TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thầy Nguyễn Thái Long viết về GS Nguyễn Duy Xuân
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thầy Nguyễn Thái Long viết về GS Nguyễn Duy Xuân

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Sư Trọng Đạo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Thu Jun 18, 2020 3:08 am    Tiêu đề: Thầy Nguyễn Thái Long viết về GS Nguyễn Duy Xuân




      Viết cho người đã khuất, Cựu Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân

      1/12/2018
      LỜI THƯA  (của ĐKP):

     Với ước mong tìm tòi những gì hay & đẹp của tiền nhân, đặc biệt Quí Ngài Danh Nhân của VNCH, để lưu truyền lại cho HẬU DUỆ như một cách TƯỞNG NHỚ & ÔN CỐ TRI TÂN; hôm nay tôi chuyển đến các cựu học sinh Duy Tân một bài viết của một giáo sư đã từng giảng dạy ở ngôi trường yêu dấu của chúng ta, đó là Thầy NGUYỄN THÁI LONG. Thầy đã từng là giáo sư Sử-Địa các lớp đệ Tam (1963-1964) và đệ Nhị 1964-1965; tuy nhiên ở niên khóa 1964-1965 Thầy chỉ dạy học kỳ đầu (hồi đó gọi là: Đệ nhất bán niên) học kỳ sau thì thầy Võ Minh Khai thay thế (trong Học Bạ của tôi còn ghi lại: có lời phê & chữ ký của Thầy LONG là giáo sư phụ trách Lớp Đệ Tam A và Lớp Đệ Nhị A), có lẽ thầy xin đổi đến nơi khác. Đến khi đọc xong bài này mới rõ rằng: các niên khóa khác Thầy dạy ở đâu và trường nào không biết, nhưng tính đến 30/4/1975 Thầy đang tòng sự tại Bộ Văn-hóa Giáo-dục & Thanh-niên ở thủ đô Saigon, của Tổng trưởng NGUYỄN DUY XUÂN (1925-1986).

      Vì bài viết của GS Nguyễn Thái Long khá dài, tôi chỉ trích ra những đoạn của thầy viết, còn mấy đoạn khác thầy ghi lại theo lời những người “cải tạo” chung với GS Nguyễn Duy Xuân. Quí bạn & hậu duệ có thể vào Googe “baoviettide” để đọc thêm. Tôi dùng (...) cho những đoạn không trích đó.

***********************************************
      GSTS Nguyễn Duy Xuân (1925-1986) ;
      ~ NGUYỄN THÁI LONG ~
      Nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt ngày 30 tháng 4, năm 1975 khi Cộng Sản Bắc Việt xua quân cưõng chiếm miền Nam. Kể từ đó, biết bao quân, dân, cán chính và gia đình của họ đã phải chịu cảnh tù đày, ly tan. Đối với Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên (Bộ VHGD&TN), vị Tổng Trưởng cuối cùng, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, cũng đành phải cam phận như bao nhiêu người dân miền Nam khác.
     
      Tôi còn nhớ, sau ngày 1 tháng 5, 1975, Giáo Sư Xuân gọi tôi và hẹn cùng nhau đến Bộ trên đường Lê Thánh Tôn. Tôi gặp ông cách cổng vào Bộ không xa. Chúng tôi tiến vào cổng Bộ. Tôi trình thẻ căn cước cho cô nhân viên phụ trách nhưng cô không xem, trả lại và mời ‘Xin mời thầy vào’. Cô vừa dứt lời thì cả toán bộ đội Cộng Sản đứng bên giận dữ, la hét, quở trách cô. Tôi trình lại căn cước. Sau khi họ xem kỹ, hất mặt cho tôi vào.

      Giáo Sư Xuân và tôi định lên văn phòng cũ của Tổng Trưởng ở trên lầu nhưng bị chận lại. Tôi hướng dẫn Giáo Sư Xuân đi về phía văn phòng cũ của tôi, nhưng cũng không đuợc phép vào. Chúng tôi đi ra phía sau sân của Bộ. Bộ đội Cộng Sản ngồi, nằm ngổn ngang. Một số đang nấu ăn. Khi đi ngang qua chỗ nấu ăn, Giáo Sư Xuân ngừng lại, hỏi thăm vài câu xã giao, đoạn móc bóp ra tặng các ‘anh em’ một số tiền nhỏ để mua thêm thức ăn. Giã từ Bộ lần cuối, nhưng cho đến nay, lòng tôi cảm thấy vẫn còn thiếu cô nhân viên phụ trách gác cổng Bộ lời cám ơn và xin lỗi. Cám ơn, vì cô đã dành cho tôi sự dễ dãi. Xin lỗi, vì tại tôi mà cô bị cán bộ Cộng Sản xỉ mắng.

      Khi lệnh trình diện theo diện ‘ngụy quyền’ tại Trường Trung Học Gia Long được ban ra, Giáo Sư Xuân gọi tôi và nhắn tôi gọi các anh em khác cùng đến trình diện tập thể vào ngày Thứ Sáu, 13 tháng 5, năm 1975. Tôi chuẩn bị hành trang. Sau đó tôi được một vị có kinh nghiệm với Cộng Sản khi còn ở miền Bắc cho biết, khi Cộng Sản vào, chúng sẽ tịch thu những đồ dùng trong nhà không có biên lai. Tôi phải chạy kiếm giấy biên lai nên không đến trình diện cùng ngày như đã hẹn với Giáo Sư Xuân.

      Hạn cuối trình diện là ngày 15 tháng 5, 1975. Đúng ngày, tôi từ nhà bước qua đường đến Trường Trung Học Gia Long. Mới khoảng một tuần trước khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trường Gia Long đã ‘ưu ái’ nhận được hai quả đại pháo của ‘Bác’ tặng. Bà Hiệu Trưởng Trường Trung Học Gia Long, Phạm Thị Tất, chạy qua hỏi ý kiến tôi xem phải làm thế nào. Mặc dầu trong lòng đang ngổn ngang, tôi cố giữ nét bình tĩnh khuyên bà Hiệu Trưởng nên cùng gia đình tạm rời khỏi ngôi trường ngay. Từ trước đến nay tôi vẫn dành sự kính mến cho bà Hiệu Trưởng. Lòng kính mến của tôi lại dâng cao hơn khi tôi nhìn thấy bà, trong lúc gần giờ thứ 25, vẫn còn cố muốn bảo vệ ngôi trường thân yêu.


      Trường Trung Học Gia Long, một ngôi trường lớn nổi tiếng ở miền Nam, nơi đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước thì nay được dùng làm nơi tập trung những thành phần gọi là ‘ngụy quyền’ để bắt đi tù cải tạo. Khác với những lần trước ghé thăm trường, lần này tôi đến với ba lô lính mà tôi còn giữ lại khi thụ huấn tại quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Trường Bộ Binh Thủ Đức. Vào trường, tôi không gặp Giáo sư Xuân vì nhóm người trình diện ngày đầu đã được di chuyển lên trại cô nhi Long Thành. Sau vài hôm ở trong trường, tất cả chúng tôi được tâp trung ra sân. Bốn vị được đọc tên và yêu cầu đứng về một bên: Kỹ sư Dương Kích Nhưỡng, cựu Phó Thủ Tướng, nội các Nguyễn Bá Cẩn; cố Giáo Sư Bùi Xuân Bào, Cựu Thứ Trưởng Bộ VHGD&TN, nội các Trần Thiện Khiêm; ông Nguyễn Long Châu, cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, nội các Nguyễn Bá Cẩn; và Đại Tá Văn Văn Của, cựu Đô Trưởng Sàigòn. Số còn lại cho về, chờ lịnh sau
      (...)

      Sáng sớm hôm đó, như mọi sáng trong những ngày ông Tiến sĩ nằm bệnh xá, sau khi ‘cửa chuồng’ vừa mở, một số anh em trong đội vừa chạy thể dục vừa ghé qua bệnh xá để thăm ông. Vừa đến nơi thì anh em đã nghe tiếng khóc tiếc thương của anh Trung. Một tiếng khóc hiếm có của người tù cải tạo sau hơn mười năm cay đắng mùi đời, đã gây niềm xúc động mạnh mẽ trong lòng người tiếp nhận và đã thê thảm nói lên lời ái tín đau buồn chưa từng có bao giờ... Từ lúc nào đó, có lẽ từ khi ông Tiến Sĩ trút hơi thở cuối cùng hồi đêm, anh Trung đã chít trên đầu chiếc khăn tang làm bằng miếng vải trắng xé ở chiếc áo của ông Tiến sĩ, mà phần còn lại đã được mặc vào cho ông để làm y phục về nơi vĩnh viễn.

      Thân xác của Giáo Sư Xuân đã được vùi chôn bên kia ngọn đồi của trại tù Ba Sao, Nam Hà. Theo Đại Tá Minh, Giáo Sư Xuân mất ngày 10 tháng 12, năm 1986. Tiến Sĩ Huỳnh Long Vân ghi ngày mất của ông là ngày 10 tháng 11, năm 1986.
      (...)
      Ngược thời gian, trước ngày 30 tháng 4, năm 1975, trong những năm còn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đặt trọng tâm vào việc phát triển các ngành sư phạm và canh nông. Ông đã đẩy mạnh việc đào tạo giáo chức trung cấp để mở rộng việc nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ chuyên môn với kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp đã được đổi thành trường Đại Học Nông Nghiệp, đào tạo cấp kỹ sư. Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân còn có dự tính thiết lập một trường Đại Học Y Khoa cho miền miền Tây.

      Khi Giáo Sư Xuân về đảm trách Bộ VHGD&TN, ông phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách. Một trong những vấn đề đó là việc định cư hàng ngàn học sinh, giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung. Ông giao cho tôi phụ trách phần cứu trợ. Một trung tâm tiếp nhận và cứu trợ đã được thiết lập tại Sàigòn và một trung tâm tạm định cư các giáo chức được lập tại Thủ Đức. Vì lý do an ninh, các giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung không được phép vào đất liền mà phải tạm trú tại đảo Phú Quốc cho đến khi có sự xác nhận của Bộ VHGD&TN. Ông yêu cầu tôi hướng dẫn một phái đoàn Thanh Tra ra Phú Quốc cứu trợ vá cố giúp đưa các gia đình giáo chức vào đất liền. Một ngân khoản 10 triệu đồng đã được xuất ra để đem theo cứu trợ. Khi gần đến giờ máy bay cất cánh thì tôi được thông báo chi phiếu của Bộ không được Tổng Nha Ngân Khố cho lãnh và đây là lệnh chung cho mọi cơ quan. Tôi điện thoại cho bà Lý Hoa, đã mất, cựu Tổng Giám Đốc Ngân Khố. Vì được xác nhận và vì chỗ quen biết nên bà Lý Hoa đã cho lệnh đặc biệt phát tiền. Trong một đêm đang ngồi trên sàn gỗ, nơi từng giam các cán binh Cộng Sản, để cùng anh em trong phái đoàn làm việc dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến, tôi chợt nghe radio phát thanh cuộc bàn giao giữa Tổng Thống Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh. Chúng tôi quyết định làm việc suốt đêm để tạm kết thúc công tác chứng nhận và phát tiền cứu trợ. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi đi Honda ôm ra phi trường Phú Quốc để về Sàigòn. May mắn, chúng tôi tìm được đủ chỗ ngồi trên sàn của một vận tải cơ Úc.

      * * *
      Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, Cần Thơ. Ông là cựu học sinh Collège de Cần Thơ, sau này là trường Trung Học Phan Thanh Giản. Sau khi đậu bằng Diplome (Trung Học Đệ Nhất Cấp), ông sang Pháp tiếp tục học và đã tốt nghiệp bằng Cử Nhân Kinh Tế. Ông đậu bằng Cao Học Kinh Tế tại Anh và Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại Học Vanderdbilt, Nashville, Tennessee, Hoa Kỳ.

      Giáo Sư Xuân đã từng phục vụ trong Bộ Kinh Tế khi ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Tổng Trưởng, thời Đệ Nhất Công Hòa. Ông là Tùy Viên Báo Chí Phủ Thủ Tướng, nội các Nguyễn Ngọc Thơ, kiêm Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã. Ông đã giữ các chức vụ Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Hợp Tác và Nông Tín; Tổng Trưởng Kinh Tế, nội các Nguyễn Văn Lộc; cố vấn Kinh Tế cho Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Trước khi về Bộ VHGD&TN, ông là Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ. Giáo Sư Xuân còn giảng dạy tại các trường Đại Học Luật Khoa và Quốc Gia Hành Chánh.

      Là một nhân tài, với tính tình hòa nhã, hiền hậu, khiêm nhường; với tính trẻ trung, thân thiện; với tinh thần cởi mở, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đóng góp nhiều cho các ngành sư phạm, canh nông, ngân hàng, hành chánh và kinh tế. Cuộc cưỡng chiếm miền Nam của Cộng Sản đã gây biết bao cảnh tang tóc, phân ly, hận thù cho nhân dân miền Nam. Dù Cộng Sản Việt Nam có dựng lên bao nhiêu nhà tù cải tạo để cố tìm cách “thay óc, đổi hồn” những quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa, họ không bao giờ đạt được ý nguyện hão huyền đó.

      Cũng như bao nhiêu bạn tù thầm lặng khác, dù bị đày đọa về tinh thần lẫn vật chất, dù lâm vào cảnh thiếu ăn, bệnh tật, nhưng Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, không than van, vẫn nín lặng, vẫn cam phận với số mệnh của mình cho đến ngày nhắm mắt lìa trần như nhà văn Alfred de Vigny đã mô tả chủ nghĩa khắc kỷ (stoicisme) qua bài ‘Cái Chết Của Con Chó Sói’ (La Mort du Loup): Rên rỉ, khóc than, cầu xin đều là hèn nhát (Gémir, pleurer, prier, est également lâche). Ông đã chấp nhận số phận an bài cho mình (Dans la voie où le sort a voulu t’appeler). Và cuối cùng, đau khổ, chết không một lời than trách (Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler).

      Tôi viết lên những dòng chữ này để thay nén hương, thắp lên nhân ngày giỗ của ông cựu Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân và cũng là thay lời ân cần thăm hỏi gởi đến hai ái nữ của ông, nghe nói, hiện đang cư ngụ tại Pháp.

      Sacramento, ngày 10 tháng 11, năm 2008
           NGUYỄN THÁI LONG

      **********************************************
      Cũng xin viết thêm (ĐKP):

      1) Trước khi GS Nguyễn Duy Xuân về thay thế GS Phạm Hoàng Hộ (1930-2017) làm Viện trưởng Đại học Cần Thơ (1970-1975), Thầy đã là GIÁO SƯ THỰC THỤ của Học-viện Quốc-gia Hành-chánh VNCH.

      2) Khi Sắc lệnh 62-S/GD ký ngày 31-3-1966 của Phủ Chủ-tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương thiết lập Viện Đại học Cần Thơ tại tỉnh Phong Dinh (nay là TP Cần Thơ, trực thuộc trung ương) với 5 trường đại học: Khoa học; Luật khoa & Khoa học Xã hội; Văn khoa; Sư phạm và Cao đẳng Nông nghiệp, thì GS Nguyễn Duy Xuân cũng là Khoa trưởng đầu tiên của trường này, cùng giảng dạy lúc đó (niên khóa đầu tiên 1966-1967) là các GS và Giảng sư danh tiếng như: GS Nguyễn Văn Bông (GS thạc sĩ, thạc sĩ Công pháp), GS Nguyễn Ngọc Huy (GS ủy nhiệm Học Viện QGHC, tiến sĩ Chính trị học), GS Nguyễn Quang Quýnh (GS thực thụ Học viện QGHC tiến sĩ Luật khoa), GS Nguyễn Như Cương (GS thực thụ Học viện QGHC, tiến sĩ kinh tế), GS Châu Tiến Khương (GS ủy nhiệm đại học luật khoa SG, tiến sĩ Kinh tế), GS Vũ Quốc Thông (GS thực thụ), GS Vũ Quốc Thúc (GS thực thụ), Mr Tăng Kim Đông (Giảng sư Đại học Luật khoa SG, tiến sĩ Luật khoa) và Mr Tạ Văn Tài (Giảng sư Học viện QGHC, tiến sĩ Chính trị học).

      3). Dự tính đến năm 1976 nhân Kỷ niệm 10 năm thành lập, Viện đại học Cần Thơ sẽ cho “RA LÒ” vị Tiến sĩ đầu tiên của Viện, một TIẾN SĨ LUẬT KHOA. Rất tiếc, ngày 30/4/1975 lại đến, nói như lời của nhà thơ Phạm Công Thiện (1941-2011) đã “Xua tan những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ... ”

      Tây đô, buổi trưa nắng gắt
      18 June 2020
      CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU
      भक्तिवेदन्तविद्यारत्न



Về Đầu Trang
muoi lai



Ngày tham gia: 14 Mar 2009
Số bài: 285

Bài gửiGửi: Sat Jun 20, 2020 4:35 pm    Tiêu đề:

Anh Phụng mến!
Sau khi đọc xong bài này,tôi cảm thấy thương nhớ Thầy Long hơn, cám ơn anh.Tôi học lớp Đệ Tam B1 niên khóa 64-65.Tôi vừa nhìn lại học bạ thì biết trong niên khóa 64-65 ,trong đệ nhất lục cá nguyệt ,môn Sử-Đỉa có chữ ký của Thầy Nguyễn Thái Long còn trong đệ nhị lục cá nguyệt có chữ ký của Thầy Võ Minh Khai.Trong niên học 64-65 Cô Quách Tuyết Lan và Thấy Nguyễn Thái Long kết hợp tổ chức 2 lớp Tam B1 và Ngũ 2 đi du ngoạn bằng xe poids lourd ra đến Ba Ngòi rồi chuyển qua tàu để qua bán đảo Cam Ranh.Rất có nhiều chuyện vui trong chuyến du lịch này,lược vể còn ghé Hiệp Mỹ mua dừa uống trả thù sau cơn khát xặc xừ ở bên đảo .Thầy Long giờ ra sao ?
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Sư Trọng Đạo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân