Gửi: Tue Aug 16, 2016 11:46 pm Tiêu đề: Cam thảo rất có lợi cho sức khỏe
Cam thảo rất có lợi cho sức khỏe
Khi nói đến “licorice” [cam thảo] hầu hết mọi người sẽ nghĩ về một loại kẹo dây dẻo màu đen một thời trước đây. Nhưng cam thảo cũng là một loại cây thuộc họ đậu và đậu lăng, rễ của nó là một trong những loại thảo mộc phổ biến và quan trọng bậc nhất ở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp, Ấn Độ, và Trung Quốc.
Điều ấn tượng nhất về rễ cam thảo là vị ngọt, ngọt hơn đường khoảng 50 lần. Người Trung Quốc gọi nó là “gān cǎo” (cam thảo – có nghĩa là thảo mộc ngọt). Từ “licorice” là một biến thể ngữ âm qua hàng thế kỷ của từ glyrrhiza, một từ gốc Hy Lạp chỉ một loại cây, có nghĩa là “rễ ngọt.”
Nếu bạn yêu thích mùi hương đậm đặc của hoa hồi, thì cam thảo là một trong những hương liệu tốt nhất. Cam thảo được tìm thấy trong hầu hết các bài thuốc thảo dược cổ truyền do tác dụng khử mùi hôi khó chịu của các loại thảo mộc khác.
Trong y học cổ Trung Quốc, đặc tính ngọt và dịu của cam thảo giúp nó hòa hợp với các thảo mộc khác một cách hoàn hảo, và đó là lý do tại sao nó được tìm thấy trong rất nhiều bài thuốc cổ truyền Trung Quốc. Theo y học cổ Trung Quốc, việc bổ sung một lượng nhỏ cam thảo làm tăng hiệu quả của bài thuốc và giảm thiểu các tính chất độc hại tiềm ẩn của các loại thảo mộc khác, ngăn ngừa các tác dụng phụ không mong muốn.
Tác dụng kháng viêm
Hình minh họa Cam thảo trong “Icones plantarum, ” bởi F.B. Vietz, 1804. (Public Domain)
Một trong những nhược điểm lớn của đường là nó gây sưng viêm. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, vị ngọt của cam thảo đã được sử dụng để làm mát chỗ viêm và làm dịu viêm mô niêm mạc bị kích thích. Trong đường tiêu hóa, cam thảo được sử dụng để điều trị các triệu chứng như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột bị rò rỉ, viêm gan, và trào ngược axit.
Cam thảo cũng được sử dụng cho điều trị bệnh viêm phổi. Thảo mộc này là một thành phần phổ biến trong xi rô ho tự nhiên vì nó giúp giảm cơn ho và long đờm. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet ấn bản tháng 6 năm 2003, cam thảo đã được sử dụng để ức chế virus SARS.
Một công dụng khác của cam thảo là giải độc. Cam thảo đã được chứng minh tác dụng giảm thiểu các tác động độc hại và viêm của aspirin, strychnine, cocaine, cà phê, thuốc lá, và các chất khác.
Tác dụng cân bằng hormone
Cam thảo được ghi nhận có ảnh hưởng tốt đến chức năng nội tiết tố, đặc biệt là ở các tuyến thượng thận – các tuyến nhỏ xíu xếp chồng trên thận, nơi sản sinh ra các hóa chất giúp điều chỉnh phản ứng căng thẳng của chúng ta.
Cam thảo được xem là một trong các loại thảo mộc tốt nhất để điều trị sự kiệt sức thượng thận và cũng được sử dụng trong điều trị bệnh Addison (một tình trạng mà trong đó các tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone), và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), được đặc trưng bởi tình trạng dư thừa nội tiết tố androgen.
Bởi vì nó có những tác dụng cân bằng hormone, cam thảo được sử dụng để điều trị sự phụ thuộc vào steroid, giúp bệnh nhân dần dần từ bỏ việc sử dụng các loại thuốc mạnh này với ít tác dụng phụ. Nó cũng được sử dụng để điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), và các triệu chứng khác liên quan đến hormone.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra nhiều công dụng khác của cam thảo, như điều trị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú, tăng cường khả năng miễn dịch.
Các vấn đề an toàn
Cam thảo là một loại thảo dược adaptagen, có nghĩa là nó giúp cơ thể thích ứng tốt hơn với stress. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các loại thảo mộc adaptagen khác như nhân sâm, ashwagandha, và maca, là những thảo mộc được khuyến cáo sử dụng với liều cao trong thời gian dài – chìa khóa để sử dụng cam thảo một cách an toàn là không dùng nó quá nhiều.
Hoạt chất tạo vị ngọt trong cam thảo có tên là glycyrrhiza có thể gây khó chịu và các tác dụng phụ nguy hiểm tiềm tàng khi dùng liều cao kéo dài.
Glycyrrhiza được biết đến làm tăng huyết áp và làm suy giảm kali, vì vậy những người bị phù nề, có các vấn đề nghiêm trọng về gan, hoặc mắc bệnh tim nên được theo dõi chặt chẽ bởi chuyên gia y tế khi sử dụng cam thảo. Giữ cho lượng muối thấp và lượng kali ở mức cao có thể giảm thiểu những tác động này. Nước dừa, bơ và các thực phẩm giàu kali khác được khuyên dùng khi sử dụng cam thảo thường xuyên.
Nhằm tối đa các tác dụng chữa bệnh tích cực của cam thảo và giảm thiểu các tác dụng phụ, các nhà sản xuất đã cho ra đời một sản phẩm được loại bỏ hầu hết hoạt chất glycyrrhiza của rễ cây. Được biết đến với tên gọi licorice deglycyrrhized (DGL).
Tuy vậy, glycyrrhiza được chứng minh là cũng có tác dụng trị liệu, và đó là lý do tại sao nhiều nhà nghiên cứu về thảo dược vẫn thích sử dụng chiết xuất của toàn bộ rễ thay vì DGL. Trong cuốn sách “Principles and Practice of Phytotherapy: Modern Herbal Medicine” (Những nguyên tắc và thực tiễn của Liệu pháp thực vật: Thuốc thảo dược hiện đại), nhà nghiên cứu về thảo dược Simon Y. Mills và Kerry Bone trích dẫn những phát hiện từ Nhật Bản cho thấy giá trị của việc sử dụng chiết xuất của toàn bộ rễ cây cam thảo để điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. “Bằng chứng này đã đặt ra nghi vấn về tính logic của bất cứ cách tiếp cận khác [về công dụng của glycyrrhiza]”, họ viết.
Cơ quan đánh giá thuốc thảo dược của Đức (Commission E) khuyến cáo liều lượng sử dụng với chiết xuất hoàn toàn từ rễ cây cam thảo không quá 5 đến 15 gram (0, 2-0, 5 oz) một ngày, và không nên dùng trong thời gian dài hơn sáu đến tám tuần mà không có sự giám sát của chuyên gia. Ở liều lượng thấp hơn, cam thảo an toàn cho hầu hết mọi người sử dụng cho một thời gian dài hơn.
Đối với những người dùng chất bổ sung DGL, được phép sử dụng với liều lượng cao hơn.
Cam thảo có sẵn trong thuốc viên và thuốc nước, nhưng nó cũng tạo ra một tách trà thú vị. Rễ cam thảo có thể được tìm thấy trong các loại trà thảo mộc đóng túi nhằm mục đích giải độc hoặc điều trị các bệnh tiêu hóa, ho hoặc đau họng. Rễ cam thảo trông giống như những nhánh cây nhỏ hoặc được xắt mỏng, đôi khi có bán sẵn tại các cửa hàng bán đồ Châu Á. Hãy tham khảo ý kiến của một nhà thảo dược học có trình độ để có một liều lượng sử dụng thích hợp.
Thông tin thú vị về cam thảo
Cam thảo được sử dụng tạo mùi thơm cho thuốc lá và được thêm vào bia để làm nó có bọt. Nó rất giàu các hợp chất tương tự steroid với tên gọi là saponin có đặc tính tạo bọt. Thậm chí, nó đã từng được sử dụng như một chất phụ gia tạo bọt trong bình cứu hỏa.
Kẹo cam thảo đã được phát minh bởi người Hà Lan vào thế kỷ 17, và nó nhanh chóng lan sang phần còn lại của châu Âu. Napoleon được biết đến với hàm răng đen do sở thích nhai kẹo cam thảo.
Lưu ý rằng, rất nhiều loại kẹo mang nhãn “cam thảo” nhưng lại không chứa một tí rễ cam thảo nào. Một số được làm từ dầu hạt hồi và đường để tái tạo hương vị cam thảo, trong khi một số loại kẹo có nhãn “cam thảo” khác, như Twizzlers, lại chỉ giống về hình thức. Ở Mỹ có một loại kẹo có tên “cam thảo đen” thì có chứa hương vị cam thảo thật.
Mặc dù có hương vị tương tự, nhưng cam thảo lại không thuộc họ hồi (có liên quan đến thì là). Cam thảo thực ra gần gũi hơn với hoàng kỳ, một loại trong họ thực vật adaptogen của Trung Quốc.
Tuy cam thảo ngọt và có hàm lượng calo thấp, nhưng sẽ vẫn là sáng suốt khi sử dụng các chế phẩm của nó một cách hạn chế. Năm 2011, Cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ FDA cảnh báo những người trên 40 tuổi không nên sử dụng quá 2 oz cam thảo đen một ngày do những nguy cơ gây rối loạn nhịp tim.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn