TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vào ngành Y KHOA ở Mỹ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vào ngành Y KHOA ở Mỹ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sinh Hoạt của hậu duệ trung học Duy Tân
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7318

Bài gửiGửi: Thu Dec 09, 2021 2:27 am    Tiêu đề: Vào ngành Y KHOA ở Mỹ


Vào ngành Y KHOA ở Mỹ


Học ngành Y KHOA ở Mỹ

ĐẶNG QUANG TÂM, MD

( BS Mai Thủy Tiên sưu tầm)

Việc xin vô học Y Khoa không dễ như những ngành khác.

Ở Mỹ có hai loại trường Y Khoa: trường MD (Doctor of Medicine) và trường DO (Doctor of Osteopathic Medicine). Sinh viên tốt nghiệp ở hai trường này điều đủ điều kiện để dự kỳ thi lấy bằng hành nghề bác sĩ ở Mỹ (1).

Trường MD có lâu đời hơn và điều kiện xin vô học khó hơn trường DO. Cả hai đều học cùng một chương trình và kéo dài bốn năm. Song, trường DO còn phải học thêm 200 giờ OMM (Osteopathic Manual Medicine). Đây là phương pháp dùng tay để định bịnh, trị bịnh và ngừa bịnh.

Hiện giờ ở Mỹ có 154 trường MD và 38 trường DO. Năm 2020, trường MD có 20,387 người tốt nghiệp và trường DO có 7,448 sinh viên tốt nghiệp.

Việc xin vô học Y Khoa không dễ như những ngành khác. Nội việc nộp hồ sơ xin học thôi cũng đã rất phức tạp. Ngoài điểm trung bình học bạ (GPA), giấy tự giới thiệu bản thân (personal statements), giấy giới thiệu của trường, của thầy dạy, giấy chứng nhận làm thiện nguyện trong nhà thương, giấy làm việc cho bác sĩ đở đầu, giấy chứng nhận làm nghiên cứu sinh, còn có điểm thi MCAT (Medical College Admission Test).

Trong số giấy tờ nộp đơn này, điểm thi MCAT, GPA và giấy tự giới thiệu bản thân là quan trọng nhất. Trong giấy tự giới thiệu, bạn phải giải thích lý do mình muốn trở thành bác sĩ và tại sao trường sẽ chọn bạn thay vì những thí sinh khác.

Còn trong ba giấy tờ nộp đơn đó, điểm thi MCAT là quan trọng nhất. Vậy thì MCAT là cái gì? MCAT là kỳ thi trên toàn nước Mỹ để xin vào học trường Y Khoa (2). Điểm thi MCAT là điểm chuẩn dùng để lọc hồ sơ nộp đơn. Trừ một số rất ít học sinh trung học quá xuất sắc được tuyển thẳng vào trường Y (3), 99.9% phải học ít nhất hai năm dự bị Y Khoa, rồi mới đi thi MCAT.

Đây là cuộc thi không có chuyện đậu hay rớt. Vấn đề là thi được bao nhiêu điểm. Tùy số điểm thi MCAT mà trường Y sẽ gọi đi phỏng vấn. Rất ít người chỉ học hai năm dự bị rồi đi thi MCAT, 99% học hết bốn năm mới dám đi thi.

Trường Y không cần bạn tốt nghiệp bốn năm đại học. Tuy nhiên, nếu bạn tốt nghiệp Cử Nhân Toán, Triết, Văn Chương hoặc Kỹ Sư Điện, Hoá, Cơ Khí hay bất cứ bằng cấp bốn năm nào khác, đơn của bạn sẽ được cứu xét ưu tiên hơn. Nhưng nếu bạn có bằng bốn năm (BS) hoặc cao hơn (MS, PhD) (4), mà điểm thi MCAT của bạn thấp thì hồ sơ của bạn sẽ có số phận hẩm hiu.

Điều kiện bắt buộc để nộp đơn vô học Y là bạn phải có hai năm Dự Bị. Trong hai năm đó, bạn phải học: 2 lớp Vật Lý; 2 lớp Hóa Đại Cương (General Chemistry) ; 2 lớp Hóa Hữu Cơ (Organic Chemistry) ; 2 lớp Vạn Vật (Biology 1 &2) hoặc 2 lớp Sinh Hóa (Biochemistry) ; 2 lớp Toán (Calculus 1&2) ; 1 lớp Toán Xác Xuất; 2 lớp Anh Văn; 1 lớp Tâm lý Học (Psychology) và 1 lớp Xã Hội Học (Sociology).Tất cả những lớp này đều phải lấy ở trường Đại Học của Mỹ. Trường Y không nhận những tín chỉ dự bị Y Khoa lấy ở các trường ngoài nước Mỹ, dù bạn có bằng MS hoặc Ph D ở trường Mỹ. Nói rõ hơn, bạn phải lấy lại phần lớn những cua căn bản như Vật Lý, Hóa Học, Vạn Vật và Sinh Hóa ở trường Mỹ.

Bài thi MCAT có bốn phần. Điểm tối đa mỗi phần là 132, thấp nhứt là 118. Như vậy, điểm lớn nhất của MCAT là 528. Điểm thấp nhất là 472. Điểm trung bình của thí sinh là 500. Điểm trung bình để vào học trường MD là 510, trường DO là 506. Cộng 4 và trừ 4 vào điểm trung bình cho ta điểm tối đa và tối thiểu MCAT của 80% sinh viên được chọn vào học. Số 4 này được tính từ công thức: 80% diện tích của Bell shape =1,285xđộ lệch chuẩn (standard of deviation), trong trường hợp này, độ lệch chuẩn trung bình của MCAT từ 2016-2020 là 3. Như vậy 1,285×3 gần bằng 4, tính như là 4 đi. Điểm tối thiểu là điểm trường dùng để lọc hồ sơ. Dưới điểm này khó được trường cứu xét hồ sơ.Sau đây là bốn phần của bài thi MCAT:

1. Căn bản Vật Lý và Hóa Học (Chemical and Physical Foundations of Biological Systems)

2. Đọc và hiểu Anh Văn (Critical Anlysis and Reasoning Skills)

3. Vạn Vật và Sinh Hóa (Biological and Biochemical Foundation of Living Systems)

4. Tâm Lý Học, Xã Hội Học và Cách ứng xử trong Vạn Vật Học (Psychological, Social, and Biological Foundations of Behavior).

Trong hai phần, Vật Lý Hóa Học và Vạn Vật Sinh hóa, 1/4 câu hỏi là câu hỏi đơn, 3/4 là đoạn văn dài, mỗi đoạn có khoảng ba câu hỏi.

MCAT là kỳ thi trên toàn nước Mỹ để xin vào học trường Y Khoa. (Hình: ULISES RUIZ/AFP via Getty Images)

Câu hỏi đơn là câu hỏi trực tiếp (stand alone) về kiến thức. Nếu bạn giỏi, bạn sẽ dể trả lời trúng. Do COVID-19, bài thi MCAT bị rút ngắn, họ bỏ tất cả các câu hỏi đơn. Tôi biết một thí sinh gốc Việt, có bằng MS of Med Science (4), thi MCAT trước COVID-19 được 506, nộp đơn chỉ được một trường kêu đi phỏng vấn, được xếp dự khuyết, nhưng không được kêu vô nhập học. Năm sau đi thi lại MCAT, vì không còn những câu hỏi đơn, chỉ thi được 502, phần đọc và hiểu tiếng Anh giảm từ 125 xuống chỉ còn 123. Thê thảm.

Đối với những thành phần thiểu số cần được nâng đỡ (người Mêxico, Mỹ gốc Phi và dân da đỏ bản xứ) hoặc gia cảnh nghèo khó, chỉ cần 499 là được kêu đi phỏng vấn. Những thành phần khác, điểm được kêu đi phỏng vấn phải trên 506 là ít nhất. Điểm trung bình để vào học Y MD thường khoảng 510. Những trường Y MD có tiếng ở Texas như Baylor hoặc UT Southwestern điểm trung bình là 514, điểm tối thiểu được họ kêu đi phỏng vấn là 510.

Đây là cuộc thi rất khó. Cách đây vài năm, tôi có đọc một bài viết của một vị phụ huynh ở California khoe đủ thứ về đứa con học trường chuyên của mình ở Việt Nam. Cậu con này chỉ mới qua Mỹ hai năm là đi thi MCAT. Cậu về nói với phụ huynh là bài thi MCAT rất dễ, chỉ cần học xong trung học ở Việt Nam là đủ sức đi thi.

Cái đó tôi cho là nói chơi, bởi 38 năm trước, tôi đã dại dột vác đầu đi thi MCAT nên tôi biết nó khó lắm. Hồi đó, thi MCAT mất hai ngày, bây giờ rút ngắn lại chỉ còn một ngày. Thi xong, bảo đảm ai cũng mệt mỏi và chỉ muốn... đi ngủ.

Điểm thi MCAT mỗi năm mỗi cao hơn. Số người nộp đơn xin học tăng mỗi năm, gắp đôi so với bốn năm về trước. Có nhiều sinh viên phải bỏ ra từ sáu tháng đến một năm để “gạo.” Đủ biết chuyện thi MCAT “sinh tử” thế nào.

Tại sao bài thi MCAT khó? Đối với học sinh sanh đẻ ở Mỹ, bài đọc và hiểu Anh Văn đã khó, học trò ngoại quốc thì phải nói trăm lần khó hơn. Đừng thấy người ta nói tiếng Anh như “bắp rang” rồi nghỉ là họ sẽ thi bài này được điểm cao. Trong giao tiếp hằng ngày, chỉ cần 200 chữ là ta có thể đủ sức “nổ” tiếng Anh, nhưng muốn thi MCAT phải cần ít nhứt 1,500 chữ.

Học sinh ngoại quốc thi phần này được từ 123 đến 124 là quá giỏi, nhưng 124 là điểm dưới trung bình. Nếu bạn không thuộc thành phần cần được nâng đỡ, dưới điểm này hồ sơ của bạn sẽ khó được cứu xét. Tiếng Mỹ gọi điểm này là điểm cut off.

Học trò gốc Việt sanh đẻ ở Mỹ, thi phần đọc Anh Văn này phần lớn được từ 124 đến 127 (6). Nhưng đâu phải chỉ bài thi đọc và hiểu Anh Văn là khó thôi đâu, những bài khác cũng rất khó. Đó là những đề thi dài cả trang giấy, nội chuyện đọc không thôi là đã nhức đầu rồi, đừng nói đến trả lời mấy câu hỏi sau đó.

Các phụ huynh không nên ép con mình nếu nó không có khả năng. (Hình: Jens Schlueter/Getty Images)

Bài thi về Tâm Lý, Xã Hội cũng vậy. Đó là những đoạn văn dài bàn về các vấn đề dính líu đến Tâm Lý, Xã Hội nhưng sau đó là những câu hỏi hóc búa về các đồ biểu (graph) trong đoạn văn. Tức là nó thuộc loại problem solving. Bạn cần phải có khả năng phân tích dữ kiện để xử lý nó. Không dễ trả lời 59 câu hỏi trong 95 phút nếu bạn phải đọc tới, đọc lui để hiểu câu hỏi.

Tóm lại, bài thi MCAT là bài thi đọc tiếng Anh, loại tiếng Anh rắc rối. Nó hoàn toàn khác hẳn với những bài thi ở trường bạn học. Những câu hỏi trong bài thi này, ngoài chuyện bạn phải hiểu rất rõ câu hỏi, bạn phải biết phân tích rồi mới trả lời trúng được.

Ở Mỹ, đi học dự bị Y Khoa không có nghĩa là đi học Y Khoa. Cứ 30 người đi học dự bị, sau hai năm sẽ chỉ còn 10 người là có gan tiếp tục theo đuổi, phần còn lại phải bỏ cuộc.

Tại sao phải bỏ cuộc? Dễ hiểu thôi. Nếu bạn học toàn điểm B hoặc bị 1 đến 2 con C của “cua” Hóa Hữu Cơ (Organic Chemistry) hoặc Sinh Hóa (Biochemistry) là bắt buộc bạn phải bỏ cuộc, vì hai con C này đủ để đưa điểm trung bình GPA xuống dưới 3.7, mà dưới điểm này, đơn xin học của bạn ít khi được cứu xét.

Sau kỳ thi MCAT, thì chỉ còn hai, ba người có điểm trên 504 để nộp đơn. Ít hơn điểm này, nếu bạn không thuộc thành phần thiếu số hoặc con nhà nghèo, bạn nên đi thi lại hoặc bỏ cuộc. Trong hai, ba người còn lại nộp đơn, chỉ một người là vô được Y Khoa.

Ở tiểu bang Texas, mỗi năm có khoảng hơn 9,000 người nộp đơn, nhưng chỉ nhận chừng 1,650 người. Vì điểm MCAT là điểm chuẩn trên toàn quốc nên nó là điểm trường y dùng để lọc hồ sơ.

Nếu điểm MCAT của bạn thấp hơn điểm tối thiểu mà trường y bạn nộp đơn đặt ra, thì hồ sơ của bạn sẽ vô thùng rác (trash). Trên điểm quy định, người ta sẽ coi thêm điểm GPA rồi mấy giấy giới thiệu, đặc biệt giấy tự giới thiệu của bạn (personal statement), để quyết định có nên kêu bạn đi phỏng vấn hay không.

Trong giấy tự giới thiệu của bạn, bạn phải giải thích lý do bạn muốn trở thành bác sĩ và tại sao trường y sẽ chọn bạn thay vì các thí sinh khác. Bạn phải đọc kỹ phần mục tiêu của trường (missions statement) để viết sao cho phù hợp với mục tiêu của họ. Sau điểm MCAT, giấy tự giới thiệu của bạn ảnh hưởng rất lớn trong quyết định trường y có gọi bạn đi phỏng vấn hay không.

Nếu bạn nhận được giấy trường y mời bạn đi phỏng vấn, cơ hội bạn được nhận vô học Y Khoa tăng từ 0% lên 50%. Càng nhiều trường gọi bạn đi phỏng vấn, xác xuất được nhận càng tăng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có người được bốn trường kêu đi phỏng vấn nhưng chẳng có trường nào nhận. Mỗi một cuộc phỏng vấn sẽ dạy cho bạn kinh nghiệm để kỳ phỏng vấn tới bạn sẽ làm khá hơn.

Hồi tôi đi phỏng vấn cách đây gần 40 năm, chỉ có hai người phỏng vấn tôi. Bây giờ, số người phỏng vấn có thể tăng lên bốn người hoặc hơn nữa tùy trường. Cuộc phỏng vấn có thâu băng để hội đồng nhận sinh viên vô học xem lại nếu cần. Đây là cơ hội để trường y sẽ chọn bạn, thay vì chọn thí sinh khác khi cả hai có cùng điểm MCAT, cùng GPA.

Tài ăn nói, cách giao tế của bạn sẽ rất quan trọng trong cuộc phỏng vấn này. Người Mỹ rất giỏi trong việc tìm kiếm nhân tài. Ở Mỹ, người ta vẫn nói học trò điểm C thường làm xếp của mấy anh điểm A. Người Á Đông mình cứ cho mấy anh học giỏi ở trường là số một, Tây Phương họ nghĩ khác. Giỏi không phải chỉ giỏi Toán Lý Hóa mà nó còn phải giỏi ở cách ăn nói, giao tế hằng ngày và nhất là cách bạn xử trí nhanh trong những hoàn cảnh khó khăn.

Nên nhớ rằng, ở bất cứ xã hội nào ngoài chuyện may mắn ra, tài ăn nói và nghệ thuật giao tế vẫn là hai chìa khóa giúp bạn thành công trên đường đời. Đây là cơ hội duy nhất để bạn chứng tỏ cho trường y thấy rằng bạn là người xứng đáng được họ nhận vô học.

Tôi biết có thí sinh điểm MCAT 510, được bốn trường y kêu đi phỏng vấn nhưng chẳng có trường nào nhận vô học. Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, những người phỏng vấn bạn sẽ ngồi xuống quyết định có nên nhận bạn vào học hay không. Do đó, cuộc phỏng vấn này rất quan trọng. Tôi sẽ không bàn về kỹ thuật trả lời phỏng vấn ở đây, vì nó là chuyện bạn phải tập luyện lâu ngày, mà cũng có thể nói, trời có cho bạn khả năng để tập hay không.

Tóm lại, việc xin học Y Khoa ở Mỹ rất khó khăn, nó không dễ như có nhiều người “nổ.” Điểm thi MCAT rất quan trọng. Muốn có điểm cao, bạn nên cố gắng học thêm tiếng Anh ngay từ thời trung học. Rèn luyện mỗi ngày để có thêm từ mới. MCAT là bài thi đọc và hiểu tiếng Anh. Không giỏi tiếng Anh không thể nào có điểm cao được. Điều quan trọng là cố gắng hết sức mình. Không bỏ cuộc. Các phụ huynh không nên ép con mình nếu nó không có khả năng. Ở đời này, thiếu gì nghề khác cũng làm ra tiền, đâu cần phải học Y.

Bác Sĩ ĐẶNG QUANG TÂM, MD

_________

(1) Muốn có bằng hành nghề bác sĩ ở Mỹ, bạn phải qua bốn giai đoạn:

(a) Thi bước 1 của USLME (US License Medical Exam) sau khi học xong năm thứ hai trường y. Bài thi này chỉ có đậu hoặc rớt, chứ không có điểm số.

(b) Thi bước 2 của USLME, phần bịnh lý (Clinical knowledge) sau khi học xong năm thứ ba. Bài thi này rất quan trọng trong việc nộp đơn xin làm nội trú. Điểm bước 2 càng cao thì cơ hội bạn xin vô được nghành chuyên môn tốt càng nhiều hơn. Hai kỳ thi bước 1 và 2 này tốn $940 cho mỗi kỳ thi.

(c) Thi bước 3 của USLME, phần định bịnh (Clinical Skill) sau khi làm xong một năm nội trú ở nhà thương, nghành chuyên môn nào cũng được, miễn là xong một năm. Kỳ thi này tốn $1,580.

(d) Sau khi đã đậu ba kỳ thi trên, bạn phải thi luật hành nghề bác sĩ ở tiểu bang bạn muốn hành nghề (Medical Jurisdiction Test). Ở tiểu bang Texas, bài thi này tốn $34. Nếu bạn học trường DO, bạn có hai chọn lựa. Hoặc thi USMLE như học trò MD, hoặc thi COMPLEX dành riêng cho học trò trường DO.

Kỳ thi này cũng có ba bước như USMLE. Mỗi bước của USMLE hoặc của COMPLEX bạn được thi tổng cộng 4 lần (ba lần trong 12 tháng), nếu bạn rớt cả 4 lần, bạn không được đi thi nữa. Nếu đó là bước 1 hoặc bước 2 của USMLE hay của COMPLEX, trường y sẽ không cho bạn tiếp tục học. Còn nếu là bước 3 thì nhà thương bạn đi làm nội trú sẽ cho bạn nghỉ việc. Bằng bác sĩ của bạn chỉ dùng đi dạy học chứ không hành nghề bác sĩ được.

Đậu xong 4 bước này bạn mới xin được giấy hành nghề bác sĩ. So với kỳ thì MCAT thì kỳ thi USLME tương đối dễ hơn, những câu hỏi thường là những câu mà tối thiểu một người bác sĩ cần phải biết, trong khi MCAT, bạn phải suy nghĩ để đoán câu trả lời. Tóm lại, bài thi USLME giống như bài thi bạn học ở trường Y, bạn hiểu rõ vấn đề là bạn trả lời trúng, không cần phải phân tích, suy đoán như bài thi MCAT.

(2) Nói rỏ hơn, dù bạn ở Cali hay New York, bạn sẽ thi cùng một bài thi, do dó điểm thi MCAT được dùng làm điểm chuẩn để so sánh. Trong khi đó, điểm GPA thay đổi tuỳ trường, tuỳ thầy dạy. Điểm GPA được nhận vào học trường y càng ngày càng cao. Hiện giờ, ở những trường công trong tiểu bang Texas, điểm GPA của những bạn được nhận vào học là từ 3.8/4.0 trở lên. Ở Mỹ người ta tính điểm bài thi thế này:

*90-100 điểm A=4.0

*80-90 điểm B=3.0

*70-80 điểm C=2.0

*60-70 điểm D=1.0

Dưới 60 điểm F (rớt)

(3) Nói là được nhận tuyển thẳng vô Y Khoa, nhưng những học sinh này cũng phải học 2 năm dự bị Y Khoa ở trường do trường Y chỉ định, phải thi MCAT và điểm MCAT phải trên 500 mới được chánh thức vô học năm thứ nhứt Y Khoa. Tóm lại, họ chỉ được bảo đảm vô trường y mà thôi. Chứ không phải học xong Trung Học là đủ “sức” vô học Y Khoa ở Mỹ. Hiện giờ, chương trình loại này gần như đã chấm dứt, vì người ta rút kinh nghiệm: học giỏi ở Trung Học, chưa chắc học giỏi ở đại học.

(4) Bác Sĩ Cử Nhân

MS Cao Học

PhD Tiến Sĩ

Trong số những người nộp đơn xin học trường y không ít người có bằng MS hoặc PhD. Chuyện này thường thôi. Lớp tôi học có sáu người có bằng PhD, một người có bằng DDS (Nha Sĩ).

(5) MS of Med Science (MS=Master of Science) là chương trình hậu đại học, kéo dài 12-18 tháng, dành cho những ai không vô được trường y. Ngoài một số giờ dạy luyện thi MCAT, phần còn lại học giống như chương trình năm thứ nhất của trường Y. Hiện giờ, có vô số trường mở chương trình này vì nhu cầu xin học Y Khoa rất lớn.

(6) Đây là sự thật đau lòng. Muốn thi phần đọc Anh Văn này, bạn phải tập luyện từ thời còn học... Trung Học. Nếu điểm thi SAT phần Anh Văn, ở Trung Học, của bạn không cao, nó là lời cảnh cáo quan trọng. (SAT là bài thi để xin học đại học, học trò lớp 11 phải thi lúc tựu trường khoảng 1 tháng). Nếu điểm Anh Văn quá thấp, bạn phải đọc báo, sách để có thêm từ (vocabulary), phải biết cách nào để hiểu ý chánh của bài văn, để từ đó có thể đoán câu trả lời. Nếu cần bạn nên bỏ tiền ghi tên học những lớp dạy thêm. Phần lớn thí sinh mà Anh Văn không phải là tiếng mẹ đẻ, không học trung học ở Mỹ, thi bài đọc và hiểu tiếng Anh chỉ được từ 120-121.

(7) Sau đây là ba câu hỏi tiêu biểu cho ý chính của bài viết này. Nên nhớ bạn chỉ có 1 phút để trả lời 1 câu hỏi mà thôi.

1-Căn cứ theo bài viết này, tỷ số được dùng đề tính số sính viên còn lại sau hai năm dự bị, sau kỳ thi MCAT và sau khi được nhận vào học trường Y là:

(A) 1/5

(B) 1/4

(C) 1/3

(D) 1/2

2-Điểm tối thiểu của bài thi Đọc và hiểu tiếng Anh để được trường Y cứu xét hồ sơ nộp đơn là:

(A) 123

(B) 124

(C) 125

(D) 126

3-Theo tác giả bài viết, câu trả lời nào dưới đây SAI về bài thi MCAT.

(A) Phần thi đọc và hiểu tiếng Anh rất khó cho thí sinh mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ dù họ sinh đẻ ở Mỹ.

(B) Phần thi Vạn Vật, Hóa Học, Sinh Hóa và Vật Lý cũng là những bài thi đòi hỏi trình độ Anh Văn cao.

(C) Phần thi Vạn Vật, Hóa Học, Sinh Hóa và Vật Lý đòi hỏi trình độ hiểu biết cao hơn chương trình dự bị Y Khoa.

(D) Phần thi Tâm Lý và Xã Hội không đòi hỏi bạn phải có trình độ chuyên môn cao về hai môn này.

(E) Chẳng có câu nào SAI cả.

TB: Tôi viết bài này cuối năm 2019 đầu 2020, nên có nhiều chi tiết đã thay đổi do điểm MCAT càng ngày càng cao. Năm nay, 2021, điểm trung bình MCAT để vào học trường MD ở Texas, đã không còn 510 nữa. Có nhiều thí sinh tôi biết, 510 cũng chỉ được một, hai trường kêu đi phỏng vấn, nhưng chẳng có trường nào nhận vô. Điểm tối thiểu của JAME students, tức là những người thuộc diện cần giúp đỡ cũng tăng từ 499 lên 502. Điều này cho biết việc xin học bác sĩ ở Mỹ càng ngày càng khó khăn hơn.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sinh Hoạt của hậu duệ trung học Duy Tân Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân