TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2018
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2018

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9681

Bài gửiGửi: Sat Mar 17, 2018 11:09 pm    Tiêu đề: Xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2018

Xếp hạng những quốc gia
hạnh phúc nhất thế giới 2018



Năm nay Phần Lan đã giành vị trí dẫn đầu từ Na-Uy, trở thành quốc gia đứng thứ nhất trong danh sách các nước hạnh phúc nhất trên thế giới 2018.

Phúc trình Hạnh Phúc Thế Giới năm 2018 do Mạng lưới các Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc thực hiện để đánh giá mức độ hạnh phúc và mức sống của người dân tại các quốc gia trên thế giới, cũng như tại sao họ cảm thấy hạnh phúc.



Khảo sát được thực hiện trên 156 quốc gia, với bảng câu hỏi được đặt ra cho 1,000 người dân tại mỗi quốc gia, nhằm khảo sát về việc họ cảm nhận thế nào về mức sống, quyền lợi, quyền tự do của họ.

Ngoài việc đánh giá trên bảng câu hỏi, phúc trình còn sử dụng những chỉ số về sự phát triển của nền kinh tế, an sinh xã hội, mức sống, thu nhập bình quân đầu người, mức độ tham nhũng, vv...

Trong đó 156 quốc gia được xếp hạng về mức độ hạnh phúc chung, và 117 quốc gia được xếp hạng về mức độ hạnh phúc của những di dân đang sinh sống tại nơi đó.

Các quốc gia ở khu vực Bắc Âu thường xuyên xuất hiệp trong top 5 các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, và những nước nằm cuối danh sách này thường ở khu vực Châu Phi cận Sahara.


Phần Lan


Phần Lan đã vượt mặt Na-Uy, trở thành quốc gia có người dân sống hạnh phúc nhất năm 2018, đồng thời cũng là quốc gia được di dân đánh giá là nơi sống tốt nhất thế giới.

Theo sau Phần Lan là Na-uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Canada, Tân Tây Lan, Thụy Điển, và Australia, đây là 10 nước đứng đầu danh sách.

5 quốc gia đứng cuối danh sách bao gồm: Yemen, Tanzania, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, và chót bảng là Burundi.

Mỹ xếp hạng thứ 18, rớt 4 hạng so với năm 2017. Trong các nước thuộc khu vực châu Á, Đài Loan đứng ở vị trí 26, Singpapore là 34, ngay sau đó là Malaysia ở vị trí 35. Thái Lan xếp hạng 46, Nhật Bản 54, Hàn Quốc 57, Trung Quốc 86 và Việt Nam xếp hạng 95, rớt 1 hạng so với năm 2017.


Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sun Mar 18, 2018 2:23 am    Tiêu đề:

ẤN ĐỘ đứng   đâu trong 156 quốc gia (do một cơ quan nào đó của LHQ thống kê) ?
VN mà đứng 95 !!!  Căn cứ vào đâu ?  Bảng lục vấn (Questionaire) hay thống kê của nhà nước (State statistics) ?

Nếu là Bảng lục vấn thì phát cho thành phần nào ?
Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9681

Bài gửiGửi: Sun Mar 18, 2018 11:59 pm    Tiêu đề:




Kính anh Phụng

Theo phúc trình thì Ấn Độ xếp hạng 133, bị tụt 11 hạng so với phúc trình trước.

Đây là bản phúc trình Hạnh Phúc Thế Giới năm 2018 do cơ quan Sustainable Development Solutions Network của Liên Hiệp Quốc biên soạn. Phúc trình này được hầu hết các cơ quan truyền thông thế giới công nhận.

Anh bấm vào đây và xem FAQ để giải đáp các thắc mắc của anh, trực tiếp từ trang web của World Happiness Report.

Tại sao người dân VN cũng có hạng trung bình về hạnh phúc thì MT dùng cách giải thích của chị SNOW WHITE mấy năm trước đây mà trả lời anh vậy. anh Bấm vào đây để xem chị SNOW WHITE đã giải thích ra sao?




Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9681

Bài gửiGửi: Mon Jun 18, 2018 11:51 pm    Tiêu đề: Những miền đất hạnh phúc

Những miền đất hạnh phúc


Hàng năm, nhóm nghiên cứu Sustainable Development Solutions Network công bố bản tường trình về mức an vui hay hạnh phúc (happiness) của dân cư thế giới. Tháng Ba năm nay họ công bố bài World Happiness Report 2018, tập tài liệu dài 172 trang (http://worldhappiness.report/ed/2018/). Nhóm nghiên cứu kể trên gồm các chuyên gia về Tâm Lý, Xã Hội và Thống Kê và chương trình nghiên cứu được Liên Hiệp Quốc tài trợ. Ðể giữ “tự do ngôn luận” và tránh tiếng “thiên vị”, Liên Hiệp Quốc đã cẩn thận kê khai rằng bản tường trình là ý kiến riêng của nhóm nghiên cứu, nghĩa là thích hay không thích, đồng ý hay muốn chất vấn cứ việc liên lạc với nhóm nghiên cứu, Liên Hiệp Quốc không dính dáng chi.

Năm nay, theo bản thống kê dựa trên các tiêu chuẩn của dân cư, nơi con người sống an vui nhất thế giới là Phần Lan (Finland). Tạm hiểu là dân cư Phần Lan mãn nguyện về nơi sinh sống của họ. Hoa Kỳ xếp hạng 18, Hoa Lục hạng 86 và Việt Nam hạng 95 (chương 2, biểu đồ 2.2).

The World Happiness Report là một bài tường trình dựa trên kết quả của các bản “hỏi ý kiến” người dân. Nhóm nghiên cứu hỏi ý dân cư trên 156 quốc gia về mức an vui, những gì khiến họ an vui, và hỏi ý kiến dân cư nhập cư tại 117 quốc gia về sự an vui của họ.

Ngoài những câu hỏi thông thường “đo lường” mức an vui (dựa trên sự an toàn, sức khỏe, lương bổng, thời giờ nghỉ ngơi, mức áp lực trong đời sống...) năm nay, nhóm nghiên cứu chú trọng đến đề tài di dân, di dân trong lãnh thổ và di dân từ ngoại quốc.


Người Việt ở Turku – Phần Lan mừng Giáng sinh 2015.


Dưới đây là danh sách 10 quốc gia đứng hàng đầu về sự an vui và 10 quốc gia xếp hạng bét

An vui nhất

♥ Finland

♥ Norway

♥ Denmark

♥ Iceland

♥ Switzerland

♥ Netherlands

♥ Canada

♥ New Zealand

♥ Sweden

♥ Australia

Tệ hại nhất

¤ Malawi

¤ Haiti

¤ Liberia

¤ Syria

¤ Rwanda

¤ Yemen

¤ Tanzania

¤ South Sudan

¤ Central African Republic

¤ Burundi



Năm nay Phần Lan chiếm bảng vàng trong khi Na Uy tụt xuống hạng nhì. Nhìn chung, cũng vẫn 10 vùng đất quen thuộc kể trên được xem là những nơi an vui nhất của địa cầu, vị trí chỉ thay đổi chút xíu từ năm này sang năm khác. Tạm hiểu là dân cư vẫn không thay đổi ý kiến cho lắm về sự hài lòng của họ với nơi sinh sống.

Tại 10 quốc gia đứng đầu về sự an vui, dân cư xếp hạng rất cao các tiêu chuẩn đưa đến sự hài lòng của họ như lợi tức, tuổi thọ, mức an sinh xã hội, tự do, lòng tin và sự hào sảng [của người chung quanh].

Trong khi các quốc gia đứng đầu không mấy thay đổi thì tại những vùng đất hạng bét lại có các thay đổi đáng kể: Togo đứng hạng bét năm 2015 thì năm nay lại leo lên 17 bậc trên trong khi Venezuela tụt sổ.


Hình ảnh người dân Haiti xây nhà ở biên giới Mỹ-Mexico.


Trong bài tường trình gồm 7 chương thì năm (5) chương chú trọng đến đời sống di dân. Nhóm chuyên viên thu góp những chi tiết đo lượng sự an vui của di dân và dân cư tại quốc gia tiếp nhận cũng như sự an vui của thân nhân ở lại quê nhà. Bản thống kê đưa đến các kết luận khá ngạc nhiên: di dân mãn nguyện, đất nước tiếp nhận hài lòng và các thân nhân của di dân còn ở lại quê nhà cũng mãn nguyện.

Các kết quả kể trên dựa trên những thống kê về di dân từ Hoa Lục (di dân từ miền quê về thành phố), từ các quốc gia Âu Châu, Phi Châu, châu Mỹ La Tinh và giữa các quốc gia vùng Thái Bình Dương (Oceania countries). Tại 117 quốc gia được tìm hiểu, tại mỗi vùng, trên 100 di dân và 100+ dân cư đã trả lời bản câu hỏi. Tạm hiểu, 100+ (n) là con số đáng kể để có một bản thống kê tương đối vững chắc.

Một chi tiết đáng kể là ý kiến di dân hầu như hoàn toàn phù hợp với ý kiến dân cư địa phương về sự an vui; nghĩa là cả hai nhóm người đều xem miền đất họ đang sinh sống là thiên đường hạ giới: Phần Lan đứng đầu sổ dựa trên thống kê thu góp từ di dân và từ người địa phương. Ta tìm thấy kết quả tương tự tại 10 quốc gia đứng đầu danh sách. Sự chấp nhận di dân đi đôi với tính hào sảng sẵn sàng trợ giúp của người địa phương tỷ lệ thuận với mức an vui của di dân và của chính dân cư. Người địa phương dễ dàng chấp nhận di dân vì không sợ “mất phần”, không lo lắng về sự tranh giành công việc làm ăn sinh sống.


Gia đình bà Thuyet Phan tuyên thệ nhập tịch Mỹ ở Los Angeles năm 2010


Những yếu tố nào giải thích sự tương đồng kể trên? Khi có đời sống no đủ, được người chung quanh đối xử tử tế, xã hội thanh bình, không phải lo âu sợ hãi thì con người an vui, hạnh phúc. Bất kể là dân cư hay di dân. Các tác giả bài tường trình cho rằng sự an vui của di dân tùy thuộc vào các yếu tố xã hội, quan trọng hơn cả lương bổng. Các quốc gia nơi di dân an vui không hẳn là nơi giàu có nhất về tiền bạc nhưng đó lại là những vùng đất an toàn với các chương trình an sinh xã hội đầy đủ, bảo đảm cho một mức sống thong thả nhất. Nếp sống theo mô hình “an nhàn” của ông bà ta, ít bon chen tranh giành, con người “biết đủ” và hài lòng với đời sống chung quanh.

Nơi di dân an vui thì thân nhân từ quê nhà cũng an vui, có thể do sự gắn bó, trợ giúp tiền bạc và ủng hộ về tinh thần giữa di dân và gia đình họ.

Tại những vùng đất kém “thanh nhàn”, chỉ số “an vui” của dân cư thấp nhưng chỉ số an vui của di dân lại càng thấp hơn nữa, một khoảng cách khá xa về sự an vui giữa dân cư và di dân. Ðiển hình là các cuộc di dân của người Hoa Lục từ thôn quê ra thành thị hoặc từ các quốc gia châu Mỹ La Tinh. Với di dân Hoa Lục, dù chỉ di chuyển giữa các tỉnh lỵ và đô thị nhưng lại là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử với mấy chục triệu người. Dù ngôn ngữ tập tục khá tương đồng, di dân Hoa Lục gặp khá nhiều khó khăn, chịu kỳ thị nặng nề từ đồng bào họ. Di dân không an vui và dân cư đô thị cũng không mấy hài lòng khi đời sống bị dồn ép vì quá đông người. Với các nhóm di dân từ châu Mỹ La Tinh đến các vùng đất [đã] phát triển, họ gặp khó khăn về ngôn ngữ, thói quen sinh sống... Những con số thống kê cho thấy di dân đến Hoa Kỳ không cảm thấy an vui trong khi cùng nhóm di dân đến quốc gia láng giềng Canada lại mãn nguyện dù Huê Kỳ giàu có hơn Canada về tiền bạc! Chính dân cư Huê Kỳ cũng không cảm thấy hài lòng cho lắm với xã hội chung quanh trong khi láng giềng người Canada lại vô cùng vừa ý với đời sống trên đất nước họ!?

Bài tường trình chấm dứt với đề mục “ba vấn nạn [liên quan đến sự an vui] đang hình thành của thế giới”: bệnh mập phì, dịch nghiện nha phiến và chứng trầm cảm. Dù cuộc thảo luận đặt dưới nhan đề “thế giới” nhưng các chi tiết thống kê đã được thu góp từ Hoa Kỳ. Nói một cách khác, đây là vấn nạn lớn nhất của xã hội Hoa Kỳ, các vấn nạn này mỗi ngày một lớn; mức gia tăng mạnh nhất tại Hoa Kỳ so với các quốc gia khác.

Trần Lý Lê


*John F. Helliwell, Richard Layard and Jeffrey D. Sachs

This publication may be reproduced using the following reference: Helliwell, J., Layard, R., & Sachs, J. (2018). World Happiness Report 2018, New York: Sustainable Development Solutions Network.

Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Jun 20, 2018 1:48 am    Tiêu đề:

Diệu huyền chưa đi Phần Lan nên không biết, nhưng vừa mới đi Nauy, Đan Mạch và iceland về thật là tuyệt vời .Đó là những quốc gia Có nếp  sống bình an và hạnh phúc ,người dân sống thanh bình yên ổn với chế độ học đường xã hội .Sức khỏe không tốn tiền, chính phủ lo cho dân rất tốt bon chen làm gì vui vẻ và hạnh phúc Là được rồi, họ có Hoàng gia và nữ hoàng  là người được thần dân thương mến họ vẫn có thương nghị Viện và Hạ nghị viện do dân bầu  Đan Mạch Dân chúng được đi xe đạp không tốn tiền nơi nào cũng có xe đạp của chúng phủ để sẵn sàng, ai cần chị lên lấy đạp đi và sau đó để lại tại chỗ Diệu Huyền không thấy được một người nào mập bụng bự tại xứ sở này ai cũng gọn và đep. Xứ sở của chuyện tình thần thoại người cá .
_________________

Về Đầu Trang
phuongduyen



Ngày tham gia: 26 Apr 2012
Số bài: 878

Bài gửiGửi: Wed Jun 20, 2018 4:37 pm    Tiêu đề:

Cám ơn Diệu Huyền đã có những nhận xét thật chuẩn về xứ sở của chuyện tình thần thoại người cá này
Phương Duyên đã nhận nơi này là quê hương thứ hai với một sự hãnh diện và biết ơn của xứ sở yên bình và Hạnh phúc này . Cũng tại nơi này đã đào tạo cho các con PD thành nhân và có một cuộc sống Tự Lập
Và cho mọi người hiểu rằng : KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO một cách thật sự . Xin xứ sở ĐAN MẠCH nhận nơi đây lòng BIẾT ƠN chân thành của gia đình PD . Và cũng không quên cám ơn Diệu Huyền đã ghé thăm và đã có cảm tinh nhiều với xứ sở hiền hoà này ....
Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9681

Bài gửiGửi: Fri Jun 22, 2018 11:57 pm    Tiêu đề: Phần Lan và láng giềng

Phần Lan và láng giềng


Mấy quốc gia Bắc Âu Ðan Mạch, Na Uy, Thụy Ðiển, Iceland (Băng Ðảo?) và Phần Lan thay phiên nhau đứng đầu bảng xếp hạng về nếp sống an vui của thế giới. Ðan Mạch, Na Uy và Thụy Ðiển tương đối gần gũi về phong tục và trong suốt lịch sử lập quốc, dân cư ở những vùng đất ấy qua lại để buôn bán, lập nghiệp. Dù ngôn ngữ đã thay hình đổi dạng qua thời gian, dân Ðan Mạch dùng tiếng Ðan Mạch (Danish), Na Uy nói tiếng Na Uy (Norwegian), Iceland dùng Icelandic và Thụy Ðiển dùng tiếng Thụy Ðiển nhưng các ngôn ngữ này có cùng gốc rễ North Germanic nên dân cư ở đó vẫn có thể hiểu nhau. Riêng với Phần Lan, dù nằm sát bên cạnh Thụy Ðiển nhưng ngôn ngữ lại xuất phát từ gốc Finno-Ugric, nhưng gần gũi với láng giềng nên ngôn ngữ “vay mượn” lẫn nhau, dân các vùng đất này vẫn hiểu nhau dễ dàng.

*Khi nói đến “Bắc Âu” hay vùng “Nordic”, người thế giới nhắc đến vùng đất phía bắc Âu Châu, phía bắc Ðại Tây Dương (Atlantic Sea), và vùng đất ấy bao gồm năm quốc gia kể trên. Ngược lại, “Scandinavia” bao gồm vùng “Nordic”, cả Greenland, the Faroe Islands và the Åland Islands.



Phong tục tập quán tương đối gần gũi nên điều dễ hiểu là dân cư Bắc Âu có những sở thích tương tự, họ rất yêu thiên nhiên. Yêu thiên nhiên nên dân cư tận tình chăm sóc cây cỏ, sông hồ, núi non; thuần thục những bộ môn thể thao ngoài trời như trượt tuyết...

Hầu như dân cư Bắc Âu nào cũng cắm trại, leo đồi, lội suối ít nhất vài lần mỗi tuần kể cả trong mùa đông giá. Dân cư thành phố thì mò về đồng quê để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc. Họ quan niệm rằng cuộc đời ngắn ngủi nên tận hưởng mọi món quà của thượng đế bất cứ khi nào có thể. Ðời sống được bảo đảm qua hệ thống an sinh xã hội, từ y tế, giáo dục đến trợ cấp thất nghiệp nên dân cư không lo tích trữ tiền bạc cho lắm, họ dùng tiền bạc dư dả vào việc du lịch, thuê mướn kẻ khác làm việc hầu có thể nghỉ ngơi dưỡng sức. Tắm hơi, sauna, là món chăm sóc không thể thiếu.

Ðặc biệt hơn nữa là di tính của dân cư vùng Bắc Âu có một di thể rất lạ (gene variant), di thể này giúp con người vui vẻ và do đó ít khi bị trầm cảm. Ðược thiên nhiên ưu đãi với núi non sông hồ hùng vĩ bát ngát, phong tục tập quán hòa đồng, và cả di tính giúp con người dễ dàng sống an vui, không lạ là họ hài lòng với đời sống chung quanh dù không giàu có tiền bạc như những nơi khác. Năm này sang năm khác, khi thẩm định các câu hỏi liên quan đến sự an vui của đời sống như lợi tức, sức khỏe, tuổi thọ, tự do lựa chọn, hoàn cảnh sinh sống, tương quan xã hội, sự hào sảng của người chung quanh cũng như tổ chức hành chánh tham nhũng cỡ nào... Dùng thang điểm từ 0 – 10, dân cư Bắc Âu đã đánh giá khá cao các yếu tố kể trên tại nơi họ sinh sống.


Phần Lan trên bản đồ thế giới


Riêng Phần Lan đạt số điểm trung bình 7.6 so với Burundi 2.9. Chẳng những dân cư Phần Lan cảm thấy sung sướng mà những người di dân đến đó cũng hoan hỷ tương tự; với dân số khoảng 5.5 triệu người, đất nước này có đến 300 ngàn di dân.

Dưới những đôi mắt ngờ vực, bài tường trình về nếp sống an vui kể trên mang nặng tính “chủ quan” vì thang điểm hoàn toàn dựa trên cảm xúc của người trả lời. Họ đặt dấu hỏi về những con số dựa trên cảm tính vui buồn và nghi ngại. Tuy nhiên ngoài bài tường trình dựa trên cảm tính ấy, một số tài liệu khác nghiên cứu về nếp sống an vui cũng đưa ra kết luận tương tự.

Bài tường trình của trường Kinh Tế Luân Ðôn, London School of Economics, cho thấy chứng trầm cảm và sự lo âu quá mức là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự an vui của con người và ngược lại, có người bầu bạn giúp ta vui sống. Chứng trầm cảm thường xuất phát từ ly dị, mất người thân yêu, lo âu về công việc làm ăn, bệnh tật... Chính các yếu tố ấy khiến con người bất an, không vui sống.


Tiền bạc đem lại sự an vui nhưng chỉ ở mức giới hạn 75 ngàn Mỹ kim


Một bài tường trình khác của kinh tế gia Daniel Kahneman và Angus Deaton, cả hai đều đoạt giải Nobel về các công trình nghiên cứu kinh tế, cũng cho rằng tiền bạc đem lại sự sung sướng khi ta có lợi tức ở mức 75 ngàn Mỹ kim hàng năm, kiếm nhiều tiền hơn con số này tuy mang lại sự tự mãn về khả năng kiếm tiền nhưng lại không giúp con người an vui, hạnh phúc hơn. Nói dễ hiểu là tiền bạc đem lại sự an vui nhưng chỉ ở mức giới hạn 75 ngàn Mỹ kim.

Hai lập thuyết kinh tế kể trên đã được chứng minh qua các con số và nhiều cách cân đong đo đếm mức giàu có, từ tổng sản lượng quốc gia đến lợi tức mỗi đầu người. Ngay tại Hoa Kỳ, lợi tức tiếp tục gia tăng kể từ thập niên 60 trong thế kỷ trước nhưng các chỉ số đo lường mức an vui, sung sướng lại thụt lùi. Có công ăn việc làm là yếu tố quan trọng cho sự hài lòng của con người nhưng giàu có (qua việc làm ăn cật lực) lại khiến con người mất an vui vì lo âu vật vã.

Nếu giàu có không mang lại sự an vui sung sướng cho con người thì vùng Bắc Âu hơn Huê Kỳ (xếp hạng 18 trên danh sách các vùng đất an vui của thế giới) ở những yếu tố nào? Và Huê Kỳ có thể... bắt chước Bắc Âu không?


Không là nơi giàu có nhất, nhưng người dân Bắc Âu an vui, sung sướng nhất


Các con số về kinh tế, tài chánh cho thấy vùng Bắc Âu không là nơi giàu có nhất, dù vẫn nằm trong 20 quốc gia hàng đầu thế giới về tài sản, nhưng chịu thuế má cao quá xá là cao. Dân cư có thể đóng thuế tới 51% lợi tức, sưu cao thuế nặng như thế thì tại sao họ không bực bội la lối om sòm như dân Huê Kỳ?

Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến các phương cách giúp dân giàu nước mạnh qua những kế sách giảm nghèo, gia tăng công ăn việc làm, giáo dục và y tế nhưng chính phủ lại ít quan tâm đến các vấn nạn xã hội như bạo lực trong gia đình, nghiện ngập nha phiến & rượu, bệnh tâm thần, những đứa trẻ bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh...


Aleksanterinkatu, một con đường thương mại ở Phần Lan.
nguồn: commons.wikimedia.org


Chính các chương trình an sinh xã hội rộng rãi nhằm giải quyết các vấn nạn kể trên đã khiến người dân an tâm và vui sống, họ không phải lo âu chật vật về sinh kế, về y phí chữa trị bệnh tật thể xác cũng như tâm thần, về học phí cho con cái... và khi làm ăn, buôn bán được, họ chịu đóng thuế, và đóng thuế rất cao. Dân cư Bắc Âu đồng lòng dùng tiền bạc để mua lấy thời giờ nhàn rỗi, đầu tư vào xã hội chung quanh để bảo đảm cho lúc sa cơ lỡ bước, được xã hội chu cấp, đáp ứng các nhu cầu cần thiết.

Thói quen sinh hoạt và quan niệm sống của dân cư Bắc Âu đã khiến họ thành công trong việc thiết lập một hệ thống an sinh xã hội giúp con người an vui, sung sướng, ít bệnh tật và sống lâu.


Những điều khiến dân Mỹ sợ nhất trong năm 2017,
thăm dò của đại học Chapman - California


Chịu đóng thuế và đóng thuế nhiều là một chính sách kiên định lâu dài, trải qua nhiều năm. Ðây có thể là một “yếu điểm” (?) của Huê Kỳ, không mấy dân cư muốn đóng thuế và lại càng không muốn đóng thuế nhiều, việc cử tri bỏ phiếu cho ông Donald Trump qua lời hứa giảm thuế là một chứng minh giản dị nhất nhưng đằng sau việc chịu đóng thuế kia lại là một quan niệm sống khác biệt với Bắc Âu: Quan niệm thích sống riêng rẽ, ít liên quan đến những người chung quanh (?). Dân cư Huê Kỳ xem ra muốn sử dụng lợi tức theo ý muốn riêng tư và không mấy tin cậy vào nhà cầm quyền làm được những công việc hữu ích cho xã hội. Không phải là điều hiếm có việc nhiều tài phiệt nhân đức gốc Hoa Kỳ bỏ tiền riêng thiết lập và tài trợ các chương trình xã hội quan trọng và cần thiết [theo ý họ] mà lơ là các chương trình do chính phủ thành lập. Tạm hiểu là người Huê Kỳ không ích kỷ như dân cư thế giới từng dán nhãn hiệu?!

Xem ra Bắc Âu tiếp tục nếp sống an vui thanh nhàn trong khi dân cư xứ lắm tiền như Huê Kỳ lại thích hì hục làm giàu, làm giàu và tiếp tục... không vui lắm cho đến khi họ thay đổi ý kiến và quan niệm sống? Hẳn đây cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa những người Huê Kỳ mệnh danh “liberals” và “bảo thủ”?

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân