TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thời Sự Hàng Tuần 2017-10-14
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thời Sự Hàng Tuần 2017-10-14

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Oct 14, 2017 11:18 pm    Tiêu đề: Thời Sự Hàng Tuần 2017-10-14

Thời Sự Hàng Tuần 2017-10-14


Quân Iraq đại thắng

Quân đội Iraq loan báo chiến thắng lớn khi chiến lại thị trấn Hawija. Có đến 1000 chiến binh ISIS ra hàng, nhưng theo chỉ huy quân đội người Kurd, thì trong số này có nhiều tên trà trộn trong đám dân chạy loạn từ thành phố và đã bị lính Kurd phát giác. Bọn ISIS ngày nay không còn tinh thần và quyết tâm chiến đấu đến cùng như trước đây. Bọn này khi chạy trốn thường tìm về phía quân Kurd, né tránh nơi có quân Iraq cùng dân binh giáo phái Shia. Chúng cũng né luôn nhóm quân giáo phái Sunni. Vì nếu lọt vào hai nhóm quân này, chúng sẽ bị trả thù đích đáng về những tội ác đã từng gieo rắc cho quân dân Iraq



Cháy ở California

Nạn cháy dữ dội mấy ngày đầu tuần xảy ra ở 8 counties thuộc tiểu bang California hủy hoại hết hàng chục ngàn mẫu đất, thiêu rụi 3000 căn nhà và cơ sở. Hư hại nhất là các quận Sonoma, Napa, và Mendocino. Có 21 người chết được ghi nhận; trong khí có hơn 500 người khác còn ở tình trạng mất tích. Hàng ngàn nhân viên cứu hoả được điều động đến để ngăn cản lửa cháy lan sang các vùng khác. Năm nào California cũng bị thần lửa thăm viếng. Dân Biểu Mike Thompson coi đây là trận hoả hoạn lớn nhất ở California từ trước tới nay.


Harvey Weinstein


Một nhân vật lớn của điện ảnh Mỹ bị tố cáo quấy nhiễu tình dục

Đó là ông Harvey Weinstein, một nhà sản xuất phim lớn của Mỹ. Ông ta là đồng sáng lập hệ thống các rạp hát Miramax và sản xuất nhiều phim nổi tiếng và được nhiều giải thưởng phim ảnh. Hiện ông cũng là giám đốc điều hành của The Weintein Company trước khi bị bãi chức vì bị tố cáo quấy nhiễu tình dục bởi rất nhiều tài tử nổi danh như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow. Nhưng điều đáng nói là ông Weinstein là một người yểm trợ tích cực cho ngân quỹ đảng Dân Chủ, đóng góp nhiều tiền cho các cuộc tranh cử của Obama và Hillary Clinton. Thời Obama làm tổng thống, Weintein ra vào Bạch Cung thuờng xuyên như các bà đi chợ. Ngay khi vụ này bể ra, người ta mong chờ những vị Dân Chủ sẽ hoàn trả số tiền của Weinstein hay chuyển nó qua những cơ quan từ thiện. Mãi đến một tuần sau, mới nghe bà Clinton lên tiếng về vụ này. Vì không thể né tránh phải đưa tin động trời này lên, đài CNN cũng lợi dụng móc níu chuyện ông Trump bị vài bà cáo buộc tội quấy nhiễu vào để đánh phá.

Thật ra những vụ quấy nhiễu tình dục này không có gì lạ cả. Nó vẫn âm thầm xảy ra tại bất cứ xã hội nào, trong bất cứ lãnh vực nào khi bọn đàn ông đa dâm có quyền thế hoặc có ảnh hưởng đối với những phụ nữ dưới quyền hay những phục nữ đang cần sự nâng đỡ để tiến thân. Nhưng do bản chất sự việc không lành mạnh, nên các bà, các cô đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà im tiếng để bảo vệ tiếng tăm hoặc hạnh phúc gia đình.


bức tượng Christopher Columbus ở Công viên Arrigo tại Chicago bị tạt sơn đỏ vào ngày Columbus.


Còn đâu công trạng khám phá Mỹ Châu của Columbus?

Phong trào liberal Mỹ đang tìm cách xoá sổ lịch sử Hoa Kỳ qua việc hạ bệ tất cả những danh nhân miền Nam mà theo họ là bọn kỳ thị, phân biệt chủng tộc, chủ trương nô lệ.

Đi xa hơn, nhóm liberal này còn lôi ông Christopher Columbus ra để hạ bệ. Hàng năm Hoa Kỳ vẫn dành một ngày để kỷ niệm và vinh danh nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra Mỹ Châu vào năm 1492. Lúc đó, với sự nhận thức rằng trái đất có hình quả cầu, ông và đoàn thám hiểm dự tính đi về hướng Tây của Âu Châu để đến miền East India (tức Đông Á Châu). Họ đã đến vùng Tân Thế Giới (New World) và đổ bộ lên một hòn đảo của quần đảo Bahamas mà ông Columbus đặt tên là San Sanvador. Nhũng chuyến đi sau này, họ đã khám phá thêm vùng Tiểu và Đại Antilles cũng như duyên hải Caribean của vùng Trung Mỹ và Venezuela. Vì tưởng lầm mình đã đến bờ biển phía đông nước Ấn Độ (India), nên họ đã gọi thổ dân da đỏ Mỹ Châu là Indian. Từ đó, Tây Ban Nha đã dổ xô vào với những đoàn người phiêu lưu đi tìm vàng và thuộc địa. Rồi đến những đợt di dân từ Âu Châu để thành lập nên những quốc gia tại Bắc và Nam Mỹ như ta thấy hiện nay.

Christopher đặt chân lên lục địa Mỹ ngày 12 tháng 10, 1492. Hàng năm, các quốc gia Mỹ Châu tổ chức kỷ niệm ngày này. Học sinh được nghỉ học và công sở cũng đóng cửa không làm việc. Ở Hoa Kỳ gọi là Columbus Day rơi vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ nhì trong tháng 10 (năm nay là ngày 9 tháng 10), các nước Mỹ Latin gọi là “Dia de la Raza”, “Dia de la Hispanidad” hay ở Tây Ban Nha là ngày “Fiesta Nacional”. Tại Belize và Uruguay, dân chúng kết hợp với lễ hội tôn giáo “la Virgen del Pilar” và gọi là ngày “Día de las Américas” (Day of the Americas) ; Ở Argentina thì gọi là ngày “Día del Respeto a la Diversidad Cultural” (Day of Respect for Cultural Diversity), và tại Italy, quê hương của ông và những khu dân Ý tại các thành phố ở Mỹ, thì đó là ngày “Giornata Nazionale di Cristoforo Colombo” hay “Festa Nazionale di Cristoforo Colombo”.

Nhưng năm nay, ngoài việc bôi bẩn, triệt hạ những tượng đài của Columbus tại nhiều thành phố, nhất là tại các tiểu bang miền Bắc; nhóm Liberal còn đòi hủy bỏ luôn ngày kỷ niệm Columbus. Tại nhiều trường đại học, mới đây nhất là Đại Học Havard, các sinh viên tả khuynh đã dùng tên “Ngày Các Thổ Dân” (Indigenous Peoples’ Day) để thay cho “Ngày Columbus” mà họ cho rằng mang tính chất thực dân.

Ngày “Các Thổ Dân” do trường Đại Học Berkeley ở California khởi xướng từ năm 1992, và ngày nay, trở thành phổ biến. Trong ngày này, sinh viên bày tỏ thái độ chống chế độ thực dân; lên án sự bóc lột của các nước mạnh đối với các dân tộc nhược tiểu. Họ cũng nói lên những sự chịu đựng, nhọc nhằn của người thổ dân Mỹ Châu.

Trước khi Harvard có sự thay đổi, thì Hội Đồng Thành Phố Cambridge đã ban hành nghị quyết thay đổi tên ngày Columbus mà mục đích đuợc giải thích là để ghi nhớ những người da đỏ đã bị sát hại kể từ khi ông Columbus đặt chân lên Mỹ Châu. Họ coi ông Columbus la một tên bạo chúa, một kẻ tra tấn, tàn sát thổ dân.

Ngày thứ Hai 9 tháng 10, 2017, những sinh viên gốc da đỏ tại Havard tổ chức ngày lễ vinh danh văn hoá da đỏ và biểu tình chống lại những người mà ông Christoph Columbus là đại diện.

Tại Seattle, tiểu bang Washington, cũng có cuộc diễn hành kỷ niệm ngày Thổ Dân. Được biết từ năm 2014, Hội Đồng Thành Phố Seattle đã ban hành nghị quyết chấm dứt “Ngày Columbus” và đổi tên thành ngày “Thừa nhận Văn Hoá Và Thổ Dân Mỹ”. Các nhiều trường đại học đã có sự thay đổi này như Fredonia College, the University of Texas El Paso, the University of Alaska Fairbanks, University of Wisconsin Oshkosh, Columbia University, Vanderbilt University, Brandeis College...

Trường Fredonia College giải thích rằng phong trào bài trừ ngày Columbus và thay bằng “Ngày Thổ Dân” đã có từ năm 1977 trong một cuộc hội thảo do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để bàn về vấn đề những thổ dân bị bạc đãi tại Hoa Kỳ. Việc này đã được phụ hoạ bởi các thành phố như Los Angeles, Berkeley, Denver, Minneapolis và Seattle, và Tiểu bang như South Dakota, Hawaii và Alaska.

Như vậy, từ một danh nhân có công khám phá Mỹ Châu, Columbus đã trở thành một tội phạm thực dân bóc lột và sát nhân! Đến ngày nào đó thì các vị tổng thống Hoa Kỳ của thời trước cũng sẽ bị nhóm Liberal này buộc tội và xoá bỏ trong lịch sử? Hấu hết các tổng thống Hoa Kỳ trước nội chiến đều là các chủ trang trại có nhiều nô lệ! Đã có những người Liberals đòi đục bỏ hình tương vị khai quốc George Washington và Thomas Jefferson ở quần thể tượng 4 vị tổng thống ở núi Rushmore, South Dakota rồi đấy! Nhưng phải nghĩ dến lúc nào đó mà những người da trắng nổi giận không còn chịu đựng nữa mà quy tụ quanh nhóm “White Supremacists”, thì những người Mỹ gốc Á chúng ta cũng có thể bị hoạ lây!


Nhiều cầu thủ của đội 49ers, đã quỳ một chân xuống khi quốc thiều trổi lên tại Indianapolis ngày 8 tháng 10 năm 2017


Chào cờ hay không chào cờ?

Những tuần qua, việc những cầu thủ banh Cà Na từ chối chào quốc kỳ đã gây ra nhiều phản ứng từ nhiều phía. Trong khi nhiều người hâm mộ môn bóng này lên tiếng tẩy chay những trận đấu, đốt áo và vé đã mua; những khán giả trên truyền hình cũng giảm sút đáng kể. Trong trận cầu giữa hai đội Colts và 49ers tại Indianapolis, nhiều cầu thủ của đội 49ers, mà đa số là da đen, đã quỳ một chân xuống khi quốc thiều trổi lên. Trong lúc đó hàng vạn khán giả đang đứng nghiêm chỉnh để tỏ lòng tôn kính lá quốc kỳ. Trong số có Phó Tổng Thống Mike Pence và phu nhân. Vừa dứt quốc thiều, hai ông bà rời ghế bỏ ra về để tỏ sự phản đối đối với những kẻ bất kính biểu tượng quốc gia.

Ông nói: “Tôi rời trận đấu bởi vì Tổng Thống Trump và tôi sẽ không coi trọng những sự tổ chức nào mà tỏ ra bất kính đối với những người lính, với quốc kỳ, quốc thiều của chúng ta. Vào thời điểm mà nhiều người Mỹ cống hiến cho đất nước qua sự dũng cảm, quyết tâm và vượt bao gian khổ, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải quy tụ quanh lá quốc kỳ và những biểu tượng đã đoàn kết chúng ta... Tôi không nghĩ rằng sẽ là quá sức khi đòi hỏi những cầu thủ phải tôn trọng Quốc Kỳ và Quốc Thiều. Tôi đứng chung với Tổng Thống Trump, với các chiến sĩ, và tôi luôn đứng thẳng trước Quốc Kỳ và Quốc Ca”.

Cùng khi đó, ông Jerry Jones, chủ đội Dallas Cowboys đã lên tiếng đe rằng những cầu thủ nào không chịu chào cờ sẽ bị loại không cho tham dự trận đấu. Đáp lại, cô Jemele Hill, xướng ngôn viên đài truyền hình thể thao ESPN vào thứ Ba đã gửi ra lời yêu cầu các người ái mộ banh Cà Na hãy tẩy chay những cơ sở quảng cáo có liên hệ với đội Dallas Cowboys. Cô này đã bị đài truyền hình tạm cho ngưng việc. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, cô da đen này đã vi phạm các chính sách về việc sử dụng truyền thông xã hội. Lần trước đây, cô ta cũng tweet ra nội dung cho rằng Tổng Thống Trump là một người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng. Lời cáo buộc này đã bị bà Sarah Huckabee Sanders, tham vụ Báo Chí Bạch Cung cho là sự xúc phạm trắng trợn.

Ông Jerry Jones là người có lời bình phẩm mạnh nhất về việc các cầu thủ không chịu chào quốc kỳ. Ông nói: “Chúng tôi biết có nhiều sự tranh cãi quanh việc này, nhưng trong tâm trí tôi, không có thắc mắc gì rằng NFL (Hội Các Đội Banh Cà Na) và đội Dallas Cowboys sẽ đứng nghiêm chào quốc kỳ. Sự việc rõ ràng là thế”.

Đội Miami Dolphins cũng tuân lời ông chủ là Stephen Ross mà đứng chào quốc kỳ. Chỉ có ba anh Kenny Stills, Julian Thomas và Michael Thomas là đứng tách ra ngoài rìa sân khi quốc thiều trổi lên.

Hội NFL có loan báo rằng họ đã phân phối đến các đội bóng cuốn cẩm nang về các trận đấu trong đó có việc đứng chào quốc kỳ. Nhưng họ cũng giải thích đó chỉ là cách cư xử policy chứ không phải là điều lệ; do đó họ sẽ không trừng phạt các cầu thủ nào từ chối chào cờ.


Đại tá Daniel Cristian Dan hướng dẫn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Klaus Iohannis trong chuyến viếng thăm của NATO tại Craiova, Romania, ngày 9 tháng 10 năm 2017.


Khối NATO bày binh bố trận

Theo Thông Tấn Xã Reuter, khối NATO gồm nhiều quốc gia Âu Châu đang bố trí quân đội tại nước Romania hôm thứ Hai đầu tuần để nhằm ngăn chận quân Nga ở mạn sườn phía đông Âu Châu cũng như để theo dõi các hoạt động gia tăng quân sự của Nga ở vùng Biển Đen đã tiếp diễn không ngừng từ sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea năm 2014.

Khởi đầu chỉ là một đội quân nhỏ của 10 nước NATO trong đó có Ý, Gia Nã Đại, Lỗ Ma Ni... Sau đó đã có thêm 900 quân Mỹ. Họ bố trí quân cả trên bộ, trên biển và trên không. Tổng Thống Lỗ Ma Ni Klaus Iohannis trấn an rằng mục tiêu của việc bố trí quân đội là nhằm bảo vệ hoà bình chứ không có chủ ý gây chiến tranh. Tại Nghị Hội Các Nước NATO, ông nói rằng “Chúng tôi không tạo ra mối nguy hiểm cho Nga, nhưng chúng tôi cần có một vị thế vững mạnh để đối thoại”.

Phía Nga thì lên án NATO đang bao vây họ và đang đe dọa sự ổn định tại vùng Đông Âu, là điều mà NATO bác bỏ. Lý do để Nga lo ngại là vì trong vùng Biển Đen này, các nước Romania, Bulgaria và Turkey đều là thành viên của NATO, và hai nước Georgia và Ukraine cũng muốn gia nhập vào khối này.

Vùng Biển Đen dồi dào trữ lượng dầu và khí đốt; vì vậy khối NATO muốn củng cố các nước đồng minh tại đây; nhưng cũng không muốn tạo thêm mối căng thẳng. Họ chỉ muốn có một đối lực với Nga vì nước này cũng đang có một kế hoạch thiết lập một vùng trái độn tại đây.

Chúng ta đều biết những cuộc hành quân của Nga từ năm 2008 chuyển quân vào vùng nam Ossetia của nước Georgia để yêm trợ cho nhóm loạn quân ly khai ở đông Ukraine vào 2014 và theo đó là sự sát nhập bán đảo Crimea mà thế giới coi như là một dấu hiệu mới của chiến tranh lạnh.

Chi tiết về quân số NATO tại đây không được tiết lộ. Theo thăm dó từ các nguồn tin quân sự, tại căn cứ Craiova (một thành phố ở Nam Romania) thì có khoảng từ 3000 đến 4000 quân lính mà đa số là lính Lỗ Ma Ni, Ba Lan. Quân lính từ Bulgaria, Ý Đại Lợi và Portugal cũng đang có những cuộc huấn luyện ở đây. Người ta chờ đợi sự có mặt của quân Đức mà chính phủ nước này hứa sẽ góp mặt. Anh Quốc và Gia Nã Đại cũng gửi phi cơ chiến đấu đến Lỗ Ma Ni, Ý Đại Lợi thì có phi cơ đang tuần thám trên vùng biên giới của Bulgaria.

Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký của khối NATO cho hay sự bày binh bố trận chứng tỏ quyết tâm của NATO. Ngày thứ Hai, ông đã viếng thăm binh sĩ tại đây và cho biết thêm rằng NATO hiện có sẵn 40 ngàn quân ứng chiến để phản ứng ngay lập tức khi có những biến chuyển bất ngờ.

Vài nuớc Đông Âu (mà trước đây là chư hầu của Liên Bang Sô Viết) cũng yêu cầu NATO bố trí các hoả tiễn phòng thủ để tạo thành một bức tường chắn hữu hiệu đối phó với Nga. Họ muốn nói đến hệ thống hoả tiễn Aegis Ashore do Hoa Kỳ đã thiết lập nhằm ngăn chặn các hoả tiễn của Iran. Theo các nước này, một hệ thống như thế sẽ làm cho đối phương phải chùn bước.

Hiện nay tại vùng Baltics và Poland, liên quân Hoa Kỳ và đồng minh có khoảng 4,000 là quân số tương đương của đồng minh Pháp, Anh, Mỹ hiện diện ở Tây Bá Linh vào năm 1950 để ngăn chặn Nga Sô bành trướng.

Theo các điều khoản của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, một cuộc tấn công vào bất cứ một nước thành viên nào thì coi như tất cả 28 nước bị tấn công và họ có nghĩa vụ phải phản ứng để bảo vệ.

Sự bày binh bố trận này cho thấy phía Nga cũng đã giảm bớt những trò chơi chiến tranh mà họ khởi sự từ năm 2013. Dù hung hãn đến đâu, Nga cũng phải nhìn thấy khả năng tác chiến và sức mạnh của vũ khí tân tiến của phiá NATO đang triển khai ở vùng biên giới với Nga. Đối với Bulgaria và Lỗ Ma Ni, thì họ xem đây là một thắng lợi ngoại giao khi họ đã thuận theo lời yêu cầu của Tổng Thống Trump là tăng ngân sách quốc phòng đến 2% của thu nhập quốc gia và đang được sự bảo vệ của NATO.


Người tị nạn Nam Sudan chờ phát thực phẩm


Nạn đói ở Nam Sudan

Nam Sudan có tên là Cộng Hoà Nam Sudan, là một nước ở gần Đông Phi, bắc giáp Sudan, nam giáp Cộng Hoà Congo, Uganda và Kenya, tây giáp Cộng Hoà Trung Phi, và đông giáp Ethiopia. Nước này tách ra từ nước Sudan năm 2011 có thủ đô là Juba. Từ năm 2013, Nam Sudan trải qua bạo động chủng tộc và cuộc nội chiến gây chết đến 300 ngàn dân trong tổng số dân khoảng 12 triệu. Hiện nay Nam Sudan có GDP nominal là 4.8 tỷ đô la, tính theo đầu người là 366 đô la, và bị sắp hạng áp chót của những nước nghèo và bất ổn.

Đầu năm nay, Liên Hiệp Quốc và chính phủ Nam Sudan đã loan báo nạn đói trầm trọng ở nhiều vùng của nước này trong khi họ đang phải đương đầu với sự khủng hoảng về lương thực, thực phẩm.

Dù với nhiều nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng 2 triệu người đang lâm cảnh đói ăn và con số này có thể tăng lên đến 6 triệu trong thời gian sắp tới. Đó là do hậu quả của nội chiến triền miên, nạn lạm phát vọt cao, nợ quốc gia cũng tăng, dẫn đến giá lương thực tăng không thể chịu đựng được. Nước Phi Châu này đang lâm cảnh khốn quẩn vô phương cứu chữa.

Tại một vùng rộng lớn Northern Bahr el Ghazal, có đến 59% dân số không có ăn. Hơn 250 ngàn trẻ em thiếu dinh dưỡng liên tục nhiều năm và đã có nhiều trẻ em chết vì đói.

Trong lúc đó, bạo lực vẫn diễn ra hàng ngày làm cho dân chúng phải di tản. Hệ quả là các trạm y tế ít ỏi phải đóng cửa. Những người dân chạy loạn phải tìm các nơi điều trị thiếu hẳn vệ sinh và trang bị tối thiểu.

Các cơ quan cứu trợ quốc tế đã cử 300 người đến South Sudan và giúp đỡ cho khoảng 700 ngàn người. Điều đáng nói là ngay trước khi Liên Hiệp Quốc loan báo nạn đói, tại Nam Soudan đã có gần 5 triệu người có nhu cầu khẩn thiết về thực phẩm.

Cũng vì nạn đói và bạo lực đe dọa, dân Nam Sudan đã tìm cách vượt biên, vượt biển tìm đến các nước khác trong đó có nhiều người đến Hoa Kỳ và Canada cũng như vượt Địa Trung Hải để vào Âu Châu qua ngõ Ý Đại Lợi.

Dĩ nhiên, nạn đói và chiến tranh đã làm cho trẻ em bị thất học. Có hơn 130 triệu em bé gái trong tuổi đến trường đã không được theo đuổi việc học.

Cũng như ở các nước Trung Phi, Niger, Afghanistan, ở Nam Sudan, có ba phần tư các em bé gái không được đến trường. Trong số 10 nước thất học, thì có đến 9 nước nằm ở Phi Châu. Kể thêm là các nước mà trẻ em thất học là Somalia, Syria. Ở Niger, chỉ có 17% đàn bà và thiếu nữ biết chữ. Lý do đuợc nêu ra vì nghèo đói, nạn tảo hôn, bận nhiều công việc trong gia đình và sự nguy hiểm khi đi đến trường ở những nước loạn lạc. Tại Ethiopia, 2 trong số 5 cô gái bỏ học vì đi lấy chồng khi chưa đến tuổi 18. Tại Burkina Faso, chỉ có 1% các cô gái là học xong trung học.



Gia Nã Đại đón nhận dân bất hợp pháp từ Hoa Kỳ

Rất nhiều dân bất hợp pháp từ Hoa Kỳ đã vượt biên giới đến Gia Nã Đại. Có những người từng ở Mỹ nhiều năm, cũng có người mới từ các nước nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ. Năm nay, chỉ mới tính đến cuối tháng 9, ước tính đã có tới 13 ngàn người; theo Cơ Quan Cảnh Sát Hoàng Gia Gia Nã Đại thì con số này gấp 5 lần số dân vượt biên vào Gia Nã Đại năm ngoái 2016. Chỉ trong tháng Tám không thôi, đã có đến 5700 người. Trong hai tuần mới đây, có đến 4000 người! Họ phải băng rừng để tránh các trạm kiểm soát. Nơi họ đến nhiều nhất là thành phố Quebec. Chính phủ địa phương đã dựng hàng loạt lều trại sát biên giới với Hoa Kỳ để đón nhận họ. Tại Montreal, chính phủ cải biến vận động trường trước dùng cho Thế Vận Hội làm nơi tạm trú.

Những người di dân này theo Giáo Sư Mireille Paquet, đang hoạt động tại Weatherhead Center for International Affairs của trường Đại Học Harvard University là “đang sống trong tình trạng bất trắc trong khi đang có những cải cách di trú ở Mỹ trong đó có những thay đổi về chưong trình DACA (dành cho những người bất hợp pháp đến Mỹ khi còn bé) ”

Với chủ trương của Tổng Thống Trump là hạn chế gắt gao việc nhập cư chính thức, và cấm cửa hẳn việc nhập cư lậu; thì tại Gia Nã Đại, Thủ Tướng Trudeau lại hân hoan đón nhận những người này. Nhưng Gia Nã Đại cũng cảnh cáo trước rằng họ không bảo đảm những người đến Gia Nã Đại sẽ được hưởng quy chế di trú đâu.

Một luật sư về di trú, ông Guillaume Cliche-Rivard, nói rằng chính phủ Gia Nã Đại bị lên án là đã lừa gạt dân di cư vì hứa với họ những sự dễ dãi mà chưa chắc họ sẽ đạt được.

Nhưng theo những di dân, thì so với Hoa Kỳ là nơi họ chỉ bị hoàn toàn thua thiệt, khi đến Gia Nã Đại, ít ra mức thua thiệt còn rất ít. Họ cho rằng sự bất trắc ở Mỹ là chắc chắn, trong khi tin rằng họ sẽ có cơ hội ở Gia Nã Đại.

Số người bất hợp pháp đến Gia Nã Đại phần lớn là dân từ Haiti và từ các nước Phi Châu. Cũng có nhiều dân Syria. Những sắc dân này làm cho nơi tạm cư trở thành như một melting pot.

Tại Montreal, những di dân được hướng dẫn cho hay họ sẽ nhận khoản trợ cấp tạm thời về cư trú và đưởng hưởng sự săn sóc y tế. Các em nhỏ sẽ được đi học. Nhưng họ cũng được cho biết rằng không có sự bảo đảm rằng họ sẽ được ở lại Gia Nã Đại. Nhiều người trong số họ sẽ bị buộc hồi hương. Điều này làm cho nhóm di dân thất vọng. Vì khi rời Hoa Kỳ là họ mong tránh bị chính phủ Mỹ cưỡng chế trục xuất và họ hy vọng tại Gia Nã Đại họ sẽ được đương nhiên hưởng quyền cư trú! Nay thì họ nhận ra ngay từ lúc đặt chân lên Gia Nã Đại những lời cảnh giác không mấy thân thiện.

Ông Marc Garneau, bộ trưởng Bộ Giao Thông Gia Nã Đại đã nói khi tiếp xúc với đám di dân ở biên giới Quebec và New York rằng Gia Nã Đại chỉ nhận những di dân bị ngược đãi hay tị nạn chiến tranh khủng bố. Còn những thành phần khác thì không đuợc chào đón!

Cũng như tại Hoa Kỳ, luật lệ Gia Nã Đại chỉ cho phép nhập cư những người chứng minh đuợc rằng họ bị ngược đãi trên quê hương gốc của họ, vì lý do tôn giáo, chủng tộc, khác biệt chính kiến hoặc bị ngược đãi vì thuộc thành phần LBGT (đồng tình luyến ái). Gia Nã Đại chỉ nhận những người mà họ cho rằng nếu trả về, sẽ bị tra tấn hay trừng phạt tàn bạo, năng nề. Còn những di dân vì kinh tế thì sẽ bị trục xuất theo những thủ tục có thể kéo dài hàng tháng cho đến hàng năm.

Năm ngoái, trong số 16 ngàn người xin cư trú, Gia Nã Đại chỉ chấp thuận 63%. Đối với dân gốc Haiti, con số đuợc chấp nhận là 52%. Hoa Kỳ tương tự, cũng nhận cho 48% số dân Haiti xin cư trú. Hai tuần mới đây, có đến khoảng 3200 người gốc Haiti rời Mỹ để trốn qua Gia Nã Đại (chiếm 80% số dân nhập cư lậu), số còn lại là dân gốc từ Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, Colombia và Thỗ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ chấm dứt chương trình định cư tạm thời 58 ngàn dân Haiti trốn qua Mỹ sau vụ động đất năm 2010. Canada thì đã chấm dứt chương trình tương tự năm 2014.

Chính phủ Gia Nã Đại muốn loan báo đến những người di dân rằng họ cần biết rõ thật kỹ về chính sách di dân thay vì nghe lời đồn nhãm rằng Gia Nã Đại mở toang cửa cho bất cứ ai như một bà Dorisma lầm tường: “Người ta nói với tôi rằng Gia Nã Đại không trục xuất di dân”. Người ta nhắc lại lời Thủ Tướng Trudeau tuyên bố hăng hái để phản ứng lại lệnh cấm dân vài nước Hồi Giáo của Tổng Thống Trump: “Dối với những ai chạy trốn sự ngược đãi, khủng bố... người dân Gia Nã Đại chào đón quý bạn bất luận bạn thuộc tôn giáo nào. Sức mạnh của chúng tôi là ở sự đa dạng”. (To those fleeing persecution, terror & war, Canadians will welcome you, regardless of your faith. Diversity is our strength.)

Tại Gia Nã Đại, đã có những cuộc biểu tình của dân địa phương nhằm chống lại việc cho nhập cư những di dân này. Những người di dân đang ở thế bất ổn vì không biết chắc số phận tương lai của họ. Do đó họ sẽ khó hội nhập và khó tìm công việc làm ăn. Được biết tiền trợ cấp cư trú là khoảng $560 cho một người độc thân hay $1900 cho một gia đình 4 người. Trong tình hình hiện nay. Một mục sư người Haiti, Joseph Jr. Clormeus, hài lòng vì: “thà chịu sự bất trắc ở Gia Nã Đại còn hơn sự biết chắc chắn sẽ bị trục xuất ở Hoa Kỳ”.


Nơi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - Công viên Tiergarten


Đức trừng phạt Việt Nam Cộng Sản vì vụ Trịnh Xuân Thanh

Quý vị còn nhớ việc nhân viên gián điệp Việt Nam Cộng Sản đã đạo diễn vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ một công viên Tiergarten ở thành phố Berlin, Đức rồi chở qua biên giới đến một nước khác và đưa về Việt Nam để trị tội làm thất thoát hàng trăm triệu đô la khi làm Tổng Giám Đốc công ty quốc doanh Xây Dựng Dầu Khí? Năm 2016, Trịnh Xuân Thanh đã bị tước bỏ chức vụ dân biểu và bị khởi tố với nhiều tội danh. Tên này đã trốn qua Đức trong khoảng thời gian sau đó.

Việc gửi nhân viên và dùng vũ khí bắt cóc trên xứ Đức là một vi phạm rất nghiêm trọng về pháp luật và quy tắc xử sự trong ngoại giao. Đức đã có những phản ứng rất mạnh mẽ như trục xuất ngay tên tham vụ trong toà Đại Sứ CSVN. Họ đã đình chỉ ngay các mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Từ nay, các nhân viên ngoại giao của Việt Cộng phải có thị thực (chiếu khán) mới được vào nước Đức.

Theo tin lấy được từ Bộ Ngoại Giao Đức, chỉ có những dự án nào đã khởi công thì sẽ được tiếp tục; còn các dự án mới sẽ không được ký cho đến khi nào phía Việt Cộng thoả mãn các yêu cầu của Đức trong đó Đức yêu cầu Việt Cộng phải đưa Trịnh Xuân Thanh ra toà xử đúng theo các quy tắc pháp lý của một nhà nước pháp quyền với sự chứng kiến của các quan sát viên ngoại quốc. Đức cũng đòi phía Việt Cộng trừng phạt những người đã tham dự vụ bắt cóc và phải lên tiếng xin lỗi Đức cũng như phải hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Chính phủ Đức không còn yêu cầu Việt Cộng phải trả lại tên Trịnh Xuân Thanh về Đức để nước này cứu xét đơn xin tị nạn của y.

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân