TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhớ nhà qua những món ăn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhớ nhà qua những món ăn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Sat Dec 15, 2018 12:57 am    Tiêu đề: Nhớ nhà qua những món ăn
Tác Giả: Song Chi

Nhớ nhà qua những món ăn

Tiệm bánh mì Việt ở Oslo, Na Uy. Photo: Song Chi


Khi mẹ tôi còn sống, bà chỉ ăn được món ăn Việt, nên nhà cũng chỉ nấu món Việt. Cũng may là ở Oslo có một số siêu thị Việt bán khá đầy đủ từ gia vị, đồ khô, thực phẩm đông lạnh nhập từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc... nên tôi có thể nấu tương đối đủ các món, từ những món ăn hàng ngày cho tới món “ăn chơi”: phở bò, bún bò, bún riêu, bánh bèo bánh ít, bún thang, mì hoành thánh, hủ tiếu Nam Vang... Mấy năm sau này tôi lười, không cúng kiếng ba ngày Tết như trước nhưng Tết đến thì vẫn có bánh chưng bánh tét, dưa món củ kiệu, dăm thứ mứt, trái cây... cho đỡ nhớ hương vị Tết quê nhà. Oslo, nơi có khoảng hơn 6,000 người Việt sinh sống, cũng có khá nhiều nhà hàng Việt, khi nào thèm ăn món gì mà lại lười nấu thì ghé quán này quán kia, dù tất nhiên không ngon bằng những quán xá đặc sản trong nước từ Nam ra Bắc, nhưng thôi ăn tạm.


Nhà hàng Viet Nam House ở Oslo.
Na Uy. Nguồn: yelp.com


Từ khi chuyển sang Leeds, Anh Quốc, sinh sống, thành phố này có rất ít người Việt nên không có siêu thị Việt, chỉ có siêu thị của người Hoa, người Thái. Cũng có bán một số gia vị, thực phẩm Việt nhưng không đầy đủ. Không thể nấu nhiều món Việt như trước. Nhà bây giờ mẹ mất, lại có “rể” Tây nên cuối cùng ăn uống hoặc theo món Tây, hoặc nấu một số món Việt không cần những gia vị đặc biệt, những món châu Á chung chung, khi thì mì gà (món nước), mì xào bò, xào gà (món khô), mì udon nấu khô hoặc nước, cơm chiên, cơm trộn v.v... Nhà hàng Việt ở đây lại càng hiếm, chỉ có một, hai nhà hàng, và phải nói thật là chả ngon lành gì. Thậm chí có lần tò mò tôi vào thử một quán phở ở Leeds, đề “Phở Việt-Vietnamese street foot” hẳn hoi nhưng chủ là người Anh, đầu bếp người nước ngoài-không rõ có phải là người Anh không, và thở dài vì chả hề có chút gì có thể sánh với những tô phở ngon tuyệt vời ở Sài Gòn hay Hà Nội mà mình từng ăn. Nhưng thật lạ lùng, lâu lâu lười nấu tôi vẫn ghé cái tiệm phở lai này, chỉ để vừa ăn vừa nhớ đến tô phở ở nhà!

Nhân tiện, phở, bánh mì, chả giò, gỏi cuốn là những món ăn Việt đã trở thành phổ biến đối với người nước ngoài, ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống, có thể chưa lan truyền khắp thế giới như món pizza, spaghetti của người Ý hay món sushi của người Nhật nhưng cũng đã phổ biến ở nhiều quốc gia. Hồi còn ở Na Uy, tôi từng có thời gian làm việc cho một canteen của Na Uy, hôm đầu tiên tôi đến bà đầu bếp hỏi ngay có biết làm spring rolls (chả giò) không và khi tôi trả lời biết, kể từ đó trong thực đơn của canteen thường xuyên có thêm món Vietnamese spring rolls và dân Na Uy rất chuộng. Hoặc một vài lần cần làm món gì đãi mấy người bạn Na Uy, tôi lại làm chả giò cho tiện và người nào cũng thích!


Bên trong nhà hàng Xích Lô, Oslo, Na Uy. Photo: Bilge Oner.


Sau này ở Oslo cũng bắt đầu mở một số tiệm bán bánh mì, từ bánh mì thịt, bánh mì gà xé, bánh mì thịt bò xào, bánh mì xíu mại, bánh mì trứng ốp-la... Có thể sau này nếu ăn nên làm ra, người Việt ở Oslo lại đua nhau mở tiệm bánh mì như đã và đang mở nhà hàng sushi lâu nay, không chừng!

Ðối với bà con mình ở Orange County, California hay ngay cả ở Paris, có lẽ không đến nỗi thiếu thốn hương vị quê hương, vì thức ăn, nhà hàng Việt đầy rẫy. Còn ở xứ Anh quốc này, London là nơi tập trung đông người Việt nhất, nên cũng không thiếu nhà hàng Việt, và tất nhiên, không thiếu những món “ruột” là phở, chả giò, gỏi cuốn, kể cả bánh mì. Còn ở vùng phía Bắc nước Anh, từ Leeds, Huddersfield, York, Manchester, Liverpool..., luôn luôn có thể tìm thấy những quán phở, có khi do đầu bếp Việt, có khi do đầu bếp người Hoa hoặc người nước ngoài nấu.

Nhưng phải nói thật, các nhà hàng Việt ở nước ngoài, trừ một thiểu số và trừ những nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống nên có thể tìm được đầu bếp chuyên nghiệp, còn lại đa phần là ăn tạm được chứ không thật xuất sắc. Và chỉ có thể có một số món. Mà cũng phải thôi, làm sao sánh được với trong nước, gia vị mọi thứ thức tươi sẵn có, lại có cả hàng triệu quán từ Nam ra Bắc thì trong đó phải có rất nhiều quán ngon và vô cùng phong phú (cho dù về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm là điều phải bàn)


Nhà hàng Phở Việt ở Leeds nhưng của người nước ngoài làm chủ,
đầu bếp là người nước ngoài. Photo: Song Chi.


Cho nên, đi ăn ở nơi này nơi kia, càng nhớ những quán ăn, những món ăn ở quê nhà!

Cùng với những món ăn là bao nhiêu kỷ niệm. Nhớ từ những món ăn bình thường, dân dã như ổ bánh mì kẹp đủ thứ, gói xôi mặn, xôi gà, xôi bắp... mỗi buổi sáng dừng xe bên đường mua và có thể tìm thấy rất nhiều xe bánh mì, tiệm bánh mì, tiệm bán xôi ngon ở bất cứ đâu trong thành phố Sài Gòn; tô hủ tiếu gõ hay tô cháo trắng ăn với hột vịt muối, cá khô, con tôm rang mặn... đêm khuya; dĩa cơm tấm sườn, cơm tấm bì hay tô cháo lòng; những món ăn vặt rẻ tiền nhưng ngon miệng, khó quên như chén đậu hủ trắng mát, thơm mùi gừng, mùi sữa đậu nành của một gánh hàng rong đi qua con hẻm, dĩa bò bía, gỏi khô bò, bắp xào, những ly chè bà ba, chè chuối, chè thưng,... ngọt lịm đầu lưỡi... Cho đến những món ăn đặc sản của từng vùng miền, từ món cơm Âm phủ, cơm hến, dĩa bánh bèo tôm chấy mỏng tang của dân Huế; món cao lầu, cơm gà, bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh đập, bánh bao, bánh quai vạc, cho tới chè mè đen, chè bắp, chè hạt sen, đậu xanh, tào phớ... của Hội An; bún cá Nha Trang, bánh mì que Hải Phòng, lẩu mắm, lẩu cá linh bông điên điển, lẩu cá kèo, bánh canh giò heo, bò viên, cua, ghẹ, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang..., bánh bía Sóc Trăng... của miền Tây; hay vô vàn những món ăn ngon của Hà Nội mà lắm khi chỉ cần những món bình thường như dĩa xôi vò ăn với chè hoa cau, cơm nắm ăn với chả lụa muối tiêu, hay món cốm xanh thơm lừng gói lá sen ăn vào một buổi sớm mùa thu của một gánh hàng rong nào đó... là cũng đủ ngon tuyệt vời! Nhớ món ăn, nhớ luôn những kỷ niệm món nào ăn ở đâu, khi nào, quán nào ngồi với ai...


Một nhà hàng Phở VN ở Manchester. Photo: Jack Wright.


Ngày bình thường đã thế, vào những dịp đặc biệt hay lễ, Tết càng nhớ. Lâu lắm rồi tôi không còn dùng lịch Ta, nên chẳng biết ngày lễ nào đến, cũng chẳng cúng kiếng ba ngày Tết.


Một nhà hàng Phở VN ở Liverpool. Photo: Jack Wright.


Và bây giờ mới hiểu tại sao nhà văn Vũ Bằng ngày xưa chỉ cần đi từ Bắc vào Nam mà có thể viết cả cuốn “Thương nhớ mười hai” nồng nàn nỗi nhớ, còn đối với tôi và rất nhiều người Việt Nam buộc phải rời nước ra đi nhưng đường về lại rất khó, quê hương càng trở nên xa vời vợi và càng khó có dịp đi lại những quán xưa, ăn lại những món ăn ngon lồng bao nhiêu thương nhớ...

Song Chi
Leeds, Anh quốc

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân