TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bonsai thu nhỏ thiên nhiên
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bonsai thu nhỏ thiên nhiên

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9666

Bài gửiGửi: Mon Jan 28, 2019 12:48 am    Tiêu đề: Bonsai thu nhỏ thiên nhiên
Tác Giả: Trang Nguyên

Bonsai thu nhỏ thiên nhiên

Cây bồ đề chưa đến mùa tỉa lá


Trước đây, tôi cứ nghĩ bonsai là nghệ thuật chơi cây cảnh thu nhỏ có nguồn gốc từ Nhật Bản. Và nhiều người cũng nghĩ như thế vì chữ “bonsai” là tiếng Nhật. Nhưng không phải vậy. Nghệ thuật chơi cây cảnh xuất phát từ Trung Hoa rất lâu đời với tên gọi là “bồn tài” (cây trồng trong chậu) trước khi lan truyền sang đất nước Phù Tang. Và sau đó hơn ngàn năm, người Nhật mới tổ chức cuộc triển lãm bonsai quốc tế đầu tiên vào năm 1914, để giới thiệu đến những người đam mê nghệ thuật bonsai khắp thế giới vẻ đẹp cây cối thu nhỏ bắt chước từ thiên nhiên.

Người chơi cây cảnh giải thích rõ hơn, “bồn tài” hay “bonsai” cũng là một từ cùng nghĩa, tức là cây thu nhỏ trồng trong chậu. Tuy vậy, “bồn tài” của người Trung Hoa là một thế giới cây cảnh thu nhỏ mang tính tổng quan hơn, tức là phải có những vật thể thiên nhiên phụ họa như đá, thác hay nước mà người ta thường hay gọi là “tiểu cảnh”, người Việt nói nôm na là “kiểng non bộ”. “Bonsai” đơn thuần hơn, cây trồng trong chậu một mình, được tạo dáng từ lúc cây còn nhỏ hoặc cây có tuổi, có dáng ở nơi hoang dã. Người ta bứng, tỉa, thu gọn, tạo dáng đem trồng trong chậu. Vì vậy chơi “bonsai”, tuổi cây, dáng thế cây phải đạt đến độ nghệ thuật cao. Đơn giản vì cây chỉ đứng một mình trong chậu, những khiếm khuyết về cây dễ nhận thấy hơn khi cây được trồng trong một tiểu cảnh. Tất nhiên cả hai lối chơi “bồn tài” hay “bonsai” cây cảnh đều phải đến đỉnh cao nghệ thuật cây cối cổ thụ của thiên nhiên thu nhỏ cho dù cây ở dạng “tiểu” hay dạng “trung”.

Hồi ở quê nhà, tôi cũng là một người chơi tài tử cây cảnh dạng trung. Tuy không nhiều, mỗi thứ một cặp kiểng cổ đặt trước hiên nhà. Mai vàng, mai chiếu thủy, cần thăng, bồ đề, những loại này dễ trồng, sống dai cho nên nhiều người chơi cây cảnh “nhập môn” đều rất thích. Các loại cây này dễ tạo dáng. Cần thăng, mai chiếu thủy dáng trực, bồ đề, sanh, si – tam đa, mai vàng – ngũ phúc hay long chầu nguyệt. Tùng, bách ít người chơi hơn vì khó trồng và đắt tiền. Có người chơi cây dân dã như khế, me, bằng lăng thậm chí vú sữa, ổi... nói chung người thích chơi cây cảnh có thể thu nhỏ trồng bất cứ thứ cây nào họ thích bởi tự nhiên cây đã có một dáng đẹp nào đó, giờ cần bàn tay con người nâng nó lên tầm nghệ thuật cây cảnh.


Anh Hưng tỉa ngọa tùng trong vườn bonsai sau nhà


Và điều làm tôi ngạc nhiên khi thấy hình ảnh những loại cây cảnh ngày trước chốn quê nhà xuất hiện trong vườn bonsai của anh Hưng Nguyễn, chủ nhân tiệm Phở Bắc ở Garland. Thì ra anh là một người chơi cây cảnh bonsai chuyên nghiệp từ mấy chục năm nay. Anh thích những loài cây nhiệt đới, nhưng ở đây thời tiết bốn mùa rõ rệt, mùa đông phải mang các chậu bonsai nhiệt đới vô nhà cực quá. Cho nên kể từ lúc sang sống ở xứ người thì anh bắt đầu chơi các loại cây bonsai thích hợp với cả thời tiết mùa đông lạnh lẽo. Anh chỉ mấy cây tùng lá kim dáng trực hiên ngang đứng thẳng trong chậu trước nhà, “Chơi mấy loại cây này có tuyết đổ xuống cũng chẳng sao”. Trong vườn sau, là cả một thế giới bonsai mà anh tích cóp từ ngày sang Mỹ.


Thông lá kim


Tùng lá kim, ngọa tùng, maple Nhật đều có thể sống an toàn dưới thời tiết khắc nghiệt. Anh dần chuyển sang chơi loại cây này. Những loại bonsai nhiệt đới cơ bản như sanh, si, bồ đề, cần thăng anh đều giữ vì đó là cái hồn của người Việt có thú chơi cây kiểng bonsai. Thong thả quanh những hàng chậu bonsai các loại khiến tôi có cảm giác y như đến một nhà vườn chuyên bán bonsai cạnh làng hoa Gò Vấp ngày nào tôi còn ở Sài Gòn. Cứ mỗi dịp Tết đến, là tôi cùng thằng bạn đi xe gắn máy đến làng hoa thăm thú các loại hoa xuân bán Tết, sẵn tiện ghé xem những chậu bonsai cho thỏa mắt mà chẳng dám mua vì giá quá cao không hợp túi tiền.


Anh Hưng đang chăm sóc cây tùng 30 năm tuổi


Chơi bonsai là một thú vui tao nhã nhưng tốn kém không vừa. Anh chỉ cho tôi xem cây tùng lá kim mua lại của người bạn mất cả tháng lương. Còn cây tùng kia từng gắn bó với anh ba chục năm nay kể từ khi anh còn là một cậu thiếu niên mới sang Mỹ. Hẳn anh yêu quý nó lắm cho dù những chậu bonsai khác có thế dáng đẹp hơn, lão hơn, so với cái cây tùng anh mua năm mười đô ở Home Depot về nhà trồng trong chậu bắt đầu cho cái thú đam mê cây cảnh. Cây tùng đã theo anh một chặng đường dài và sẽ còn theo mãi với anh cho đến hết cuộc đời. Ba mươi năm, cây tùng mới cho anh một dáng thế mà anh chủ tâm tạo ra theo cách suy nghĩ của mình. Cho nên tuổi cây càng cao thì cây càng quý, nó nói lên ý nghĩa trường tồn trong thú chơi cây cảnh, là phải đẹp, phải cổ thụ nhưng cũng phải gọn nhỏ trong cái chậu xinh xinh.

Anh kể cho tôi nghe, muốn ép cây thu nhỏ, không phải cho cây thiếu dinh dưỡng là có thể thực hiện được. Thiếu dinh dưỡng cây chỉ èo uột, thậm chí úa lá, chết queo. Nhiều người tiết kiệm lấy đất từ vườn hoặc mua đất bán ở Home Depot bỏ vào chậu, trồng bonsai. Vi sinh từ đất không tốt có thể làm cây bị bệnh. Anh Hưng nói thú chơi cây cảnh cũng lắm công phu. Muốn đất tốt phải là thứ đất mua có nguồn gốc sản xuất chuyên cho cây trồng bonsai từ nước Nhật. Một bao đất nhỏ chục cân giá vài chục đô la. Loại đất này, người ta phải lấy lên từ độ sâu chín mười mét, sấy khô để loại bỏ vi sinh, nấm mốc gây bệnh cho cây trồng. Để giữ cho đất không trôi khi trời đổ mưa hay tắm táp cho cây hằng ngày, phải trộn đất với sỏi nhỏ. Còn phân bón, một thứ không thể thiếu cho bonsai, cũng phải mua loại đặc biệt mà anh gọi đùa là “cứt gà chocolate”, một bao phân nhỏ có giá cả trăm đô la. Anh vào nhà đem ra bọc phân cho tôi xem, thấy cái tên Nhật Bổn, là tôi biết thứ thiệt rồi. Anh bảo muốn tìm hiểu thêm thì lên mạng là có tất. Cục phân này nhỏ như cục phân gà khô vậy mà lợi hại lắm. Có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây phát triển. Cây phải phát triển thì thân cành mới cứng cáp, to ra. Phần làm cho nó thành bonsai, tức là phải cắt tỉa, tạo dáng từ năm này sang năm nọ, chứ không phải bắt nó suy dinh dưỡng.


Một cây tùng vân gỗ khá ngoạn mục


Tuổi tác của bonsai tất nhiên là cần thiết trong thú chơi cây cảnh, cây đương nhiên phải lão, cổ thụ, gân guốc mới đẹp. Anh chỉ cho tôi cây tùng theo kiểu dạng chơi gốc. Gốc tùng to, vân gỗ nổi lên đẹp mắt, đúng là lão tùng nhưng chỉ có một khúc, phần trên là thân cành xanh um như cây nấm khổng lồ. Một cây thông lá kim khác dáng trực. Thân cây mạnh mẽ, da cây sần sùi, tróc vẩy nhìn biết là già gân đứng vươn mình giữa trời và chậu. Nhưng lão cây chỉ là một yếu tố. Cây có giá trị ngoài tuổi còn phải có dáng thế để người ngắm chiêm nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên của cây cối tuy rằng nó được thu nhỏ.


Dáng “Thác đổ”


Để tạo được dáng thế của cây phải qua một quá trình kiên nhẫn nhiều năm mới hình thành cho một cây bonsai coi đẹp mắt, thậm chí cả chục năm dài. Anh Hưng chỉ cho tôi vài thế dáng cơ bản trực thẳng và thác đổ của tùng. Những cây tùng lá kim phía sân trước, anh uốn nắn thế dáng theo lối ngũ phúc, tức một cây có bốn cành, một ngọn, mỗi tán một hướng. Anh chỉ một cây tùng mà anh tạo dáng thật ưng ý khiến người bạn từng bán cây bonsai này cho anh trước đây nài nỉ cho phép “cây về chủ cũ”. Tôi thấy cây đã lão, dáng thế ngũ phúc biểu tượng năm điều ước muốn giản dị của con người: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Tôi hỏi anh có cây nào thế “Huynh Đệ” hay “Mẫu Tử” nào không, anh chỉ cho tôi một chậu bonsai đặt bên vách gỗ sân vườn. Hai thân cây cao thấp. Giá cùng chung một gốc thì đẹp biết mấy.


Cây cần thăng một loại dễ trồng, dáng đẹp


Chơi bonsai không đơn giản tí nào, người chơi phải có kiến thức các loại cây trồng và cách thức chăm sóc thích hợp. Không biết chăm sóc đúng cách, cây mua vài ba ngàn đô đem về tưới tắm mỗi ngày nhưng một hai năm sau cây cũng chết. Anh Hưng nói tuy rằng thú chơi là sở thích của con người nhưng chơi bonsai cần có thêm tính kiên nhẫn, hiểu biết. Thế mới biết, nghề chơi nào cũng lắm công phu.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân