của các quốc gia phía Tây Balkan để bảo đảm hòa bình

Hôm thứ Tư (23/03), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Liên minh Âu Châu phải hỗ trợ các quốc gia phía Tây Balkan trong nỗ lực gia nhập khối liên minh này càng sớm càng tốt như một phần trong chiến lược bảo đảm hòa bình khu vực.

“Trong Hội đồng Âu Châu, được xác định là chưa từng có trước đây, chúng tôi sẽ đồng ý hai ngày sau khi có chiến lược an ninh Âu Châu mới,” ông Scholz nói với Hạ viện của Nghị viện Liên bang Đức.

Ông Scholz cho rằng Âu Châu cần tăng cường khả năng đối phó với khủng hoảng liên quan đến chính sách kinh tế cũng như kỹ thuật mới và không gian mạng, cũng như hỗ trợ các nước Tây Balkan trong nỗ lực yêu cầu tư cách thành viên EU của họ.

Nhiều nước trong khu vực Balkan nghi ngờ cam kết của EU, lần đầu tiên được đưa ra cách đây 18 năm, để cuối cùng kết nạp Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, Kosovo, và Albania vào khối.

Người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ tổ chức các cuộc đàm phán về viện trợ ở Moscow

Người đứng đầu Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã đến Moscow để đàm phán với bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Nga về các vấn đề nhân đạo mà cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra.

Dự liệu ​​hôm thứ Tư (23/03), chủ tịch ICRC Peter Maurer sẽ nói về các vấn đề như tù nhân chiến tranh, các hành vi thù địch, và phân phối viện trợ.

Ông Maurer đã đến Ukraine vào tuần trước (14-20/03). Trong thời gian ở Moscow, ông cũng được cho là sẽ gặp người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ Nga, vốn đang giúp đỡ những người vào Nga lánh nạn từ miền đông Ukraine.

Nga mở rộng quy chế cựu chiến binh cho quân nhân tham chiến ở Ukraine

Quốc hội Nga đã thông qua luật mở rộng quy chế cựu chiến binh cho binh sĩ tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine.

Quy chế cựu chiến binh mang lại nhiều phúc lợi khác nhau, chẳng hạn như thanh toán hàng tháng, giảm thuế, giảm giá cho các tiện nghi, và quyền tiếp cận ưu đãi đối với điều trị y tế, v.v.

Duma Quốc gia - Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga - đã thông qua luật này vào thứ Tư (23/03), bốn tuần kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, với ba cuộc tranh luận bắt buộc diễn ra cùng một lúc.


Cảnh quay bằng drone cho thấy xe tăng Nga bị hỏa tiễn Stugna của Ukraine bắn nổ tung


Anh: Chiến tranh ở miền Bắc Ukraine phần lớn “bất biến”, quân Nga đang tái tổ chức

Bộ Quốc phòng Anh cho biết chiến cuộc ở miền bắc Ukraine phần lớn là “bất biến”, trong đó quân đội Nga đang cố gắng tái tổ chức trước khi tiếp tục một cuộc tấn công quy mô lớn.

Ở những nơi khác ở Ukraine, các viên chức quốc phòng Anh cho biết, “Quân đội Nga đang cố gắng bao vây quân đội Ukraine ở phía đông đất nước khi họ tiến từ hướng Kharkiv ở phía bắc và Mariupol ở phía nam.”

Trong một bản cập nhật được đăng trên mạng xã hội hôm thứ Tư (23/03), Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga ở phía nam đang cố gắng phá hủy thành phố Mykolaiv khi họ tiến về phía tây về phía Odesa, một cảng quan trọng của Biển Đen cho đến nay vẫn chưa phải hứng chịu tấn công quy mô lớn.

Thủ tướng Đức nhắc lại rằng Đức sẽ không ủng hộ thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhắc lại rằng đất nước ông sẽ không ủng hộ thiết lập một vùng cấm bay ở Ukraine hoặc cử quân đội can thiệp vào cuộc chiến do Nga tiến hành.

Hôm thứ Tư (23/03), ông Scholz nói với các nhà lập pháp Đức rằng “NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến. Chúng tôi tán đồng về mặt này với các đồng minh Âu Châu và Hoa Kỳ.”

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cho biết Ukraine có thể dựa vào sự giúp đỡ của Đức, ý nói đến việc Đức đã cung cấp viện trợ tài chính và quân sự, áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga, và tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Ukraine.

Ông Scholz cho biết Đức sẽ không ủng hộ việc tẩy chay dầu mỏ, than đá, và khí đốt của Nga, nhưng đang tìm cách loại bỏ các mặt hàng nhập cảng đó bằng cách tìm kiếm các nhà cung cấp khác và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Phát ngôn viên Điện Kremlin phủ nhận cuộc xâm lược của Nga bị đình trệ

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận rằng cuộc xâm lược của Nga bị đình trệ.

Khi được hỏi trên CNN rằng Vladimir Putin đã đạt được những gì ở Ukraine, ông đáp: “Chà, trước hết là vẫn chưa. Ông ấy vẫn chưa đạt được gì cả.” Nhưng ông khẳng định chiến dịch quân sự diễn ra “hoàn toàn theo đúng kế hoạch và các mục tiêu đã được đặt ra từ trước.”

Ông Peskov nhắc lại rằng các mục tiêu chính của ông Putin là “loại bỏ tiềm năng quân sự của Ukraine” và “bảo đảm rằng Ukraine thay đổi từ một trung tâm chống Nga thành một quốc gia trung lập.”

Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ diễn thuyết trước Nghị viện Thụy Điển

Nghị viện Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có bài diễn văn trước Nghị viện Thụy Điển thông qua liên kết video vào thứ Năm (24/03).

Ukraine tố cáo Hungary có ý đồ với lãnh thổ nước này

Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đã đặt nghi vấn trong một bài đăng trên Facebook về điều mà bà mô tả là luận điệu “thân Nga” của Hungary, tố cáo Hungary mong muốn “khí đốt giá rẻ từ Nga” hoặc thậm chí là sự thèm khát lãnh thổ có thể là động lực đằng sau chính sách của Budapest về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Mặc dù chính phủ Hungary đã lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và ủng hộ một số biện pháp trừng phạt, họ vẫn nhất quán biện hộ cho ý muốn “đứng ngoài” cuộc xung đột này và từ chối tham gia cùng các nước khác trong việc gửi vũ khí cho Ukraine.

Epoch Times Staff

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân