TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 09/03/2022
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 09/03/2022

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9646

Bài gửiGửi: Thu Mar 10, 2022 12:31 am    Tiêu đề: Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 09/03/2022

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 09/03/2022


Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến tình hình về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày 09/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.


The Sarcophagus of the Chernobyl Nuclear Reactor number 4 in Chernobyl, Ukraine, on Jan. 25, 2006. (Daniel Berehulak/Getty Images)


Tổng giám đốc IAEA sẽ tổ chức cuộc họp về vấn đề an toàn của nhà máy nguyên tử Ukraine vào 10/03

Người đứng đầu cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết ông sẽ đến Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm (10/03) theo lời mời của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong bối cảnh lo ngại về an ninh của các lò phản ứng nguyên tử Ukraine gia tăng.

Ông Cavusoglu sẽ tổ chức cuộc họp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Antalya, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài đã hơn hai tuần ở Ukraine lấy đi sinh mạng của nhiều nạn nhân hơn. Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, đã tweet vào tối ngày thứ Tư (09/03) rằng ông sẽ tham dự các cuộc họp và hy vọng “đạt được tiến triển về vấn đề cấp bách của việc bảo đảm an toàn và an ninh cho các cơ sở nguyên tử của Ukraine. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ! ”

Hôm thứ Tư (09/03), lo ngại đã gia tăng về sự an toàn của nhà máy nguyên tử Chernobyl. Bị quân đội Nga chiếm giữ ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, nhà máy này hiện đã không còn hoạt động, bị mất điện và phải chuyển sang máy phát điện dự phòng. Cơ quan truyền thông nhà nước cho biết việc mất điện có thể khiến các hệ thống làm mát vật liệu nguyên tử gặp rủi ro. Địa điểm này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga kể từ tuần trước.

Cơ quan quản lý nguyên tử của Ukraine cho biết việc truyền dữ liệu từ xa từ các hệ thống giám sát tại Chernobyl đã bị mất.

Cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Vienna cho biết họ không thấy có động nghiêm trọng nào đến an toàn tại Chernobyl vì có thể “tản nhiệt hiệu quả mà không cần nguồn điện” bằng nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng tại địa điểm này.

Hoa Kỳ sẽ không giao phản lực cơ của Ba Lan cho Ukraine vì lo ngại ông Putin sẽ coi hành động này là ‘leo thang’

Hoa Kỳ sẽ không hành động theo đề nghị của Ba Lan về việc nhận chiến đấu cơ từ đồng minh này rồi chuyển giao cho Ukraine vì lo ngại các viên chức Nga sẽ coi hành động này là “leo thang”, một viên chức Mỹ cho biết hôm 09/03.

Ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn: “Cộng đồng tình báo đã đánh giá việc chuyển giao các phi cơ MiG-29 cho Ukraine có thể bị hiểu lầm là hành động leo thang và có thể dẫn đến phản ứng đáng kể từ Nga, có nguy cơ làm tăng khả năng leo thang quân sự với NATO.”

Dựa trên đánh giá này, vốn được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đồng tình, quân đội nhận định việc chuyển giao có “rủi ro cao” và sẽ không làm như vậy, ít nhất là vào lúc này.


Hỏa tiễn Patriot


Hỏa tiễn Patriot của Hoa Kỳ được điều động tới Ba Lan giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine

Hoa Kỳ đang gửi hai khẩu đội hỏa tiễn đất đối không Patriot tới Ba Lan để “chủ động” chống lại “bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào” đối với các lực lượng của NATO và Hoa Kỳ trong lãnh thổ của liên minh quân sự này.

“Theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng và theo lời mời của các đồng minh Ba Lan của chúng ta, Tướng Wolters, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, đã chỉ thị Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu tái bố trí hai Khẩu đội pháo Patriot cho Ba Lan,” phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Âu Châu Hoa Kỳ (EUCOM) Đại úy Adam Miller cho biết trong một tuyên bố của Ngũ Giác Đài với các hãng thông tấn.

“Hành động khai triển phòng thủ này đang được tiến hành một cách chủ động nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh cũng như lãnh thổ NATO,” tuyên bố nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các hỏa tiễn này “sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào.”

Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận lính cưỡng bách quân dịch có bị cử đến Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng một số lính cưỡng bách quân dịch đang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Diễn biến này xảy ra sau khi Vladimir Putin bác bỏ những tin tức như vậy và nói rằng chỉ có quân nhân chuyên nghiệp mới được cử đi chiến đấu.

Bộ Quốc phòng cho biết thêm rằng một số lính cưỡng bách quân dịch, khi đang phục vụ trong các đơn vị tiếp tế, đã bị quân đội Ukraine bắt làm tù binh kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24/02.

“Thật không may, chúng tôi đã phát giác ra một số sự thật về sự hiện diện của lính cưỡng bách quân dịch trong các đơn vị tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trên thực tế, tất cả những người lính như vậy đã được rút về Nga,” Bộ Quốc phòng cho biết.

Các viên chức Nga cho biết họ đang mở một cuộc điều tra về vấn đề này.


Ukrainian serviceman walks past the vertical tail fin of a Russian Su-34 bomber lying in a damaged building in Kharkiv, Ukraine, Tuesday, March 8, 2022. (AP Photo/Andrew Marienko)


Tình báo Hoa Kỳ: Ước tính 2,000-4,000 quân Nga thiệt mạng, Putin đánh giá thấp Ukraine

Trong một phiên điều trần ngày 08/03 của Ủy ban Tình báo Hạ viện, các viên chức tình báo Mỹ cho biết cuộc chiến của Vladimir Putin nhằm vào Ukraine đã khiến nước này tổn thất hàng ngàn binh sĩ vì Kyiv kiên cường chống lại các lực lượng xâm lược.

Theo Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, số quân Nga thiệt mạng trong cuộc xâm lược cho đến nay ở vào khoảng 2,000 đến 4,000 người. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ước tính này đã được thực hiện với “độ tin cậy thấp”. Ông nói thêm rằng tình hình ở Kyiv có thể trở nên “có phần tuyệt vọng” trong 10 ngày đến hai tuần tới vì Nga đang cắt các nguồn tiếp tế cho thành phố này.

Harris đến Ba Lan giữa tình thế khó xử về phản lực cơ cho Ukraine

Chuyến đi của Kamala Harris tới Warsaw để cảm ơn Ba Lan đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người Ukraine chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga đã có một bước ngoặt bất ngờ trước cả khi bà rời Hoa Thịnh Đốn. Bà sẽ đối diện với một tình thế ngoại giao khó xử không mong đợi vì vấn đề chiến đấu cơ.

Chính phủ Ba Lan hôm thứ Ba (08/03) đã đề ra kế hoạch chuyển chiến đấu cơ do Nga sản xuất đến căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đức, với kỳ vọng sau đó các phi cơ này sẽ được giao cho các phi công Ukraine đang cố gắng chống đỡ lực lượng Nga. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ba Lan phản lực cơ do Hoa Kỳ sản xuất với “khả năng tương ứng”.

Nhưng phía Ba Lan đã không đề nghị ý tưởng đó với chính phủ Biden trước khi công bố công khai, và Ngũ Giác Đài nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này vì không khả thi. Chiến đấu cơ bay từ căn cứ của Hoa Kỳ và NATO vào không phận có tranh chấp với Nga sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Vấn đề về phi cơ này tạo ra một khoảnh khắc bất hòa hiếm hoi trong nỗ lực của phần lớn của các đồng minh NATO nhằm hỗ trợ Ukraine mà không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Nga.

Nga cho biết quân đội Ukraine đánh bom trúng đường dây điện của nhà máy Chernobyl

Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc quân đội Ukraine đánh bom trúng đường dây điện và một trạm biến thế cung cấp năng lượng cho nhà máy điện nguyên tử Chernobyl mà họ cho là một “hành động khiêu khích nguy hiểm”.

Trước đó, Ukraine cho biết có nguy cơ rò rỉ phóng xạ sau khi điện bị cắt ở nhà máy này trong cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga đang chiếm giữ nhà máy điện không còn hoạt động này, nhưng cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc cho rằng “không có tác động nghiêm trọng nào đến sự an toàn”.

Putin: ‘Những người theo chủ nghĩa dân tộc’ cản trở các cuộc di tản

Vladimir Putin đã quy trách nhiệm cho những người Ukraine “theo chủ nghĩa dân tộc” vì đã cản trở việc di tản dân thường khỏi các thành phố bị bao vây của Ukraine.

Điện Kremlin nói rằng ông Putin đã thảo luận về tình hình ở Ukraine trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư (09/03) với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với “sự nhấn mạnh đặc biệt vào các khía cạnh nhân đạo”. Điện nói rằng ông Putin đã nói với ông Scholz về “những nỗ lực của Nga để tổ chức các hành lang nhân đạo cho dân thường thoát khỏi các khu vực giao tranh và nỗ lực của các chiến binh dân quân từ các đơn vị của những người theo chủ nghĩa dân tộc để cản trở việc di tản an toàn cho người dân.”

Các viên chức Ukraine cho biết, các cuộc pháo kích liên tục của Nga đã khiến các nỗ lực di tản dân thường khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh thất bại.


Debris is seen on site of the destroyed Mariupol children's hospital as Russia's invasion of Ukraine continues, in Mariupol, Ukraine, March 9, 2022 in this still image from a handout video obtained by Reuters. Ukraine Military/Handout via REUTERS


Ukraine buộc tội Nga phá hủy bệnh viện nhi đồng ở Mariupol

Hôm thứ Tư (09/03), các viên chức ở thành phố Mariupol của Ukraine cáo buộc rằng quân đội Nga đã ném bom oanh tạc một bệnh viện nhi đồng và một khu hộ sinh, khiến chính phủ Kyiv đưa ra thêm nhiều lời kêu gọi thi hành vùng cấm bay.

“Các lực lượng chiếm đóng của Nga đã thả một số quả bom xuống bệnh viện nhi đồng. Sự tàn phá là rất nghiêm trọng,” hội đồng thành phố Mariupol cho biết trên mạng xã hội, nói thêm rằng một khu hộ sinh đã bị tấn công. Không rõ liệu có thương vong hay không.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập tuyên bố Nga tấn công bệnh viện này. Trước đó, Nga đã phủ nhận việc nhắm vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự trong khuôn khổ chiến dịch của họ ở Ukraine.

Tính đến chiều hôm thứ Tư (09/03), các viên chức Nga chưa đưa ra bất kỳ phản hồi công khai nào đối với các tuyên bố của Ukraine.

Các viên chức cao cấp nhất trong chính phủ của Kyiv, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã cáo buộc Nga thực hiện vụ tấn công vào bệnh viện.



Nga tố cáo họ tìm thấy kế hoạch bí mật tấn công các khu vực ly khai của Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), Bộ Quốc phòng Nga tố cáo rằng họ đã tìm thấy các tài liệu mật cho thấy chính phủ Ukraine đang lên kế hoạch tấn công nhắm vào các khu vực ly khai ở Donbas.

Bộ này cùng với Bộ Ngoại giao Nga đã đăng kế hoạch xâm lược bị tố cáo của chính phủ Ukraine lên mạng xã hội. The Epoch Times vẫn chưa thể xác minh tính xác thực của bản kế hoạch này.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trên trang Telegram của Bộ Ngoại giao: “Văn kiện này phê chuẩn cơ cấu tổ chức và biên chế của nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thuộc lữ đoàn tác chiến số 4 của Vệ binh Quốc gia, tổ chức hỗ trợ toàn diện và tái phân công nhóm tác chiến này cho lữ đoàn tấn công đường không biệt lập số 80 của Ukraine.”

Đơn vị này thuộc “lực lượng tấn công đường không của Ukraine được các huấn luyện viên người Mỹ và người Anh huấn luyện từ năm 2016,” ông cho biết thêm.

Thủ tướng Olaf Scholz: Đức không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông không ủng hộ việc cung cấp chiến đấu cơ MiG cũ cho Ukraine.

Vào cuối ngày thứ Ba (08/03), Ba Lan đã đề nghị cung cấp cho Hoa Kỳ 28 chiến đấu cơ MiG-29 để Ukraine sử dụng. Các viên chức Hoa Kỳ cho biết đề nghị này là “không khả thi”, nhưng họ sẽ tiếp tục xem xét ý kiến ​​của Ba Lan và các đồng minh NATO khác.

Hôm thứ Tư (09/03), ông Scholz đã được hỏi liệu Đức có sẵn lòng cho phép một cuộc chuyển giao như vậy hay không và liệu ông có sợ bị cuốn vào cuộc xung đột khi phản lực cơ được vận chuyển qua Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức – như đề nghị của Ba Lan – hay không.

Ông Scholz lưu ý rằng Đức đã viện trợ tài chính và nhân đạo, cũng như một số vũ khí cho Ukraine. Ông nói thêm, “nếu không, chúng tôi phải xem xét rất kỹ những gì chúng tôi làm về các điều khoản rõ ràng, và điều đó chắc chắn không bao gồm các chiến đấu cơ.”

‘Không có tác động nghiêm trọng đến sự an toàn’ tại nhà máy nguyên tử Chernobyl

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết “không có tác động nghiêm trọng nào” đối với sự an toàn của khu nguyên tử Chernobyl ở Ukraine sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và các viên chức khác đưa ra báo động về khả năng rò rỉ phóng xạ trong đêm.

Ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan này, cho biết chính phủ của Kyiv đã thông báo cho cơ quan nguyên tử của Liên Hiệp Quốc tại nhà máy điện này rằng nhà máy “vi phạm trụ cột an toàn chính về bảo đảm cung cấp điện không bị gián đoạn,” nhưng “IAEA không thấy tác động nghiêm trọng nào đến sự an toàn,” theo một bài đăng trên Twitter hôm thứ Tư (09/03).

“IAEA cho biết tải lượng nhiệt của bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và khối lượng nước làm mát tại Nhà máy Điện nguyên tử Chernobyl đủ để tản nhiệt hiệu quả mà không cần cung cấp điện,” dòng tweet của IAEA tiếp tục cho biết.

Diễn biến này xảy ra vài giờ sau khi Cơ quan Thanh tra Quản lý Nhà nước về nguyên tử của Ukraine cho biết nhà máy nguyên tử Chernobyl bị mất điện, đưa ra báo động về khả năng rò rỉ phóng xạ. Vài ngày sau cuộc xâm lược ngày 24/02, quân đội Nga đã chiếm được nhà máy nằm dọc theo biên giới Ukraine-Belarus này, cách Kyiv khoảng 60 dặm về phía bắc, các viên chức Ukraine xác nhận.



Các viên chức tình báo Hoa Kỳ đang nghiêm chỉnh xem xét những lời đe dọa nguyên tử từ ông Putin

Hôm 08/03, các viên chức tình báo Hoa Kỳ cho biết họ đang xem xét những lời đe dọa nguyên tử từ Vladimir Putin một cách nghiêm chỉnh.

“Việc này rất bất thường. Và đương nhiên chúng tôi xem xét nó rất nghiêm chỉnh khi ông ấy đưa ra những tín hiệu theo cách này,” Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn.

Ông Putin đã đặt các lực lượng nguyên tử của mình trong tình trạng báo động cao vào tháng Hai. Hoa Kỳ đã không phản ứng gì ngoài việc trì hoãn một vụ phóng thử hỏa tiễn nhằm giảm căng thẳng.

Một thông báo công khai như vậy đã không được đưa ra kể từ những năm 1960, theo bà Haines, khi mô tả ông Putin đang “làm bộ làm tịch” với mục tiêu ngăn cản sự ủng hộ hơn nữa của phương Tây đối với Ukraine.

Trong khi quân đội Nga vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn dự liệu, “ông Putin có thể vẫn tự tin rằng Nga có thể đánh bại Ukraine về mặt quân sự và muốn ngăn cản sự hỗ trợ của phương Tây khỏi việc làm nghiêng cán cân và buộc phải xảy ra xung đột với NATO,” bà Haines cho biết.

Ukraine cấm xuất cảng lúa mì trong bối cảnh dân thường chạy nạn

Ukraine đã cấm xuất cảng lúa mì trong bối cảnh thường dân đang tìm kiếm các lối thoát hiểm và lo ngại về an toàn tại các nhà máy nguyên tử của đất nước đang chìm trong chiến tranh này ngày càng gia tăng.

Khi cuộc xâm lược của Nga kết thúc tuần thứ hai, việc nuôi sống những người dân đang tuyệt vọng trở thành mối lo ngại ngày càng sâu sắc. Chính phủ Ukraine đã cấm xuất cảng lúa mì trọng yếu đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trong nước.

Cuộc sống ngày càng trở nên tuyệt vọng ở các thành phố bị cắt điện và đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Thành phố cảng Mariupol bị tàn phá nghiêm trọng, thiếu nước sinh hoạt, hệ thống sưởi, hệ thống vệ sinh, và dịch vụ điện thoại.

Ba Lan sẵn sàng cung cấp các chiến đấu cơ MiG cho Ukraine nhưng phải thông qua NATO

Hai chiến đấu cơ MiG-29 của Ba Lan bay trên căn cứ không quân ở Malbork, Ba Lan, hôm 29/04/2014. (Hình: Joel Saget/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Tư (09/03), thủ tướng Ba Lan cho biết Ba Lan sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ do Nga sản xuất cho Ukraine thông qua NATO. Nhưng ông nói thêm rằng đó là một “quyết định rất nghiêm chỉnh” cần được thực hiện bởi tất cả các thành viên liên minh NATO vì điều này ảnh hưởng đến an ninh rộng lớn hơn.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết quyết định có cung cấp các phi cơ MiG-29 cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga hay không hiện nằm trong tay NATO và Hoa Kỳ.

“Ba Lan không phải là một bên trong cuộc chiến này... và NATO cũng không phải là một bên trong cuộc chiến này,” ông Morawiecki nói trong chuyến thăm đến Vienna. “Một quyết định nghiêm chỉnh như việc chuyển giao phi cơ phải được toàn thể Liên minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý và dứt khoát thực hiện.”

Ông Morawiecki cho biết các cuộc đàm phán về chủ đề này vẫn đang tiếp tục.

Ukraine đã kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ. Ba Lan đã phúc đáp hôm thứ Ba (08/03) bằng cách đề nghị chuyển các phi cơ của mình đến một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đức, với kỳ vọng rằng các phi cơ này sau đó sẽ được giao cho các phi công Ukraine. Ngũ Giác Đài phản hồi bằng cách nói rằng họ không biết về kế hoạch này, điều mà họ cho là “không khả thi”.

EU đồng ý về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì xâm lược Ukraine

Các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga, nhắm vào các nhà tài phiệt và thân nhân của họ.

Ngoài các biện pháp đã được áp dụng nhắm vào Vladimir Putin, hệ thống tài chính của Nga, và ngành kỹ thuật cao của nước này, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 160 cá nhân và bổ sung các hạn chế mới đối với việc xuất cảng kỹ thuật định hướng hàng hải và liên lạc vô tuyến. Các biện pháp bổ sung cũng nhắm vào đồng minh của Nga là Belarus.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu của Pháp cho biết họ sẽ loại ba ngân hàng Belarus khỏi SWIFT, hệ thống chủ chốt của các giao dịch tài chính toàn cầu.


Graphic images show mortuary workers digging trenches 25m long at one of the old cemeteries in the besieged port city of Mariupol, and making the sign of the cross as they pushed dead bodies wrapped in carpet or bags over the edge


Nga-Ukraine thông báo một lệnh ngừng bắn mới để thường dân chạy thoát khỏi các thành phố bị bao vây

Người dân Ukraine băng qua một lối đi dựng tạm dưới chân một cây cầu bị phá hủy trong khi trốn chạy khỏi Irpin, ngoại ô Kyiv, Ukraine, hôm 08/03/2022. (Hình: Felipe Dana/AP Photo)

Các nhà chức trách Ukraine đã thông báo một lệnh ngừng bắn từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối dọc theo một số tuyến đường di tản thường dân ở các thành phố bị bao vây hoặc bị chiếm đóng.

Hôm thứ Tư (09/03), Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết các nhà chức trách Nga đã xác nhận lệnh ngừng bắn dọc theo các hành lang di tản với những người đồng cấp Ukraine và Hội Chữ Thập Đỏ.

Bà cho biết các tuyến đường dẫn ra khỏi thành phố Sumy ở phía đông bắc, thành phố Mariupol trên bờ Biển Azov, thành phố Enerhodar ở phía nam, thành phố Volnovakha ở phía đông nam, thành phố Izyum ở phía đông, và một số thị trấn trong vùng Kyiv.

Tất cả các hành lang dẫn đến các địa điểm khác ở Ukraine hiện đều do chính phủ Ukraine nắm giữ.

Tuyến đường ra khỏi thành phố Sumy, ở biên giới Nga, là tuyến đường duy nhất được sử dụng thành công cho đến nay, cho phép di tản 5,000 người về phía tây nam đến thành phố Poltava vào hôm thứ Ba (08/03).

Hôm thứ Tư (09/03), các viên chức Ukraine đã công bố các video cho thấy những chiếc xe tải và xe buýt có biểu tượng Chữ Thập Đỏ đang tiến đến các thành phố bị bao vây.

Ba Lan tuyên bố các nước NATO phải chung tay hành động về việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), các viên chức hàng đầu của Ba Lan cho biết bất kỳ việc cung cấp chiến đấu cơ nào cho Ukraine đều phải được thực hiện thông qua NATO, sau khi Hoa Thịnh Đốn từ chối đề nghị của Ba Lan về việc vận chuyển tất cả các phản lực cơ MIG-29 của họ đến một căn cứ không quân của Hoa Kỳ nhằm chuyển các phi cơ này tới Kyiv.

Ukraine đã khẩn cầu các quốc gia phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho nước này để chống lại một cuộc xâm lược của Nga, vốn đã buộc hơn 2 triệu người tị nạn phải chạy trốn khỏi đất nước, và các nhà lập pháp Mỹ đã hồi đáp bằng cách thúc đẩy chính phủ Joe Biden tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao phi cơ.

Hôm thứ Ba (08/03), Ba Lan cho biết họ đã sẵn sàng để khai triển tất cả các phản lực cơ MIG-29 của mình đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Hoa Kỳ chuyển giao, khi kêu gọi các thành viên NATO khác cũng làm như vậy. Sau đó, Ngũ Giác Đài đã bác bỏ đề nghị này vì không “khả thi”.

“Hoa Kỳ không muốn những phi cơ này đến Ukraine từ các căn cứ của Hoa Kỳ,” ông Jakub Kumoch, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Ba Lan, nói với đài truyền hình công TVP Info. “Ba Lan đã sẵn sàng hành động, nhưng chỉ trong khuôn khổ liên minh, trong khuôn khổ NATO.”

Bộ Quốc phòng Nga báo động rằng các quốc gia cung cấp phi trường cho Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công đối với Nga có thể bị coi là can dự vào cuộc xung đột.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói với đài phát thanh công cộng Polskie Radio 1 rằng Ba Lan phải ưu tiên an ninh của mình khi cân nhắc đến việc cung cấp phản lực cơ cho Ukraine.

Ông nói: “Không thể có chuyện Ba Lan - với tư cách là quốc gia NATO duy nhất - chấp nhận rủi ro, và các nước khác sẽ không phải bồi thường hoặc chia sẻ điều đó với chúng ta theo bất kỳ cách nào.”


Ukrainian soldiers and members of the territorial defence forces announced today that invaders who reach the capital 'are going to burn' as they got to grips with new weapons


Báo động không kích được ban bố ở Kyiv khi giao tranh tiếp diễn

Sáng thứ Tư (09/03), một báo động không kích đã được ban bố trong và xung quanh Kyiv, với những người dân được yêu cầu đến các hầm tránh bom càng nhanh càng tốt.

“Vùng Kyiv 5 báo động không kích. Nguy cơ có một cuộc tấn công hỏa tiễn. Mọi người ngay lập tức đến nơi trú ẩn,” người đứng đầu chính phủ khu vực Oleksiy Kuleba cho biết trên Telegram.

Gần hai tuần sau cuộc xâm lược, quân đội Nga đã tiến sâu dọc theo bờ biển của Ukraine. Thành phố Mariupol, nằm trên Biển Azov, đã bị binh lính Nga vây hãm trong nhiều ngày và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại thành phố 430,000 dân bị bao vây này.

Các lực lượng của Moscow đã bao vây các thành phố của Ukraine trong nhiều ngày. Các nỗ lực tạo hành lang để di tản dân thường một cách an toàn đã vấp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến sự tiếp tục diễn ra.

Trên khắp đất nước, hàng ngàn người được cho là đã thiệt mạng, cả dân thường và binh lính, trong gần hai tuần giao tranh. Quân đội Nga đã chứng kiến ​​những bước tiến của họ bị dừng lại ở một số khu vực - bao gồm cả xung quanh thủ đô Kyiv - bởi sự kháng cự mạnh hơn dự liệu ​​của người Ukraine.

Giám đốc Tình báo Úc: Trong lúc Nga tấn công Ukraine, Trung Cộng dòm ngó Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Một “sự hội tụ chiến lược mới đáng lo ngại” giữa Bắc Kinh và Moscow đã phát triển và nguy cơ xảy ra “xung đột lớn giữa các cường quốc” đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, giám đốc tình báo Úc cho biết hôm thứ Tư (09/03).

Ông Andrew Shearer, Tổng giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Úc, cho biết lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình dường như đang lên kế hoạch thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sử dụng nơi này làm căn cứ để vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.

Các bình luận này củng cố báo động rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã vấp phải sự lên án gần như của toàn bộ phương Tây, có thể lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực hoặc toàn cầu. Tuần này (07-13/03), Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi các nền dân chủ tự do ngăn chặn một “vòng cung chế độ chuyên quyền” đang định hình lại thế giới.

“Chúng ta sẽ phải làm việc cật lực hơn nữa để duy trì phẩm chất của nền tự do đến từ trật tự dựa trên luật lệ ở Âu Châu và ở đây tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Shearer nói tại một hội nghị do Australian Financial Review tổ chức.

Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy một nhà lãnh đạo đang thực sự chuẩn bị và tăng cường sức mạnh cho đất nước của mình trong cuộc chiến nhằm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.”

“Căn cứ này... là để thiết lập vị trí đứng đầu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

EU đề ra kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Hôm thứ Ba (08/03), Ủy ban Âu Châu đã công bố kế hoạch để cắt giảm ⅔ sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”.

Người đứng đầu Liên minh Âu Châu cho biết họ sẽ làm như vậy bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch, điều này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện.


The video, filmed this morning in the town of Irpin on the outskirts of the Ukrainian capital, shows several Russian tanks and over a dozen soldiers slowly trundling through a residential area


Theo các viên chức Hoa Kỳ, Nga đã đánh giá thấp khả năng kháng cự của Ukraine

Hoa Kỳ tin rằng Nga đã đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine trước khi tiến hành một cuộc xâm lược có khả năng gây ra thương vong cho hàng ngàn người Nga, viên chức tình báo hàng đầu của chính phủ Biden nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba (08/03).

Lời chứng nói trên, được đưa ra trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, là đánh giá công khai đầu tiên về cuộc chiến kéo dài hai tuần của các viên chức tình báo cao cấp của quốc gia, những người đưa ra những hiểu biết sâu sắc của họ về suy nghĩ và động cơ của Vladimir Putin, trong bối cảnh lực lượng của ông tiếp tục cuộc hành quân của họ qua Ukraine.

Các viên chức khẳng định rằng cuộc tấn công của Nga đã bị đình trệ bởi sự kháng cự bất ngờ của quân phòng thủ Ukraine và hiện không chắc liệu ông Putin có tiếp tục chiến lược “theo cách tối đa” để cố gắng chiếm toàn bộ Ukraine hay sẽ chấp nhận đạt được một thứ gì đó ít giá trị hơn. Dù sao đi nữa, họ cho biết họ tin rằng ông đã quyết tâm đẩy mạnh cuộc xâm lược của mình bất chấp thương vong gia tăng, các lệnh trừng phạt toàn cầu, và nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm cô lập Điện Kremlin, trong đó có cả một lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với dầu nhập cảng từ Nga.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng ông Putin đang cảm thấy đau khổ khi phương Tây không dành cho ông ấy sự tôn trọng thích đáng và coi đây là cuộc chiến mà ông ấy không thể để thua. Nhưng những gì ông ấy có khả năng sẵn sàng chấp nhận với tư cách là một chiến thắng có thể thay đổi theo thời gian với những tổn thất đáng kể mà ông ấy đang phải gánh chịu.”

Ngũ Giác Đài cho biết đề nghị gửi chiến đấu cơ cho Ukraine của Ba Lan là không khả thi

Cuối ngày 08/03, Ngũ Giác Đài cho biết rằng đề nghị gửi chiến đấu cơ của Ba Lan là không khả thi, sau khi Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố sẽ khai triển phi cơ phản lực MiG-29 đến Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Hoa Kỳ tại Đức “và đặt chúng dưới quyền sử dụng của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết thêm, việc khai triển 28 chiếc MiG-29 sẽ diễn ra ngay lập tức và miễn phí. “Đồng thời, Ba Lan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho chúng tôi các phi cơ đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng,” bộ cho biết trong một tuyên bố.

Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO khác sở hữu phi cơ MiG-29 chuyển giao phi cơ của họ cho Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố vào cuối ngày 08/03, Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John F. Kirby cho biết: “Viễn cảnh chiến đấu cơ ‘theo sự điều động của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ’ khởi hành từ căn cứ của Hoa Kỳ/NATO ở Đức để bay vào không phận đang tranh chấp với Nga trên bầu trời Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO.”

“Chúng tôi chỉ đơn giản là không rõ có lý do căn bản nào cho việc hành xử như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề nghị của Ba Lan là một đề nghị khả thi,” ông cho biết.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cảnh cáo các công ty Trung Cộng không giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt

Hôm 08/03, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã thẳng thừng cảnh cáo các công ty Trung Cộng không vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại chống lại Nga bằng cách cung cấp cho quốc gia hiếu chiến này vi mạch bán dẫn và các vật tư khác cần thiết để duy trì nỗ lực chiến tranh chống lại Ukraine. Bà nói, các công ty không tuân thủ các lệnh trừng phạt có thể “về căn bản là bị đóng cửa”.

Bà Raimondo, trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, cho biết Nga “chắc chắn sẽ kêu gọi các quốc gia khác chấm dứt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng của chúng tôi,” nhưng đã đưa ra một tối hậu thư nghiêm khắc cảnh cáo các công ty không hợp tác với bất kỳ hành vi gian lận nào như vậy.

Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh cách mà chính phủ Biden có thể dễ dàng đóng cửa nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Cộng - Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) - hay bất kỳ công ty nào khác cung cấp kỹ thuật của họ cho Nga. Bà nói thêm rằng theo quan điểm riêng của các công ty việc không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là điều phi lý.

Bà Raimondo nói rằng, “Họ có tư lợi riêng khi không cung cấp những thứ này cho Nga. Thế nên họ không sẽ cung cấp vì lòng tốt của họ. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất vi mạch bán dẫn của Trung Cộng.”

Hội đồng thành phố Los Angeles lên án hành vi xâm lược

Các nhà lập pháp tại thành phố đông dân thứ hai nước Mỹ hôm thứ Ba (08/03) đã thông qua nghị quyết lên án hành động của Vladimir Putin trong cuộc chiến chống Ukraine.

Hội đồng thành phố Los Angeles đã bỏ phiếu với tỷ lệ 14-0 để thông qua nghị quyết, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế thoái vốn cổ phần ở Nga.

Hội đồng Giám sát ở Quận Cam lân cận đã nhất trí thông qua một nghị quyết tương tự hôm thứ Ba. Hội đồng khuyến khích quận cắt đứt quan hệ với bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào do Nga hậu thuẫn. Quận hiện không có bất kỳ khoản đầu tư trực tiếp nào vào Nga.

Tại Los Angeles, các thành viên của Hội đồng Thành phố bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, lên án “những hành động khủng khiếp phản nhân loại” và bày tỏ lo ngại rằng lịch sử đang lặp lại.

Người Belarus ở Ukraine chuẩn bị tham chiến chống Nga

Người Belarus sống ở Ukraine đã thành lập một đơn vị quân đội và chuẩn bị tham gia cuộc chiến chống Nga.

Anh Jan Derbeiko, 26 tuổi, cho biết anh đã sống ở Kyiv từ tháng 11/2020 sau khi bị buộc phải rời Belarus vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko.

“Tôi có một công việc và tôi có những kế hoạch cho tương lai, nhưng chiến tranh đã xảy ra ở đây,” anh Derbeiko nói. “Ngay lúc đó, tôi quyết định ở lại đây. Tôi đã mất đi quê hương mình và bây giờ quê nhà mới của tôi đang bị phá hủy.”

Anh Derbeiko kêu gọi tất cả người dân Belarus “còn chút lương tâm và danh dự” cung cấp “sự hỗ trợ tối đa cho người Ukraine.”

Anh cho biết đơn vị Belarus, vốn ngày càng lớn mạnh hơn mỗi ngày, đang chuẩn bị vào vị trí của họ khi lính Nga tấn công Kyiv.

Epoch Times Staff

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân