TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Anastasia
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Anastasia

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Tue Mar 12, 2019 11:44 pm    Tiêu đề: Anastasia
Tác Giả: Ian Bùi

Anastasia

Một màn vũ trong vở nhạc kịch. Hình: Evan Zimmerman


Anastasia là một vở nhạc kịch dựa theo một cuốn phim hoạt họa của Disney (1997). Bối cảnh câu chuyện bắt nguồn từ gia đình Tsar Romanov, Sa Hoàng cuối cùng của Nga. Anastasia xuất hiện trên Broadway mới hai năm, và đây là Tour đầu tiên vòng quanh nước Mỹ. Trẻ có dịp viếng hậu trường và phỏng vấn một vài người trong kịch đoàn cho bài viết này.

Một vòng lịch sử trước khi vào chuyện. Công chúa Anastasia Nikolaevna Romanova, sinh năm 1901, là con gái thứ tư của Tsar Nikolas II. Bà Nội của Anastasia, nhũ danh Dagmar, là con của vua Christian IX nước Ðan Mạch. Năm 1864 Dagmar (1847-1928), được hứa hôn với hoàng tử Nikolas Alexandrovich, con trai đại đế Alexander II của nước Nga. Nhưng chưa kịp cưới thì Nikolas bị viêm màng óc và chết đột ngột năm 1865. Trong phút lâm chung, Nikolas ước nguyện Dagmar lấy người em trai của mình là Alexander. Chính đức vua cha Alexander II đã thân chinh qua Ðan Mạch để an ủi cô con dâu hụt, và năm sau hoàng tử Alexander cũng sang Copenhagen để cầu hôn. Thế là tháng 9 năm 1866 công chúa Dagmar một lần nữa sang Nga để lấy chồng, và từ đó mang tên hoàng gia là Maria Feodorovna.


Từ trái: Công chúa Maria, Tatiana, Anastasia, và Olga, 1914. nguồn: wikipedia commons. Hình: Evan Zimmerman


Năm 1868 Maria F. hạ sanh trưởng nam Nikolas. Năm 1881 Alexander II bị ám sát, Alexander III lên nối ngôi và Maria F. nghiễm nhiên trở thành Hoàng Hậu (Tsarina). Năm 1894 Alexander III đột ngột qua đời khi mới 49 tuổi. Maria trở thành Hoàng Thái Hậu khi Nikolas lên nối ngôi cha. Sa hoàng Nikolas II tiếp tục để cho Mẹ mình giúp việc triều chính vì chính ông còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi Nikolas lấy vợ (Alexandra Feodorovna) thì mẹ chồng nàng dâu bắt đầu có xích mích. Nikolas dần dần nghiêng theo Alexandra – một người phụ nữ xinh đẹp, ít kinh nghiệm nhưng lại thích làm chính trị. Việc gì phải đến đã đến. Thay vì canh tân đất nước theo đường hướng mới như Mẹ mình khuyên bảo thì Nikolas lại nghe lời vợ, bổ nhiệm một số nhân vật bảo thủ vào các chức vụ quan trọng, trong khi xã hội Nga đang sôi sục phong trào chống Sa Hoàng và chế độ phong kiến lỗi thời.

Sau khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ (1914), Nikolas ngày càng lún sâu vào vũng lầy chính trị do ảnh hưởng của bà vợ. Cách mạng xảy ra. Nikolas bị ép thoái vị, kết liễu chế độ Sa Hoàng. Năm 1917 gia đình Romanov bị lưu đày sang Siberia, sau đó bị quản thúc tại gia ở Yekaterinburg, nơi câu chuyện bí ẩn bắt đầu. Theo lời kể của một số nhân chứng thì năm 1918 tất cả mọi người trong nhà, kể cả người hầu, đều bị mật vụ của phe Ðỏ (Bolshevik) giết sạch. Khi ấy Anastasia mới 17 tuổi. Tuy nhiên, trong số xác chết lại không có một trong bốn cô con gái của Nikolas – có thể là Anastasia hoặc là người chị kế là Maria, vì hai người gần tuổi nhau và cùng kích cỡ – và cũng không thấy xác người con trai út là Alexei, tức em trai của Anastasia mà cô rất mực yêu mến. Thế là có tin đồn rằng Anastasia vẫn còn sống và rất có thể đang ẩn náu ở đâu đó. Nghe tin, Bà Nội của Anastasia, lúc đó đang sống ở Paris bèn ra giải thưởng cho bất kỳ ai tìm được cô cháu gái của mình. Thế là nhiều người liền giả mạo Anastasia hòng lấy tiền thưởng, nhưng tất cả đều bị bà Maria phát hiện là đồ giả.


Bà Nội Maria Feodorovna trao cho Anastasia chiếc hộp nhạc. Hình: Evan Zimmerman


Vở kịch mở màn với bữa tiệc gia đình của Sa Hoàng Nikolas II thời tiền cách mạng, khi Anastasia còn bé, tiễn bà Nội Maria sang Pháp sinh sống. Sau bữa tiệc, bà trao cho cô cháu út một chiếc hộp nhạc (music box) và hẹn sẽ có ngày gặp lại. Vài năm sau, lúc ấy Anastasia đã là một thiếu nữ 16 tuổi, cách mạng xảy ra và cả nhà bị đưa về Yekaterinburg. Sau khi gia đình Romanov bị sát hại và tin đồn Anastasia còn sống được phao ra, tại St Petersburg, hai gã đàn ông tên Dmitri và Vlad âm mưu kiếm người giả làm Anastasia để lấy tiền thưởng. Họ bắt gặp Anya, một cô gái làm nghề phu quét đường bị bệnh mất trí nhớ nhưng có những nét rất giống Anastasia. Thế là hai chàng mang cô về; luyện tập cho đi đứng và ăn nói y như một cô công chúa thật. Cùng lúc, mật vụ Nga cũng phát hiện ra Anya và cho một tay công an tên Gleb theo dõi. Gleb được lệnh phải giết Anya trong trường hợp cô ta đúng là dòng dõi Romanov, cần triệt tiêu để dân Nga không thể hy vọng vào sự hồi sinh của chế độ cũ.


Anya mở chiếc hộp nhạc, ký ức xưa ngày còn gia đình bỗng ùa về. Hình: Evan Zimmerman


Dmitri đưa cho Anya xem một chiếc hộp nhạc anh ta tìm được từ lâu nhưng không biết cách mở. Anya mở nó ra dễ dàng; tiếng nhạc dường như gợi nhớ đến một ký ức xa xưa. Thấy vậy Dmitri lại càng tin đây có thể là công chúa Anastasia thật. Bộ ba quyết định lên đường sang Paris để ra mắt Maria Feodorovna. Tất nhiên họ luôn bị Gleb nối đuôi để tìm cơ hội ám sát. Nhưng kẹt một nỗi là Gleb lại sinh lòng yêu Anya, trong khi đó thì Anya bắt đầu có cảm tình với Dmitri. Mối tình tay ba thật trớ trêu. Tại Paris, Vlad gặp lại người yêu cũ là Lily, ngày xưa là tì nữ của Hoàng Thái Hậu Maria. Nhờ Lily, họ được diện kiến Maria sau một buổi Ballet. Mặc dù Anya nhận ra Bà Nội mình, và Maria cũng nhận ra Anastasia, nhưng sau khi bị quá nhiều người lừa đảo, Maria cuối cùng vẫn không chịu chấp nhận Anya là cháu nội mình. Vở nhạc kịch kết thúc với cảnh Anya chia tay Maria rồi cùng Dmitri tay trong tay đi xây cuộc đời mới ở Paris, bỏ lại sau lưng mọi nghi vấn về tông tích của Anastasia.


Y trang được thiết kế bởi sinh viên trường El Centro College, Dallas, dựa theo vở nhạc kịch. Hình: ianbui/Trẻ


Tuy là một câu chuyện buồn nhiều hơn vui, nhưng vở nhạc kịch này được dàn dựng rất đẹp mắt. Những bộ trang phục quý phái đắt tiền được thiết kế rất công phu. Có những chiếc áo trị giá trên 20,000 đô la, chưa kể vô số nữ trang sang trọng. Nữ diễn viên Tari Kelly, đóng vai Lily, tiết lộ với Trẻ rằng có một bộ áo cân nặng đến 35 lbs, khiến cô diễn viên phải nai nịt thêm đai lưng hỗ trợ hòng có thể đi đứng và múa hát mà không sợ bị... cụp xương sống! Phần âm thanh và âm nhạc của kịch này cũng rất chỉnh tề, với một dàn mini-orchestra mười mấy người đệm nhạc cho các màn múa và Ballet thuộc thế kỷ 19 vì không thể sử dụng nhạc khí điện tử như đa số nhạc kịch tân thời. Tuy nhiên kỹ thuật hiện đại cũng được vận dụng tối đa, ví dụ như microphone của diễn viên Ed Staudenmayer, đóng vai Vlad, thì được gắn vào gọng mắt kiếng. Còn hậu cảnh thì được thiết kế bằng kỹ thuật ánh sáng và video tối tân, có thể chuyển cảnh vô cùng nhanh chóng – nhanh đến độ có màn diễn viên phải mặc hai lớp áo để cởi ra kịp cho màn tiếp theo!


Anya (Anastasia?) và người yêu Dmitri làm lại cuộc đời ở Paris. Hình: Evan Zimmerman


Kịch bản cho phim Anastasia được soạn vào thập niên 1990, khi ấy vẫn chưa ai xác định được công chúa có thật sự sống sót sau cuộc cách mạng Bolshevik hay không. Mãi đến năm 2007, khi khai quật một ngôi mộ tập thể ở ngoại ô Yekaterinburg người ta phát hiện hai bộ xương một nam một nữ. Giảo nghiệm DNA xác nhận đây là hai người con cuối cùng của Nikolas II đó giờ chưa tìm ra xác. Hài cốt của họ nay đã được chôn cất tử tế tại St Petersburg (không còn bị gọi là Leningrad nữa), chấm dứt một chương sử đầy máu và nước mắt của nước Nga thời cộng sản.

Xem nhạc kịch này người viết không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến Việt Nam: Hà Nội vẫn còn tượng gã Lenin; Sài Gòn thì chưa lấy lại được tên. Ước gì mai đây sẽ có người soạn một vở cải lương hay nhạc kịch về chuyện tình của Công Nữ Ngọc Vạn, người đã có công mở mang bờ cõi và dọn đường cho các Chúa Nguyễn lập nên vùng đất Nam Kỳ, biến một bãi lau sậy thành đô thị Sài Gòn sầm uất ngày nay.

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân