TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ cá Trần Quốc Toản
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ cá Trần Quốc Toản

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Aug 10, 2017 10:39 pm    Tiêu đề: Chợ cá Trần Quốc Toản
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ cá Trần Quốc Toản

Chợ cá Trần Quốc Toản năm 1964.


Khi nhắc đến Chợ cá Trần Quốc Toản ngày xưa ở Q.10 thì mấy người bạn thế hệ tuổi tôi chê tới chê lui. Cái chợ gì mà hôi tanh bốc mùi nồng nặc giữa cơn gió trưa hè đưa xa vài trăm mét. Người bạn trước ở khu cư xá Đồng Tiến ta thán, chẳng hiểu sao người ta lại cất cái chợ chuyên bán cá tôm ngay trong lòng thành phố. Người lớn tuổi hiểu rõ sự đời giải thích, thuở đầu thập niên 1960, nơi góc đường Trần Quốc Toản – Nguyễn Tri Phương và phía cuối đường Lý Thái Tổ còn nhiều đất trống, trại lính xung quanh. Cất chợ cá đầu mối ở đây là hợp lý, cung cấp thủy hải sản tỏa ra các chợ nhỏ của khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trong bài viết về “Chợ Lớn Mới”, tôi có đề cập đến tài liệu Ðông Dương hành chánh niên giám khoảng đầu thế kỷ 20 trên bờ kênh Hội Hợp của người Pháp in năm 1906 (tức đường Vạn Kiếp sau này) có một Chợ Cá mang tên Marché Aux Poissons gần Chợ Lớn (cũ) nay là Bưu điện Q.5. Sau khi giải tỏa Chợ Lớn cũ xây Chợ Lớn Mới tức chợ Bình Tây năm 1928 thì không biết Chợ Cá gần đấy còn tồn tại hay bị giải tỏa vào thời gian đó. Không thấy tài liệu nào nhắc đến chuyện dời ngôi chợ chuyên bán thủy hải sản này. Ảnh tư liệu in bưu thiếp cho thấy ngôi chợ đầu mối rất nhỏ so với thời bây giờ nhưng có lẽ cách đây hơn trăm năm, ở Chợ Lớn có một ngôi chợ chuyên bán tôm cá như thế được xem là lớn vì dân cư còn thưa thớt (Chợ Lớn vào giai đoạn này là thủ phủ của tỉnh Chợ Lớn rộng đến Tân An – Long An ngày nay, có khoảng hơn hai trăm ngàn dân. Ðến năm 1931 thủ phủ Chợ Lớn sát nhập vào Sài Gòn thành Sài Gòn – Chợ Lớn).


Chợ Cá được xác nhận là trên đường Tổng Đốc Phương năm 1906.


Tuy nhiên, theo vài tài liệu báo chí sau này (không rõ nguồn), cho biết chợ cá ngày xưa trên đường Tổng Ðốc Phương (Châu Văn Liêm ngày nay) không nằm trên đường Vạn Kiếp, mà dời về Chợ Hoà Bình xây năm 1954 nằm trong làng Hoà Bình ngày xưa thuộc quận 5. Nói thêm, đây là một ngôi chợ có kiến trúc đẹp tuy không to lớn bằng Chợ Bến Thành và Chợ Lớn Mới, hai đầu chợ có hai tháp lầu nằm giữa bốn trục đường Bùi Hữu Nghĩa – Bạch Vân – Chiêu Anh Các và Nhiêu Tâm hiện nay. Vậy thì, khoảng thời gian trước 1954 ngôi chợ cá đó đi về đâu? Chắc chắn ngôi chợ bị dỡ bỏ từ lâu sát nhập vào một ngôi chợ nào đó. Rất tiếc là chưa có một tài liệu nào xác thực. Một chợ cá đầu mối có thể chỉ tạm hoạt động trong một ngôi chợ buôn bán hàng hoá thực phẩm bình thường trong khi chính quyền tìm đất cất lên ngôi chợ cá đúng nghĩa. Rồi chợ cá hình thành tại một mảnh đất rộng trên đường Trần Quốc Toản và lấy tên Chợ Trần Quốc Toản, không có ghi là chợ cá nhưng tất cả dân Sài Gòn – Chợ Lớn đều biết nơi đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp thủy hải sản cho các chợ nhỏ.

Việc cất chợ cá ở khu vực đường Trần Quốc Toản vào đầu thập niên 1960 là hoàn toàn hợp lý vì khu vực này so với các khu vực khác trong thành phố còn nhiều đất trống, hầu hết là trại lính. Hơn nữa việc vận chuyển đường bộ đã phát triển cả về xe cộ vận tải lẫn đường sá thông suốt từ các tỉnh miền Nam và miền Trung về Sài Gòn, không còn phụ thuộc nhiều vào giao thông đường thủy như ngày xưa khi chợ búa thường xây cất gần bến sông hay kênh rạch.


Chợ Hòa Bình xây năm 1954 được xem là nơi chợ cá đầu mới ở Chợ Lớn sáp nhập vào Chợ Hoà Bình.


Khi nhắc tới khu vực chợ cá Trần Quốc Toản, ông bạn lớn tuổi đạo Công giáo và cũng là giáo viên dạy trường Ðồng Tiến nhớ lại, ngày xưa khoảng cuối thập niên 1950 vùng này còn hoang vu, chính quyền cho cất trại gia binh quanh chợ cá như khu Ðồng Tiến, khu Nguyễn Trung Trực (khu trại quân cụ). Ðến năm 1970 trường trung học Ðồng Tiến (mới) xây xong. Nhà ông ở gần đấy, xin vào dạy học ở trường đạo này. Ông nhớ nhiều khi đang đứng lớp dạy, gió thổi mùi cá tanh nồng xông vào thật khó chịu, thầy trò cùng nhau bịt mũi chạy làng.

Chợ bán cá mà không tanh thì đâu phải là chợ cá. Nhưng đối với nhiều người buôn bán ở chợ như má thằng bạn, đó là cái mùi làm ra tiền lo cho đời sống gia đình được ấm no. Làm chủ cái sạp cá bán sỉ cũng không phải dễ. Ðiều đầu tiên là tiền đâu, vốn lớn. Nhà thằng bạn tuy trong hẻm nhỏ nhưng khang trang, đầy đủ tiện nghi, nhà có tivi sớm nhất xóm, lại có xe lam riêng. Ngoài việc chở hàng cá cho nhà, ba nó chở thêm hàng bông ngoài Chợ Cầu Ông Lãnh cho mấy bạn hàng, gia đình thằng bạn sống khoẻ.

Có lần đi Kansas thăm thằng bạn thuở nhỏ, ngồi uống cà phê ở bên ngoài tiệm Starbucks giữa buổi trưa hè, chợt nhận ra thoang thoảng đâu đây mùi phân bò phảng phất. Thằng bạn cho biết, cách đấy vài ba dặm dọc xa lộ có một trang trại nuôi bò. Bò ở đó nhiều kinh khủng, chạy xe ngang qua, mùi phân vương vào trong xe nồng nặc. Bước xuống xe, vào tiệm ăn phở người ta cứ tưởng mình là anh lái bò. Không biết khi nói tới mùi phân bò, thằng bạn còn nhớ mùi tanh của chợ cá năm xưa khi thỉnh thoảng cuối tuần hai đứa ngồi trên xe lam của ba nó chở cá từ Chợ Trần Quốc Toản giao cho bạn hàng của má nó đến các chợ nhỏ.


Bãi rác lớn bên hông Chợ cá Trần Quốc Toản.


Sạp cá của má thằng bạn bán toàn cá đồng. Nào là cá lóc, cá trê, cá rô, cá thác lác lại toàn là cá sống nhảy xoi xói trong thùng chứa bằng sắt tây. Hồi xưa cá đồng người ta bắt từ sông rạch, chứ không ai nuôi như bây giờ. Cá được thương lái thu mua từ miền Tây, mướn xe tải chở đến chợ giao cho những sạp mối mỗi ngày từ sáng sớm.

Lắm khi gặp nhau, cùng thằng bạn ngồi bên trời Tây lại nhớ trời Ta thuở nhỏ. Nhớ chuyện đi theo xe lam chở cá phụ ông già cũng như một cuộc rong chơi phố phường cho thư giãn đầu óc chứ gia đình buôn bán chợ búa quanh năm suốt tháng đâu có thời gian dẫn con cái đi chơi đây đó. Nói là phụ cho nghe hiếu đạo làm con, chứ còn nhỏ giúp ích được gì cho gia đình ngoài chuyện ăn học vui chơi là chính.

Miệng nhấm nháp ly cà phê và mũi thì thoảng đánh hơi mùi phân bò trong không khí nóng nực tự dưng lại đi nhớ mùi cá tanh trên những chuyến xe lam cuối tuần thật là tréo cẳng ngỗng. Bạn tỉ tê, hồi đó không có mày đi chung, chắc tao không đi theo ông già giao cá. Ngồi kế bên ổng không biết nói chuyện gì, chỉ toàn nghe chuyện ổng nói. Ổng nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nghe ổng nói xong thì tao lại quên hết. Nhưng cái mùi tao nhớ nhất, không phải mùi tanh hôi của cá mà lại là mùi rác thối phía bên hông chợ cá ngày xưa. Một bãi rác to khủng khiếp và đen đầy ruồi nhặng. Bãi rác đó vừa là chỗ bỏ rác của chợ cá và vừa là bô rác công cộng nhận rác của các khu dân cư lân cận được xe ba gác mang tới bãi đổ để chờ xe rác thành phố đến thu gom. Chính cái bô rác khổng lồ này đã làm cho nhiều người dân ngán ngẩm khi đi ngang chợ cá đầu mối lớn nhất Sài Gòn chứ không phải cái mùi tanh tao chợ cá.


Bên cạnh chợ cá còn có các sạp hàng lớn xây cất tạm bợ.


Ðúng là bãi rác bên hông chợ cá thật kinh khủng! Thằng bạn cầm ly cà phê ngửi ngửi “hương gây mùi nhớ” theo cách nói của ông Sơn Nam, mà trong đầu lại nhớ mùi rác chợ. Chợ cá buôn bán từ sáng sớm đến trưa là hầu như các sạp dẹp hàng về nghỉ. Ngoại trừ một số sạp nhỏ buôn bán kéo dài cho khách hàng sống quanh khu vực muốn mua cá tôm. Các sạp hàng buôn bán xong đều xịt nước rửa sàn và ngoài sân đậu xe lên xuống hàng cá nên mùi tanh chỉ còn vương vấn đây đó khi gió thoảng qua. Rác mới là nguyên nhân chính vì không phải lúc nào xe rác cũng đến dọp dẹp đúng giờ, có khi vào những ngày lễ lạt, rác dồn đống ngày này qua ngày khác.

Việc ô nhiễm môi trường ở khu chợ cá nhiều năm khiến nhiều người dân sống gần đó lên tiếng. Ðến đầu năm 1975, Ðô Thành Sài Gòn cho ngưng hoạt động, mảnh đất chợ được biến cải lại thành nơi triển lãm hàng kỹ thuật. Má thằng bạn dọn sạp về Chợ Cầu Ông Lãnh tiếp tục làm ăn cho đến năm 1995 cả nhà đi Mỹ đoàn tụ gia đình do người chú bảo lãnh. Nay cha mẹ người bạn cũng đã không còn nên chuyện làm ăn buôn bán cá mắm ngày xưa chẳng biết hỏi ai. Ngoại trừ thằng con nhớ mùi bãi rác bên hông chợ cá đem ra nhắc lại.

Sau một thời gian hoạt động, Chợ Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối quá tải, khiến trọn con đường Nguyễn Thái Học lúc nào cũng kẹt xe vào giờ chợ hoạt động. Ðể trả lại bộ mặt đô thị, năm 2003 chợ cá dời về chợ đầu mối Bình Ðiền (Bình Chánh), còn chợ rau cải, trái cây dời về chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Ðức) và chợ Tân Xuân (Hóc Môn) cho đến hiện nay. Mảnh đất khu Chợ cá Trần Quốc Toản ngày xưa, nay biến thành cơ ngơi to lớn của Siêu thị Sài Gòn. Giới trẻ từ thế hệ 7X ngày nay khó mà hình dung ra được mảnh đất này từng là ngôi chợ cá đầu mối giữa lòng thành phố.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân