TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Có Cả Cần cần chi có Cả
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Có Cả Cần cần chi có Cả

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Sat Aug 03, 2019 2:08 am    Tiêu đề: Có Cả Cần cần chi có Cả
Tác Giả: Trang Nguyên

Có Cả Cần cần chi có Cả

Ông Cả Cần là nhãn hiệu cầu chứng
của quán bánh bao Ông Cả Cần ở Sài Gòn năm 1969.


Câu “Có Cả Cần Cần Chi Có Cả” là câu quảng cáo vui tai của tiệm bánh bao Ông Cả Cần nhưng không thấy viết ra chữ như khẩu hiệu của hãng xăng Shell đã trương bảng quảng cáo khắp đường phố Sài Gòn: “Yêu xe là yêu Shell”.

Chuyện quảng cáo xăng dầu nó rõ ràng giữa xe cộ và xăng dầu của hãng Shell, khác xa chuyện quảng cáo bánh bao gắn với Ông Cả Cần. Có Cả Cần cần chi có cả (không chỉ rõ món hàng rõ ràng) hẳn là xuất hiện trong lúc trà dư tửu hậu cho vui của chủ nhân với bạn bè, mừng cho công việc buôn bán món bánh bao, hủ tíu, mì nước lèo (mì chú Thoòng) hay đồ nhậu trở nên khấm khá. Ngay cả Ông Cả Cần cũng không phải là tên chủ nhân thật sự của tiệm bánh bao nằm ngay góc đường Nguyễn Tri Phương và Hùng Vương trước công viên Văn Lang, cạnh đường hỏa xa về miền Tây bỏ hoang từ vài thập niên trước. Cái tên Cả Cần chỉ là tên của một người bạn của ông Trần Phấn Thắng đặt tên cho quán để giữ một kỷ niệm lâu dài cho tình bằng hữu.


Quán Mỹ Tiên năm 1969 lúc mới khai trương.
Bánh bao Ông Cả Cần cũng ra đời ở đây.


Nhớ đâu đó vào năm 1969, ba tôi chở tôi trên chiếc Honda 68 vừa mới mua đi thăm người bà con xa ở Chợ Lớn, sẵn ghé tiệm Ông Cả Cần trong thời gian khai trương kèm tặng nước giải khát miễn phí. Có lẽ cả năm rồi tôi chưa được đi ăn quán, ngoại trừ lần đầu tiên cha con chúng tôi đi bằng xe thổ mộ ra Sài Gòn đi ăn phở ở khu vực Chợ Cũ nhân dịp ghé thăm người bà con bên má tôi từ quê lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề hớt tóc bên lề đường Hàm Nghi. Ðây là lần thứ hai tôi ăn quán. Ðối với một đứa trẻ chín mười tuổi được ăn uống ở quán xá là chuyện vui sướng nhất đời, lại là món hủ tíu, bánh bao tôi ưa thích mà thỉnh thoảng chỉ được thưởng thức ở các xe bán bình dân trong xóm.

Quán Ông Cả Cần đơn giản nhưng khá rộng ở một góc đường cạnh đường xe lửa. Quán dựng lên cũng đơn giản bằng mái lợp tôn thiếc, chung quanh che chắn bằng vải bạt nhựa cuốn lên lúc trời nắng, thả xuống khi trời mưa. Ba tôi bảo quán túp lều lý tưởng. Chẳng biết ba tôi nói đại hay nghe người ta kháo nhau đó là quán “Túp lều lý tưởng”. Tôi nghe vậy thôi chứ chẳng thấy lý tưởng chút nào. Sau này khi đọc báo Tin Sáng đưa tin chuyện tranh chấp thương hiệu trước kia của quán Ông Cả Cần và quán hủ tíu bánh bao Cả Cần ở đường Công Lý và Trương Quốc Dung thì mới rõ đôi chút.


Vợ chồng ông Trần Phấn Thắng chủ nhân quán Ông Cả Cần.


Ðó là chuyện mấy năm trước vợ chồng ông bà Trần Phấn Thắng (Ông bà Cả Cần, ông gốc Mỹ Tho còn bà gốc Bến Tre) thuê chỗ mở quán bán hủ tíu bánh bao ở địa điểm này sau khi ông bỏ nghề công chức, xoay ra nghề buôn bán do biết làm bánh bao và bà nhà có tay nghề nấu hủ tíu rất ngon. Thấy ông bà Cả Cần làm ăn ngon lành, khách đông nườm nượp, sẵn thời gian hợp đồng hết hạn, chủ nhà lấy lại mặt bằng không cho thuê nữa để mình tự mở quán kinh doanh lấy thương hiệu “Bánh bao Cả Cần”.

Mất chỗ buôn bán, vợ chồng Ông Cả Cần xoay tìm mua một địa điểm mới mở quán “Bánh bao Ông Cả Cần” tức là quán “Túp lều lý tưởng” dựng lên đơn sơ lúc đó mà ngày nay xây gạch ở góc đường Hùng Vương. Có lẽ do trước đó, lúc mở quán làm ăn, ông bà Cả Cần chưa đăng bạ nhãn hiệu cầu chứng nên bị người ta “cướp” mất thương hiệu. Khi mở quán “Túp lều lý tưởng”, ông bà mới đăng bạ thương hiệu nên mới có những dòng chữ vừa làm bảng hiệu vừa làm lời quảng cáo “Ông Cả Cần nhãn hiệu cầu chứng” công bố cho người ta biết. “Bánh bao Ông Cả Cần thơm ngon tinh khiết đầy bổ dưỡng” được vẽ sơn trên chiếc xe hủ tíu và các vách che của quán. Xét ra nhãn hiệu cầu chứng là “Ông Cả Cần”, còn bán thêm món gì trong quán là chuyện khác. Cạnh xe hủ tíu là một chồng xửng hấp bánh bao cao tới đầu. Nghe nói nhân công làm việc trong quán có đến mấy chục người. Với một quán ăn, nhân sự chừng ấy, với nhiều người mở quán có mơ mà chẳng thấy.


Quang cảnh quán hủ tíu, bánh bao Ông Cả Cần
ở góc đường Nguyễn Tri Phương và Hùng Vương.


Tiệm Ông Cả Cần có bán bánh bao, hủ tíu và món mì nước tên mì Chú Thoòng, không biết món nào là món chính. Tất nhiên là món bánh bao bán chạy hơn hủ tíu hoặc mì, người vào quán có thể chỉ gọi một tô hủ tíu hay mì nhưng thường kêu thêm một cái bánh bao hoặc khách đi ăn sáng gọi một bánh bao thư thả thưởng thức cùng ly bạc xỉu. Còn người đem về nhà thì thường mua bốn năm cái. Khách dừng xe đến mua liên tục. Người ghé quán quen miệng gọi cho gọn bánh bao Cả Cần.


Quán Túp Lều Lý Tưởng Bánh bao Cả Cần.


Do cách nói cho gọn bánh bao Cả Cần về sau trở thành một vấn đề lấn cấn thương hiệu “lộng giả thành chơn” mà cô con gái Mỹ Tiên của ông chủ quán bánh bao Ông Cả Cần sau này đính chính về cái tên thuở ban đầu khi cha mẹ cô mở quán. Nhiều bài viết về Bánh bao Cả Cần thiếu mất chữ Ông mà người đời quen gọi. Chính xác phải gọi là quán Bánh bao Ông Cả Cần mới đúng. Quán Cả Cần là tên gọi sau này ở Sài Gòn khi gia đình cha mẹ cô sang định cư tại Montréal, Canada vào năm 1979. Tại Canada, sau khi ông bà Cả Cần mất, các con của họ đã phát triển thêm 3 tiệm ăn nữa, tổng cộng là 4 tiệm ăn đều ở Montréal. Bánh bao vẫn là món gia truyền, nghe nói là vẫn còn giữ nguyên hương vị của bánh bao từ đời cha mẹ làm nên thương hiệu.

Nhớ lại lần đầu tiên tôi được thưởng thức bánh bao Ông Cả Cần, lúc đó thấy thật là ngon, bột bánh không có mùi khai của bột nổi mà hầu hết bánh bao đều có mùi đặc trưng này. Vỏ bánh mỏng, nhưn ướt thấm vào vỏ bánh làm người ăn không cảm thấy ngấy, không dính răng. Còn ngon như thế nào với một đứa nhỏ như tôi vào thời gian ấy thì không thể viết ra giấy mực. Cái ngon đó, lẩn quẩn trong cảm xúc chứ không phải ở vị giác mà nó làm tôi nhớ đến bây giờ. Sau này, tôi có trở lại quán Cả Cần vài lần (lúc đó gia đình Ông Cả Cần không còn làm chủ mà nghe đâu là một người làm công của ông đứng ra kinh doanh). Công tâm mà nói, tôi vẫn thấy nhưn bánh ngon không tệ như nhiều người chê, duy chỉ bột vỏ bánh có mùi khai đặc trưng không mấy hấp dẫn. Còn hủ tíu cũng khó chê vào đâu được, chỉ có thêm vài thứ nhưn như gan heo, thịt băm không như tô hủ tíu nguyên thủy của Ông Cả Cần chỉ có cục sườn, vài ba con tôm xú đỏ au và vài lát thịt xá xíu thơm mềm.


mì Chú Thoòng cũng xuất xứ tại Túp Lều Lý Tưởng


Tôi thấy chuyện tranh luận về thương hiệu Ông Cả Cần hay Cả Cần hoặc mức độ ngon dở của bánh bao hủ tíu ra sao cũng không quan trọng. Quan trọng là trong tâm tưởng người dân Sài Gòn vẫn còn nhớ đến một món ăn thuần túy là cái bánh bao chính gốc của người Hoa nhưng du nhập vào xứ mình trở thành món bánh bao thuần Việt mà lại rặt miền Tây ngon nức tiếng. Chẳng thế mà các quán của hậu duệ Ông Cả Cần được chính quyền Montréal vinh danh cho việc thành công ở xứ người của những người di dân đó sao.

Riêng về món hủ tíu của quán Ông Cả Cần thì có nhiều người cho rằng đó là hủ tíu Sa Ðéc. Do có chuyện ngộ nhận Bà Năm Sa Ðéc (vợ của ông Vương Hồng Sển) có phần hùn với quán Ông Cả Cần. Chính gốc Ông Cả Cần chỉ bán bánh bao. Sự nhầm lẫn này cũng là chuyện bình thường vì mình không phải là người trong cuộc, nghe tin đồn thất thiệt tam sao thất bổn.


Ông Bà Cả Cần vẫn... trẻ trung tại Canada năm 1990


Theo facebook của cô con gái lớn của ông Cả Cần mở quán Mỹ Tiên ở Montréal cho biết, một thời gian ngắn sau khi quán Ông Cả Cần thành công. Cha mẹ cô mở thêm một tiệm thứ hai ở góc ngã tư Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Trãi. Do quen biết nhiều trong giới nghệ sĩ, nhất là bà Năm Sa Ðéc nên cha cô mượn nghệ danh Bà Năm Sa Ðéc đặt tên cho tiệm. Tuy nhiên do tiệm nằm lấn ra đường Nguyễn Trãi nên chính quyền bắt tháo dỡ. Ông Cả Cần đi kiện vì giấy tờ nhà đất hợp lệ, kết cục vẫn giữ được cái tiệm. Vì vụ lùm sùm này, bà Năm Sa Ðéc xin rút tên, nên ông Cả Cần lấy tên cô con gái lớn Mỹ Tiên đặt tên cho quán.

Giờ đây vợ chồng Ông Cả Cần Trần Phấn Thắng đã ra người thiên cổ nhưng câu nói đùa “Có Cả Cần cần chi có Cả” vẫn sống mãi như một giai thoại đẹp trong lãnh vực ẩm thực của người Sài Gòn.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân