TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Du ngoạn Salar de Tara, Chile
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Du ngoạn Salar de Tara, Chile

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Jul 10, 2017 10:43 pm    Tiêu đề: Du ngoạn Salar de Tara, Chile

Du ngoạn Salar de Tara, Chile

Ngọn núi Licancabur nhìn từ Moon Valley Atacama, Chile.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Salar de Tara là một thắng cảnh hồ nước mặn (hồ muối) nằm trong khu hoang mạc Atacama – một vùng sa mạc thiên nhiên của Nam Mỹ nằm ngay giữa biên giới ba quốc gia Bolivia, Chile, Argentina.

Không gian hồ muối là một trong những điểm đặc biệt của vùng hoang mạc và là một yếu tố chính đã tạo ra những cảnh sắc không gian thiên nhiên tuyệt đẹp tại đây.

Salar de Tara có diện tích rộng đến 740 cây số vuông, nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên quốc gia Los Flamencos National Reserve của Chile. Vì thế, môi trường chung quanh Salar de Tara được chính quyền bảo vệ khá kỹ lưỡng nên bạn vẫn có thể nhận thấy những nét hoang sơ ở nơi đây.

Con người chưa thương mại hóa nhiều nên ngoại trừ các vết đường mòn do xe chạy và những dấu vết do những người đi bộ (hiking) để lại trên đường đi, người ta không thấy những sinh hoạt buôn bán nơi đây. Khi đi du ngoạn Salar de Tara, bạn cần phải chuẩn bị một số những đồ dùng cần thiết cho mình trên đường đi. Nếu bạn đi tour thì dĩ nhiên đỡ phải lo phần này.

Ngoài ra, có lẽ thị xã San Petro de Atacama (*) là nơi có nhiều tên địa danh làm bạn rất dễ lầm lẫn khi đọc phớt qua. Bạn cần để ý đến tên các thắng cảnh hồ muối, thí dụ như Salar de Atacama là hồ muối lớn nhất nằm ngay phía Nam của thành phố nên ít ai lầm. Nhưng bạn rất dễ lầm Salar de Aguas Calientes với Laguna Aguas Clientes, hoặc khi bạn hỏi về một hồ muối nước nóng “Salar de Aguas Calientes” thì bạn phải cho biết là bạn muốn hỏi về “hồ muối nước nóng” nào, vì có đến ba “hồ muối nước nóng” trong địa bàn. Bạn cũng phải để ý “Salar de Talar” khác hẳn với “Salar de Tara” hay “Laguna Tara.” Hai địa danh này khá gần, chỉ cách xa nhau khoảng cách như “đêm ngày! ”

Salar de Tara nằm trên độ cao 4,860 mét, đây được xem là một địa danh “cao nguyên sa mạc” cao nhất ở Atacama và cũng cao nhất thế giới. Độ cao cũng là một trở ngại cho những ai không chịu đựng được độ cao vì càng lên cao, độ loãng của oxygen càng nhiều khiến bạn cảm thấy dần dần nhức đầu khó thở. Cảm giác này khó mà có thể diễn tả cho người khác hiểu được cảm giác nhức đầu khó thở khi thiếu oxygen như thế nào vì tùy theo cơ thể chịu đựng của mỗi người mà cảm nhận sự nhức đầu khó thở khác nhau. Bạn cần biết tập hít thở cho đúng cách hoặc bạn nên đem theo một bình oxygen nhỏ phòng hờ.


Dãy núi Cathedral de Tara. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Từ thành phố San Petro de Atacama (một thành phố nhỏ nằm phía Bắc thủ đô Santiago) để đến được Salar de Tara, bạn lái xe về hướng Đông của highway 27. Đây là con đường nối liền ba xứ Chile, Bolivia, và Argentina, đồng thời cũng là con đường đưa bạn băng ngang qua những ngọn núi lửa nổi tiếng của dãy núi Andes.

Trên đường đi, bạn sẽ có dịp đến gần chân ngọn núi lửa nổi tiếng và đẹp nhất là ngọn Licancabur. Tôi ưa thích ngọn núi này một phần vì nó có hình dáng như ngọn núi Phú Sĩ của xứ Phù Tang, nhưng nó cao hơn Phú Sĩ nhiều, Phú Sĩ cao 3,776 mét còn Licancabur cao đến 5,920 mét.

Ngọn Phú Sĩ nổi bật trên nền trời vì chung quanh nó không có ngọn núi cao nào để so sánh với nó. Nhưng chung quanh Licancabur thì khác hẳn, có rất nhiều ngọn núi lửa khác vây quanh. Nhờ thế mà người ta mới nhận thấy nét đẹp của nó khi so sánh Licancabur với các ngọn núi chung quanh.

Người đẹp Tây Thi nước Việt xưa kia có đẹp, chắc hẳn là vì nàng đã được so sánh với những người con gái cùng thôn. Còn nếu thế giới chỉ có duy nhất một thiếu nữ trên cõi đời, dù nhan sắc nàng như thế nào chăng nữa thì tôi tin chắc người thiếu nữ đó vẫn là mỹ nhân của tất cả phái nam. Núi Phú Sĩ nằm trong trường hợp này!

Xứ Phù Tang không có ngọn núi nào chung quanh Phú Sĩ nên người ta cho Phú Sĩ là đẹp. Nhưng nếu đem Phú Sĩ so với các ngọn núi lửa trên thế giới thì tôi vẫn cho ngọn núi Cotopaxi của Ecuador là một ngọn núi cao có hình dáng rất đẹp.

Ngọn Licancabur tuy nhỏ và trên đỉnh không có nhiều tuyết nhưng lại có một vóc dáng cân đối nổi bật trên trời không. Đứng từ Moon Valley (cũng ở khu vực hoang mạc Atacama) nhìn về không gian của Licancabur trên nền trời xanh thẫm quả là một hình ảnh tuyệt đẹp. Thế mới biết thế giới này còn rất nhiều ngọn núi đẹp mà chúng ta chưa có dịp biết đến.


Hiking dọc theo dãy núi Cathedral de Tara. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Dưới chân ngọn Licancabur, một dòng sông nhỏ do tuyết tan chảy lững lờ theo chiều thoai thoải của bình nguyên sa mạc. Cả một khu hoang mạc tưởng như khô cằn đó bỗng dưng sinh động nhờ vào dòng nước nhỏ chảy qua. Những đám cỏ cộng lẫn với rêu xanh là nơi những đàn chim, những “con vịt trời của vùng Atacama” tụ về đây tắm lội quây quần tìm kiếm thức ăn tạo ra một không gian lạ lẫm giữa một hoang mạc khô cằn.

Salar de Tara chỉ cách thị xã San Petro de Atacama hơn trăm cây số. Vượt qua chân núi Licancabur là bạn đã đi được khoảng nửa đường. Cổng vào Salar de Tara chỉ là một bức tường nhỏ, thông tin cho bạn biết đã vào khu vực “bảo tồn quốc gia Los Flamencos.”

Hình ảnh đầu tiên của Salar de Tara tạo cho bạn những ấn tượng lạ lùng khi nhìn thấy những tảng đá cao đứng sừng sững cô độc trên một vùng sa mạc hết sức rộng lớn hoang vu. Những tảng đá này không nằm gần nhau, chúng rời rạc và tạo hóa điêu khắc ra chúng với nhiều hình thù “lạ mắt,” tha hồ cho bạn thả hồn theo trí tưởng tượng của mình.

Một trong những tảng đá đó, lạ lùng nhất là tảng đá cao lớn như một tảng thạch trụ, cao có đến 30 mét đứng giữa sa mạc, người địa phương gọi là tượng đá Packaramon. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể hình dung ra một hình tượng Linga trong Ấn Độ Giáo do tạo hóa đẽo gọt và đặt đứng giữa sa mạc, nối liền giữa cha trời và mẹ đất để sinh ra con người.

Từ Packaramon vào đến hồ muối Salar de Tara, bạn còn phải ngồi trên xe chạy trên sa mạc khoảng gần 25 cây số mới đến điểm xuống xe đi bộ vào khu vực hồ muối. Đoạn đường sa mạc tuy hơi cực nhọc nhưng lại là dịp để bạn cảm nhận được không gian đồi núi sa mạc sỏi đá chung quanh.

Thường thì nói đến sa mạc là người ta hình dung ngay đến các ngọn đồi cát nóng bỏng với ánh nắng mặt trời nóng gay gắt hay cái lạnh cắt da ban đêm. Nhưng khu vực sa mạc Salar de Tara không có đồi cát mà chỉ có toàn sỏi đá, một phần sỏi đá này được hình thành từ núi lửa.

Tôi vô tình nhặt được một viên đá Obsidian (đá vỏ chai) màu đen tuyền còn nguyên vẹn, cất giữ đem về làm kỷ niệm. Đây là loại đá mà người thổ dân thuở xa xưa thường đẽo gọt các miếng đá obsidian này làm thành các loại vũ khí sắc bén như búa rìu, đầu lao để đi săn bắn hay tự vệ.

Khi có dịp đến Easter Island (đảo Phục Sinh) tôi cũng thấy loại đá này được thổ dân ngày xưa ở đây sử dụng. Con người từ thuở xa xưa đã có những điểm học hỏi lẫn nhau, học tự bao giờ và làm thế nào để họ “học lóm nhau” vẫn là công việc tìm hiểu của các nhà khảo cổ học. Bây giờ đá obsidian đen tuyền được đẽo gọt dùng làm đồ trang sức thời trang cho phụ nữ.


Pho tượng Packaramon hay Linga giữa đất trời sa mạc.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Để vào hồ muối Salar de Tara, nếu có sức khỏe, bạn nên xuống xe và đi bộ dọc theo dãy núi Cathedral of Tara để thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên mà tạo hóa đã vẽ ra cho bạn. Cathedral of Tara là tên của dãy núi dài gần 3 cây số có những tảng núi cao xếp đặt đứng liền nhau, trông giống như các tháp nhọn nhà thờ, có lẽ vì thế người ta mới đặt tên là Cathedral de Tara.

Dãy núi này chạy dài vào đến tận hồ muối. Tôi tìm đứng lên trên một điểm cao, có dịp nhìn các đoàn người li ti di chuyển bên chân dãy núi và xa xa là hồ muối Salar de Tara. Hình ảnh tuyệt đẹp này khiến cho tôi nhận thấy ngay ra điểm không gian khác biệt giữa hồ muối Salar de Tara và các hồ muối khác của khu vực Atacama.

Tưởng chừng như giữa khoang mạc khô cằn, chỉ có trời – núi – sỏi đá và hồ muối cạn, không có sinh vật nào có thể sinh sống được. Nhưng tôi đã lầm, đi lần xuống gần hồ muối bạn sẽ bắt gặp được các đàn Llamas Vicuna đang thơ thẩn tìm ăn. Chúng là những loại lạc đà nhỏ không bướu, chúng chỉ sống trên độ cao 2,500 mét và được chính quyền bảo vệ cho chúng không bị con người giết hại. Giữa hồ, đàn chim hồng hạc Flamingo có đến hàng ngàn con bay về tìm thức ăn, tạo cho không gian Salar de Tara trở nên hết sức sinh khí thơ mộng dễ thương.

Một bữa ăn trưa giữa cánh đồng sa mạc với đất trời, vừa ăn vừa ngắm nhìn màu sắc nâu nhạt của dãy núi bao quanh hồ muối cộng lẫn màu đỏ nổi bật của dãy núi Cathedral de Tara. Thưởng ngoạn cảnh những con Llamas, Vicuna cắm cúi nhai thức ăn của chúng bên bờ hồ với màu xanh của cỏ, màu trắng của muối, màu vàng của đất, màu nâu thẫm đỏ của núi. Thêm vào đó, không gian hồ muối màu xanh lam và đàn chim hồng hạc tạo cho người thưởng ngoạn một hình ảnh rất thi vị thần tiên. Đẹp nhất là lúc đàn hồng hạc cùng nhau tung cánh bay chuyển đổi vị trí trên hồ. Không gian đó tưởng chừng như chỉ có trong tiên cảnh của những câu chuyện thần tiên.

Nếu bạn thích mạo hiểm, thích hiking, thích cảnh sắc thiên nhiên và sự tĩnh lặng của bạn và trời đất. Salar de Tara là một địa danh rất đáng đến mà bạn không thể thiếu trong hành trình du lịch của bạn.

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân