TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhà thờ Hạnh Thông Tây
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhà thờ Hạnh Thông Tây

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Fri Mar 08, 2019 12:03 am    Tiêu đề: Nhà thờ Hạnh Thông Tây
Tác Giả: Trang Nguyên

Nhà thờ Hạnh Thông Tây

Nhà thờ Hạnh Thông Tây năm 1965


Nhà thờ Hạnh Thông Tây là một kiến trúc tôn giáo độc đáo so với hầu hết các công trình kiến trúc nhà thờ khác tại Sài Gòn. Nhà thờ được hai nhà thầu Baader và Lamorte thiết kế xây dựng theo phong cách Byzantine mô phỏng theo Vương Cung Thánh Đường Vitale của Ý. Lối thiết kế Byzantine có mái vòm, lấy ánh sáng từ các ô cửa kính. Nhà thờ này còn một sự kiện đặc biệt khác, là trong nhà thờ có hai ngôi mộ ghi công của người bỏ tiền xây cất.


Nhà thờ Hạnh Thông Tây năm 1965


Trong bài Nhà thờ Huyện Sĩ, tôi có nhắc đến lúc đương thời, ông Lê Phát Ðạt (Sĩ) vẫn dạy con cháu, dù có giàu có vẫn phải tiết kiệm, tiền bạc làm ra, giúp ích cho đời, cho lương dân. “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách / Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”. Con cháu của ông, ai nấy đều thành đạt, giữ được cơ đồ sản nghiệp. Theo gương ông, người con trai trưởng Lê Phát An và vợ là Trần Thị Thơ cũng bỏ tiền xây cất nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp.

Sau khi du học bên Pháp về rồi lập gia đình, ông Lê Phát An được cha cho cai quản nhiều khu đất rộng lớn tại Gò Vấp. Ðất ông cho nông dân thuê lại trồng hoa và rau cải, ông lên Ðà Lạt mua đất mở đồn điền trồng trà cà phê bên cạnh gia đình cô em là Lê Thị Bình và em rể Nguyễn Hữu Hào (trở thành cha mẹ vợ của vua Bảo Ðại vào năm 1934), thỉnh thoảng mới lái xe về Sài Gòn xem xét đất đai ở Gò Vấp.


Một máy bay quân sự hạ cánh ngang qua nhà thờ Hạnh Thông Tây hồi năm 1968. Hình: LIFE


Một lần khi xe đi ngang qua một ngôi nhà nguyện thuộc xứ đạo Hạnh Thông Tây, nguyên là một ngôi đình làng được một con chiên khá giả hiến tặng lập nên ngôi nhà nguyện để cho con chiên xứ đạo có nơi cầu nguyện phụng thờ Chúa dưới thời Linh Mục Matthew Hồ Tấn Ðức. Cám cảnh ở giữa một nơi hoang vắng, chung quanh toàn là đồng cỏ chăn dê thả bò, ông bảo tài xế dừng xe, ghé thăm đi lễ ngôi nhà nguyện. Nhìn thấy tượng Thánh Giuse đeo một chiếc túi vải, ông thấy lạ, hỏi chuyện và xin phép Cha sở cho mình được đọc nội dung bên trong rồi ra về.

Vài ngày sau, ông cùng người tài xế quay trở lại, ghé Thánh đường thưa chuyện với Cha, xin phép bỏ một số tiền lớn để xây cất lại nhà thờ hoàn toàn mới. Thế là nguyện vọng của Cha sở Hồ Tấn Ðức ghi trong tờ giấy bỏ vào túi đeo lên vai tượng Thánh Giuse cầu mong Thánh giúp xây dựng tu sửa lại nhà thờ được hiển linh.


Nhà thờ Hạnh Thông Tây và tháp chuông lúc chưa bị cắt ngọn.


Thế là một ngôi nhà thờ to lớn, xây dựng theo lối kiến trúc Byzantine bắt đầu xây dựng vào năm 1921. Nhà thờ rộng 560 mét vuông, bên cạnh có tháp chuông mái nhọn cao hơn 30 mét. Ðể ghi nhớ công lao của người phụng hiến xây dựng nhà thờ, nhà thờ cho dựng tượng Thánh Denis phía trước (Thánh bổn mạng của ông Lê Phát An là Denis), còn tượng Thánh Giuse và Ðức mẹ Maria được xây dựng trên đài đặt hai bên phía trước giáo đường. Như vậy nhà thờ có đến hai vị Thánh bổn mạng.

Việc dựng tượng Thánh bổn mạng Denis là do ý của nhà thờ, nguyện vọng chính của ông Lê Phát An lúc còn sống là sau khi vợ chồng ông chết được chôn trong nhà thờ. Ðiều này trở thành điều khó xử cho nhà thờ vì phép tắc xưa nay chỉ có chức vụ giám mục trở lên mới được an táng trong nhà thờ mà thôi. Cha sở trình lên Toà Giám mục địa phận Gia Ðịnh xin ý kiến. Cuối cùng, Toà Giám mục đồng ý cho phép thực hiện nguyện vọng của ân nhân. Trong lúc thi công xây dựng, ông Lê Phát An gợi ý cho kiến trúc sư và nhà điêu khắc xây dựng phần hai ngôi mộ nằm hai bên chái lõm của nhà thờ để được kín đáo, người từ bên ngoài đi vào không để ý thì không thấy. Ðó cũng là một việc làm tế nhị giảm thiểu phần phô trương của người góp của xây dựng ngôi giáo đường.

Hai ngôi mộ xây trước dành làm nơi an nghỉ của vợ chồng ông được xây dựng bằng đá cẩm thạch, phần tượng của hai người cũng được tạc bằng đá cẩm thạch do kiến trúc sư và điêu khắc gia người Pháp nổi tiếng A. Contenay và Paul Ducuing thực hiện. Ông P. Ducuing từng là người làm tượng cho lăng vua Khải Ðịnh. Ðiều có thể làm cho người ta cảm động trước hai bức tượng tuyệt tác là, ngôi mộ của ông thì có tượng bà ôm choàng lấy tấm bia gục đầu thương tiếc, còn ngôi mộ bà thì có tượng ông mặc áo dài, trước gối quỳ có bó hoa tặng vợ, hai tay đan xen phía trước ngực, đầu gục dựa cạnh bia mộ như thì thầm nói chuyện với bà.


Mộ bà Trần Thị Thơ phía trước là
tượng chồng Lê Phát An.


Chẳng may bà Trần Thị Thơ mất trước ông đến những 14 năm (mất năm 1932) thọ 60 tuổi, nghi thức tang lễ cử hành tại Thủ Ðức, đưa an táng tại ngôi mộ có tượng ông quỳ để nghìn năm thương nhớ. Hai năm sau, ông chứng kiến cảnh đưa dâu cô cháu gái của mình là Nguyễn Hữu Thị Lan ra Huế tấn phong Hoàng hậu Nam Phương. Cuộc hôn nhân này là do trong thời gian mở đồn điền ở Ðà Lạt, ông được Ðốc lý thành phố là ông Darle mời ông và cô cháu ruột đến dự tiệc tiếp kiến vua Bảo Ðại tại khách sạn Palace. Không ngờ, buổi tiệc ấy Bảo Ðại đã để mắt tới cô gái phương Nam. Ông đã tặng quà mừng cưới cho cô cháu gái của mình một triệu đồng Ðông Dương (tính ra thời đó khoảng 20 ngàn lượng vàng), do đó vua Bảo Ðại phong tước cho người cậu vợ một tước danh An Ðịnh Vương cao quý nhất. Ðến năm 1946 thì ông mất, thọ 78 tuổi. Ông được an táng trong ngôi mộ có tượng vợ một tay cầm đoá hoa, một tay ôm choàng lấy bia mộ.

Việc trang trí nội thất nhà thờ được sử dụng tranh ghép từ đá, gạch nên trông rất trang nghiêm và sang trọng. Trên nóc vòm nhà thờ nơi làm lễ được trang trí tranh khảm màu theo phong cách Byzantine mô tả cảnh Chúa Jesus chết trên thập giá, một số hình ảnh các vị Thánh khác giống như các nhà thờ bên Ý. Vòm trần được trang trí bằng những phù điêu hoa văn hình vuông kết nối với nhau tạo thành một hoạ tiết vô cùng sống động và mạnh mẽ. Xen lẫn các hàng cột tường vách là các ô cửa sổ kính màu lấy ánh sáng và toàn bộ mảng tường được trang trí bằng tranh ghép đá tranh Mosaic.


Mộ ông Denis Lê Phát An phía trước là tượng vợ Trần Thị Thơ. Hình: Internet


Trong thời gian xây dựng nhà thờ cho đến khoảng thời gian sau ngày ông Lê Phát An mất, quang cảnh chung quanh nhà thờ vẫn không thay đổi. Chung quanh vẫn còn hoang vắng, đồng cỏ thả dê, bò, văn phòng mục sự trong khuôn viên nhà thờ vẫn còn là một dãy nhà dài mái lá. Con đường đất hương lộ phía trước nhà thờ (nay là đường Quang Trung) còn nhỏ hẹp. Phía bên kia hương lộ là một phần ranh giới của Phi trường Tân Sơn Nhất (xây năm 1930) đã được hình thành phi trường dân sự lẫn quân sự. Con đường này kéo dài từ Ngã năm chuồng chó, chạy ngang qua chợ Hạnh Thông Tây (cũ), qua nhà thờ đến chợ Cầu thông thẳng đến Quân trường Quán Tre (sau là Quân trường Quang Trung) do Pháp thành lập năm 1953. Cũng trong năm này, Cơ quan Quản lý Hàng không Ðông Dương đệ trình chiều cao an toàn cho máy bay quân sự hạ cánh xuống phi trường và đề nghị với Ðức Giám mục J. Cassaigne yêu cầu nhà thờ Hạnh Thông Tây hạ thấp độ cao của tháp chuông. Vì thế tháp chuông đã được cắt ngọn, còn lại phần tháp hình vuông cao 20 mét. Tháp chuông hiện vẫn giữ nguyên trạng đến ngày nay.

Vào năm 1954 sau đợt di cư của người Bắc vào Nam, một số người Bắc quần tụ về đây cùng với đợt di dân của người miền Tây tránh chiến tranh từ các tỉnh đổ về mua đất cất nhà sống dọc hai bên đường hương lộ. Khu vực Hạnh Thông Tây bắt đầu phát triển. Riêng phần đất bên kia đường đối diện nhà thờ Hạnh Thông Tây sau mấy căn nhà lưa thưa mặt tiền hương lộ là ranh giới phi trường. Sau năm 1975, một số người di cư mới lấn chiếm một phần nhỏ diện tích an toàn của vành đai phi trường đến sát mương nước an toàn, cất nhà phố buôn bán và chợ Hạnh Thông Tây mới được cất gần đây vào năm 2002.


Nhà thờ Hạnh Thông Tây năm 1969, phía bên đường còn lô nhô mấy cây cọc ranh giới đất Phi trường Tân Sơn Nhất. Nguồn: Manhhaiflicks


Nhà thờ Hạnh Thông Tây đã qua hai lần trùng tu và xây mới lại hai lần hai dãy nhà mục vụ. Riêng mảng tranh ghép trên vòm trần nhà thờ sau thời gian xuống cấp, nhà thờ không có kinh phí chỉnh trang nên đã tự sửa chữa dẫn đến không còn tranh gốc. Sau này, nhà thờ mới nhờ các hoạ sĩ của trường Ðại học Mỹ thuật giúp phục chế lại nguyên bản như xưa.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân