TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - 50 năm bài diễn văn nhớ đời của cố HT Thích Thiên Ân
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

50 năm bài diễn văn nhớ đời của cố HT Thích Thiên Ân

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sun Apr 16, 2017 4:05 am    Tiêu đề: 50 năm bài diễn văn nhớ đời của cố HT Thích Thiên Ân



50 năm bài diễn văn nhớ đời của cố HT Thích Thiên Ân


      50 năm bài diễn văn nhớ đời của cố HT Thích Thiên Ân
      Giở chồng sách cũ (bài 2)

      Chúng ta, dù trong nước hay ở Hoa Kỳ, chắc không ai xa lạ gì với tên tuổi của Cố HT THÍCH THIÊN ÂN (1925-1980), vị tăng sĩ đầu tiên của Việt Nam hoằng dương Phật pháp tại Hoa Kỳ; cho đến bây giờ ở Los Angeles ít ai mà không biết đến Trung tâm Thiền Viện Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) ở South New Hampshire do Ngài thành lập từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.

      Thế nhưng ít ai biết rằng câu phương châm “MỘT NỀN GIÁO DỤC DÂN TỘC, NHÂN BẢN VÀ KHAI PHÓNG” mà sau này các nhà giáo dục VNCH xem là kim chỉ nam cho cả nước, là một câu đã trích trong bài thuyết trình của ngài đọc ngày 07-9-1966 tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ, trình bày về đường hướng giáo dục của Phân khoa Văn-Khoa, Đại học Vạn Hạnh, Saigon, lúc đó ngài là Khoa trưởng.

      Ngài là một trong các Cao tăng lỗi lạc của VNCH đã góp công góp sức cho Phật giáo VN & thế giới nói riêng và giáo dục VNCH nói chung. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Văn khoa (Ở Nhật gọi là Văn học Bác sĩ) hạng tối danh dự với lời ban khen của Hội đồng giám khảo Đại học Waseda năm 1961, một đại học danh tiếng của Nhật Bản thời đó. [Chưa kể đến việc Tổng hội Phật giáo Nhật Bản đã vinh danh ngài bằng một đại yến, vì ngài là người đầu tiên của thế giới đậu bằng Văn học Bác sĩ từ khi đại học này thành lập năm 1882]. Về nước, cho tới khi Giáo hội PGVN thống nhất được hình thành 1964, ngài dạy đại học văn khoa Saigon và Huế. Rồi khi Viện Đại học Vạn Hạnh được Giáo hội PGVN chính thức thành lập năm 1964 trên cơ sở Trường Cao đẳng Phật học, và bổ nhiệm Cố HT Thích Minh Châu (1920-2012) làm Viện trưởng. [Cố HT Thích Minh Châu, tốt nghiệp Tiến sĩ Văn học Pàli đại học Bihar, Ấn Độ, được xem là Nalanda mới, với hạng Tối danh dự với lời ban khen của hội đồng giám khảo; và được đích thân Tổng thống Ấn Độ thời ấy trao văn bằng]. Hai phân khoa quan trọng của Viện đầu tiên được ra đời: Phân khoa Phật học và Phân khoa Văn học &Khoa học Nhân văn (gọi tắt là Văn khoa) ; và Cố HT Thích Thiên Ân được bổ nhiệm Khoa trưởng của Văn khoa.

      Trong bài thuyết trình “Chương trình và Đường hướng Giáo dục của Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh” ngày 07-9-1966 nói trên, được đăng nguyên văn trên tạp chí Vạn Hạnh số 18, tháng Mười Một 1966, gồm 12 trang khổ lớn 23cm x 15cm, ngài trình bày chi tiết về Phân khoa mới mở này.
      Sau đây là vài đoạn quan trọng trong bài thuyết trình của ngài.

      Mở đầu, ngài nói:

     “Thưa quí vị,
      Một học giả Á đông, thi hào Rabindranat Tagore đã nói: “Nếu người Tây phương hãnh diện với nền văn minh cơ khí, dựa trên tiêu chuẩn chinh phục thiên nhiên vũ trụ, phục vụ con người bằng những điều kiện vật chất, thì nền văn minh Đông phương, trong đó có văn minh Ấn Độ, được bao bọc và trưởng thành trong một hoàn cảnh thiên nhiên rộng lớn, chú trọng triệt để về phương diện tinh thần, xem con người và vũ trụ là một bản nhạc hòa tấu linh động. “
     
Các đoạn tiếp theo.

      (...) Trong các yếu tố cấu tạo nên nền văn minh Đông phương với những màu sắc độc đáo rực rỡ của nó, phải nói rằng Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo là những yếu tố quan trọng. Cũng vì lý do này nên có nhiều học giả đã nói: Văn minh Đông phương là một văn minh xây dựng nền tảng trên quan điểm Đạo học Tam giáo với truyền thống dung thông hòa hợp giữa tâm và vật, giữa tình và lý, giữa vật chất và tinh thần.

     Được soi sáng và hướng dẫn trong truyền thống Đông phương ấy, Việt Nam chúng ta đã trải qua bốn ngàn năm văn hiến đã duy trì được nền văn minh cố hữu độc đáo của mình, một nền văn minh mà chúng ta thường gọi và Văn minh Tam giáo tổng hợp.

      Viện Đại học Vạn Hạnh tuy là một cơ quan giáo dục Cao đẳng của Phật giáo, nhưng ở nước ta khi nói đến Phật giáo là nói đến dân tộc; khi nói dân tộc là nói đến cộng-đồng-thể của những người cùng nói giống trong địa hình chữ S và cùng hấp thụ trong truyền thống lịch sử cũa tư tưởng Tam giáo.

      Cũng bởi lẽ ấy nên mục đích và đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là: “thực hiện một nền giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng (*) để đóng góp thực sự vào việc xây dựng văn học dân tộc và nhân loại. ”

      Phân khoa Phật học và Phân khoa Văn học & Khoa học Nhân văn (gọi tắt là Văn khoa) là một trong các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh, vì thế Phân khoa cũng nhắm đến mục đích và đường hướng giáo dục tổng quất ấy của Viện.

      Chúng tôi quan niệm rằng: bất cứ nền giáo dục của một quốc gia hay một Viện Đại học nào, nếu không hướng đến mục đích phát huy truyền thống quốc gia và phục vụ xứ sở thì nền giáo dục ấy chỉ là một nền giáo dục hướng ngoại, vong bản, không có lợi ích gì cho quốc-gia dân-tộc cả.

      (...) Cũng vì những lý do trên, nên Viện Đại-học Vạn-Hạnh nói chung, Phân khoa Phật học và Phân khoa Văn học & Khoa học Nhân văn nói riêng, nhắm đến tiêu chuẩn “thực hiện một nền giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng (*) để đóng góp thực sự vào việc xây dựng văn học dân tộc và nhân loại. ”.

      Sau khi trình bày các chi tiết chương trình giáo dục của Phân khoa Văn học & Khoa học Nhân văn với 5 loại văn bằng sẽ cấp phát:

      1- Cử nhân giáo khoa Văn học
      2- Cử nhân giáo khoa Triết học
      3- Cử nhân giáo khoa Nhân văn & Xã hội
      4- Cử nhân giáo khoa Sử Địa
      5- Cử nhân Văn khoa tự do.

      Thượng tọa Khoa trưởng Thích Thiên Ân – mà lúc này cũng là giáo sư kiêm Trưởng Ban Sử học của Đại học Văn khoa Saigon – kết luận như sau:

      (...) Thưa Quí vị, với sự thiếu thốn về tài chánh, với sự trẻ trung về lịch sử và với sự thô sơ về cách thức tổ chức quản trị, chúng tôi chưa bao giờ dám có cao vọng biến Viện Đại học Vạn-Hạnh thành một Viện Đại học tư lập danh tiếng như đại học Oxford, Cambridge ở Anh quốc, hay đại học Harvard, Columbia ở Hoa Kỳ, hay đại học Waseda, Keio ở Nhật Bản. (*) Tuy nhiên, nếu được các giới trí thức, giáo sư, sinh viên, các nhà hảo tâm ở quốc nội và quốc ngoại, nhất là các cơ quan văn hóa giáo dục công và tư cộng tác giúp đỡ cho về phương diện tinh thần vật chất, thì với tinh thần vô tư phục vụ, với đường hướng tôn trọng và khuyến khích những sáng tạo của cá nhân và tập thể sẵn có, Viện Đại học Vạn-Hạnh nói chung, Phân khoa Phật học và Phân khoa Văn học & Khoa học Nhân văn nói riêng sẽ đóng góp được một phần quan trọng trong công cuộc “xây dựng một nền quốc học vững mạnh.

      Chúng tôi xin chấm dứt bài thuyết trình này với một niềm tin tưởng thiết tha đối với tương lai của Viện Đại học Vạn Hạnh và tiền đồ của tổ quốc Việt Nam. ”


      Hết trích.

      (*) Chúng tôi cho in đậm nét (ĐKP).

      Chúng tôi cũng xin được mở ngoặc nói thêm:

      1- Hiện diện và theo dõi bài thuyết trình nói trên, ngoài quí vị khoa trưởng và giáo sư đại học đang giảng dạy ở Saigon, còn có GS Trần Ngọc Ninh (sinh 1923), Tổng Ủy viên Văn hóa & Giáo dục của Chánh phủ (lúc đó tên gọi là: Ủy Ban Hành pháp Trung ương, đứng đầu là Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011). GS Trần Ngọc Ninh, một chuyên viên hàng đầu về giải phẫu chỉnh hình của Đông Nam Á, được báo chí và giới trí thức khoa bảng thời đó mô tả là một vị tổng trưởng xuất sắc nhất của VNCH từ 1954 trở lại, không những về công sức đóng góp cho nền giáo dục nước nhà mà ở chỗ: tất cả diễn văn của ông do chính ông soạn chứ không phải được viết sẵn bởi SPEECH WRITER.

      2- Bài thuyết trình noí trên cùng với chương trình giảng dạy cho 5 văn bằng cử nhân của Phân khoa Văn học & Khoa học Nhân văn do cố HT Thiên Ấn soạn thảo, lúc đó, cũng được giới học giả, trí thức khoa bảng và các nhà làm giáo dục đánh giá là một bài thuyết trình xuất sắc nhất của một Khoa trưởng Văn khoa kể từ khi thành lập Đại học Văn khoa Việt Nam đầu tiên năm 1949 ở Hà Nội.

      3- Sau cùng, chúng tôi xin cáo lỗi là không gõ thêm các dấu gạch nối (hyphen) đối với các tự-ngữ kép trong toàn văn bài thuyết trình của cố hòa thượng - một đức tính quí báu của các nhà biên khảo thời VNCH khi mà chánh phủ và các học giả đang ra sức làm việc cho bộ ĐIỂN CHẾ VĂN TỰ, đặt nền móng cho Việt ngữ mến yêu của chúng ta.

     [b] CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU.
[/b]
      Tây đô, chiều nhạt nắng.
      Chủ nhật, 16-4-2017
      ĐKP



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân