TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cỗ xe ngựa miền Viễn Tây
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cỗ xe ngựa miền Viễn Tây

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9669

Bài gửiGửi: Sat Mar 25, 2017 10:18 pm    Tiêu đề: Cỗ xe ngựa miền Viễn Tây
Tác Giả: Sean Bảo

Cỗ xe ngựa miền Viễn Tây


Vào những năm tháng hoang sơ thế kỷ 18, khi phương tiện đi lại của nước Mỹ rộng thênh thang này chỉ có bằng vó câu, khi con đường sắt chưa lót, con đường nhựa chưa có, thì nối liền nơi chốn bao la chỉ dựa vào những bánh xe thô sơ, lăn trên đường đất đầy gió bụi gập ghềnh.

“Trườn qua thung lũng, trèo qua đồi cao, tung tóe suối reo, rầm rầm qua xưởng; đặt chàng trai trên ghế cao cuồng nộ. Háo hức thay khi lái cỗ xe này!

Những bà cô sồn sồn, những nàng hầu trẻ măng, bất ngờ ngồi bên nhau, sơ giao thành láng giềng; trẻ con vui như sóc trong lồng. Vui thú làm sao khi đi chuyến xe này!

Chân giò tréo nhau, đầu va cụng đầu, bạn và thù chạm mũi nhau; áo quần nhàu như thảm, cùng nghe lời minh triết: Cuộc đời như chuyến xe.”

Ðó là những dòng tả về chuyến đi trên cỗ xe Stagecoach trong bài Six Horses của William Banning và George Hugh Banning, 1928.


Charley Parkhurst


Người Mỹ gọi Stagecoach vì “stage” nghĩa là khoảng cách giữa mỗi trạm đường trong lộ trình xe chạy, và “coach” là xe ngựa. Ðầu thế kỷ 18, dựa theo những cỗ xe ngựa ở Châu Âu, người Mỹ đã cải tiến thêm cho Stagecoach, dùng xe để vận chuyển đi lại giữa các thành phố, bắt đầu ở New England năm 1744. Từ New York đi đến Philadelphia, thời đó xe đi mất 3 ngày. Sau đó xe được cải thiện đi nhanh hơn, chỉ còn 2 ngày, người ta gọi là Flying Machine – Cỗ xe có cánh. Xe thường xuyên dùng chở thư, tiền bạc và khách hàng. Ðến năm 1829 thì Boston là trạm chuyển cho hơn 77 chuyến xe và 3 năm sau thì tăng lên 106 chuyến.

Abbot Downing là công ty đầu tiên chế ra cỗ xe ngựa năm 1827 gọi là Concord Stagecoach. Nhiều sợi dây da dày bọc lót dưới xe giúp cho xe “đong đưa” êm ái hơn là bộ nhún giảm xóc bằng lò xo. Mỗi xe nặng chừng 1 tấn và giá từ 1,500 đến 1,800 đô la thời ấy. Thùng xe có 2 băng ghế chở đến 9 hành khách, trước mui xe là 1 băng ghế cho người tài xế điều khiển ngựa và người ngồi cạnh, thường mang cây súng dài để bảo vệ chống các vụ cướp bóc, tấn công của các băng đảng và người da đỏ. Trần xe chứa hành lý và cả hành khách ngồi ngoài hay phía sau xe với giá rẻ.


Lộ trình xe ngựa của Công Ty John Butterfield


Công ty chế thêm 40 kiểu xe khác nhau cho ngựa kéo, các sản phẩm tạo nên uy tín với phẩm chất cao làm khách hàng tin cậy với khẩu hiệu “xe có thể hao mòn chớ không hư hỏng giữa đường.” Hơn 700 xe được chế tạo dùng trong nước Mỹ và ngay cả xuất cảng sang Canada, Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Úc. Nhà văn Mark Twain đã gọi cỗ xe này là “a cradle on wheels”- Cái nôi trên những bánh xe”. Mô tả sự êm ái và thoải mái của xe.

Dù vậy Stagecoach thường xuyên được dùng cho chở thư, tài liệu công sở, song song với dịch vụ chuyển thư nhanh Pony Express, mỗi chuyến thư 2,800 dặm từ Missouri đến California mất khoảng 25 ngày. Với đường dài như vậy, nhiều trạm nhỏ gọi là “swing” được xây dựng cách nhau 12 dặm. Khi xe gần đến trạm này thì tài xế sẽ thổi còi trumpet để báo trước, trạm chuẩn bị cho hàng hóa, hành khách... Cách 50 dặm thì có trạm lớn gọi là “home station”, nơi cung cấp thức ăn và phòng ngủ qua đêm. Ða phần là ngủ trên sàn gỗ lấm bụi đường. Những nơi này thường có trang trại thay đổi ngựa và thợ lò rèn, hàn móng ngựa hay sửa chữa xe. Vài nơi có trạm bưu điện chuyền dây thép telegraph, những nơi này các tài xế cũng thay phiên.


Cỗ xe Concord Stagecoach. ảnh tư liệu của Wells Fargo History


Các tài xế của cỗ xe ngựa này là những tay cao-bồi xuất sắc, già dặn kinh nghiệm và khỏe mạnh. Cương ngựa và dây roi quất ngựa được dùng thành thạo để điều khiển nhóm ngựa 4 đến 6 con qua bao địa hình trắc trở. Roi quất ngựa là vật bất ly thân của các tài xế. Roi được làm bằng da hoẵng, cán bọc bạc, có chạm trổ và quý như vàng. Roi không bao giờ bán đi, cho mượn hay trao đổi. Roi được lau chùi bằng dầu láng và cất giữ cẩn thận. Trái ngược với các hình ảnh trong phim Viễn Tây, tài xế ít khi sử dụng ngọn roi vung mạnh, bởi chúng làm thành âm thanh như tiếng súng, làm giật mình hành khách và cả nhóm ngựa kéo. Họ được nể trọng và trả lương cao nhất: 125 đô một tháng cùng chi phí ăn ngủ. Họ phải giữ lời thề đầy tín nhiệm bởi vận chuyển vàng bạc và thư từ quan trọng, được chứa trong hòm nhỏ bằng sắt có khóa, đặt dưới chân tài xế ở băng ghế trước. Họ thường xuyên đi vào vùng nguy hiểm như khu hầm mỏ, nhà băng, đèo heo hút gió. Họ là đối tượng của các vụ cướp bóc, nên tài xế thường là tay Shotgun thiện xạ.

Charley Parkhurst là một tay lái xe ngựa nổi tiếng nhất thời ấy, còn được biết với biệt danh “Charley Một Mắt”, “Charley Sáu Ngựa”. Sinh ra ở New Hampshire, Charley mồ côi hồi nhỏ, 12 tuổi bỏ nhà cải trang làm con trai đi làm các trang trại chăn ngựa, sau đó theo lời bạn bè đến California làm lái xe stagecoach. Thời ấy một người phụ nữ thật hiếm hoi nơi chốn bụi đời miền Tây, nơi là thế giới của đàn ông. Charley dần dà nổi tiếng gan dạ và thành thạo trong hàng trăm chuyến đi xa, trở thành “master whip”, tay tổ cương ngựa của miền Viễn Tây. Một mắt bị ngựa đá làm chột nên Charley đeo miếng da đen quanh mắt, mặc áo quần dày ca-rô, thường xuyên đeo găng tay, mùa hè cũng như mùa đông để che giấu bàn tay phụ nữ, nhai thuốc lá, đánh bài, bắn súng và uống whiskey như nước lã... Charley gồ ghề như một chàng cao-bồi thực thụ mà giới “giang hồ” không mảy may nghi ngờ.


Bia mộ của Charley Parkhurst


Một lần bão lớn khi xe qua chiếc cầu... bằng gỗ ván đã lung lay, nước lũ cuồn cuộn. Bỏ mặc lời khuyên nên quay xe, Charley liều lĩnh và khéo léo đánh xe qua cầu an toàn trước khi chiếc cầu bị rơi và cuốn vào dòng nước. Lần khác đường dốc cheo leo, xe nghiêng quăng Charley xuống đường, tay vẫn còn cầm chắc dây cương Charley tiếp tục chạy theo kìm cương 6 con ngựa hung hãn...

Trong 20 năm làm tài xế, chỉ có 2 lần Charley bị cướp. Lần đầu tiên Charley phải buộc bỏ rương chứa tiền xuống đất vì không mang súng, lần thứ nhì khi bị băng cướp nổi tiếng “Sugerfoot” chận đường, Charley bắn vỡ ngực một tay cướp rồi vung cương quất ngựa đi nhanh, bỏ lại bụi mù và bọn cướp sau lưng. Tên tuổi Charley vang dội làm các băng cướp né tránh. Khi được một hành khách hỏi: “Làm sao anh có thể thấy đường trong bụi mù?” Charley đáp: “Tôi ngửi! Thường xuyên đi qua núi rừng, tôi có thể nhận biết con đường qua âm thanh của tiếng bánh xe, khi bánh xe lạch cạch tôi biết là đang trên đường đất, khi không nghe gì, tôi liếc qua bên nhìn biết đang đi đâu... ” Charley bị ung thư và sống lặng lẽ cuối đời ở Watsonville, California. Ðến lúc chết, ngày 18 tháng 12 năm 1879, sau 30 năm vang lừng trên lưng ngựa, khi chôn cất người ta mới biết Charley là phụ nữ.


Chuẩn bị lên đường!


Một điều thú vị trong lịch sử là Charley đã ghi danh bầu cử ở California vào năm 1868, Charley thực sự là người phụ nữ đầu tiên tham gia bầu cử gần chục năm trước khi phong trào nữ quyền đòi bầu cử tại Mỹ vào năm 1920 sau này. Ngày nay ở Trạm chữa cháy ở Soquel, California nơi Charley đi bầu còn có tấm biển đồng và trên bia mộ của bà ghi lại chi tiết lịch sử này.

Có nhiều chuyến xe và nhiều công ty trải khắp miền Ðông-Tây, Nam-Bắc nước Mỹ. Nhưng nổi tiếng nhất là Công ty chuyển thư đường bộ Holladay, John Butterfield và Wells Fargo cùng American Express. Công ty John Butterfield, là Công ty mẹ của American Express và Wells Fargo. Lúc đầu vận chuyển thư, tiền bạc giao dịch mua bán và hành khách, bắt đầu từ St. Louis Missouri kéo dài xuống phía Nam qua Texas, chạy dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ về California. Với chặng đường dài 2,800 dặm được chia làm 9 khu vực. Vé cho mỗi hành khách là 200 đô la, mất 24 ngày để đến chặng cuối.


Tranh vẽ cỗ xe Charley.


Từ Missouri đi về Arkansas thì con đường thoai thoải đồng bằng, khi đi về Texas đến California thì đèo dốc sông suối trắc trở nhọc nhằn. Nhiều xe chở tiền bị cướp hay bị người da đỏ tấn công. Ðến thời kỳ vàng được tìm thấy ở California thì lộ trình càng gặp nhiều vụ xô xát. Chính phủ phải gởi kỵ binh ở Kansas đến hộ tống trong nhiều chặng đường. Khi cuộc nội chiến nổ ra năm 1861, hai phe Nam Bắc phân chia, đường vận chuyển xe ngựa về phía Nam bị chia cắt, quân chính phủ miền Nam Confederate kiểm soát. Sau khi đường hỏa xa hoàn tất các chuyến xe này gián đoạn và chấm dứt. American Express và Wells Fargo chuyển qua làm dịch vụ ngân hàng, tài chính và thẻ tín dụng cho đến ngày nay. Riêng huyền thoại về những chuyến xe Stagecoach vẫn còn mãi.

Ngày nay rải rác trong các tiểu bang nơi cỗ xe Stagecoach ngày xưa đi qua vẫn còn nhiều trạm được bảo tồn, làm chứng tích cho một thời trải vó trên dặm trường gió bụi.

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Vâng! có một thuở như thế trên nẻo đường miền Viễn Tây, những lối xưa xe ngựa mang nặng hồn phiêu bạt của di dân và những câu chuyện cũ không bao giờ phai.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân