TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ Phú Xuân
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ Phú Xuân

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Oct 28, 2017 11:28 pm    Tiêu đề: Chợ Phú Xuân
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ Phú Xuân

Con đường dưới chân cầu Phú Xuân dẫn vào Chợ Phú Xuân Nguồn: Panoramio


Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Nhớ năm đầu tiên đi dạy học ở Cần Giờ, mỗi tuần hết giờ dạy là sáng sớm hôm sau tôi vội vàng xách ba lô nhảy lên chiếc tàu gỗ Huỳnh Liêm dông về Sài Gòn. Ðường về nhà chỉ mỗi con đường thủy độc nhất. Từ mũi Cần Giờ, tàu ra cửa biển, xuôi theo con nước trên sông Lòng Tàu tà tà về Sài Gòn.

Sài Gòn – Cần Giờ có bao xa nhưng năm sáu tiếng đồng hồ ngồi tàu với tôi lại là một cực hình giữa những đống cần xé và con người chen kín trên boong. Chỉ đến khi nào tàu về đến bến phà Bình Khánh chỗ đoạn sông Soài Rạp (còn gọi sông Nhà Bè) nhập vào sông Lòng Tàu thì lòng tôi mới nhẹ nhõm. Nói đúng ra, nơi đây là đoạn mũi tàu của xã Phú Xuân huyện Nhà Bè, mà câu ca dao nói trên chỉ ra hai vùng đất: một nửa sông bên này là Gia Ðịnh, còn nửa sông bên kia là Ðồng Nai thuộc tỉnh Biên Hoà ngày xưa.

Nhà Bè, một vùng đất lâu đời của đất phương Nam khi các chúa Nguyễn mở rộng công cuộc khẩn hoang đưa người đàng ngoài xuôi từng đoàn thuyền theo ven biển vào sông Soài Rạp đi tìm đất mới. Cuộc sống trên ghe thuyền chật hẹp, sinh hoạt khó khăn nên ông Võ Thủ Hoằng người địa phương có sáng kiến đóng bè tre neo trên sông để tiện việc nấu nướng. Sách Ðại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về chuyện ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè. Họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè...”.


Ghe thuyền chở hàng bên con Rạch Đĩa gần Chợ Phú Xuân. Nguồn Panoramio


Xem ra thuở xưa Nhà Bè đã từng là một chợ nổi. Hình ảnh của một chợ nổi Nhà Bè ở vùng sông nước hoang vu hẳn không nhộn nhịp như những chợ nổi Cái Bè, Cái Răng hay Phụng Hiệp, Ngã Năm, Ngã Bảy ở miền Tây thời tôi từng biết. Hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ buôn bán hàng hoá thổ sản địa phương treo trên cây bẹo thay cho lời rao giữa tiếng ồn của máy đuôi tôm. Chợ nổi Nhà Bè đã là chuyện quá vãng. Phải chi hình ảnh đó còn đến tận bây giờ, tôi tin rằng chợ nổi Nhà Bè sẽ trở thành một kiểu chợ độc nhất vô nhị trên đất Sài Gòn. Nghe bạn bè kể, trên Kênh Tẻ dọc theo đường Trần Xuân Soạn từ cầu Rạch Ông đến cầu Kênh Tẻ từng có một chợ nổi tự phát của các ghe thương hồ buôn bán trái cây từ các tỉnh miền Tây đến nay vẫn còn.

Ðây là vùng đất của Quận Nhà Bè ngày trước, nay tách ra hình thành quận 7, nổi tiếng với đô thị Phú Mỹ Hưng có quy hoạch kiểu mẫu nhất Sài Gòn. Xin mở ngoặc nói thêm, quận 7 ngày xưa là phần đất của vài xã thuộc quận 5 và quận 8 ngày nay. Phần đất quận 7 “mới” bắt đầu từ Rạch Ông Lớn theo Kênh Tẻ ra tận Khu chế xuất Tân Thuận rồi ôm theo sông Nhà Bè vòng xuống Rạch Ðĩa tới ranh giới Thị trấn Nhà Bè. Huyện Nhà Bè teo tóp lại còn 6 xã: Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Ðức, Phú Xuân, Phước Kiển, Phước Lộc. Một phần đất của xã Phú Xuân tách ra thành lập Thị trấn Nhà Bè.

Vào thuở làng Phú Xuân (nay là xã) được thành lập thì đã là một làng tương đối lớn. Nhà cửa dân cư xây cất dọc hai bên con sông Phú Xuân còn gọi là Rạch Ðĩa, dưới dốc cầu bắt đầu hình thành ngôi chợ ngoài trời buôn bán mà ngày nay là Chợ Phú Xuân. Sau này, vào thời Pháp thuộc khoảng cuối thập niên đầu thế kỷ 20, Nhà Bè là quận lỵ, lấy Phú Xuân làm trung tâm hành chánh. Dân cư từ các nơi tiếp tục tìm về vùng đất này sinh sống nhờ vị trí Nhà Bè nằm trên cửa ngõ con sông Soài Rạp, Sài Gòn thương thuyền lớn nhỏ ra vào, kho hàng, kho xăng bắt đầu mọc lên, tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại.


Người dân bày bán dọc theo đường vào Chợ Phú Xuân. Nguồn: Panoramio


Phú Xuân sau này được tách ra một phần thành lập Thị trấn Nhà Bè như nói ở trên lấy đường Huỳnh Tấn Phát (trước là tỉnh lộ 15) làm trục lộ chính, kéo dài đến đường Ðào Tống Nguyên mới mở. Cho nên khi tôi nói về Chợ Phú Xuân một vài người bạn của tôi ở nội thành Sài Gòn vẫn quen miệng gọi Chợ Phú Xuân là Chợ Nhà Bè theo thói quen gọi tên chợ của các quận huyện trung tâm. Chợ Hóc Môn, Chợ Thủ Ðức, Chợ Gò Vấp, Chợ Phú Nhuận. Cho nên Chợ Nhà Bè cũng là điều không ngoại lệ. Nói đúng ra là Nhà Bè không có chợ Nhà Bè mà là Chợ Phú Xuân.

Với tôi, Chợ Phú Xuân là một nơi xa nhà mà lại rất gần với tôi thuở còn đi dạy học. Tôi nói gần là vì hầu như mỗi tuần tôi đều ghé đến chợ, ngồi bên hông chợ thưởng thức tô hủ tiếu, uống cạn trái dừa xiêm. Ðây là điểm dừng chân kiếm chút gì lót bụng sau đoạn đường dài hơn ba mươi cây số đạp xe về Sài Gòn sau khi kết thúc tiết dạy trong tuần. Nhờ Duyên Hải bắt đầu mở con đường bộ từ Bình Khánh xuyên qua rừng đước đến ngã ba Long Hòa cho nên tôi không cần phải đi tàu gỗ Huỳnh Liêm hay tàu sắt Lòng Tàu, Soài Rạp để ra Cần Giờ nữa. Tôi xem những cuốc xe đạp đường dài đi đi về về như một cách luyện tập thể thao nên chẳng thấy điều gì khó khăn trong khi vài người bạn đồng nghiệp lại xem đó là điều mệt mỏi. Cứ ra bến xe, trả tiền leo lên Peugeot chở khách cũ mèm sử dụng hồi thập niên 1960 là xong chuyện.

Nhưng cuối cùng thì kẻ đi xe đạp người ngồi xe ca vẫn về cùng một bến. Bến xe Phú Xuân gần chân cầu Phú Xuân nơi có ngôi Chợ Phú Xuân. Bạn bè đi xe mong về nhà nhanh phải lo bắt chuyến xe buýt về khu vực Hàm Nghi nên không thể la cà cùng tôi dù bên hông Chợ Phú Xuân có xe mì Tàu trông thật hấp dẫn. Một người một ngựa (sắt) nên đôi khi tôi dư dả thì giờ ghé thăm nhà vài người bạn học ngày trước được bổ nhiệm dạy học ở Phú Xuân. Nói là bổ nhiệm chứ thật ra đó là những người địa phương sống với gia đình cha mẹ ông bà mấy đời sống ở vùng nước lợ nhiễm mặn thích hợp cho các bụi dừa nước mà ngày xưa người ta gọi là rừng lá. Vì thế, người dân trong các xóm sâu vẫn còn nghèo khó, người sống quanh chợ đi làm ăn mua bán hoặc làm công nhân cho các kho xăng dầu bên kia dòng sông Soài Rạp.

Phú Xuân là thủ phủ của quận Nhà Bè ngày trước và mãi cho đến thời gian sau này, thuở giữa thập niên 1980 vẫn còn hoang sơ. Mấy xã phía dưới như Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Ðức... còn là những vùng trũng kênh rạch chằng chịt, chợ búa thưa thớt do cư dân ít ỏi. Nói chung ngay cả Chợ Phú Xuân tiếng là có từ lâu đời nhưng chỉ là một chợ nhỏ, người bán buôn tụ nhóm dưới chân cầu có con đường dẫn vào chợ và các xóm bên trong. Dọc theo xóm chợ có vài ba nhà xây dựng theo kiểu Tây, còn lại là những ngôi nhà trệt mái tôn, mở cửa tiệm bán buôn tạo thành phố chợ.


Phú Xuân nói riêng, vùng đất Nhà Bè nói chung là một vùng trũng chằng chịt nhiều kênh rạch nước nhiễm mặn thích hợp cho các bụi dừa nước. Nguồn: Paniramio


Chợ Phú Xuân với tôi chỉ có thế nhưng nơi đây lại có một kỷ niệm buồn lẽ ra phải quên đi nhưng cứ mỗi lần đi ngang qua cầu Phú Xuân thì tôi lại... nhớ.

Chuyện là, một lần tôi đạp xe về nhà sau tiết dạy muộn. Ðến được Chợ Phú Xuân trời nhá nhem tối. Trời lại mưa dầm, chợ vắng khách, lưa thưa vài ba hàng bán chè cháo phía trước. Ghé ghế ngồi bên xe hủ tiếu quen chờ ông chủ làm tô mì nóng hổi. Thưởng thức xong tôi mì thì cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Lúc đó tôi bỗng chú ý đến thằng bé một tay túm tấm nylon che mưa, một tay xách cà mên. Nó kêu ông chủ nấu hai tô hủ tiếu. Gương mặt thằng bé sáng sủa, mặc chiếc quần tây xanh, chiếc áo trắng cộc tay ngả màu cháo lòng, ánh mắt tràn đầy niềm vui, thọc tay vào túi lấy tiền ra trả. Nhưng không hiểu sao gương mặt nó trở nên hoảng hốt, rồi vội phân trần với ông chủ bán hàng là nó đánh rơi mất tiền nên xin trả lại hai tô hủ tiếu. Ông già Tàu phân bua, hủ tiếu nấu xong làm sao trả lại. Thằng bé buông tấm nylon che đầu, năn nỉ ông đúng thiệt là tiền bỏ túi nhưng không biết đánh rơi hồi nào.

Tôi đứng dậy kêu ông chủ trả tiền tô mì sẵn trả luôn giùm thằng nhỏ hai tô mì khiến ông già Tàu chưng hửng. Ông nắm tay tôi kéo qua bên nói nhỏ: “Tôi biết thằng nhóc này, nhà nó là cái chòi lá phía cuối Rạch Ðĩa, bà ngoại nó bán dạo vé số quanh chợ, con nít bây giờ quỷ lắm. Coi chừng bị gạt”. Tôi xoay sang thấy gương mặt thằng bé đẫm nước mắt và tôi hiểu rằng nó đã nghe được những lời ông bán hủ tiếu vừa mới nói. Tôi bước đến nhặt lên tấm nylon đưa cho nó và bảo “lên xe chú cho quá giang về nhà, không thôi hủ tiếu nguội lạnh làm sao mà ăn”.

Trên đường về nhà, hỏi ra mới biết thằng bé mua hai tô hủ tiếu về cúng giỗ. Nó mồ côi từ khi một tuổi, bà ngoại mang về nuôi. Cha mẹ thằng bé ngày xưa bán hủ tiếu gõ ở kho xăng B. Hôm đó, trời mưa xối xả, chiếc xe bồn chở xăng quẹo cua, trượt tay lái càn ngang qua xe hủ tiếu.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân