TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - 5 Khuynh Hướng Kỹ Thuật Của Tương Lai Mà Bạn Nên Chuẩn Bị Đón Nhận Ngay Bây Giờ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

5 Khuynh Hướng Kỹ Thuật Của Tương Lai Mà Bạn Nên Chuẩn Bị Đón Nhận Ngay Bây Giờ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Mon Jun 22, 2020 1:59 am    Tiêu đề: 5 Khuynh Hướng Kỹ Thuật Của Tương Lai Mà Bạn Nên Chuẩn Bị Đón Nhận Ngay Bây Giờ

5 Khuynh Hướng Kỹ Thuật Của Tương Lai
Mà Bạn Nên Chuẩn Bị Đón Nhận Ngay Bây Giờ



Cứ mỗi ngày trôi qua chúng ta lại được nhắc nhở rằng tương lai đã ở ngay đây rồi. À vâng, nói như thế quả là hơi thừa nhỉ. Nhưng điều tôi thực sự muốn nói ở đây là những sự đổi mới và nhảy vọt mới mẻ đang xuất hiện mỗi ngày, và chúng đang dần trở thành hiện thực với tốc độ chưa từng thấy từ trước tới nay.

Ý tôi là, hãy nghĩ về việc chiếc máy tính hiện đại, vốn được tạo ra vào năm 1942 hoặc 1946 (tùy quan điểm của mỗi người), đã từng đáng giá cả một gia tài và choán hết cả một căn phòng lớn.[1] Phải mất gần 50 năm sau, máy tính mới được giảm kích thước xuống vừa với mặt bàn làm việc vào năm 1995. Lại sau đó 20 năm, nó được thiết kế để đút vừa trong túi của bạn và có khả năng giải quyết mạnh hơn hàng trăm lần so với chiếc máy tính “tiền thân” to bằng cả căn phòng trước đây.[2] Các bước nhảy vọt về kỹ thuật đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, và vẫn đang gia tăng tốc độ hơn nữa.


ENIAC máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới được trình làng vào năm 1946


Ngay lúc này đây, chúng ta đang có cơ hội “có một không hai” để nhìn vào các kỹ thuật mới và nhìn chúng vừa như cách dư luận nhìn chiếc “máy tính” vào năm 1946, vừa như cách mà một người hiện đại nhìn chiếc máy tính ngày nay. Chúng ta có thể nhìn vào những kỹ thuật này và dự đoán chúng sẽ thay đổi xã hội đến mức độ ra sao. Không dông dài thêm nữa, sau đây là năm khuynh hướng kỹ thuật đáng kinh ngạc mà bạn nên bắt đầu chuẩn bị đón nhận ngay từ bây giờ!


Virtual Reality - VR


1. Thực Tế Ảo (Virtual Reality - VR) Và Thực Tế Ảo Tăng Cường (Augmented Reality - AR)

Thực tế ảo đã hiện hữu ngay đây rồi. Samsung đã dồn rất nhiều nỗ lực vào lĩnh vực thực tế ảo dành cho người dùng, với sản phẩm kính thực tế ảo Samsung Gear VR cho loại điện thoại Galaxy S6 và S7, giúp hỗ trợ cho các ứng dụng thực tế ảo. Các ứng dụng này bao gồm các trò chơi như Minecraft, cũng như các ứng dụng giải trí như các buổi hòa nhạc thực tế ảo của công ty Live Nation.[3] Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy những điều này rốt cuộc cũng trở thành hiện thực sau hàng năm trời nghe nói về chúng, và bạn thậm chí có thể lần ngược lại nguồn gốc của chúng là sản phẩm găng tay Nintendo Power Glove.[4] Khả năng ứng dụng của thực tế ảo dường như là không có giới hạn, và khi có thêm nhiều môi trường thực tế ảo được đưa vào sử dụng, chúng ta có thể kỳ vọng được trông thấy chúng nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục cũng như lập chương trình để huấn luyện.


Augmented Reality - AR


Trái lại, thực tế ảo tăng cường (AR) vẫn chưa được thông dụng rộng rãi cho lắm. Hẳn rồi, các bộ lọc của Snapchat giúp biến khuôn mặt của bạn thành chú chó - đại loại vậy - và Pokemon Go! đều khá là hứa hẹn đấy. Nhưng mặc dù cặp kính Google Glass đã cho ta thấy thế giới trông sẽ như thế nào qua một lớp màn ảo, thì nó cũng đi cùng với sự quảng cáo rầm rộ không tồn tại được lâu. Thế giới vẫn chưa sẵn sàng đón nhận các cặp kính AR được thông dụng rộng rãi, và hiện vẫn đang loay hoay với các bộ tai nghe (headset) AR chuyên môn cho những mục đích điển hình mà thôi.[5] Tuy nhiên may mắn là những lời quảng cáo rầm rộ kia vẫn còn tồn tại với việc Apple thông báo sẽ cho ra mắt các sản phẩm AR trước năm 2018[6], và nhiều nhà sản xuất khác cũng đang tham gia vào danh sách này để làm được điều tương tự.[7]



2. Siêu Nhân Học (Transhumanism)

Khuyết điểm lớn nhất của VR và AR là những bộ dụng cụ cồng kềnh mà bạn phải đeo vào, theo ý tôi là vậy... Nhưng bạn nghĩ sao nếu tôi nói rằng trong tương lai bạn sẽ không phải đeo những dụng cụ đó để xem được VR/AR? Sẽ thế nào nếu tôi đi xa hơn nữa và nói rằng bạn sẽ có thể gọi điện thoại chỉ bằng việc gõ vào tai mình và lắng nghe các tín hiệu được truyền bằng xung động qua xương hàm của bạn?[8] Và cả việc gửi thư điện tử bằng trí óc nữa thì sao?[9]


Neil Harbisson, world’s first legally recognized cyborg, can hear colors


Siêu nhân học, cũng giống như VR và AR, vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, và một vài người đang vượt xa hơn những người khác trong lĩnh vực này.[10] Cách đơn giản nhất để mô tả siêu nhân học là nói rằng nó chủ trương tạo ra các “người-máy” (cyborg), tức là việc cấy ghép các dụng cụ kỹ thuật vào cơ thể sống. Có người gọi đó là sự “qua mặt” về sinh học (biohacking). Ý tưởng này đã có từ lâu, nhưng những người như Rich Lee và Neil Harbisson đã biến nó thành hiện thực bằng cách trở thành những “người-máy” đầu tiên trên thế giới. Cùng với việc máy tính ngày càng trở nên nhỏ hơn, sẽ không vô lý khi nghĩ rằng chúng ta có thể “thả” các máy tính kích thước nano vào dòng máu của mình, hoặc cấy các chíp rất nhỏ dưới da.



3. Chỉnh Sửa Gene Bằng CRISPR

Nếu bạn chưa biết nhiều về CRISPR và chỉ có khoảng 15 phút rảnh rỗi, thì hãy xem qua đoạn phim cung cấp tin tức trên đây được thực hiện bởi Kurzgesagt.

Còn với những ai không có nổi 15 phút thì nói ngắn gọn là thế này: một kỹ thuật mới trong lĩnh vực chỉnh sửa gene có tên là CRISPR đã cho phép chúng ta thực hiện các hành động chỉnh sửa gene rất chính xác và với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với trước đây. Cuộc thí nghiệm đầu tiên trên người đã diễn ra vào cuối năm 2016 tại Trung Cộng[11] nhằm chống lại bệnh ung thư phổi ác tính trong các cuộc thí nghiệm lâm sàng, và CRISPR cũng cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt, tế bào thận, và ung thư trung biểu mô.



Hy vọng đang được hướng tới là cuối cùng chúng ta sẽ có thể đánh bại bất kỳ yếu tố nguy cơ bẩm sinh di truyền có hại nào, thậm chí là biến đổi cơ thể mình theo những cách có thể không thuận tự nhiên. Đó có thể là các đặc điểm thể chất, và thậm chí là kéo dài tuổi thọ nữa. Tất nhiên là có rất nhiều hệ quả xuất hiện khi chúng ta nghĩ đến việc can thiệp vào di truyền học - những cảnh trong phim Công Viên Kỷ Jura hiện lên ngay trong đầu ta - nhưng còn nhiều vấn đề khác không rõ ràng như bạn tưởng đâu. Chẳng hạn như việc tạo ra các em bé “theo thiết kế” sẽ đặt ra các tình thế khó xử thú vị về mặt đạo đức[12], trong đó có việc liệu những người không chấp nhận kỹ thuật “tối ưu hóa” di truyền này có bị phân biệt đối xử hay không. Đó là một ý tưởng thú vị và chắc chắn là đáng được tìm hiểu kỹ thêm trước khi chúng ta dấn bước xa hơn nữa trong lĩnh vực biến đổi di truyền.



4. Trí Tuệ Nhân Tạo

Nhà thông minh. Xe hơi thông minh. Và rồi... mọi thứ đều thông minh! Ngày nay có vẻ như chúng ta không thể nào tránh được khuynh hướng “thông minh”, và vì lý do chính đáng là mọi thứ đều được kết nối với mạng Internet, ghi nhận và chia sẻ dữ liệu, tự vận hành dựa trên những dữ liệu đó, và làm những việc mà trước đây chúng ta từng cho là chỉ có trong khoa học viễn tưởng mà thôi. Với sự lấn sân của Google vào hãng Nest, Amazon vào Alexa, và những hãng khác nữa với các dụng cụ “phụ tá cá nhân” tích hợp, thì ngôi nhà của chúng ta như được lắp thêm tai vậy.[13] Giờ thì chúng đang có thêm cả mắt[14], và sẽ sớm lái cả xe hơi cho chúng ta nữa! [15]

Tin tức về việc công ty khởi nghiệp Otto chuyên về xe tải tự lái đã hoàn thành chuyến giao hàng đầu tiên vào cuối năm ngoái[16] mà không gặp bất cứ trở ngại nào đã cho thấy rằng lĩnh vực xe tự lái đang sẵn sàng bùng nổ, đặc biệt là khi các hệ thống tiện lợi có thể được lắp đặt dễ dàng của Otto có thể giúp cải thiện chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) của các công ty vận tải khác.[17] Hiện giờ nó không đúng nghĩa là trí tuệ nhân tạo “đích thực”, mà có thể được xem như là “các hệ thống chuyên viên” bị giới hạn để phục vụ cho nhà cửa và xe hơi của chúng ta. Tuy nhiên Ray Kurzweil - người vẫn thường khá táo bạo với những dự đoán của mình - nghĩ rằng trí tuệ nhân tạo đích thực sẽ được sáng chế ra vào khoảng năm 2045.[18]

Khi trí tuệ nhân tạo thực thụ được ra đời - đúng ra tôi nên nói là “nếu”, và chữ “nếu” ở đây thật sự khá mơ hồ, bởi một số người khẳng định rằng điều đó là không thể thực hiện được - chúng ta sẽ đạt đến cái mà một số người gọi là “Điểm Kỳ Dị” (The Singularity). Chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu một máy tính siêu thông minh có được khả năng tự nhận thức. Chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình thế như Skynet trong phim Kẻ Hủy Diệt chăng? Hay là các ông chủ robot của chúng ta sẽ có bản tính nhân từ và giúp ta đạt tới những tiềm năng hoàn mỹ nhất của mình? Hiện có rất nhiều tranh luận về vấn đề này - nhưng có một điều chắc chắn: sau điểm kỳ dị, mọi thứ sẽ không còn như trước nữa.


Previously science fiction; soon-to-be science fact


5. Không Gian Vũ Trụ: Biên Giới Cuối Cùng

Điều tuyệt vời về những khuynh hướng kỹ thuật tương lai này là việc chúng vận hành rất đồng bộ tương hỗ với nhau, nghĩa là trí tuệ nhân tạo cùng với tự động hóa, chỉnh sửa gene, và cấy ghép dụng cụ kỹ thuật đều có thể kết hợp với nhau thành toàn bộ để giúp chúng ta đạt được những thành tựu còn lớn hơn nữa. Và khi chúng ta đã khá chú tâm đến việc đặt chân lên sao Hỏa trước thời điểm giữa những năm 2030, thì bạn sẽ không thể không nghĩ rằng các kỹ thuật mang tính tương lai sẽ phải giúp chúng ta làm được điều đó. Có thể là các robot kích thước nano sẽ bảo vệ cơ thể con người tránh khỏi các bức xạ vũ trụ nguy hại, hoặc thậm chí là kỹ thuật chỉnh sửa gene sẽ cho phép chúng ta sống được trong điều kiện khí hậu nghèo nàn cằn cỗi của sao Hỏa. Thậm chí cả việc phiêu lưu trong không gian ở phạm vi gần, như các hoạt động sản xuất trên quỹ đạo không trọng lượng chẳng hạn, cũng hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta.[19]



Tất nhiên toàn bộ những điều này chỉ là dự đoán mà thôi, kể cả khi chúng đã được thông dụng sâu rộng. Điều quan trọng là, chúng ta dẫn lối cho những dự đoán này và kiểm soát kỹ thuật của mình, thay vì để cho kỹ thuật kiểm soát ta. Điều cốt yếu nhất ở đây là, tương lai nằm trong bàn tay ta.

Tác giả: Andrew Heikkila
Dịch giả: Aozora


Tài Liệu Tham Khảo

[1] Computer Hope: Chiếc máy tính đầu tiên được phát minh ra khi nào?

[2] Wired: Điện Thoại Thông Minh Có Thể Sẽ Là Chiếc Máy Tính Duy Nhất Của Bạn

[3] USA Today: xem buổi hòa nhạc lớn tiếp tới đây thông qua VR

[4] Wikipedia: Găng tay Power Glove

[5] IEEE Spectrum: Mắt Kính Google Glass, HoloLens

[6] The Verge: Apple nhằm phát triển sản phẩm AR theo kiểu mắt kính Google Glass

[7] Hongkiat: 10 Sản Phẩm Thực Tế Ảo Tăng Cường Và Mắt Kính Thông Minh Sắp Xuất Hiện

[8] Cnet: Điện thoại di động có thể sẽ được cấy vào đầu bạn

[9] Washington Post: Mark Zuckerberg cho rằng tương lai của việc tiếp xúc là thần giao cách cảm.

[10] Millennial Magazine: “Người-Máy”: Phải Chăng Siêu Nhân Học Đang Thay Đổi Thế Giới?

[11] Nature: Kỹ thuật chỉnh sửa gene bằng CRISPR được thí nghiệm trên người lần đầu tiên

[12] The Embryo Encyclopedia: Vấn Đề Đạo Đức Đối Với Các Em Bé “Được Thiết Kế”

[13] Ars Technica: Các dụng cụ giúp quan sát, chăm sóc và quản lý: những ngôi nhà thông minh của tương lai

[14] Mostcraft: Đánh Giá Về Hệ Thống An Ninh Dùng Camera Trong Nhà Của Nest

[15] Fortune: Trí Tuệ Nhân Tạo Feds Trong Các Xe Hơi Tự Lái Của Google Giờ Đây Đã Là Một Tài Xế Hợp Pháp

[16] Wired: Công Ty Otto Chuyên Về Xe Tải Tự Lái Đã Thực Hiện Chuyến Giao Hàng Đầu Tiên

[17] AccuTrac Capital: Chỉ Số Đánh Giá Thực Hiện Công Việc Đối Với Các Công Ty Vận Tải

[18] Dataconomy: Mất Bao Lâu Nữa Chúng Ta Mới Chế Ra Được Trí Tuệ Nhân Tạo Đích Thực??

[19] Space News: Hoạt động sản xuất trong không gian vũ trụ và chặng đường cuối cùng

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân