TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ trời ở Sài Gòn ngày trước
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ trời ở Sài Gòn ngày trước

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Dec 20, 2017 12:25 am    Tiêu đề: Chợ trời ở Sài Gòn ngày trước
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ trời ở Sài Gòn ngày trước

Khu Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi


Sau năm 1954, ngoài Khu Dân Sinh bán buôn đủ loại mặt hàng thượng vàng hạ cám ở gần Cầu Muối, người tuổi trung niên trở lên chắc hẳn còn nhớ khu Chợ Cũ quanh đường Tôn Thất Đạm, Huỳnh Thúc Kháng giữa trung tâm Sài Gòn xuất hiện kiểu chợ trời tự phát trên vỉa hè bày bán một số loại thực phẩm đóng hộp của Mỹ, rượu Tây, thuốc lá và quần áo cũ. Khoảng thời gian này, người Sài Gòn bắt đầu tiếp cận “hàng hóa Mỹ” một cách rộng rãi hơn nhờ cả triệu người miền Bắc di cư vào Nam sinh sống.


Hàng viện trợ của chính phủ Mỹ được bày bán ở một sạp hàng trên Chợ Cũ.


Ông bạn lớn tuổi của tôi nhớ lại cảnh lều bạt tại một khu tiếp nhận người di cư miền Bắc trong trường đua Phú Thọ. Ngoài tiền bạc trợ giúp chi phí sinh hoạt, dân di cư còn được cấp quần áo, thực phẩm vài ba tháng đầu để ổn định cuộc sống mới. Rất nhiều người di cư, chưa quen cách ăn mặc và khẩu vị của đồ ăn đóng hộp đem bán cho mấy đầu nậu thu gom bán lại ra thị trường chợ trời. Với công việc điều hành tiếp nhận, cấp phát hàng trợ giúp cho bà con di cư, ông bạn tôi thường nhận được nhiều hàng “hiến tặng” mà không cần phải bỏ tiền mua lại những thứ thực phẩm đóng mác “Donated by The People of The USA. Do Not Resale”.

Ðồ Mỹ viện trợ phần nhiều là dầu ăn, phô mai, thịt đóng hộp và ba loại kẹo bánh. Nói chung là một ít mặt hàng thiết yếu dùng hằng ngày cho người lớn và trẻ con. Ông nhớ mãi chuyện của nhiều gia đình di cư mang phô mai đến nhà tặng. Thú thật, “ban đầu tôi không dám nhận vì nhiều quá, một vài miếng phô mai thì cứ xem như nghĩa tình, đằng này cả đống phô mai, lại là loại giá trị của Pháp nhưng đối với nhiều người không biết ăn, không sành ăn phô mai Pháp thì coi như món đậu hủ thúi của người Hồng Kông, ngửi mùi đủ phát ớn, làm sao nuốt trôi qua cổ họng”.

“Tôi không hiểu sao trong hàng viện trợ của Mỹ lại có thực phẩm của Pháp nữa. Món phô mai Vieux Boulogne gói giấy bạc vuông vức. Mùi phô mai này khó ngửi nhưng lại là một trong những loại phô mai ngon mà tôi thỉnh thoảng được mấy người bạn Pháp hồi còn làm ở Kho Bạc nhà nước tặng cho. Loại phô mai này làm thủ công bằng sữa bò nguyên chất, ngâm trong bia lên men nhiều ngày. Phô mai Vieux Boulogne nhâm nhi với rượu vang Bordeaux thì rất tuyệt. Tội cho người di cư chưa quen mấy món ăn Tây”.


Cholon PX


Thật ra, người Sài Gòn bắt đầu “yêu thích” hàng thực phẩm Mỹ bán ở chợ trời là khoảng thời gian hơn mười năm sau đó. Thời gian này, lính Mỹ vào miền Nam cả nửa triệu quân, để phục vụ miếng ăn thức uống theo khẩu vị quê nhà, các nhà thầu Mỹ thiết lập các cửa hàng PX (Post Exchange) tức là hàng hóa tiêu dùng của Mỹ dành cho quân nhân và viên chức Hoa Kỳ đóng quân ở nhiều vùng, trong đó Sài Gòn có hai cửa hàng lớn. Một là PX Sài Gòn nằm trên đường Tự Do góc bên hông khách sạn Majestic và cái khác là PX Chợ Lớn nằm trên đường Nguyễn Tri Phương gần góc Ngã Sáu. Hàng hóa bán ra chợ trời phần lớn từ nơi đây.

Chuyện này có lần tôi đã nhắc tới trong bài viết “Hàng PX và đô la đỏ”. Và xin trích lại một bài phóng sự điều tra của ký giả Lederer William J. đăng trên tạp chí Der Spiegel số 44 ngày 28/10/1968 rằng: “Hệ thống cửa hàng PX có trên 5,000 phụ nữ người Việt được nhận vào để bán hàng. Trong tháng 5 năm 1967, chỉ riêng một cửa hàng PX ở Sài Gòn đã mất 65,000 dollar vì ăn cắp vặt. Và đó chỉ là một cửa hàng nhỏ. Có một thời gian, ban giám đốc cho khám xét những người Việt bán hàng lúc họ tan ca ra về, khiến nhân viên dọa sẽ đình công nếu như việc kiểm tra này không chấm dứt. Trong thời gian thực hiện bài điều tra ở Sài Gòn, tôi đã quan sát thấy bốn lần chiếc xe tải chở đầy thực phẩm từ cửa hàng PX vào kho tiếp liệu của khách sạn Continental như thế nào. Có một lần, một kiện thịt to, có in tên Tướng Westmoreland, được đưa cùng với nước ép cà chua vào cửa kho khách sạn Continental”.

Và đâu chỉ có nhân viên bán hàng, kể cả những người làm nhiệm vụ quản lý người Hàn Quốc hoặc Phi Luật Tân cũng thông báo cho thân nhân của mình những đợt hàng có giá trị mới về để mua bán kiếm lời. Thế là một lô hàng tủ lạnh mới đưa vào cửa hàng ngày hôm qua, vừa mới mở cửa bán sáng nay cho lính Mỹ thì đã bị gom sạch. Ðâu chỉ thế, kể cả một số lính Mỹ cũng tham gia mua hàng mỗi ngày rồi đem ra bán lại cho con buôn thông đồng từ trước.


Một góc chợ trời gần đường Huỳnh Thúc Kháng


Cũng trong thời gian này, vài ba công ty nhập cảng hàng điện tử tủ lạnh, tivi, radio, máy hát đĩa than, máy Akai, mở đại lý chuyên bán mặt hàng này trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh đó, các gian hàng nhỏ chuyên bán phụ tùng đi kèm, bao da radio, anten truyền hình, loa nhạc, băng từ và các phụ tùng transistor để sửa chữa ra đời góp phần làm nên tên chợ trời điện tử Huỳnh Thúc Kháng bán buôn nhộn nhịp trước năm 1975. Ðây là nơi lần đầu tiên tôi biết đến một dãy cửa tiệm bán đồ điện tử ở Sài Gòn đông người lui tới. Ba tôi đi dạo một vòng xem giá rồi cuối cùng mua cái tivi trắng đen Panasonic nhỏ nhất. Tivi có cái cửa lùa, bên dưới là bốn cái chân tròn thanh mảnh màu vàng đất trông rất dễ thương. Việc ba tôi mua cái tivi là do một lần đi làm về bắt gặp tôi đứng chen chân trước cửa sổ nhà hàng xóm coi bộ phim cao bồi hấp dẫn đang bắn súng ì xèo. Ông đứng đằng sau lay vai tôi, lúc đó do say mê xem phim tôi cứ tưởng đứa hàng xóm nào chen lấn, miệng còn lên tiếng cự nự: “Coi thì cứ coi đi, làm gì mà chen với lấn”.

Với tuổi học trò cuối cấp tiểu học, được ba dẫn đi chợ hàng điện tử mua cái tivi coi cho thỏa thích đương nhiên tôi rất khoái. Tôi cũng khoái đứng xem người ta lựa quần áo đổ đống trên vỉa hè đường Tôn Thất Ðạm. Ba tôi bảo đó là chợ trời quần áo cũ của những nước giàu viện trợ cho những nước nghèo. Nhìn những đống quần áo đủ màu đủ kiểu, nhất là những chiếc áo thun còn mới tôi rất thích với ánh mắt thèm muốn có được vài bộ đồ đẹp với chúng bạn. Nhưng ba tôi bảo thà mua vải về may mặc vừa vặn, đẹp hơn. Là đồ của mình, mình mặc chứ không phải mặc đồ của người ta.


Sạp quần áo cũ, chăn mền, hàng viện trợ bày bán tại chợ trời Tôn Thất Đạm ở Sài Gòn. nguồn: Manhhaiflicks


Nói đến chợ trời đồ ăn thức uống của Mỹ không phải một số sạp hàng quanh khu Chợ Cũ mà phải nhắc đến chợ trời trên đường Nguyễn Thông. Từ khi học đệ thất, tôi mới biết đến những thứ hàng hóa đa dạng đầy hấp dẫn này. Mỗi chiều tan học tôi đều lội bộ trên con đường tắt ngang đây để xem người ta buôn bán đủ thứ kẹo chewing gum, chocolate, kẹo trái cây và từng đống đồ hộp thịt hay cá chất cao theo hình kim tự tháp. Từ ngã ba Kỳ Ðồng kéo dài đến cuối đường gần vách tường chắn khu vực ga xe lửa Hoà Hưng, hai bên đông đúc người mua kẻ bán. Có cả đồ ăn của lính Mỹ, bột sy-rô, cacao thậm chí hàng quân tiếp vụ từ mì gói đến xà bông, đường sữa gì cũng có. Tôi thích nhất là kẹo đậu phộng Hàn quốc, mỗi gói 6 viên, bọc trong giấy dầu, bên trong là giấy bóng, không cần phải lột vì khi bỏ vào miệng nó tan biến đâu mất. Viên kẹo giòn tan thơm đậu phộng rang xay nhuyễn, không cứng như cục kẹo gừng, kẹo kéo, kẹo ú mà mấy năm trước còn hấp dẫn đám trẻ chúng tôi.

Nguồn hàng đồ hộp của Mỹ bày bán trên đường Nguyễn Thông, ngoài hàng PX, còn có khẩu phần đồ ăn cá nhân của lính Mỹ đi trận ở mấy kho tiếp liệu. Tên vắn tắt gọi là hàng MCI (Meal Combat Individual), mỗi thùng có 12 hộp giấy nhỏ, trên mỗi hộp có ghi ký hiệu B-1, B-2 hay B-3 dùng cho bữa ăn sáng trưa chiều tối. Sau này, tôi mới biết những ký hiệu ghi trên vỏ hộp. Hồi đó, tôi chỉ biết hộp này có ba miếng thịt heo chiên lên ăn khá ngon, thịt bò thì nghe mùi trầu không ngon bằng loại cá khô vuông vắn bằng ba ngón tay ngâm nước lạnh cho mềm chiên lên không khác gì miếng cá phi lê tươi rói.


Đồ hộp các loại tuôn ra ngoài chợ trời. Nguồn: Manhhaiflicks


Khi nghe chuyện đồ ăn của lính Mỹ, mấy người bạn lớn tuổi của tôi gần như rất vui, nhớ lại từng mùi vị của mỗi loại khẩu phần đóng gói. Có ông còn ganh tị, cùng là phận lính chiến, người thì ăn cơm sấy ngâm nước lạnh, hút Bastos xanh; thằng thì ăn bánh mì đồ hộp đủ loại thịt cá, hút Salem phì phèo, nhai kẹo cao su, uống thì cà phê hoà tan, cacao sữa, thậm chí còn có khăn giấy lau miệng, giấy vệ sinh đi cầu. Chẳng lính nào trên thế giới sang hơn lính Mỹ viễn chinh xứ mình.

Ðồ ăn của lính Mỹ đi trận không được bán ra ngoài. Thế nhưng muốn kiếm vài chục thùng đồ ăn MCI cứ đến chợ trời Nguyễn Thông thể nào cũng có. Nguồn hàng này có từ đâu? Từ kho tiếp liệu tuồn ra cả.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân