TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cusco, cố đô đế quốc Inca
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cusco, cố đô đế quốc Inca

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Wed Oct 23, 2019 6:34 am    Tiêu đề: Cusco, cố đô đế quốc Inca

Cusco, cố đô đế quốc Inca

Nhà thờ Chính Tòa Cusco, The Compania de Jesu và Plaza de Armas.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Cusco City là một thành phố nằm trên dãy núi Andes, vị trí vào khoảng chính giữa đất nước Peru và ở độ cao khoảng 3,400 mét.

Machu Picchu là một kỳ quan của đế quốc Inca nổi tiếng trên thế giới ngày nay, nhưng ít người để ý rằng chính cố đô Cusco mới là kinh đô quan trọng của dân tộc Inca xưa kia, tất cả các điểm văn hóa, kiến trúc, tôn giáo Inca đều được tập trung ở đây. Cố đô Inca-Cusco ngày nay ra sao!

Theo câu chuyện quá khứ, Cusco được chọn làm kinh đô của đế quốc Inca từ thế kỷ 13 dựa theo câu chuyện cổ tích thần thoại của người Inca. Ngày xưa Thần Mặt Trời (Inti) truyền lệnh cho người con trai là Manco Capac xuống trần gian vùng hồ Titicaca (biên giới Peru và Bolivia bây giờ) để tìm lập ra một vùng đất thảo nguyên. Cùng lúc đó Thần Mặt Trăng cũng cho phép người con gái mình là Mama Oqllo cũng xuống trần kết hợp và phụ giúp với Manco Capac trong việc dẫn dắt, truyền dạy văn hóa và kiến thức cho con người.

Tuân theo chỉ dẫn của vua cha, Manco Capac đã chọn Cusco làm trung tâm thế giới của bộ lạc người Inca. Thời thịnh trị nhất của đế quốc Inca được xem như vào giữa thế kỷ 15-16, kéo dài gần hơn một trăm năm. Đế quốc này đã thống trị một lãnh thổ vô cùng rộng lớn, bao gồm các phần đất của Peru, Ecuador, Bolivia, Colombia, Brazil, Chile, và Argentina ngày nay. Họ chỉ bắt đầu suy tàn vào triều đại Manci Inca (1536) khi quân đội hoàng gia Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của Francisco Pizzaro tiến chiếm kinh đô Cusco.


Tượng vua Puchacuti nổi tiếng của dân tộc Inca tại Plaza de Armas. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Một đế chế hùng mạnh, thống trị một lãnh thổ rộng lớn gần hai triệu cây số vuông suốt hơn 120 năm trong một sớm một chiều cáo chung chỉ vì sự tranh giành ngôi báu giữa hai anh em. Đọc lịch sử của Inca vào thời khởi đầu của chủ nghiã thực dân Âu Châu đi xâm chiếm các lục địa khác, người ta không khỏi ngậm ngùi nhớ đến lịch sử của đất nước Việt Nam đưới thời Pháp thuộc. Nhưng có lẽ thực dân Pháp đến Việt nam vẫn còn “nhân đạo” hơn so với thực dân Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha đã tiêu diệt đế chế Inca, nhưng không chỉ tiêu diệt một triều đại, không chỉ tiến chiếm một lãnh thổ mà họ còn có cả một chính sách để tiêu diệt cả nền văn hóa, kiến trúc và tôn giáo đặc thù của dân tộc Inca. Chỉ trừ một vài di tích may mắn ở khuất nơi xa, thực dân Tây Ban Nha không nhìn thấy nên mới còn nguyên vẹn (thí dụ như đền đài đá Machu Picchu), còn kinh đô Cusco thịnh trị một thời của dân tộc Inca đã gần như bị phá hủy toàn diện.

Thực dân Tây Ban Nha đã cố gắng xóa sổ các di tích của kinh đô Inca-Cusco để hy vọng người Inca không còn nhìn lại được những biểu tượng và quên hẳn đi các nghi lễ tôn giáo của họ. Tây Ban Nha đã cho thành lập một thành phố mới nhưng lại dựa vào các nền móng cũ của kiến trúc Inca và ngày nay được đặt tên là Colonial Cusco.

Colonial Cusco mà ngày nay thường gọi tắt là thành phố Cusco tưởng chừng như chỉ là một thành phố bé nhỏ trên cao nguyên của dãy núi Andes, đế quốc Inca tưởng chừng như chỉ là một câu chuyện lịch sử đi vào quên lãng của con người. Nhưng cả hai điểm này, Cusco và Inca, đều được sống lại nhờ công lao của Hiram Bingham, một nhà sử học của Đại Học Yale, người bỏ công sức đi tìm “một thành phố đã mất trong lịch sử Peru.” Ông không tìm được thành phố ông muốn mà bù lại ông tìm được di tích đền đài đá Machu Picchu còn nguyên vẹn vào năm 1911. Từ cuối thế kỷ 20, thành phố Inca-Cusco được hồi sinh và văn hóa Inca sống dậy nhờ vào sự hiếu kỳ tò mò của du khách khắp nơi trên thế giới đến thăm kỳ quan đền đài Machu Picchu.


Di tích Sacsayhuaman và tượng Chúa Cứu Rỗi nhìn xuống thành phố Cusco. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Tôi đã đến Cusco nhiều lần, lần nào cũng cảm thấy lấn cấn trong tâm tư về thành phố này. Tuy thành phố Cusco còn nghèo (2019) đường sá vẫn chật hẹp (vì không thể sửa chữa được), nhưng tôi phải khen chính quyền thành phố chỉ trong vòng vài năm nay đã cải thiện môi trường cho Cusco rất nhiều, nhất là về ô nhiễm vì khói xe và rác bề bộn chung quanh các ven đường thành phố.

Người Tây Ban Nha cho xây dựng các thành phố bên mẫu quốc rất đẹp, đường sá rộng rãi chẳng bù cho thành phố Cusco này. Mãi sau này tôi mới chợt hiểu lý do tại sao thành phố Cusco không thể nào sửa đổi làm cho đường sá lớn rộng hơn được. Lý do là chỉ vì kiến-trúc-đá của đế quốc Inca không dễ dàng sửa đổi hay phá hủy như ý đế quốc Tây Ban Nha mong muốn. Những đền đài thành quách của Inca với một kiến trúc vô cùng vững chắc, những tảng đá to lớn chồng chéo xếp đặt lên nhau khít khao, không cần chất keo vữa dính lại và thiết kế theo một hệ thống chống động đất vô cùng hữu hiệu (di tích Ollantaytampo và Machu Picchu vẫn còn khá nguyên vẹn cho đến ngày được khám phá).

Những di tích đền đài Inca là mối lo cho thực dân Tây Ban Nha vì đó là những biểu tượng tôn giáo của Inca, là những biểu tượng sống chết cho người dân Inca. Thực dân Tây Ban Nha đã cho phá hủy đi gần 80% các di tích đó, những phiến đá của di tích Sacsayhuaman, biểu tượng cho niềm tự hào và tôn giáo của Inca, đã bị đục phá và thực dân đem về xây ngôi nhà thờ Chính Tòa Thành Phố. Thực dân cũng bất chấp mọi thủ đoạn tàn phá những công trình tôn giáo văn hóa khác của Inca.

Điều trớ trêu là thực dân đã không phá hủy được hết các công trình Inca mà lại phải xây dựng những ngôi nhà thờ ngay trên các nền móng của những ngôi đền đài Inca cũ. Thực dân Tây Ban Nha thời đó cho xây bức tường mỏng trá hình bên ngoài để người ta ngộ nhận là kiến trúc xây cất của Tây Ban Nha, nhưng thực ra là che giấu trình độ yếu kém về kiến trúc của họ. Những trận động đất lớn xảy ra vào giữa thế kỷ 17-18 tàn phá những công trình kiến trúc của Tây Ban Nha tại Cusco đã chứng minh điều đó. Có lẽ đây là lý do làm tôi lấn cấn tâm tư khi nhìn thấy kiến trúc Spain Baroque tại Cusco phải dựa vào nền móng kiến trúc Inca.


Một buổi lễ tôn giáo dân gian Inca tại công trường Plaza de Armas.
(Hình ATNT Tours & Travel)


Sau khi xâm chiếm Cusco, dân Inca đã bị thực dân Tây Ban Nha của thế kỷ 16-17 tàn sát không thương tiếc, họ đã bị cơn dịch bệnh đậu mùa do thực dân đem đến vùng Cusco làm dân số Inca giảm đi nhanh chóng. Nghĩ đến ngày xưa oai dũng của Inca, ngẫm đến thời tàn lụi của họ mà người ta hình dung ra cái tội lỗi tham vọng tranh giành danh lợi của vua chúa Inca để đến nỗi vong quốc.

Khu vực downtown Cusco có khá nhiều công trường gần kề sát bên nhau, chỉ cần đi vài trăm mét là du khách đã đến một công trường khác. Trung tâm chính của Cusco là khu công trường chính (Main Square/ Plaza de Armas) với hai ngôi nhà thờ lớn vây quanh gồm ngôi nhà thờ Chính Tòa Thành Phố và ngôi nhà thờ The Compania de Jesu. Lịch sử của Colonial Cusco ngày nay in đậm nét trong các ngôi nhà thờ này. Main Square không lớn lắm, mỗi cạnh chỉ chừng khoảng 300 mét, những dãy cửa tiệm có kiến trúc theo kiểu Tây Ban Nha hai tầng, buôn bán “gift shop,” nữ trang, quần áo thời trang. Có cả các nhà hàng sang trọng xen kẽ với các tiệm cafeteria mà mặt tiền hướng trông ra phía công trường, McDonald’s và Starbuck cũng có mặt hiện diện ở Main Square.

Plaza de Armas là nơi thoải mái cho du khách ngồi nghỉ chân, ăn trưa và quan sát sinh hoạt của các con phố chính. Vào những ngày lễ hội và cuối tuần, người dân Cusco đều chọn Main Square và nhà thờ Thành Phố là nơi tụ về vui chơi với những điểm văn hóa riêng biệt của họ. Đã có lần tôi chứng kiến cảnh một vị “tu sĩ” Inca đến công trường từ sáng sớm bày “bàn thờ cầu an” (gồm áo mũ Inca củi lá cây hai cánh lông chim lớn), sau đó làm các nghi lễ như đốt lửa – vái lạy đất trời – xông khói – vẩy nước – thuyết pháp – trừ tà bằng lông chim. Nếu du khách may mắn đến với Cusco vào ngày cuối tuần, người ta có dịp xem một buổi lễ thượng kỳ của thành phố với một buổi duyệt binh nhỏ của thành phố với sự tham dự của quân đội, cảnh sát và các viên chức thành phố.

Còn vào ngày thường, công trường này có lẽ chỉ dành cho du khách đi lại hơn là người dân địa phương. Ngoài ra, nếu bạn muốn biết một chút về sinh hoạt của người dân địa phương, bạn có thể tìm đến khu chợ Petro Market cách đó cũng không xa lắm. Thôi thì có đủ cả! Vào chợ, tôi cảm thấy nhớ về ngôi chợ Bến Thành Sài Gòn ngày xưa trong ký ức, nhưng Petro Market có đường đi rộng rãi hơn, khang trang hơn và ít huyên náo hơn. Ở đây hình như thiếu tiếng rao hàng, thiếu tiếng ồn ào của chợ. Có một điểm làm tôi ngạc nhiên là ở khu chợ trái cây, người ta để những “bàn cân công cộng” để cho người mua lẫn người bán có thể cân ký món hàng mình mua, không ai có thể gian lận cân dư hay cân thiếu được. Kể ra cũng là một điểm hay để tránh bớt được chuyện cãi nhau trong chợ.


Cảnh đường phố sinh hoạt của Cusco. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Một ngạc nhiên khác là người ta bán cuộn cây “bloody tree” (cây máu), cây được cuộn lại và có chất nhựa đỏ, chất nhựa này rỉ ra như máu chảy được người bán hàng vớt vào tô chén, sau đó “máu cây” này thì được đổ vào chai nhỏ và bán cho khách hàng với công dụng giúp cho sạch da, làm vết thương trên da mau lành, và có thể chữa bệnh đau bụng. Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm tin được nhưng thấy có người bản xứ mua dùng.

Ngoài ra, có các quán hàng ăn tạo thành từng khu trong chợ, từ những quán thịt gà đến thịt heo ngồi san sát nhau. À! Có cả quán bán thịt chuột lang (Guinea-pig), bạn muốn thử không! Nhiều người khen ngon lắm, nhất là phần đầu chuột lang. Tôi thì xin chịu thua món này.

Nhưng đã ở Cusco thì không thể nào không đến thăm Koricancha và Sacsayhuaman. Đây là những di tích còn sót lại của đế quốc Inca.

Koricancha chỉ cách Main Square chừng 8 phút đi bộ và là một di tích rất quan trọng của Inca bao gồm Temple of the Sun, Temple of the Moon, Temple of the Stars, Temple of the Rainbow vẫn còn lưu lại dấu vết nơi đây. Người ta kinh ngạc khi nhìn thấy tận mắt cách thiết kế các “mộng” đá nối kết lại với nhau làm thành bức tường đền và tin rằng bức tường của các ngôi đền này đã được bao bọc bằng một lớp vàng hay bạc. Một bức tranh bằng vàng điêu khắc các biểu tượng tôn thờ của Inca được copy lại để du khách có thể biết thêm văn hóa Inca ngày xưa, riêng bức tranh nguyên thủy đã được thực dân nấu chảy thành vàng khối và “cất giữ” hộ người Inca.

Còn di tích Sacsayhuaman của Inca cách trung tâm Cusco khoảng hơn 2 cây số là một di tích vĩ đại của đế quốc Inca bao gồm những tháp canh và đền đài. Vị vua Inca IX Pachacuti đã dùng hơn 20,000 nhân công và xây Sacsayhuaman trong khoảng 50 năm.

Ba lớp tường thành bằng những tảng đá to lớn được xếp theo hình Zig-Zags tựa như những tia chớp nhằm bảo vệ tháp và đền. Có lẽ nếu còn nguyên vẹn, di tích này không thua kém gì Đế Thiên Đế Thích của Cambodia. Người Inca (nếu còn) không khỏi ngậm ngùi nhớ về thời oanh liệt của tổ tiên mình, ngày nay chỉ còn trơ lại những tảng đá tường thành.


Buôn bán dược thảo “bloody tree” (cây máu) trong chợ Petro Market. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Người ta đã phá hủy đi các tháp canh, các đền đài để lấy đá đem về xây nhà thờ Thành Phố Cusco. Bây giờ Sacsayhuaman chỉ còn trơ lại nền đá trên đỉnh đồi cao thành phố và bức tường thành với những tảng đá quá lớn mà có lẽ thực dân Tây Ban Nha chưa kịp phá bỏ để dùng vào một công trình nào đó của họ. Bây giờ trên một đỉnh đồi bên cạnh di tích Sacsayhuaman, người ta mới cho xây một tượng Chúa Cứu Rỗi dang hai tay nhìn xuống thành phố Cusco, có lẽ Cusco hiện tại bắt chước theo tượng Chúa Cứu Rỗi đứng trên đỉnh đồi Corcovado của Rio De Janeiro (Brazil). Chúa Cứu Rỗi cho những người dân nghèo Cusco hiện tại hay Chúa Cứu Rỗi cho những lỗi lầm mà phương tây đã đem đến cho Inca-Cusco.

Colonial Cosco đã được thực dân Tây Ban Nha xây dựng suốt từ năm 1536 đến năm 1650 thì xảy ra một trận động đất lớn tại Cusco, phần lớn các kiến trúc xây dựng của Tây Ban Nha đều bị phá hủy, chỉ trừ những tường thành Inca vẫn ngang nhiên sừng sững còn đứng yên nguyên vẹn. Ai chiến thắng! Ai chiến bại! Xin nhường lại phần kết cho độc giả.

Machu Picchu chỉ là một góc nhỏ trong kiến trúc và văn hóa Inca. Riêng Cusco vẫn còn nhiều điều để du khách tìm hiểu và thưởng ngoạn khi đến Peru.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân